Ủng hộ VCV
Số tác phẩm
28.861 tác phẩm
2.760 tác giả
1.184
123.204.386
 
Trường Sa day dứt - Đọc Một thuở của nhà văn Phạm Đình Trọng
Hà văn Thùy

Những sinh vật li ti nhận năng lượng của biển để sống và tạo ra bộ xương san hô vĩ đại từ những miệng núi lửa phun trào trong lòng đại dương. Núi san hô lớn dần, tới lúc nào đó nhô khỏi mặt nước, dâng tặng loài người một chấm sinh tồn nhỏ nhoi. Sóng, gió, ngày nóng và đêm lạnh nghiền nát san hô thành những vụn cát trắng sạch, tinh khiết đến rợn người! Không phải là đất, không cây cỏ nào sống nổi. Chủ nhân đầu tiên của đảo san hô là những loài chim biển. Phân chim, lông chim, vỏ trứng và cả xác chim làm nên lớp đất mỡ màu của đảo. Trên đó, cây cỏ mọc lên. Hàng trăm hàng nghìn năm, thiên nhiên đã cho chúng ta những Hoàng Sa, Trường Sa. Những núm ruột của Tổ quốc Việt Nam được sinh thành như vậy! Đấy là sự sống theo chu trình tự nhiên. Nhưng do những điều kiện khốc liệt của lịch sử, con người có khi buộc phải thay tự nhiên làm ra sự sống.

 

Đảo Cát Trắng mới nổi, chim chưa kịp tụ đàn, trơ trọi chỉ là cát.

Ra giữ đảo, bác sĩ Long đem theo những củ sâm đất cùng ba bao phân chim. Đào hố trong cát, đổ phân chim, vùi những củ sâm đất rồi tười bằng khẩu phần nước ngọt ít ỏi của mình tạo ra lần đầu tiên màu xanh mong manh của sự sống trên đảo!(Cây sâm đất)

 

Tới đảo Đá Giữa, chiến sĩ thông tin Đặng Quang Hiệp cùng đồng đội mang theo một đàn gà. Không một bóng cây, không rau xanh, chỉ có gió, cát và gạo cũ, đàn gà xù lông, xơ xác, chết dần. Nhận ra gà cũng cần sinh tố như người, Hiệp nhường  5 viên B1 và 5 viên C trong khẩu phần 20 viên mỗi thứ một tháng cho gà. Đồng đội làm theo, nhờ vậy đàn gà được cứu. Một buổi trưa, trong giấc ngủ mơ hồ, anh chợt nghe tiếng gà gáy! (Những ngày đầu tiên)

 

Thượng úy Đào Minh Thu hai năm ở An Bang đã trồng cho đảo hàng dương xanh tốt. Trở về đất liền, bộn bề công việc, anh vẫn dành thời gian tìm kiếm tài liệu về lịch sử Trường Sa, gửi cho người kế nhiệm mình, cung cấp món ăn tinh thần cho đồng đội giữ đảo! (Buổi trưa ở đảo An Bang)

 

Nhìn đàn chim xao xác phía xa, chiến sĩ quân báo Lê Văn Sinh liền báo cáo thủ trưởng là có tàu nước ngoài xâm phạm Đảo Chim. Khi tàu ta tới, những người nước ngoài vội vàng bỏ chạy, để lại la liệt xác chim. Họ kéo bia chủ quyền của ta xuống biển, mang đi luôn lá cờ đỏ sao vàng. Nhưng do vội vã, xuồng bị lật, hai người chới với giữa trùng khơi. Từ tàu lớn đậu ngoài xa, họ nhìn thấy nhưng bất động. Sinh bơi xuồng ra, mò được người vừa chìm, đem lên cấp cứu. Lúc này tàu nước ngoài kéo cờ đỏ sao vàng lên cột cờ và cho xuồng tới nhận người. Cảm kích trước việc làm của bộ đội ta, họ đem trả lại lá cờ với ý nghĩa hoàn trả ta chủ quyền hòn đảo.(Xao xác cánh chim)

 

 Điều đáng quý ở Phạm Đình Trọng là khi viết về người lính giữ Trường Sa, ông không nhẫn tâm quên đi những góc khuất. Đấy là những người vợ ở nhà vì thương chồng nên trong những bức thư ra đảo không dám nói khó khăn của mình. Là những đứa trẻ xa cha đang rơi vào hư hỏng… Câu nói của Thu:

Khổ! Đời bố đã khổ mà đời con còn đáng lo hơn. Bố khổ nhưng không đáng lo. Bố khổ nhưng còn lá người lương thiện. Rồi con có còn là người lương thiện không?”  Câu hỏi ấy như xoáy sâu vào lòng trắc ẩn của mỗi chúng ta!

Sự thật Trường Sa trần trụi nên viết ký sự khó tránh khỏi khô khan, đơn điệu. Những trang viết xúc động và hấp dẫn trong Chuyện Trường Sa chứng tỏ nhà văn Phạm Đình Trọng trưởng thành về bút pháp và văn hóa. Bên cạnh ký sự, ông chen vào những truyện ngắn làm cho cảnh ấy, người ấy trở nên uyển chuyển, sinh động. Ông đưa vào sách của mình những trang lịch sử, những chuyện xưa đã thành huyền thoại lung linh. Trong văn của ông, xưa hòa với nay gắn kết thành một Hoàng Sa, Trường Sa sâu thẳm mà day dứt.

…Thế kỷ XVI, nhà vua thi sĩ Lê Thánh Tông đã cho vẽ Bãi Cát Vàng vào bản đồ Đại Việt. Nhà Nguyễn đã lập những Đội Hoàng Sa hàng năm ra thu gom sản vật trên đảo và quan trọng hơn những sản vật trời cho đó là việc xác nhận chủ quyền. Một công việc gian nan và nguy hiểm vì cận kề cái chết. Vì vậy, thành tập quán, triều đình cùng dân chúng hàng năm tế sống những người ra đảo. Và những người vợ, những vọng phu từng mỏi mòn trông ngóng đã để lại những câu ca nao lòng:

Chiều chiều sóng dậy biển Đông

Thương gái có chồng đi lính Hoàng Sa…

 

Ngày nay, với những con tàu sắt, những trang bị tốt hơn, nhưng chắc chắn rằng, việc giữ đảo trở nên nguy hiểm hơn. Không chỉ có thiên nhiên dữ dội, người lính đảo còn đối mặt với kẻ thù tàn bạo hung ác hơn nhiều. Không ai quên Hoàng Sa 1974, Trường Sa 1988…

Trong Lời tựa cuốn Một thuở, nhà văn Phạm Đình Trọng viết: “Những trang ký sự Truyện Trường Sa ghi lại cuộc sống chiến đấu của họ chính là những trang kí sự lịch sử về chủ quyền của Việt Nam đối với những núm cát san hô xa xôi, nhỏ bé nhưng vô cùng thiêng liêng của cha ông để lại ngoài Biển Đông.”

Nhận xét như vậy là xác đáng. Đó cũng chính là ý đồ nghệ thuật của ông khi viết tác phẩm này.

 

 Chưa bao giờ, vận mệnh những núm đảo Trường Sa cũng như những người lính Trường Sa mong manh như hôm nay. Tổ quốc đưa họ ra đảo nhưng vì yếu và hèn, Tổ quốc không bảo vệ nổi họ! Vì vậy, Hoàng Sa, Trường Sa là nhức nhói và day dứt.

Có thể làm gì cho Trường Sa?

Có những việc là quốc gia đại sự, nhưng là dân Việt, chúng ta có thể làm được những việc trong tầm tay của mình. Tôi xin gợi một ý nhỏ:

 

Những người từng đóng quân, công tác ở Hoàng Sa, Trường Sa, bạn bè, thân nhân họ cùng những người yêu mến quan tâm tới Hoàng Sa, Trường Sa rủ nhau lập Hội Trường Sa với tư cách hội dân lập, trong đội ngũ Mặt trận Tổ quốc Việt Nam.

 

Hội có nhiệm vụ:

1. Theo dõi tình hình Trường Sa, Hoàng Sa để kịp thời thông báo cho nhau và cho rộng rãi dư luận biết.

2. Lập Quỹ Trường Sa để giúp các chiến sĩ Trường Sa những phương tiện cải thiện cuộc sống như dụng cụ lọc nước, điện mặt trời, phương tiện liên lạc qua vệ tinh để có điều kiện nghe nhìn tốt hơn.

3. Giúp những chiến sĩ Trường Sa và gia đình gặp khó khăn như xây nhà tình nghĩa, cấp học bổng, đỡ đầu những cháu có hoàn cảnh đặc biệt.

4. Bố trí cho hội viên, trong đó có người Việt ở nước ngoài đi thăm ủy lạo bộ đội Trường Sa.

 

 Làm như vậy, chúng ta có một tổ chức và hành động thiết thực bảo vệ Trường Sa. Mong thay!

 

Sài Gòn, tháng 8. 2008

*Nhà xuất bản Văn hóa Sài Gòn, 2008.

Hà văn Thùy
Số lần đọc: 3934
Ngày đăng: 07.09.2008
[ Trở lại ] [ Tiếp ]
In tác phẩm Góp ý Gửi cho bạn
Cùng thể loại
Điểm danh căn bệnh của phê bình hôm nay - Inrasara
Cội nguồn sáng tạo và chuyện bên lề “Vú cát” - Hồ Sĩ Vịnh
Bản lĩnh sáng tạo của một cây bút trẻ ở miền gió lào, cát trắng - Cao Hạnh
Lịch sử vô lý. Đọc “Chốn xưa” của Lý Nhuệ. - Ban Mai
Đọc tập thơ Đêm Khát của Nguyễn Đức Phước- Nxb Hội Nhà Văn năm 2008 : Trái tim biết khóc - Bùi Công Thuấn
Vài cảm nhận về Thèm Ăn của Đồng Chuông Tử - Mang Viên Long
Phản hồi về bài viết sân chơi âm nhạc ai cũng có quyền vào - Ngữ Yên
Nhật Chiêu viết như là thở - Inrasara
Thời gian mãi tự do ! - Hồ Thế Hà
Về sự kiện “núi bài thơ” ở Hải Phòng : Người đáng chê trách là ai? - Dư Thị Hoàn
Cùng một tác giả
Xứ ra ghe (truyện ngắn)
Nước Mắt Bỏng (truyện ngắn)