… Kế thừa sự nghiệp của các Chúa Nguyễn, năm 1780, Nguyễn Phúc Ánh xưng Vương ở Gia Định. Trải qua 25 năm, kiên trì, gian nan, giữa cái sống và cái chết, Nguyễn Phúc Ánh tranh chấp, chống nhau với nhà Tây Sơn, khôi phục nhà Nguyễn. Đánh bại nhà Tây Sơn, Nguyễn Phúc Ánh thống nhất đất nước, lên ngôi, xưng Đế, đặt Quốc hiệu là Việt Nam vào năm 1802, mở ra triều đại Gia Long. Gia Long trị vì đất nước được 18 năm. Năm 1820 truyền ngôi cho Minh Mạng. Triều đại Minh Mạng kéo dài 20 năm (1820 – 1840) , Vua Minh Mạng mất vào năm 1840. Chắc hẵn, thời kỳ Minh Mạng làm Vua là thời kỳ cực thịnh của Triều Nguyễn và của đất nước Việt Nam (Minh Mạng đặt Quốc hiệu là Đại Nam). Năm 1841, Miên Tông lên ngôi đặt niên hiệu là Thiệu Trị, trị vì đất nước được 07 năm, mất vào năm 1847. Hoàng Thái tử thứ 2 là Hồng Nhậm lên ngôi đặt niên hiệu là Tự Đức, làm Vua được 36 năm, mất vào năm 1883.
Thời kỳ Thiệu Trị và Tự Đức, vị thế của Triều Nguyễn và đất nước không còn được như thời Minh Mạng. Trong triều đình và hoàng tộc không còn có sự đoàn kết, thống nhất như trước. Đất nước loạn lạc, thiên tai, xảy ra nhiều cuộc khởi nghĩa chống lại triều đình, nhân dân đói khổ khắp nơi. Năm 1847, Pháp đã nổ súng đánh vào Đà Nẳng, khởi đầu xâm lăng nước ta. Thời kỳ Tự Đức hơn một nửa đất nước đã rơi vào quân Pháp xâm lược.
Miên Thẩm Tùng Thiện Vương sinh ra vào thời Gia Long, sống qua các triều Minh Mạng, Thiệu Trị và Tự Đức. Thời kỳ mà đất nước và triều đình nhà Nguyễn xảy ra nhiều sự kiện nổi bật, nhiều biến cố lịch sử dồn dập. Thân là hoàng tôn, hoàng tử, hoàng thúc, nhưng suốt cuộc đời mình, Miên Thẩm Tùng Thiện Vương không màng đến lợi danh, không dính dáng đến vòng xoáy chính trị của triều đình. Có lẽ nhờ vậy, mà Miên Thẩm Tùng Thiện Vương thoát khỏi những tranh chấp quyền lực của hoàng tộc và triều đình (sự kiện Hồng Bảo và Hồng Nhậm năm 1847). Ông giữ được tính mạng mình trong cuộc đảo chánh của Ưng Đạo (Đinh Đạo) và Đoàn Trưng vào năm Tự Đức thứ 19 - 1866).
Miên Thẩm Tùng Thiện Vương là một người có đạo đức cao, tri thức uyên bác, có uy tín lớn đối với triều đình và xã hội. Sinh thời, ông đến với mọi người, mọi tầng lớp xã hội bằng tấm lòng chân thật, rộng mở, không phân biệt địa vị quyền thế, quý phái hay nghèo nàn, bình dân.
Cuộc đời Miên Thẩm Tùng Thiện Vương gắn bó với giáo dục, văn chương và vui thú điền viên.
Đối với thơ ca, Tùng Thiện Vương xem như là một nguồn sống, lý tưởng của đời mình. Đến với thi ca, làm thơ, ngâm vịnh, không phải để tạo công danh cho riêng mình, Tùng Thiện Vương đã từng viết:
Tiện hữu văn chương hữu tính tình
Khởi quan thị vật mãi công danh
(Mượn chỗ văn chương ngụ tính tình
Há đem mua lấy chút công danh).
Tùng Thiện Vương coi người làm thơ giống như một người cày ruộng, làm nông. Ông đã tự thuật :
Cảm nghĩ vân song thảo Thái huyền
Sinh nhai bút mặc ngộ tiền duyên
Bàng nhân bắt giải u nhân ý
Tiếu sát Vương tôn canh thạch điền
(Dám sánh ai làm sách Thái huyền
Sống theo bút mặc cũng tiền duyên
Người xem chẳng rõ tình người viết
Cười ngất cho là khẩn thạch điền)
Qua thơ văn, chúng ta - người đời sau nhận thấy Miên Thẩm Tùng Thiện Vương là một người nặng tình với quê hương, đất nước. Ông luôn luôn trăn trở trước vận mệnh của triều đình và đất nước. Sự lúng túng, bất lực của triều đình trước cảnh quân Pháp xâm lấn đất nước ta, Tùng Thiện Vương đã viết:
Yết hồ thực hiện mưu ma
Các quan tướng soái thiệt là phụ ơn
Tàu chiến chìm chỉ còn tàn lửa
Tiếng oan hồn nức nở sóng trôi…!
(Trích bài Khiển sầu, bản dịch của Lương An)
Tùng Thiện Vương luôn luôn khao khát làm sao cho nhân dân được sống cảnh yên lành, đất nước được trọn vẹn, không bị ngoại bang xâm chiếm.
… Đất đai phải lo dẹp cho yên ổn lại
Nhân dân chờ mong một đường lối cai trị đúng đắn vỗ yên
(Trích bài Vận, bản dịch của Lương An)
Trong lúc triều đình Tự Đức nhu nhược, thoả hiệp với kẻ thù, chủ trương việc nghị hoà với Pháp, Tùng Thiện Vương đã bày tỏ thái độ phản đối và nỗi thương tâm trước sự mất còn của vận mệnh đất nước:
Lòng đau cầm nước mắt
Muốn nói chẳng thành lời…
Khen Ngụy Giáng hoà nghị,
Bàn như vậy rất sai!
(Trích bài Thương tâm, bản dịch của Lương An)
Tùng Thiện Vương ngao ngán trước thái độ đầu hàng giặc Pháp của Tự Đức và đình thần:
Nhà Vua đã muốn hoà cùng giặc
Còn thuyết làm chi việc phục thù
(Trích bài Nhạc Phi, bản dịch của Lương An)
Tháng 3 năm 1870, trước khi mất, Tùng Thiện Vương còn canh cánh nỗi lòng đối với vận mệnh của dân tộc và đất nước, ông đã viết những lời trần tình gởi Vua Tự Đức với những đề nghị cải cách và khuyên Vua cần chăm lo việc nước nhiều hơn : “… Xin Hoàng đế nhớ công sáng tạo của Tiền nhân, lo mối thủ thành. Tài lực của nhân dân, xin dùng cho có tiết độ. Còn triều đình, quốc chính, xin tùy thời mà thay đổi phương châm…mong Hoàng đế dủ lòng soi xét đến…”. (Trích trong Thương Sơn văn di).
Lo nỗi lo của dân, đau nỗi đau của dân, luôn luôn gắn bó đời mình với nhân dân cùng khổ. Đó là tấm lòng của Nhất Đại Thi Ông.
Trước sự áp bức, nhũng nhiễu của quan lại đối với nhân dân, Tùng Thiện Vương viết:
Sớm vừa dâng “tiền trầu”
Tối lại dâng “tiền trầu”
Quan trên có xơi trầu
Dân dưới mới sạch oan
(Trích bài Phù Lưu tiền hành, bản dịch của Lương An)
Núi cao, vị nước độc
Chó sói, cọp rình rập hai bên đường
Áo rách không che được ống chân
Mặt vàng, da thịt khô héo
Chỉ cầu đủ nộp thuế…
Cay đắng thay thuế thường khó nộp đủ
Đành chịu làm tàn tật tấm thân hèn…
(Trích bài Kim hộ thán, bản dịch của Lương An)
Tình cảnh dân đói khổ loạn lạc trong chiến tranh, Miên Thẩm Tùng Thiện Vương đã phải thốt lên :
Xương khô chồn gặm đứng đầy,
Quạ tha từng khúc ruột bay thành đàn
Đồng đông xiết nỗi lầm than
Kẻ về sau buổi ly hoàn, ai thương!?...
(Trích bài Tống Lương từ, bản dịch của Lương An)
Trước thái độ đầu hàng giặc Pháp của vua quan triều Tự Đức, Miên Thẩm đi hẳn về phía nhân dân, ông tin tưởng vào tinh thần chiến đấu chống giặc Pháp của nhân dân và nghĩa quân:
Giữa đất Nam kỳ, một mồi lửa cháy, gió thổi khói lên cao
Đốt rụi lầu giặc cùng thuyền giặc…
Bọn Hồ kêu la gầm trời
Tám năm mới thực sự thấy đánh dẹp giặc Tây
Trước ngựa, các phụ lão mang giỏ cơm, bầu rượu ra đón
Anh hùng sáu trấn dốc hết sức mình…
(Trích bài Nhị nguyệt Nhị thập, bản dịch của Lương An)
Từ đông sang tây, từ cổ chí kim, thời nào cũng vậy, các vĩ nhân, các nhà thơ, nhà văn đều viết về người mẹ của mình với tấm lòng tôn kính và hiếu thảo. Miên Thẩm Tùng Thiện Vương cũng vậy. Ông là một người con chí hiếu. Trong thơ ca của mình ông viết nhiều về người mẹ, kể cả trong giấc mộng, lúc ốm đau (Bệnh trung tư mẫu). Khi mẹ ông hết tang Vua Minh Mạng, ông đã xin đưa mẹ ra khỏi cung, về nhà để tiện phụng dưỡng. Khi Mẹ ông qua đời, ông từ bỏ tất cả, dựng lều tranh bên mộ mẹ để chịu tang và đã viết bài Thần đại biểu ngợi ca công đức của mẹ.
Trong cuộc sống, Miên Thẩm Tùng Thiện Vương không quan tâm nhiều đến vị thế, tước vị, ông thoát ra khỏi những trói buộc về thành phần giai cấp. Với một tâm hồn khoáng đạt, rộng mở, Miên Thẩm Tùng Thiện Vương là người bạn lớn của nhiều người. Ông kết thân với nhiều người có tài, có đức. Năm 1939, nhà văn Trần Thanh Mại viết về Ký thưởng viên (một toà nhà riêng của Tùng Thiện Vương): “Không ngày nào số văn nhân hội họp ở Ký thưởng viên dưới nửa trăm người. Tùng Thiện Vương như một vị Mạnh thường quân nho nhỏ…”. Cao Bá Quát là một con người đa tài, tính tình có phần kiêu ngạo. Có lần, dám chê thơ Vua Tự Đức. Nhưng đối với Tùng Thiện Vương vẫn giữ niềm kính phục. Hai người quí mến nhau về tài đức. Cao Bá Quát tự coi mình như Mao Toại và Tùng Thiện Vương như Bình Nguyên Quân. Trong bài Thương Sơn công hữu sở qủy vật kim trí hao thi, bộc phương nhiễm vu thất chi thích, cảm thế giao khẩn tình hiện hồ từ (ông Thương Sơn tặng quà, có kèm một bài thơ hay, ta đang bối rối vì con chết, thương cảm dồn dập, tình hiện ra lời):
… Hương viên mộng trở tam thu lại
Nhi nữ sầu liên bạc mộ nha
Thùy đạo Mao khanh thành lục lục
Bình nguyên môn hạ cánh tha đà
(Giấc mộng quê hương mùa lụt chắn
Mối sầu con trẻ quạ chiều kêu
Ai hay Mao Toại mà xoàng nhỉ!
Nương cửa Bình Nguyên sớm lại chiều!)
(Bản dịch của Hoá Dân)
Với tấm lòng mong muốn đất nước được nhiều người tài ra góp sức xây dựng, Tùng Thiện Vương thường băn khoăn tiếc rẻ khi những người có tài, những người bạn của mình không gặp được thời để thi thố tài năng giúp đời, giúp nước (xem bài Tống Đỗ Văn Hiến chi Gia Định).
Chúng ta bắt gặp trong thơ của Miên Thẩm Tùng thiện Vương tấm lòng của một người yêu thiên nhiên, yêu phong cảnh tuyệt đẹp của đất nước mến yêu. Miên Thẩm Tùng thiện Vương thường làm thơ ca ngợi cảnh đẹp của quê hương đất nước. Nhiều địa danh ở kinh thành Huế hay ở mọi miền của đất nước, qua thơ của Miên Thẩm Tùng thiện Vương trở nên đẹp đẽ, thơ mộng hơn. Và cũng có nhiều địa danh, qua thơ của Tùng Thiện Vương trở thành nổi tiếng, được nhiều người biết đến,
Lao Sùng Quang một sứ thần nhà Thanh khi sang nước ta, được đọc thơ văn và tiếp xúc với Tùng thiện Vương đã viết về Người như sau:
Hiếu, hữu, trung, ái, dật chữ mặc gian
(Đối với cha mẹ, với bạn hữu, với nước, với Vua, với muôn người, tình tràn trên giấy mực).
Và :
Thương Sơn nhất lão, thiên đãi dĩ chi thức thị,
Nam bang khởi đắc, cẩn dĩ thi nhân mục chi đa
(Trời sinh ông Thương Sơn để làm gương cho dân nước Việt Nam, ta há dám chỉ coi là một nhà thơ hay mà thôi đâu?).
Chính tấm lòng thành, luôn luôn rộng mở với mọi người đã đưa tài năng của Miên Thẩm Tùng Thiện Vương vươn cao, bay xa. Gắn bó, gần gủi với nhân dân, hồn thơ của ông tiếp cận, trở thành dòng thơ hiện thực mang nặng tâm hồn Việt Nam. Và, trở thành đỉnh cao nghệ thuật thơ ca của một thời và mãi mãi./.
(Miên Thẩm Tùng Thiện Vương - Nhất đại thi ông NXB Văn Nghệ 2008)