Ủng hộ VCV
Số tác phẩm
28.861 tác phẩm
2.760 tác giả
1.191
123.213.973
 
Đất Việt giữa trùng dương
Minh Tứ

Đêm đầu tiên ra thăm Trường Sa không ngũ được, tôi tìm lên boong tàu HQ 957 để ngắm biển. Từ phía chân trời, trăng mười sáu tròn vành vạnh, dát bạc trên mặt sóng biển lấp lánh đẹp đến mê hồn. Trăng sáng đến nổi chúng tôi có thể nhìn thấy được những con cá chuồn bay la đà trên mặt sóng biển. Cứ thế, trăng, biển, sóng và hương vị mặn mòi của biển khơi làm ngẩn ngơ những người lần đầu ra với đại dương.

 

Hơi ấm đất liền nơi đảo xa

 

Sáng, biển lặng sóng. Tàu thả neo. Khi mặt trời vừa nhô lên khỏi mặt biển, chúng tôi - những thành viên đoàn các nhà báo trong nước ùa ra mũi tàu. Tất cả đều ngỡ ngàng sau hai ngày đêm vượt hơn 300 hải lý đã nhìn thấy hòn đảo xanh hiện lên trên biển buổi sáng mai. Đảo xanh, đó là cảm nhận đầu tiên của chúng tôi khi chạm đất Trường Sa Lớn. Cái chấm xanh từ xa bây giờ hiện hữu trước mặt bởi vô số cây bàng vuông, cây phong ba và cây bão táp, xung quanh doanh trại là những vuông đất được che chắn kỹ trồng đủ loại rau xanh.

 

Những người lính Trường Sa đón chúng tôi trong vòng tay thân ái như người quen lâu ngày gặp lại. Khi đến thăm cụm 1, gặp, nói chuyện với anh em chiến sĩ trẻ, thiếu uý Hà Lương Thiện, nhập ngũ 1999, quê Hạ Long, Quảng Ninh, ra đảo được một năm, người rắn rỏi, dong dỏng cao bộc bạch: "Hồi nào mới ra đảo xa đất liền chúng em còn bở ngỡ, nay đã quen dần. Cuộc sống xa nhà nên anh em trên đảo rất thương yêu nhau. Được cái bây giờ ngoài thư từ, đảo đã có sóng di động nên thỉnh thoảng anh em được chỉ huy cho gọi về hỏi thăm gia đình cho đỡ nhớ". Còn Đảo trưởng Trường Sa Lớn, thượng tá Nguyễn Đại Dương, người có nước da ngăm đen, với chất giọng Quảng Trị đặc sệt cho biết, nhờ sự quan tâm của đất liền, đời sống của cán bộ, chiến sĩ ở đảo hiện nay được cải thiện đáng kể. Năm nào cũng có tàu ra cung cấp lương thực, thực phẩm; đảo tăng gia sản xuất thêm như nuôi lợn, gà, đánh bắt hải sản, trồng các loại rau màu. Các phương tiện nghe, nhìn được trang bị đầy đủ đến các cụm; sóng điện thoại di động đã có nên việc liên lạc với đất liền thuận tiện hơn. Nước ngọt để dùng bây giờ cũng tạm đủ sinh hoạt nhờ xây được thêm nhiều bể chứa nước mưa và đào thêm được một số giếng nước...

 

Nói đến nước ngọt, chợt nhớ chuyện kể của chính trị viên - trung tá Nguyễn Văn Đình, người mà tôi được gặp trước đó. Anh Đình là một trong những người có thâm niên trên dưới 10 năm ở đảo. Anh kể hồi mới ra đảo Nam Yết, có những đợt trời khô hạn, bộ đội phải ăn nước biển cả tháng trời, còn tắm thì chỉ tắm khô, nghĩa là chỉ vận động cho ra mồ hôi rồi lấy khăn lau. Anh đã không cầm được nước mắt khi tình cờ đọc bức thư của một chiến sĩ có câu: "Nước mặn con ăn ngày ba bữa/Chờ mãi ông trời chẳng mưa cho/Đồng đội nhường nhau ca nước cuối/ Nhường nhau ca nước bỗng nên thừa". Nước ngọt hồi đó hiếm đến nỗi lính đảo phải cắt trụi tóc vì không có nước gội đầu. Thế mới có chuyện một lần có văn công ra đảo, cánh lính đưa ra câu hỏi các cô ca sĩ: "Ở đâu nhiều sư nhất mà không có chùa?" với điều kiện không trả lời được thì các ca sĩ phải để cho lính được hôn. Nghĩ mãi không ra, các cô đành đưa má ra, nhưng những người lính thì không ai dám hôn vì "các sư đã trót đi tu rồi mà".

 

Những năm gần đây, nước ngọt ở đảo được khắc phục một bước và đời sống của người lính đảo được cải thiện nhờ có nhiều đoàn ra thăm trong mùa biển lặng. Nhưng điều tôi muốn nói đến một thiếu thốn khác là nỗi nhớ đất liền. Hôm thăm đảo chìm Núi Le, đảo tiền tiêu  nằm ở phía đông, khi được hỏi lính đảo ở đây cần gì, Đảo trưởng Nguyễn Đức Dân nói một cách rất hình ảnh "Bộ đội ở đảo được quan tâm nhiều thứ, nhưng có một thứ thiếu nhất là hơi ấm của đất liền".

Cánh lính kể, mỗi lần có tàu từ đất liền ra thăm, hay gặp tàu đánh cá ngư dân của mình là anh em mừng lắm, có khi chỉ chào nhau, uống với nhau chén nước rồi đi nhưng quyến luyến vô cùng. Tôi cũng đã chứng kiến nỗi nhớ đất liền của lính đảo hôm lên xuồng cập đảo Phan Vinh. Từ trên đảo, cánh lính ào ra, bất kể sóng to gió lớn để làm hoa tiêu cho xuồng khỏi mắc cạn. Những cánh tay giơ lên chới với của người lính đảo từ biển lạnh để mong được bắt tay người từ đất liền đến thăm, cứ như là người thân lâu ngày gặp lại.

 

Trung sĩ Nguyễn Anh Tiệp, 22 tuổi, người trẻ nhất ở đảo Phan Vinh quê ở Hương Sơn, Hà Tĩnh ra đảo gần một năm rất tự hào vì là người theo con đường binh nghiệp của bố. Tuy sống ở miền núi nhưng khi vào quân ngũ, Tiệp xung phong ra đảo, nơi bố anh, ông Nguyễn Đình Quý từng làm nhiệm vụ một thời ở đảo An Bang và Trường Sa Lớn. Tiệp có người yêu là Thanh Loan, đang học Trường trung cấp tài chính ở Vũng Tàu. Tiệp nói, so với thời bố ở đảo kể lại thì bây giờ đời sống đỡ hơn nhiều. Ngoài nhiệm vụ tuần tra, canh gác sẵn sàng chiến đấu bảo vệ biển đảo, niềm hạnh phúc của Tiệp là luôn được người bố ở quê nhà động viên, còn người yêu của Tiệp thì chia sẻ với nỗi gian lao vất vả của anh nên tháng nào cũng viết thư thăm hỏi, xác định chấp nhận yêu lính phải chịu cảnh biền biệt xa nhà. Quanh năm suốt tháng canh gác biển trời trong điều kiện thời tiết khắc nghiệt, nhưng Tiệp nói, gian nan của anh và đồng đội bây giờ có thấm vào đâu so với thế hệ đi trước, so với các đảo khác có điều kiện khó khăn và khắc nghiệt hơn.

 

Với người lính Trường Sa bây giờ, sự thiếu thốn về vật chất đã được khắc phục một bước, nhưng có những nỗi đau khác về tinh thần mà nhiều người lính phải chịu đựng, đó là nỗi đau của những cuộc chia ly.

 

Ở đảo Núi Le, tôi đã gặp chuẩn uý Lê Tất Hà quê ở Thái Thuỵ, Thái Bình. Vào binh nghiệp ở tuổi hai mươi, Hà ra đảo Đá Tây tháng 7 năm 2003 và mới chuyển về đây. Tâm sự chuyện riêng tư, Hà kể trước khi đi đảo, người yêu ở quê đã đặt ra sự chọn lựa, một là ở lại để cùng nhau xây dựng gia đình, hai là chia tay nhau. Suy nghĩ rất nhiều, cuối cùng Hà đã chọn ra đảo, vì như Hà nghĩ, nếu ai cũng chỉ nghĩ về mình thì ai sẽ làm thay cho trách nhiệm người lính nơi biển đảo xa xôi. Tôi chỉ biết động viên Hà rằng em còn quá trẻ, tương lai còn ở phía trước, nỗi đau chia ly nào rồi cũng qua đi.

 

Nhưng lời đó có vẻ như sáo rỗng trong trường hợp của Hà Như Lập, sĩ quan chuyên nghiệp ở đảo Trường Sa Lớn. Do không chịu đựng được nỗi xa cách, người yêu thương của anh ở đất liền đi tìm một hạnh phúc mới, còn anh chỉ biết xin cấp trên ở lại đảo đã sáu năm rồi. Đồng đội khuyên anh nên về đất liền để làm lại từ đầu, nhưng vết thương lòng của anh còn rớm máu, nên anh vẫn xin ở lại bên đồng đội, cùng bầu bạn với nắng gió, biển khơi cho thời gian vơi đi, để băng bó vết thương lòng.

 

Thượng uý Nguyễn Đức Cường, Hải đoàn 129 nói, có những nỗi đau đến từ hai phía, như đồng đội của anh là anh Nguyễn Văn Minh, quê ở Quảng Bình, công tác hai năm ở đảo Thuyền Chài, trở về đất liền gia đình tan vỡ. Người lính mang nỗi đau đã đành, người vợ xem ra cũng không mấy hạnh phúc khi phải một đời day dứt khổ đau bởi không đủ can đảm làm vợ lính với những tháng năm biền biệt xa nhà. Hiểu thêm về nỗi lòng của người lính đảo, mới thấy sự cống hiến hy sinh của họ nhiều hơn chúng ta tưởng rất nhiều.

 

Tình quân- dân nơi đầu sóng ngọn gió

 

Hôm đến thăm đảo Trường Sa Đông, nơi chúng tôi vào đầu tiên là phòng làm việc của bác sĩ Trần Hoàng Phong, Bệnh xá trưởng của đảo. Gọi là bệnh xá nhưng chỉ là căn phòng nhỏ, có một tủ thuốc, một giường khám bệnh và một bàn làm việc. Giúp việc cho bệnh xá trưởng có hai y sĩ và một điều dưỡng viên.

 

Bác sĩ Phong cho biết, sức khoẻ cán bộ, chiến sĩ trên đảo nói chung là tốt vì trước khi ra đảo đều được kiểm tra kỹ, chỉ có bệnh dạ dày là phổ biến vì quanh năm anh em phải dùng nước mưa để sinh hoạt, trong khi đó cường độ làm việc lớn, thực đơn thiếu rau xanh vào mùa biển động. Đất và rau xanh ở đảo rất quý nên khi tôi hỏi các loại đất và rau xanh ở đảo, anh em chiến sĩ đều bảo là đất vàng và rau vàng. Ở đảo mùa biển động có gió muối nên rau xanh không sống nổi, bộ đội chủ yếu chỉ ăn thịt hộp.

 

Chuyện chữa bệnh của anh thì có nhiều, nhưng ca bệnh phải cứu chữa nan giải nhất trong thời gian anh làm việc tại đây không phải là lính đảo mà là một ca bệnh viêm phúc mạc ruột thừa của một công nhân ở khu nuôi trồng thuỷ sản đảo Đá Tây chuyển đến. Đó là bệnh nhân Lê Hồng Phương, 31 tuổi. Sau khi phẫu thuật được 8 ngày, anh cho chuyển bệnh nhân đến Bệnh xá Trường Sa Lớn để có điều kiện chữa trị tốt hơn.

 

Chuyện chữa bệnh cho bệnh nhân Lê Hồng Phương của bác sĩ Trần Hoàng Phong được bác sĩ Lê Ngọc Quang, Bệnh xá trưởng đảo Trường Sa Lớn kể tiếp. Hôm nhận được điện từ Trường Sa Đông, anh tức tốc cho anh em ra cầu cảng đón bệnh nhân. Việc đón bệnh nhân được triển khai từ 10 giờ sáng, nhưng hôm đó do gió giật cấp bảy, cấp tám gây sóng lớn, đã nhìn thấy tàu ngoài cầu cảng rồi nhưng mãi tới 9 giờ rưỡi đêm mới dùng xuồng đưa được bệnh nhân vào đảo. Mười một ngày đêm ròng rã cả bệnh xá ra sức cứu chữa, anh Phương mới có dấu hiệu hồi phục, sau đó thấy tạm ổn  mới đưa lên tàu về đất liền điều trị tiếp. Ca bệnh này anh em kể lại như là một ca bệnh khó nhất từ trước đến nay được cứu chữa thành công trong điều kiện phương tiện điều trị ở đảo còn nhiều thiếu thốn.

 

Có một ca bệnh nan giải khác nữa mà các y, bác sĩ ở đảo Trường Sa Lớn cứu chữa thành công, đó là anh Bùi Trận, 37 tuổi, người của tàu đánh cá QNg 6362 thuộc xã An Hải, huyện đảo Lý Sơn, Quảng Ngãi, được chuyển về từ đảo Đá Tây. Hôm ấy trạm xá tiếp nhận anh Trận trong tình trạng tổn thương não, ra máu miệng, mũi rất nhiều, bị hôn mê sâu độ ba, không đo được huyết áp do ngư dân này lặn sâu đến 47 mét, trong tình trạng máy nén khí bị hỏng. Sau hai lần bệnh nhân suýt chết, các bác sĩ tìm cách nâng huyết áp để chuyền nước, mãi cho đến bốn ngày sau bệnh nhân mới có tri giác. Nhưng rồi một tình huống khác đặt ra là bệnh nhân lại bị xuất huyết tiêu hoá. Khi chữa xong bệnh này các y bác sĩ mới tiến hành phẫu thuật, điều trị suốt 27 ngày đêm, khi sức khoẻ ổn định mới chuyển vào đất liền. Anh Bùi Trận sau này nhiều lần điện thoại cảm ơn sự tận tuỵ và tài năng cứu chữa của anh em quân y ở Bệnh xá đảo Trường Sa Lớn.

 

Bác sĩ Lê Ngọc Quang cho biết, ngoài chức năng chăm lo đảm bảo sức khoẻ cho cán bộ, chiến sĩ khu vực các đảo phía nam quần đảo Trường Sa, bệnh xá của anh là địa chỉ cứu chữa cho nhiều ca bệnh của ngư dân trong đất liền ra khơi đánh cá. Nhiều bệnh nhân là ngư dân sau này đã dành nhiều tình cảm cho những người thầy thuốc chữa bệnh vô tư, tận tuỵ hết mình ở đảo. Anh nói đó là niềm động viên, an ủi rất lớn và thể hiện tình quân dân gắn bó bền chặt nơi đầu sóng ngọn gió này.

 

Điều cũng cần nói thêm là trong những ngày ra thăm các đảo trên quần đảo Trường Sa, chúng tôi rất có ấn tượng về tình đoàn kết gắn bó của các lực lượng đóng chân trên đảo. Trạm trưởng trạm khí tượng hải văn Trường Sa Trần Văn Long là một trong những người như thế. Đơn vị anh trực thuộc Trung tâm khí tượng- thuỷ văn Nam Trung Bộ. Với bảy con người, công việc của các anh âm thầm diễn ra đều đặn 3 tiếng đồng hồ đo một lần, bất kể ngày nắng cũng như ngày mưa, ngày biển động. Khi có gió bão mạnh thì việc đo sóng, đo sức gió tăng lên 30 phút một lần. Từ các thông số đo đếm được, thông tin của các anh báo về đất liền, được cập nhật trên mạng thông tin dự báo thời tiết trong nước và cả khu vực Thái Bình Dương. Cho đến nay, trong trạm anh Long là người ở đảo lâu nhất, ra đảo đã ba năm nay chưa hề về phép một lần. Ngày anh đi, cháu đầu lòng của anh mới bốn tháng tuổi, ba năm nay con chưa được biết mặt bố như thế nào. Anh rất nhớ vợ con đang ở đất liền - thị xã Tuy Hoà nhưng vì nhiệm vụ nên vẫn phải ở lại với đảo xa thực thi nhiệm vụ như một người lính. Trong trạm hầu hết nhân viên đều trẻ, sống xa đất liền, ngoài việc thực hiện nhiệm vụ một cách chính xác, đầy đủ, kịp thời, hàng ngày anh em luôn tạo cho nhau một bầu không khí thoải mái. Giờ nghỉ, các anh cùng bộ đội trên đảo đi câu cá, trồng rau xanh, chăn nuôi để cải thiện đời sống. Lãnh đạo, nhân viên của trạm sống với anh em lính đảo như người một đơn vị, khi có niềm vui, nỗi buồn riêng tư đều chia sẻ cho nhau.

 

Suốt những ngày ra Trường Sa, trừ lúc cập đảo để thăm, hầu hết chúng tôi đều sinh hoạt trên tàu HQ 957. Để tránh say sóng do nhiều hôm sóng to gió lớn, tôi thường lên boong tàu hóng gió. Chỉ huy trưởng chuyến hành quân, thượng tá Nguyễn Văn Huân, Phó chỉ huy quân sự Lữ đoàn 125 Hải quân là người lúc nào cũng có mặt trên tàu để thực thi vai trò của người chỉ huy. Với khuôn mặt chữ điền xạm đen vì nắng gió, có phong cách chỉ huy bằng mệnh lệnh dứt khoát, nhưng trong sinh hoạt đời thường thì rất dân dã, anh Huân là đối tượng để cánh báo chí bám riết trong suốt chuyến đi. Câu chuyện trong đêm không ngũ của anh làm tôi nhớ mãi.

 

Năm ngoái, tàu HQ 957 nhận được lệnh của cấp trên điều ra gần đảo Hoàng Sa cứu nạn cho một tàu của ngư dân huyện đảo Lý Sơn gặp nạn trong cơn bão dữ. Lập tức chỉ huy cử đoàn đi cứu hộ. Ra khơi trong sóng to gió lớn giật cấp chín, cấp mười, con tàu có trọng tải lớn đến thế mà cứ nghiêng ngã, nhào lên bổ xuống làm tất cả cán bộ, chiến sĩ trên tàu ai cũng say sóng ngất ngư. Khi xác định được toạ độ tàu của ngư dân gặp nạn, nối được dây kéo vào tàu HQ 957, một tình huống khó khăn đặt ra là tàu đánh cá của ngư dân bị gãy chân vịt, nước tràn vào tàu. Lúc này cả mười sáu thuyền viên thay nhau tát nước ra khỏi tàu. Cứ thế ròng rã một ngày một đêm, chiếc thuyền bị nạn được kéo về huyện đảo Lý Sơn an toàn. Trên tàu của Hải quân, anh em thuỷ thủ đều kiệt sức, có chiến sĩ như Hoàng Khánh Nam, quê ở Cửa Lò, Nghệ An, phụ trách máy nổ của tàu bị nôn ra máu nhiều lần. Nam kể phải mấy tuần sau vẫn chưa hồi phục được sức khỏe nhưng anh luôn cảm thấy hạnh phúc vì chuyến đi cứu hộ của tàu đã thành công, giúp cho dân bảo vệ được tín mạng và tài sản trong một tình huống ngặt nghèo.

 

Dịp đó Huyện đảo Lý Sơn đã tặng cho thuỷ thủ tàu HQ 957 một giấy khen kèm theo 200 ngàn đồng cùng mười ký tỏi, mười ký hành, đặc sản của Lý Sơn. Vinh dự hơn, từ chiến công này Nhà nước đã tặng thưởng Huân chương chiến công hạng ba cho Thuỷ thủ đoàn cứu hộ thành công các ngư dân trong cơn bão dữ.

 

Sức sống mới ở Trường Sa

 

Trong hồi ức của những người có mặt ở Trường Sa Lớn sau ngày đảo này được giải phóng, nơi đây tuy là "thủ phủ" của quần đảo nhưng chỉ là một bãi san hô, cát trắng phơi mình trong nắng gió. Từng bước một, qua hơn ba mươi năm tiếp sức không ngừng nghỉ từ đất liền, màu xanh đã phủ khắp trên đảo. Tiếp theo, nhà cửa của dân, doanh trại quân đội được xây dựng khang trang, bề thế. Người ta ước tính để đưa được một tấn đất ra đảo phải mất mười tấn dầu, mới thấy nắm đất Việt trên đảo xa đáng giá và thiêng liêng biết bao. Có đất, sự sống trên đảo sinh sôi. Trưa, nằm nghỉ ở doanh trại, thảng thốt khi nghe tiếng gà gáy trưa, cảm giác không biết mình đang ở một ốc đảo bốn bề là sóng nước.

 

Từ phong trào " Trường Sa vì cả nước, cả nước hướng về Trường Sa", không chỉ ở Trường Sa Lớn mà ở đảo Trường Sa Đông, Phan Vinh, Núi Le, Tiên Nữ, Nam Yết, Sinh Tồn...sự sống hồi sinh một cách mãnh liệt, bất chấp sự khắc nghiệt của bão táp, gió muối. Buổi chiều dạo quanh đảo, bắt gặp từng đàn lợn, ngan, vịt nuôi thả rông đi kiếm ăn như bắt gặp một vùng đất nào đó trong đất liền. Ngay như ở đảo Đá Tây, Đá Lát tuy là đảo chìm nhưng quanh doanh trại, lính đảo tận dụng từng mét vuông đặt khay đất để trồng đủ loại rau xanh như rau muống, rau cải, mồng tơi, trong chuồng gà có rất nhiều trứng, rồi ngan, vịt, nhiều nhất là những chú chó cũng góp công canh giữ biển trời.

 

Thăm khu dân cư thị trấn Trường Sa, Chủ tịch thị trấn Nguyễn Quốc Thiện, một người trẻ mới 28 tuổi, nguyên là Tổng đội trưởng thanh niên xung phong tỉnh Khánh Hoà trước đây, nói với chúng tôi rằng trong khi chờ sắm phương tiện để ra khơi đánh bắt hải sản và tiến hành nuôi trồng thuỷ sản quanh đảo, nhân dân thị trấn trồng thêm rau xanh, chăn nuôi gia súc, gia cầm, bước đầu đời sống đã ổn định.

 

Điều mà các anh trong lãnh đạo thị trấn quan tâm là việc học hành của con em. Hiện tại trường tiểu học thị trấn chỉ dạy học cho các cháu đến hết lớp 3, sau đó sẽ chuyển các cháu vào đất liền học tiếp. Giáo viên các lớp học trong thị trấn ngoài cô Bùi Thị Nhung dạy từ lớp 1 đến lớp 3, cán bộ thị trấn, bộ đội trên đảo cũng tham gia đứng lớp. Lớp học chúng tôi rẻ thăm được bố trí ở khu nhà ở của vợ chồng anh Đặng Thanh Chương và cô Bùi Thị Nhung, cạnh đó là lớp học mẫu giáo do anh Lê Minh Cảnh, cán bộ thị trấn kiêm thầy giáo dạy cho các em biết đọc, biết viết để có thể học lên lớp trên. Ngày hai buổi đều đặn, các thầy cô lên lớp với chương trình chuẩn của Bộ Giáo dục- đào tạo. Quan sát thấy chữ viết của cô giáo Nhung trên bảng rất đẹp, lớp học ít học sinh nhưng vẫn có phát biểu, kiểm tra bài rất bài bản. Cháu Nguyễn Thị Trà My, 7 tuổi học sinh lớp hai luôn giơ tay phát biểu xây dựng bài. Khi được hỏi, bé Trà My mơ ước sau này lớn lên sẽ được làm cô giáo như cô giáo Nhung.

 

Có lẽ quyết tâm của Chủ tịch thị trấn Nguyễn Quốc Thiện, Phó chủ tịch thị trấn Biền Văn Quảng trong việc đưa gia đình ra đảo định cư đã làm cho nhân dân trong thị trấn an tâm, khi trò chuyện với chúng tôi họ đều nói rằng sẽ định cư lâu dài. Đôi vợ chồng trẻ Nguyễn Văn Trung, Lương Thị Tình tiếp chúng tôi trong căn nhà khang trang không dấu được cảm xúc: "Hồi ở trong đất liền- Cam Lâm, Khánh Hoà, hai vợ chồng em viết đơn xin ra đây xây dựng đảo, đã xác định dù sướng khổ đều bám đảo để sống. Thực ra lúc đó cũng chưa hình dung ra cuộc sống sẽ như thế nào. Ra đây được ở trong ngôi nhà mới mà trước đây nằm mơ cũng không thấy. Bây giờ chúng em đã quen với cuộc sống ở đảo rồi", Tình nói. Hai cháu nhỏ của họ là Nguyễn Anh Đức, 5 tuổi, Nguyễn Thị Quỳnh Hương, 4 tuổi đều được đi học tử tế, lại ở gần nhà. Mong ước bây giờ của họ là có sức khoẻ để làm lụng nuôi con, xây dựng thị trấn. Một đội thuyền đánh cá hình thành sẽ là niềm mong ước của Nguyễn Văn Trung cũng như những người trẻ ở thị trấn Trường Sa. Nguyễn Tấn Thi, người hàng xóm của Trung nói như đinh đóng cột: "Cũng từ đất liền ra đảo, bây giờ em đã tìm thấy tương cho bản thân và gia đình ở chính nơi đây".

 

Vâng, những người trẻ đặt cược tương lai mình vào biển đảo là đã nhận thức được sự giàu có, hào phóng của biển khơi. Biển đảo Trường Sa tuy thời tiết khắc nghiệt, bốn bề sóng gió nhưng mang chứa trong mình tiềm năng rất lớn về hải sản, các nguồn lợi khác mà con người chưa khai thác hết. Chỉ nói về những tiềm năng đã lộ thiên, có thể nhìn thấy được như lợi thế nuôi trồng thuỷ sản ở đảo Đá Tây, nơi có khu dịch vụ hậu cần nghề cá lớn nhất trong các đảo. Đảo có ba điểm đóng quân của Hải quân gồm điểm Đá Tây A, Đá Tây B, Đá Tây C, mỗi điểm cách nhau 9 km.

 

Điểm Đá Tây A nơi chúng tôi cập xuồng nguyên thuỷ buổi khai thiên lập địa là một miệng núi lửa. Có thể hình dung đảo Đá Tây là một cái hồ giữa biển, có độ sâu từ 15-30 mét, nơi đây có hai cửa luồng đi vào, cập được tàu trọng tải một ngàn tấn. Với địa hình đảo san hô như thế nên Bộ Thuỷ sản đã xây dựng ở đây một điểm nuôi trồng thuỷ hải sản. Qua thể nghiệm đã nuôi thành công loài cá chim trắng và cá chẽm (cá vược), cá mú, cá hồng, sắp tới khi có tổng kết đánh giá sẽ chuyển giao kỹ thuật cho dân nuôi. Nhưng có lẽ thuận lợi nhất của Đá Tây là nơi Bộ Giao thông- Vận tải chọn xây dựng một cảng cho tàu vào neo đậu tránh bão, là nơi cung cấp các dịch vụ nghề cá. Với diện tích hơn 10 cây số vuông, được che chắn bởi dày đặc rặng san hô, khi sóng bên ngoài lên cấp mười thì ở trong lòng hồ chỉ là cấp tám. Khảo sát này đưa đến hình thành dự án sẽ xây dựng một cảng cho ngư dân đánh bắt xa bờ cập vào tránh bão tốt nhất khi không kịp về đất liền.

 

Đảo trưởng Đá Tây Nguyễn Xuân Triệu cho biết, mới đây trong cơn bão số 1/2008, có hơn 30 tàu đánh cá của ngư dân các tỉnh Bình Định, Phú Yên, Khánh Hoà...vào Đá Tây neo đậu trong lòng hồ, tránh được bão an toàn. Anh cho biết thêm việc bảo vệ chủ quyền trên đảo rất phức tạp, phải thường xuyên vận động, đẩy đuổi nhiều lượt tàu nước ngoài đến thăm dò. Việc xử lý kiên quyết nhưng cũng phải rất mềm dẻo, tránh xảy ra xung đột và thời điểm nào cán bộ, chiến sĩ trên đảo cũng luôn đảm bảo mục tiêu trên không, trên biển. Đảo Đá Tây còn là điểm tựa cho ngư dân ra đánh cá trong hoàn cảnh gặp nạn, đau ốm đột xuất, vì thế ngày càng có nhiều tàu đánh cá đến neo đậu ở đây. Anh hy vọng khi những dự án dân sự được thực hiện, nơi đây sẽ là đảo đông vui, vừa khai thác được tiềm năng của Đá Tây, vừa bảo vệ chủ quyền một cách vững chắc trong thế trận lòng dân.

 

Nhưng để đến ngày đó, bây giờ những người lính nơi tuyến trước đang ngày đêm dõi mắt canh giữ biển trời, quyết không để những con mắt dòm ngó nuôi tham vọng bá quyền bén mảng đến đây. Bất chợt tôi nhớ đến sự kiện chủ quyền 88 (CQ-88) ngày 14.3.1988 khi lực lượng quân sự nước ngoài ngang nhiên xâm chiến đảo Gạc Ma của Việt Nam, 64 cán bộ, chiến sĩ Hải quân Việt Nam đã anh dũng chiến đấu trong một trận chiến không cân sức và hy sinh đến người lính cuối cùng. Thiếu uý Trần Văn Phương, Phó chỉ huy đảo Gạc Ma trước khi ngã xuống đã hô to: "Thà hy sinh tất cả chứ không để mất đảo". Và không thể nào quên được hành động dũng cảm của Thuyền trưởng tàu HQ 505 Vũ Huy Lễ trong khi đang làm nhiệm vụ ở đảo Cô Lin gần đó đã ra lệnh nhổ neo đâm tàu vào bãi san hô làm điểm tựa chiến đấu, chấp nhận hy sinh toàn bộ để xác lập chủ quyền thiêng liêng của đất Việt giữa biển Đông.

 

Người ta nói nước biển ở Trường Sa mặn hơn và san hô ở đây cũng đỏ thắm hơn nơi khác, bởi vùng biển đảo này đã nhuốm biết bao máu của người lính hải quân nhân dân Việt Nam, để bây giờ đến đây, chúng tôi cảm nhận được một sức sống mới đang nảy nở, sinh sôi.

 

Vì chủ quyền biển đảo thiêng liêng

 

Đến thăm và làm việc ở một số đảo nằm phía đông nam quần đảo Trường Sa, Phó tham mưu trưởng Quân chủng Hải quân Nguyễn Hữu Vinh truyền đạt mệnh lệnh của cấp trên, rằng vì chủ quyền biển đảo thiêng liêng của Tổ quốc, một trăm phần trăm lực lượng Quân chủng Hải quân quyết hy sinh đến người lính cuối cùng. Chúng tôi hiểu mệnh lệnh đó xuất phát từ ngàn xưa cho đến hôm nay, khẳng định Trường Sa là một bộ phận không thể tách rời của đất nước mà trách nhiệm của người lính ở tuyến trước, của mỗi người con đất Việt phải biết giữ gìn.

 

Từ nhiều thập kỷ nay, với nhiều toan tính và tham vọng, các thế lực nước ngoài tìm đủ mọi cách để xâm phạm, lấn chiếm, tiến tới độc chiếm biển Đông. Đất nước hoà bình hơn ba mươi năm rồi, nhưng máu vẫn tiếp tục đổ trên biển Đông và hải đảo như nhắc nhỡ chúng ta rằng, mỗi tấc đất mà từ bao đời nay các thế hệ cha ông của chúng ta dày công xây đắp là thiêng liêng. Việc đảm bảo chủ quyền của đất nước trên thềm lục địa, biển Đông và hải đảo đang là một khó khăn lớn trong điều kiện tiềm lực đất nước còn nghèo. Nhưng mồ hôi, nước mắt đã đổ xuống đây, máu xương đã đổ xuống đây, để biển vẫn xanh ngàn đời, để đảo bây giờ xanh biếc cả một quầng xanh ôm ấp lấy từng thớ đất Việt giữa sóng nước đại dương.

 

Hiện tại trên quần đảo Trường Sa, ngoài 9 đảo nổi, Hải quân Việt Nam đang đóng giữ tại 12 đảo chìm gồm các đảo: Đá Nam, Đá Lớn, Thuyền Chài, Cô Lin, Len Đao, Tiên Nữ, Núi Le, Tốc Tan, Đá Tây, Đá Đông, Đá Lát, Đá Thị. Giữa điệp trùng sóng gió biển khơi, trong điều kiện hiện có, giữ được như thế là một nỗ lực lớn lao rất cần sự chia sẻ của đất liền. Tương lai giàu mạnh của đất nước, của dân tộc ta đang mở ra từ đại dương bao la. Nhưng những chiếc "gai nhọn" vẫn còn đó, ngáng trở con đường băng ra đại dương của chúng ta.

 

Trên đường hành quân, Phó Tham mưu trưởng Hải quân vùng 4 Nguyễn Xuân Thuỷ chỉ cho chúng tôi những chấm nhỏ màu tím nhạt trên bản đồ hành trình được căng ở cánh cửa lên boong tàu. Đó là những hòn đảo thân yêu của Việt Nam đã bị nước ngoài cưỡng chiếm. Biển là biển của ta, đảo là đảo của ta mà giờ đây trên hành trình ra đảo chúng tôi phải đi đường tránh, vì nếu đến gần, như nhiều ngư dân các tàu đánh cá kể lại là sẽ bị bắn hù doạ, bị trấn hết lưới, dầu, lương thực...Hôm ở đảo Núi Le, chúng tôi chứng kiến một tàu đánh cá ngư dân của ta bị nước ngoài lấy hết phương tiện đánh bắt, đành phải về cập Núi Le để buông câu kiếm vài con cá gỡ gạc trước khi vào bờ. Chỉ huy tàu HQ 957 biết tin cử đại diện lên thăm, tặng quà động viên ngư dân. Nhìn thấy cảnh này tôi hình dung nếu không có Hải quân Việt Nam cắm chốt ở đây làm điểm tựa, chia sẻ nhiên liệu, nước ngọt, lương thực, ngư dân của ta sẽ bơ vơ biết bao giữa mênh mông đại đương xa thẳm.

 

Biết là biết vậy nhưng trước tham vọng của nước ngoài, "Khi có tình huống nhạy cảm xảy ra trên biển Đông, lực lượng Hải quân Việt Nam luôn kiềm chế, tìm cách xử lý linh hoạt nhưng vẫn đảm bảo chủ quyền vùng biển đảo"- Tôi hiểu câu nói của Đảo trưởng đảo Núi Le Nguyễn Đức Dân khi nói về sự nan giải trong việc đẩy đuổi tàu nước ngoài đến thăm dò vùng biển đảo chủ quyền của Việt Nam.

 

Một việc làm ý nghĩa mà các đoàn công tác ra Trường Sa đều thể hiện, đó là tưởng niệm các anh hùng, liệt sĩ hy sinh vì sự nghiệp bảo vệ chủ quyền biển đảo. Cùng với các đoàn công tác ở các đảo phía bắc quần đảo làm lễ tưởng niệm các liệt sĩ đã hy sinh trong sự kiện CQ - 88 ở khu vực đảo Gạc Ma và Cô Lin, đoàn công tác tàu HQ 957 của chúng tôi đi về phía đông nam, làm lễ tưởng niệm các liệt sĩ đã hy sinh ở các nhà giàn vùng biển Tư Chính.

 

Tại vị trí nhà giàn DK 1.11, buổi sáng khi mặt trời chưa thức dậy, cả đoàn chỉnh tề trang phục tập trung trên boong tàu. Một không khí linh thiêng toả ra từ ngan ngát hương trầm. Vòng hoa, lễ vật được dâng lên và tiến hành theo nghi thức của những người đi biển. Trong tiếng nhạc trầm hùng, chúng tôi bùi ngùi xúc động tưởng nhớ đến các liệt sĩ đã hy sinh anh dũng trên vùng biển giàu tiềm năng, có vị trí hết sức quan trọng ở thềm lục địa phía nam của đất nước.

 

Phó tham mưu trưởng Quân chủng Hải quân Nguyễn Hữu Vinh giọng chùng xuống khi hồi tưởng về tinh thần chiến đấu hy sinh của các thế hệ cán bộ, chiến sĩ Tiểu đoàn DK1, thuộc Lữ đoàn 171 trên các Trạm kinh tế- khoa học- dịch vụ đã nêu cao tinh thần khắc phục khó khăn, gian khổ, chấp hành nghiêm mệnh lệnh, trụ vững nơi đầu sóng ngọn gió. Nhưng thiên nhiên vốn hung dữ, khắc nghiệt. Sự tàn phá khủng khiếp của bão tố đã làm đổ các nhà giàn vào những năm 1990, 1996, 1999 và năm 2000. Chính từ trong gian khổ thử thách, người lính Hải quân trên các nhà giàn, các tàu trực ở thềm lục địa  phía nam đã tỏ lòng trung thành vô hạn với Tổ quốc, sẵn sàng hy sinh để hoàn thành nhiệm vụ, thể hiện tình thương yêu đồng đội trong sáng, thủy chung.

 

Những người lính Hải quân vẫn còn nhắc mãi hành động cao đẹp của liệt sĩ, đại uý Vũ Quang Chương- Chỉ huy trưởng Nhà giàn DK 1/6 Phúc Nguyên. Trước sự hung dữ của biển cả và tàn khốc của cơn bão số 8 ngày 14/3/1999, anh bình tĩnh vững vàng chỉ huy bộ đội rời trạm xuống tàu về đất liền an toàn, còn anh và chiến sĩ trẻ Nguyễn Văn An ở lại sau cùng thu dọn tài liệu và cuốn lá cờ Tổ quốc vào lòng, rời nhà giàn cuối cùng. Nhưng không kịp nữa, cơn bão với sức gió lớn đã cướp đi tính mạng của các anh. Còn liệt sĩ, chuẩn uý Lê Đức Hồng trong thời điểm ngặt nghèo nhất vẫn cố gắng để giữ vững liên lạc với đất liền. Khi cơn bão ập đến làm nhà giàn sụp đổ, anh chỉ kịp gửi lời chào "Vĩnh biệt đất liền" để rồi thanh thản ra đi không một chút suy tư. Bám trụ cùng những người lính trên các nhà giàn, thượng uý Phạm Tảo, Thuyền trưởng tàu HQ 606, đại uý Nguyễn Văn Tư, Thuyền trưởng tàu HQ 188 và trung uý Lê Đức Cường, thượng uý Ngô Sĩ Nga- Máy trưởng và các chiến sĩ Hoàng Văn Cúc, Nguyễn Đức Hanh đã trực chốt kiên cường, ra tay cứu vớt đồng đội và đã anh dũng hy sinh.

 

Khi đài hoa, những cánh hoa, lễ vật được đưa xuống biển, tôi nghe vang vọng tiếng thầm thì cầu nguyện của những người lính: "Từ ngày các anh đi xa, chúng tôi, những cán bộ, chiến sĩ trong Quân chủng và Lữ đoàn 171 tiếp tục noi gương các anh. Chúng tôi nguyện với các anh rằng sẽ vượt qua mọi khó khăn, gian khổ, trụ vững nơi đầu sóng ngọn gió, bảo vệ vững chắc chủ quyền biển đảo, thềm lục địa phía nam của Tổ quốc". Lời nguyện cầu của các anh chắc đã thấu tận biển xanh và dưới "Nghĩa trang san hô đỏ", đồng đội các anh cũng đã nghe thấy, cho nên đài hoa có cắm nến, hương hoa khi được thả xuống biển cứ dập dềnh, dập dềnh lưu luyến quanh tàu. Ngoài kia, sóng biển vẫn vỗ miên man.

 

Chợt nhớ, hôm trước đoàn chúng tôi làm lễ tưởng niệm các liệt sĩ hy sinh trong khi làm nhiệm vụ ở đảo Trường Sa Đông, khi trở về có một con chim hải âu cứ bay theo mãi đoàn tàu trên suốt quãng đường dài. Một đồng nghiệp của tôi cho rằng đó là linh hồn của các anh đang ở đâu đây, quấn quýt bên đồng đội để canh giữ biển trời quê hương. Những người có mặt trên boong tàu hôm ấy lặng đi, dõi mắt theo cánh chim cho đến khi nhoà vào hoàng hôn. Biển chiều ngã từ màu xanh sang tím ngắt đến bất ngờ.

 

Thay lời kết

 

Cũng như đêm đầu tiên ra đảo, đêm cuối trên hành trình trở về, không ngũ được tôi cứ lang thang mãi trên boong tàu. Vậy là chúng tôi đã bỏ lại phía sau hành trình 1170 hải lý ra thăm các đảo phía đông nam quần đảo Trường Sa, xa rồi những cơn sóng lừng làm nghiêng ngã con tàu với những cơn say sóng vật vả, xa rồi những ánh mắt thẳm sâu của những người lính quanh năm suốt tháng canh giữ biển trời đất Việt giữa trùng dương. Trên đường trở về đất liền, chúng tôi đều có những cảm nhận chung, nơi ấy trong điều kiện khó khăn gấp bội phần so với đất liền nhưng ý chí sẵn sàng hy sinh của người lính thì luôn toả sáng; nơi ấy, một phần đất Việt thiêng liêng không thể tách rời cho đất nước rộng dài, bao la trời biển. Để bảo vệ từng tấc đất giữa biển khơi, Trường Sa tiếp tục cần được sự tiếp sức của đất liền, bởi tương lai của đất nước đang mở ra từ mênh mông đại dương xa thẳm.

 

Trường Sa, bây giờ đã thật vời vợi xa về khoảng cách nhưng cũng thật gần trong nỗi nhớ của đất liền, của bạn, của tôi, và của tất cả những ai từng có hạnh phúc được đặt chân đến mảnh đất Việt giữa mênh mông đại dương xa thẳm.

Ảnh Trường Sa của Tác giả.

Minh Tứ
Số lần đọc: 3067
Ngày đăng: 09.09.2008
[ Trở lại ] [ Tiếp ]
In tác phẩm Góp ý Gửi cho bạn
Cùng thể loại
Người đồng dụ và tâm thế Phật pháp - Vũ Ngọc Tiến
Có một dòng sông để thương, để nhớ - Minh Tứ
Phác thảo sử ký rượu quý Kim Long - Nguyễn Hoàn
Saigòn – những ngày tháng 9 – 1945 - Khổng Ðức
Lại Ốc - Bao giờ chú Tễu lại cười - Phạm Minh Hoàng
Dấu tích người vợ bất hạnh của vua Thành Thái bên dòng Ô Lâu - Nguyễn Hoàn
Gửi lại PLeiku - Minh Tứ
Những mộ phần không cô đơn - Nguyễn Hoàn
Thịt chuột ký sự - Phạm Minh Hoàng
Trở lại Xứ Thanh - Nguyễn Nguyên An
Cùng một tác giả
Về làng (truyện ngắn)
Ảo ảnh (truyện ngắn)
Bạn cũ (truyện ngắn)
Nỗi buồn ký giả (truyện ngắn)