Trước hết xin cảm ơn tác giả K.Nguyên đã “đọc sâu, thảo luận, và cùng bạn bè phân tích” và có bài phản hồi sau bài viết “Phiếm luận về Nguỵ quân tử” của tôi. Do trong bài của ông (hay bà) có đôi chỗ hằn học ( tạm dẫn ra đây như: xét thấy tác giả có cách nhìn rất cực đoan, không đúng bản chất vấn đề, thậm chí đánh tráo khái niệm, đã cố tình lập luận quy chụp để viết...),
nên tôi thấy phải có nghĩa vụ nói thêm cho rõ về các lập luận đã nêu xung quanh vấn đề này.
Thưa ông!
Như lời ông “tự giới thiệu” là “đọc nhiều các sách thánh hiền của Lão tử, Mạnh tử, và Khổng tử...”, hẳn là bậc “thức giả” khiến tôi cảm thấy rất vinh hạnh khi được hầu chuyện cùng ông.
Đầu tiên, xin trân trọng báo để ông biết-rất dễ kiểm tra qua Internet từ các mạng thư viện Trung Quốc- là không có quyển nào có tên là “Khổng tử luận ngữ” như ông đã viết, mà chỉ có quyển Luận ngữ là các thiên sách do chính Khổng Tử viết. Kế đến, các thiên sách nói trên không đánh số, mà có tiêu đề riêng, theo cách hành văn riêng của người xưa nên không thể có thiên thứ 6, và hẳn nhiên, không thể có đoạn Khổng tử nói ““Người quân tử là người biết làm việc nên làm, và phải biết tránh việc nên tránh” như ông đã trình bày.
Thứ hai, cho dù Khổng Tử có viết đoạn văn nói trên đi nữa thì cách hiểu như ông, quả là cần phải tranh luận, vì xét cho cùng, cách hiểu, cách nghĩ, cách biện luận như trên cho thấy đây mới chính là người...gần hơn với khái niệm Nguỵ quân tử. Và thưa ông, khi tranh luận về một khái niệm, hoặc một vấn đề có tính học thuật, mà lại đem “Đảng và Nhà nước” ra nhiều lần, không hiều để làm gì, vì 2 chủ thể này không có liên quan gì ở đây-hay đó mới là một cách chụp mũ, muốn lấy thịt đè người, để người khác không dám tranh luận nữa chăng? Vì nếu tranh luận nữa, e chăng lại “phạm” đến “Đảng và Nhà nước”?
Thứ ba, ông biện luận rằng đó là cách làm được cho phép; song tôi, trong bài viết của mình, không hề nói rằng đó là cách làm không được cho phép, tôi chỉ nhận xét rằng đây là một cách làm của Nguỵ quân tử. Vì sao? Vì chuyện có lòng tốt mời cấp dưới đi ăn nhậu, khác hoàn toàn với chuyện dùng nó để dò xét, phục vụ ý đồ cá nhân của mình. Đó chính là thủ đoạn, là cách làm của những Nguỵ quân tử, được nguỵ trang qua bề ngoài tốt đẹp. mục đích mà ông ta đưa ra chỉ nhằm biện minh cho hành vi không trong sáng, che giấu ý đồ thật của mình.
Thứ tư, chuyện ăn mặc bình dân hay sang trọng, quả là chuyện riêng, trong bài viết của mình, tôi cũng không lạm bàn đến chuyện này; mà tôi chỉ đặt vấn đề: có người “mượn” cách này để “đánh bóng” hình ảnh “thanh bần, chính trực” của mình trước mọi người, chứ thực chất hoàn toàn khác. Điều này đã có quá nhiều ví dụ từ các quan tham Trung Quốc mà báo chí đã phanh phiu, đã bị xử lý trong thời gian qua, thiết nghĩ, không cần nhắc lại, ai cũng biết!
Thứ năm, ông nói việc đi ăn nhậu quá chén dẫn đến mỹ nữ cũng là chuyện bình thường của bất kỳ người đàn ông nào; quả thật tôi cũng thấy đúng như vậy và trong bài viết của mình tôi cũng không phê phán chuyện này. Vấn đề tôi đặt ra là, cái cách người ta vừa “chơi”, vừa giấu, vừa né tránh chuyện chơi ấy, vừa tỏ ý không thích, vừa phê phán nó (mặc dù trong lòng rất thích, rất muốn, và thực tế cũng đã chơi như mọi người đàn ông khác) để cho thấy mình vốn là người “đàng hoàng”-theo tôi, cách hành xử này mới là Nguỵ quân tử.
Có lẽ vấn đề đã rõ, người đọc đã có thể phân định trong câu chuyện này, qua tranh luận, đã làm sáng tỏ thêm vấn đề ai và thế nào là Nguỵ quân tử rồi, thưa ông! Và có lẽ không còn nghi ngờ gì nữa, hẳn ông chính là ông thủ trưởng ấy, hoặc ông có nhiều điểm rất “tương đồng” với ống ấy vậy...