Ủng hộ VCV
Số tác phẩm
28.861 tác phẩm
2.760 tác giả
1.185
123.215.805
 
Quê hương là cánh diều biếc...
Phạm Minh Hoàng

Cụ Ngô Văn Cà (thôn Ngọc Bộ Long Hưng, Văn Giang) đã bước qua tuổi  80 nhưng trông vẫn tráng kiện như một lão nông độ ngoài lục tuần. Mỗi khi hè đến, cụ lại bắc thang lấy mấy chiếc diều gác trên mái nhà xuống, phủi bụi và loay hoay dán sửa những chỗ mọt cắn. Ở thôn Ngọc Bộ này, hầu hết ruộng đất đã được chuyển đổi cơ cấu cây trồng. Và cùng với thu nhập cao từ đồng ruộng, các tiện nghi trong cuộc sống của người dân cũng được mua sắm đầy đủ. 100% số hộ trong thôn có tivi, quá 2/3 trong số đó có đầu VCD và nhiều nhà có đầu thu TV kỹ thuật số. Những lúc nông nhàn, đa số người lớn và nhiều trẻ em xem tivi. Các chiều hè, đám thanh niên rủ nhau đi đánh bóng chuyền, bóng bàn. Trẻ con sau giờ học nhiều đứa rủ nhau đi chơi điện tử hay “chát” ngoài chợ xã. Các trò chơi dân gian dần vắng bóng. Cả thôn, giờ chỉ còn cụ và vài người nữa là còn thú chơi diều, mà là loại diều cổ truyền được tạo ra từ chính bàn tay người chơi, người đam mê nó.

 

I- TỪ MỘT NGHI LỄ ĐẾN TRÒ CHƠI DÂN GIAN...

 

Theo nhiều nhà nghiên cứu về diều giấy (cervoliste) thì thả diều thuở xưa là một cách để con người tiếp xúc với thần linh trên trời. Người xưa thả diều rồi viết hoặc vẽ các ước nguyện của mình thả theo sợi dây, hy vọng chúng lên tới các đấng thần linh. Kiểu “gửi thư” này hiện nay ở một số nước, các em bé vẫn còn thực hiện: Khi con diều được thả lên cao, sợi dây căng, các em dùng một tờ giấy nhỏ, xoi lỗ ở giữa và cho vào sợi dây diều, tờ giấy nhỏ ấy sẽ xoay tít và theo sợi dây lên sát con diều trên cao. Trong công trình “Nghiên cứu về nghi lễ nông nghiệp của người Campuchia”, học giả người Pháp Pôrê Matxpêrô đã khẳng định, hội thả diều là nghi lễ cầu tạnh phổ biến của cư dân nông nghiệp nói chung và cư dân lúa nước khu vực Đông Nam á nói riêng. Cư dân nông nghiệp không có nước thì không sản xuất được (do đó có nhiều lễ hội cầu mưa), nhưng mưa nhiều, ngập úng thì cũng là tai hoạ. Diều được làm từ ý tưởng cầu mong cho mưa thuận gió hoà như thế. Cũng dễ hiểu, bởi diều với những tờ giấy mỏng được dán một cách khéo léo vào xương tre thật nhẹ phải gặp thời tiết ưng ý thì mới lên được. Người chơi diều ai cũng biết ba yếu tố để một con diều có thể bay vút trên tầng xanh là: có gió, trời không mưa và độ ẩm không khí thấp. Đó là biểu tượng về sự khô ráo mà người đang sống trong ẩm ướt, mưa lũ mong đợi. Cho nên, chơi diều, hội diều chính là sự cầu mong một thời tiết khô ráo, một bầu trời quang tạnh. Xưa kia, ngay cả lúc đang mưa lũ vẫn có người mang diều ra thả, thể hiện lòng khao khát nắng ráo, trời quang mây tạnh. Đồng thời làm như thế cũng như là sự thành tâm cầu mong thần linh phải thương xót dừng cảnh gió mưa: “Lạy Ông mưa qua, lạy Bà mưa xây, đừng mưa đến đây, chúng tôi ướt hết”. Khi cánh diều lên được là báo hiệu một thời tiết tốt lành, mưa lũ sẽ qua đi. Diều là phương tiện thể nghiệm, thăm dò thời tiết khi mà khoa học về khí tượng thuỷ văn chưa phát triển. Còn theo hai nhà khoa học Lê Minh Hạnh và Lê Văn Lan thì “ở Đông Nam á, diều có ý nghĩa là loài chim chuyên ăn rắn, cá và cách phát âm gần với tên gọi ca lăng (diều hâu)(1). Do đó, trong quan niệm dân gian, diều thuộc về dương, diều hoạt động trên không trung sẽ có tác dụng điều hoà âm dương.

 

Với quan niệm như thế, nhiều làng quê châu thổ sông Hồng đã coi thả diều là nghi lễ trong hội làng. Ở làng Nguyễn (Nguyên Xá- Đông Hưng- Thái Bình), bây giờ vẫn tồn tại hội thi diều sáo. Dân làng ở đây quan niệm, chơi diều là để “nhẹ thời khí”, để khỏi ốm đau trong mùa mưa gió, ẩm thấp. Làng An Lão (Vũ Thư, Thái Bình) mở hội thi diều sáo từ 24 đến 26 tháng 3 (âm lịch) tại đền thờ mẹ vua Lê Thánh Tông, gọi là “hội sáo đền”. Diều thi trong hội này rất “hoành tráng”, có những cánh diều dài đến 8 mét và mang trên mình một giàn sáo tới 5 chiếc to nhỏ. Diều có thể là của người trong làng, có thể là của người nơi khác mang đến, nhưng luật chơi thì mọi người đều phải tuân thủ: Trước sân đền, người ta dựng 2 cái câu liêm cao chừng ba, bốn mét, cách nhau khoảng 1 mét. Người đâm diều phải đứng giữa hai cái câu liêm đó, người cầm dây lại ở trên gò đất giữa ao trước cửa đền. Khi trống lệnh vừa dứt, người đâm diều và người cầm dây phải phối hợp làm sao để đưa được con diều bay lên. Diều đâm mà vướng vào câu liêm thì “chị ơi, rụng bông hoa gạo” là cái chắc; diều trái miếng rơi xuống ao thì cũng “thôi rồi Diều ơi !”

Ở đền Thượng làng Bá Dương Nội (xã Hồng Hà, Đan Phượng Hà Tây) hiện còn có một con diều “cánh chanh” dài gần 7m, đền Hạ là diều “cánh mộc” nhỏ hơn, khâu vải đỏ, đề thơ. Đó là hai con diều thờ của làng. Làng Bá Dương Nội cũng có hội thả diều được tổ chức vào rằm tháng ba âm lịch. Ngày hội, già trẻ, lớn bé đều tham dự. Được thua không đặt thành vấn đề- bởi giải thưởng cho người có con diều lên cao nhất, đứng nhất, dây căng nhất chỉ là một mâm xôi, một con gà- nhưng ai cũng vui, cũng thấy lòng thơ thới.

 

Có một hội diều mà toàn quốc đều biết, đó là hội diều được tổ chức trong dịp Festival Huế. Đây là dịp để người ta phô diễn những con diều đủ loại, đủ màu sắc. Diều Huế khác hẳn với diều truyền thống Bắc Bộ là nó đầy màu sắc, đủ loại hình thù, từ chim, công, phượng hoàng đến rồng, cá...ở hội diều trong dịp Festival Huế năm 2006 này, người ta còn thấy cả những cánh diều viễn xứ được mang đến từ Thái Lan...

 

II- ĐỂ GIÓ CUỐN ĐI...

 

Xưa kia, để có một con diều “cuốn theo chiều gió” một cách hoàn hảo, người chơi diều phải trải qua khá nhiều công đoạn. Trước tiên, làm khung diều, người ta phải chọn những cây tre già, tương đối thẳng và vót nan. Nan diều phải tròn, cân đối cả về hình dáng lẫn khối lượng từ đầu đến cuối. Khi vót xong, người làm diều phải lấy một đoạn chỉ mảnh, buộc vào chính giữa nan và nhấc lên, nếu đầu nặng, đầu nhẹ là phải vót lại. Đến khi buộc vào thành khung và căng lên hình thuyền cũng thế, người ta lại phải “cân” một lần nữa. Rồi dán diều, phải là loại giấy tốt, được bồi dán bằng nhựa sung hay nhựa mít đã ráo nước. Tuỳ theo từng dáng diều mà người ta có tên gọi riêng cho con diều đó: diều “cánh thoi” nhọn hoắt, diều “cánh chanh” tù hơn, diều “cánh mộc” thân hầu như thẳng, đến cuối hai đầu cánh mới gần như đột ngột uốn vào bầu bầu.

 

Dây diều phải làm từ tre vót dẹt như lá hẹ, mà phải là loại tre cái bánh tẻ. Vót xong cuộn lại, cho vào nồi luộc, khoảng 2 đêm 1 ngày. Nhuộm với diêm sinh, muối, hột thầu dầu. Bỏ ra để nguội, cứ 2 đầu bôi sơn, chắp vào nhau, buộc bằng chỉ tằm, lại nhúng sơn, rồi để khô. Lần lữa như thế, có khi mấy tháng trời mới xong được 1 cuộn dây diều.. Và, một điều khó có thể thiếu với mỗi con diều kiểu này, đó là sáo. Sáo diều được làm bằng tre già, thường là những cây tre chết dóc. Sau đó được khoét lỗ theo kinh nghiệm của người chơi. Khi tôi còn nhỏ, thích chơi diều sáo, nhưng không thể tự làm lấy được, thường vẫn mua loại sáo diều có hai miếng gỗ tiện và khoét lỗ bịt hai đầu một đoạn ống tre (gió sẽ lọt qua hai lỗ này để tạo tiếng ngân). Sáo làm bằng mắt gạo (gọi là sáo còi), cái nhỉnh hơn làm từ gỗ vàng tâm, gỗ dồi. Những sáo cổ to hơn cột nhà, các cụ phải chẻ nan đan lồng rồi “hom”, “bó”: dán xô vòng quanh, quét sơn ta cho liền kẽ. Thường thì một con diều một sáo. Các con diều to có thể chở được từ 3 đến 5 sáo, từ sáo tiểu, tiếng như tiếng ốc, đến sáo đại, tiếng âm như cồng...

 

Từ một nghi lễ, đến trò chơi dân gian. Còn bây giờ ở ta, diều hình như là một đặc quyền của trẻ thơ, nói đến diều là nói đến trẻ em. Đành rằng, để thả những con diều đại mang được sáo, phải là người lớn, các chàng thanh nhiên lực lưỡng hay các bác lực điền to khoẻ đủ sức để níu kéo.  Hình như không một đứa trẻ nào mà không mê diều. Thật bất hạnh cho ai đó, nếu không được  lớn lên cùng với những cánh diều tuổi thơ. Từ xa xưa, nói đến những chú mục đồng vắt vẻo lưng trâu người ta thường nghĩ ngay đến những cánh diều vi vút. Những chiều hè oi ả, khi bất chợt nghe tiếng sáo diều lơ lửng tầng không, con người có ngay cảm giác một làn gió mát sắp tràn đến. Diều trở thành biểu tượng của không khí thanh bình yên ả của làng quê Việt Nam, thành tiềm thức của mỗi người xa xứ nhớ về cố hương “bao giờ về lại đồng Bương Cấn/Về núi Sài Sơn ngắm lúa vàng/ Sông Đáy vặn mình qua phủ Quốc/ Sáo diều vi vút thổi đêm trăng” (2)

 

III- NHỮNG MẢNH TRỜI HÌNH VUÔNG

 

Bỏ qua những tập tục, bỏ qua các quan niệm và giả thiết, diều vẫn đời này qua đời khác “để gió cuốn đi, cho mây bay về trời” lơ lửng tầng không. Chơi diều, tâm hồn cũng khoáng đạt thêm để rồi tâm hồn và mơ ước cũng được dịp phiêu du theo hun hút tầng không. Thế nhưng, cái tâm thế ấy đã dần dần mất đi. Trên cánh diều, người ta đã nhìn thấy cả sự tranh đua, sự toan tính hơn thua và thói đố kị- dù không phổ biến.

 

Xa tít một nước Trung á, năm 2005 vừa qua, chính phủ đã phải ra sắc lệnh cấm thả diều. Lý do là người chơi diều vì ganh đua đã dùng loại dây thả diều bằng thép mỏng để cắt đứt dây diều của người khác. Loại dây này cắt đứt dây diều cũng nhiều và còn... cứa luôn vào cổ những người đi đường, gây ra tử vong. Còn ở ta, có sân bay đã từng khốn đốn vì diều. Đó là chuyện chuyến bay số 483 ATR-72 từ Phú Quốc về Rạch Giá, khi máy bay giảm tốc độ chuẩn bị hạ cánh xuống sân bay Rạch Giá thì bất ngờ tổ lái phát hiện một con diều đang thả ở độ cao 800 feet ở đầu đường băng HCC 08, nơi máy bay đang chuẩn bị tiếp đất, buộc máy bay phải vòng gấp để tránh nguy hiểm (3). ở quảng trường, sân vận động nhiều  tỉnh, hè này, mỗi khi chiều đến, có hàng trăm chiếc diều lớn nhỏ, đủ màu sắc “made in Tàu” bay phấp phới thật là vui mắt. ít người biết rằng, ở dưới cánh diều, dưới “vùng trời bình yên” ấy, bọn trẻ đang giành giật nhau chỗ chạy dây, chỗ đứng và cả vùng trời để diều của chúng vẫy vùng. Diều quấn vào nhau là rất có thể sinh ra ẩu đả. Ngay cả những cánh diều cũng mang đầy màu sắc “khủng bố” nào là “batman”, nào là đại bàng, cá mập. Những cánh diều bướm, diều cô tiên (cánh cốc) cũng mất hẳn. Không gian của cánh diều, những cánh đồng bất tận của nền văn minh lúa nước và những tâm hồn chân chất dần bị thay thế. Khi nhịp đô thị hoá trở nên mạnh mẽ, không gian của cánh diều theo đó dần hẹp lại. Mỗi thành phố, thị xã, thị trấn thậm chí ngay ở các làng quê nông thôn, người ta thi nhau chồng lên những khối bê tông. Và như thế, “khoảng trời xanh qua kẽ lá” hình tròn dần khép lại, thay vào đó là những mảnh trời hình... vuông. Trong những mảnh trời hình vuông tâm hồn con người hình như cũng bó hẹp lại, ích kỷ đi ít nhiều. Con trẻ ngày ngày vùi đầu vào các trò chơi độc lập bằng kỹ thuật điện tử, kỹ thuật số. Có muốn chơi diều cũng chỉ là những cánh diều nhỏ nhoi, luôn luôn sợ hãi vướng phải dây điện, vướng phải...máy bay và luôn nhìn trước ngó sau sợ xe cộ va quệt.

*

Tôi nói với cụ Cà rằng, bây giờ trên thế giới, người ta đã làm những cánh diều Spi to gấp ba, gấp bốn lần diều của cụ và bằng những chất liệu cực nhẹ như sợi các- bon, composit, giấy không thấm nước.

 

Và rằng, ở Hàng Châu (Trung Quốc) có cả một phố chuyên sản xuất diều bán ra thế giới... Thoạt tiên, cụ Cà hơi ngạc nhiên, sau đó rít một hơi thuốc lào và cười nhẹ: thì kệ họ, tôi vẫn chơi diều của tôi. Mỗi buổi chiều, cụ lại cùng mấy đứa cháu mang diều ra cánh Bãi Đông thả. Người già trong làng nói, chiều hè, thiếu đi tiếng sáo diều của cụ Cà đâm ra thấy nhơ nhớ. Nhưng bọn trẻ thì chẳng thèm để ý đến điều đó, chúng chỉ cần xin bố mẹ mươi nghìn là có một con diều hình chim, hình quạ. Có đứa “oách xì xằng” hơn, mua cả chiếc diều hình siêu nhân- thần tượng của chúng, với giá ba bốn chục nghìn đồng. ở dưới cánh diều của cụ Cà, chiều chiều vẫn rập rờn những cánh diều đại bàng, diều siêu nhân, diều cá mập và tiếng cãi nhau choe choé...

 

Con trai tôi năm nay ba tuổi, hôm trước, nhìn thấy bọn trẻ trong xóm chơi diều, nó cứ chằm chặp nhìn theo. Thương con, tôi ra phố mua một chiếc diều hình bướm giá hai mươi nghìn về tặng nó nhân ngày quốc tế thiếu nhi. Tôi và nhiều bậc cha mẹ khác, cũng muốn làm cho con cánh diều cổ truyền với những ống sáo vi vút. Nhưng thời gian hạn hẹp, nguyên vật liệu không có, đành phải sử dụng những chiếc diều “mì ăn liền” như thế. Và tôi biết rằng, thế hệ con tôi, có lẽ sẽ không biết được những chiếc diều hình thuyền lơ lửng, để đêm đêm trong giấc ngủ, sẽ không được nghe tiếng sáo diều ngân nga giữa thinh không đưa hồn lãng du trong giấc mơ xa...

 

(1): “Ý nghĩa dân tộc học của trống đồng và ý niệm về một nền văn minh cổ Đông Nam á”- Tạp chí Khảo cổ học số 14 năm 1974

(2): Thơ Quang Dũng

(3): Theo Website Saigongiaiphong

Phạm Minh Hoàng
Số lần đọc: 2959
Ngày đăng: 17.09.2008
[ Trở lại ] [ Tiếp ]
In tác phẩm Góp ý Gửi cho bạn
Cùng thể loại
Lãng đãng Phước Yên - Ngô Thiên Thu
Đất Việt giữa trùng dương - Minh Tứ
Hành hương Đất Thánh (I) - Nguyễn Hữu An
Hành hương Đất Thánh (II) - Nguyễn Hữu An
Hành hương Đất Thánh (III) - Nguyễn Hữu An
Người đồng dụ và tâm thế Phật pháp - Vũ Ngọc Tiến
Có một dòng sông để thương, để nhớ - Minh Tứ
Phác thảo sử ký rượu quý Kim Long - Nguyễn Hoàn
Saigòn – những ngày tháng 9 – 1945 - Khổng Ðức
Lại Ốc - Bao giờ chú Tễu lại cười - Phạm Minh Hoàng