Ủng hộ VCV
Số tác phẩm
28.861 tác phẩm
2.760 tác giả
1.181
123.219.707
 
Bến sông xưa
Đậu Nữ Vệ

“Dừa ơi ta nhớ lắm dừa

Ta đi dừa bé, ta về dừa cao...”

 

Chiếc xe khách chạy từ phía trong ra đến cầu Dài đầu thị xã Đồng Hới dừng lại. Thái ôm cặp bước xuống khỏi xe. Năm bảy người làm nghề xe ôm lao tới, họ thi nhau hỏi :

- Anh về đâu, tôi chở đi.

Họ giằng co chiếc cặp của Thái. Thái giằng lại được chiếc cặp và trả lời:

- Tôi không đi, tôi chờ một người bạn.

Đám người xe thồ níu kéo, hỏi han thêm một lát nữa rồi tản dần ra, họ lại đứng chờ khách bên xe máy của họ sát lề đường, mắt vẫn không rời Thái.

 

Trời mùa hè, 14 giờ chiều mà nắng vẫn còn gay gắt, Thái đưa tay nhìn đồng hồ.

Chiếc xe 24 chỗ ngồi ép sát vào lề đường,  Thái tươi hẳn lên, hy vọng chị đã đến.

Anh thất vọng bởi những người xuống xe không có chị. Thái chờ đợi, ánh nắng chiều đã nhạt, mặt trời đã khuất sau những căn nhà cao tầng. Một chiếc, hai chiếc...Rồi ba chiếc, cứ thế, Thái hụt hẫng và căng thẳng, từ hy vọng trở về thất vọng Thái lo lắng thật sự, hết đứng lại ngồi. Anh tự hỏi một mình, vì sao giờ này mà chị chưa đến. Cái cá tính đặc biệt của chị là chưa lỗi hẹn bao giờ. Điều này anh quá hiểu. Hoàng hôn đã xuống, điện trong các nhà cao tầng và những cột đèn hai bên đường phố toả ra một luồng sáng xanh mát dịu - Đám xe thồ lần lượt về hết, còn lại một mình Thái, anh ngồi hẳn xuống vệ đường nhớ lại những ngày qua ... Ngày ấy, chị làm nhân viên quản lý nhà trọ của trạm đón tiếp Bắc Nam đóng ngay Lộc Đại đầu thị xã Đồng Hới này. Thái là cảnh sát ở ngay sát cổng ra vào kiểm tra, bảo vệ cho hành khách và cơ quan chị.

 

Mỗi đêm khi hoàng hôn về, từng đoàn xe liên vận chở đầy khách từ Nam ra Bắc và ngược lại vào trạm ăn uống, nghỉ ngơi, lấy lại sức để đi tiếp cuộc hành trình trên con đường quốc lộ 1A bị bom giặc cày xéo, lồi lõm và nham nhở. Hai bên đường cây cối gãy rụi, những hố bom sâu hoắm, kèm theo nhiều căn nhà đổ nát, để trơ ra những bức tường chỏng gọng như tảng xương cá đã rũ hết thịt, tiêu điều xơ xác. Hành khách trên xe liên vận gồm những người vào Nam chiến đấu giành độc lập tự do cho đất nước giờ đây chiến thắng trở về, và cũng không ít người cũng đã trốn quân dịch không chấp nhận làm lính nguỵ cầm súng giết lại đồng bào mình, đường lối của Việt Nam Cọng Hòa , Việt Nam hoá chiến tranh, họ tập kết ra Bắc. Mấy chục năm chiến tranh, đất nước bị chia cắt, chia luôn mối tình cảm của người thân đối với họ, đất nước thống nhất, họ hồi hộp, mỗi người có hẳn một suy nghĩ và tưởng tượng liên kết, suy tư, trong mỗi người.

 

Quảng Bình làm một công việc thật nặng nề lo ăn nghĩ cho tất cả hành khách với phương châm phục vụ chứ không phải là dịch vụ. Trạm đón tiếp Bắc Nam thành lập từ đó

 

Chỉ có một Quảng Bình độc nhất vô nhị làm việc này, bởi đây là chiếc đòn gánh, gánh hẳn hai miền đất nước, ấn tưọng sâu sắc và cảm nhận đầu tiên đối với những người miền Nam khi tiếp cận với miền Bắc xã hội chủ nghĩa là tin thần phục vụ của trạm đón tiếp Bắc Nam này.

 

Hàng đêm, cứ đến 9 giờ, bãi xe đã chật kín, đậu nền nếp trong luồng. Hành khách ăn uống xong, nghĩ ngơi yên giấc trên những chiếc giường hai tầng sau quảng đường dài mệt mõi . Còn chị, cầm tập giấy tuỳ thân của hành khách đưa đến cho Thái kiểm tra. Hai người cùng làm với nhau như một móc xích cần phải có, nghiêm túc, lịch lãm và đang xen một tình cảm trong ý thức của hai người chưa được thoát ra.

 

Cho đến một ngày giữa hè 1975, tỉnh Đoàn phát động phong trào san lấp hố bom lấy mặt bằng để nhân dân đi sơ tán về họp chợ, đưa thị xã ở Cộn trở về Đồng Hới. Mỗi đoàn viên trong chi đoàn của trạm đón tiếp Bắc Nam trồng 2 cây dừa dọc theo bờ sông Nhật Lệ, cây nào chết, lập tức chủ nhân của nó phải trồng lại, phải sống và cấp tốc. Trong lúc san lấp hố bom, đào hố trồng dừa, một quả đạn pháo còn sót lại phát nổ, hai đoàn viên nằm lại vĩnh viễn, Thái văng ra xa kèm theo vết thương ở đùi trái, chị lao đến ôm lấy Thái khóc nức nở. Thế mới biết tình cảm của con người dù kìm nén bao nhiêu nếu có cơ hội sẽ bùng phát ra ngay.

 

Hàng ngày chị đạp xe chở chiếc can sắt loại 20 lít sau phoóc ba ga đến hồ Bàu Tró lấy nước về tưới cho bốn gốc dừa của Thái và chị trồng sát bên nhau chị che ánh nắng trưa hè bằng tấm ri đô của chị.

Thái ổn định, cả hai người ngồi dưới tấm ri đô bên cạnh bốn gốc dừa. Đồng Hới trơ trụi, chỉ cần một ngọn gió thổi qua cũng đủ cho Thái và chị đuổi bắt tấm ri đô bị gió cuốn giữa trưa hè oi ả. Gần chiều, tưới thêm cho dừa lần nữa rồi đèo nhau trên chiếc xe đạp của chị về trạm.

Ba năm sau, đường tàu thống nhất hoàn chỉnh, hành khách đi tàu, cái gánh nặng trên vai Quảng Bình được gỡ bỏ còn lại khối tình đè nặng trên vai của hai người khi hai gia đình không chấp nhận bởi anh thuộc dân tộc ít người, chị là người miền xuôi. Họ quyết định nhờ thời gian để đạt được mục đích.

Thái được trên điều vào Sài Gòn học thêm nghiệp vụ còn chị đang phân vân với nhiều cơ quan sau chiến tranh cần phục hồi. Chị nói:

- Anh yên tâm học tập, em nguyện đời này, kiếp này chỉ yêu có một mình anh. Khi nào ổn định công việc có địa chỉ em gửi thư cho anh.

 

Thật bất ngờ, vào Sài Gòn được hơn một tháng, anh nhận được thiệp cưới của chị. Anh đau đớn nhưng không tuyệt vọng, Thái nghĩ:

- Con gái là thế, thề ước rồi chóng quên, sẳn cầu là bước. Một thời gian sau Thái cưới vợ, một phụ nữ giàu có, xinh đẹp ở Sài Gòn. Anh bỏ hẳn nghề công an để làm ông chủ một khách sạn cỡ lớn cho đến ngày nay. Thái chứng kiến tất cả mặt trái đằng sau cử chỉ lịch lãm sang trọng của những kẻ có chức, có quyền, cuộc sống dư dật, thừa mức do những đồng tiền tham nhũng, hối lộ mà có, thường kèm theo thói hư tật xấu luôn diễn ra trước mặt Thái. Thái hiểu việc họ làm là không đúng, nhưng cuộc sống bắt buộc Thái phải chấp nhận và A tòng một cách máy móc. Nếu không là tòng phạm, thì ai người ta thèm tới khách sạn của Thái cơ chứ?  Những đôi tình nhân đã cao tuổi, họ trốn vợ, lừa chồng rằng là đi công tác, để đưa nhau đến các khách sạn, ai không qua đêm được thì thuê phòng, một giờ, hai giờ. Họ đã đến, lập tức có bồi phòng cất giấu ngay xe máy của họ thật kín đáo như là việc cần làm ngay. Ai cho thuê nhà nghỉ đều làm thế mà. Họ ăn uống xả láng cuộc đời, bởi tiền chùa nên không xót.

Một sự bùng phát về tình cảm khi chán cơm thèm phở .

 

Một công trình xây dựng dù đã trúng thầu hẳn hoi, nhưng muốn được nghiệm thu cho xuôi chèo, mát mái thì phải bao ngay, đầu tiên là đến chổ nào cho “mát mát” một tí, có em út xinh đẹp, trẻ trung hầu hạ thì ô kê, phết phẩy, chẳng thế mà nhiều công trình vừa nghiệm thu được một thời gian ngắn đã xuống cấp nghiêm trọng.

 

Nhìn và chứng kiến tất cả, để rồi Thái mơ ước, sau anh không có được diễm phúc ấy, anh không nghĩ đến những cô gái trẻ đẹp bằng tuổi con cháu mình bởi theo anh như thế là mất đạo đức. Anh mơ đến chị. Giá như chị cũng lừa chồng để đi với anh vào một khách sạn nào đó thì hay biết chừng nào? Anh lắc đầu rồi nói một mình.

- Không được, chị không phải thế, những phụ nữ đã có chồng mà trao tình cho người đàn ông khác là khốn nạn.

 

Năm 1995 anh trở về thăm quê, anh ghé về Đồng Hới, tìm đến 4 cây dừa mà anh và chị đã trồng và chăm sóc . Bốn cây dừa đã cao, to mà Đồng Hời vẫn chưa thay đổi được bao nhiêu so với bây giờ. Anh đi dọc hàng dừa mà chi đoàn thanh niên Trạm đón tiếp đã trồng ngày ấy. Giá như có chị cũng anh ngồi dưới gốc dừa để tận hưởng một chút bóng mát, công sức của chị và anh đã từng che chắn cho chúng bằng tấm ri đô của chị thì hay biết chừng nào.

 

Gần ba mươi năm sau, kể từ ngày trạm đón tiếp Bác Nam giải thể, anh mới tìm ra địa chỉ của chị và  một điều thiêng liêng nhất là chị vẫn yêu anh, cô đơn cho đến tận bây giờ. Để chứng minh rằng chị không phản bội anh, chị chờ đợi anh, mặc dù cái hy vọng ấy không còn nữa khi biết anh đã xây dựng gia đình. Anh còn hiểu rất rỏ về chủ nhân cái thiệp mời kia do một người đàn ông vì quá yêu chị nên đã tạo ra nó để tách anh và chị mãi mãi rời xa nhau.

 

Giờ đây cái nợ tình của anh đối với chị nó lớn quá khó mà trả nổi. Hôm nay, anh trở về đây kèm theo lời hẹn của chị. Họ thống nhất đón nhau ở chân cầu Dài này. Sau đó họ về nơi bốn gốc dừa hằn sâu kỷ niệm trong ký ức của anh và chị.

Chuông điện thoại reo, Thái giật mình vội vã mở máy di động áp vào tai

- Anh Thái à, anh ở đâu mà em điện về quê, trả lời anh chưa về hả?

Thái ậm ờ trả lời:

- Làm gì mà rối lên thế, xe hỏng dọc đường.

Tiếng vợ anh bực tức pha chút giận hờn:

- Đang ngủ với bồ ở khách sạn nào phải không?

 

Thái bực mình tắt vội di động, chợt nhớ ra điều gì, anh lại mở máy, hy vọng chị có gọi về chăng. Thái đưa tay nhìn đồng hồ, vẻ mặt lo lắng tột định. Anh rẽ xuống con đường phía phải về nơi bốn gốc dừa, anh ngồi, xuống ngửa cổ nhìn lên từng ngọn dừa trĩu quả. Một làn gió nhẹ thổi qua, những tán lá dừa lay động xôn xao.

 

Một người đàn ông vạm vỡ đi tới, nhìn Thái đầy ngờ vực - Ông ta hỏi:

- Anh làm gì mà ngồi ở đây, gần 11 giờ đêm rồi sao không vào thuê  phòng mà nghỉ?

Thái trả lời:

- Tôi đang chờ một người

Ông ta hỏi tiếp:

- Chờ người hay chờ đêm khuya, để ăn trộm dừa, tôi nói cho ông biết, hàng dừa này nhà nước đã giao cho chúng tôi quản lý và thu hoạch. Ông mà léng phéng tôi đánh què giò.*

Thái nhìn người đàn ông hỏi:

- Ăn quả nhớ người trồng cây, liệu rồi người trồng cây dừa này hái quả có bị đánh không anh?

Người đàn ông nhìn Thái ngạc nhiên hỏi lại:

- Ông nói cái gì, ăn trái nhớ kẻ trồng cây à? Cây nào? Ai trồng? Ai hái chứ?

Thái trả lời buồn:

- Hàng dừa này do chi đoàn đón tiếp Bắc Nam trồng năm 1975, bốn cây dừa đây, tôi và một người ban gái đã trồng, cách đây 10 năm tôi trở về đây đến ngồi dưới gốc dừa này, dọc bờ sông Nhật Lệ này còn trống vắng lắm chứ không như bây giờ hô ten nhà nghĩ cứ san sát đan cài vào nhau. Năm 2004 sau 10 năm trở lại Đồng Hới, như người từ hành tinh khác đến vậy - Đồng Hới thay đổi đến không ngờ. Tôi bất ngờ thật sự. Nhìn cây cầu bắc qua sông Nhật Lệ, tôi liên tưởng đến con đò ngày xưa, chúng tôi đã từng đi qua, gặp nước lên, gió cuốn, nó trôi dài, khó vào được bờ anh ạ.

Người đàn ông nhìn Thái thông cảm:

- Tôi tin lời anh nói, anh có ăn dừa tôi hái biếu anh một quả ?

Thái lắc đầu trả lời:

- Không anh ạ, phiền anh đừng đuổi tôi là được. Tôi ngồi đây để chờ một người xưa cũ.

Người đàn ông cười:

- Tôi hiểu rồi, nhưng ngồi chờ, thời gian trôi đi chậm chạp lắm. Anh đi loanh quanh xem Đồng Hới, giảm được sự căng thẳng có hơn không?

Thái trả lời:

- Tôi sợ cô ấy đến không gặp tôi

 

Người đàn ông nhìn Thái ngạc nhiên.

- Anh ngốc lắm, viết mấy chữ để ở gốc dừa là được, cô ấy đến sẽ gọi điện cho anh.

Thái mở cặp lấy giấy bút ra ghi rồi đặt ở gốc dừa, anh không quên đè lên một hòn đá.Thái đi dọc con đường từ cầu Dài, đến cổng bình quan, đến đường rẽ lên Cộn. Như không định hình được có đúng đường lên Cộn không? Anh đi xuống ngã ba bưu điện đi dọc con đường Trần Hưng Đạo, Thái ngồi xuống lề đường anh không tìm được lối về chỗ hẹn của bốn cây dừa nữa.Trời sáng rõ, tiếng nhạc nền buổi sáng phát ra, Thái giật mình nghĩ về chị

- Liệu chị có đến không? Sao chị không gọi điện cho anh. Thái lấy máy di động bấm số.

Anh kêu lên

- Trời ơi, sao lại hết pin vào lúc này.

 

Anh vội vàng gọi xe thồ máy, trở lại bốn cây dừa bên dòng sông Nhật Lệ.

Anh bàng hoàng đi đến bốn gốc dừa tìm lại tờ giấy. Tờ giấy không còn nữa. Anh hốt hoảng đưa mắt tìm kiếm. Dưới bờ sông chị đang đứng, gần mép nước nơi đầu cầu, chị nhìn, chiếc cầu bắc qua sông Nhật Lệ, sừng sững, thách thức với thiên nhiên. Chị đang say mê thả hồn vào kỷ niệm xưa cũ, Thái đến gần mà chị không hề hay biết. anh đặt nhẹ bàn tay lên bờ vai , chị giật mình.

Thái hỏi:

- Em chờ anh có lâu không?

Chị trả lời:

- Xe bị hỏng, em đến đây đúng 12 giờ đêm. Em gọi điện cho anh nhưng máy của anh không có tín hiệu biết anh đến rồi em chờ.

 

Chị xoè bàn tay ra có mảnh giấy của anh. Thái nhìn chị lòng ngập tràn  cảm xúc:

- Đồng Hới đổi mới quá nhiều, anh đã bị lạc em à, mọi cảnh vật và con người đã thay đổi chỉ còn lại bốn cây dừa là vẫn đứng yên chỗ cũ.

Anh và chị đi tới, ngồi xuống gốc dừa, một lúc lâu Thái hỏi:

- Ta thuê phòng nghĩ có được không em? Anh thấy em mệt mỏi lắm rồi

Chị nhìn anh trả lời:

- Ta đến chợ đi anh, nơi chúng mình đã san lấp hố bom và giọt máu của anh vẫn nằm lại đó ấy.

 

Thái hiểu, chị đã chối từ lời đề nghị của anh, và anh càng tôn trọng chị hơn, ít ra chị vẫn còn giữ được tư chất của người phụ nữ á Đông, chị cho anh niềm tin và khát vọng anh hiểu chị, không dễ dàng buông xuôi tình cảm của chính mình bởi anh không phải là chồng chị.

Thái đã lấy lại được lòng tin bị mất do những gì anh đã chứng kiến. Anh gật gù, chị hỏi:

- Ta về chợ anh nhé?

Thái gật đầu chị và anh cùng sánh bước bên nhau. Họ đi đến chợ Đồng Hới.

 

*Què dò, tức gãy cẳng chân

Đậu Nữ Vệ
Số lần đọc: 2306
Ngày đăng: 07.10.2008
[ Trở lại ] [ Tiếp ]
In tác phẩm Góp ý Gửi cho bạn
Cùng thể loại
Con thỏ bông - Nguyễn Minh Phúc
Tiếng Đàn - Đồng Sa Băng
Thầy cũ - Nguyễn Nguyên An
Luỵ đời - Nguyễn Vĩnh Căn
Khoảng trống - Minh Nguyễn
Cái quẹt tim gòn - Nguyễn Hiệp
Điều khó hiểu - Đậu Nữ Vệ
Niềm an ủi cuối cùng - Y Uyên
Chiếc đĩa thời Khang Hy - Nguyễn Minh Phúc
Chuyện tình của thằng Gù và cô giáo Minh - Phạm Ngọc Hiền
Cùng một tác giả
Phận gái (truyện ngắn)
Sống còn (truyện ngắn)
Điều khó hiểu (truyện ngắn)
Bến sông xưa (truyện ngắn)
Đêm Tây nguyên (truyện ngắn)
Chị goá ngồi thiền (truyện ngắn)
Qủa ổi chín (truyện ngắn)