Nhiều khi nhà văn chúng tôi có dịp phải giao thiệp với những người khác giới. Đối với nhiều người, chúng tôi không dám tự giới thiệu mình là văn sĩ.
Không phải chúng tôi không biết quý trọng nghề nghiệp, nhưng thật ra chúng tôi không biết nghề văn sĩ là nghề gì và nghề đó đã làm gì ích cho xã hội.
Có một lần quá nóng về chuyện tương lai, tôi đã vô tận Chợ Lớn kiếm coi một ông thầy bói. Ông người Tàu, tuổi già, mắt đui, và nói tiếng An Nam lụi đụi lắm. Ông không cần biết tên, ông chỉ cần biết tuổi.
Ông hỏi ít câu, tôi nói ít lời. Rồi ông nhập dịch một hồi, kế ông nói:
- Tuổi Thân này làm cái gì kỳ cục lắm. Cái miệng cứ phải nói hoài mà nói cho người ta nghe mãi mãi.
Tôi bắt tức cười, và cho rằng ông thầy này đã "thấy" một cái gì đặc biệt mà khó nói vì trong đầu óc đơn giản của ông không có sẵn hình ảnh của một nhà văn sĩ.
Mà phải, thiên hạ cần đến người nông phu để có gạo, cần đến chú đầu bếp để nấu cơm. Họ cần có thợ may, thợ mộc, thợ giặt, thợ hồ, nhưng họ cần chi đến văn nhân và nghệ sĩ.
Bởi vì họ không cần nên họ có quyền không biết tới.
Mà nghĩ cho cùng thì văn chương thật là một thứ xa xỉ phẩm, chỉ có thể tiêu thụ được với người dư ăn, dư để, dư ngày giờ, rảnh tâm trí.
Còn những người lam lũ quá, vất vả quá, ta không nên trách họ lãnh đạm với văn chương, ta chỉ thương họ mải lo sống mà quên luôn cả tới ý nghĩa của sự sống của mình.
Tuy nhiên nếu người ta có thể tách biệt nhau về giai cấp, về địa vị, về gia thế thì người ta lại thường gần gũi nhau về cảm giác với tâm tình.
Nhà nghèo biết khổ thì nhà giàu cũng biết khổ. Kẻ sang biết yêu thì người hèn cũng biết yêu.
Có tiền của ăn học biết nghĩa lý ở đời. Không tiền của mà được ăn học thì cũng thành nên người thức giả.
Nhà xuất bản Văn học, 2005