Ủng hộ VCV
Số tác phẩm
28.861 tác phẩm
2.760 tác giả
1.067
123.201.959
 
Gã đạo tỳ
Nguyễn Minh Phúc

Không biết nghề đạo tỳ chuyên khiêng xác chết ra nghĩa địa có từ khi nào nhưng đến đời gã hình như lâu lắm. Dòng họ gã đều làm cái nghề chẳng mấy vinh quang, không bao nhiêu tiền bạc và cũng chẳng ai muốn làm vì nó rờn rợn thế nào ấy. Có người chết xóm bờ sông nầy là người ta kêu gã còn làm việc gì về tang lễ cứ giao gã thực hiện. Chỉn chu, chóng vánh, lẹ làng với những động tác gọn gàng không thừa không thiếu, việc lớn, việc hệ trọng thế nhưng chỉ một buổi là xong. Hắn lại có mấy thằng bạn rượu. Chỉ cần hú một tiếng, cặp theo đĩa lòng lợn và vài ba lít rượu là họ đến ngay, không thiếu một người, bất kể thời gian sáng trưa chiều tối. Kể cũng lạ cho cái đám đạo tỳ ! Lè nhè, lượt thượt đâu không biết nhưng hễ cứ đúng giờ động quan, động quách là có mặt đầy đủ, không sớm không chậm một giây. Bởi giờ khắc gia chủ coi thầy, động quan không ai phải chờ ai. Sau tiếng cốc keng  của ông sư ngồi đọc kinh chiêu hồn, phường bát âm kéo lên, gia chủ dời đèn và nải chuối đặt trên bụng người chết thế là đủ tám đạo tỳ có mặt, người ôm đầu, kẻ ôm chân, thòng tay qua vai qua bụng đưa ngay thi thể bỏ vào chiếc quan tài mở toang gần đó. Phải làm cho thật nhẹ nhàng, giữ cho chiếc áo mặc của người chết không được rủ qua trái hay phải mặc dầu các hàng nút đã bị lắc tiệt, trục trà trục trịa, vạt áo lất phất lơ phơ. Làm cái anh đạo tỳ phút nầy là quan trọng bậc nhất. Gương mặt phải ra dáng đau đớn, đại kỵ nhất là tiếng cươì, tiếng la to. Phải giữ cho vong hồn người mới nhập quan yên tịnh. Chút cử động hơi nặng nề hoặc nóng nảy là hỏng. Đưa người phải đưa mình trước đầu sau, chân tây, đầu đông, không lẫn được. Thi thể nằm ngay ngắn rồi phải biết chừa hai bên ra cho đều chờ người nhà bỏ trà thơm, chêm mấy cái gối nhỏ và quần áo cũ để khỏi lắc. Trên đầu, nếu gia chủ kỹ lưỡng, còn đặt thêm mấy vật dụng linh tinh như bàn chải, kem thuốc, khăn mặt và cả xấp đô la âm phủ cho người chết xuống âm cảnh mà xài. Cái anh đạo tỳ cấm mở miệng hỏi han gì trong lúc nầy và phải làm gấp kẻo giờ tý, giờ ngọ qua giờ khác, khắc khác sinh ra nhập quan trùng, chết trùng theo lời phán của thầy thì có mà húp cháo.

 

Gã tên Mùi, cái tên cúng cơm do bà thầy cúng xin keo mấy lần mới được hai đồng tiền sấp ngửa. Mấy chị gã sinh trước đều quặt quà quặt quẹo không ai qua nổi cái tuổi lên mười. Cha gã từng chôn nhiều người chết thế mà khi đưa mấy đứa con lần lượt vào quách lần nào cũng say bí tỉ, miệng cười sằng sặc như người điên, lảm nhảm lầm thầm mãi trong miệng. Mẹ gã ngồi thu lu ở góc nhà, chẳng nói chẳng rằng, hai tay quẹt nước mắt như người ta bôi dầu nhị thiên đường ròng ròng nhưng tiệt không có tiếng rên la, than khóc.

 

Lớn lên trong căn lều dựng tạm bờ sông, sau khi cha bệnh nằm liệt, chẳng nghề ngỗng gì, người ta kêu gã đến tẩn liệm người chết mỗi khi hữu sự. Cũng có tí tiền bồi dưỡng tuy chẳng nhiều nhặn gì nhưng được cái uống rượu thì thoải mái và còn dư chút đỉnh dưa mắm vài bữa. Không biết phong tục làng quê gã có từ đời nào mà mỗi nhà có người thân qua đời, việc đầu tiên là mua nải chuối đắp bụng, luộc ba quả trứng gà, miếng thịt ba rọi, nắm cơm dẻo cùng với mấy thanh nhang bốc khói đặt lên đầu người chết. Nhiều nhất là rượu. Nhà nghèo lắm cũng phải mua đến chục lít, loại sủi tăm thứ thiệt, ba bốn chục độ rót ra đốt cháy xanh lè. Rượu để rửa thi thể người chết, làm cho nước da đang thâm thâm dờn dợt sau một lát ngấm chất cay đã đỏ hồng, miệng mồm cứ như trát phấn, tay chân đang nhão nhoét trở thành săn cứng. Phần còn lại là dành cho đạo tỳ và mấy ông thầy múa bóng, thầy gõ mõ tụng kinh. Tha hồ uống, hết lít nầy đến chai khác, chẳng ai nhường ai, chẳng ai bỏ tiền mà sợ. Mà không uống không được. Cái mùi tử khí nó lạnh lắm, hãi lắm. Có chút cay một tí hoá giải được tất. Chỉ thấy trước mắt là một người đang ngủ say, miệng chúm chím cười, tay chân mát rượi và cứ thế là nhẹ nhàng nhấc lên bỏ vào quan tài .

 

Phần việc tiếp theo là của gia chủ. Chụp hình, quay phim, đắp mặt người chết bằng khăn lụa đỏ, lụa xanh tuỳ người nhưng đến phần đóng nắp, Mùi phải điều khiển cả bọn tám người chuẩn bị búa đục, đinh ốc, nhựa trét hông săng. Việc phải làm nhanh, dứt khoát, theo hiệu lệnh bằng hai thanh tre nhỏ gọi là gõ sanh bởi lúc nầy tiếng khóc tiếng than vang lên cực điểm không thể hét to lên bằng lệnh miệng. Có đám tang, Mùi chậm một tí đã bị người nhà giật búa, vất đinh không cho đóng áo quan vì muốn nhìn mặt người quá cố lần nữa. Nghề đạo tỳ nhất định không được chậm tay lúc nầy, mọi việc hỏng bét, lần sau không ai dám mời.

 

Ao quan nặng nhẹ gì cũng đủ sáu hoặc tám đạo tỳ khuân với bộ quần áo nửa xanh nửa đỏ, may vằn vện những đường chỉ màu sặc sở. Sau ba tiếng gõ sanh, các đạo tỳ nhẹ nhàng nhấc bổng chiếc quan tài đi dần ra phía cửa, đầu trước chân sau và cứ thế thẳng ra nghĩa địa. Riêng cái việc chuyển quan tài cũng lắm công phu, phải đi thật chậm, đều chân đều tay nhẹ nhàng, so vai bằng nhau cho áo quan khỏi lắc. Cứ thế, chiếc quan tài hạ huyệt nhẹ nhàng, người nhà sụt sùi lấp đất và anh đạo tỳ lúc ấy mới hoàn thành nhiệm vụ.

 

*

Mùi ba mươi tuổi mà chưa lấy vợ, ở chung nhà với người cha giờ nằm thoi thóp trên giường bệnh. Mẹ gã nhặt ốc trên sông, sáng bảnh mắt đã ra bến đến tối mịt mang theo vài ký gạo và ít tôm tép nhặt được. Căn nhà bên bờ sông trống hoác trước sau, chẳng có gì ngoài chiếc giường tre, vài ba cái chén ăn cơm và chái bếp. To con, khoẻ mạnh nhưng không hiểu sao, các cô gái  xóm gã không thấy ai lai vãng tới căn lều rách nát kia. Có lẽ họ sợ phải về làm dâu cái nhà làm nghề đạo tỳ cha truyền con nối chuyên mang người chết ra nghĩa địa. Cũng có lần, một cô gái xấu như Thị Nở ở cuối làng, sau đám tang của mẹ được Mùi chôn cất tử tế mon men tới đây xin làm vợ nhưng khi bước vào nhà thấy gã nghèo quá nên hãi, được mấy ngày rồi trốn biệt. Thế là Mùi ở vậy, không thiết vợ con gì nữa. Quen với tiếng khóc hơn tiếng cười, đau đớn hơn niềm vui, nỗi buồn hơn hạnh phúc riết rồi lòng gã cũng quắt lại, hiếm thấy biểu lộ chút cảm xúc gì trên gương mặt.

 

Cái làng nghèo xơ cạnh bờ sông không hiểu sao, người ta chết nhiều hơn nơi khác. Chết vì bệnh, chết do lặn sông mò cua mò cá, uống rượu đâm chém nhau, vì trái gió trở trời thậm chí ăn trúng mấy con cá nóc, cá bò sùi bọt mép một chút cũng chết. Bởi vậy nghề đạo tỳ của Mùi luôn được kêu réo từ làng trên xóm dưới. Nhưng mà cái nghề bạc thật! Càng đắt khách lại càng nghèo. Gã chỉ lãi được cái khoản nốc rượu, mà khoản nầy mỗi ngày ăn mòn dần sức khỏe. Mới vài năm thay cha làm nghề đạo tỳ mà trông gã quắt lại, mồm miệng lúc nào cũng phả ra hơi rượu chua loét, hôi rình .

 

Ông thầy bói bảo ba mốt bước qua , ba ba bước lại có ý nhắc gã mấy cái tuổi đại kỵ phải đề phòng tai bay vạ gió, giữ thân giữ miệng, rượu vào lời ra quàng xiên mang tai tiếng. Quả là năm ba mốt gã bị hụt chân té sông tí nữa theo ông bà nhưng đến ba ba, không biết ông tơ bà nguyệt xe duyên thế nào, gã gặp được cô Mừng, người đàn bà lái đò goá chồng trên bến sông gần xóm.

 

Chuyện gã quen biết cô Mừng cũng tình cờ.Một đêm, sau khi chôn cất xong đám ma ở làng bên về khuya, gã say khướt  chân nam đá chân chiêu lò dò đến bến đò xin quá giang. Giờ nầy không còn ai đứng bến nên sau một hồi réo gọi khản giọng, gã nằm trên bến nghỉ một lát. Gió hiu hiu thổi mát rượi. Đâu đó tiếng vỗ nước lách tách vào bờ, tiếng lá lao xao trên cây đa đầu bến. Mắt lim dim, tai ù ù, mồm trệu trạo, giấc ngủ từ đâu ập đến và thế là gã phanh cổ áo, nằm thẳng cẳng cạnh bến đò làm luôn một giấc.

 

Không biết gã nằm ngủ đến bao giờ nếu như không có cánh tay đàn bà lay dậy và tiếng một người phụ nữ hốt hoảng :

- Nầy! Anh gì ơi ! Có làm sao không ? Tỉnh dậy đi chứ !

Gã ú ớ, giật mình rồi mở choàng mắt. Trước mắt gã, trong ánh sáng chập choạng của mặt nước từ bến sông hắt lên là gương mặt người đàn bà lo âu, sợ hãi. Gã chợt tỉnh hẳn rượu khi thấy lờ mờ bộ ngực trắng phau và hai chiếc vú thổn thện không nịt ngực cúi xuống hà hơi trên miệng xem gã còn thở không. Cái mùi vị lạ lùng của hơi thở nồng nàn và da thịt đàn bà nóng hổi toả ra xua tan khí lạnh của những cơn gió thổi tràn qua bờ sông vắng. Gã làm bộ nằm yên, chốc chốc lại khẽ rên lên, hé mắt nhìn sát cặp vú mịn màng, bầu bĩnh kia mà ước gì vùi đầu, vùi mặt vào đó. Qua lại bến sông nầy nhiều lần nên gã nhận ra ngay cô Mừng. Cô là dân tứ xứ trôi giạt về bến sông nầy chèo đò từ nhiều năm qua với người chồng đâu như là bộ đội phục viên. Anh chồng một hôm bỗng lăn đùng ra ốm và mấy ngày sau không qua khỏi vì cơn sốt rét ác tính mắc phải từ ngày còn ở chiến trường. Lần đó, đưa xác anh chồng ra nghĩa trang gã chỉ thấy cô vợ khóc lóc thảm thiết, không thân nhân họ hàng đi theo quan tài. Hỏi ra mới biết cả hai gia đình không còn ai thân thiết lại muộn con. Mừng một thân một mình sống thui thủi chèo đò trên bờ sông từ ngày chồng mất đến giờ.

 

Dòng sông loáng nước trong ánh sáng nhờ nhờ của một ngày sắp đến. Đã gần sáng. Mừng thấy gã tỉnh lại dìu vào căn chòi của cô gần đấy pha cho chén trà bốc khói. Cô nhận ra Mùi, gã đạo tỳ có lần đưa chồng cô về nơi an nghỉ cuối cùng. Cô hỏi thăm về gã, đong đưa con mắt lá răm và gã cứ thấy lâng lâng nặng lòng khi chia tay người đàn bà tốt bụng.

 

Chuyện chỉ có thế nhưng gã không ăn ngủ được từ ngày say rượu ở bến sông. Gã không hiểu được vì sao mà hiểu làm quái gì ! Mấy đám tang nữa kêu nhưng lại không qua bến sông đầu xóm làm gã tiếc hùi hụi. Chỉ biết lòng gã nhấp nhỏm không yên chờ ngày kiếm cớ đến thăm Mừng.

 

Dịp may ấy rồi cũng đến. Người ta quy hoạch nghĩa địa, chỗ chôn xác chồng Mừng. Vậy là cô kêu gã bốc mộ. Việc nầy chỉ một buổi gã làm gọn nhưng nhất định không lấy thù lao. Mừng kêu đến nhà mua cho lít rượu với đĩa thịt luộc. Vậy chẳng biết việc gì mà cho mãi đến tận khuya gã mới lê được về nhà, tóc tai áo quần xộc xệch, mình mẩy mềm như bún thiu.

 

Rồi tin gã cưới Mừng bỗng chốc nổ ra trong cái làng cạnh bờ sông im ắng đầy gió. Cuối cùng thì cái anh đạo tỳ sáng uống chiều say, không nghề ngỗng gì cũng vợ con đàng hoàng, tươm tất. Trước ngày cưới gã làm mâm cơm,thịt con gà đưa ra mồ anh chồng xin phép cho ăn nằm với vợ. Cả làng ai cũng mừng cho gã.

 

*

Thời gian trôi bồng bềnh như mặt nước sông quê. Gió càng về nhiều và lạnh cóng khi mùa đông tới. Những cây lau cạnh bờ sông ngã bông, rợp trắng một vùng. Sóng vỗ ì oạp triền miên vào bờ làm lở dần, trơ ra mấy cụm đất đen đúa nham nhở đầy rác. Lá vàng trôi dập dềnh và không biết cơ man nào là bông lau trắng nhẹ nhàng theo gió phất phơ xuống dòng sông lạnh buốt. Từ sau đám cưới, gã dọn về ở hẳn với Mừng ở bến sông. Gã giúp cô chèo đò trong khi cô lo đi chợ, nấu ăn. Suốt ngày đôi vợ chồng quấn lấy nhau như sam. Thi thoảng, gã lặn sông kiếm mớ cá, con mòng cải thiện .

 

Trông gã hạnh phúc mà phát thèm! Có đám tang nào kêu lại giúp, gã đều có mặt, cương quyết không nhận thù lao, bỏ hẳn cái tật uống rượu tí bỉ. Gã bảo với mọi người đang cố tu thân tích đức cho đứa con trong bụng vợ. Có đám nghèo quá, gã còn vơ tạm ít tiền chèo đò của vợ mua vài lít rượu rửa ráy xác chết không lấy tiền công. Chiều chiều, gã buông chèo về sớm chăm mấy luống cải trồng dọc theo bờ sông đã bắt đầu ra hoa. Những buổi tối có trăng, gã và cô vợ goá ra hóng gió từ bãi thổi vào lồng lộng. Cái dáng cao to của gã cùng với cô vợ thập thò dưới ánh trăng vằng vặc, gió thổi mơn man sao trông đẹp thế! Thi thoảng lại nghe tiếng cười rúc rích của cô vợ khi gã bẹo môi, bóp má, lần tay khua khoắng dưới làn vải mỏng. Ai ngờ đời một gã đạo tỳ vất vưởng, tứ cố vô thân từ ngày có Mừng lại biến đổi nhanh vậy! Chắc hồn ma bóng quế những người từng đắp mặt rửa chân, sắp tay sắp cổ mang ra nghĩa địa phù trợ, độ trì cho gã.

 

Có lần, đám trẻ con tinh nghịch trong xóm hỏi gã chôn người chết bao giờ thấy ma chưa, chỉ thấy gã lắc đầu quầy quậy, cười nham nhở: Ma cỏ gì! Tụi bây khéo tưởng tượng! Đời tao chỉ gặp con ma vú dài quấn cổ!

 

*

Vậy mà mấy ngày nay, trời lất phất mưa. Gã náo nức chờ đón tin vui khi biết tin mình sắp được làm cha. Bến sông sũng nước, chấp chới hoa cải vàng ướt đẫm. Những bông lau rụng dần, thưa thớt trơ lại thân mình khẳng khiu, run rẩy trong gió. Không biết gã chờ đợi niềm vui nầy từ bao lâu rồi. Đời đạo tỳ nhiều năm dường như chỉ có đối diện với nỗi đau và nước mắt, hiếm khi được hạnh phúc, nụ cười, gã mong là phải lắm.

 

Gã cần gì cao xa ! Cô vợ, đứa con, căn lều trú thân và đó là tất cả điều gã hài lòng mong đợi. Nhưng cái vận đen đuổi kiếp người lại cứ vương vào gã khi cô vợ chuyển bụng mà không sinh được, phải chuyển vào trạm xá bằng chiếc ghe đưa khách hàng ngày sang sông.

 

Hai cánh tay run rẩy chèo, trên đò là thân hình quằn quại của vợ, gã như trôi trong cơn mơ hãi hùng. Bờ sông nước mấp mô từ màu xanh nhàn nhạt chuyển dần sang đỏ hồng, lừng lững trôi trước mắt gã. Vợ gã bị băng huyết. Những đợt máu tuôn ra như suối ướt đẫm chiếc quần cô mặc. Tim gã thót lại, những gương mặt người chết gã từng chăm chút, sửa sang như bỗng hiện ra lượn lờ, thẽ thọt trước mắt gã. Mùi rượu chua lè, nồng nặc rửa xác vướng vất, quanh quẩn đâu đây.

 

Bệnh xá vùng quê chẳng có ai. Ở quê gã, người ta con đàn cháu đống chỉ trông vào mấy mụ lang vườn. Nhiều ca sinh khó chỉ còn mong ra huyện, phải chèo thêm cả mấy tiếng đồng hồ. Mùa nước ngược, những con sóng mới lặng lờ, xuôi dòng là thế phút chốc bỗng xiết cuộn, gào réo làm gã mỏi nhừ, chiếc dầm nặng tựa chì, vẫy vùng trong tay như chiếc cùm sắt. Trong màu đỏ của ráng chiều đổ xuống lòng sông, gã kinh hãi nhìn thấy cả một khối nước đỏ lự, lấp loáng sủi bọt, ấp ứ tràn vào khoang xuồng. Tiếng bầm bập, rột roạt của sóng nước đập vào mạn hệt tiếng đóng cỗ áo quan, đều đều, cồm cộp dứt khoát. Gã buông thỏng tay chèo, bịt tai lại nhưng u u đâu đó trong đầu gã vẫn vọng lên những tiếng khóc nỉ non, ai oán chờ đám đạo tỳ đưa xác người thân vào quan tài hạ huyệt.

 

Cô vợ gã lả dần vì mất quá nhiều máu trong lúc chiếc xuồng con cứ loay hoay chồng chềnh, cố trườn qua con nước ngược. Nhưng rồi cuối cùng, không chịu đựng được nữa, cô rướn lên, ập cả thân hình đầy máu vào người gã, thở hắt hơi ra, hai mắt mở trừng trừng. Gã hét to một tiếng, buông chèo, ôm thi thể bất động của vợ, bỏ mặc con thuyền chòng chành, lảo đảo lật úp trong bóng tối nhập nhoạng ập xuống.

 

*

Mấy ngày sau, hàng xóm mới vớt được xác Mùi và cô vợ. Hai thi thể ôm cứng nhau không rời, người ta phải đổ hàng chục lít rượu cho mềm nhũn trước khi tách ra. Đám tang hai vợ chồng lặng lẽ diễn ra trên bờ sông. Nghe đâu xã phải năn nỉ mãi bên dân phòng mới chịu làm vì để lâu sợ môi trường ô nhiễm. Đám tang lơ thơ chỉ mấy người khiêng cáng đến hai cái huyệt nông choèn đào vội bên bờ sông, chẳng sênh chẳng phách, chẳng trống chẳng kèn, chẳng tay đạo tỳ nào có mặt.

 

Chỉ thấy mấy ngồng cải vàng lơ thơ, lất phất đung đưa trong gió hây hẩy và con đò nhỏ cắm sào run rẩy đội mưa bên bờ sông vắng ./.

Nguyễn Minh Phúc
Số lần đọc: 4908
Ngày đăng: 17.09.2008
[ Trở lại ] [ Tiếp ]
In tác phẩm Góp ý Gửi cho bạn
Cùng thể loại
Con trâu xanh - Hoa Ngõ Hạnh
Tại cái chuồng heo - Hồ Việt Khuê
Chữ Hiếu - Mang Viên Long
Câu chuyện nhỏ - Đàm Lan
Chuyện của Dần - Nguyễn Vĩnh Căn
Bão khô - Y Uyên
Đối thoại với Cao Tiệm Ly - Nguyễn Khắc Phước
Sự tích Chùa Trinh Nữ - Cao Hạnh
Tin nhắn - Trương Anh Sáng
Chuyện nhỏ từ những bữa ăn - Hội An
Cùng một tác giả
Đứa con trên cát (truyện ngắn)
Chai rượu tắc kè (truyện ngắn)
Người khóc mướn (truyện ngắn)
Gã đạo tỳ (truyện ngắn)
Con thỏ bông (truyện ngắn)
Hoa huệ trắng (truyện ngắn)
Đêm vô cùng (truyện ngắn)
Vai phụ (truyện ngắn)
Người sợ đàn bà (truyện ngắn)
Chiếc ghế (truyện ngắn)
Người hoang tưởng (truyện ngắn)
Người của biển (truyện ngắn)
Tiếng hát bay xa (truyện ngắn)
Hoa Dã Qùy vàng (truyện ngắn)
Tiếng đàn kìm (truyện ngắn)
Nhan sắc mùa xuân (truyện ngắn)
Đêm biển động (truyện ngắn)
Có thật vậy không ? (truyện ngắn)
Người đàn ông cùi (truyện ngắn)
Sông trôi về đâu (truyện ngắn)
Tấm ảnh (truyện ngắn)
Cái tát (truyện ngắn)
Cõi người (truyện ngắn)
Cuốn sách còn lại (truyện ngắn)
Người cùng nhóm máu (truyện ngắn)
Cơn mưa nghịch mùa (truyện ngắn)
Sát na (truyện ngắn)
Gió rừng u minh (truyện ngắn)
Viên ngọc trai (truyện ngắn)
Mây của trời (truyện ngắn)
Đờn ca tài tử (truyện ngắn)
Mùi của đàn ông (truyện ngắn)
Khúc lý chiều chiều (truyện ngắn)
Chùm hoa tím (truyện ngắn)
Đời không là … (truyện ngắn)
Mùa Nước Nổi (truyện ngắn)
Dáng Núi (truyện ngắn)
Bến Tình (truyện ngắn)
Bùa mê (thơ)