Trong tập tiểu luận Vũ Trụ Thơ, khi viết về Nguyễn Du, nhà phê bình Đặng Tiến đã khoa lên một kiểu chữ nghĩa mới toanh mà gần gũi, mượt tươi mà trần trụi, khiến nhiều người khi đọc, vừa nhăn mặt thích thú vừa nhếch môi ngạc nhiên: “Yêu một tác phẩm nghệ thuật giống như yêu một người đàn bà ở điểm là mỗi lần yêu, chúng ta khám phá ở người tình một trinh tiết mới. Yêu một tác phẩm là sáng tạo một trinh tiết mới cho tác pẩm” (1). Dọi lại, trong cuộc đời mỗi chúng ta, khi đọc những tác phẩm nghệ thuật, đã không ít lần lòng ta bỗng rung lên với hàng hàng chữ nghĩa bay lượn trên thảm cỏ xanh rờn; khép trang sách, ta như đang sống cùng những nhân vật ấy, những “trinh tiết mới” ấy. Nhưng cũng không ít tác phẩm, mới giở năm bảy trang đã nghe thấp trhoáng mùi khoai lang sùng, cơm thiu toè khắp các trang giấy trắng tinh. Không phải đẻ non, mà chửa trâu, đẻ quá tháng, bỡi anh ta không phải làm nghệ thuật; anh ta dùng nghệ thuật để đẩy nó đi mọt hướng khác!
Với Phạm Ngọc Lư, anh chưa có và không bao giờ có được cái ngời ngời của thiên tài Nguyễn Du, nhưng với tôi, Lư là người bạn thiết (từ nửa thập niên 60) và chữ nghĩa của Lư là “người tình” đích thực của tôi, kể từ khi tôi đọc một loạt truyện ngắn anh đăng trên Văn, Bách Khoa. Những nhân vật trong truyện đã mang không khí chiến tranh đi ngao du ca hát khắp cùng trời cuối đất, khi thì dưới một mái trường quê, khi thì một làng ven biển, lúc thì trong một thị trấn nhỏ miền núi, bị vây phủ tứ bề như một ốc đảo trong sa mạc…họ thuộc thế hệ chúng tôi. Tất cả đều không có giọng điệu gào thét, rên rỉ hay chửi bới dung tục, không có cả tiếng bom đạn ì ầm mà, chỉ có tiếng cười chưa thoát hẳn lồng ngực, những tiếng nói thì thầm của hai kẻ yêu nhau rờn rợn lưỡi gươm lia ngang, xẻ dọc trên đầu; cuộc sống được đếm bằng giây bằng phút. Một cuộc sống mong manh tưởng chừng không với chạm tới ngày mai qua từng câu ngắn ngủn tài hoa… Trong suốt thời gian này , tôi chưa hề thấy anh làm thơ như những người cầm bút khác, cùng thời.
Mãi tới cuối năm 70, tôi từ Sài Gòn về từ giã cha mẹ và các em để “xếp bút nghiên…”, buổi tối ngồi uống chén rượu lạt cùng nhau với các bạn văn trước lúc chia tay, giữa chếch choáng men say thế sự, giọng Lư hốt nhiên vang lên, nấc nghẹn:
Biên cương, biên cương, chào biên cương
Chào núi rừng thăm thẳm nhiễu nhương…
…Khu chiến ngày tràn lan lửa dậy
Đá vọng Phu mọc khắp biên cương…
…Đây biên cương, ghê thay biên cương
Tử khí bốc lên dày như sương…
(Biên cương hành)
66 câu thơ trong bài hành bắt rờn rợn da gà, gai ốc khắp người tựa hồ có hàng ngàn mũi kim nhọn buốt thịt xương. Tôi ngạc nhiên đến thích thú Và đã ám ảnh tôi trên 30 năm na; có lẽ cho đến khi nhắm mắt xuôi tay, nỗi ám ảnh ấy chắc sẽ còn “dày như sương”!
Ngay đêm ấy, tôi lẩm nhẩm những câu gãy khúc, nghe chừng Biên cương hành, như một dự báo vềù định mệnh oan nghiệt bắt đầu phủ trùm lên cuộc đời anh và đời thơ: lang thang đến sơn cùng thuỷ tận để mưu sinh, chân tay toé máu qua những tầng đất đá sâu hoắm cuốc đào để nuôi ba miệng ăn trong thời buổi nhiễu nhương. Có lẽ vì thế, nên ngôn ngữ thơ Phạm Ngọc Lư có phong cách rất riêng, “không giống ai”: không ảnh hưởng Thiền, không hoàng phái quý tộc, cũng không viễn mơ, ảo ảnh vu vơ, gào rống ba hoa. Đời đã xô đẩy anh tới tận cùng đáy xã hội để hiểu thấu thế nào là đau, là hận, là nhục… đối với chính bản thân và bạn bè, người thân. Đời sống của anh vốn dĩ rất thực, không màu mè, phỉnh phờ, ma mị, lừa lọc, dối trá với chính mình và với người khác, vì vậy từ đáy lòng, anh đã đẩy những giòng thơ của chính mình lên đến chỗ tận cùng nỗi hoan-lạc-đau-đớn-chua-cay, trộn lẫn chút bụi cát bùi ngùi trong chén
cơm hẩm, nước muối chan mặn đắng:
Mười lăm năm nát thân Kiều
Còn thân ta nát bao nhiêu năm rồi?
Đoạn trường tuế nguyệt gấùp đôi
Từ đêm trắng mộng, vốn lời trắng tay!
(Chỉ còn đan tâm)
Có lần Lư viết cho tôi: “ …Nhà thơ = lãng mạn + cô đơn + kiêu hãnh + bi thương, trong đó “cô đơn” là thuộc tính bi thảm nhất. Chính trong cái cô dơn cùng cực, tôi thấy mình chết, ra đi và đã viết:
Tâm hồn bật một tiếng kêu
Vỡ ra lênh láng giữa chiều tang thương
Aâm ba đồng vọng mười phương
Có ai thiên cổ đoạn trường hồi âm
Tay ai nâng nhẹ phù thân
Dìu tôi đi giữa phù trầm khổ đau
Tôi và nước mắt dìu nhau
Bơi qua bể khổ muôn màu lô nhô
Tôi và cát bụi ngu ngơ
Bay quanh trời đất đợi giờ tương sinh”.
(Thư riêng đề ngày 27.10.02)
Nếu hiểu thơ ca là niềm hoan lạc của loài động vật trong mùa tình động, nhằm cung phụng cho một ý đồ thì quả thực thơ Lư không bao giờ có một chỗ đứng nếu không muốn nói là bị dìm xuống tận đáy thăm thẳm sâu của thứ buùa rìu phê phán! Nhưng khốn nỗi và may mắn thay những ý tưởng của Lã Bất Vi cũng chỉ tung hoành một thời gian ngắn ngủi. Thơ ca vẫn cứ là thơ ca, như tiếng lòng trung thực vốn có, không hề méo mó, dị dạng, rống rít trên đường một chiều, để ngày nay thiên hạ vẫn say sưa đọc Thôi Hộ, Lý Bạch, Mạnh Hạo Nhiên… để, Tỳ bà hành, Cung oán ngâm, Tuyện Kiều… vẫn sừng sững như một núi đá cao ngất! Và riêng tôi được đọc những câu thơ “cùng khổ” của người bạn thân. Được cùng anh sướng điên lên, đau chùng xuống, la đà cùng hơi men chếch choáng theo những câu chữ phơi bày cả ruột gan, không thèm thập thò ngần ngại, giả bộ nhắc tuồng, đóng kịch. Bỡi PhạmNgọc Lư là Phạm Ngọc Lư. Thơ Lư là củ chính hắn ta chứ không phải kẻ nào khác nhảy vào múa may, quay cuồng la hét ỏm tỏi như đám sơn đông mãi võ rao bán thuốc trường sinh. Bỡi anh đã nhận ra rằng “cô đơn là thuộc tính bi thảm nhất”, còn tôi thì muốn thêm “…thuộc tính bi thảm nhất của thơ ca”, vì nếu tôi không nhớ lầm, có lần A. Rimbaud cũng đã thốt lên đại khái: “hỡi thi sĩ, ngôi nhà cho ngươi trú ngụ chính là sự cô đơn!”.
Hơn ai hết, Lư hiểu được thơ ca là cuộc tình thuỷ chung và đau khổ giữa chính nó và người làm thơ, không thể xoá nhoà phân ly. Cả hai “co ro” trong căn lều rơm lạnh để cảm nhận cái đẹp tận cùng niềm hạnh-phúc-khổ-đau
Và cũng bỡi, chỉ vì anh hiểu ra rằng, thơ ca chẳng những là hệ luỵ nhân sinh mà còn là cuộc rượt tìm cái đẹp đầm đìa máu me cuộc sống, rờ đụng sự tan tác chia lìa trăm năm nhân thế, nếm ngửi, ngụp lặn trong chốn cùng tận ta bà, nên anh có quyền chìm đắm trong cõi hư huyền kia, ngay thẳng thật thà. Vì vậy, khi tôi được đọc thơ Phạm Ngọc Lư, không hề nhìn thấy bị phỉnh phờ bay mây lướt gió mà, ngược lại như cùng được kéo xuống tầng địa ngục sáng-loá-hào-quang-con-người thật, rất thật con người; đến độ có nhiều người đọc hay nghe anh tự đọc thơ mình phải nhắm mắt, bịt tai; thậm chí còn len lén bỏ đi nơi khác:
…Phải ngươi ba chìm bảy nổi
Bắt ta mười bến long đong
Mây có – gió không
Tình câm – thơ điếc
Giai nhân còn mà anh hùng hết!
Chưa mùa đông sao tóc xanh rơi bạch tuyết
Ngũ thập rồi, tay trắng xoá bạch vân.
(Tuý Hoài)
Làm thơ, viết văn bây giờ như một thử thách ghê gớm. Noí như nhà văn Albert Camus trong bài diễn văn đọc tại viện Đại học Upsal Thuỵ Điển khi ông đến nhận giải Nobel văn chương năm 1957, thì: “ Ngày nay, sáng tạo tức là sáng tạo một cách đầy nguy hiểm. Tất cả mọi sự công bố tác phẩm đều là một hành động và hnàh động ấy gánh chịu mọi giông bão của một thế kỷ không thể nào tha thứ (…) Mọi văn nghệ sĩ đều bị đẩy xuống con thuyền của thời đại của họ. Họ phải bấm bụng mà chịu vậy, dù họ có cho rằng con thuyền ấy tanh ngòm mùi cá, rằng bọn cai tù ở trên thuyền quá nhiều và, tệ hơn nữa, rằng con thuyền đi lạc hướng. Chúng ta đang ở giữa đại dương. Văn nghệ sĩ cũng như mọi người phải bắt tay vào mái chèo, khi đến lượt họ, chèo mà rán đừng chết gục, nghĩa là có thể tiếp tục sống mà sáng tác” (2) .
Người bạn của tôi đang bước đi trên con đường chông chênh đầy nguy nan đó để kiếm tìm điều mà chúng ta khao khát Cái Đẹp, để đêm đêm lẫn ngày ngày, một mình ngồi trên bờ đá rêu phong, nghe muôn đời sóng vỗ…
Mỏi mòn tiếng sóng nghe chung
Bờ Tây tóc rụng… bờ Đông bạc đầu !
(1) Đặng Tiến, Vũ Trụ Thơ NXB Giao Điểm, SG 1972
(2) Albert Camus, Conference du 14 Decembre 1957, Upsal Université.