Ủng hộ VCV
Số tác phẩm
28.861 tác phẩm
2.760 tác giả
1.138
123.227.331
 
Vấn đề Giáo dục truyền thông
Nguyễn Hữu An

Tôi đọc trên Vietcatholic.net (Thứ Bảy 04/10/2008) bài viết “Ngay từ bé đã được dạy cho biết giả dối. Bạn nghĩ sao về bài báo này?” (Tiền Phong): Mời các bạn xem "Thiếu niên tiền phong" số 79(9-2008) trang 3, mục "câu chuyện thứ tư", tựa đề " Ông ấy có còn xứng đáng". Bài viết đầu độc ngay cả đầu óc tuổi thiếu nhi.

 

Đọc liên tiếp thêm 3 bài nữa: “Bên Trong Luỹ Tre Làng” của tác giả Trùng Dương, bài “Cảm nghĩ về bài viết trên báo TNTP” của  Têrêxa, một học sinh Công giáo Hà Nội và bài “Truyền thông hầm chông” tác giả Đỗ Thái Nhiên, tôi cùng thao thức với tác giả Trùng Dương “Điều tôi nghĩ là nhân loại đi tìm sự thật, cái tích cực chứ không ai tìm sự gian trá. Thế nên, việc đọc lại “Quan điểm của Hội Đồng Giám Mục(25.9.2008 họp tại Xuân Lộc) là cách thức nhắc nhở chúng ta trong việc giáo dục con cháu trong gia đình. Đó sẽ là cách thức chúng ta loại trừ những hạt cỏ lùng gian trá, đồng thời trồng vào lòng con em chúng ta tính chân thật; bởi lẽ “Truyền thông là cội nguồn của cảm thông và hợp tác, của hòa bình và công lý” ( Đỗ Thái Nhiên).

 

Giáo dục truyền thông, đạo đức truyền thông là những vấn đề quan trọng đang đựơc Giáo Hội Công Giáo rất quan tâm, đặc biệt là trong giáo dục giới trẻ “Giáo dục truyền thông đòi hỏi việc huấn luyện trẻ em sử dụng tự do của chúng. Trẻ em phải được tiếp cận với những gì thật đẹp đẽ và đạo đức” (INTER MIRIFICA, số 2).

 

Một vài hướng dẫn của Giáo hội về giáo dục truyền thông.

 

Thế kỷ XXI được mệnh danh là thời đại văn minh trí tuệ hay kỷ nguyên toàn cầu hoá. Nhờ toàn cầu hoá thông tin, cộng đồng nhân loại xích lại gần nhau hơn và cùng chung nhịp đập con tim như chưa từng thấy. Do những tiến bộ vượt bậc của công nghệ thông tin nên thế giới hôm nay là một thế giới đa diện về truyền thông. Thời hiện đại với những xa lộ thông tin. Truyền hình, phim ảnh, điện thoại di động, internet…tràn ngập không chỉ chốn đô thị mà cả miền nông thôn vùng sâu vùng xa.

 

Có những thành quả lớn lao mà ngành truyền thông mang lại cho cuộc sống con người nhưng cũng có vô vàn cái xấu đã len lõi và làm băng hoại các thế hệ trẻ. Giáo hội luôn ưu tư về trách nhiệm giáo dục thanh thiếu niên cần phải biết sử dụng các phương tiện truyền thông trong những nẻo đường chân thiện mỹ.

 

Trước những chuyển biến khoa học thời hậu Thế Chiến, đặc biệt về mặt truyền thông, Công Đồng Vatican 2 đã công bố Sắc Lệnh về các Phương Tiện Truyền Thông Xã Hội “INTER MIRIFICA”. Ngay lời mở đầu có đoạn nhận định: “…trổi vượt hơn cả là những phương tiện tự bản tính không những có thể liên hệ và ảnh hưởng tới từng người, mà còn chính đến đại chúng và toàn thể xã hội nhân loại như: báo chí, điện ảnh, phát thanh, vô tuyến truyền hình và những thứ khác tương tự..”(IM, 1). Sắc lệnh “INTER MIRIFICA” đựơc coi là văn kiện tiên phong liên quan đến các nghành Truyền Thông, mở ra một cái nhìn tương đối mang tính đối thoại với nhân loại và ngỏ lời muốn dấn thân cộng tác với xã hội. Văn kiện này làm nền cho các văn kiện sau này của Giáo hội về mặt Truyền Thông, khi mà Internet trở nên một lãnh vực vạn năng như hiện nay.

 

Sắc lệnh mời gọi: “Mọi con cái Giáo hội phải đồng tâm hiệp lực, chẳng những không ngần ngại mà phải hết sức hăng say, sử dụng ngay những phương tiện Truyền thông xã hội một cách đắc lực vào các công việc Tông Đồ khác nhau tuỳ theo những đòi hỏi cụ thể của hoàn cảnh và thời gian..”(IM,13)

Năm 2007, Đức Thánh Cha Bênêđictô đã chọn chủ đề cho sứ điệp Ngày Thế Giới Truyền Thông Lần Thứ 41 là : Trẻ em và truyền thông, một thách đố cho giáo dục.

 

Sứ điệp phân tích về mối tương quan: Trẻ em, phương tiện truyền thông và giáo dục. Sứ điệp còn nhấn mạnh đến vai trò quan trọng của cha mẹ, giáo xứ, nhà trường, và Giáo hội trong việc huấn luyện thiếu nhi biết sử dụng các phương tiện truyền thông.

 

Giáo dục các em sử dụng các phương tiện truyền thông thích hợp là cần thiết về văn hoá đạo đức và tinh thần của trẻ em. Cha mẹ, Giáo hội và nhà trường có trách nhiệm giáo dục các em biết phân biệt các phương tiện truyền thông. Cha mẹ đóng vai trò quan trọng nhất (số 2).

 

Giáo dục truyền thông đòi hỏi việc huấn luyện trẻ em sử dụng tự do của chúng. Trẻ em phải được tiếp cận với những gì thật đẹp đẽ và đạo đức. Cần phải giới thiệu những tác phẩm văn học cổ điển, những hình thức nghệ thuật tốt đẹp và âm nhạc có tính cách hướng thượng cho trẻ em (số 2).

Đây là một nghĩa vụ cam go đối với giáo dục truyền thông vì trẻ em khi mà chúng đi quá sự tự do, sẽ có nguy cơ truy tìm lạc thú và những kinh nghiệm mới. Đây là gông cùm chứ không phải là tự do (số 2).

Báo tuổi trẻ cuối tuần(17.12.2007) có bài viết : “Lợi nhuận và lương tâm” của tác giả P.T.Kim Liên, phản ánh một thực trạng thật đáng lo ngại thời nay.

 

Game onlinelà một trò chơi hấp dẫn đối với mọi lứa tuổi. Và đây cũng chính là nỗi lo của các bậc phụ huynh.

 

Theo tôi, không riêng gì phụ huynh học sinh, đây cũng chính là nỗi lo của xã hội, của những người quan tâm đến thế hệ trẻ. Phải làm sao dể có thể giảm bớt cường độ chơi game online, làm sao để có thể lôi kéo các em ra khởi thế giới ảo trở về với công việc đời thường, làm sao trả lại cho các em trí óc minh mẫn để có thể tiếp thu tốt bài học, thấy được mục đích để đi tới?

 

Chúng ta không thể ngăn chặn các game thủ. Cha mẹ không ngăn được con cái. Thầy cô không ngăn được học sinh. Chúng ta đành bất lực nhìn các em phung phí tiền của và sức khoẻ vào game online.

 

Mọi người đã mừng khi thấy Nhà nước can thiệp. Qui định hạn chế giờ chơi đã phần nào làm cho cha mẹ và thầy cô an tâm. Thế nhưng mới đây, trò chơi "Võ lâm truyền kỳ" lại tạo ra một không khí sôi động mới trong các game thủ khi vừa mở ra một trương trình mới. Đo ùlà việc các game thủ phải đăng ký một tài khoản hoàn toàn mới, và ra sức "luyện công" sao cho từ ngày bắt đầu là 1-12-2006 đến hết ngày 28-1-2007 các game thủ đạt được cấp độ 100, khi đó phần thưởng sẽ là một con "Phi vân thần mã", một con ngựa với những tính năng tuyệt vời mà các game thủ không thể có bằng cách mua hay chơi trong điều kiện bình  thường. Thế thì các game thủ sẽ ra sức tham gia chương trình đặc biệt này để có được phần thưởng.

 

Điều tôi muốn nói ở đây là điều kiện chơi hết sức khó khăn. Thế mà trong khoảng 58 ngày ( 1-12-2006 đến 28-1-2007 ), các game thủ  phải đạt tới cấp độ 100. Vậy các em sẽ chơi như thế nào? Ngày đêm miệt mài “ luyện công” chăng? Mà thời gian này lại chính là thời điểm chuẩn bị ôn tập và thi học kỳ 1 của năm học .

 

Tại sao trò chơi “võ lâm truyền kỳ” lai có một chương trình khuyến mãi như thế? Những người làm chủ trò chơi này có ý nghĩ gì đến các em học sinh không, hay họ chỉ cần lợi nhuận mà bỏ hết mọi điều?

 

Trong số 3 của Sứ điệp Truyền Thông, Đức Thánh Cha nhấn mạnh: bất cứ khuynh hướng sản xuất những chương trình và những sản phẩm, bao gồm những phim hoạt hình và những trò chơi băng hình, nhân danh giải trí để để cao bạo lực và mô tả những hành vi chống xã hội hay sự tầm thường hoá tính dục con người đều là một sự thối tha, và càng đáng nguyền rủa hơn hết khi những chương trình này nhắm vào thanh thiếu niên. Với những kẻ đó “thà buộc cối đá lớn vào cổ nó mà xô xuống biển, còn lợi cho nó” (Lc 17,2).

 

Trước bao nhiêu là thách đố hiện nay do ảnh hưởng công nghệ thông tin, những người có trách nhiệm cần suy nghĩ về thao thức của Đức Thánh Cha: mong ước chân thành của các bậc cha mẹ thầy cô giáo muốn giáo dục trẻ em trong những nẻo đường chân thiện mỹ chỉ có thể được nâng đỡ bởi kỹ nghệ truyền thông nếu nó đề cao phẩm giá căn bản của con người, giá trị đích thực của hôn nhân và đời sống gia đình, những thành quả và mục tiêu tích cực của nhân loại. Vì thế, không chỉ các bậc cha mẹ và thầy cô giáo mà cả những ai có ý thức trách nhiệm dân sự cũng thấy một nhu cầu đặc biệt có ích và thậm chí cấp bách là truyền thông phải gắn bó với việc đào tạo có hiệu quả, và với những tiêu chuẩn đạo đức (số 3).

 

Sắc lệnh “INTER MIRIFICA” căn dặn: “…để khỏi làm hại hơn là làm ích cho các tâm hồn, các hoạt động truyền thông phải tuyệt đối tuân theo luật luân lý, nhất là nếu đề cập đến những vấn đề đòi hỏi phải được kính trọng tương xứng, hay đề cập đến những gì dễ khích động dục vọng xấu xa của con người đã mang vết tội tổ tông” (IM,7)

 

Riêng đối với giới trẻ và phụ huynh, Sắc Lệnh bày tỏ mối quan tâm đặc biệt: “Phải lo tập cho quen điều độ và kỷ luật trong việc dùng những phương tiện này. Ngoài ra họ cũng phải cố gắng thấu hiểu sâu xa hơn những điều họ thấy, nghe và đọc…Còn bậc phụ huynh thì phải nhớ mình có bổn phận tận tâm coi sóc kẻo những thứ trái nghịch với Đức Tin, trái thuần phong mỹ tục lọt vào ngưỡng cửa gia đình…” (IM,10).

 

Ngày nay, giáo xứ và trường học của Giáo hội cần phải trên tuyến đầu của giáo dục truyền thông. Trên tất cả, Giáo hội ao ước chia sẽ một viễn kiến về phẩm giá nhân loại là trọng tâm của mọi truyền thông xứng đáng của loài người “Khi nhìn với đôi mắt của Chúa Kitô, tôi có thể trao cho tha nhân nhiều hơn những nhu cầu bề ngoài của họ; tôi có thể trao cho họ ánh mắt yêu thương mà họ thèm khát” (Thông điệp Thiên Chúa là tình yêu, số 18). Đức Thánh Cha định hướng cho công cuộc giáo dục trẻ em trong lãnh vực Truyền thông là cần phải theo gương Chúa Kitô, Đấng “ôm lấy các trẻ em và đặt tay chúc lành cho chúng” (Mc 10,16).(số 4).

 

Phát triển giáo dục là quốc sách hàng đầu. Giáo dục là sự nghiệp của toàn thể mọi người. Gia đình và giáo xứ có vai trò thật quan trọng. Phát huy cách toàn diện khả năng trí tuệ của con người, đòi hỏi phải quan tâm và chú tâm phát huy khả năng phân tích và tổng hợp, khả năng phán đoán và nhận định, khả năng sáng tạo và nhìn xa trông rộng, khả năng lựa chọn và quyết định thực hành điều chân thiện mỹ. Tất cả những khả năng đó tạo nên nền tảng vững chắc cho việc xây dựng một nhân cách vẹn toàn và trưởng thành cho con người hôm nay. Do đó, bậc phụ huynh không thể phó mặc việc giáo dục con em cho nhà trường ngày nay. Các gia đình và giáo xứ hãy quan tâm và quyết tâm góp phần phát triển con người toàn diện về mọi mặt thể chất và trí tuệ, tinh thần và tâm linh, giúp các em ngày càng lớn lên càng nên người tốt, người chân chính và trung thực, người hữu ích cho gia đình, cho quê hương đất nước và cho Giáo hội. Đó cũng là góp phần phát triển vững bền xã hội và nâng cao nền văn hoá và đạo đức của Dân tộc Việt nam trong tiến trình toàn cầu hoá hôm nay. (x. Thư mục vụ mùa khai trường năm học 2006-2007 của Đức Hồng Y G.B Phạm Minh Mẫn).

 

Trong “Thư Năm Học 2008-2009 gửi Sinh viên- Học sinh Công giáo Giáo phận Kontum”(VietCatholic News Thứ Năm 28/08/2008), Đức Cha Micae Hoàng Đức Oanh, Giám Mục Giáo Phận Kontum đã quan tâm đặc biệt đến giáo dục truyền thông. Nơi số 2, “việc sử dụng interne”, Ngài viết: Cha cũng không bỏ qua mà không nhắc tới việc sử dụng máy vi tính và internet. Cha biết có những nước, chẳng hạn như Thái Lan, đã lên chương trình trang bị vi tính cho cả các em tiểu học. Tốt lắm! Cha cũng mong sao người trẻ các con cũng sớm được hưởng chế độ như thế! Nhưng vi tính và internet cũng như con dao sắc, không biết sử dụng đúng đắn sẽ mau chóng trở thành nạn nhân. Tâm hồn non trẻ các con sớm bị ô nhiễm và băng hoại. Dó đó, với hiện tình hôm nay, cha cầu mong các con được hướng dẫn dùng vi tính và internet vào việc học tập theo mức độ tuổi các con, thay vì lao đầu vào đó để sao nhãng việc học như nhiều nơi đã và đang phá hủy “tuổi trẻ” của các con. Riêng các gia đình Công Giáo cũng như các gia đình mở dịch vụ internet, cha cầu mong:

 

(1)- Các cha mẹ đặt để máy vi tính tại những phòng chung, những nơi có người qua lại, có thời gian biểu học trên máy vi tính và cài đặt chương trình hợp lý nhất.

 

(2)- Các vị mở dịch vụ internet, không mở gần trường và cũng không chấp nhận để các học sinh lao đầu vào các thứ trò chơi bạo lực hoặc dâm ô, càng không mở vào các giờ học tập. Các cha xứ và các bậc cha anh sẽ khai triển vấn đề này với các con và với các nhà giáo dục cùng toàn xã hội hôm nay.

Lm Nguyễn Hồng Giáo, dòng Phanxicô trong bài viết “Giáo dục nhằm tạo nên con người như thế nào?” đã nói đến mục đích của giáo dục là nhằm tạo nên: Trước hết đó là một con người chủ động, năng động, có khả năng phát triển, làm phong phú mình không ngừng nhờ sự tự do, nhờ óc tò mò, thích học hỏi, sáng tạo, thích nỗ lực và biết tự suy nghĩ. Thứ đến là một con người phát triển hài hòa, cân đối: trí tuệ và con tim, vừa có tri thức vừa giàu tình cảm; vừa có lý tưởng ("tò mò trước những gì là cao đẹp và lớn lao") vừa thực tế ("tìm được công việc nuôi sống mình"); vừa phát triển và khẳng định mình nhưng đồng thời lại biết cởi mở và đến với người khác, với cộng đồng… Ông Sarkozy, Tổng thống Pháp nhấn mạnh cách riêng tới CÁI ĐẸP, tới văn hóa, nghệ thuật, thi ca, "cũng như bất kỳ hình thái nghệ thuật nào khác biết thể hiện con người..."; ông viết: "Con em chúng ta phải được gặp gỡ các nhà văn, nghệ sĩ, nhà nghiên cứu, nghệ nhân, kỹ sư, doanh nhân để nghe những người này chia sẻ tình yêu dành cho cái đẹp, sự thật, sự tìm tòi phát hiện và sáng tạo."(nguoitinhuu.com).

 

Ước mong một Năm Học Mới, thanh thiếu niên đựơc học hỏi những cái đẹp, cái hay, cái thật, cái lành mạnh trong sáng, nhờ đó các em đạt được những thành quả tốt đẹp, góp phần “làm cho các con nên người hơn, nên người con Chúa, nên người anh em với nhau hơn”. (Thư ĐGM GPKontum).                

 

Nguyễn Hữu An
Số lần đọc: 3407
Ngày đăng: 14.10.2008
[ Trở lại ] [ Tiếp ]
In tác phẩm Góp ý Gửi cho bạn
Cùng thể loại
Giải Nobel văn chương cho Việt Nam, tại sao chưa? - Inrasara
Những độc đáo của Màu thời gian - Nguyễn Mạnh Hà
Đối thoại Truyền Tin - Nguyễn Hữu An
Nhóm thơ Bình Định - Lâm Bích Thủy
Yến Lan với bến My Lăng - Khổng Ðức
Nhìn qua về thơ tứ tuyệt của Yến Lan - Khổng Ðức
Nghệ thuật xây dựng nhân vật anh hùng đa diện trong tiểu thuyết Trên mảnh đất này của Hoàng Văn Bổn - Phạm Ngọc Hiền
Nguỵ Quân Tử, Một thực tại sống ? - Nguyễn Vĩnh Căn
Thị hiếu thẩm mỹ của các nhà thơ Trung Quốc, qua thơ Đường - Võ Phúc Châu
Yếu tố kỳ ảo trong tiểu thuyết dưới đám mây màu cánh vạc của Thu Bồn - Phạm Ngọc Hiền
Cùng một tác giả
Hòa bình vĩnh cửu (tiểu luận)
Mùa Xuân Chín (tạp văn)