Ủng hộ VCV
Số tác phẩm
28.861 tác phẩm
2.760 tác giả
1.124
123.228.274
 
Người tôn vua Duy Tân và cứu Phan Châu Trinh thoát khỏi án chém
Nguyễn Hoàn

Quảng Trị là một miền quê có truyền thống khoa bảng, dưới thời phong kiến đã từng có nhiều người đỗ đạt và làm quan, có những người làm đến bậc đại thần. Có những vị đại thần đã tỏ được vai trò lương đống (rường cột) quốc gia của mình chứ không xu thời, xu phụ hoặc chỉ đơn thuần “giúp rập triều đình” theo chiếu lệ, nhất là khi đất nước nằm dưới ách thống trị của thực dân Pháp, triều đình Huế mất dần vai trò và chỉ là bù nhìn. Đáng chú ý trong số đó có Phụ chính đại thần, Hiệp biện đại học sĩ, Thượng thư Bộ Lễ Lê Trinh.

 

Ông Lê Trinh (còn có tên là Lê Đăng Lĩnh, Lê Đăng Trinh) sinh năm 1850 tại làng Bích La Đông, Triệu Đông, Triệu Phong, Quảng Trị, là hậu duệ đời thứ 8 của họ Lê Cảnh (thuỷ tổ họ này gốc ở Cẩm Xuyên, Hà Tĩnh, di cư vào Bích La Đông dưới thời Lê sơ, trước thời Lê Trung Hưng, cách nay trên 450 năm). Ông Lê Trinh là con trưởng của ông Lê Cảnh Chính, Binh Bộ viên ngoại lang, Trung phụng đại phu, Đô sát viện hữu phó đô ngự sử, hàm nhị phẩm dưới triều Minh Mạng (1820-1840) và bà Lê Bá Thị Huấn. Thông minh, học giỏi, năm 20 tuổi, ông thi hương khoa năm Canh Ngọ, Tự Đức năm thứ 23 (1870) đỗ giải nguyên, năm 25 tuổi, ông thi hội khoa năm Ất Hợi, Tự Đức năm thứ 28 (1875) đỗ phó bảng. Từ đó, ông đã ra làm quan, trải qua 6 triều vua từ Tự Đức, Kiến Phúc, Hàm Nghi, Đồng Khánh, Thành Thái đến Duy Tân. Đầu tiên, ông được bổ Hàn lâm viện kiểm thảo, rồi đổi qua Hành tẩu Nội các, sau đó dần thăng tiến. Ông đã từng giữ chức vụ ở hầu hết các Bộ như: Biện lý Bộ Hộ, Bộ Lại (1884), tham tri Bộ Hình, Bộ Hộ, Bộ Binh (1891-1892) cho đến chức cao nhất là Thượng thư Bộ Lễ (1903). Ông còn giữ nhiều trọng trách ở các Viện: Tham biện Viện Cơ mật (1888), Chưởng ấn Viện Đô sát (1888), Cơ mật đại thần (1903). Ông được cử vào đoàn sứ bộ sang Trung Quốc (1882), được vua Quang Tự, nhà Thanh mến tài, ban cho ông học vị tiến sĩ, khi ông mất được nhà Thanh cử sứ giả qua phúng viếng. Trên lĩnh vực giáo dục, ông từng được sung làm giáo đạo các ông hoàng (1884), làm phó chủ khảo trường thi hương tỉnh Thừa Thiên (1887) rồi chánh chủ khảo trường thi hương tỉnh Bình Định (1891).

 

Trong cuộc đời làm quan của ông Lê Trinh, từ đời vua Đồng Khánh trở về trước, chức tước, ngôi vị của ông trong triều đình chưa cao như dưới thời vua Thành Thái, nên ông không có mặt trong các “kịch bản” lập vua lúc đó của các Phụ chính đại thần Tôn Thất Thuyết, Nguyễn Văn Tường, Trần Tiễn Thành...Nhưng từ thời vua Thành Thái trở đi, khi ông được trọng dụng ở ngôi cao nhất trong đời làm quan của mình: Phụ chính đại thần, Lễ Bộ Thượng thư sung Cơ mật đại thần (1903), phải nói rằng ông đã đóng một vai trò quan trọng trong việc tham gia giải những “bài toán lịch sử” ngặt nghèo, lúc vận nước gian nan. Hai đóng góp sáng giá của Thượng thư Lê Trinh trong thời kỳ này đó là việc tôn vua Duy Tân lên ngôi, sau khi thực dân Pháp phế truất vua Thành Thái và việc không xử chém Phan Châu Trinh, mặc dầu Pháp gây sức ép, nhờ vậy mà nhà yêu nước và duy tân nổi tiếng này có điều kiện tiếp tục hoạt động, cống hiến cho phong trào duy tân, cứu nước.

 

*Việc tôn vua Duy Tân lên ngôi và tình cảm đặc biệt của vua Duy Tân đối với Thượng thư Lê Trinh

 

Sau khi vua Thành Thái, một ông vua có tinh thần yêu nước, tự cường dân tộc, có đầu óc cải cách, chống Pháp nên Pháp đã tìm cách phế truất và buộc đi đày, vấn đề đặt ra là chọn người kế vị ngai vàng. Đây là một vấn đề khá phức tạp và gây tranh cãi, không thống nhất giữa nhiều phái trong Nam triều và giữa Nam triều với Pháp. Hai tác giả Quỳnh Cư và Đỗ Đức Hùng đã viết về giai đoạn rối ren này: “Từ 1907, sau khi phế truất Thành Thái, thực dân Pháp định đưa Bửu Đảo (tức Khải Định, con Đồng Khánh) lên ngôi vua để tiếp nối dòng vua bù nhìn Đồng Khánh. Khi giải quyết vấn đề này, nhiều đình thần tỏ ý không muốn đặt lên ngai vàng một người “vô hậu” (tuyệt tự). Pháp đành phải chấp nhận Duy Tân” (Các triều đại Việt Nam, NXB Thanh niên, Hà Nội, 2001, trang 388). Lúc đó, Thượng thư Lê Trinh đã đưa ra giải pháp: chọn một người con còn nhỏ tuổi của vua Thành Thái, rồi vẫn duy trì Hội đồng phụ chính để giúp vua trông coi việc nước. Phía Pháp đã đồng ý vì cho rằng một đứa bé làm vua như Duy Tân không có gì đáng ngại, Pháp sẽ dễ bề thao túng (Pháp không ngờ được rằng vị vua trẻ này chống Pháp còn quyết liệt hơn cả vua cha Thành Thái nữa). Trong việc chọn Duy Tân, hẳn là Thượng thư Lê Trinh cũng như một số đình thần khác còn nặng lòng đau đáu, nhớ nghĩ đến vua yêu nước Thành Thái đang bị đi đày. Có một điểm đáng lưu ý rằng, thực dân Pháp không hề thay đổi ý định chọn Khải Định làm vua. Sau khi Pháp định đưa Khải Định lên thay thế vua Thành Thái mà chưa được, Pháp đã phải chấp nhận phương án chọn vua Duy Tân, nhưng khi đã bắt vua Duy Tân phải đi đày, “Pháp đưa Bửu Đảo lên ngôi, lấy niên hiệu là Khải Định. Đây là một ông vua bù nhìn mạt hạng” (Quỳnh Cư-Đỗ Đức Hùng, sách đã dẫn, trang 388). Như vậy, việc chọn vua Duy Tân đã làm cho mưu đồ xuyên suốt là “chọn vua bù nhìn” của Pháp bị gián đoạn. Và Pháp đã rất “cảnh giác”. Chính Toàn quyền Đông Dương Bonhoure khi báo cáo với Bộ Thuộc địa Pháp đã săm soi cả cái tên niên hiệu Duy Tân, cho rằng cái tên này dính líu với các nhà cải cách: “Một trong các biểu hiện đặc biệt là việc chọn tên Duy Tân (cải cách) làm niên hiệu của vua mới”.

 

Vai trò quan trọng của ông Lê Trinh trong việc khéo léo tôn vua Duy Tân lên ngôi đã được chính vua Duy Tân khẳng định: “Cậy một lời mà định kế, hợp hai nước mà suy tôn”. Sinh thời, vua Duy Tân đã giành cho ông nhiều tình cảm yêu mến, tin cậy. Nhà vua và triều đình đã đánh giá cao công lao của ông trong việc phò tá, dạy dỗ, giúp đỡ nhà vua học hành, giúp triều đình tháo gỡ khó khăn, đặc biệt ca ngợi ông sánh với các nhân tài nổi tiếng thời xưa ở Trung Quốc. Trong bài chế của vua Duy Tân thăng hàm Vinh lộc đại phu, Hiệp biện đại học sĩ cho Phụ chính đại thần, Lễ Bộ Thượng thư Lê Trinh đề ngày 23 tháng Chín năm Duy Tân thứ 3 (1909) đã viết (dịch nghĩa): “Yêu mến nghĩ đến ông họ Lê chức Phụ chính đại thần Lễ Bộ Thượng thư: xuất thân khoa bảng; rường cột quốc gia. Nổi tiếng ở đời, trải tới chức quan trọng yếu; gặp thời thoả chí, từng qua thử thách khó khăn. Lại làm việc nơi Dung đài; bèn bàn mưu trong Hựu phủ. Thanh liêm ngay thẳng, nhân tài xưa sánh Di Quỳ; cần mẫn rõ ràng, tướng nghiệp trước như Bính Nguỵ. Vua cha gặp lúc nhọc nhằn, bèn trao tông miếu; con nhỏ đang khi thơ ấu, phải nhận ngôi trời. Cậy một lời mà định kế; hợp hai nước mà suy tôn. Lấy vực Ngu mà rửa vũng Hàm, mặt nhật năm rồng nâng đỡ; chặt chân ngao mà làm bốn cực, trời cao tám cột chống che. Ta lúc tuổi thơ, kính đương ngôi báu. Tháo gỡ khó khăn, đã có công lao phò tá; ân cần dạy dỗ, lại còn giúp đỡ học hành. Đã mến yêu nhiều, nên ban hàm lớn”. Khi ông Lê Trinh mất (năm 1909) , vua Duy Tân đã truy phong cho ông tước Vệ nghĩa tử, đồng thời sai Nội các soạn một bài dụ, một bài chế nhân dịp truy phong tước này cho ông và một bài văn ban tế cho lễ tế ông. Bài chế truy phong tước Vệ nghĩa tử đã khẳng định năng lực nội trị và ngoại giao của ông: “Trong yên quốc thị, ngoại vững bang giao. Quận triều đều trọng, ghét chán thảy không” và tiếng thơm của ông: “Nghĩa vua tôi trọn vẹn trước sau, tình khen thưởng cùng chung rạng rỡ. Còn mãi sách son, vẻ vang mồ biếc”. Bài văn ban tế thể hiện tình cảm đầy ngậm ngùi, xót thương của vua Duy Tân đối với ông:

 

“Vua tôi là nghĩa, còn với đất trời

Trước sau gặp gỡ, thương mến khôn nguôi

Khanh sinh ở thế, tài giỏi tót vời

Năm triều để tiếng, khuôn mẫu cho đời

Gặp thời bối rối, vận nước bời bời

Khanh cùng phụ chính tháo gỡ xong xuôi

Ngu yên nâng giữ, Hàm trì sáng tươi

Năm rồng thời cổ, mang ánh mặt trời

Ta là con nhỏ, hiểu biết nông khơi

Nhờ khanh chỉ bảo, dạy đạo làm người

Cớ sao ốm nặng, bỗng chốc xa chơi

Các quan còn đó, khanh đã về trời,

Bóng khanh phảng phất, lòng trẫm bồi hồi

Tiệc bày lễ tế, khanh đến xin mời

Ôi!...”.

 

Ông Lê Trinh đã để lại một tập di cảo gồm thơ và câu đối có tên là “Bích Phong thi tập” (Bích Phong là tên hiệu của ông). Đánh giá về tập di cảo này, nhà thơ Lương An viết: “Tập thơ gồm phần lớn là thơ đề từ, xướng hoạ, nhưng cũng có một số bài nói lên nỗi lòng của tác giả trước tình thế đất nước” (Tuyển tập Lương An, NXB Thuận Hoá, Huế, 2004, trang 380). Qua tập di cảo này, hiển lộ bóng dáng một con người  không tham địa vị, phú quý (ông gọi địa vị mình đang giữ là “Bị vị đáo xuân quan”, vị hão chức cao dày), chí để ở chốn thanh nhàn, lánh đua tranh thị thành. Chứng kiến cảnh lụt lội hoành hành ở Huế, ông đã đem đối lập cảnh xót xa đáng thương của người nghèo với cảnh ăn chơi của hạng cao sang: “Lư lý gian nan tình trạng thiết, Bằng thuỳ hội đáo ỷ la diên” (Làng xóm khó khăn thê thảm quá, Nhờ ai vẽ đến tiệc ăn chơi).

 

*Xử cho Phan Châu Trinh thoát khỏi án “trảm quyết” (chém ngay)

 

Năm 1908, phong trào quần chúng nhân dân kháng thuế đã bùng phát ở Quảng Nam rồi lan nhanh đến nhiều nơi (còn gọi là dân biến Trung Kỳ), khiến cho thực dân Pháp hoảng hốt đối phó và tăng cường đàn áp, đánh phá các cơ sở Duy Tân, bắt bớ và kết án hàng loạt nhà yêu nước, trong đó có Phan Châu Trinh, người bị Pháp quy kết là chủ mưu. Phan Châu Trinh đã bị bắt ngày 31-3-1908 tại Hà Nội, theo đúng ý đồ thâm độc của Khâm sứ Trung Kỳ Lévecque, bị giải về Huế để xử và Phủ Phụ chính đã xử bản án đầu tiên ngày 10-4-1908.

 

Trong số 8 thành viên của Phủ Phụ chính có Thượng thư Bộ Lễ Lê Trinh. Thượng thư Lê Trinh và Phan Châu Trinh vốn ở cùng Bộ Lễ. Sau khi thi đỗ phó bảng khoa thi hội năm Tân Sửu, Thành Thái 13 (năm 1901), Phan Châu Trinh vào làm quan ở Bộ Lễ với chức hành tẩu, ngạch kiểm thảo. Vậy là ở Bộ Lễ có hai ông Trinh, một ông là thủ trưởng, một ông là thuộc viên. Nhưng Phan Châu Trinh chỉ làm quan cho có lệ. Ông thường hay đi đây đi đó để tìm người đồng chí hướng, mưu việc lớn, nên hay bỏ việc quan, đến mức Thượng thư Lê Trinh phải cười bảo: “Một anh thừa biện của Bộ tôi mà cả năm tôi không thấy mặt”. Ông Lê Trinh xử Phan Châu Trinh là xử thuộc viên dưới quyền.

 

Theo những thông tin không đúng lưu truyền lâu nay thường cho rằng chính Nam triều đã xử tử hình Phan Châu Trinh, nhờ có Liên minh Nhân quyền (Pháp) can thiệp nên án tử hình mới được đổi thành khổ sai chung thân. Sự thực không phải như vậy. Theo những tài liệu mới do bà Lê Thị Kinh (tức Phan Thị Minh), cháu ngoại cụ Phan Châu Trinh sưu tầm tại Trung tâm lưu trữ quốc gia hải ngoại Pháp (Centre des Archives d’Outre mer, viết tắt là CAOM), được tập hợp in vào sách “Phan Châu Trinh qua những tài liệu mới”, NXB Đà Nẵng, 2001, cho biết, trong quá trình xét xử Phan Châu Trinh tại Huế, chính Khâm sứ Trung Kỳ Lévecque đã “cố gò Phủ Phụ chính vào quyết định “trảm quyết” nhưng nhờ lương tri và dũng khí của các thượng thư, nổi bật nhất là hai cụ Cao Xuân Dục và Lê Trinh, đã dám lên tiếng cãi lại Lévecque với sự đồng tình của toàn Phủ Phụ chính. Nhờ vậy mà Phan Châu Trinh đã thoát án chém tức thì, lãnh án chém nhưng giam lại” (sách đã dẫn, quyển 2, tập 1, trang 8). Bà Lê Thị Kinh đánh giá: “Đây là công lao của Phủ Phụ chính thời Duy Tân năm thứ hai, còn nặng bất bình với thực dân trong việc phế truất vua Thành Thái” (sách đã dẫn, quyển 2, tập 1, trang 9). Quả đúng vậy, chính Toàn quyền Đông Dương Bonhoure qua một bản báo cáo tổng hợp về dân biến Trung Kỳ ngày 22-7-1908 gửi Bộ Thuộc địa Pháp đã phải thừa nhận có “sự bất bình trong giới thượng lưu An Nam đối với việc phế truất Thành Thái” (sách đã dẫn, quyển 2, tập 1, trang 62).

 

Diễn tiến vụ án phải nói là khá hiểm nghèo cho nhà yêu nước Phan Châu Trinh, bởi ý đồ áp đặt thâm hiểm từ phía Lévecque. Tại bản án đầu tiên của Phủ Phụ chính xử Phan Châu Trinh ngày 10-4-1908, mặc dù kết luận rằng Phan Châu Trinh và Phan Bội Châu là “đồng đảng”“phạm tội phản nghịch”, nhưng Phủ Phụ chính đã phân định rằng Phan Bội Châu hiện đang ở nước ngoài, còn Phan Châu Trinh chỉ mới ở trong nước, “vì vậy khi làm án phải phân biệt trường hợp của hai người có khác nhau, người đã thực hiện và người chưa thực hiện”. Cho rằng Phan Châu Trinh có “âm mưu phản nghịch nhưng chưa thực hiện”, Phủ Phụ chính đã không xử tử hình (chém ngay) Phan Châu Trinh (án tử hình theo luật lúc đó chỉ áp dụng trong trường hợp “phạm tội phản nghịch, nghĩa là phản lại nước mình để đi theo một nước khác” và việc phản nghịch đó đã thực hiện) mà xử nhẹ hơn ở mức án giảo giam hậu (thắt cổ cho chết, nhưng không thi hành án ngay mà giam lại), đày đi Lao Bảo và cấm cố chung thân, không được ân xá. Bản án “nhân đạo” này đã bị Khâm sứ Lévecque bác ngay trong phiên họp ngày 11-4-1908. Lévecque cho rằng Phủ Phụ chính đã nhầm lẫn trong việc áp dụng pháp luật. Theo Lévecque, Phủ Phụ chính đã vận dụng điều 224 về “mưu loạn vị hành” (mưu loạn nhưng chưa làm) để xử giảo án treo cho Phan Châu Trinh là không đúng, vì không thể nói Phan Châu Trinh mưu loạn mà chưa làm, chính Phan Châu Trinh đã tổ chức “sách động” dân chúng, đã hoạt động gây ảnh hưởng không chỉ ở Quảng Nam mà cả ở các tỉnh Trung Kỳ, đã đi từ Nam chí Bắc tổ chức những Hội kín, liên lạc thường xuyên với Phan Bội Châu...Điều thú vị là qua văn bản của Lévecque bác bản án của Phủ Phụ chính, Lévecque đã trích dẫn cho biết về các luận điểm của hai vị đại thần Phủ Phụ chính là Lê Trinh và Cao Xuân Dục (Thượng thư Bộ Học, người trước đó, lúc còn làm Hải phòng sứ tỉnh Hải Dương đã từng vác ghế đánh một tên Công sứ Pháp do có thái độ khinh miệt quan lại Nam triều) xử “bênh” cho Phan Châu Trinh: “Quan Thượng thư Bộ Lễ (tức Lê Trinh-chú thích của người viết) yêu cầu chú ý là cho đến nay những người biểu tình chưa hề sử dụng vũ khí...Quan lớn Cao Xuân Dục tuyên bố “điều 224 không nêu phải trảm quyết ngay” (sách đã dẫn, quyển 2, tập 1, trang 26). Vì muốn “trảm quyết” (chém ngay) Phan Châu Trinh, Lévecque cho rằng không thể áp dụng điều 224 về “mưu loạn vị hành” (mưu loạn nhưng chưa làm) để xử tội trạng Phan Châu Trinh được mà phải áp dụng điều 223 về “tội làm loạn” mới đúng. Từ đó, Lévecque nhắc Phủ Phụ chính “phải áp dụng đúng đắn văn bản pháp luật, không để cho những suy nghĩ khác chi phối”, phải “xem xét lại bản án này”. Nhưng với “lương tri và dũng khí của Phủ Phụ chính đã dám cưỡng lại lệnh Khâm sứ, đứng đầu là Cao Xuân Dục và Lê Trinh”, như đánh giá của bà Lê Thị Kinh, rút cuộc, bản án thứ hai của Phủ Phụ chính làm lại (sau khi đấu tranh với Lévecque) ngày 11-4-1908 và Lévecque đã phải duyệt vẫn chỉ xử Phan Châu Trinh với án trảm giam hậu (chém nhưng giam lại) và đày chung thân cấm cố ở Lao Bảo (sau đó, Lévecque và Toàn quyền Pháp đã đổi thành đày đi Côn Đảo).

 

Có một điểm đặc biệt đáng chú ý, công lao của Phủ Phụ chính (dĩ nhiên trong đó có phần quan trọng của Thượng thư Lê Trinh) giúp cho Phan Châu Trinh thoát chết đã được ghi nhận, khẳng định với nhiều cảm kích qua bản điều trần bằng Pháp văn có tựa đề “Những cuộc biểu tình năm 1908 của dân Trung Kỳ-Đơn xin ân xá” với chữ ký Phan Châu Trinh ngày 8-4-1912 tại Paris gửi Liên minh Nhân quyền Pháp để chuyển đến Bộ trưởng Thuộc địa Pháp, có đoạn: “Trong một thời gian ngắn nhiều bản án đã được chính quyền Pháp phê duyệt xử phạt các nhà nho bị bắt, trong đó có tôi, người thì án tử hình, người thì án lưu đày hoặc khổ sai chung thân. Tôi xin nói rõ ở đây, để làm rạng danh họ, rằng một số vị quan Triều đình Huế, mặc dù bị sức ép của Toà Khâm sứ, đã từ chối ký vào bản án tử hình của tôi vì họ chẳng tìm ra điều gì để buộc tội tôi, ngoài một điều là tôi đã không làm vừa lòng một số quan chức. Nhân đây, tôi xin tỏ lời khen về một chút liêm sỉ còn sót lại trong các bản án man trá chứa đựng biết bao điều tàn bạo” (sách đã dẫn, quyển 4, tập 1, trang 258-259).

 

Đem so sánh vụ xử án Phan Châu Trinh với vụ xử án chí sĩ Trần Quý Cáp liền sau đó, có thể nói rằng “rút kinh nghiệm” qua vụ xử Phan Châu Trinh không theo đúng ý đồ thâm độc của Lévecque, thực dân Pháp đã tiến hành “xử nóng” ngay Trần Quý Cáp. Sau khi Trần Quý Cáp bị Công sứ Nha Trang bắt giữ ngày 17-4-1908, Lévecque đã không cho giải ông về Huế để Phủ Phụ chính xử theo thông lệ nữa mà giữ lại Nha Trang rồi ép các quan tỉnh ở đó làm án trảm quyết ngay tại chỗ, giết Trần Quý Cáp ngày 17-5-1908 bên cầu Phước Thạnh, sông Con, Khánh Hoà. Hẳn Lévecque ngại rằng “xử theo thông lệ” như vụ Phan Châu Trinh dễ khiến cho Trần Quý Cáp lại gặp may thoát khỏi án chém?

 

Từ trường hợp Phụ chính đại thần, Hiệp biện đại học sĩ, Thượng thư Bộ Lễ Lê Trinh dẫu làm quan trong thế kẹt: vận nước ngàn cân treo sợi tóc, không ít vị quan chỉ là bù nhìn hoặc cam tâm làm tay sai cho thực dân Pháp, ông vẫn tìm cách lo nước, thương đời theo cách riêng của mình, trường hợp đó đã chứng tỏ phẩm chất và tiết tháo nhà nho đáng quý, đáng trân trọng của ông. Trong bài thơ tự hoạ về chân dung của mình, ông viết: “Đan tâm chiếu xuất nan” (Lòng son khó tỏ bày), khó là do thế kẹt của thời cuộc, nhưng dẫu sao, ông đã ít nhiều chống chọi được với thế kẹt đó, không xu thời, buông xuôi, để tỏ được “lòng son” của mình qua việc tôn phò vua yêu nước, xử bênh cho nhà duy tân cứu nước. “Lòng son” đó đã khiến cho vua Duy Tân và nhà duy tân nổi tiếng Phan Châu Trinh cảm kích (như trên đã chứng minh). Trường hợp Thượng thư Lê Trinh đã góp phần nói lên tấm lòng trung trinh của người Quảng Trị trước sóng gió lịch sử, nói lên cái “văn chất bân bân” (văn chất rờ rỡ) của người Quảng Trị mà vua Tự Đức đã từng ngợi khen.

Nguyễn Hoàn
Số lần đọc: 3395
Ngày đăng: 28.09.2008
[ Trở lại ] [ Tiếp ]
In tác phẩm Góp ý Gửi cho bạn
Cùng thể loại
Góp một cách nhìn về Lịch sử Nhật Bản - Hà văn Thùy
Thử phân biệt truyền thuyết và lịch sử - Võ Phúc Châu
Nhiệm vụ nghiên cứu sử - Khổng Ðức
Các ý kiến về chiếu cần vương giả mạo - Nhiều Tác Giả
Về cái được gọi là “chiếu cần vương – D’argenlieu – 03-7-1889” - Trần Xuân An
Bàn thêm về cội nguồn dân tộc Việt Nam - Hà văn Thùy
Bàn thêm về thông báo cho thiên hạ cần vương (cáo dụ cần vương), lệnh dụ thiên hạ cần vương & cụm từ “tờ chiếu cần vương của vua Hàm Nghi” - Trần Xuân An
Đức Bổn Sư đạo Tứ ân hiếu nghĩa cùng “Bá gia” quyết trấn giữ vùng biên cương, núi xa - Nguyễn Hữu Hiệp
Việt Nam và những vấn đề ở biển Đông - Giang Tâm
Đô thị ở Nam bộ thời cận đại - Nguyễn Thị Hậu
Cùng một tác giả