Ủng hộ VCV
Số tác phẩm
28.861 tác phẩm
2.760 tác giả
1.149
123.226.253
 
Chuyện cổ tích của đất
Phan Trung Nghĩa

Một trong hai giả thuyết về sự ra đời của tên gọi Bạc Liêu là cái chữ "lều bạt" nói theo âm hưởng tiếng Triều Châu na ná từ Bạc Liêu vì thế đất này có tên gọi Bạc Liêu (?). Dân gian còn giải thích thêm rằng : những căn lều bạt đầu tiên do người khẩn hoang lập ra đó là của những người đánh cá dựng lên. Căn cứ giả thuyết này thì nghề đánh cá Bạc Liêu đã có từ cách đây mấy trăm năm, phải chăng Bạc Liêu là xứ sở của các ngư dân thành lập ra ? Vậy thì đất Bạc Liêu phải chăng là một vùng đất giàu tôm cá ?. Hơn một trăm năm trước dân gian đã hát :

 

Bạc Liêu là xứ quê mùa

 

Dưới sông cá chốt trên bờ Triều Châu.

 

Hay :

 

Bạc Liêu ăn cá bỏ đầu

 

Sài Gòn thấy vậy xỏ xâu đem về.

 

Dân ca mà sống lâu như vậy hẳn là đã phản ánh đúng thực tế của vùng đất, xưa nữa thì tôi không biết chứ cách đây 30 - 40 năm thì quả đất Bạc Liêu là một xứ sở giàu có bậc nhất, nhì Nam Bộ. Giàu đến cỡ chỉ có trong các chuyện cổ tích, mà cổ tích thật đấy, thực tế bây giờ chẳng còn gì nữa !

 

Hồi đầu thế kỷ 19,  khi đó người Pháp chưa đào hệ thống sông ngòi thì đất Bạc Liêu đã là một vùng đất chằng chịt sông ngòi, kênh rạch đặc thù của đồng bằng châu thổ sông Cửa Long. Nhiều nhánh sông rạch bắt nguồn từ biển vì thế mà tôm, cá từ Biển Đông mặc tình vào đây sinh sôi nảy nở. Nhà tôi sống trên bờ sông Bạc Liêu, hồi nhỏ, khi gió chướng sông thổi dòng sông trở nên phóng khoáng, khi nước ròng sóng bạc đầu đầy trên mặt sông là tôi chèo xuồng để đua với cá nượt. Những bầy cá nượt hàng chục con từ Biển Đông đi lạc vào cửa Mỹ Thanh rồi dần vào chợ Bạc Liêu. Những con cá nượt có cái đầu trọc lóc cứ  nhảy chồm lên khỏi ngọn sóng, dưới bụng nó là 2-3 con cá con đeo bám theo những chiếc vú căng đầy sữa. Thuở ấy sông Bạc Liêu đầy tôm, cá. Ban đêm bơi xuồng trên sông là cá đối chạy từng bầy quãng nước mặn làm tun tóe lân tinh như có một chòm sao rụng xuống mặt sông, thỉnh thoảng có một con tôm càng hay một con cá lóc thật to nhảy long lóc vào xuồng.Và đúng như lời người ta ca :" Dưới sông cá chốt … ", cá chốt đầy đến làm cho đời sống của người ở triền sông bực bội. Hồi đó cầu tiêu thường hay cất trên sông bực bội nhất là đi đại tiện, bầy cá chốt bâu đến quãy ướt hết. Chỉ cần cầm một nấm cơm liệng xuống sông là một bầy cá chốt nổi lên bằng chiếc đệm. Đi chài tôm mà lở quăng chài trúng bầy cá chốt thì kể như buổi chài đó gặp vận xui, chỉ còn cách là quãy chài về gỡ cá. Cá chốt dính đầy chài từ chốp tới miệng chài phải treo chài lên cây mà gỡ cả giờ đồng hồ chưa xong. Người ta nói cá phi đẻ nhanh chứ theo tôi cá chốt cũng không kém gì. Một phẩu đìa mới đào xong đổ nước vào, 10 ngày sau đã thấy bầy cá chốt lội đầy mặt nước. Thời đó cá chốt là một đại họa, đi làm đồng giăng lưới cấm câu, xơ sẩy là cá chốt đâm nhức đến tận "óc o". Tôi nhớ những đống chà chất trong ngọn rạch thào lạng khi đã dỡ lên xúc hàng tấn cá chốt. Đến gần têt thì các chốt to bằng ngón chân cái nhưng bán cũng chẳng ai mua, chỉ còn cách làm mắm, làm khô. Vì không có lợi ích kinh tế nên nói thế chứ thịt cá chốt rẻ, thơm, ăn rất ngon. Cá chốt to mà đem nấu canh chua cơm mẻ với bông so đũa hay đem kho sả ớt là ngon tuyệt vời. Mắm và khô cá chốt cũng ngon và có hương vị đặc thù khó quên.

 

Người Bạc Liêu xưa có một phong cách ăn cá kèo rất hay, vừa thể hiện sự trù phú của vùng đất vừa tỏ ra lịch lãm. Trong một con cá kèo thì khúc đầu và khúc đuôi có hương vị khác nhau. Có người thích ăn đầu vì cái vị béo nhẫn nhẫn, nhưng lại có người khoái phần đuôi nên không biết làm sao mà nhường nhịn nhau, có lẽ vì thế mà người Bạc Liêu xưa khi ăn cá kèo là dùng đũa gắp phần đầu cá kèo lên rồi cho nguyên một con vào miệng và tuốt một cái, trên đũa chỉ còn lại bộ xương cá ăn như thế vừa ngon miệng lại vừa đẹp lòng nhau vừa thể hiện cái phong thái hào sản của những con người sống trên mảnh đất trù phú. Vào những con nước rong, nhất là những tháng giáp tết, trong tiết trời se lạnh là bắt đầu mùa cá kèo. Tại các đầu kênh, nhánh rạch… cá kèo từ biền trảng, ruộng thào lền… đổ ra nổi đầu như "mù u rụng", nghĩa là đầu chúng nổi lên đến đen đặt mặt kênh. Hoi đó gia đình đóng một miệng đáy nhỏ trên con rạch thào lạng, con rạch nhỏ thôi, khoảng 20 thước bề ngang, đến con nước rầm tháng chạp mà thức canh đỗ đục đáy muộn một chút là cá kèo làm sập gượng đáp hoặc chúng bung miệng đáy. Một đục các kèo đổ lên là 5 - 7 trăm ký cá, không có lu máy nào mà chứa nổi, phải đào hầm "rọng" cá chờ nước kém cá hút chở đi bán.

 

Ngày xưa làm ruộng nhờ trời, hệ thống thủy lợi không chặt chẽ như bây giờ, đa phần đất Bạc Liêu là nước mặn lên xuống lưu niên. Đất như thế dân gian gọi đất thào lền, lúa cấy xuống chỉ đạp 5 - 3 giạ một công, chủ yếu là để cầm trâu, cầm vịt, đất mà trâu, vịt lội nhiều thì ít cỏ và thụt xìn, chính các loại đất ấy cá kèo rất khoái trú ngụ. Không ai nhìn thấy cá kèo có trứng bao giờ như hể nước mặn lên tới đâu là cá kèo lên tới đó, đặc biệt là ở các vùng trâu nằm, cá kèo sinh sôi rất dữ. Đầu mùa mưa thấy chúng bằng cây tăm nhưng cuối mùa mưa đã to bằng ngón tay cái. Cá kèo đào hang rồi hể có động tịnh gì thì chui vào đó. Vậy đó mà dân nông thôn Bạc Liêu vẫn có cách bắt chúng, gọi là đi  thụt cá kèo. Chính người viết bài này cũng biết thụt cá kèo. Đó là một kỹ năng phải tôi luyện từ nhỏ, ngón tay phải thật mẫn cảm để lần theo cái hang bé tí bằng ngón tay và phải biết phán đoán cá kèo thoát ra đường nào mà chặn ngắt, không khéo chúng thoát ra ngoài như chơi bởi mỗi hang cá kèo thường có đến 2 - 3 nhánh hang khác mà người đi thụt cá chỉ có hai tay. Thụt cá kèo vui lắm. Đi học về 3 - 4 đứa bạn chúng tôi nhảy ùm xuống sông Bạc Liêu lôi lên vạt đất thào lền vừa đùa vừa giởn với sìn đất thụt cá. Có bửa mỗi đứa thụt 3 - 4 ký cá kèo, ăn không hết thì rộng lại. Mà nào chỉ có cá kèo, vùng đất thào lền còn là nơi sinh sản của vộp, cua, lịch… thứ nào cũng đầy ra đó, bắt một lúc là quảy không nổi. Còn một cách bắt cá kèo khác nửa là đi soi, nông dân Bạc Liêu làm một công cụ soi cá kèo bằng tre, trúc gọi là sà vi (có lẻ nó bắt nguồn từ nguồn gốc khơ me) nó tròn, dài như cái ống tre. Ở đầu miệng sà vi có cái hom… ban đâm soi đèn thấy cá kèo nằm là chụp cái miệng lên cá lập tức con cá nhảy vọt vào hom, người đi soi cứ thế mà làm trút ngược cái đuôi sà vi để đổ con cá vào giỏ.

 

Bạc Liêu là vùng đất thuộc bán đảo Cà Mau, một nửa diện tích đã chịu ảnh hưởng trực tiếp của triều biển đông. Chính vì thế mà có thể nói Bạc Liêu là xứ sở của cá kèo. Vùng đất ven biển ngày xưa người Pháp cho xáng đào từ trong ruột đất ăn thông ra biển cách nhau vài cây số một con kênh gọi là lô : lô số 1, lô số 2, lô số 3 … và chính quyền thực dân đã cho những người có quyền thế thuê từng lô đât. Ai mà thuê được một lô là kể như làm giàu. Chủ yếu là thuê để đặt cá kèo, họ đặt bằng nò. Đó là phương tiện được làm bằng tre, trúc đặt giữa con rạch với hai tấm đăng  chặn cá cho chúng đi xuôi vào nò. Hồi đầu thế kỷ 20, hể con nước rong là xe hàng hoặc xe thương hồ đụt đáy từ Sài Gòn đổ xuống chổ cá kèo Bạc Liêu đem về Thành phó bán, rất phồn thịnh, tấp nập.

 

Thịt cá kèo ngon và có thể chế biến nhiều món ăn như : Chanh chua, kho tộ, kho mắm, làm khô… Tôi có một anh bạn trong làng văn nghệ từ miền Bắc vào chơi, tôi đãi anh món đặc sản Bạc Liêu là cá kèo kho mắm gắp một con cá kèo lên mặt anh ta trợn trắng trợn dọc rồi bảo " kinh quá ! con rắn đấy hả". Sau khi ăn thử anh bạn tôi cứ xoắn lấy cái  lẩu mắm vừa chang vừa húp xoàn xoạt và luôn miệng xuýt xoa : " ngon đến chết mất…".

 

Bạc Liêu là vùng đất bán đảo Cà Mau ông trời vốn không hào phóng ban cho những khoáng sản quý may mà nhờ có nhiều tôm cá nên đời sống con người bớt tẻ nhạt đi, thậm chí có phần trù phú. Đó là thứ văn hóa nội sinh của vùng đất. Làng tôi xưa nằm trên bờ sông Bạc Liêu, hồi đó đất đai bị nhiễm mặn quanh năm nên lúa cấy xuống chỉ đạt 5 - 7 giạ một công, người của làng tôi phải xoay qua làm nghể khai thác hải sản kiếm sống. Mà lạ lắm, có đủ loại nghề, đú cảnh đánh bắt tôm cá. Thiên nhiên vón có những điều lạ, ví như sông Bạc Liêu hằng trăm năm nay nước vẫn ròng lớn như thế nhưng cá tôm thì lại có mùa. Mùa nhiều tôm cá nhất trên sông Bạc Liêu là vào khoảng tháng 9 âm lịch ( khi gió chướng thổi sòng) và kết thúc vào cuối tháng giêng âm lịch. Hồi đó khi vào mùa cá là sông Bạc Liêu trở nên đông vui nhộn nhịp khác thường, ở làng tôi nhà nào cũng chất từ một đến vài đống chà dướn bến sông. Đó là cách dùng cành cây khô chất thành đống chà để dụ cá về ở. Đến 15 - 20 ngày sau thì dùng đăng tre hoặc lưới bao ví rồi nhổ chà lên và thu hẹp đăng lưới dần cho đến khi dùng vợt xúc cá được. Có những đống chà dỡ lên thu 200 - 300kg cá, tôm. Các loại cá thường thấy là cá chẻm, cá lóc, cá chốt, tôm càng… có những đống chà thu 100 kg cá chẻm mỗi con nặng 4 - 5 kg. Đổ một đống chà phải ít nhất 6 - 7 nhân công, vì thế làng tôi hình thành một cung cách làm ăn là vạn dần đổi công. Đổ chà phụ thuộc vào con nước ròng, cho nên có khi phải dỡ vào lúc nửa đêm. Vì thế mà sông Bạc Liêu thời ấy lúc nào cũng rộn ràng tiếng cười nói. Lúc gió bấc se lạnh chủ chà phải đem theo rơm khô và rượu đế , khi bao chà xong là nổi lửa nướng cho mỗi người một con tôm càng bằng cườm tay rồi mang đế ra để họ nhâm nhi cho đỡ lạnh. Hồi đó rất lạ là tôm càng còn rẻ hơn cá chẻm, cá lóc… ai muốn ăn bao nhiêu chủ nhà cũng cho.

 

Song song với nghề chà dân làng tôi làm nghề đăng cá. Khi nước lớn thì người đi dăng rang cám, gạo vò viên làm mồi thảy xuống các xẻo rạch ven sông để nhử cá, khi nước lớn thì dùng một tấm đăng tre để hàn kín miệng xẻo. Sau đó nước sông ròng rút khô con xẻo là cá nhiều bắt không kịp, phải đợi nước ròng sau bắt tiếp. Đăng một con  xẻo, nhánh rạch bắt đầy xuồng cá là chuyện bình thường. Cũng toàn là những loại cá ngon : cá chẻm, cá lăn, cá ngát, tôm càng…

 

Số người khác của làng tôi xưa thì làm nghề giăng lưới cá út, lưới cá chẻm, lưới cá dứa… tôi còn nhờ một ông già từ miền trên xuống khi mùa cá đến, không biết ông tên gì nhưng làng tôi ai cũng gọi ông là ông Năm lưới. An tượng không phai trong tôi là cứ mười bửa, nửa tháng ông cập bến nhà tôi rồi liệng lên biếu ba tôi một con cá chẻm hoặc cá dứa nặng 4 - 5 kg. Ông sống một mình trên chiếc ghe đụt đáy và mấy tấm lưới. Ông Năm đánh 2 loại lưới : lưới cá dứa và lưới cá chẻm. Lưới cá chẻm thì giăng ven bờ, còn lưới cá dứa thì ông đánh giữa sông khi con nước lớn. Năng suất đánh lưới của ông người địa phương nhìn cứ lắc đầu lè lưỡi, lưới dỡ tới đâu là những con cá chẻm, cá dứa nặng 3 - 4 kg giãy giụa tới đó. Ông cho nhà tôi hai tấm lưới chỉ khoảng 10m, tôi giặng cặp mé sông trước nhà vậy mà khi nước ròng, trong những đêm trăng, trời se lạnh tôi bơi xuống đi thăm thì lúc nào cũng có 2 - 3 con cá chẻm, cá lăn… treo tòng ten trên  lưới.

 

Còn lưới cá út thì chờ con nước lớn sắp tàn thì mới giăng lưới giữa sông, cá út đi từng đàn, có khi đánh trúng luồng chỉ một vài lưới là thu cả trăm kí cá. Một nhóm người khác của làng tôi thì làm nghề chài, chài để ăn thôi chứ không buôn bán gì, mỗi dịp gỗ chạp hay cưới gả, thanh niên trai tráng trong làng xúm nhau đi chài một đêm là làm đám linh đình. CÒn nhười chài chuyên nghiệp thì ở chợ Bạc Liêu ra, có những kỷ thuật rất cao, một người chài, một người chèo xuồng và chiếc xuồng đụt đáy. Nước lớn thì họ chài mồi, nhĩa là thảy mồi cá một đường dài khoảng một cây số sau đó trở lại khu vực đặt mồi đầu tiên mà chài. Không biết họ đặt mồi gì mà một chài kéo lên có khi thu được 1 kg tôm càng. Cách chài thứ hai là chài nước ròng. Gồm có chài bào và chài rà, chài bao là tung chài trùm lên một phần của gốc cây hoặc một đám chà ven sông, sau đó dùng một dụng cụ như cây sào chọc cho cá vào chài. Cách chài này bắt được cá to vì các loại cá to thường tìm những gốc cây mà trú. Còn chài rà là đưa xuồng ra giữa sông vào nước ròng rồi sử dụng cây chài như một mảnh lưới kéo cá.

 

Làng tôi cũng có rất nhiều giăng câu thảy và câu giềng hồi nhỏ tôi hay giăng câu thảy, dụng cụ là một sợi ni lông dài đầu trên bờ thì buộc vào một cọc cây, đầu dưới sông thì cột vào một viên gạch. Đầu viên gạch thì mắc từ 5 - 10 lưỡi câu có mắc mối sau đó thảy cái đầu gạch ra giữa sông, vài giờ sau kéo lên đã thấy  3- 4 con cá ngát, cá dứa nặng 2 - 3 kg lủng lẳng.

 

Một vùng đất giàu tôm cá thì ngành nghề cũng vô cùng phong phú, trên bờ thì đặt nò, soi cá … dưới sông thì chài, lưới, câu, đặt đáy v.v… Các nhà khảo cứu thì gọi đó là văn hóa triền sông, còn tôi thì thấy cuộc sống thật là náo nhiệt. Những con người sống gần sông rạch thì gắn bó với sông rạch, ngành nghề buộc mình phải ra sông và dòng sông thì hào phóng nuôi nấng mình bằng tôm cá. Thế là tình yêu những dòng sông nhánh rạch thiết tha đến hồi nào cũng không còn nhớ nữa.

 

Chỉ sau nửa đời người, tức là bây giờ đời sống của cư dân đôi bờ sông rạch đã trở nên nhạt nhẽo vô cùng. Trong niềm nhớ tiếc thiên nhiên, đã nhiều lần tôi ngồi xuồng từ chợ Bạc Liêu đi ra đến ranh giới tỉnh Sóc Trăng - Bạc Liêu và lần nào tôi cũng mang về một nổi buồn rưng rức. Sông Bạc Liêu bây giờ có nhiều đoạn hoang vắng, ven bờ là những cây bần, mắm, lá dừa nước trút đầu xuống sông và thưa thớt những xóm làng… Thỉnh thoảng mới thấy một hàng đáy với những đụt đáy dăm ba kí tôm cá. Tuyệt nhiên không còn thấy nghề giăng câu, chất chà, giăng lưới… trên sông. Đời sống cư dân triền sông tẻ nhạt vô cùng, các làng có tên nghề đánh bắt lưới như : xóm Chà, xóm Lưới, xóm Câu… đã mất hết phiên hiệu, thay vào đó là những têm xóm, ấp cũng vô hồn. Cái văn hóa triền sông góp phần làm nên nền văn minh sông nước của châu thổ sông Cửu Long đã nhạt nhòa dần và một điều quan trọng xảy ra là khi sông nước không còn nuôi nấng con người thì tình yêu sông rạch trong con người cũng dần dà phai nhạt.

 

MÙa xuân này tôi xin tự giác làm người kể chuyện cổ tích. Đó là câu chuyện cổ tích có thật trên đất Bạc Liêu và vùng bán đảo Cà Mau này. Để góp vui và cho thế hệ trẻ có quyền tự hào về mảnh đất trù phú mà chúng ta đang sống và phải có trách nhiệm hơn trước thiên nhiên của mình ./.

 

            Xuân 2004

Phan Trung Nghĩa
Số lần đọc: 3531
Ngày đăng: 13.09.2004
[ Trở lại ] [ Tiếp ]
In tác phẩm Góp ý Gửi cho bạn
Cùng thể loại
Hồ sơ một vết thương - Võ Ðắc Danh
Cha con ông Huế bụng - Võ Ðắc Danh
Chiều chiều ra đứng ngõ sau - Võ Ðắc Danh
Đi lãnh nhuận bút với nhà văn Sơn Nam - Võ Ðắc Danh
Lên Sài Gòn nhớ bác Tư Sâm - Võ Ðắc Danh
Ngậm ngùi phiên chợ trăm năm - Võ Ðắc Danh
Văn chương của chú mục đồng - Võ Ðắc Danh
Dưới chân đài tưởng niệm - Võ Ðắc Danh
Đau thương trên đất Cà Mau - Võ Ðắc Danh
Giữa hai dòng mặn ngọt - Võ Ðắc Danh