Ủng hộ VCV
Số tác phẩm
28.861 tác phẩm
2.760 tác giả
1.180
123.219.498
 
Hội thảo nhạc trẻ thiếu người trẻ
Nhiều Tác Giả

Cuộc hội thảo có tham vọng tìm ra giải pháp đưa nền âm nhạc Việt Nam vào quỹ đạo chuyên nghiệp, đủ sức thu hút công chúng và nâng cao trình độ thẩm mỹ của xã hội, nhưng lại thiếu sự tham gia của giới nhạc sĩ trẻ...

 

Vì lý do kinh phí, cuộc hội thảo lớn có chủ đề Âm nhạc  Việt Nam – Thực trạng và giải pháp dự định tổ chức rầm rộ ở cả hai miền Nam, Bắc đã buộc phải co lại ở Hà Nội vào 22.10 với số lượng đại biểu khiêm tốn. Tuy nhiên, điều này không ảnh hưởng đến không khí của hội thảo. Cử tọa với đa số là những gương mặt lão thành đã kiên nhẫn “trụ” đến phút cuối. Đáng tiếc, do thời gian hội thảo hạn hẹp nên các đại biểu mới chỉ tập trung mổ xẻ thực trạng âm nhạc Việt Nam ở hai khía cạnh nổi cộm: khí nhạc và nhạc trẻ.

 

Khí nhạc: Vô phương

 

Xoáy vào vấn đề “nóng”: hiện trạng và tương lai của khí nhạc Việt Nam, bản đề dẫn của PGS-TS Thế Bảo bộc lộ một cái nhìn bi quan: khán giả thờ ơ với khí nhạc; các phương tiện nghe, nhìn, các trung tâm văn hóa đều ưu ái nhạc trẻ; đội ngũ kế thừa mong manh, không say sưa với nghề nghiệp, ít triển vọng. Dường như tất cả đang cuốn theo dòng thác âm nhạc đại chúng pop-rock.

 

Nhạc sĩ Nguyễn Thị Minh Châu trong một bản tham luận đậm chất văn chương cũng bộc bạch nhiều nỗi niềm: khí nhạc Việt Nam đã đi qua những nốt thăng bay bổng, ngân vang và giờ đang lặng lẽ trong một nốt trầm: không khí nghề nghiệp buồn tẻ; ngay những tác phẩm đoạt giải thưởng cũng theo nhau "nhập kho”, không xuất bản, không dàn dựng, không mấy ai tới hỏi mượn; công chúng hoàn toàn không có thói quen và nhu cầu thưởng thức nhạc giao hưởng thính phòng; nhạc sĩ bảo nhau “viết làm gì, ai dựng, ai nghe !”. Nhạc sĩ Nguyễn Đức Toàn bộc bạch: “Nghe nhạc không lời còn khó hơn nghe kinh Phật. Muốn quần chúng “kết” nhạc không lời như ở châu Âu phải mất 100 năm. Viết nhạc không lời còn khó hơn. Tôi đi học nhạc về mãi vẫn không dám viết. Vì để “điên” được trong nhạc không lời khó lắm”. Nhạc sĩ cũng đề nghị Hội Nhạc sĩ chú trọng hơn đến khâu đầu tư, hỗ trợ sáng tác. Ông chốt lại phần phát biểu bằng gợi ý: “Sao hội không thành lập câu lạc bộ khí nhạc cho các nhạc sĩ ?”.

 

Trái ngược với tác giả của Mời anh đến thăm quê tôi, “Ngọn lửa cao nguyên” Nguyễn Cường lại đề cao tinh thần tự thân: “Tốt nhất là nên tự thân vận động. Tôi không tin những tác phẩm ngồi chờ hỗ trợ sẽ là những tác phẩm chất lượng, vì sáng tác là sự hối thúc của cảm xúc. Vấn đề là chúng ta có đủ nhiệt tình và khát vọng với khí nhạc để ngồi nghe nhau không ? Nếu có khát vọng, vài nghệ sĩ tụ tập thành một nhóm. Nhiều tiền thì thường xuyên biểu diễn, còn ít tiền thì thi thoảng gọi nhau”. Cho đến cuối hội thảo, các đại biểu vẫn chưa thống nhất một phác đồ điều trị chung cho căn bệnh “ngái ngủ” của khí nhạc Việt Nam.

 

Nhạc trẻ: Nhốn nháo và điên quá !

 

 Đề cập đến những vấn đề của nhạc trẻ, nhạc sĩ Nguyễn Đức Toàn cao giọng: nhìn lại sự phát triển của âm nhạc thời gian qua, ta thấy một sự điên loạn. Dĩ nhiên, nghệ thuật phải “điên” mới hay. Nhưng nhạc trẻ lại điên quá!  Vấn đề là Hội Nhạc sĩ hơi... yếu đuối, không dám vạch mặt, chỉ tên những hạt sạn của nhạc trẻ, trong nhiều trường hợp còn đứng ra ngoài các luồng tranh luận.

 

Nhạc sĩ Đặng Hữu Phúc trong bản tham luận Ca khúc quần chúng Việt Nam  - Sự hỗn loạn đã được báo trước cho rằng, gốc rễ của vấn đề nằm ở chính các nhạc sĩ. Theo ông, các nhạc sĩ thời nay yếu tay nghề và quá thiếu sự chuyên nghiệp. Sự phân biệt giữa chuyên nghiệp và không chuyên nghiệp trong âm nhạc rất rõ ràng: đó là có tổng phổ và không có tổng phổ. Trong tổng phổ, sự chi tiết và chính xác của chỉ dẫn diễn tấu tỷ lệ thuận với tài năng và độ chuyên nghiệp của nhạc sĩ. Nhưng ở Việt Nam, điều này không ai để ý. Các nhạc sĩ "một dòng" (tức là chỉ viết có mỗi một dòng giai điệu) vẫn có thể trở thành nhạc sĩ nổi tiếng. Thậm chí, có những nhạc sĩ không viết nổi tổng phổ (ở trong ca khúc là phần đệm piano) cho tác phẩm của mình, trong khi trên thế giới, các ca khúc đều có phần đệm “khung”, ai muốn phối khí đều phải dựa vào cái khung đó!

 

Trên bàn thảo luận, gần như chỉ có nhạc sĩ Nguyễn Cường lên tiếng bênh vực cho những người sáng tác trẻ: “Thay vì bức xúc, chúng ta hãy cố gắng tìm những điểm sáng, những nhân tố triển vọng và tôn vinh họ”. Ông cũng giữ thái độ cởi mở và điềm tĩnh trước sự phát triển có phần “nhốn nháo” của nhạc trẻ : “Hiện nay, ra album quá dễ, trở thành nhạc sĩ cũng quá dễ. Nhưng tôi không có gì băn khoăn. Đó là cuộc chơi của những người trẻ. Trong họ sẽ có tài năng, và đã có. Hãy cho những người trẻ thời gian”. 

 

Đáng tiếc, không có người sáng tác trẻ nào có mặt tại hội thảo để nghe những lời tâm huyết của các nhạc sĩ lão thành, dù theo Chủ tịch Hội Nhạc sĩ Việt Nam, nhạc sĩ Đỗ Hồng Quân, “ban tổ chức đã gửi giấy mời đến rất nhiều nhạc sĩ trẻ”.

 

Nhạc sĩ Nguyễn Đức Toàn phát biểu tại hội thảo - Ảnh: Nguyễn Đình Toán

 

Hương Lan

 

Từ hội thảo “Âm nhạc Việt Nam – Thực trạng và giải pháp”: Thiếu… vẫn thiếu, thừa… vẫn thừa!

 

(HNMO) - Sáng nay (22/10), Hội nhạc sĩ Việt Nam tổ chức Hội thảo “Âm nhạc Việt Nam – thực trạng và giải pháp”. Chuyên đề của Hội thảo khá rộng lớn, bao quát phần lớn những vấn đề “nổi cộm” nhất của hiện trạng âm nhạc nước nhà. Tuy nhiên, Hội thảo này tổ chức vẫn mang tính “hình thức” để giới chuyên môn gặp mặt nhau là chính, bởi trong một buổi sáng những vấn đề chỉ mang tính chất nêu sự việc và chưa có phương hướng giải quyết.

 

Những vấn đề đưa ra thảo luận trong Hội thảo lần này không phải là quá mới, tuy nhiên điều đáng nói là có lẽ Hội thảo lần này đã hơi “tham” khi chỉ trong một buổi sáng đưa ra quá nhiều nội dung như: âm nhạc truyền thống dân tộc, âm nhạc giao hưởng, thính phòng, ca khúc Việt Nam đương đại, đào tạo âm nhạc, công việc biểu diễn, quảng bá âm nhạc, những vấn đề nghiên cứu lý luận phê bình âm nhạc trên các phương tiện nghe nhìn, vấn đề tác quyền…

 

Được biết, theo kế hoạch Hội thảo này sẽ diễn ra 2 ngày, nhưng vì điều kiện kinh phí nên chỉ diễn ra trong một buổi sáng. Một cuộc Hội thảo với chủ đề lớn, đưa ra nhiều vấn đề nhưng cũng chỉ có một khoảng thời gian ngắn để thảo luận cũng cho thấy những bất cập của âm nhạc Việt Nam khó lòng có thể giải quyết được trong Hội thảo này.

 

* Nhạc trẻ… xuống dốc?

 

Nhiều vấn đề âm nhạc được đề cập cùng một lúc nhưng cuối cùng vấn đề được các nhạc sĩ bàn thảo nhiều lại liên quan đến nhạc trẻ trong thời buổi chịu ảnh hưởng bởi kinh tế thị trường và âm nhạc bác học đang dần bị đi vào lãng quên.

 

Những bài hát mới vẫn xuất hiện và được quảng bá đến công chúng

 

Phần lớn những nhạc sĩ khi được hỏi, đều có chung nhận xét, nhạc trẻ hiện nay thiếu vắng những ca khúc “để đời”, những tác giả trẻ ngày càng dễ dãi hơn với tác phẩm của mình. Sự ảnh hưởng từ những luồng âm nhạc mới như Hip-hop, rock, rap đã khiến cho việc cảm thụ âm nhạc của giới trẻ cũng thay đổi. Trong bản đề dẫn, PGS.TS Thái Bảo nhận xét: “do không được hướng dẫn, học hành đến nơi, đến chốn, các cây bút trẻ viết bài hát theo đơn đặt hàng của cá hãng băng đĩa vụ lợi, các ca sĩ trẻ muốn mau thành danh, nhiều ca khúc rẻ tiền đã ra đời. Sự dễ dãi của các Sở Văn hóa nhiều tỉnh thành đã giúp cho việc phát hành những ca khúc kém chất lượng”.

 

Phải chăng nhạc trẻ Việt Nam đang xuống dốc?

 

Thực tế là với sự bùng nổ thông tin, sự du nhập của nhiều luồng văn hóa mới, nhạc trẻ Việt Nam có những biến đổi, đó là điều dù muốn hay không thì vẫn tồn tại và buộc phải chấp nhận. Thị hiếu của công chúng Việt Nam phân tách ra làm nhiều đối tượng nghe nhạc, và chính những đối tượng đó đã khiến cho xu hướng âm nhạc Việt Nam phân cấp.

 

Vẫn có những "nhân tố" âm nhạc mới đáng ghi nhận

 

Không phủ nhận, hiện tại có quá nhiều ca khúc thị trường với ca từ và giai điệu đơn giản, thậm chí thô thiển. Nhưng cũng không thể không ghi nhận, nền âm nhạc Việt Nam đã bắt đầu xuất hiện những nhân tố mới, đó là những tác giả trẻ với những sáng tác mang âm hưởng thời đại, có góc nhìn mới, cảm xúc mới như: Đỗ Bảo, Giáng Son, Lưu Thiên Hương, Hồ Hoài Anh, Sa Huỳnh…

 

Nếu chỉ nhìn nhận, âm nhạc Việt Nam theo chiều hướng “bảo tồn cái cũ và phủ nhận cái mới” thì có lẽ khó có thể thấy được sự thay đổi của nền âm nhạc Việt Nam trong thời đại mới. Nhạc sĩ Nguyễn Cường cũng cho rằng, trong số những mớ hỗn tạp của các sáng tác nhảm nhí, quan trọng nhất là phải tìm ra được những nhân tố mới để kịp thời khuyến khích và phát triển.

 

Nhạc trẻ Việt Nam đương đại, thật sự là đang có những nhân tố mới, dù rằng chưa nhiều. Tiếc là, trong Hội thảo có khá nhiều tranh luận về tác giả trẻ và những sáng tác đương đại lại thiếu vắng những nhạc sĩ trẻ, mà chỉ có những nhạc sĩ gạo cội tham gia. Có lẽ điều này khiến cho Hội thảo tổ chức sáng nay vẫn thiếu những ý kiến để có thể làm sáng tỏ những vấn đề được đưa ra (?)

 

* Nhạc Bác học đi đâu?

 

Vấn đề khí nhạc Việt Nam (nhạc không lời) cũng được nói đến nhiều trong hội thảo lần này. Thực tế là thời hoàng kim của khí nhạc Việt Nam là vào những năm 60 của thế kỷ XX. Những năm gần đây, thành tựu của các dàn nhạc giao hưởng Việt Nam không phải là không có những thành tựu với các sáng tác của nhạc sĩ Trọng Bằng, Đỗ Hồng Quân, Hoàng Dương, Hoàng Cường, Nguyễn Văn Nam, Trọng Đài… tuy nhiên, những thành tựu này lại chỉ thấy ở những gương mặt cũ, ít thấy chân dung mới cho thể loại âm nhạc này.

 

Khí nhạc Việt Nam đang là "nốt nhạc trầm"!

 

Nhạc sĩ Nguyễn Thị Minh Châu nhận xét về thực trạng khí nhạc Việt Nam đến thời điểm này là “những nốt nhạc trầm”. Thực tế của sự bế tắc “đầu ra” đối với dòng nhạc này là “lực lượng nhạc sĩ viết ca khúc đông hơn, được công chúng biết tiếng hơn các nhà soạn nhạc không lời”. Hơn nữa, “giới hàn lâm” với nhau cũng thiếu một không gian nghề nghiệp để nghe nhau và trao đổi trực tiếp. Chưa kể, yếu tố khách quan nhưng lại mang tính quyết định đó là công chúng hoàn toàn không có thói quen và nhu cầu thưởng thức nhạc giao hưởng thính phòng.

 

Vì thế, dù muốn hay không, dù những nhà chuyên môn có hết lời ca ngợi nhạc bác học Việt Nam nhưng thực tế là những tác phẩm âm nhạc được viết kỳ công đó vẫn không ai biết và có chăng là thực hiện một, hai buổi biểu diễn giới thiệu rồi “cất kho”. Những “bức xúc” của các nhạc sĩ về nhạc bác học Việt Nam cho đến thời điểm này vẫn chưa có cách nào giải quyết cho dù nó đã tồn tại từ hàng chục năm nay.

 

Có lẽ, như nhạc sĩ Phạm Tuyên nhận xét, muốn âm nhạc Việt Nam phát triển thì trước hết phải chú trọng vào khâu giáo dục thẩm mỹ cho công chúng, mà trước hết là giáo dục từ độ tuổi mầm non, thiếu nhi. Công chúng có thẩm mỹ âm nhạc tốt mới thẩm định được tác phẩm đó ở những vị trí xứng đáng.

 

Bên lề Hội thảo:

 

Nhạc sĩ Phó Đức Phương:

 

Hội thảo tổ chức trong một buổi sáng nên khó mà hy vọng sẽ giải quyết được những vấn đề nêu ra. Tuy nhiên, đây là hội thảo để các nhạc sĩ nhìn nhận lại việc sáng tác của mình nên tôi nghĩ cũng khá cần thiết. Còn việc, tại sao ít nhạc sĩ trẻ tham dự theo cá nhân tôi thì có lẽ chính bản thân các nhạc sĩ trẻ mải bận bịu việc riêng nên không tham gia. Có thể, BTC sẽ mời các nhạc sĩ trẻ trong một buổi hội thảo khác.

 

Nhạc sĩ Nguyễn Cường:

 

Chúng ta không nên suy nghĩ quá nhiều về việc các ca khúc thị trường hiện nay mà theo tôi quan trọng là phải tìm ra những nhân tố mới đang sáng tác nhiều ca khúc mới với hơi thở, suy nghĩ, cảm xúc mới. Đã có những sáng tác của các tác giả trẻ mà theo tôi là hay và hiện đại như Trịnh Minh Hiền, Sa Huỳnh… Tôi thấy, đó là điều đáng mừng lắm chứ.

 

Nhạc sĩ Phạm Tuyên:

 

Tôi nghĩ là việc giáo dục thẩm mỹ của công chúng rất quan trọng. Tuy nhiên, các tác giả cũng không nên vin hẳn vào lý do là công chúng để ngụy biện cho việc sáng tác của mình ít người nghe. Công chúng hiện nay cũng tinh lắm và tai nghe nhạc cũng rất thính. Bản thân các tác giả cần phải nâng cao tay nghề sáng tác cũng như khắt khe với bản thân hơn khi cho ra đời tác phẩm, thế mới mong sáng tác của mình được công chúng đón nhận.

 

L.Q (ghi)

Lệ Quyên

 

Nhiều Tác Giả
Số lần đọc: 3463
Ngày đăng: 23.10.2008
[ Trở lại ] [ Tiếp ]
In tác phẩm Góp ý Gửi cho bạn
Cùng thể loại
Nhạc sĩ Văn Lưu : Âm nhạc- sự hòa quyện giữa tính hào hung và trữ tình - Võ Tấn Cường
Nhớ dòng An Giang ngày ấy - Ngữ Yên
Đoàn Chuẩn - Nhạc sĩ của mùa thu - Nguyễn thụy Kha
Bài hát Bóng cây Kơnia và những điều ít người biết - Triệu Xuân
Mười năm và một chuyện tình - Đynh Trầm Ca
Silent Night - Frank Gruber
Tình ca mùa đông - Nguyễn Quang Nhàn
Lời biển gọi - Nguyễn Quang Nhàn
Hoa Tím - Nguyễn Bá Văn
Thế là xuân sang - Phan Tử Nho
Cùng một tác giả
Chia Buồn (văn hóa)
Tin buồn (văn hóa)
Cảm tạ (văn hóa)
Tin buồn (văn hóa)
CHIA BUỒN (văn hóa)
Tin buồn (văn hóa)
Tin buồn (văn hóa)
Tin buồn (văn hóa)
Tin buồn (văn hóa)
Tin buồn. (văn hóa)
Tin buồn (văn hóa)
Tin buồn (văn hóa)
Tin Buồn (văn hóa)
Phở Việt Nam (văn hóa)
CƠN MÊ (thơ)