Ủng hộ VCV
Số tác phẩm
28.861 tác phẩm
2.760 tác giả
983
123.201.169
 
Ký sự những cây cầu hát
Vũ Trọng Quang

(Tặng Bítho, 2TNT, D,Mg,Kh; những kẻ đồng hành)

 

Nôn nóng công trình này từ lâu, lúc còn cắm mốc qui hoạch cùng bản vẽ hình ảnh phối cảnh ba chiều cây cầu tương lai ngay chân cây cầu cũ xây dựng từ thời Pháp thuộc, lúc hai cái chợ liền nhau lớn nhất nhì thành phố vẫn ngày đêm nhộn nhịp. Sáng tôi ghé, chiều tôi qua. Vợ tôi nói bộ “chiếc cầu là nơi hò hẹn của đôi ta” nên anh ra đó hoài chứ gì? Không phải vậy đâu em. Có tiếng chuông nhà thờ gần chân cầu bên kia sông cùng câu thơ anh làm chứng:

 

Tôi bắt đầu tôi dưới chân cầu

thở mùi tanh của cá

tắm dòng sông nước đen…(*)

 

Chiều cao của tuổi thơ tôi đã nhảy từ trên lan can cây cầu cũ kỹ ùm xuống dòng sông nước tóe khi xưa xanh trong, bị đòn roi tăng theo cấp số ở những lần bơi đùa tắm phá ấy. Hoài niệm những gì sẽ biến mất: Hai cái chợ một cây cầu. Bộ anh tính “Đêm trăng sáng trên cầu anh thổi sáo, đêm trăng sáng dưới cầu em giặt áo” tình tứ thơ mộng chăng? Không phải vậy đâu em. Chị Hằng đã bị ánh sáng cao áp lấn lướt ánh sáng trăng tròn rồi, sông đã thành kinh nước đen, lãng mạn giặt áo giặt iếc nỗi gì.

 

Có cái SEA Games hối thúc, hai cái chợ được san bằng di dời vào quá khứ sớm sau trên trăm năm đêm ngày nhộn nhịp. Cái cầu chờ đợi đã là sự thật. Đêm trước ngày cắt băng khánh thành, tôi xin anh bảo vệ lên giữa cầu, nhìn xuống dòng nước đen chậm chạp, thấm thía lời của triết gia cổ đại Heraclitus “Người ta không thể tắm hai lần trên cùng dòng sông”.

 

Cái cầu mới vẫn mang tên cũ: Cầu Ông Lãnh. Ông Lãnh ngày xưa là ai nhỉ? Theo gia đình rời bỏ vùng đất miền Trung “trời hành cơn lụt mỗi năm…”, vào nơi đây lúc còn tuổi nhỏ, tôi vẫn mù mờ về lý lịch ông Lãnh, chỉ biết rằng Ông đứng tại con kênh Bến Nghé này rất lâu. Cây cầu có chân cầu, đôi chân Ông Lãnh di động bước tới một chỗ từ bên này chồm sang bên kia bờ, bước từ quá khứ đến hiện tại, Ông mang áo veston đứng vươn vai sừng sững, tên Ông đâu chỉ mang danh cho cây cầu mà còn mở rộng thành từ riêng cho chợ Cầu Ông Lãnh và phường Cầu Ông Lãnh. Tôi theo chân Ông chạy thả diều thời thiếu nhi đến bước thả bộ tuổi trung niên trên cùng một cây cầu gần gũi. “Tôi cởi áo ngồi lại trên cầu, thức giấc mơ người xa lạ”(*). Cây cầu thay hình vóc mang tầm cỡ khác gắn quận 1 và quận 4, cây cầu Kênh Tẻ mới hình thành xích lại gần quận 4 qua quận 7 mở tới tân thành phố Nam SàiGòn hiện đại, một thành phố trong một thành phố.

 

Trên cùng một dòng chảy ra sông lớn Sài Gòn ấy, cách Ông Lãnh chừng 500m, hiện hữu chẳng đặng đừng cây cầu Móng, móng mà thiếu móng, buồn thiệt, hai chân cầu hai đầu đã bị chặt đứt, có nghĩa mối nối từ quận 1 sang quận 4 tồn tại cũng như không, còn lại thân hình một con giun chẳng biết làm gì, đã một thời làm nơi che chắn cho tệ nạn giựt dọc và chích choác an toàn trú ẩn, khách bộ hành không dám lại qua; còn lại một dĩ vãng biến dạng vô dụng sát nút bên hành lang Đông Tây - Hầm Thủ Thiêm làm vướng víu công trình đương đại. Giữa kiến trúc cổ xưa con giun không đầu không đuôi và cầu Ông Lãnh, sắp hình thành cầu Calmette mới, cấu trúc mới mẻ và dài rộng hơn cầu cũ sẽ giảm áp lực lưu thông của hai bờ bến Vân Đồn – Chương Dương, mới thấy cầu Móng mất chân dư thừa và lạc lõng đến dường nào; thà rằng không còn dùng được thì hủy bỏ đi như cầu Ba Cẳng phía sau chợ Kim Biên ở miệt Chợ Lớn ( không hiểu ngày xưa người SàiGòn gọi dân chơi cầu Ba Cẳng ha, có phải là nơi qui tụ của những tay anh chị giang hồ hảo hớn chăng?); hoặc tái tạo nâng cao như cầu Chữ Y trên dòng Kênh Đôi tạo thuận lợi cho vận tải lớn nhong nhong trên hành lang Đông Tây ngày mai; hoặc giữ lại cầu sắt chữ U  xe cộ ngược xuôi hai bến Trần Văn Kiểu quận 6 và bến Bình Đông quận 8, vậy mà hữu dụng, để chiếc xe máy sình sịch băng qua, để con ngựa sắt dừng lại bên vệ đường thuộc địa bàn quận lan man suy nghĩ về cầu Nhị Thiên Đường, vì sao có đến hai thiên đường, một thiên đường mơ còn không tới huống hồ là hai; lại suy nghĩ nhớ cầu Chà Và, có phải do người Chà Và Ấn Độ xây dựng chăng ?

 

Em ơi! Anh yêu những cây cầu vô cùng.

 

Có một bạn thân thiết hồi trung học ở nước ngoài về thăm quê, tôi đưa bạn chiêm ngưỡng những cây cầu. Bước chân từ cầu treo Golden Gate lớn nhất thế giới (nối từ eo biển California đến vịnh San Francisco) vượt qua Thái Bình Dương đến cầu dây văng Mỹ Thuận lớn nhất Đông Nam Á (ở thì hiện tại) trên dòng sông Tiền yên ả, một công trình kiến trúc mà lúc mới khởi đầu, lúc còn dang dở, mỗi khi có dịp đi du lịch hay công việc, tôi đều dừng lại ngắm nghía. Ngày cầu đã ra hình dáng hoàn chỉnh, tôi từ thành phố rủ bạn bè hai tỉnh hai bên bờ sông đến chân cầu trải áo mưa làm chiếu cụng bia lốp cốp. To đẹp quá. Nhưng bạn nói vẫn tiếc. Tiếc gì? Bến phà đo thời gian chờ đợi và di chuyển trên dưới một giờ bềnh bồng ký ức đã biến mất. Thôi đi ông bạn, giữ cây đa cũ bến đò xưa hoài sao được, không sợ cây cầu hoành tráng buồn à.

 

Sẽ còn nữa, sẽ có nữa. Cầu Rạch Miễu. Cầu dây văng dài hơn cả cầu Mỹ Thuận, nối hai bờ Tiền Giang – Bến Tre đang tấp nập hối hả những công đoạn cuối để đầu tháng 10-2008 thông xe kỹ thuật và đầu năm 2009 sẽ là 5 phút qua cầu qua rồi cái thời 30 phút qua phà (tự dưng nhớ câu của người Nam Bộ “qua hổng nói qua gần qua nên qua qua”), để miếng kẹo dừa dai dẳng Bến Tre sẽ gần hơn tay với. Nhớ hôm cùng bạn trên phà chầm chậm giữa dòng sông Tiền không nón bảo hiểm tóc bay gió lộng nhìn dáng cầu Rạch Miễu hùng vĩ tương lai phía trước dâng lên suy nghĩ liên tưởng giữa mình với cây cầu mang cùng một dáng vẻ đợi chờ; chợt nghe lời alô của nhà văn thân hữu ở Bến Tre “nhớ hén khi nào cầu xong xuống chơi hén”. Sẽ còn nữa, sẽ có nữa. Một cây cầu dài rộng bắc qua dòng sông Hậu, cầu dây văng lớn nhất Đông Nam Á (ở thì tương lai); sau vụ sập hai nhịp dẫn cầu Cần Thơ gây nên thảm họa đau thương nhất trong lịch sử xây dựng Việt Nam,dừng lại, dựng miếu thờ, rồi cũng sẽ mạnh dạn chuyển mình hoàn thiện, con đường sẽ là sợi chỉ giao thông xuyên suốt trên bản đồ chữ S một mạch thẳng tới tận cùng đất mũi Cà Mau. Ngày ấy không xa.

 

Lại thuê ghe vòng vòng sông nước. Ít thấy cầu khỉ vậy? Bê tông hóa gần hết. Nhớ câu ru “Ví dầu cầu ván đóng đinh. Cầu tre lắc lẻo gập ghình khó đi…”. Thôi đi ông bạn, bị quyến rũ tiếng kêu của một ông bác sĩ “hãy cứu lấy cầu khỉ” chứ gì. Thử tưởng tượng hình ảnh trọng lượng một dàn máy vi tính trí tuệ ì ạch qua lắc lẻo gập ghình khó đi…, lúc ấy chỉ có mây trên trời là dễ dàng nhẹ tênh bay.

 

Bạn ơi! Mình mê những thành tựu vô cùng.

 

Mùa thu rồi cùng dăm người bạn đến với Bình Định, nơi diễn ra Festival Tây Sơn 2008, sau những buổi tham dự lễ hội Quang Trung tại Tây Sơn, đêm thơ Hàn Mặc Tử - Xuân Diệu tại Đồi Thi Nhân (Ghềnh Ráng)…, tôi đề nghị đến cho bằng được cầu Thị Nại, một chiếc cầu vượt biển dài 2500m, dài nhất Đông Nam Á, khởi từ thành phố Quy Nhơn vươn qua đầm đến bán đảo Phương Mai, với cự ly ấy thời gian cho xe động cơ là 5 phút. Đứng giữa cầu ngược về lịch sử, khi xưa nhà vua kiêm nhà thơ Lê Thánh Tông đã viết “Tư Dung hải khẩu thừa phi phạm. Thi Nại thành trung túng bộ binh” (Cửa biển Tư Dung kỳ hạm vút. Thành sâu Thi Nại bộ binh tràn)(**); nơi mà vào năm Tân Tỵ (1471) nhà vua đã Nam chinh xua đại quân chiếm cửa Thị Nại bắt Trà Toàn (một trận đánh vĩ đại trong lịch sử Việt Nam); nhà vua có thấu thị nghĩ ra được hơn 6 thế kỷ sau có một chiếc cầu vượt đầm dài như thế; kể cả trước đó vào năm Đinh Tý (1377) Hồ Quý Ly tiến quân vào cửa Thị Nại theo lệnh của vua Trần Duệ Tông cũng không tưởng tượng được như thế. Qua đến bán đảo Phương Mai lẩm bẩm câu thơ của nhà thơ Xuân Diệu sinh quán ở Tùng Giản (Tuy Phước) “Nằm một đêm đò sáng tới nơi”, có phải để ám chỉ quảng hành trình từ quê hương nhà thơ băng qua đầm Thị Nại nên câu thơ di chuyển với thời gian dài đến vậy; bây giờ giây phút đo lường đã quá rút ngắn, gang tấc từ lòng bàn tay xòe ra và khối óc con người vận động tạo nên cự ly thuận tiện không chỉ mở ra tốc độ nhanh tăng trưởng Khu Kinh tế Nhơn Hội bên kia cây cầu vận hội vươn tới mà còn tạo cho Quy Nhơn-Bình Định biên độ đi lên.

 

Thẳng hướng, tôi về lại quê mình Quảng Nam- Đà Nẵng, háo hức chờ đợi trước hầm Hải Vân, cũng là một cây cầu dài trên cạn xuyên qua triệu ngàn năm đá dựng, ánh sáng như ban ngày trong hầm đường bộ hình như làm người ta quên bóng tối trong hầm đường sắt tồn tại hơn thế kỷ. Nhưng trước đó thuê xe thồ từ Quốc lộ I đến huyện Quế Sơn; thả bộ cùng các bước nhỏ học trò con em của những người thợ mỏ than gầy qua chiều dài cầu Nông Sơn trên sông Thu Bồn. Chỉ cố nhạc sĩ Trịnh Công Sơn mới “Có một dòng sông đã qua đời”, còn trường giang kiếp kiếp chảy dài từ vùng núi Ngọc Linh qua phố cổ Hội An ra Cửa Đại, nhiều con người đã qua đời nơi dòng mải miết. Tôi tin rằng những gia đình với nỗi đau mất 18 đứa con trong vụ lật đò nơi bến Cà Tang tang thương những năm trước, nhìn cây cầu mới xây, lòng sẽ nguôi ngoai, cũng như đã nguôi ngoai xin giảm án cho hai lão ông chèo đò có trách nhiệm cùng với cuồng lưu thượng nguồn con sông, gây nên thảm kịch; và chính nhiều thảm kịch nên sản sinh ý tưởng của một học trò 15 tuổi đất Kim Bằng (tỉnh Hà Nam), tên Lê Trọng Hiếu, làm ra sản phẩm cặp sách cứu sinh, chiếc cặp đựng sách kiêm chức năng chiếc phao (báo Tuổi Trẻ 8-9-2008).

 

Chú ý đứng hồi lâu ngắm dáng hình cầu Thuận Phước: Cầu nối trung tâm thành phố Đà Nẵng với bán đảo Sơn Trà khởi công vào tháng giêng 2003, thi công theo kết cấu dây văng có chiều dài gần 2 km ( cũng dài hơn cầu Mỹ Thuận), rộng 18 m có 4 làn xe, cầu nghệ thuật hiện đại, là cầu treo có khẩu độ lớn nhất nước. Chú tôi tuổi ngoài tám mươi, nói “khi nào cầu xong mi ra đây chơi”. Và địa danh Tourane ngày ấy bây giờ còn thêm nhiều cây cầu nữa, chỉ riêng trên sông Hàn một đoạn không xa mà có đến 5 cây cầu (có lẽ mật độ nhiều cầu nhất trên một con sông so với cả nước), này nhé, ngoài cầu  Thuận Phước, cầu quay Sông Hàn, cầu Tuyên Sơn, và hai cây cầu song song nhau có danh từ riêng bằng tiếng Pháp: cầu Dallas và cầu de Lattre de Tassigny (hai cây cầu này xuống cấp ghê gớm nên thành phố Đà Nẵng đã có kế hoạch xây mới thành cầu treo dây văng).

 

Chào Huế. “Dạ thưa xứ Huế…bây giờ. Vẫn còn Ngự bên bờ sông Hương” (hai câu thơ này của trung niên thi sĩ Bùi Giáng không điên chút nào). Cố đô không chỉ nổi tiếng lăng tẩm các vị vua nhà Nguyễn, mà còn “Cầu Tràng Tiền sáu vài mười hai nhịp. Anh qua không kịp tội lắm em ơi”, câu thơ và cây cầu nối nhịp cho nhau, nhắc cây cầu nhớ câu thơ và ngược lại. Bây giờ không còn “cô nữ sinh Đồng Khánh kia ơi” đạp xe qua cầu xinh đẹp, nhưng vẫn còn đẹp những đêm có trăng nhìn cây cầu thọ hơn 100 năm tuổi cong mình bắc qua sông Hương: đẹp lắm, và còn đẹp lắm hay lắm câu thơ đi qua cầu của nhà thơ Thu Bồn “Áo trắng hỡi tìm em không thấy. Nắng mênh mang mấy nhịp Tràng Tiền. Nón rất Huế nhưng đời không phải thế. Mặt trời lên từ phía nón em nghiêng”. Vẫy tay giọng nói “có chi mô nơ” dễ thương hỉ.

 

Tạm biệt Huế thơ đi về hướng Bắc, đến dòng Bến Hải, cây cầu Hiền Lương được xây dựng mới cách cây cầu cũ về phía hạ lưu không xa. Năm 2003 cầu Hiền Lương ngày ấy cùng cụm di tích cột cờ và đồn biên phòng được khôi phục lại chính tọa độ cũ, một hoài niệm về hơn 20 năm (1954-1975) phân ly nơi “Vĩ tuyến 17 ngày và đêm”, như một vết cắt đau đớn của lịch sử, chứng nhân của “hai mươi năm nội chiến từng ngày”(***)

 

Còn nhiều cây cầu nữa ở Miền Bắc, tôi có nghe tên mà chưa được dịp bước qua như: Thăng Long, Long Biên, Chương Dương (Hà Nội); Bãi Cháy (Quảng Ninh); Cầu Bính ( Hải Phòng)…, lúc trẻ tôi thường nghêu ngao “khi đất nước tôi thanh bình tôi sẽ đi thăm”(***), vậy mà bây giờ tôi chưa có điều kiện ghé thăm.

 

Đọc lại bài viết của mình. Ngẫm nghĩ. Phải chi cầu Nông Sơn, và nhiều cây cầu Nông Sơn được nối từ hai bến bờ của nhiều dòng chảy bất trắc, được hình thành trước, để khỏi phải chứng kiến những dòng nước mắt đầm đìa nối nhau.

 

Nhịp cầu nối những bờ vui”. Niềm vui phải hiện thực trước khi có lời kêu gọi, để những miếu thờ oan hồn không có thể…

 

Cây cầu cũng như văn chương sáng tạo, luôn luôn thay đổi hình dạng, luôn luôn mới mẻ và vươn tới. Dòng sông dòng chảy thời gian không ngưng nghỉ, cây cầu cũng không đứng lại, đứng lại có nghĩa là lùi lại.

Những cây cầu hát, có thể có bài hát buồn, có thể có bài hát vui, vui buồn gì cũng cần thiết lên tiếng hát.

 

Cả nước thống kê chính xác bao nhiêu cây cầu, thật tình tôi không tận tường, tôi chỉ mong trong những phiêu bồng giấc khuya, thèm mơ thấy những chân cầu tôi chưa biết, những chân cầu sắp hình thành đi vào đêm ngủ.

 

(*) Thơ VTQ

(**) Bản dịch của Ngô Linh Ngọc, do nhà thơ Nguyễn Thanh Mừng cung cấp.

(***) Nhạc Trịnh Công Sơn

 

Ảnh : tác giả cùng Học trò cấp 2  trên cầu Nông Sơn

Vũ Trọng Quang
Số lần đọc: 3871
Ngày đăng: 30.09.2008
[ Trở lại ] [ Tiếp ]
In tác phẩm Góp ý Gửi cho bạn
Cùng thể loại
Du nam - Xuân Sách
Nôn nao Quảng Trị - Nguyễn Đức Thiện
Ca dao, dân ca ở thị xã ngã ba sông - Phạm Thanh Phúc
Những niềm đau khuất lấp - Nguyễn Hoàn
Quê hương là cánh diều biếc... - Phạm Minh Hoàng
Lãng đãng Phước Yên - Ngô Thiên Thu
Đất Việt giữa trùng dương - Minh Tứ
Hành hương Đất Thánh (I) - Nguyễn Hữu An
Hành hương Đất Thánh (II) - Nguyễn Hữu An
Hành hương Đất Thánh (III) - Nguyễn Hữu An
Cùng một tác giả
Đi tới... (văn hóa)
Mở (thơ)
Sân ga (thơ)
Chữ (thơ)
Những Lài (thời trang)
Cà Mau (thơ)
Giá (thơ)
Đẹp ? (thơ)
Đạo (thơ)
Lông (thơ)
Women (thơ)
Con Báo (thơ)
Bịnh (thơ)
$ (thơ)
Màu (thơ)
Viết & Đọc (điểm sách)