Ủng hộ VCV
Số tác phẩm
28.861 tác phẩm
2.760 tác giả
1.182
123.221.215
 
Nỗi buồn ký giả
Minh Tứ

Công việc bận rộn cuốn hút nên tôi chưa có dịp nào quay trở lại lâm trường Miền Tây. Hơn nữa vì không còn cái hăm hở của tuổi trẻ nên càng ngày tôi càng ít đi. Có đoàn sinh viên báo chí về thực tập ở cơ quan, sếp bảo tôi:

- Cậu tranh thủ thu xếp đưa các em vào trong đó gửi gắm lâm trường để các em có dịp thâm nhập thực tế. Dù sao cậu cũng thông thuộc nơi ấy hơn bất cứ ai trong cơ quan này.

- Vâng, để em thu xếp - Tôi trả lời sếp nhưng không mấy nhiệt tình. Đã lâu tôi ít đi cơ sở đâm ngại, lại còn mấy vụ việc cần phải giải quyết gấp.

 

Nhưng việc Sếp đã giao thì phải thực hiện. Mà nghĩ lại việc sếp giao tôi đưa các em đi thực tế cũng có cái lý, vì ở lâm trường Miền Tây tôi đã lập được một "chiến tích" trong nghề. Trước đây, tôi từng viết một phóng sự điều tra làm bay vèo cái chức giám đốc lâm trường của Trần Quyết. Ban lãnh đạo mới của lâm trường chắc sẽ nể uy của tôi.

 

Ai sống qua cái thời ấy mới thấy cánh báo chí oách như thế nào. Dạo đó mới ra trường, tôi xin vào làm việc ở Đài phát thanh- truyền hình. Gặp lúc phong trào chống tiêu cực nổi lên, chúng tôi vác bút đi. Ở nơi đâu có vấn đề khi thấy chúng tôi đến làm việc các quan chức đều vừa nể sợ, vừa dè chừng, còn cánh nhà báo trẻ chúng tôi thì anh nào anh nấy mặt cứ lạnh băng. Nhiều kẻ độc mồm độc miệng khiêu khích chúng tôi là "những cái mặt không chơi được". Ấy là người ta nói đằng sau lưng, còn công việc thì việc ai người ấy làm, sợ gì bia miệng người đời.

 

Quả thực các em sinh viên mới đi thực tế lần đầu rất rét cái uy của tôi. Vì đã có điện trước nên khi đoàn đến đã có đầy đủ ban bệ lãnh đạo của lâm trường đón tiếp. Giám đốc ra tận cửa siết chặt tôi, như người thân lâu ngày gặp lại. Sau khi tôi giới thiệu với ban lãnh đạo lâm trường về mục đích của đoàn sinh viên thực tập đi thực tế nắm tình hình để viết tin bài, giám đốc Nguyễn Công Cụ, người phương phi béo tốt, trịnh trọng mở đầu:

- Các đồng chí là những nhà báo tương lai, cần đi sâu vào cơ sở nắm bắt tình hình để phản ánh là việc làm rất cần thiết. Lâm trường chúng tôi với anh Tư đây- giám đốc đảo mắt về phía tôi - là chỗ thân tình. Phát triển được như hôm nay là nhờ công lớn của anh Tư. Chúng tôi đã bố trí sáng nay mời đoàn nghe báo cáo tình hình của lâm trường, trưa mời các đồng chí về nhà khách nghỉ ngơi, chiều tôi mời các đồng chí gặp mặt thân mật, sau đó có thời gian thì chúng ta đi thực tế xuống các đội. Nếu thời gian quá eo hẹp thì có lẽ các anh chị xem cuộc làm việc này là đầu mối các tư liệu đảm bảo chuẩn xác nhất. Nào xin mời các đồng chí Phó giám đốc lâm trường báo cáo, sau đó đến đồng chí Chủ tịch công đoàn, sau đó đến lượt Đoàn thanh niên, sau đó...

 

Tôi cũng xin nói trước gần đây có một số dư luận bên ngoài không tốt về lãnh đạo lâm trường chúng tôi. Đề nghị các đồng chí đừng tin vào những lời lẽ thiếu tính xây dựng ấy. Có gì chúng tôi sẽ cung cấp đầy đủ thông tin cho các đồng chí.

 

Gần hết một buổi ngồi nghe báo cáo, tôi vã mồ hôi như tắm. Đã có một số sinh viên biểu lộ thiếu  kiên nhẫn khi nghe những báo cáo dài ngoằng của các vị lãnh đạo lâm trường. Dự định ban đầu của tôi là sau khi đưa sinh viên đến đây giới thiệu, gửi gắm xong là vù, để các em tự tác nghiệp lấy, nhưng giám đốc Nguyễn Công Cụ kiên quyết giữ tôi ở lại, hẹn chiều có cuộc gặp gỡ chiêu đãi riêng. Kéo riêng tôi ra ngoài sân, ông thổ lộ rằng muốn tặng tôi bộ bàn ghế gỗ lim làm kỷ niệm. Tôi đâm khó xử, chần chừ chưa biết nói thế nào.

 

Đang bữa ăn trưa, một công nhân lách đám đông đi vào chào tôi. Người này tôi trông quen quen nhưng không nhớ đã gặp từ bao giờ. Anh ta ghé tai tôi nói nhỏ, lát nữa anh muốn gặp riêng để nói chuyện này. Chuyện gì nhỉ? - Tôi đâm nghi ngại. Giám đốc Nguyễn Công Cụ đảo mắt, anh ta ý tứ rút lẹ.

 

Chưa kịp trở về cơ quan, câu chuyện của anh công nhân mà tôi nghe được chiều hôm ấy cứ mãi ám ảnh tôi. Thì ra trước đây anh là người chấp bút lá đơn gửi các cơ quan báo chí theo ý người khác, sau đó do anh ta tỏ ra ân hận đã nói lộ ra nên đã bị lãnh đạo mới đì cho không cất lên được. Suy nghĩ, day dứt mãi, hôm sau tôi quyết định lần tìm lên mạn ngược, dĩ nhiên là không nằm trong kế hoạch của giám đốc Nguyễn Công Cụ bố trí.

 

Thuê một chiếc xe ôm, tôi đi ngược lên đầu nguồn sông. Trong suốt những ngày dài rong ruổi đi cơ sở, tôi chưa bao giờ đi con đường nào như con đường đang đi. Đường lởm chởm đá tai mèo, ổ trâu, ổ voi, thỉnh thoảng xe tuột dốc cứ thấy rờn rờn. Tay lái xe ôm bắt chuyện:

- Ở đây tôi rất ít khi chạy tuyến này, hại xe lắm, mà cũng ít ai lên trên này làm gì. Anh lên mạn ngược có việc gì vậy ?

- Anh cứ đi đi, có gì tôi trả thêm tiền. Tôi lên thăm một người quen cũ.

- Đường này thời còn ông Trần Quyết làm giám đốc lâm trường đố thằng xe reo nào chạy vào được, nay vì mấy tay lãnh đạo mới ở lâm trường bắt tay với bên khai thác gỗ, cho xe ra vào khai thác ồ ạt nên mới nát bét thế này.

- Ra thế.

- Thì anh cứ hỏi dân vùng này ai chẳng biết chuyện.

 

Thấy tôi đang suy nghĩ vẫn vơ, chẳng mấy mặn mà với những câu chuyện không đầu không đuôi, gã xe ôm cứ cắm cúi chạy, thỉnh thoảng buông một câu chửi rủa bâng quơ vì xe bị vấp những ổ trâu, ổ voi. Nếu không khéo điều khiển xe thì khó có thể vượt qua được những khúc cua ngoặt bất chừng.

 

Dò đường mãi, trời sập tối tôi mới lần lên được căn nhà nhỏ nằm chênh vênh bên triền đồi vắng lặng. Đứa trẻ chừng mười bảy, mười tám tuổi, người đen nhẻm đen nhem như cột nhà cháy hỏi dò:

- Chú tìm ba cháu có việc gì ? Ba cháu đi thăm rừng trồng đến tối mịt mới về.

- Chú là người quen của ba cháu, thôi cháu làm việc đi, chú chờ vậy.

 

Thằng nhỏ đang chuẩn bị cơm tối. Tôi quan sát xung quanh. Ngôi nhà nhỏ loi thoi như một cái chòi canh rẫy. Trong nhà chẳng có một thứ đồ đạc gì đáng giá. Một chiếc giường rộng, một cái bàn đóng tạm xộc xạch có mấy cái ca uống nước ám đầy khói bếp và bả chè. Tôi hỏi thằng nhỏ sao không đi học, cháu cho biết đã học xong phổ thông trung học, thi đại học không đỗ bây giờ lên đây giúp bố làm rẫy. Cháu kể chị đầu của cháu đã thi đỗ vào Trường cao đẳng sư phạm, đang học dưới thị xã, còn đứa em út đang học lớp tám, ở dưới quê với bà ngoại.

 

Tối mịt, bố cậu ta về. Quả thực ban đầu tôi không còn nhận ra Trần Quyết. Vẫn dáng người cao lêu khêu, khuôn mặt khắc khổ, nhưng da xạm đen, đầu tóc bùng nhùng như tổ quạ. Tôi chủ động giới thiệu, dĩ nhiên là nói chệch rằng tôi là cán bộ tín dụng lên đây khảo sát mấy dự án rẽ vào thăm chơi. Thực ra thì tôi và ông đã có lần chạm trán, nhưng chuyện đã lâu, ông không nhớ. Hồi còn đương chức, quân gia lính tráng sợ ông một phép vì cái tính thẳng băng của ông. Vẫn phong thái không mấy vồn vã với khách, Trần Quyết thản nhiên như không có sự xuất hiện của tôi ở đây. Ông đi ra vại nước ngoài hiên rửa mặt.

 

*

Trước, tôi từng nhận được một đơn thư tố cáo Trần Quyết dài cả chục trang do sếp chuyển với bút phê: "Điều tra kỹ, nếu đúng thì đưa lên sóng, vấn đề quan trọng là rút ra bài học quản lý". Tôi đọc đi đọc lại lá đơn có nhiều chữ ký ấy. Đơn đại ý tố cáo rằng giám đốc Trần Quyết là người gia trưởng, độc đoán, xem thường cấp dưới, buông lỏng quản lý, làm cho lâm trường lụn bại, kinh doanh thua lỗ. Người đứng tên đơn đề nghị cơ quan công luận cho người về gặp ông A, bà X, anh K... sẽ được cung cấp thêm nhiều chứng cứ. Kinh nghiệm điều tra cho tôi hay phải thu thập tài liệu từ nhiều phía thì bài viết mới thuyết phục và có cơ sở.

 

 

Việc đầu tiên tôi gặp những vị có tên trong đơn. Tôi giật mình vì có cả Phó giám đốc lâm trường Nguyễn Công Cụ cũng gặp tôi khẳng định bản chất vụ việc, nhờ nhà báo can thiệp đưa lên công luận. Khi thấy nguồn tư liệu cho bài phóng sự điều tra đã tương đối đầy đủ, tôi điện về cho sếp xin ý kiến chỉ đạo. Sếp lệnh, phải đi đến tận cùng sự thật, gặp trực tiếp giám đốc để đối chất.

 

Thực hiện khâu cuối của bài điều tra, tôi đăng ký gặp giám đốc. Trần Quyết đồng ý gặp. Khi tôi mới vào làm việc thì Trần Quyết nghe điện thoại báo cháy rừng, ông đi ngay. Chiều, tôi gặp lại ông. Vụ cháy đã được dập tắt nhưng dư âm của nó vẫn còn hiện hữu trên khuôn mặt đỏ bừng của ông. Ông trút sang tôi:

- Này, tôi không có thời gian nhiều đâu đấy. Chuyện quản lý ấy à, tôi chẳng có gì để nói với anh. Tôi thách ai tố cáo vì tôi chẳng có gì sai. Anh muốn viết chuyện này thì cứ việc. Tôi chẳng sợ.

- Vâng, đúng thế nhưng trước khi viết tôi muốn biết ý kiến giải trình của giám đốc về những nội dung đơn thư phản ánh của quần chúng.

- Quần chúng à, quần chúng là ai ? - Ông bỉu môi làm tôi rất bực bội - Nếu anh cho ai đó phản ánh đúng thì cứ việc, tôi xin lỗi phải có việc.

 

Ông lạnh nhạt đuổi khéo tôi. Ừ, được nhé - Tôi nhủ thầm rằng sẽ đưa cả thái độ thiếu hợp tác của ông vào bài viết.

 

Phóng sự điều tra của tôi được phát sóng, trên lập đoàn kiểm tra, rốt cuộc Trần Quyết nhận được quyết định kỷ luật cách chức giám đốc sau đó không lâu. Đài phát tin hồi âm: "Buông lỏng quản lý, quan liêu, mất dân chủ, giám đốc lâm trường Miền Tây bị cách chức". Nhiều người chúc tụng, xem bài phóng sự điều tra của tôi là một mẫu mực của thể loại khó gặm này.

 

Chuyện cũ rồi cũng nhạt phai. Kể từ đó tôi không có dịp trở lại nơi này. Phó giám đốc Nguyễn Công Cụ lên thay Trần Quyết mấy lần mời tôi về thăm lại lâm trường, có ý cảm ơn nhưng lâu lắm rồi tôi không trở lại, phần nữa lại nghe phong thanh sau đó lâm trường có nhiều chuyện không hay nên thôi luôn.

 

Hôm nghe anh công nhân kể lại chuyện đơn thư, tôi như linh cảm một điều gì đó bất thường nên mới lần tìm lên đây. Chắp nối thông tin của một số người tôi mới biết Trần Quyết là người cương trực, thẳng thắn. Do tính tình ông nóng nảy nên nhiều người không ưa gì, nhất là cánh cấp tiến trong ban giám đốc chê ông bảo thủ, làm kẹt việc làm ăn của nhiều người, như chuyện ông kiên quyết thẳng tay với cánh lâm tặc. Vậy là họ hè nhau lật ông. Chuyện đời tư của Trần Quyết cũng có nhiều trắc ẩn. Vợ ông mất do một căn bệnh hiểm nghèo, bao năm trong cảnh gà trống nuôi ba đứa con ăn học, người ông gầy rộc đi, nhếch nhác, trầm lặng, khó gần, chẳng ra dáng một giám đốc tí nào.

 

Sau khi nhận án kỷ luật cách chức, ban đầu ông sửng sốt, nhưng rồi ông không phản ứng gì cả, chỉ lẳng lặng xin đăng ký nhận đất trồng rừng. Ông gửi con về bên ngoại rồi chọn vùng đất xa hút phía đầu nguồn sông này lập vườn, làm rẫy, trồng rừng và xa lánh mọi người.

 

*

Trần Quyết không nói gì và cũng chẳng cần biết tôi là ai, chỉ thấy có khách lạ lên tận đây thăm, ông sai thằng nhỏ làm con gà đãi khách. Khi đêm đã về khuya, trời lạnh buốt, rượu ngấm, tôi dò hỏi ông chuyện cũ. Hình như ông cũng đã quá say, hoặc như không quan tâm chuyện đã qua nên cứ chìm đắm trong hồi ức về rừng. Gần cả đời người gắn bó với rừng, ông nói rằng ông đã sống với rừng, sẽ chết với rừng. Người ta bỏ ông nhưng ông không bỏ rừng. Ông nói sẽ không về đồng bằng nữa mà ở lại đây lập những cánh rừng.

 

Ông thì say sưa chuyện rừng, còn tôi thì vỡ lẽ ra một điều tồi tệ nhất trong những tháng năm cầm bút của mình. Một nỗi buồn ân hận dâng lên làm tôi tắc nghẹn không nói được một điều gì để chia sẻ, để chuộc lỗi với ông. Ngày ấy chỉ vì không hiểu hết về một con người mà nghe một phía, vì tự ái cá nhân mà tôi đã vô tình đẩy ông vào tình cảnh này. Hơn thế, tôi còn ngấm đòn chính tôi đã trở thành công cụ cho một số người khác. Tôi chợt rùng mình nếu như Trần Quyết nhận ra tôi là tác giả của bài phóng sự điều tra năm nào. Mãi đến gần sáng khi không kìm được sự ân hận, tôi nói xa nói gần với Trần Quyết chuyện đã xảy ra năm nào nhưng ông đã ngủ vùi từ khi nào không rõ. Trong đêm thanh vắng, chỉ còn tôi ngồi thẩn thờ với gió núi, mây ngàn.

 

Sáng ra, tôi chia tay cha con Trần Quyết. Ông chỉ bắt tay mà không tiễn. Tôi cảm ơn ông về một đêm ở rừng ấn tượng rồi ra đường bắt xe với tâm trạng rối bời. Tôi cố tìm một lời tự bào chữa cho mình nhưng không có một căn cứ để biện minh cho sai lầm không thể sửa được của ngày đã qua. Đường về phía trước như càng xa xôi hơn. Tôi lại đánh vật với con đường lồi lõm vết xe và những chuyến xe chất đầy gỗ tròn căng cứng. Rừng đang cạn kiệt dần, còn ở đầu nguồn sông này lại có một người âm thầm lặng lẽ trồng lại những vạt rừng. Ông không nguôi niềm mong rồi rừng cũng sẽ lên xanh.

Minh Tứ
Số lần đọc: 2693
Ngày đăng: 17.09.2008
[ Trở lại ] [ Tiếp ]
In tác phẩm Góp ý Gửi cho bạn
Cùng thể loại
Con trâu xanh - Hoa Ngõ Hạnh
Tại cái chuồng heo - Hồ Việt Khuê
Chữ Hiếu - Mang Viên Long
Câu chuyện nhỏ - Đàm Lan
Chuyện của Dần - Nguyễn Vĩnh Căn
Bão khô - Y Uyên
Đối thoại với Cao Tiệm Ly - Nguyễn Khắc Phước
Sự tích Chùa Trinh Nữ - Cao Hạnh
Tin nhắn - Trương Anh Sáng
Chuyện nhỏ từ những bữa ăn - Hội An
Cùng một tác giả
Về làng (truyện ngắn)
Ảo ảnh (truyện ngắn)
Bạn cũ (truyện ngắn)
Nỗi buồn ký giả (truyện ngắn)