Ủng hộ VCV
Số tác phẩm
28.861 tác phẩm
2.760 tác giả
1.153
123.225.159
 
Ngụy quân tử _ Chính hắn !
Tạ Ba

Loạt bài Ngụy quân tử xin khép lại vì cuộc trao đổi đã vượt ra ngoài dự kiến và có nhiều đối chiếu không còn thuần túy văn học,VCV xin các bạn thứ lỗi vì không tiếp tục cuộc trao đổi này..VCV

 

Đọc loạt 3 bài “Ngụy quân tử…”, tôi xin góp bàn đôi điều.

 

Thứ nhất, ông NVC, người đặt vấn đề “Ngụy quân tử_một thực tại sống?” có nhiều mâu thuẫn, nhập nhằng.

 

Ví dụ, nhân vật Tam Quốc Chí, Lưu Huyền Đức được ông xếp vào bậc chính nhân quân tử nhưng trước đó ông đã chê Lưu Huyền Đức là trí trá giả nhân giả nghĩa, lẫn lộn công, tư…là những tiêu chí của ngụy quân tử do ông nêu ra. Mà Lưu Huyền Đức đích thị là ngụy quân tử! Tôi nhớ nhất khi Lữ Bố bị bắt, cầu cứu Lưu Huyền Đức đang là thượng khách của Tào Tháo để bảo toàn mạng sống. Huyền Đức hứa giúp nhưng đến khi Tháo hỏi thì Huyền Đức chấm dứt cuộc đời Lữ Bố bằng cách nhắc lại cái gương phản phúc của Lữ Bố! Trước khi chết, Lữ Bố còn chửi Huyền Đức: “Thằng lớn tai thiệt thất tín!”. Người xưa từng xếp hạng: “Tôn Quyền anh hùng, Lưu Bị niểu hùng, Tào Tháo gian hùng”. Trong dân gian, người ta rất ghét trò giả nhân giả nghĩa, nói một đằng làm một nẻo, hở hở “vùng sa nước mắt” của Lưu Huyền Đức và có câu “khóc như Lưu Bị”!

 

Mấy nhà thơ Việt Nam như Tản Đà, Hồ Xuân Hương, Cao Bá Quát... được ông phán là “những kẻ sống ngông nghênh, chẳng thiện cũng chẳng tà mà cứ phây phây sống...” cũng cần xem lại. Ngông nghênh thì có ngông nghênh nhưng cuộc đời nhà thơ Tản Đà Nguyễn Khắc Hiếu đâu chỉ là cuộc sống ăn uống cầu kỳ, uống rượu như nước, mà còn cả một đời làm báo, một khối lượng tác phẩm đồ sộ, còn có “nước non nặng một lời thề”, còn có “vịnh bức dư đồ rách” “thôi để rồi ta sẽ liệu bồi”... ! Nhà thơ Hồ Xuân Hương “chẳng thiện, chẳng tà mà cứ phây phây sống” thì làm gì có những bài thơ đau đáu nỗi niềm của mình, châm chích giễu cợt cuộc đời cho chúng ta đọc ngày hôm nay! Còn Cao Bá Quát “chẳng thiện, chẳng tà mà cứ phây phây sống” thì đâu có việc dựng cờ khởi nghĩa “Bình Dương, Bồ Bản vô Nghiêu, Thuấn; Mục Dã, Minh Điền hữu Võ, Thang” để đến nỗi bị tru di cả họ!

 

Có những điều lẩm cẩm làm người ta e rằng những điều khác cũng không đáng tin. Ví dụ Hàn Tín xưa nay có ngoại hiệu Quân tử kiếm hồi nào? Hàn Tín còn được gọi là Chấp Kích lang do khi đầu Sở được phong chức này hoặc sau này gọi Hoài Âm hầu, tước Hán Lưu Bang phong sau khi bình Sở. Còn thanh kiếm Hàn Tín sử dụng là thanh Can Tương_Mạc Tà trước của

vua Ngô Hạp Lư mà Trương Lương gọi là Nguyên Nhung Kiếm để rước Hàn Tín về cầm quân cho Hán.

 

Ông NVC viết: “Để chính thức có tên gọi Ngụy quân tử, thì có lẽ phải đợi đến Kim Dung_Đại văn hào Trung Quốc_mới được khai sinh ra tên gọi vậy. Ngày trước, khi đọc đến Ngụy quân tử Nhạc Bất Quần, độc giả ai cũng tỏ ra chê ghét và khinh bỉ nhân vật này ghê gớm lắm!” thực ra ngoại hiệu của Nhạc Bất Quần là Quân tử kiếm mà ở đoạn đầu ông nhắc rồi lại quên!

 

Chúng tôi không đồng tình: “Ngụy quân tử chắc chắn không thể thiếu trong cuộc sống đầy bể dâu này nữa rồi. Hơn bao giờ hết, Ngụy quân tử là một chất vắc-xin đề kháng cần thiết cho cuộc sống. Ngụy quân tử là một chất phụ gia, xúc tác cho cuộc sống được thăng tiến và vươn cao hơn.” Làm sao là vắc-xin được? Chẳng lẽ cứ tập sống ngụy quân tử rồi sau đó sẽ có sức đề kháng với ngụy quân tử? Không có chất phụ gia ngụy quân tử xúc tác thì cuộc sống không thể thăng tiến và vươn cao? Những kẻ thăng tiến trong đời đều phải là ngụy quân tử?

 

Rồi ông lại đặt ra “ngụy quân tử tích cực”! Bản thân chữ Ngụy đã được người ta gán cho nghĩa xấu rồi. Vinh dự gì khi bị mắng “Đồ Ngụy”?

 

Dù sao cũng hoan nghênh ông NVC đã dũng cảm nêu ra thực trạng: “Ngày nay, chúng ta thấy Ngụy quân tử sống đầy dẫy quanh ta. Nó đội lốt ở nhiều nhân dạng: các quan viên chức cao cấp, những xếp lớn, những thủ trưởng, giám đốc xúng xính trong các bộ lễ phục thắt cà-vạt trang trọng được mọi người nể phục và kính trọng. Nhưng khi phanh phui ra sự thật là những tên đục khoét, sâu mọt, làm thâm thủng của đất nước cả hàng ngàn tỷ đồng. Những giám đốc, chủ tịch Hội đồng quản trị…nghi vệ, nhưng trong thương trường là những kẻ mưu mô xảo quyệt, không từ một hành động tội ác nào để hạ bệ đối thủ”.

 

Hoan nghênh ông NVC đã viết: “Điều trớ trêu là khi đụng đến Ngụy quân tử ai cũng dị ứng và dãy nãy lên, chẳng nhận mình là Ngụy quân tử và mỹ từ này, chỉ muốn dành tặng cho kẻ khác mà thôi”.

 

Chúng tôi xin góp thêm một đặc điểm của ngụy quân tử: bản thân núp bóng người quân tử, núp bóng danh xưng quân tử mà còn thường hay núp bóng, giương cao các ngọn cờ, nhân danh này nọ để hù dọa người khác, lấy thịt đè người, để bảo kê cho mọi hành động ngang ngược của mình.

Thứ hai, chúng tôi cũng không đồng tình với ông T.C khi ông khoái chí với việc Quân tử kiếm Nhạc Bất Quần tự thiến mình để luyện thành công môn Tịch tà kiếm pháp và cho rằng động cơ bá chủ võ lâm là xứng đáng. Chẳng có mục đích nào biện minh nổi cho những phương tiện bá đạo của mình. Ông há chẳng nhớ rằng những thảm họa khốc hại cho nhân loại xưa nay cũng đều bắt nguồn từ những mục đích mỹ miều, thiên thần thánh tướng cả hay sao!

 

Ông T.C quả chẳng xứng đáng ngụy quân tử chút nào. Bởi vì những chuyện tăng hai, tăng ba thầm kín chốn cung đình mà ông khờ khạo xì ra hết cho bàn dân thiên hạ tỏ tường hết thì kỳ quá! Chắc ông quên thơ Hồ Xuân Hương từng khẳng định: “Hiền nhân, quân tử ai mà chẳng. Mỏi gối, chồn chân cũng phải trèo!” Huống chi là chuyện bốc hốt lẻ tẻ!

 

Thứ ba, tôi xin góp một chuyện cho những ai thích đọc nhiều sách thánh hiền, Nho chùm, Nho dây:

 

Trong mấy ngàn môn đệ của Khổng Tử, Nhiễm Cầu là người thành đạt, làm gia thần cho Quý Khang là Tướng quốc nước Lỗ. Họ Quý đã có 2/4 nước Lỗ, giàu hơn Chu công rất nhiều mà Nhiễm Cầu thu thuế còn bóp chẹn dân làm giàu nhiều cho chủ. Khổng Tử bảo học trò phê phán. Khi nghe Quý Khang sắp đánh nước Chuyên Du, một nước nhỏ ở gần, Khổng Tử gọi đến can. Nhiễm Cầu thưa: “Nước Chuyên Du đó thành quách kiên cố mà lại gần ấp Phí của họ Quý. Nay Quý không chiếm lấy thì sẽ thành mối lo cho con cháu đời sau”. Khổng Tử cho lời răn: “Khâu dã văn hữu quốc hữu gia giả, bất hoạn quả nhi hoạn bất quân, bất hoạn bần nhi hoạn bất an. Cái quân vô bần, hòa vô quả, an vô khuynh”. (Khâu này nghe nói người có nước (vua) có nhà (các quan, chủ các ấp phong) không lo nghèo thiếu mà lo sự phân phối không quân bình, không lo ít dân mà lo xã tắc không yên. Phân phối quân bình thì dân không nghèo, hòa thuận thì dân sẽ không ít, như vậy xã tắc sẽ yên ổn, chính quyền không nghiêng đổ).

 

Và Khổng Tử nói: “Người quân tử rất ghét kẻ viện lẽ này lẽ khác để biện hộ cho lòng tham của mình!”

 

Tạ Ba
Số lần đọc: 4297
Ngày đăng: 15.10.2008
[ Trở lại ] [ Tiếp ]
In tác phẩm Góp ý Gửi cho bạn
Cùng thể loại
Vũ Trọng Phụng và vụ án văn chương - Lại Nguyên Ân
Về nhà văn Vũ Trọng Phụng (20 tháng 10, 1912 - 12 tháng 10, 1939) nhân 27 năm ngày mất của ông - Hoàng Minh Tường
Yến Lan – Trên Bến My Lăng - Trần Ngọc Tuấn
Tiếng gọi thầm Mẹ ơi ! - Mai Văn Sang
Đọc thơ Quách Tấn - Khổng Ðức
Thư gửi “ngài Quân tử” - Thí Chủ
Yến Lan là ba tôi - Lâm Bích Thủy
Cuối năm nhớ Yến Lan qua một bài thơ - Mang Viên Long
Một kỷ niệm nhỏ về nhà thơ Yến Lan - Vũ Ngọc Tiến
Thư Yến Lan gửi Anh Khổng Đức Đinh Tấn Dung - Yến Lan
Cùng một tác giả
(truyện ngắn)
Hưu (truyện ngắn)
Chuyện sau cánh cổng (truyện ngắn)