Ủng hộ VCV
Số tác phẩm
28.861 tác phẩm
2.760 tác giả
1.200
123.205.233
 
Luỵ đời
Nguyễn Vĩnh Căn

1.

- Mầy nhìn lão Phan kìa! Hiền hoà lặng lẽ thế, ai ngờ, tầm ngầm mà đấm chết voi! Mầy có biết  lão vào chốn này vì tội gì không?

- Tội gì thế? Mà làm sao mầy biết được.

- Chứa chấp gái mãi dâm, và dính líu vào ma tuý.

- Chuyện nhỏ! Đời bây giờ không có việc gì lại không thể xẩy ra. Mà càng hiền, càng nai bao nhiêu càng lắm điều man trá chết người bấy nhiêu.

Lão Phan nghe hai người tù bàn tán về lão, nhưng lão vẫn làm ngơ như không nghe thấy. Đời lão sống đến “lục thập thuận nhĩ” rồi thì còn có điều gì trái khoáy phải quan tâm nữa cơ chứ! Mà quả vậy, đời lão đã trải qua biết bao oan trái, nhiễu nhương khiến giờ đây lão như câm như điếc trước cuộc đời.

 

Ngày lão vào đây không ai cón thể tin rằng: một người có nhân cách từ lời ăn tiếng nói, đối nhân xử thế điềm đạm, hoà nhã với một tấm lòng nhân hậu như thế, sao lại rơi vào chốn này được. Để rồi có tiếng thở dài với giọng triết lý cùn: “Đời mà, ai đâu biết hết chữ ngờ!?”. Đối với lão, vào đây cũng là chốn an tâm tĩnh tại để tâm hồn khỏi bị cuốn theo dòng đời xào xáo. Bởi vào chốn này là đáy cuộc đời rồi, còn chi phải suy nghĩ hơn thua nữa.

Mới đó mà đã gần 40 năm đi qua.

 

2.

Sau 54, nghe nói Thầy Sáu lưu lạc nhiều xứ đạo vùng quê miền Trung, trước khi về xứ đạo Thiện Hạnh này.

 

Đây là một xứ đạo nằm ven đô, tiếp giáp giữa miền quê và thành phố. Phần đa là giáo dân toàn tòng ở miền Bắc di cư vào sau 54. Mãi đến sau 75, mới xen lẫn người ngoại giáo, phần đa là cán bộ, công nhân viên nhà nước vào chung sống. Hầu như mọi người giáo dân đều biết về nhau khá rõ. Vì thế có người lạ mặt nào mới xuất hiện, chỉ một ngày sau là cả làng đều biết hết.

 

Ngày đầu tiên thầy xuất hiện trong nhà thờ với một cung cách như một ông thầy tu xuất. Mái tóc tỉa ngắn gọn gàng láng bóng Bizantin. Chiếc áo trắng Nifan ngã màu dài tay bỏ vào quần thùng thình bét gót với đôi San đan đã mòn tớt. Đã thế lại cầm một quyển sách xem lễ “Hiểu và dâng” thì ai không gọi là thấy Sáu chứ! Thế là hôm sau, các ấm nước mới kháo chuyện nhau: “Ông là thầy tu xuất đấy!”. Người khác lại bảo: “Ông làm thông phán cho Tây, bây giờ Tây về nước rồi ông lỡ thời lỡ vận, để trôi dạt về đây”. Cái tập quán ấm nước mới là thế, ngồi lâu khoai nát, chuyện gì cũng tán cũng bàn được, kể cả chuyện không biết cũng bàn. Thành ra chuyện về ông thầy Sáu cũng không biết hư thực đúng sai ra sao?

Thế là những ngày sau đó, ông đi đâu gặp người làng cũng cứ chào:

- Chào thầy Sáu, thầy đi mô rứa?

- Không có mô, bà con đừng chào rứa! Lạm dụng chức thánh, phải tội chết.

Đó là lần đầu tiên ông lên tiếng đính chính. Nhưng rồi mọi người cứ quen miệng gọi thế.

 

Ngày về đây, ông tậu lại một ngôi nhà tranh ba gian. Một thời gian sau ông giữ lại bộ khung sườn gỗ, rồi xây tường nhà lại, và thay luôn mái tôn. Ông thiết kế lại căn nhà thông thoáng giản dị nhưng trông khá trang nhã. Một phòng khách thoáng đãng với  ba phía trổ cửa chiếm gần hết tường nhà. Nhưng lạ nhất là căn phong kế phòng khách lại xây kín bít, chỉ trổ một cánh cửa vào, và luôn được khoá chặt. Chưa bao giờ người ta thấy ông mở cửa vào phòng những khi có khách. Đó cũng là điều khiến cho người dân Thiện Hạnh, cứ tò mò thắc mắc mãi mà không làm sao khám phá được.

 

Công việc của ông khá nhàn nhã với việc khám bệnh và bốc thuốc Bắc, nên khi nào ông cũng ăn mặc sạch sẽ tươm tất. Vài ba ngày hay một tuần ông lại ra các hiệu thuốc bắc mua về những bao thuốc lớn, về nhà ông chia ra từng loại thuốc cất vào các ô tủ. Những khi rãnh rỗi ông đạp xe ra đồng nội miền quê hay lên các ngọn đồi để tìm các loại cây thuốc Nam. Người ta nói thuốc của ông rẻ hơn ngoài hiệu thuốc Bắc vì ông biết tận dụng những vị thuốc Nam vào, nhưng chất lượng vẫn không giảm sút. Ông nghe rồi cũng mỉm cười nửa miệng. Thực ra ông làm cái nghề này không phải là để làm giàu - nếu để làm giàu thì ông đã giàu lên rồi, vì ông rất đông khách. Cảnh một con người độc thân sống đạo đức và điều độ trong cuộc sống; không rượu chè, cờ bạc, không đàn bà thì nỗi ăn tiêu hết mấy. Chủ đích của ông là giúp đỡ người dân nghèo, những người thiếu thốn, khó khăn hầu như ông biếu không họ. Có người mua thuốc đến hai ba năm sau mới trả tiền cho ông, ông cũng chẳng nhớ ai nợ nần nữa.

 

Ông còn có cái thú chơi cây cảnh và chim chóc. Những cây cảnh của ông được tạo dáng công phu ý nghĩa và đẹp mắt. Những chú chích choè lửa cất cao giọng lảnh lót bên những chú Khướu hót nồng nàn với giọng trung tạo nên một bản hoà tấu vui tai và rộn rã mỗi sáng mai.

 

Những khi rảnh rỗi, có bạn đến nhà chơi, ông có thể tiếp mấy ván cờ tướng tiêu khiển. Có một điều rất lạ: không ai đoán ra trình độ của ông tới đâu. Người thấp thì ông đánh cứ tàng tàng, khiến cho người ngoài xem cứ nghĩ là ông thấp cờ. Người trung trung ông cũng đánh cở sàn sàn. Nhưng lần nọ, có một danh thủ nổi tiếng cấp thành phố, có dịp tới ông cắt thuốc và nghe danh ông, nên mời ông đánh mấy ván chơi. Bữa đó có nhiều người trong xóm đến uống nước mới chứng kiến. Ban đầu ông từ chối, nhưng sau xóm nài nỉ quá ông mới đánh. Ván đầu ông thắng. Đến ván thứ hai ông thua trong thế thắng: hơn quân hơn thế mà để thua, ai cũng lấy làm lạ. Ván thứ tư hoà trong thế ông hơn quân. Nhưng đến ván thứ năm thì ông thua khá bất ngờ: cờ đang thắng thế, bỗng ông đi một nước lạ và để thua. Tỷ số ông thua nhưng người thắng lại thấy ông nhường.

 

3.

Đến hẹn lại lên, cứ sáng chủ nhật nào nhà khách cũng đông người đi thăm nuôi. Nhưng với lão, ngày đó chẳng có ý nghĩa gì cả. Bởi lão chẳng có vợ con, cha mẹ bà con họ hàng thân thích nào, thì lấy ai đi thăm lão đây? Bà con lối xóm họ đạo ư? Dính vào hai cái tội tệ nạn xã hội gớm giếc như vậy, còn ma nào mà dám tới thăm. Có mà điên?

 

Thường, ngày chủ nhật lão xem báo hay sách vở để tiêu khiển, hoặc đọc kinh lần hạt để tiêu bớt thời gian của một ngày vô nghĩa. Đang nằm xem báo, bỗng có tiếng gọi:

- Lão Phan, lão ra ngay, có cô gái nào tìm thăm lão đấy!

- Tao không ngờ lão già này lại đào hoa thế. Mà con bé trẻ đẹp nỏn nà ra phết.

- Mẹ cái lão này, thật không ngờ mèo mù vớ cá rán.

Lão cứ ung dung nằm đọc báo, vì nghĩ là trò lừa của bọn nó để kiếm trận cười chơi. Mãi một lúc sau tụi nó dựng lão dậy, rồi chưởi thề:

- Đm, đừng phí của trời cho nghe cha nội.

Ngay cả đến khi gặp mặt, lão vẫn không nhận ra là đã gặp người con gái này ở đâu?

- Trời ơi ! Ông không nhận ra cháu sao?

- Tôi không hề quen biết cô ? Hay có sự lầm lẫn tôi với ai ?

- Cái đêm ông cho cháu trú trong nhà ông đấy mà, ông không nhớ sao?

Bây giờ thì ông đã nhớ ra rồi. Ông à lên một tiếng. Rồi bỗng cô bé thút thít khóc:

- Không ngờ vì cháu, mà đời ông phải khốn khổ thế này.

Rồi gần như chủ nhật nào, con bé cũng tới thăm nuôi ông với ê hề thực ăn, trái cây, sách báo...Bạn ông cũng được chung chia, khiến đứa nào cũng  trầm trồ phục lão hết mình: “Không ngờ lão già này tốt số thật ! Con bé chỉ bằng tuổi con, mà lại thương yêu và cung phụng ông đầy đủ đến thế!”

Ông không ngờ, cái đêm đó là bước ngoặc làm thay đổi đời ông.

 

4.

Thầy Sáu sống hoà nhã với hết mọi người. Gặp các cụ cao niên thầy khiêm kính các cụ với lời dạ thưa. Với những người trung niên ngang tuổi, thầy luôn vồn vã tay bắt mặt mừng với nụ cười hoà nhã. Hầu như chưa bao giờ thấy thầy nóng giận với ai, kể cả khi có lắm kẻ khích bác đặt điều về thầy nhiều chuyện...thầy cũng chỉ cười nhạt mà thôi. Những khi rãnh rỗi thầy cũng tham gia ấm nước mới với xóm làng.

 

Nghe tiếng đồn tốt về thầy, cha xứ đích thân đến nhà mời thầy tham gia vào công việc dạy giáo lý. Thầy từ chối khéo, vì lấy lý do bận bốc thuốc. Cha xứ phải nài nỉ mãi thầy mới chịu nhận lời. Dạy một thời gian, cha xứ rất tâm đắc, vì thấy thầy hiểu biết về thánh kinh, lẽ đạo rất ràng rọt, cha bèn giao cho thầy dạy giáo lý hôn nhân. Nể cha xứ lắm, thầy phải nhận lời. Nhưng cha xứ cũng lấy làm ngạc nhiên vì thầy dạy giáo lý hôn nhân không khác chi một linh mục. Những khúc mắc về tính dục, những ngang trái tình duyên…đều được thầy giải quyết rất thấu tình đạt lý. Có lần cha xứ ngồi ăn cơm chung. Tò mò, cha xứ gợi chuyện về lai lịch của thầy, hòng biết được đôi điều quá khứ về thầy.

- Hồi trẻ thầy có đi tu không?

- Thưa cha con không có được cái diễm phúc ấy ạ!

- Thế tại sao thầy thông tỏ giáo lý và thánh kinh đến thế?

-Thưa cha con may mắn có người cậu đi tu, nên con có dịp tìm đọc và tham khảo được nhiều đấy thôi !

- Thế từng này tuổi rồi mà thầy chưa lập gia đình?

- Lúc trước con có yêu một người con gái. Hai đứa yêu nhau lắm! Nhưng rồi một sự cố, là gia đình đôi bên phân cách: bên địa chủ bên tá điền để chúng con không lấy được nhau. Từ đó cô ở vậy không lập gia đình, bảo sao con lập gia đình khi cô ấy vẫn chung thuỷ với mình.

- Nghe như sống lại thời kỳ lãng mạn của tự lực văn đoàn quá! Cha xứ cảm nhận.

 

Có một điều làm cha xứ không được hài lòng về thầy: thầy từ chối vào ban chấp hành giáo xứ, mặc dầu thầy được rất nhiều người tín nhiệm.

 

5.

Trung tâm cải tạo III nằm lọt giữa một thung lũng khá bằng phẳng, được bao bọc chung quanh là đồi núi với rừng cây rậm rực một màu xanh thẩm, càng làm cho thung lũng này tối sẩm lại, vì thiếu ánh sáng mặt trời buổi mai và cả buổi chiều. Cách không xa, một con đường thông ra giữa hai vách núi là một xứ đạo. Mỗi sáng chiều tiếng chuông vọng lại làm cho cái thung lũng bớt đi cái lạnh lẽo và âm u. Tiếng chuông cũng giúp lão biết thời khắc dậy sớm mà đọc kinh lần hạt. “Vào chốn thâm sâu này, còn cầu nguyện cái nỗi gì nữa! Trời đất đâu mà nghe cho thấu”. Bọn tù diễu cợt lão thế!

 

Thể theo nguyện vọng của những người con dân tù tội: Mỗi chủ nhật đầu tháng họ xin được một ông cha vào làm lễ, hoặc giúp họ giải tội, chịu lễ…Ban đầu lãnh đạo trại không cho, nhưng họ cứ kiên trì xin mãi, trại cũng đáp ứng cho một linh mục làm lễ ở hội trường. Lão Phan quen biết việc đạo nên được cử để giúp lễ, và sửa soạn hoa nến bàn thờ…

Vừa tan lễ, đã có tiếng người kêu:

- Ông Phan ơi! Cháu đây này!

Lần này, hai ông cháu tìm ra chỗ vắng vẻ để trò chuyện tâm tình. Cô gái bóc cam cho ông ăn rồi hỏi thăm rối rít:

- Dạo này ông có khoẻ không? Ông có ăn được ngủ được không?

Con bé cứ tíu tít một lúc, rồi bỗng mặt nó trầm xuống không nói năng chi cả, khiến ông cũng ngạc nhiên:

- Ông làm điều gì khiến cháu phật ý phải không?

Con bé chậm rãi:

- Cháu suy nghĩ kỹ rồi. Cháu không thể để ông chịu oan mãi trong tù này được. Cháu đã viết lá đơn xin tự thú đây, và cháu sẽ nạp lên ban để giải oan cho ông. Bởi đời cháu bây giờ cũng tàn tệ, chẳng có gì để mất nữa rồi.

 

Nói rồi nó đưa cho ông xem. Ông Phan cầm tờ đơn. Ông không đọc, mà vội xé ngay, trước sự ngỡ ngàng của con bé:

- Trời ơi! Sao ông lại làm thế?

- Đời ông có còn nhiều nhặn gì năm nữa đâu. Mà ông vào đây có khi còn ăn ngon ngủ kỹ hơn ở nhà nữa. Cháu thấy đấy! Ông hồng hào và khoẻ hơn hồi ở nhà nhiều.

- Nhưng ông làm thế, cháu phải ân hận suốt đời, và phải tội chết.

- Đời cháu còn dài, còn lắm điều mơ ước, và tương lai tươi đẹp đang ở phía trước. Cháu đừng sống bi quan như thế! Sống phải có ước mơ và sức sống vượt khó vươn lên. Ông chỉ mong muốn một điều duy nhất: dù khó khắn đến mấy, cháu cũng hãy từ bỏ con đường nhuốc nhơ đó đi, để sống hoàn lương như mọi người. Và như thế là ông mãn nguyện về cháu lắm rồi!

 

Con bé ôm chầm lấy ông rồi oà khóc nức nở tưởng không vơi cạn. Những dòng nước mắt như những giọt mật ngọt tan chảy trong tâm hồn ông, một tâm hồn đã trải qua biết bao dâu bể đắng cay trong cõi đời này, mới thấy cái vị mặn của những giọt nước mắt thống hối đó, quý giá biết ngần nào.

 

6.

Đó là lần đầu tiên Thầy Sáu bị tai tiếng khi về ở xứ đạo này. Mọi người đồn thổi thầy có tư tình với mẹ con nhà mụ Huyền. Tiếng nói là mụ, chứ goá chồng nuôi con khi còn trẻ, nên bây giờ cũng nước non của gái một con trông mòn con mắt lắm! Mà cũng phải thôi, mẹ thì hơ hớ ra thế, mà con lại xuân sắc đương độ hoa nở thì thánh cũng khó tránh nổi chứ nói chi đến người phàm.

 

Chuyện là bà Huyền bị bệnh thập tử nhất sinh, mà nhà muôn vàn khó khăn. Hai mẹ con xoay xở tay vo miếng lốm là đã hết hơi rồi, còn đâu dư giã bạc triệu để mổ tim. Nghe chuyện, Thầy ngõ ý sẽ gom góp ít nhiều giúp đỡ. Thế là thầy kêu xe chở bà Huyền ra bệnh viện Tỉnh mổ cấp cứu kẻo trể mất. Sau khi mổ xong, thầy chạy đi chạy lại thuốc thang giúp đỡ mẹ goá con côi. Và khi hồi phục mẹ con nhà Huyền hay đi lại: cân giò, nải chuối, đĩa lòng…để tỏ lòng biết ơn thầy. Nghe đâu hai mẹ đến khóc lạy tạ ơn cứu tử, và chính mụ Huyền đem ra lời đề nghị: “Nay gia đình tôi mẹ goá con côi, tài sản tiền bạc không có chi để tạ ơn thầy cả, nay có con Tâm đây, nếu thầy không chê, cho phép cháu xin đến hầu thầy thì mẹ con tôi mới phần nào đền đáp được ơn thầy”. Thầy cười: “Té ra tôi giúp mẹ con chị để được đền đáp hậu bội như thế thì con gì nghĩa tình làng xóm nữa. Chị làm thế tôi phải tội chết”.

 

Người làng tin cũng phải thôi, vì sau đó thầy Sáu bị cho thôi việc dạy giáo lý. Quả thật, đây là một sự trùng hợp mà thầy không sao bày giải được. Chính thầy cũng muốn xin nghỉ kẻo tai tiếng thế mà dạy thì không tiện chút nào. Nhưng kịp khi cha xứ gọi thầy vào bảo: “ Chẳng phải vì chuyện tai tiếng giữa thầy với mẹ con Mụ Huyền đâu, nhưng là chuyện từ ngoài quê vào như thế…như thế…mong thầy thông cảm cho. Thầy Sáu đau lắm, thầy không sợ cái tai tiếng với mẹ con Huyền mà bị cho nghỉ, nhưng đời thấy đi đâu cũng không chạy trốn được cái dĩ vãng đau buồn, mà thầy tưởng về xứ đạo này là yên phận lắm rồi.

 

7.

Gần hai năm không thấy con bé tới thăm, khiến lão cứ nghĩ khôn nghĩ dại cho nó, không biết nó bị tai ương hoạn nạn hay sao mà không thấy lên thăm.

Rồi bỗng một Chủ nhật nọ.

Con bé tay bồng tay bế cùng chồng lên thăm lão Phan, khiến lão cảm động ứa nước mắt. Lão mừng vì đời lão hy sinh cũng không uổng công. Con bé kể hết chuyện cho chồng nghe, khiến cho chồng cũng rất kính phục lão và xem lão như ông ngoại của cháu Bi.

 

Đôi khi lão nghĩ lại, nếu không có cái đêm ấy, làm gì lão có cái ngày hạnh phúc này. Bây giờ đang không, lão có con, có cháu để gọi tên thì còn điều gì vui sướng bằng nữa. Đến giờ lão vẫn nhớ cái đêm ấy rất rõ.

 

8.

Đêm đó, một đêm hè. Trời nóng oi bức, khiến cho thầy Sáu ngồi ngoài hiên với cái quạt tay mãi đến gần sáng, thầy mới vào nhà ngủ. Vừa mới thiếp ngủ, lão nghe tiếng gọi dồn dập:

- Bác ơi bác! Cho cháu vào với bác ơi!

Khi lão mở cửa ra thì thấy một người con gái mắt xanh má hồng, môi đỏ chéch, tóc uốn xoắn tít. Dáng điệu lẳng lơ. Quần áo ăn mặc se sua, hớt trên hở dưới. Lão định đóng của quay vào thì cô gái khóc nài nỉ:

- Bác cho cháu vào trốn với, nếu không công an sẽ truy lùng bắt cháu mất. Xin bác thương cho hoàn cảnh mẹ cháu đang đau liệt giường, nếu cháu bị bắt thì lấy ai thuốc thang cho mẹ cháu đây. Trăm lạy bác! Xin bác thương cháu.

 

Động lòng thương, thầy Sáu bảo:

- Thôi cháu vào đây nhanh lên kẻo bị phát hiện.

Cô gái còn mách nước:

- Nếu công an có vào hỏi, thì nhờ bác bảo cháu là cháu của bác ở dưới quê lên chơi. Cháu tên là Bùi Thị Thanh Xuân, 21 tuổi. Quê ở Vĩnh Long...

Quả nhiên một lúc sau, hai công an Phường đến gõ cửa. Thầy Sáu mở cửa ra. Viên công an hỏi:

- Bác có thấy cô gái làng chơi nào vào đây không? Làm ơn nhờ bác cho chúng tôi kiểm tra hộ khẩu.

Thầy Sáu khá bối rối, vì thầy chưa bao giờ làm chuyện dối trá như thế cả, nhưng lỡ hứa giúp cô gái rồi nên thầy cũng phải liều:

- Không có ai vào đây đâu các anh công an ạ! Chỉ có con cháu của tôi mới ở miết dưới lên thăm tôi mấy ngày nay.

Nhưng rồi khi công an bảo khám xét nhà, bắt thầy phải mở cửa phòng - cửa mà mấy chục năm trời thầy không hề mở cho ai vào, thì thầy táo hoả tam tinh lên. Nhưng bây giờ vào hoàn cảnh này, thầy không còn thoái thác được rồi.

 

Cửa phòng mở ra. Đó là một căn phòng thoáng rộng. Trên tường treo một số hình tượng đạo Chúa Mẹ. Một cây thập giá treo cao trên tường, phía dưới là một cái bàn trải tấm ra trăng tinh. Trên bàn bài trí hoa nến, một chén lễ và một chiếc đĩa mạ vàng bóng loáng với mấy chai nhỏ đựng nước và rượu. Viên công an thấy thế hỏi:

- Ông có phải là linh mục không?

Lão bối rối trả lời:

- Không.

- Thế thì tại sao ông có những thứ này, như các linh mục vậy.

- Tôi thích sưu tầm, nên có vậy thôi.

Hai viên công an khả nghi:

- Xin ông cho xem sổ hộ khẩu. Và cô gái đó bà con với ông như thế nào?

Cùng lúc đó, viên công an phát hiện cô gái ấy đã lợi dụng thời cơ, khi công an vào phòng thầy khám xét, đã biến mất. Cuối cùng, họ tìm được cái xách tay của cô gái, trong đó có mấy tép Heroin.

- Cảm phiền ông, chúng tôi phải lập biên bản, và mới ông về đồn công an để làm sáng tỏ nhiều điều.

Sự việc xảy ra quá nhanh, đến nỗi thầy Sáu không ngờ mình đã làm phúc xúc phải tội, mà bị bắt đi tù tội như thế.

 

Sau sự việc đó. Dân làng mới sáng mắt ra: Không ngờ thầy Sáu nhìn hiền thế mà cũng ghê thật. Nhưng mọi người không hiểu: tại sao lão ta lại có chén thánh, đồ dâng lễ, tủ áo lễ…Bây giờ mọi người mới được giải mã: vì sao lão không bao giờ mở cánh cửa đó. Nhưng tại sao thầy Sáu lại lén lút dâng lễ, vẫn là một ẩn số với người dân làng?

 

Sự việc xẩy ra tồi tệ như thế khiến dân làng bỗng chốc quên thầy rất mau, tưởng như thầy chưa bao giờ đến đây. Nhà của thầy Sáu bị nhà nước niêm phong lại.

 

9.

Có một điều rất lạ, là trong nhiều đêm về sáng, những người bạn tù chợt thức giấc nghe tiếng lão đọc kinh nguyện lâm râm. Dần dần sự đạo đức và lòng thương người của lão được lan toả ra như hương thơm nhân ái đến mọi người. Về sau không ai còn cười cợt chọc quê lão nữa. Bây giờ ai cũng nể phục và coi ông như một thầy tu. Cha xứ vào dâng lễ trại tù, cũng rất nể vì thầy Phan, và cũng chính nhờ thầy Phan là cầu nối giữa cha xứ và đám tù nhân ngày một thân thiện hơn, để cha con chia sẽ tâm tư tình cảm vui buồn với nhau..

 

Một chủ nhật nọ. Sau thánh lễ, cha ở lại chia sẽ tâm tình với các anh en trong trại tù:

- Các anh em tưởng tôi làm cha sướng lắm hả? Tôi đi tu để trả nợ đời đấy!

- Nhà cha nợ ai, sao lại đi tu để trả nợ hả cha? Có người lên tiếng hỏi.

- Muốn biết rõ các bạn hãy nghe câu chuyện dưới đây sẽ hiểu những uẩn khúc cuộc đời của tôi và mẹ tôi.

 

10.

Một buổi chiều thu năm 43. Cái ngày mà mẹ tôi không bao giờ quên được mỗi khi hồi tưởng lại.

Chiều bữa đó. Trước đình làng. Một cô gái chửa hoang cúi gầm mặt xuống trước mặt hội làng, gồm các hương làng và bà con lối xóm tới xem tấp nập.

- Con Hương kia, mi ăn nằm với ai mà để to bụng làm nhuốc nhơ cha mẹ và làng xóm như thế hả?

Cô gái mặc một chiếc áo sòng đen, tóc xoả dài xuống, che hết khuôn mặt trái xoan trắng nỏn nà. Cô vẫn cúi gầm xuống lặng thinh không trả lời.

- Mi câm hay sao mà không trả lời hả con tê? Răng khi hú hí với thằng mô đó, mi lại không câm đi, để bây giờ mang cái của nợ chình ình ra ri hả!

Cô gái vẫn một mực không khai báo.

- Tao hỏi mi một lần nữa: Mi ăn nằm với thằng mô, khai báo ra cho nhẹ tội, nếu không, mi sẽ bị gọt tóc bôi vôi, phạt đánh 20 gậy, rồi tống cổ đi khỏi làng, mà thầy mẹ mi còn phải đóng 10 quan tiền cho hội làng nữa đấy!

Cô gái vẫn im lặng cam chịu, mặc cho dân làng lên tiếng:

- Nói đi con Hương! Thằng mô ăn nằm với mi to bụng thì khai ra cho nó chịu tội, chứ thương yêu chi cái thứ sở khanh đểu cáng đó mà bao che cho nó nữa.

 

Thú thật là cả bọn trai làng cũng đều không biết nó tư tình với ai để vạch mặt.

Thầy mẹ của nó ở nhà cũng đã hăm đe nó nhiều lần, nhưng nó cũng gan lì không nói. Bây giờ thầy mẹ nó bị bôi tro trát trấu nên đâu dám đâm mặt ra hội làng cho nhục nhã. Thế là một mình con Hương bị sỉ vả, bị lăng mạ cực nhục đến tận cùng, nhưng nó vẫn một lòng cam chịu.

 

Cuối cùng, hội làng đã cử hai người ra, đè đầu húi tóc nó. Những đường Tông đơ gọt trắng như máy ủi cán trọc cây rừng. Khi gọt đến đường tóc cuối cùng và sắp lấy vôi bôi trắng đầu, thì bỗng đâu có một người trung niên, da thịt trắng trẻo, áo quần gọn gàng tươm tất, chạy đến trước hội làng nhận tội, khiến cả hội làng ngạc nhiên.

- Thưa quý hội làng. Tui và o Hương yêu nhau tư tình đi lại đã lâu, nhưng tôi bận việc lên Hà Nội, nên chưa về kịp để cưới xin o Hương, mong quý hội làng tha cho o Hương mà án phạt qua tui.

Cả hội làng ồn lên. Ai cũng ngạc nhiên là không biết anh chàng nào tướng tá đàng hoàng đứng đắn thế, mà lại đứng ra nhận là ngưòi yêu của o Hương, quả là chuyện lạ! Còn o Hương, mãi một lúc sau ngước lên, ngỡ ngàng như người ở trên mặt trăng rơi xuống. O không thể ngờ có quý nhân nào tốt bụng lại đứng ra nhận tội cho người yêu của o đây.

 

Câu chuyện được giải quyết một cách ổn thoả chóng vánh đến không ai có thể ngờ phút cuối, bi kịch lại được lật ngược tình thế như vậy. Ai cũng nghĩ chắc hẳn là con Hương này phải bị đánh đòn rồi đuổi đi khỏi làng!

Người trung niên đó nộp phạt 10 quan tiền, rồi dẫn o Hương ra về. Nhưng rồi ra khỏi đó o Hương hỏi:

- Ông là ai mà cả gan liều dám nhận ẩu như thế?

- Thấy thân phận o bị cực nhục dã man như thế, tôi đứng ngoài chứng kiến đã lâu, không chịu nổi, nên mới liều vào nhận cho o khỏi bị đánh, thế thôi. Bây giờ sự việc đã ổn rồi, tôi có việc phải đi ngay, o đừng bận tâm đến tui làm chi.

 

O Hương quỳ xuống trước mặt người trung niên vái lạy. Rồi xúc động oà lên khóc:

- Trời ơi! Ơn cứu nạn này, con sẽ ghi lòng tạc dạ. Ông ơi! Biết bao giờ cho con trả được ơn này cho ông đây!?

Người trung niên đỡ cô gái đứng dậy:

- Ơn với nghĩa chi, o không phải cám ơn tui mô, mà hãy cám ơn Chúa đã làm những điều kỳ diệu cho o qua tui đấy. Thôi tui đi nha o!

Nói rồi, người trung niên ấy đi xa mãi...

 

11.

Cô gái sinh con vuông tròn. Sau này cô gái ấy cứ muốn tìm gặp người mà cô hàm ơn để trả ơn thì không bao giờ gặp nữa.

 

Về sau, cô nghe người ta kể lại: Người mà cô hàm ơn là một linh mục -  thường hay đi mục vụ giáo xứ Thọ Ninh, nhân đi qua làng Thọ Tường, thấy sự việc thương tâm, không đành lòng, ông ấy đã ra tay cứu cô gái. Chính vị linh mục đó, đã bị Toà Giám treo chén, và phải cấm cố sống ở nhà dài. Đó là một hình thức kỷ luật nặng nhất của giáo hội Công giáo thời đó.

 

Nghe thế, cô gái đã đến thanh minh cho người linh mục đã cứu mình với Toà Giám, nhưng Toà giám trả lời: “Một linh mục không thể bi luỵ cuộc đời, để làm chuyện tai tiếng như thế, làm ảnh hưởng đến phẩm chức linh mục và cả giáo hội nữa. Đó không phải là sứ mệnh của ông ấy”.

 

Cha xứ thêm vào: “Ngày ấy, giáo hội còn đang nghiêm nhặt lắm, chứ không phải thông thoáng như bây giờ”.

Một người tù hỏi:

- Vì sao cô ấy lại không khai ra tên đàn ông sở khanh đó hả cha?

Về sau tôi hỏi mẹ, thì mẹ tôi kể:

 

12.

Ngày đó, có o Hương (Khôi) ở xóm dưới làng Thọ Tường, đẹp nổi tiếng, ai ở hai giải sông La cũng đều biết. Có lẽ sắc nước hương trời của cô đã theo dòng sông La lan toả đến các trai làng khác. Thế là nhiều chàng trai hàng ngày qua lại bến Thọ Tường chỉ để ngẩn ngơ ngắm nhìn o, hay thả một đôi câu hò ví dặm chọc ghẹo o là cảm thấy thoả lòng lắm rồi. Nhiều nhà giàu sang, đánh tiếng dạm hỏi, o cũng rỡ ràng chưa biết mối nào để chọn lựa đây.

 

Rồi một đêm trăng nọ. Khi o giặt áo ở trộc bến về nhà, thì có một chàng trai chạy hối hả đến bến:

- Làm ơn nhờ o chèo đò xuôi dòng gấp, kẻo bọn Tây ruồng bắt tui mất. Sau này gặp lại tui sẽ xin hậu tạ o.

Thấy tình cảnh cấp bách như thế, o chẳng đặng đừng từ chối. Thế là o thả đò xuôi dòng vừa chèo vừa hò ví dặm:

Đò ai xuôi bến sông La

Chảy qua trộc bến cho ta chút tình

Đem về ấp ủ bóng hình

Người đi xa vắng thấu tình ta chăng?

- Chà, o ni đẹp người lại hát hay thật hè!

Qua bóng trăng, o nhận ra, chàng là một cán bộ Việt Minh hoạt động cách mạng. Khuôn mặt khá rắn rỏi và dày dạn nắng mưa sương gió. Tuy đôi mắt có chút lạnh lùng, thì môi cười lại nở ra sự nhã nhặn hiền hoà. Đò đi được một đỗi xa, khiến anh chàng khá yên tâm, để lên tiếng hỏi:

- O ở làng Thọ Tường răng tui không biết o hè!

- Thì anh có khi mô qua lại trộc bến ni mô mà biết người ta.

- Ừ nhỉ! Kể ra tui rời quê cũng đã khá lâu rồi, nên không biết là phải. Nhưng tui vẫn nghe tụi bạn kháo với nhau: ở trộc bến Thọ Tường có o Hường Khôi đẹp nụ nằn, ăn nói duyên dáng lắm! Có phải là o đây không?

- Nỏ phải mô

Nhưng chàng trai thấy cái tinh quái nơi đuôi mắt của o, thì cũng đoán biết là chính o rồi! Anh nịnh khéo o:

- Đẹp như o, thì tui nghĩ không ai có thể sánh bằng o nữa rồi!

- Xí, chỉ được cái ởm ờ khéo nịnh người ta thôi, chứ đây xấu như con ma lem ấy mà!

Thế là cả một giải sông dài bỗng thu ngắn lại để cho đôi lòng tiếc nuối chia tay.

- Tui cảm ơn o lắm! Nếu không có o, chắc tui bị bắt rồi. Khi nào lấy chồng o báo cho tui một tiếng để tui có dịp đáp đền.

- Lêu lêu, người ta không lấy chồng thì lấy chi đáp đền đây.

Thấy o vui vẻ tinh nghịch như thế, chàng trai táo tợn:

- Thế thì dừ tui đáp đền cho o đây!

Nói xong. Anh chàng tiến lại. Vòng tay ôm lấy o rồi hôn tới tập khiến o hết sức bỡ ngỡ. Đến khi anh chàng nhảy xuống bơi vào bờ về phía Thượng Đoan, Kẻ Tùng mà o vẫn còn ngơ ngác đứng như trời trồng. Một nụ hôn với các o gái miền quê thời đó được xem là khủng khiếp lắm! O Hưong bẻn lẻn quay đò chèo ngược về Thọ Tường mà trong lòng rộn rã những cảm xúc vừa vui sướng vừa e thẹn, tưởng như đang làm việc gì vụn trộm bị ai bắt gặp. Nhưng rồi nụ hôn đó tan chảy vào máu, khiến o cứ bừng bừng lên một cảm xúc phấn kích lạ thường. Mãi đến những ngày sau, nụ hôn vẫn còn đọng lại trong tim tràn ngập niềm vui sướng.

 

Thế là anh chàng Việt Minh về hoạt động vùng đó, nên anh ả lại có dịp lén gặp nhau trên trộc bến. Những khi đêm xuống trải thảm đen nhấp nhô những ánh sao lung linh trên dòng sông La, thì chuyện tình của anh ả cũng được thả trôi nổi mơ màng trên dòng chảy êm đềm ấy. Sông nước luôn sinh tình và cộng hưởng nhau để tạo nên một cuộc tình đẹp và không thiếu sự lãng mạn đầy thi vị...Và kết quả tất yếu phải đến là chẳng đặng đừng được.

 

Rồi bỗng một đêm nọ. Khi o cho người yêu hay là mình đã mang thai, thì anh ấy mừng lắm! Anh ấy hứa xong chiến dịch Điện Biên sẽ về cưới o. Vậy mà anh ấy ra đi mãi không về.

- Thế thì làm sao bảo sao mẹ dám khai anh ấy ra trước hội làng được chứ! Chẳng những mẹ bị kết tội cấu kết với giặc mà cả gia đình còn bị liên luỵ đến nữa.

 

13.

Cha xứ kể tiếp chuyện:

Về sau nghe kể: Linh mục đó bị nhà nước bắt giam vì tội hoạt động trong liên đoàn Công giáo.

Năm ấy, nhà giam bị Pháp oanh kích, linh mục đã nhân cơ hội thoát thân vào Nam sinh sống như một giáo dân. Nhưng mẹ tôi cứ mãi dằn vặt: “Chỉ vì chuyện của mình mà để cuộc đời cha phải trầm luân cay đắng như thế”. Rồi mẹ tôi cũng theo gia đình vào Nam và xin theo đạo Công giáo. Mẹ tôi vẫn thường nhắc nhở tôi: “Con phải luôn khắc ghi, là mẹ con mình đang mắc nợ một người. Và muốn trả được món nợ đó, con hãy đi tu để làm một linh mục thay cho người đã bị tước quyền linh mục vì chúng ta”.

 

Câu chuyện kể xong đã lâu, mà mọi người vẫn mải ngâm ngợi về số phận của một con người.

Nhưng một trong số những người tù đó, đã nở nụ cười thoả mãn với lòng mình, khi nghĩ rằng:  Cho vay nợ đời mà được trả cả vốn lẫn lời bội hậu như thế, tưởng cũng nên cho đời vay nợ vậy.

 

Châu Sơn ngày 03/06/2008

 

Nguyễn Vĩnh Căn
Số lần đọc: 2616
Ngày đăng: 04.10.2008
[ Trở lại ] [ Tiếp ]
In tác phẩm Góp ý Gửi cho bạn
Cùng thể loại
Khoảng trống - Minh Nguyễn
Cái quẹt tim gòn - Nguyễn Hiệp
Điều khó hiểu - Đậu Nữ Vệ
Niềm an ủi cuối cùng - Y Uyên
Chiếc đĩa thời Khang Hy - Nguyễn Minh Phúc
Chuyện tình của thằng Gù và cô giáo Minh - Phạm Ngọc Hiền
Núi hiện - Nguyễn Hiệp
Với đứa Cháu Ngoại - Mang Viên Long
Người đàn bà trong bệnh viện - Nguyễn Minh Phúc
Người đánh trống - Trần Kỳ Trung
Cùng một tác giả
Khát vọng sống (truyện ngắn)
Chạm đến tâm linh (truyện ngắn)
Chuyện của Dần (truyện ngắn)
Đôi mắt ấy… (truyện ngắn)
Luỵ đời (truyện ngắn)
Gã ngố ! (truyện ngắn)
Một mảnh đời… (truyện ngắn)
Đời gia sư (truyện ngắn)
Đồ đểu! (truyện ngắn)
Trò đùa số phận (truyện ngắn)
Ngỡ như giấc mơ (truyện ngắn)
Cuộc đời mẹ Monica (truyện ngắn)
Sau mười năm... (truyện ngắn)
Mẹ tôi (truyện ngắn)
Mê cảm (truyện ngắn)
Một số phận (truyện ngắn)