Ủng hộ VCV
Số tác phẩm
28.861 tác phẩm
2.760 tác giả
1.122
123.228.475
 
Yến Lan với bến My Lăng
Khổng Ðức

Một tác phẩm văn chương cũng như công trình nghệ thuật dù lớn dù nhỏ, khi nó ra đời vẫn là một sự bộc phát. Nhưng sau khi thẩm định là có giá trị, bấy giờ người ta mới phanh phui tìm hiểu, phân tích đủ thứ. Thường là một sự thành hình nào từ con người cho đến sản phẩm tinh thần hay vật chất cũng do nhiều yếu tố tạo nên. Riêng tác phẩm văn học dưới con mắt các nhà phê bình có nhiều quan điểm khác nhau, từ trường phái cổ điển phán đoán, đến ấn tượng, thưởng lãm, phê bình theo tinh thần khoa học, thực nghiệm, theo xã hội học, gần đây nhất là tâm lý hình thái, chủ nghĩa hiện sinh…

 

Trong bài viết về Bến My Lăng của nhà thơ Yến Lan, tác giả là bạn thân của nhà thơ đứng trên quan điểm tâm lý vô thức hay cũng gọi là “tâm lý miền sâu” (psychologies des profondeurs), môn học tương đối mới mẻ, để tìm hiểu bài Bến My Lăng. Đã hay trong sự sáng tạo không phải chỉ có yếu tố tâm lý mà còn bao gồm nhiều yếu tố khác nữa, tuy nhiên yếu tố tâm lý vô thức vẫn là yếu tố chính. Hơn nữa do sự giới hạn của một bài báo cũng không cho phép người viết đi quá xa…

 

Bến My Lăng

 

Bến My Lăng nằm không thuyền đợi khách

Rượu hết rồi, ông lái chẳng buông câu,

Trăng thì đầy, rơi vàng trên mặt sách

Ông lái buồn để gió lén mơn râu

 

Ông không muốn rung người rao tiếng địch

Chờ mãi hồn vượt cả bến trăng cao

Vì đìu hiu, đìu hiu trời tĩnh mịch,

Trời võ vàng, trời thiếu những vì sao

 

Trôi quanh thuyền những lá vàng quá lạnh

Tìm mặt trời, những chỉ giải trăng… trăng

Từng áo chiều bọc hồng đưa lãng tránh

Để đêm buồn bao phủ Bến My Lăng

 

Nhưng đêm kia đến một chàng kỵ mã

Nhúng đầy trăng màu áo ngọc lưu ly

Chàng gọi đò, gọi đò như hối hả

Sợ trăng vàng rơi khuất lối chưa đi

 

Mà ông lão say trăng đầu gối sách,

Để thuyền hồn bơi khỏi Bến My Lăng

Tiếng gọi đò, gọi đò như oán trách

Gọi đò thôi rung rẩy cả ngành trăng.

 

Bến My Lăng còn lạnh, Bến My Lăng

Ông lái buồn đợi khách suốt bao trăng.

 

Yến Lan (1937)

 

Nói đến thơ Yến Lan là hình như người người nghĩ ngay đến bài “Bến My Lăng”. Bài thơ được tác giả thực hiện vào thuở 16, 17 tuổi (khoảng năm 1933). Xưa Hoài Thanh đã phê là “… có cái không khí lạ nhưng nhẹ nhàng dễ khiến người ta thích…”.

 

Thật vậy, bài thơ có những đặc điểm: Ý thơ mới lạ không mô phỏng cổ nhân Đông Tây, nội dung là mô tả cảnh sông nước một đêm trăng, có một ông lái đò ngóng đợi khách sang sông, nhưng khi đợi thì không đến và khi khách đến thì người lái đò ngủ quên. Chữ, câu thơ vững chắc, hình ảnh tươi sáng… Nhưng thẩm thơ như thế chỉ là lướt qua hình thức và nội dung khác nào cởi ngựa xem hoa. Thưởng ngoạn thơ đúng nghĩa thì phải đào sâu hơn nữa, nghĩa là phải tìm hiểu do động cơ hay cảm hứng nào mà Yến Lan có bài thơ đó, muốn thế phải ngược thời gian đi vào thân phận cuộc đời trẻ thơ của anh vậy.

 

Như mọi người đều biết, tên thật của Yến Lan là Lâm Thanh Lang, sinh năm 1916 tại thị trấn An Nhơn, Bình định, là con trai út trong gia đình, có ba chị gái và một anh trai. Năm anh bảy tuổi thì mẹ qua đời. Bà cụ là người họ Đặng, vốn là thợ may khéo và “xinh gái nhất làng”.

 

…”Sống cầm kim chỉ cóng tay tê

Khi chết đi đầu mẹ vẫn quay về…”

(chuyện quê ngoại)

 

Ông ngoại cũng là người từng bút nghiên lận đận:

 

“Câu đối trướng đã chán nghề gieo vận,

Lấy bà tôi làm kẻ chống đò ngang…”

(chuyện quê ngoại)

 

Quê ngoại ở bờ sông Côn:

 

“Khói tỏa quanh năm mùi cúng giỗ

Vắng tanh bè mãng khúc sông eo…”

(Bến sông quê ngoại)

 

Khi mẹ mất, ba chị gái đã thành gia thất tư riêng, chỉ còn lại hai anh em sống với cha cùng bà kế mẫu. Ông cụ là dân Minh hương, gốc người Phúc KIến, tuổi trẻ cũng đã từng theo đòi bút nghiên Nho học, thích văn chương. Thuở nhỏ Yến Lan đã được cha đọc cho nghe thơ Đường và kể chuyện Liêu Trai. Do hai yếu tố nội ngoại đó mà anh biết làm thơ rất sớm, mới mười tuổi đầu đã tập tễnh làm thơ. Và theo anh kể thì bài thơ đầu tiên là bài thơ trào lộng chế diễu mấy cô nữ sinh hợm mình. Bị đem thưa và thầy giáo đã thưởng cho ba cái quật bằng giây chuyền đồng hồ quả quít của thầy bỏ trong túi, làm rướm máu trán.

 

Mồ côi mẹ sống với bà kế mẫu, dù bà là người độ lượng khoan dung đến đâu cũng không thể nào xóa nhòa nổi lòng thương nhớ mẹ. Đó là chưa kể tâm trạng muôn thuở của con người, càng trưởng thành càng có hoài vọng quay về nguồn (besoin de retour au sein maternel). Hiện tượng quay về lòng mẹ là một nhu cầu, một bản năng nó thấm đượm mọi nẻo đường đời và xâm nhập trong mọi hành động. Chính những ẩn ức thương nhớ đồn ép từ thời niên thiếu của anh Yến Lan để đến khi trưởng thành biến thái thành những xung động (pulsions) thăng hoa (sublimation) hóa ra cảnh sông nước thơ mộng, một bến đò rong đêm trăng đầy u buồn vắng lặng cũng không phải là lạ. Huống chi quê ngoại của anh như vừa nói ở trên, “Vốn ở khúc sông eo”, bà ngoại và sau này là ông cậu, em của mẹ, cũng là kẻ chống đò ngang. Bến đò đối với Yến Lan là một hình ảnh qúa thân quen:

                              

“Thương xưa mẹ sống đời sông bến

Một lá đò đưa nặng gắng gồng…”

(Mùa lụt thăm quê mẹ)

 

Nhưng Bến My Lăng có phải chỉ nước không đâu, mà là trên bến nước một đêm trăng có một con thuyền với ông lão, người lái đò…

 

“Bến My Lăng nằm không thuyền đợi khách”

 

Bến nước đầy u buồn mà ông lão có vui đâu:

 

“Rượu hết rồi, ông lái chẳng buông câu

Trăng thì vàng dâng đầy trên mặt sách…”

 

Sự thật không nói ra, người đọc vẫn hiểu ngầm ông lão chẳng phải là ngư phủ mà như là người có nhiệm vụ đời chờ… Trong cô đơn giữa cảnh sông nước đìu hiu vắng lặng đến ịch mịch, chỉ có trăng nước với những lá vàng rơi quanh thuyền … quá lạnh. Ông lão trên thuyền, xét trong vô thức chỉ là biến hình của người cha già tác giả mà thôi. Mất mẹ còn cha là hình ảnh thân yêu duy nhất. Với truyền thống tập tục và cơ chế giáo dục Đông phương đề cao trung hiếu xây thành nền tảng vững chắc nghìn đời, nên chúng ta hầu như phủ nhận mặc cảm Oedipe của Tây phương. Nhưng trong vô thức của con người không phân biệt Đông Tây thì ít nhiều trong chúng ta vẫn tiềm ẩn mặc cảm nghìn đời đó. Chứng minh: huyền thoại Đông phương về các bậc vĩ nhân hay thánh trí đều sinh ra không có cha mà do thần nhân tác động… Hoàn cảnh của Yến Lan vẫn thương yêu kính trọng cha mẹ rất mực. Nhưng ở trạng thái bình thường của cán cân cha mẹ song toàn, con trai vẫn nghiêng về phía mẹ hơn cha. Lại xét trong toàn bộ tác phẩm thơ của Yến Lan, vẫn nói đến mẹ, đến quê ngoại nhiều hơn cha và quê nội. Về phương diện tâm lý tình cảm thì một khi cha lấy bà kế mẫu là tình thương không còn toàn bích nữa rồi. Trong vô thức nếu nước, đất là hình ảnh tượng trưng cho mẹ, thì mặt trời, tia sáng là hình ảnh tượng trưng cho cha. Cho nên, tả bến đò đêm trăng mà anh vẫn đề cập đến cái điều không có: “…lá vàng quá lạnh, Tìm mặt trời nhưng chỉ giải trăng… trăng”, “Từng áo chiều bọc hồng đưa lãng tránh”. Đã hay đó là thủ pháp “hồng thác”, dùng hư cảnh để tả của người xưa. Nhưng cũng có thể là hình ảnh để nói lên nổi ẩn ức: Cha còn đó mà cũng như không. Hay là hình ảnh ông lái đò trong Bến My Lăng dù hiền từ trung thực đến đâu vẫn không hoàn thành trọng trách của mình. Con đò bên này sông đợi chờ để đưa người kỵ mã sang sông, nhưng lúc đợi không đến … lúc người đến: “gọi đò, gọi đò như hối hả…” thì ông lão: “Để thuyền hồn bơi khỏi Bến My Lăng”.

 

Nếu ông lão lái đò là hiện thân của người cha thân yêu đã điều khiển con đò như một định mệnh trớ trêu đánh mất bao cơ hội, thì chàng kỵ mã… Hẳn ý tác giả muốn nói là người chiến sĩ có trọng trách khá oai hùng, hay là kỵ mã thì chắc phải mang một thông điệp khá quan trọng đấy chứ. Thơ, theo nghĩa nào đó, cũng là những thông điệp cho đời, vậy nhà thơ là người kỵ mã, cũng đúng là niềm mơ ước của anh Yến Lan quá đi thôi, nhưng là chàng kỵ mã đầy bất hạnh:

 

“Chàng gọi đò, gọi đò như hối hả

Sợ trăng vàng rơi khuất lối chưa đi

Tiếng gọi đò, gọi đò như oán trách

Gọi đò – thôi, runr ẩy cả ngành trăng”

 

Đã có lần tác giả tâm sự: “… Đêm mẹ tôi mất, cha tôi đã nhờ người hàng xóm dẫn tôi ra bến đò để gọi cậu tôi qau giúp việc chôn cất. Nhà cậu và chiếc đò thì gác mái bên kia sông; chúng tôi ở bên này gọi mãi, gọi mãi, gọi trong một tâm trạng xót xa, bồn chồn, hãi hùng nữa…”. Hình ảnh đó hẳn đã ăn sâu trong đáy lòng để rồi sau mười năm thành thơ trong Bến My Lăng. Một tác phẩm nghệ thuật dù là hư cấu nó phải bắt nguồn từ mặc cảm, hay đúng ra là phải phat xuất từ những ẩn ức của tiềm thức hay vô thức sâu xa thì mới có khả năng truyền đạt cho mọi người sự xúc động, nếu không chỉ là những giả tạo lạnh lùng.

 

Trong cuộc đời hạn hẹp con người luôn mơ về cái tuyệt đối, cái hoàn hảo, cũng từ đó sinh ra mộng mơ. Gia cảnh thanh bần, mồ côi mẹ, làm sao Yến Lan không muốn bung ra thoát ly…  vượt khỏi cái thực tại tầm thường của một thị trấn, một tỉnh nhỏ. Anh cũng đã từng mơ thoát ly như trong bài hồi ký: “Chiều chiều mây kéo về kinh”, hay thổ lộ trong bài Bình Định 1945: “Tôi đi giữa vườn gòn thẳng tắp, ôm trong lòng biển lớn vổ non cao” nhưng mãi mãi vẫn là người kỵ mã hay chiến sĩ bị lỡ chuyến đò.

 

Thơ đúng nghĩa là tiếng nói của vô thức, của tâm linh, cũng là một thứ trực giác nên không lạ nó mang những ẩn tích của tiên tri. Suốt cuộc đời của anh Yến Lan là chàng kỵ mã “Nhúng đầy trăng màu áo ngọc lưu ly” mà lỡ đò, “luôn luôn gặp những điều không may mắn, dù là người cót ài, có tài đặc biệt và rất sớm” như Chế Lan Viên đã nói. Hoặc cũng có thể nói như Kiều: “Anh hoa phát tiết ra ngoài, Nghìn thu bạc mệnh một đời tài hoa”. Cái ám ảnh đã thành vô thức tác hại cả cuộc đời.

 

Còn cái tên Bến My Lăng - một địa danh ư? Dọc sông Côn, Bình Định không nơi nào có địa danh ấy, nó cũng là sáng chế của tác giả. Nhưng tại sao không đặt một trên gì mà lại gọi là My Lăng? Đây cũng chỉ là một ẩn ức được biến thái. Số là vào thời điểm Bến My Lăng ra đời, cũng là thời điểm anh có người yêu tên là Lan (tình yêu đã đi đến kết quả thành hôn nhân, và bây giờ là chị Yến Lan, cái tên đã thành biệt hiệu của tác giả), thì chữ Mê Lan đến My Lăng cũng không phải là xa. Xét theo sự tương ứng của âm Việt và Hán Việt thì có sự trùng hợp: Âm Việt là Ê thì chữ Hán là I, rõ nhất là trong chữ Nôm, chữ Mê với My là một, cũng như chữ Lang hay Lăng là một.

 

Nắm được nguồn phát tích của bài Bến My Lăng là như có trong tay một chìa khóa để đi vào vườn thơ, đời thơ của Yến Lan. Thật vậy, dòng thơ Yến Lan từ nguồn suối vô thức My Lăng mà tỏa ra mọi nẻo: sông nước, bến bãi, đất quê hương, tỉnh nhỏ, quê mẹ, quê ngoại, tình vợ con, tình bạn bè… Tất cả đều mang tính chất lung linh, lấp lánh, hư mà thật, thật mà hư… nhưng rất thắm thiết nồng nàn. Hay nói như anh Chế Lan Viên: “Thơ phải nhìn rõ trong bóng tối”, thì nhà thơ Yến Lan là người đã có con mắt kỳ ảo thấy được bóng tối đó, nó là vô thức vậy.

 

Khổng Đức Đinh Tấn Dung

(Trích trong tập Đời thơ Yến Lan)

Khổng Ðức
Số lần đọc: 4261
Ngày đăng: 05.10.2008
[ Trở lại ] [ Tiếp ]
In tác phẩm Góp ý Gửi cho bạn
Cùng thể loại
Nghệ thuật xây dựng nhân vật anh hùng đa diện trong tiểu thuyết Trên mảnh đất này của Hoàng Văn Bổn - Phạm Ngọc Hiền
Nguỵ Quân Tử, Một thực tại sống ? - Nguyễn Vĩnh Căn
Thị hiếu thẩm mỹ của các nhà thơ Trung Quốc, qua thơ Đường - Võ Phúc Châu
Yếu tố kỳ ảo trong tiểu thuyết dưới đám mây màu cánh vạc của Thu Bồn - Phạm Ngọc Hiền
Phan Văn Dật không chỉ có Diễm Dương Trang. - Nguyễn Hùng
Viết ngắn 57. Vấn đề thơ tuyển - Inrasara
Văn phong tranh luận của Thiếu Sơn trên báo chí . - Võ Phúc Châu
Bên cạnh đời sống vật chất-1 - Huy Dung
Bên cạnh đời sống vật chất-2 - Huy Dung
Thần học về Thập giá - Nguyễn Hữu An
Cùng một tác giả
Nhân đọc bài (tạp văn)
Bức thư rơi… (truyện ngắn)
Thi Tính Tự Do (tiểu luận)
Khí hạo nhiên (tiểu luận)
Thần tứ (tiểu luận)
Thế giới thơ… (tiểu luận)
Mỹ học tiếp thụ (nghệ thuật)
Con tim nhà thơ… (nghệ thuật)