Ủng hộ VCV
Số tác phẩm
28.861 tác phẩm
2.760 tác giả
1.179
123.221.675
 
Hồn cát
Nguyễn Hiệp

Ngọn lửa. Sóng. Khỏa thân. Đường cong của đồi vú. Đường lượn của vũng eo… Hơn mười năm ôm máy chụp hình, đứng kiếm sống ở khu Mái Nhà Cát Bay này, tôi thường nghe khách du lịch, những người mang “cái túi tiền” của tôi, hay huơ chân múa tay, suýt xoa về những hình ảnh gợi từ cát, họ nói nhiều đến mức tôi cảm thấy nhàm chán. Vấn đề của tôi là khách chụp bao nhiêu hình, có chịu chơi và thanh toán sòng phẳng không. Tôi có những kiểu ảnh thuộc loại “độc chiêu” về những ngọn cát bay, về những đường lượn sóng trong mùa bấc thổi (không đẹp không lấy tiền) để khi khách không còn muốn chụp nữa thì tung ra kiếm thêm ít đồng. Một vị khách đặc biệt, người đầu tiên sau hơn mười năm tôi cầm máy, đã làm tôi lúng túng vì phải dùng đến chiêu cuối cùng mà vẫn chưa thoả mãn. -Cháu còn kiểu nào hay hay nữa không? Câu hỏi là một lời thách thức đối với một tay máy kì cựu của tụ điểm du lịch này là tôi. Nhưng chỉ như vậy không thì cũng chưa đủ lí do để tôi phải lẽo đẽo mang máy mang giỏ theo ông suốt ngày trên những đồi cát, bởi vấn đề của tôi là kiếm sống, dù trước đây, tôi đã từng đứng trên bục giảng, một nghề lãng mạn trên hết những nghề lãng mạn, dù chính tôi là người đầu tiên gọi tụ điểm đồi cát này là Mái Nhà Cát Bay, sau, ai cũng gọi theo như vậy. Ông khách tóc trắng như mây ấy làm tôi hơi rùng mình khi trong buổi chiều vắng, tự dưng ông hỏi: -Cháu tin cát có hồn không? Rồi ông tiếp: -Lắng nghe đi! Cát đang nói đó, đang kể chuyện đó, đang ca hát đó đó… Cháu có nghe không?

           

Chiều sụp xuống rất nhanh, tôi vội vàng cho hai tay vào túi đen để cắt số phim chụp dở dang trong máy đem đi tráng rọi, chợt tôi thấy ông khách tóc trắng như mây ấy đứng lặng giây lâu trên đồi cát, dường như hai má ông lấp lánh ánh hoàng hôn, nhìn kỹ, tôi biết đó là nước mắt. Tôi bước lại đứng bên ông, cố chia sẻ nỗi niềm gì đó đang trào dâng trong lòng ông già tội nghiệp. -Cát dịch chuyển thân phận kìa, cháu thấy không? Tôi nhìn vào đôi mắt ươn ướt của ông, một đôi mắt mang nhiều đường nét thời gian, đang chìm đắm xa xăm với những câu hỏi mộng du, tôi biết tôi chỉ là cái cớ để ông tìm chút vơi nhẹ nỗi niềm trong cái hồ thẳm sâu là tâm hồn ông, đang dần chìm lút bởi quá khứ sống dậy. Và tôi cũng biết người có ánh mắt đôn hậu cùng cái kiểu nói mộng du như vậy chắc là người cao thượng. Tôi nói với ông ý nghĩ của mình, tôi nói thật lòng chứ không dẻo miệng nịnh khách như bình thường. Khi hai người ngồi chuồi xuống dốc cát, ông lặng yên một hồi rồi bâng quơ: -Thật ra, tôi là người vô tình bạc nghĩa, chẳng cao thượng gì đâu. Rồi ông bắt đầu kể, kể miên man, như chỉ để cho mình mình nghe…

           

Sóng biển bạc đầu trắng xoá, ấy là mùa “bấc cầu tài, nam giã bãi”, gió giật điên cuồng, gió giật dây mơ, thổi mờ con mắt, tôi và anh giao liên rời ghe men theo bờ dương vào một cơ sở dưới chân động cát, định rồi từ đó sẽ vượt cát, men theo đường Tám- liên tỉnh tiến về khu Tam Giác Sắt, một chiến trường ám ảnh kẻ thù, một biểu tượng về ý chí kiên cường của nhân dân ta. (Tôi nhận lệnh chuyển về bổ sung cho mũi công tác ở đây, hồi đó tôi còn rất trẻ, chỉ hai lăm, hai sáu). Một ngư phủ nước da đen nhẻm vòng từ cửa sau ra cào đống cát đang lấp gần quá nửa cánh cửa trước làm bằng những thân tre đập dập, vừa hối chúng tôi vào nhà, ông vừa nói cái câu đã nhập vào tim tôi ấy “bấc cầu tài, nam giã bãi”, thay cho lời chào chúng tôi. Lão ngư phủ cơ sở cách mạng ấy bưng lên một nồi cơm trắng, dĩa mắm cá cơm dầm ớt hiểm, cùng mấy con đối kho, (tôi còn nhớ như in nồi cơm đó: chiếc nồi đồng tròn ủm thắt eo gần miệng, cơm gạo lúa mới dẻo nhẹo, cháy vàng ươm đáy nồi). Vừa mời chúng tôi ăn cơm, ông vừa lật đật bưng lên thau nước sạch cho chúng tôi rửa miệng. -Trời! Tội chết! Bác để tụi con xuống bếp rửa miệng tự nhiên, con cháu không mà bác làm gì vậy!? Tôi áy náy đứng dậy dành bưng thau nước trở xuống bếp. -Coi! Để đó, mấy anh đi đường xa mệt lắm… Tôi nhất quyết không chịu, cứ bưng thau nước ào xuống bếp. Khi đường đột bước xuống bếp, tôi mới rưng rưng hiểu mọi chuyện. Trước mắt tôi là bữa ăn dở dang của ông và người con gái: Trên cái mê rách lót lá chuối, một mớ khoai lang luộc và một dĩa mắm kho quẹt, tôi còn nói gì được nữa chỉ còn biết bần thần quay lên.

           

Lão ngư phủ ấy, thật ra chẳng phải là dân ở đây, ông là người dân tộc Biêt, theo cơn loạn ly thời cuộc mà trôi dạt từ cao nguyên xuống tận nơi đầu sóng ngọn gió này. Người ta gọi ông là Bơ Ry Kha, có nghĩa là cha của Ry tên Kha, không hiểu sao ông thật sự không có họ, có lẽ do cách tính nguồn gốc của dân tộc ông vừa ở đoạn nhập nhằng chuyển tiếp giữa mẫu hệ và phụ hệ. Chữ Ry là tên con gái ông, cô gái có khuôn mặt như tiên sa, với cặp mắt đen láy, thanh my xanh rậm nhưng lại bị câm, câm mà nghe được. Trước đây, họ cũng ở trong vùng dừa xanh um rợp mát quanh năm ở khu làng dọc theo đường cái quan, (là con đường quan đi hồi xưa). Cũng vì sắc đẹp thanh cao lạ lùng của cô con gái mà bao nhiêu chuyện rắc rối xảy ra. Ông kể:

           

… “Hắn rút gói thuốc Mélia, đánh xạch cái “zippo”màu xanh rêu bằng một nhát chặt tay điệu nghệ, khói thuốc phì phụt bay thành những vòng tròn lơ lửng trước mặt con gái tôi, chỉ rít đúng ba hơi, hắn dụi điếu thuốc thơm xuống chân. Hai bàn tay hắn xếp thành hình tam giác, đỉnh hướng lên trên như vầy (ông Kha vừa kể vừa ra bộ tịch), dân tôi là hay để ý bàn tay mà. Đầu hắn ngước cao ngạo nghễ trên hai cái cổ áo, mỗi bên sáng một bông mai vàng (thiếu úy chớ giỡn sao). Thằng này sẽ đeo như đỉa đói và sẵn sàng đe doạ nếu trò gạ gẫm tán tỉnh thất bại chứ không rút êm như bọn lính “chim khướu” gắm ghé, khúm na khúm núm, củ rỉ cù rì, hót dở như mắm thúi, từ trước giờ. Tôi thầm nhận định tình thế nên cố vắt óc nghĩ ra cách ứng phó. Tội nghiệp con nhỏ bị buộc ngồi như  đóng đinh xuống chiếc ghế băng phía bên kia bàn nước, chẳng buồn gọ gạy huống là dùng ánh mắt bàn tay mà chuyện trò; tôi cũng thật khó nghĩ, mình có con gái mà.

           

Chợt đầu tôi sáng lên, tôi vừa nhớ đến lon kẹo mạch nha, tôi đằng hắng một tiếng rồi đứng dậy ngọt ngào giả lả: -Anh là người làng này? Tôi lấy trong kệ lon mạch nha và mấy chiếc đũa, vừa quấn vào đầu đũa quết kẹo lớn dẻo nhẹo vừa ngồi vào bàn bên cạnh con gái tôi. -Ba tui là hàm hộ nổi tiếng nhứt ở đây, hỏng biết sao? -Là ai vậy anh? -Trời, hỏng biết danh Hai Kiêng thiệt hả? Nguyên dãy thùng lều chạy mút biển là của ba tui hết đó. Hắn lắc lắc đầu cười hí hửng. Tôi chồm người đưa cho hắn đũa kẹo mạch nha: - An đi cháu! Loại kẹo này chính hiệu nấu bằng mầm nếp thơm ngon lắm. Tình huống chẳng đặng đừng, khi hắn cắn ngập hai hàm răng vào khối kẹo mạch nha, tôi đứng dậy biết cái bẫy đã sập, chẳng ác gì, tôi chỉ muốn cứu con gái khỏi tình huống khó xử. Những lời lẽ huyên thuyên khoe khoang rẻ tiền của thằng sĩ quan con nhà giàu bị chặn đứng. Mặt hắn đỏ rựng. Tay hắn đổi tư thế: cái hình tam giác ngạo nghễ lúc nãy đã chúc xuống đất. Cuối cùng, hai bàn tay ấy xếp xuống đặt lên bàn, các ngón tay múp míp của thằng đểu cán hàn chặt lại với nhau, chỗ đỏ bầm, chỗ tái trắng. Hắn không nói gì được nữa, ngồi đực mặt ra mãi cũng kỳ đành  cúi đầu hậm hực chào về. Lúc ấy, cái nhân trung phẳng lì trên miệng hắn khẽ giật giật, tự nhiên tôi thấy gai gai trong người, tôi linh cảm tai hoạ sẽ ập xuống con gái mình từ thằng trời đánh thánh đâm có cặp mắt gườm gườm cay cú này chứ chẳng chơi. Vậy mà thật, nó thù tôi rồi trút mưa bão xuống cuộc đời con gái tôi.

           

Ac ôn! Ngay hôm sau, nó cho người tung tin khắp làng trên xóm dưới: Con Ry câm là ó ma lai, đêm đêm rút đầu bay đi ăn xú uế, đến gần gà gáy thì bay về ráp lại với thân  mình, không tin thì đến gần mà nhìn sẽ thấy cổ nó có ba ngấn rất đặc biệt. Trời đất quỷ thần! Người ta nườm nượp kéo nhau đến nhìn chằm chằm vào cổ con bé rồi hốt vôi vãi quanh nhà tôi gọi là trừ ó ma lai. Tội nghiệp! Con Ry nghe hết mà nói lại không được, cứ quay mặt vô vách, nước mắt ràn rụa từ ngày này qua tháng nọ. Cha con tôi bỏ nhà, bỏ làng vô che túp lều trong động cát này ở mà cũng chưa yên đó, nhà nào cũng lo lấy vôi vạch mấy dấu cộng màu trắng trước cửa; con Ry ra chợ là bị ném gạch, ném cây, có bữa nó bị thương, tóc tai rũ rượi, áo sống rách bươm, máu me đầy người, bò về tới nhà là xỉu luôn. Tôi thương con quá mà chẳng biết làm sao.”…

           

Tuyến đường Tám bị kẹt, cả chục chiếc tăng hùng hổ kéo về, bọn lính Mỹ rằn ri “con cọp” thay cho bọn Địa phương quân tảo thanh ngày đêm tận các hang cùng ngõ hẻm, không ngờ tôi buộc phải nằm lại căn hầm bí mật của ông Kha hơn hai tháng trời. Quanh nhà là động cát mênh mông trùng điệp, lại cái tin đồn ó ma lai làm nổi gai óc mọi người, chẳng ai dám héo lánh, nên tình hình nhìn chung là an toàn. Ry là người thường đưa cơm xuống hầm cho tôi. Căn hầm tấn bao cát chật hẹp nên sự tình cờ va chạm với cơ thể mềm mại nóng ấm của người con gái ấy thường làm tôi thần người ra, đầu óc mụ mị hẳn đi. Tôi nhìn lên nóc hầm trong những lúc như vậy để cố kìm chế. Nhưng thật tình cơ thể cũng không bằng tia mắt nhìn, rất nhiều lần tôi bắt gặp tia mắt ướt rượt lạ lùng của Ry trong ánh sáng tù mù của căn hầm, khi Ry ngồi nhìn tôi ăn, khi ấy, tôi nghe cả mùi hương cơ thể Ry toát ra ngào ngạt căn hầm, tia mắt và cái mùi ấy không có ngôn ngữ để diễn tả nhưng nó làm cho người đàn ông nào nhìn thấy,  hít phải thì không còn làm chủ được mình nữa. Và tôi là một người như vậy, ngay khi tôi vừa đưa tay vuốt mái tóc em, tay em đã run run giật hàng nút bóp của chiếc áo bà ba. Trong căn hầm quá chật, vậy mà em đã nhanh chóng tạo được tư thế thuận lợi nhất cho cả hai đều lên “tới đỉnh”.

 

…Đêm trăng mười bốn, gió nam non se lạnh, tình hình yên ắng, tôi rời hầm lên trên để tắm rửa, chuẩn bị cho chuyến đi dài của mình. Ry dùng gáo dừa múc từng gáo nước xối cho tôi gội đầu. Tắm xong, tôi còn đang dụi dụi tóc vào chiếc khăn lau thì bất thần em nắm tay tôi chạy thẳng lên đồi cát. Hàng tỉ tỉ hạt cát lấp lánh ánh trăng vàng tạo ra một không gian ảo mộng thật sự. Tôi bị choáng ngợp trước vẻ lộng lẫy của đêm trăng, choáng ngợp trước hạnh phúc bất ngờ. Chúng tôi ngã dụi vào trong cát, em vứt cả quần áo, quấn  quyện lấy tôi, cứ thế hai đứa cuốn mình lăn tròn từ trên đồi cát xuống, chúng tôi ôm ghì lấy nhau từng hồi mê mẩn, khi vừa qua một lần đê mê hoan lạc, tôi chợt nhận thấy cơ thể em, da thịt em chỗ nào cũng  dát vàng, dát bạc lung linh, lung linh. Tôi cắn nhẹ vào môi em, môi đầy cát, đầy ánh trăng, tôi cắn nhẹ vào ngực em, ngực đầy cát, đầy ánh trăng, chúng tôi chạm vào tận tâm hồn, thể xác của nhau bằng hương mật ngọt ngào đầu đời của mình. Em gối đầu lên ngực tôi, nằm sấp lên người tôi, bàn tay mơn man, mơn man hạnh phúc.

 

Am! Am! Am! Ba quả đạn M.72 xé nát đêm trăng, ánh vàng lộng lẫy trùm khắp thoáng chốc biến thành chói loà. Tôi và Ry  vùi sâu người xuống cát, lắng tai nghe, lại im lặng. Tôi trườn người lên trên đồi tìm quần áo cho Ry. Tạch tạch tạch… Tạch tạch tạch… Một tràng R.16 giật giòn, đạn xé cát roẹt đi. Tôi lăn qua bên kia đồi, áp tai vào cát nghe ngóng. Bỗng một tiếng nổ nhức óc hất tôi bay đi… Tiếng gà eo óc gáy làm tôi tỉnh lại, mở mắt thì trời đã hừng đông. Tôi quýnh quíu bò đi tìm Ry, tôi thấy quần áo của Ry, vội cuộn lại bên nách rồi bò tiếp, trời sáng mờ mờ rất dễ bị lộ, nhưng tôi lúc này không biết sợ là gì, tôi bò cho đến khi lộn nhào xuống sườn đồi. Ry đang ở trước mặt tôi, khuôn mặt bất động lòi ra trên cát, cặp mắt em bất động trợn trừng, quanh em, cát quánh lại một màu sậm đỏ. Tôi nhìn khối “bê- tông” máu ấy mà thất kinh. Một lúc lâu sau, tôi mới định thần đưa tay vuốt mắt cho em, đôi my xanh rậm của em khép lại vĩnh viễn, tôi vội vàng moi cát, tách từng khối “bê- tông” máu ấy ra khỏi người em, nửa phần trên cơ thể em vẫn lành lặn nhưng hai chân em đã dập nát, thịt xơ ra từng múi đỏ.  Tôi loáng thoáng hình dung lại phút hấp hối của em, chỉ còn khuôn mặt đau đớn lắc lư trong khối bê-tông máu và cát càng lúc càng đông cứng mà rùng mình. Tôi trách tôi sao bỏ em lại một mình, nếu lúc đó, em cùng trườn đi với tôi thì đã tránh được phút giây đau đớn này.  Tôi mặc áo quần cho em, cào một vạt cát cho phẳng, đặt em nằm lại ngay ngắn, tôi thì thầm lời vĩnh biệt Tình Yêu đầu đời của tôi, rồi cứ thế người tôi rung lên không gì cưỡng lại được nữa…

 

Mãi tháng sau, khi đã nối liên lạc, đã an toàn ở khu Tam Giác Sắt, tôi mới nắm được tình hình: Không phải chúng tôi bị lộ mà là anh giao liên đến để đưa tôi đi bị lộ, anh đã lọt vào vùng phục kích. Chúng bắn điên cuồng, anh giao liên bị thương, chúng lần theo đường máu, đoán là anh chạy thoát về hướng túp lều của già Kha, thằng thiếu úy chỉ huy, con tay hàm hộ, vẫn còn tức ói máu vì khối kẹo mạch nha ngày nào, nên mượn cớ ra lệnh băm vằm túp lều “con ó ma lai” và khu vực quanh động cát.  

 

Thật ra, anh giao liên không chạy vào túp lều và Bơ Ry Kha chỉ bị thương nhẹ, ông đã kịp nhảy xuống ngăn hầm bí mật nơi tôi vừa bước lên, ông lết đi tìm được xác con gái đưa về góc lều còn lại. Ông ngồi nhìn con  cho tới khi cát lồng lên, phủ lên chìm ngập tất cả.

 

Sau giải phóng- 1975, ông từ địa ngục trần gian- nhà tù Côn Đảo trở về, được phân công làm chủ tịch xã rồi bước vào hồi thử thách cuối cùng. Mọi người gọi Bơ Ry Kha là người tù hai chế độ. Vào những năm bi đát của cuộc kháng chiến, số người trong mật khu hao đến mức cạn cùng. Trước khi tấn công vào chi khu, họ phải tự đào lỗ cho mình, phòng khi chẳng còn người để làm việc đó, trong lần công đồn cuối cùng, ông không được về nằm vào chính cái lỗ mình tự tay đào, ông bị thương lần nữa và bị bắt sống. Ông bị đày đi Côn Đảo (Trước đó, ông đã có tên trong danh sách tầm nã của cái gọi là Uy ban Phụng Hoàng). Tưởng tù chính trị là rục xương, nhưng thời cuộc thay đổi, cuộc kháng chiến thần thánh của dân tộc đã thành công, ông trở về quỳ xuống động cát, mở mày mở mặt với vong hồn con gái. Niềm vui chưa bao lâu thì tai hoạ ập xuống đầu ông: Vị Bí thư xã trên đường làm về ngang thửa ruộng bưng chạy dọc theo chân động thì thấy có một thân cây chuối to ai đó vứt đè lên lúa, vị Bí thư vội vã xắn quần lội xuống, vừa nhấc cây chuối thì một tiếng nổ chát chúa vang lên. Trái lựu đạn gài sẵn bên dưới đã cướp đi mạng sống của người đứng đầu xã. Mặc dù chỉ vin vào sự bất đồng dẫn tới vài tiếng to qua lại giữa ông với vị Bí thư, công an đã bắt ông cùng với bốn cán bộ khác, họ buộc ông tội giết người để tranh giành quyền chức. Tám năm sau, ông mới được một chiếc xe U- oát chở về trong đêm, đến đầu làng, chiếc xe dừng lại mở cửa, anh công an bước xuống xin lỗi ông vì đã bắt nhầm người. Chuyện thật khó tin nổi, nhưng đó là sự thật của cuộc đời ông. Ông Kha tái tê lủi thủi bước về khu động cát mà chưa kịp hiểu tại sao mình lại ra nông nỗi này. Vá víu dựng lại túp lều cạnh chỗ nằm của con gái, ông thoi thóp sống những ngày cuối đời. Thỉnh thoảng ông đi qua bà đi lại chửi xéo quân giết người này, quân giết người nọ, mỗi lần nghe như vậy, mấy chân tóc  muối tiêu còn xót lại bạc trắng đi, ông gục quỵ theo từng ngày.

 

Mùa “bấc cầu tài, nam giã bãi” năm đó, cát lại vùi thêm một thân phận cô đơn cô độc. Người ta moi cát ra đem ông đi an táng, họ đã lục thấy hàng chục lá đơn kêu đòi trả lại danh dự. Bốn cán bộ bị bắt cùng ông chỉ còn ba người sóng sót. Vị trưởng công an huyện mới đã thực hiện được ước nguyện của lão ngư phủ Bơ Ry Kha khi đứng trước dân chúng xin lỗi về việc làm hồ đồ của đồng nghiệp, ông hứa sẽ truy tố những người liên can đến vụ việc. Ngày hôm đó, chuyện hiếm hoi ở cái làng cát này, gió thật lặng đến mấy tàu lá dừa cũng không hề nhúch nhích…”

… Cháu biết đó, vậy mà đến hôm nay, tôi mới về lại nơi này, hỏi tôi có phải là người cao thượng như cháu nghĩ không?...

 

Tôi đang ngồi soạn từng sấp hình bỏ vào bịch ni-lon và cắt phim kẹp theo cho từng người khách để chuẩn bị đi giao hình thì thấy người ta bu đen bu đỏ trước khách sạn Cát Bay. Người ta đang khiên ông khách tóc trắng của tôi lên xe. Một chiếc Mercedes hộc tốc lên đường. Tôi lao theo ý ới với tay giao bọc hình nặng trịch của ông khách tóc trắng cho mấy người trên xe. Chiếc xe nhanh chóng mất hút, tôi lững thững ngã người lên cát. Tôi bần thần nhìn mấy ngọn cát bay, nhìn những đồi cát dịch chuyển. Cát có hồn không? Tôi nhớ lại câu hỏi của ông khách tóc trắng. Tôi thật sự không trả lời được, nhưng tôi biết kể từ nghe câu chuyện của ông, tôi nhìn đồi cát bằng cái nhìn khác trước và vấn đề của tôi không chỉ còn là chuyện kiếm sống.

 

Tháng năm âm lịch, mùa “bấc cầu tài, nam giã bãi”, gió giật dây mơ, thổi mờ con mắt, trong lúc mơ màng gà gật đợi khách, thỉnh thoảng tôi đưa máy lên ngắm, kiểu ngắm theo quán tính  không mục đích của thợ hình. Chợt tôi rùng mình, trước ống kính tôi, trong ánh nhiệt lực hừng hực gợn sóng, trong mù trời cát bay, cô gái câm ấy rõ ràng đang lướt dọc đỉnh cát có hình mái nhà, rồi từ từ nhắm hướng tôi trực tiến. Tôi bỏ máy xuống, dụi mắt, không thấy gì. Bần thần một lúc, tôi lại đưa máy lên ngắm. -Chào anh! Cô gái câm đã ở sát ống kính. Tôi giật thót người lùi nhanh về phía sau. –Chào cô Ry! Cô nói được ư?

- Sao anh biết tôi?

- Linh tính… Tôi trả lời nhát gừng nhưng đã bình tĩnh trở lại. Tôi không có lựa chọn nào khác là phải đối mặt, đối thoại. Tôi, một công dân bình thường, một giáo viên vì đời sống quá cơ cực của một thời bao cấp mà lăn chai trở thành một thợ hình ôm máy kiếm sống qua ngày đoạn tháng ở nơi Mái Nhà Cát Bay này xin lược trích lại cuộc đối thoại ảo của tôi với cô gái câm ngày xưa (có thể do tôi bị ám ảnh mà cũng có thể vì một lẽ gì đó mà thật sự có cuộc đối thoại này):

-Tôi có nghe kể về chuyện tình của cô và người Việt cộng nằm vùng. Người ấy vừa quay lại đây trong ray rức, luôn trách mình bạc tình bạc nghĩa. Cô có trách người ấy không?

-Thương nhau là cho nhau, sao lại trách?!

-Tôi còn biết cả máu cô đã đổ ra vón khối trên vùng cát này và cô đã chết ngay lúc đang yêu say đắm.

- Không riêng gì tôi, trên vùng cát này còn có bà mẹ trần truồng điên dại chạy tìm con. Bà chạy đến ôm xác con và cùng bị bắn, đứa bé bị bắn hai ba lần… Ở đằng kia, có em trai chăn bò bị chúng bắt trói gô lại làm bia để chúng tập bắn, nghe bảo thử loại vũ khí mới gì đó (trò thể thao của chiến tranh mà)… Trên ngọn dương tít đằng kia…

- Chỗ nào cũng thấm đẫm máu đào.

- Anh có biết câu chuyện tháng ba, Mậu Thân, ở Mỹ Lai không?

- Cô gặp họ ư?

- Có thể nói như vậy. Gần năm trăm nhân mạng bị thảm sát, già trẻ gái trai nằm chất chồng lên nhau. Mà này, người vạch trần chuyện đó là một người mang máy giống anh đó.

- Cô gặp tôi để nói điều đó sao?

- Tôi muốn anh kể lại!

Khi tôi ngước lên thì cô gái câm ngày xưa ấy đã biến mất từ lúc nào.

 

Còn với già Bơ Ry Kha, tôi chỉ mơ màng thấy, mơ màng nghe duy nhất một lần. Trốt xoáy, cát đang bay mù trời bỗng dưng ngừng tụ, cuộn lên, tôi đang lụi hụi cất máy vào giỏ, vừa ngước lên thì thấy cát quần tụ thành khối lớn trên bầu trời, khuôn mặt già Kha lần hồi hiện ra, rõ dần, rõ dần. Chỉ một câu duy nhất ông nói rền động cả vùng đồi Mái Nhà Cát Bay: -Cát có hồn, quá khứ có hồn… muốn thay đổi thực trạng, phải biết, phải biết, phải biết!

Nguyễn Hiệp
Số lần đọc: 2264
Ngày đăng: 07.09.2008
[ Trở lại ] [ Tiếp ]
In tác phẩm Góp ý Gửi cho bạn
Cùng thể loại
Tiếng hát của người gác cầu - Y Uyên
Chai rượu tắc kè - Nguyễn Minh Phúc
Chạm đến tâm linh - Nguyễn Vĩnh Căn
Ghen - Hội An
Bà ngoại tôi - Mang Viên Long
Lũy báo - Nguyễn Hiệp
Những kẻ tài hoa …. - Diệp Hồng Phương
Sự nhầm lẫn - Đàm Lan
Bài ca điệu lý - Cao Hạnh
Khát vọng sống - Nguyễn Vĩnh Căn
Cùng một tác giả
Bông Cỏ Giêng (truyện ngắn)
Dứt dây (truyện ngắn)
Gai Sen (truyện ngắn)
Huyết nhân ngải (truyện ngắn)
T&P (truyện ngắn)
Lũy báo (truyện ngắn)
Hồn cát (truyện ngắn)
Núi hiện (truyện ngắn)
Cái quẹt tim gòn (truyện ngắn)
Phấn (truyện ngắn)
Giải thuật (truyện ngắn)
Âm Thanh Đổ Bóng (truyện ngắn)