PAN style="FONT-SIZE: 10pt; FONT-FAMILY: Arial">
Tập truyện ngắn RỒNG ĐÁ (hay là Mũi Uốn Ván) NXB Đà Nẵng vừa phát hành quý III năm 2008 của nhà văn Vũ Ngọc Tiến (VNT) và Lê Mai (LM) gộp lại 220 trang giấy trắng, thành cuốn sách gọn và bắt mắt với bìa của họa sĩ Văn Sáng.
Nhà văn VNT góp 7 truyện, tôi không thể không ngẫm nghĩ ở những truyện Âm bản chiến tranh và Vị Phồn thực, Chù Mìn Phủ Và Tôi hay Ngoại tình tuổi 50... Một chuyện kể, có đơn vị đưa pháo lên núi triển khai trận địa, trước giờ khai hỏa bỗng gặp dân. Sợ lộ bí mật họ đành giữ dân một đêm theo lệnh D trưởng, miễn không vi phạm chính sách dân vận… Cái cớ vậy, nhưng chuyện kể những người lính thời chiến đói cơm, đói cả tình: “… Luận nhìn thấy rõ cả một vùng cấm tam giác đang mời gọi. Bản năng giống đực làm cái của nợ trong quần xà lỏn tự do nổi loạn, bất chấp kỷ luật dân vận mà D trưởng dặn dò lúc giao nhiệm vụ…”. Chù Mìn Phủ Và Tôi ; “Cái sự thần thánh của cuộc chiến tranh giành độc lập, sách báo viết đã nhiều, đọc lên cũng sướng lỗ tai. Nhưng đó là phần dương bản của chiến tranh, nhà văn, nhà báo mặc sức tô vẽ muôn hồng nghìn tía, tao cóc cần cái dương bản ấy. Cái phần âm bản của chiến tranh chỉ có hai màu tối sáng, những thằng lính như tao với mày gậm nhấm đến hết đời…” - Âm Bản Chiến Tranh. Và, Vị Phồn Thực: “…Trên hồ sơ báo tử từ mặt trận gửi về Bộ Quốc phòng chỉ ghi lạnh lùng hai chữ “sốt rét”, nhưng xin các ông bố bà mẹ, những người vợ hiền ở hậu phương thời ấy biết cho, lũ lính chúng tôi, người chết sốt rét ít thôi, đa phần là chết đói. Đói vì mấy ông chỉ huy hám thành tích, vững lập trường “tự lực cánh sinh”, chỉ nhận người và vũ khí, còn lương thực xin cấp trên cho được tự túc..” ; “Tôi chưa quen với mùi mắn tôm, nhưng sẽ thử cùng hắn và nàng nếm cái vị của nó. Có lẽ hắn đúng, giữa mùi và vị thì vị mới chính là tinh cốt của đời”. Ngược mấy mươi năm trước, VNT viết thế, có thể bị phê mất quan điểm, lập trường hoặc không triệt để cách mạng. Vào thời bình, người đọc nhận rõ hơn bản chất anh hùng của bộ đội ta. Bộ đội ta không chỉ hy sinh xương máu, còn chịu đựng dẳng dói miếng ăn một cách sinh tử và cả những khao khát tuổi xuân xanh bị dập vùi, thiêu cháy trong máu lửa, trong đạn bom... Chuyện trai trên gái dưới rất khó nói trong văn chương, nhưng VNT đã miêu tả phần CON trong NGƯỜI một cách chân xác, sinh động. VNT không thần thánh hóa, không tô hồng mà nói thẳng thừng. Bởi ai là người cũng đeo đẳng phần CON đến ngày tận thế. Viết về đề tài này như làm thơ lục bát, non tay thơ thành vè, viết yếu sẽ tục. VNT biết dừng ở đỉnh của sự nổi loạn, biết dừng ở giữa tối sáng giao thoa một cách lão luyện. Ở tận cố đô Huế, nhưng tôi cũng đã được đọc ngót nghét chục cuốn sách của VNT bởi mỗi lần ra sách anh đều trân trọng gửi tặng các bạn viết trong này như Lâm Thị Mỹ Dạ, Hoàng Phủ Ngọc Tường, Trần Thùy Mai...
Đang căng thẳng bởi những tình tiết nhói buốt, giọng văn lạnh buồn của VNT, tôi nhập vào 6 truyện ngắn của LM, bỗng dưng như được thư giãn, nhẹ nhõm bởi những câu chữ tửng tưng mà thấm thía và không thể nín cười được của LM. Tận sâu thẳm tâm can tôi vẫn đau bởi cái sự nhiễu nhương của những ai đội lốt đạo đức giả. Ở Cún Khóc rất nhiều chuột đục khoét xã hội, khổ cho người tìm cách diệt nó, diệt không được lại bị chuột trêu ngươi, đến Cún cũng rưng rưng: “…Cún lắc đầu, xoay người nằm nghiêng, hết nhìn anh lại nhìn lũ chuột nghênh nghênh diễu hành trên xà nhà, nóc nhà. Có còn còn khả ố đái một bãi xuống nền nhà vừa lau sạch bóng. Nếu có cánh, khéo chúng còn bay kín trời giỡn mặt anh và Cún cho xem. Những lời động viên chân thành của anh không làm Cún vui lên được. Mắt nó ươn ướt. Hình như Cún… khóc”. Nói về, những kẻ quyền cao chức trọng thừa tiền dửng mỡ sinh tật, câu chữ của LM như lưỡi dao bén, mai mỉa cay chua mà tình thân, hóm hĩnh: “… Nhân ái chứ sao. Em không có tiền ăn học, về quê làm ruộng hay làm điếm để có bằng? Được ta nuôi, em có tiền ăn học, có nơi ở riêng yên tĩnh để học hành. Khỏi phải lăn lóc thị trường, khỏi phải giao du với bọn du thủ du thực đầu trộm đuôi cướp… Ông bảo thế mình có nhân ái không?...”, “… Tuyệt! Tuyệt quá! Ngoại tình cũng có cái hay của nó. Trong vợ chồng, đứa nào ngoại tình đứa ấy dễ cảm thông độ lượng. Mình làm trước đi, làm nhiều vào, nói dại nếu sau này vợ nó có nhỡ ngoại tình thì mình cũng dễ cảm thông, tha thứ. Thế gian được vợ hỏng chồng, thế thì mình hỏng cho vợ được… Nhưng tôi bói đâu ra tháng dăm bảy trăm, hay là… tôi với ông góp vốn nuôi chung một em, xong chưa?”. Cho Nó Có Đạo Đức. Trong Người Đóng Thế Tổng Biên tập giao nhân vật “tôi” đi viết bài chống mại dâm – ma túy. Viết một “đối tượng” có mắt lồi, có lông mũi đâm ra tua tủa, có bụng to như bụng đàn bà chữa… thì đụng TBT, viết lại. “…Tôi chủ quan không xem lại để báo in ra thì… ông giết tôi còn gì. Mắt lồi, lông mũi đâm ra tua tủa, bụng tròn tròn như bụng đàn bà chữa… Ông bảo, vợ tôi, cô ấy đọc bài viết của ông. Cô ấy nghĩ cái thằng ấy là ai… có mà thanh minh giời.”, tả khác đi, sợ đụng anh em Biên tập, chi bằng tả chính mình là an toàn. Nhân vật “tôi” viết lưng khòng dấu hỏi, chân tay ngoằng ngoãng chữ thì bị vợ la toáng lên: “Vơ vào à? Vơ vào à? Thế đứa nào tóc tai bơ phờ, mặt mày hốc hác, có cái bớt ở thái dương trái? Đứa nào lưng khòng dấu hỏi, chân tay ngoàng ngoãng chữ chi, bàn tay trái có sáu ngón? Đứa nào? Đứa nào? Hờ… hờ…hờ…” . Và Tìm Cha Trong Gương. nhiều câu chí lý, không còn ngộ nhận: “… Trước là thủ trưởng nó khác. Giờ ông ấy về hưu rồi, hoàn lương nó khác chứ.”, “… Trở về cuộc sống thường dân, trở về với thiên nhiên tôi mới ngộ ra điều: cái gì mình cố giữ thì mất, cái gì mình cho đi thì lại còn…”… Hình như các tác giả và Nxb có thâm ý đặt những truyện ngắn của hai cây bút có văn phong, bút pháp rất khác nhau vào chung một tập sách. Nghe nói, lúc đầu còn có thêm cả Hòa Vang, đại diện cho ba phong cách của ba cây bút gốc Hà Nội “xịn”, sau vì Hòa Vang lâm trọng bệnh rồi mất đột ngột nên dự định của nhóm bạn ấy không thành. Thật tiếc!...
RỒNG ĐÁ (hay là Mũi Uốn Ván) là một tập truyện ngắn thâm trầm, lấp lánh những nụ cười mĩm chi cay chua mà thấu triệt thế sự. Nội dung tư tưởng, nhân sinh quan của các nhà văn về chiến tranh, tình đời, tình người nằm phục trong mỗi trang viết, khi bộc lộ, khi nén kín. Mỗi truyện là mỗi tứ, mỗi ý ; ý tứ này chính là xương cốt, chan hòa xuyên suốt suốt mười ba truyện ngắn. Đây cũng chính là điều nhà văn Vũ Ngọc Tiến và Lê Mai muốn nói, bạn đọc sẽ nhận ra. Riêng với tôi, tập truyện có hấp lực đặc biệt, nghiền ngẫm sẽ vỡ ra nhiều thứ trần trụi những mảnh vỡ.
Huế, ngày 9/9/2008