Dân đen
- A lô, có phải chú Chín không ạ?
- Phải.
- Chú có đăng ký với tủ sách Chuyện đời tôi phải không ạ?
- Ờ ờ đúng rồi, tôi bức xúc lắm....
- Cháu là người được tủ sách Chuyện đời tôi(*) cử tới gặp bác để viết bài. Chú cho cháu xin địa chỉ.
Ông già ở xã Nhị Bình, huyện Hốc Môn. Hốc Môn thì tôi biết. Nhưng xã Nhị Bình nó nằm ở khúc nào, gần hay xa trung tâm huyện thì chịu chết. Nhưng không sao, đường đi ở miệng mà!
Căn nhà, theo hướng dẫn của ông già, là một quán tạp hóa nhỏ, trước nhà có một cây sung. Từ trung tâm huyện, tôi hỏi đường 2,3 lần thì mò được tới ấp 4, xã Nhị Bình, nhưng còn cái quán tạp hóa có cây sung trước cửa nó nằm ở nơi mô trên con đường đây? Chỉ có một cách duy nhất, chạy rề rề như ốc sên bò, căng mắt ra để sẵn sàng tìm một cây sung, nhỏ tí hay đồ sộ...
Rốt cuộc tôi cũng tới nơi. Ông già ngồi sau cái bàn đặt trước sân. Trên bàn là một đống giấy tờ dầy cộp.
Tôi vừa nhấp một ngụm nước đá do bác gái vợ ông mang tới thì ông đã tuôn một tràng như súng liên thanh:
-Tôi đã gửi đơn tới khắp nơi, từ trung ương cho tới địa phương mà không nơi nào nó giải quyết hết. Nè chú xem, tôi có đầy đủ văn bản các thứ... pháp lệnh, nghị định, hướng dẫn...
Cái gì đây Trời?! Tôi cắt ngang lời ông già.
- Không phải chú muốn viết hồi ký về đời chú hả?
- Tôi đâu có muốn viết gì, chỉ muốn gặp các chú để nhờ giúp làm sao giải quyết các chính sách cho thỏa đáng, chú coi đó, nè thẻ bệnh binh, thẻ cựu chiến binh, huy hiệu mười năm chi hội trưởng cựu chiến binh nữa. Tôi là bệnh binh mà.
Ở đây đã có chuyện hiểu lầm rồi. Tôi thấy vừa tức mình, vừa buồn cười. Phải chi lúc nãy gọi điện thọai hỏi han cho rành mạch hơn thì đã đỡ mất công chạy hơn 30 cây số tới đây. Giờ thì rõ là xôi hỏng bỏng không rồi, hy vọng bỏ túi món tiền ứng trước khi ký kết hợp đồng đã tan thành mây khói. Tôi nhăn mặt khi nghĩ tới số tiền còm còn lại cho những ngày sắp tới. Nhưng mà, cái điệu này thì chẳng phải dễ dàng đứng lên về được. Xem ra ông già đang muốn giãi bày tâm tư tình cảm lai láng tràn trề, đang mừng rỡ gặp một người để trút bớt giận hờn uất ức.
- Chú à, chú có đọc kỹ cái thư mời đăng ký trên báo không? Tủ sách là nhằm giúp những người có nguyện vọng muốn viết lại chuyện đời, những kỷ niệm sâu sắc của mình để in thành sách. Còn cháu là người chấp bút, giúp những người đăng ký thể hiện tốt nhất những điều họ muốn nói. Cháu, và tủ sách đâu có thẩm quyền gì để giúp chú giải quyết mấy vụ này, nó thuộc về các cơ quan chức năng mà. Chú phải gửi đơn tới cơ quan chức năng ở xã, huyện, ở cơ sở họ sẽ giải quyết cho chú.
- Hừ, tụi nó toàn phe cánh với nhau, huyện bênh huyện, xã bênh xã...
Ngồi nghe ông già trần tình một hồi, xem qua một mớ đơn, tôi nhận ra ông này đúng là một Don Quichotte thời nay. Ổng khiếu nại từ chuyện của mình cho tới chuyện bàn dân thiên hạ. Linh tinh đủ thứ trên đời. Chú Chín ơi, chú đang đánh nhau với vô số cái cối xay gió đó, chú có biết hông! Tôi khuyên ông.
- Mấy cái vụ của thiên hạ, chú có khiếu nại cũng chẳng ai thèm ngó. Chuyện của họ thì họ phải tự làm đơn, chú đâu thể đứng ra làm thay họ, ai mà giải quyết. Còn chuyện của chú, cháu thấy nó nhỏ lắm chú à, một vài trăm ngàn thôi mà. Nội công chú in ấn đơn từ, tiền xăng nhớt tới lui, mất công linh, mất thì giờ còn hơn cả số tiền đó, chưa nói tới chuyện họ không giải quyết cho chú. Thôi, bỏ đi chú, chuyện nhỏ mà. Giả thử chú bị áp bức, chèn ép về đất đai gì đó thì đó là chuyện lớn, phải ráng mà theo đuổi thưa kiện. Còn đằng này, nhỏ mà, bỏ quách cho khỏe xác, cho đầu óc thảnh thơi mà làm việc khác chú ạ.
- Đâu có được! Chuyện nhỏ mà không làm thì nói gì tới chuyện lớn. Phải đấu tranh chứ, xương máu của mình đổ ra mà.
- Cháu cũng là cựu chiến binh chú ạ, cháu hiểu mà.
- Vậy hả, ở K phải hôn. Có truy lĩnh tiền chưa, có văn bản quy định mỗi năm được một triệu mấy.
- Thôi chú ơi, có vài triệu mà đơn từ tới lui làm gì, xương máu còn không tiếc, tiếc chi mấy món tiền đó. (Thật ra, giờ tôi biết ông già chẳng rành gì về pháp luật, chẳng hiểu được các quy định chính sách. Ổng chỉ có cái máu đấu tranh!)
Ông già còn ấm ức nói cà kê dê ngỗng một hồi lâu. Tôi bắt đầu chán nản và nóng ruột. Phải chuồn thôi.
- Chú à, điều quan trọng là những người làm quan phải có cái tâm. Còn nếu không thì chuyện của chú chẳng ai thèm đoái hoài tới đâu. Nhưng xem ra cái tâm của mấy ông bà đó hơi ít đó, chú à. Thôi, cháu thành thật góp ý với chú, bỏ đi cho khỏe người rảnh óc. Giờ cháu xin phép phải về, còn nhiều chuyện phải làm.
Tôi đứng lên. Ông già nhìn sững tôi, lẩm bẩm:
- Vậy là phải chịu đựng mãi những thứ bậy bạ, bất công này sao...
Trên đường về, câu lẩm bẩm cuối của ông già cứ đồng vọng trong đầu. Phải chịu thôi, chú Chín thân mến. Bởi một lẽ giản đơn, chúng ta chỉ là dân đen, thấp cổ bé họng. Và thời nào thì cũng thế, dân đen mà chú!
20-7- 2007
Vũ điệu buồn của chữ
Nguyễn Trung Bình hớn hở khoe với tôi, “Bình đã vượt qua được cái đỉnh của Trẻ dáng nâu rồi anh ạ. Mười năm rồi mới vượt qua được cái bóng của nó...Vừa làm một bài thơ dài, hay lắm!”
Bài thơ quá dài, Bình không thể nhớ hết để đọc cho tôi nghe. Cũng chẳng có bản nháp để tôi đọc thử xem sao. Nhưng tôi tin. Tin và vô cùng hy vọng, rằng Bình thật đã sự vượt qua cái bóng núi tinh thần của chính bản thân.
Nói nghe thì lố bịch, buồn cười và đầy mâu thuẫn, vì tôi chưa hề bao giờ nghĩ một cách nghiêm túc và tự mãn rằng mình là một nhà văn nhà thơ chi hết. Thế nhưng thật sự tôi cũng đã bị cái bóng núi tinh thần ấy ám ảnh suốt bấy lâu. Muốn làm mới bản thân mình. Muốn tìm ra một con đường mới chứ không lặp lại những lối mòn của người và của chính ta. Tôi nhớ có loáng thoáng đọc ở đâu đó một bài phỏng vấn Nguyễn Ngọc Tư. Trong đó Tư bảo rằng cô cứ viết chơi chơi thôi, chẳng đặt nặng vấn đề sứ mệnh của nhà văn chi chi cho nhức đầu nhức óc. Nhưng tôi biết, tận thâm tâm Tư nghĩ điều ngược lại, và cô đã hành động ngược lại với tự nhận định quá đỗi nhẹ nhõm đó của mình. Tư viết nhiều nhưng rất nghiêm túc, và rất hay, sâu sắc nữa. Và cả Tư cũng thế, cũng “muốn làm mới mình”, với một Cánh đồng bất tận. Thỉnh thoảng, đọc những bài tạp văn của Tư rải rác trên báo này báo nọ, tôi giật mình. Giật mình và cũng thầm mừng cho Tư. Bút lực đã ngày càng sung mãn, tư duy đã ngày càng chín rộ trên cái nền câu chữ duyên dáng miệt vườn riêng biệt của Tư. Tư đã vượt rất xa, bay rất cao so với cái thời của Ngọn đèn không tắt.
Trông người lại ngẫm đến mình. Tôi không ưa cái thói ca tụng, tán dương lẫn nhau hoặc chửi bới đả kích lẫn nhau quá trớn và lố bịch trên báo chí của nhiều cây bút cùng phe cánh hoặc khác phe cánh hiện nay. Nhưng đôi khi tôi cũng nghĩ khác đi. Rằng, thôi mà, nói cho cùng cái kiếp văn chương vốn là mệnh bạc, có được thì cũng chỉ chút hư danh sáo rỗng, mà mất thì quá nhiều, đủ thứ: sức khoẻ, thời gian, có khi còn đánh mất cả hạnh phúc đời thường, tự chôn thân vào cái lăng tẩm sống vừa của lòng kiêu mãn vừa của sự tự nghi hoặc về tài năng bản thân. Thế nên ca tụng nhau chút chút, nâng bi nhau chút chút cũng là việc đáng làm, cần làm trong một thế giới mà văn chương xem ra ngày càng bị người đời rẻ rúng. Không ai biết đến bạn ta, đến ta, thì ta gồng người làm một cú tuyên dương tán phét hoặc vỗ ngực xưng tên hoa lá cành phèng la trống thổi cho inh ỏi điếc tai thiên hạ, cho rỡ ràng rún rẩy một phen nào. Cho anh tài ba miền biết tên biết tuổi. Cho may ra cũng được người đời biết rằng ta là bực tài danh thi phú, đại danh tác dưới mắt không người... Hoặc ta, bạn ta có bị chửi tơi bời tơi tả thì cũng hay lắm chứ sao! Miễn là cái tên của ta cứ xuất hiện đều đều trước mắt bàn dân thiên hạ. Ở đời, cái sự buồn nhất là không ai biết đến tên mình. Còn người ta có đọc, có thích văn thơ của mình hay không thì...hạ hồi phân giải!
Cái sự viết lách sáng tác đáng buồn như thế. Cái sự phê bình càng tệ hại. Điểm lại tên tuổi của những nhà tự xưng hoặc được xưng tụng là nhà phê bình ở Việt Nam hiện nay, xem ra chẳng ai đáng mặt. Ở một hội nghị bàn tròn văn chương (chơi hay thật, thật hay chơi?!) có cái tên là Café văn học tháng 7 gì gì đó mới đây ở Sài Gòn, có người đã lặp lại một nan đề cũ rích: “Con gà hay cái trứng có trước?”. Bởi vì, anh sáng tác thì đòi anh phê bình phải hay cái đã, cậu phê bình hay, đúng thì tớ mới có cảm hứng mà viết lách hăng say hưng phấn chứ! Anh phê bình (trong vòng giới hạn cuộc hội đàm) lại bảo các cậu có sáng tác được cái đếch gì cho ra hồn đâu mà bảo tớ phê bình cho hay cho đúng!
Nhiều khi tôi cứ nghĩ thôi cứ viết, đếch cần ai đọc cả! Nhưng rồi lại nghĩ, viết mà chẳng có người đọc thì viết để làm gì nhẩy? Viết xong liệng vào ngăn kéo như các cụ ngày xưa ở Nga cũng chẳng xong. Bây chừ, đa phần người ta viết trên máy vi tính, và nếu lâu lâu mà cái máy nó chơi khăm ta một phen, làm bộ nhức đầu sổ mũi một phen, thì ôi thôi, đi toong cả mớ. Làm sao mà lưu lại chút di cảo cho con cháu hậu sinh!
Nghĩ thì nghĩ thế, nhưng nào có viết được cái quái gì đâu!!
Tôi giờ đây như một kẻ luyện công quá trớn bị tẩu hỏa nhập ma. Cái lợi cái danh thì cũng ham như thiên hạ người đời. (Dù sao tôi cũng là người trần mắt thịt, bạn ơi!). Mà tài năng thì tự xét vốn trong vòng hạn chế. Muốn viết, mê viết mà viết ngày càng không ra chữ. Muốn làm thơ ngây thơ hồn hậu như hồi mới lớn, mới biết yêu, cứ nghĩ thế nào thì tuôn ra thế ấy cũng không thể nào được nữa. Thơ chẳng còn bao dung dễ dãi với tôi. Làm thơ không tiến bộ nổi, tôi chuyển sang ... viết văn xuôi. Nhưng những gì tôi viết ra chẳng mấy khi làm tôi hài lòng. Tôi như một gã độc hành. Như con sói ốm yếu bị bầy đàn ruồng bỏ vì không chịu được cái thói kết bè kết đảng, săn mồi theo đàn của buổi hiện thời.
Viết thì không ổn. Mà không viết thì nhấp nha nhấp nhổm như ngồi trên đống lửa, tâm bất an, thân bất định.
Nhiều khi tôi nhớ Vũ Ngọc Giao. Tôi nhớ những cuộc chè chén say sưa. Nhớ những phen Giao đọc thơ bốc phét tục tĩu. Nhớ những phen Giao bất mãn, thô lỗ, chửi đời, chửi người... Nhưng có một Vũ Ngọc Giao khác mà tôi biết, một đêm ngồi trong căn nhà trọ của dịch giả Nguyễn Tiến Văn, ôm đàn thả hồn theo những điệu khúc flamenco rực lửa. Mắt lim dim và ánh nhìn ngây thơ, trong sạch như một trẻ sơ sinh. Giao là người sinh bất phùng thời. Có chút tài nhưng không có đất đứng.
Trông người lại ngẫm tới mình... Tôi phải chăng là một bản sao của Vũ Ngọc Giao ngày sau? Ôi nghĩ đến mà kinh hãi rợn người!
Ma lực của con chữ là gì? Để những người như tôi, như Giao, như Bình... cứ phải quay cuồng đảo điên vì nó. Mất ăn mất ngủ vì nó. Yêu nó như yêu một người con gái đẹp nhưng quá cao xa khó lòng với tới.
Đã gần một năm nay tôi không viết gì hết. Chỉ ráng ngồi vất vả cày bừa dịch này dịch nọ để kiếm cơm. Vậy mà, hôm qua nghe lời khoe hớn hở của Bình, những con chữ lại rủ nhau chập chùng vây quanh tôi, với những vũ điệu buồn bất tận.
14/7/2007