Ủng hộ VCV
Số tác phẩm
28.861 tác phẩm
2.760 tác giả
1.140
123.227.232
 
Ai là tác giả Kịch THƠ “Bóng Giai Nhân”?
Hoàng Cầm

(Nhân kỷ niệm 10 năm ngày mất của nhà thơ Yến Lan (Rằm tháng 8-1998 – Rằm th.8.2008) – gia đình nhà thơ Yến Lan đã cho chúng tôi biết hai ý nguyện của YL trước khi mất là :

1-Các di cảo của ông sẽ sớm được xuất bản.

2-Hãy làm sáng tỏ ai là tác giả của kịch thơ “Bóng Giai Nhân” – mà có người (không hiểu vì lý do gì (?) ) đã ngang nhiên công bố là của Nguyễn Bính. Chúng tôi xin được chuyển tải hai tài liệu quan trọng – để giúp các nhà nghiên cứu / làm văn học sử - “sửa sai” lại  Tác quyền của kịch thơ nói trên. Mang Viên Long )

 

Trong lịch sử văn học và nghệ thuật của loài người, ngay từ những thế kỷ đầu, trước và sau công nguyên; hầu như ở dân tộc nào cũng đôi khi xảy ra vài ba chuyện nhầm lẫn ở bộ môn này, bộ môn khác mà về sau các nhà làm Văn học sử thường vấp phải những điều khó bình luận, khó phân giải. Rồi họ thấy tiếc – tiếc rằng đã không biết rõ sự thật về một bức tranh, một bài thơ, một câu chuyện kể - càng tiếc hơn khi không biết thật đúng về đời sống và tác phẩm của một thi hào, một danh họa nào đó. Ở ta, chỉ mới vài trăm năm – trường hợp Hồ Xuân Hương là một ví dụ.

 

Đến thời đại chúng ta, nếu những người đương thời, với một số văn nghệ sĩ lại làm ngơ trước một vài sự thật bị nhầm lẫn (trong khi mọi mặt thông tin đã có nhiều điều kiện khoa học tân tiến để xác minh bất cứ một vấn đề to nhỏ nào trong đời sống văn hóa của một dân tộc, một đất nước, thì tôi nghĩ đây có thể trở thành một tội lỗi đối với những thế hệ mai sau; vì bản chất loài người là luôn luôn khao khát được biết, được hiểu những sự thật lịch sử của từng dân tộc).

 

Từ cuối năm 1939, tôi đã đi vào cái “nghiệp văn chương” và bắt đầu xa gia đình ở tỉnh lẻ Bắc Giang; ra Hà Nội sống và làm việc cho nhà xuất bản Tân Dân; Cuối năm 1941- tôi được xem vở kịch thơ đầu tiên trên sân khấu Nhà Hát Lớn Hà Nội, do anh Chu Ngọc dàn dựng – anh Vũ Trọng Can tổ chức các đêm diễn. Đó là vở kịch thơ có tên khá hấp dẫn : “Bóng Giai Nhân”.

 

Tờ chương trình in ảnh người đạo diễn với ba vai sắm ba nhân vật của kịch bản – lại là tên ba thi sĩ nổi tiếng lúc bấy giờ : Vũ Hoàng Chương, Trần Huyền Trân và Nguyễn Bính. Còn tác giả của vở kịch thơ in chữ đậm trên tờ  bích chương, đồng thời kẻ chữ to cũng rất đậm trên áp phích to bằng cái chiếu đặt ở cửa ra vào Nhà Hát Lớn: “Bóng Giai Nhân – Kịch Thơ của Yến Lan và Nguyễn Bính”.

Với Nguyễn Bính, tôi cũng đã “làm bạn” được hơn một năm. Hồi đó, tôi như đứa bé mon men ở ngưỡng cửa làng văn ; mới có vài ba truyện ngắn, vài ba bài thơ ngăn ngắn đăng trên tạp chí “Tiểu Thuyết Thứ Bảy” của nhà xuất bản Tân Dân do nhà viết kịch Vũ Đình Long làm chủ; nên đối với các bậc đàn anh đã nổi tiếng như Nguyễn Bính, Vũ Hoàng Chương, Trần Huyền Trân hơn mình cả về tuổi đời và tuổi nghề - tôi coi như cây cao bóng cả; còn mình chỉ là một cây con mới trồng ở cái vườn văn bao la, đầy bí ẩn này!

 

Dạo ấy, cái tên một thi sĩ nghe như tên con gái- Yến Lan, chưa quen thuộc với dân miền Bắc, dân Hà Nội. Ngược lại, chỉ nhắc đến Nguyễn Bính là người ta đọc vanh vách những bài thơ nổi tiếng : “Lỡ Bước Sang Ngang, Xóm Ngự Viên, hay là Chân Quê, Quan Trang”. Riêng tôi cũng chỉ biết Yến Lan nhờ ông Hoài Thanh với cuốn “Thi Nhân Việt Nam” – còn trong số độc giả yêu thơ – cũng nhiều người không biết “Bến My Lăng” và tác giả của nó là ai ?

 

Sau hai buổi diễn “Bóng Giai Nhân” ở Hà Nội kết quả cũng bình thường, vì anh Chu Ngọc chưa tìm ra phong cách diễn kịch Thơ thế nào để cuốn hút khán giả - đến lượt chúng tôi, một nhóm anh em mê chơi sân khấu bên Kinh Bắc gồm Hoàng Tích Linh, Hoàng Tích Chu, Kim Lân, Trần Hoạt và Tôi; bèn mượn kịch bản “Bóng Gia Nhân” của anh Vũ Trọng Can đem về làng Phù Lưu – quê của các anh Linh, Chu, Kim Lân để diễn tập. Tôi rủ anh Nguyễn Bính về chơi. Trong bữa rượu đầu tiên “quanh mâm thịt chó” cực ngon do vợ anh Hoàng Tích Chu chiêu đãi; tôi mạnh bạo hỏi vị “thượng khách, tân khách” Nguyễn Bính :

- Bính viết “Bóng Giai Nhân” từ bao giờ?

Sau một tợp rượu rất hào sảng – người thi sĩ “chân quê” bèn kể :

- Năm 1938, ba thằng chúng tớ là Trần Huyền Trân, Bính và Yến Lan ngứa ngáy cái máu giang hồ vặt, rủ nhau vào chơi Sông Hương Núi Ngự. Yến Lan từ Quy Nhơn ra “hội ẩm” – chỉ mới được ba ngày thì sạch cạn tiền, mình mới tính cái nước viết kịch rồi diễn luôn ở ngay cố đô này. Dạo ấy, thằng Vũ Trọng Can cũng ở Huế. Nó cũng mê sân khấu, lại có tài tháo vát, xoay xở- có thể tổ chức các đêm diễn ra trò lắm!

 

Bàn tán một lúc thì thằng Trân nghĩ ra cái cốt truyện, nghe đâu như chuyện thời Xuân Thu Chiến Quốc bên Tàu. Cũng khá mê ly! Có anh thợ đúc gươm một đêm nằm mơ thấy ai như thần nhân mách bảo rằng : “Từ nước Sở, sẽ có một chàng hiệp sĩ đi tìm mua gươm báu để dẹp loạn khắp thiên hạ, đem lại thanh bình cho bốn phương, trăm họ đang đói khát lầm than. Nhà ngươi phải dác một thanh gươm báu, mà muốn cho gươm được thiêng – phải lấy máu hai đứa con trai nhà người mà tôi luyện; và người tráng sĩ mua được gươm rồi, phải giết ba người gặp đầu tiên trên con đường đi lập công vỗ yên bốn cõi. Có như vậy mới thành gươm thần, diệt được hết bọn tà ma quỷ quái đang làm khổ thiên hạ hàng nghìn vạn năm rồi!

 

Khi người thợ đúc gươm tỉnh dậy thì quả nhiên có một tráng sĩ tự xưng là người nước Sở đến hỏi mua gươm quý. Sau khi xem thử đến 3, 4 loại gươm – mà cũng là cách người thợ đúc gươm muốn thử cái chí và cái tâm tráng sĩ – chàng kiếm khách giang hồ kia có vẻ thất vọng. Đến lúc ấy thì người thợ mới đưa ra thanh kiếm  thần. Người tráng sĩ thật vừa ý, đẹp lòng – đón nhận gươm quý, rồi cáo biệt ân nhân lên đường. Vì chót quên lời dặn cuối cùng của thần linh, người bán gươm bèn gọi tráng sĩ quay trở lại :

- Người bán gươm : Tráng sĩ, tôi quên chưa nói hết : Một khi kiếm đã vào tay dũng kiệt, muốn cho thiêng, chàng phải giết 3 người !

-Tráng sĩ : Ba người nào xin chỉ cho tôi !

- Người bán gươm: Ba người gặp đầu tiên khi bảo kiếm đã nằm trong tay chàng ; sẽ vô cùng mầu nhiệm nếu chàng có gan giết đủ cả ba người…

 

Nhưng thật oái oăm – kịch tính khủng khiếp xuất hiện ngay : Người thứ nhất mà tráng sĩ gặp khi thanh gươm đã vào tay chàng, chẳng phải ai đâu mà đích thực lại là người bán gươm. Người bán gươm cũng vì đại nghĩa, vui lòng chịu cho thanh gươm do chính tay mình làm ra hòa với máu 2 đứa con trai, chính gươm báu ấy đâm vào trái tim mình ! Người thứ 2 là một đạo sĩ đang tu tiên, đang nhàn du nơi ven rừng, chân núi. Đạo sĩ cũng vui lòng chịu chết với một nụ cười khinh bỉ con đường công danh của tráng sĩ mà nhà tu hành coi là ô trọc.

 

Cuối cùng đến người thứ ba thì kịch tính lên đến mức cao nhất. Đó là một mỹ nữ - một tuyệt thế giai nhân! Giết hay không ? Theo đuổi một vinh quang cao cả hay theo người đẹp về “xây tổ uyên ương”- bên bờ suối ? Một cuộc đấu tranh thật kỳ thú giữa ái tình và danh vọng…

Lại tợp đến ngụm rượu thứ bao nhiêu, Bính không nhớ nữa – Anh gắp một miếng dồi chó đưa lên miệng, còn lửng lơ chưa ngốn nhai, đã nói dõng dạc:

-Yến Lan nó viết cả ba màn, đến màn cuối này thì lời thơ của nó – vừa hào hùng lại vừa tình tứ , nghe đọc thôi cũng đã sướng tai rồi. Cái hơi thở lãng mạn lồng vào cái khí thơ bi hùng ca cũng khá nhuần nhị. Tớ đọc xong, còn nói đùa : “Thôi, hay lắm rồi – để tao thay mặt phòng kiểm duyệt của thằng Tây phê cho một chữ “Được”; và thêm cho ba chữ son nữa : “cho phép diễn”. Rồi Bính cười vang…

 

Từ sau đó, nhóm kịch Bắc Ninh của chúng tôi dàn dựng, luyện tập mất có 2 ngày là diễn luôn ở đình làng Phù Lưu, cùng với vở hài kịch “Cái Tủ Chè” của Vũ Trọng Can, thành một đêm sân khấu đặc sắc !

 

Đến nay, qua năm 2000 rồi, lơ phơ còn mấy cụ già trên 80 tuổi ở các làng chúng tôi trình diễn “Bóng Giai Nhân” từ 1942 đến 1947 là còn nhớ ba vai chính của vở kịch (như ở làng Phù Lưu , Đình Bảng, Đồng Kỵ thuộc huyện Từ Sơn, làng Lạc Thổ, Đạo Tú, Đình Tổ huyện Thuận Thành – hai huyện bên Tả ngạn và Hữu ngạn Sông Đuống) –nhiều người còn nhớ tên diễn viên nào sắm vai nào; có cụ còn thuộc và đọc vanh vách một vài câu thơ có vẻ giang hồ khí phách của kịch bản nữa.

 

Riêng tôi sắm vai Tráng sĩ mua gươm xuất hiện ở các sân khấu từ nhà Hát Lớn Hà Nội, Hải phòng đến các sàn diễn ở nông thôn có thể tính được ít nhất cũng đến năm sáu chục buổi diễn rất thành công vì tôi may mắn được trời phú cho một giọng ngâm thơ có  thể khiến khán giả mến mộ như mến mộ những ca sĩ loại nhất hiện nay. Việc trình diễn “Bóng Giai Nhân” – nhóm kịch Bắc Ninh của chúng tôi còn kéo dài đến giữa năm 1948, ở nhiều thôn làng hai tỉnh Bắc Giang và Bắc Ninh- những nơi mà khói lửa của cuộc chiến tranh Việt – Pháp chưa bén tới.

           

Đến đây tôi đã có thể chấm dứt bài viết để khẳng định một cách rất đanh thép rằng : “Tác giả đích thực của vở kịch thơ “Bóng Giai Nhân” là Yến Lan”. Việc xây dựng cốt truyện là của hai anh Trần Huyền Trân và Yến Lan. Còn Nguyễn Bính chỉ là người sắm vai anh thợ đúc gươm lần thứ nhất trên sân khấu Huế; rồi đến khi Vũ Trọng Can đưa kịch bản cho đạo diễn Chu Ngọc dàn dựng và đem trình diễn ở Nhà Hát Lớn Hà Nội – Nguyễn Bính vẫn sắm vai kịch ấy, cùng với Vũ Hoàng Chương (vai Tráng sĩ) và Trần Huyền Trân (vai Đạo sĩ) – chỉ có một điều cần chú ý là khi vở diễn đưa ra Hà Nội  thì trong tờ chương trình in 4 trang phát cho khán giả - tên tác giả có thêm Nguyễn Bính.

Sau đêm xem diễn ở Hà Nội, tôi hỏi về vấn đề Tác giả kịch bản thì anh Chu Ngọc mà tôi cũng quen thân từ lâu – nói : “Ở Hà Nội cái tên Yến Lan còn xa lạ với khán giả, nên theo ý Vũ Trọng Can mình thêm cái tên Nguyễn Bính vào, cốt để bán được nhiều vé. Vì Nguyễn Bính rất nổi tiếng ở cả ba miền ! Yến Lan nếu có biết chuyện thêm tên tác giả, chắc anh ấy cũng thuận tình, vì cùng là bạn thơ nghèo với nhau cả! Thật ra thì 3 vai diễn mình chọn cũng toàn là bạn thơ thân nhau từ lâu – cũng nổi tiếng cả, chứ cách diễn còn sơ sài lắm!”.

 

Tôi không có ý định đi sâu vào nghệ thuật thơ của hai thi sĩ tài danh ấy. Nhưng một nhà phê bình văn học nào đó, chỉ cần đọc qua những lời thơ trong kịch “Bóng Giai Nhân” đã có thể nhận ra phong cách thơ ở đó khác hẳn phong cách Nguyễn Bính. Vậy nên từ đêm diễn “Bóng Giai Nhân” đầu tiên cho đến giữa năm 1948 mới chấm dứt, tôi sắm vai Tráng sĩ hàng dăm sáu chục lần, càng tin rằng Nguyễn Bính không phải là Tác giả. Rõ ràng cái văn  phong trong kịch bản là văn phong của nhóm Thi sĩ Bình Định hồi bây giờ.

 

Mãi đến 1954, tôi mới biết mặt Yến Lan, và hai người nhanh chóng kết thành bạn thân. Hiểu nhau rồi tôi mới dám gạn hỏi anh Yến Lan sự thật về việc sáng tác kịch thơ “Bóng Giai Nhân”. Anh thuật lại, cũng đúng như lời Nguyễn Bính rất hồ hởi kể cho nhóm kịch Bắc Ninh trong bữa rượu thịt chó ở nhà anh Hoàng Tích Linh, làng Phù Lưu. Tôi có yêu cầu Yến Lan viết bài nói rõ về gốc gác vở kịch ấy, nhưng Yến  Lan gạt đi, với hai ý kiến như sau :

 

Một là, theo tác giả thì vở “Bóng Giai Nhân” cũng không phải là một Tác phẩm xuất sắc gì, nó đã nằm trong một só của lãng quên. Bây giờ (1955) – dựng lên, bới nó ra, sợ là người ta chê cười là tranh nhau tên tuổi.

 

Hai là, Văn nghệ bây giờ (1955) đi theo hướng vô sản, những truyện “giai nhân giai nhiếc” – “Tráng sĩ, hiệp khách, hiệp khứa” cổ lỗ sĩ mà bây giờ đưa ra công chúng chắc chắn sẽ bị phê phán là “văn chương tư sản, lãng mạn, không hữu ích gì…”. Hơn nữa những tác phẩm như “Bóng Giai Nhân” thì còn bao giờ in lại, diễn lại được (!) Tốt hơn là quên nó đi…

 

Ấy vậy mà đấn năm 1994 – Hội nghệ sĩ sân khấu lại cho sưu tập và xuất bản một tuyển kịch thơ gồm các Tác giả : Thế Lữ, Phạm Huy Thông, Hoàng Cầm, Thao Thao, Nguyễn Bính và Yến Lan, Vũ Hoàng Chương, Phan Khắc Khoan, Lưu Quang Thuận…

 

Năm ấy, anh Yến Lan còn sống, đã về quê ở Bình Định. Trước khi Hội Nghệ sĩ Sân khấu ấn hành tuyển tập ấy (dĩ nhiên là có mặt vở “Bóng Giai Nhân” trong cuốn sách, Tôi, vì tôn trọng sự thật lịch sử trong nền Văn học của ta – đã viết một bài đăng trên báo Văn Nghệ, với đề mục : “Đính Chính Những Sai Lầm Trong Văn Nghệ”- Tôi đã nói rõ Tác giả “Bóng Giai Nhân” là ai rồi. Tôi lại giới thiệu cho anh Lâm Huy Nhuận – con trai thi sĩ Yến Lan đến gặp anh Hồ Ngọc – người sưu tập, giới thiệu tuyển tập kịch thơ Việt Nam- để yêu cầu anh Hồ Ngọc đính chính tên Tác  giả cho đúng với sự thật – dựa vào bài viết của tôi trên báo Văn Nghệ. Anh Hồ Ngọc đáp lại yêu cầu của anh Lâm Huy Nhuận rằng:

-Tôi cũng tin là anh Hoàng Cầm nói không sai về vấn đề Tác giả “Bóng Giai Nhân” – Nhưng từ lâu, anh chị em trong giới sân khấu, cả trong Hội Nhà văn nữa, đã đinh ninh rằng vở kịch ấy do hai tác giả Yến Lan  và Nguyễn Bính. Bây giờ tôi biên soạn lại tự dưng cắt bỏ Nguyễn Bính ra thì sẽ gây nên nhiều dư luận chẳng hay ho gì. Thôi từ trước, trong dư luận công chúng, vở kịch ấy đã thế rồi, thì cứ giữ nguyên nó là thế. Đính chính là không cần thiết, không có lợi gì cho Văn học và cho Sân khấu – có khi lại có hại đến thanh danh cả hai tác giả…”.

 

Thôi thì cũng đành thế vậy (!) Ở bình Định, tác giả Yến Lan có được thấy cuốn sách đó – chắc chỉ mỉm cười, vui vẻ. Nói thế vì tôi biết Yến Lan không bao giờ thích nổi tiếng tăm. Trước, anh tưởng chẳng bao giờ “Bóng Giai Nhân” in ra được, mà đấy, nó đã xuất hiện và đi dạo chơi khắp nước; không mỉm cười vui vẻ sao được?

 

Nhưng những gì của César cần trả lại cho César !

 

Hà Nội, tháng 6.2001

Hoàng Cầm
Số lần đọc: 2500
Ngày đăng: 19.09.2008
[ Trở lại ] [ Tiếp ]
In tác phẩm Góp ý Gửi cho bạn
Cùng thể loại
Đám không người - Quỳnh Linh
Đi tìm người con gái trong vở kịch thơ của Hòang Cầm - Ngữ Yên
Dựng kịch về lịch sử dễ hay khó? - Tuấn Thiện
Kịch hình thể - Sự hấp dẫn không lời - Hồng Nga
Đạo diễn Lê Hùng: “Lạ hóa” sân khấu kịch - Nguyễn Thị Minh Thái
Vì sao kịch miền Nam không ra được đất Bắc? - Hòang Kim
Để kịch nói không còn là khoảng trống trong đời sống văn hóa ở Cần Thơ - Nhâm Hùng
Tim tôi ở Cao nguyên -phần 1 - William Saroyan
Tim tôi ở Cao nguyên -phần 2 - William Saroyan
Tim tôi ở Cao nguyên -phần 3 - William Saroyan