Tôi lọc cọc đạp xe đạp vượt đoạn đường dài lổm ngổm đá. Một bên đường: nhà tiếp nhà, vườn tiếp vườn thấy thoáng sau những luỹ tre ken dày và vườn cây um xanh. Bên phải, dòng sông đào cùng uốn lượn theo con đường, chạy hút tít cánh đồng lúa đang ưỡn phơi dưới ánh nắng chan hoà. Đường rộn ràng bởi dòng người tất tả quanh gánh lên chợ, cảnh quê thoáng đạt trong nếp sinh hoạt thanh bình. Ở đằng xa, tôi đã thấy ngôi trường quét vôi ngả màu vàng ám, đứng trầm tư dưói những tán phượng già trầm mặc. Từ Nam chuyển về quê tôi được phân dạy trường nông thôn. Đây là lần đầu tôi đến trường, lòng ăm ắp lo toan, dù chuẩn bị tư tưởng, lời ăn tiếng nói khi trình diện hiệu trưởng. Nghe đâu ông hiệu này nghiêm lắm!
Bước qua sân trường vắng lặng, những cây phượng già rủ lá đìu hiu, treo lủng lẳng những trái phượng đen nám, không queo mùa cũ. Tôi đứng thập thò ngoài văn phòng. Trong phòng đang họp hội đồng giáo viên? Một người đàn ông trên năm mươi tuổi gầy gầy chậm rãi đi ra, từ khoảng cách ba mét tôi đã chú ý đến mái tóc hoa râm và nét mặt rất quen ông, nhất là đôi mắt tôi đã gặp đâu đó trong đời? Tôi lục tìm trong ký ức xa xăm của mình, ngờ ngợ hình ảnh một người... thì người đàn ông cất giọng ấm áp:
- Xin lỗi, anh là Hai phải không?
- Dạ...dạ... Thầy Bình, dạ thưa phải thầy Bình không ạ?
Thầy cười thay cho cái gật đầu. Tôi hấp tấp bước đến ôm thầy, chợt thấy mình quá tự nhiên, không kềm chế được xúc động khi gặp lại thầy cũ, thật là kỳ cục trước bao giáo viên đang đổ dồn ánh mắt về chỗ tôi và thầy. Tôi cả thẹn tự rút lui một bước. Còn thầy kéo ghế mời tôi ngồi và trịnh trọng giới thiệu tôi với hội đồng giáo viên:
- Anh Hai, học trò của tôi.
Tôi đứng lên:
- Thưa thầy hiệu trưởng - Tôi xây qua thầy Bình vì đoán thầy là hiệu trưởng vì trong phòng không ai tóc đã hoa râm như thẩy, tôi tiếp - Thưa quý thầy cô. Từ trong Nam chuyển ra, tôi được về dạy tại trường, tôi lên trình diện, không biết hôm nay trường có họp, xin thông cảm. Tôi xin trình bày với thầy hiệu trưởng ít phút rồi cáo lui... Hai mươi năm trước tôi là đứa học trò nghịch ngợm của thầy Bình, làm thầy phiền lòng không ít, thưa...
Thầy Bình luôn giữ nụ cười bao dung toả sáng khuôn mặt khô ốm. Khi tôi nói đến tiếng thưa... ngập ngừng vì hơn bốn mươi ánh mắt tập trung vào tôi, dù rằng tôi có năm tháng dạn dày đứng trên bục giảng vẫn bị ấp úng. Thầy Bình đỡ lời:
- Tôi sẽ làm việc với thầy sau. Tiện thầy đã đến mời thầy dự buổi tiễn đưa một cô giáo của trường ngày mai theo chồng định cư bên Mỹ. Xong đây, tôi mời thầy sang văn phòng, chúng ta làm việc. Tôi là hiệu trưởng - thầy đưa tay giới thiệu: Thầy Tường hiệu phó, cô Nhạn chủ tịch công đoàn, cô Hoa, cô Chi...
Tôi chào từng người, xem như ra mắt đồng nghiệp, xong tôi tự giới thiệu... và ngồi xuông trong lòng vui vui vì nghe thầy cũ của tôi gọi tôi là thầy và thầm kín nhận được nhiều ánh mắt bằng hữu của nhiều đông nghiệp.
Hơn 22 giáo viên, ngồi quanh ba cái bàn chữ nhật, sắp dính liền thẳng hàng với nhau, trên dãy bàn dài điểm vài cánh hoa đồng tiền cắm khéo và nhiều đĩa bánh kẹo. Giáo viên nữ túm tụm vào nhau chuyện trò từng nhóm. Thầy Bình đứng lên nhắc lại kỹ niệm trên mười năm cô Hiền giảng dạy tại đây, giọng thầy càng lúc càng ngắn, trầm xuống, đứt quãng... rồi thầy khóc! Lắng nghe thầy Bình nói các nữ giao viên mắt đã hoe đỏ, thấy thầy khóc mở đầu, các cô oà ra tiếng thút thít. Có cô khóc to phải lấy khăn mu-soa lau nước mắt, cô Hiền khóc nhiều nhất, rõ mồn một tứng tiếng nấc và nước mắt trôi thành dòng, loang cả lớp phấn hồng trên hai má. Không khí trong phòng sầu muộn mà thân thiết. Tôi không khỏi ngạc nhiên tình cảm đội ngũ giáo viên ở đây đối đãi với nhau chân thành và ruột thịt đến thế, tự dưng tôi cũng chảy nước mắt như nhận mình đã đứng vào hàng ngũ tập thể giáo viên này!... Chia tay các thầy cô, tôi đạp xe dưới những tán cây râm mát và thả hồn bồng bềnh trở về thời niên thiếu.
Có lẽ không có kỷ niệm nào để lại dấu ấn đậm đà trong lòng người hơn những kỷ niệm thời thơ ấu. Và, cho dù mỗi đời người đã được nhiều thầy cô dạy dỗ nhưng sâu đậm nhất vẫn là các thầy cô dạy cho ta ở bậc tiểu học. Khi những tâm hồn non tơ trinh trắng, háo hức đón nhận kiến thức đầu đời với tình cảm tinh khôi nhất. Nhân cách người thầy tiểu học, chừng mực nào đó là nhân cách của các chú, các cô học trò nhỏ tương lai. Bởi vậy, hình ảnh thầy cô giáo thường lắng vào tâm tư trò nhỏ lâu dài nhất.
Hôm đó, tiết trời vào xuân, kế lớp tôi ngồi học có một cái hồ trồng hoa súng, tôi thường ngồi trong lớp nhìn xuống hồ, theo dõi những cánh hoa nở dần trong dòng nắng, những cánh hoa nhọn đỏ sẽ mãn khai lúc về trưa, chiều khép lại như hình viên đạn chỉa thẳng lên trời. Giờ ra chơi, bạn của tôi túa ra sân nô đùa, tôi thấy ông Cai mất hút văn phòng, liền lần mò lén lút hái hoa súng. Tôi rón rén trên thanh tre làm bến tạm, bò ra gần giữa hồ, không ngờ tre trơn, tôi rơi tòm xuống nước, lúng búng lùng bùng quẫy đạp tung tung trong nước, do không biết bơi tôi chìm dần. Thầy Bình thấy tôi chới với uống nhiều nước, thầy chạy ra và không kịp cởi bỏ quần áo, phóng ngay xuống cứu tôi lên. Hai thầy trò ướt lạnh! Thầy chở tôi về nhà thay áo, ngồi sau lưng thầy, tôi nhận thấy người thầy run run trong cái áo len sũng nước, chảy từng giọt xuống đường.,,,
Gần năm năm tôi gần gũi với thầy Bình. Đôi khi trong công việc giảng dạy cũng có sóng sánh chút tình thầy trò và đồng nghiệp. Nhưng nghiệm ra, thầy có trách tôi, tựu trung muốn tôi tiến bộ và tấm lòng thầy yêu thương các em học sinh mà thôi. Vợ chồng tôi đang dần có cuộc sống ổn định, yên tâm giảng dạy. Nếu không trận lũ lớn nhất trong một trăm năm qua thì tôi không biết hết lòng yêu thương của thầy đối với tôi. Hôm ấy mưa bão đã quất sụp ngôi nhà của tôi. Quang cảnh vùng tôi sau bão thật khủng khiếp, y như bị một trận đánh phá của pháo đài bay B52. Vợ chồng tôi đang ngao ngán không biết lấy tiền đâu dựng lại nhà trong khi lương giáo viên tạm chi tiêu cho cả gia đình nếu không tiết kiệm thì không ổn. Tảng sáng, đã thấy thầy Bình lọ mọ tới thăm. Thầy có cái tật: Sau bão lũ thầy thường lội mấy cây sô trong nước bạc đang rút, bùn nhão đến trường xem có hư hỏng gì không, rồi mới đến thăm nhà các giáo viên vùng thấp. Tận ngoài ngõ, thầy đã lên tiềng hỏi:
- Nhà sập rồi à? Có can chi không?
- Dạ con thấy chưa có lúc nào mưa gió hơn cấp 12 như vậy.
- Tôi biết tin thầy cô không can chi, biết nhà thầy không chịu nổi, nên tôi đến liền. Thôi thăm chứt, tôi còn đi vận động anh em giúp thầy dựng tạm lại nhà và xem anh em bị chi không.
- Thầy uống miếng nước đã
Vợ tôi mời thầy. Thầy từ chối:
- Thôi, cô cứ việc dọn dẹp, tôi sẽ trở lui.
Tờ mờ sàng hôm sau, thầy Bình dẫn đầu đoàn giáo viên trường tôi, gồm bồn thầy, ba cô đến giúp tôi làm nhà. Vợ chồng tôi hết sức xúc động khi thấy trên vai các thầy đều vác vài cây tre nứa. Các thầy cô rôm rã lao động và vui chuyên:
- Bão to thiệt, tre cũng tróc gốc huống chi nhà - Thầy Bình nói.
- Có vậy thầy Bình mới xin được nhiều tre cho thầy Hai chứ.
Thầy hiệu phó, chớp chớp mắt sau đôi mục kỉnh, vừa cưa vừa góp chuyện:
- Cô Nhạn báo tin cho tôi. Cô Hoa, cô Chỉ chút nữa cho người đem tre tới giúp thầy đó. Nhà hai cô cũng bị sơ sơ.
Trưa ấy, vợ tôi chuẩn bị nấu cơm trưa đãi khách. Các thầy cô đều rủ nhau và cả gia đình tôi đi ăn cơm hộp. Vợ tôi cầm cái xoong cảm động nước mắt rơi... Chạp choạng ngôi tôn vách gót của tôi đã xong. Khi vợ chồng tôi tiễn các thầy cô ra về đã không cầm được dòng nước mắt cảm động vì tình đồng nghiệp đùm bọc nhau, hiếm có giữa thời đại kim tiền và thông tấn vệ tinh này.
Bây giờ gia đình tôi yên ấm trong ngôi nhà xây kiên cố. Cứ mỗi năm những cơn bão đi qua, lòng tôi lại nhớ đến thấy Bình. Thầy không những có tâm, có tình với bao thế hệ học sinh, mà còn có cuộc sống thanh bạch, bình dị, nguyên mấu một nhà sư phạm thời tôn sư trọng đạo. Thầy là tấm gương cho tôi soi và là điểm tựa lúc tôi vấp ngã vịn để đứng lên...