Ủng hộ VCV
Số tác phẩm
28.861 tác phẩm
2.760 tác giả
1.112
123.229.515
 
Vĩnh biệt Thảo Phương!...
Vũ Ngọc Tiến

Thảo Phương đã đi rồi, đi nhẹ nhàng, rơi mỏng như chiếc “lá vàng chìm bến thời gian”!... Suốt mấy ngày qua tôi cứ thẫn thờ ngồi nhìn bức ảnh chụp chung với chị ở Đồ Sơn 12 năm trước, trong một trại viết. Vậy là đã chẵn một con giáp định mệnh tôi không gặp lại để rồi xa chị mãi mãi.

 

Ngày ấy tôi đang buồn nản, bế tắc, đau khổ tột cùng, chỉ muốn uống dăm chục viên thuốc ngủ chết quách cho rảnh nợ. Thơ chị lạnh buồn ôm một khối tình khắc khoải, lặng chìm dưới bến đời không đáy cho mau quên đi mọi lọc lừa, giả trá, bon chen mà sao tôi lại thấy ấm lòng bởi được xẻ chia. Nó ám ảnh tôi đến mức đã mở tứ cái truyện ngắn Lục Hòa trong trại viết năm ấy bằng một câu phiêu diêu: “Biển dập dềnh, gió phập phềnh, đêm bồng bềnh mùi hương biệt ly và cỏ hương bài…” Chị đã đi qua nhiều cuộc tình vẫn “mồ côi” đàn ông dù đã có với họ 5 đứa con trai. Đa đoan đến thế là cùng!

 

Phan Quế có lần đấm nhẹ vào lưng tôi rỉ rả: “Mày yêu thơ nàng đắm đuối, thích con số 12, viết tập truyện ngắn 12 con giáp thì xin với nàng gửi thêm vào đấy 1 đứa cho tròn nửa tá”. Cánh đàn ông hay tán bậy cho vui thế thôi chứ thật lòng tôi và Phan Quế đều rất yêu thơ chị, cảm mến một tài thơ có chút cực đoan, phảng phất chất hiện sinh, nhưng vẫn giữ được chừng mực đến độ trên bề dày văn hóa đủ lớn, vốn sống đủ chín.

 

Có lẽ trong ba nhà thơ nữ trung tuổi, tài hoa nhất hiện nay (theo đánh giá của riêng tôi) thì mỗi người một vẻ lấp lánh.

 

Đoàn Thị Lam Luyến luôn tìm tòi những tứ thơ lạ giữa cõi người trần tục để tự hát lên bằng thứ ngôn ngữ ngỡ là chân quê mà bao chứa nội hàm triết lý rất hiện đại bởi sự dấn thân đến bạo liệt, bất cần.

 

Thơ Dư Thị Hoàn có sự cách tân cả nội dung lẫn hình thức, mới lạ về thi pháp, đôi lúc phiêu bồng, đượm một chút thiền mà câu chữ đủ sức quẫy đạp trong tâm thức người đọc.

 

Với Thảo Phương, chị cực đoan trong ý thức, nhưng tinh tế, chừng mực ở lời. Triết lý trong thơ chị ẩn chìm, bảng lảng như sương, mang mang như gió, hoe vàng như nắng tàn thu, buộc người đọc phải cùng chị suy ngẫm, lý giải cái hình tượng thơ mà chị cố tình buông lửng. Chị cách tân thơ mỗi bài đều có chủ đích, song dường như cảm xúc đong đầy làm nên nhạc điệu, khiến câu thơ co ngắn, duỗi dài, đảo ngữ, ngắt mạch, xuống dòng…rất tự nhiên như nó vốn phải như vậy. Bởi thế thơ chị hiện đại, trẻ trung mà vẫn dễ đọc, thấm lâu, càng ngẫm càng tìm ra cái lạ, cái mới chứ đâu cần nhân danh trào lưu này, trường phái nọ cho sự phá cách.

 

Hãy lấy bài “Không đề gửi mùa đông” của chị, được nhạc sĩ Phú Quang phổ nhạc thành “Nỗi nhớ mùa đông” làm ví dụ. Bài thơ có cấu trúc hiện đại, vẻn vẹn 10 câu, co ngắn, duỗi dài, ngắt mạch tự nhiên làm nên giai điệu khắc khoải nhớ nhung, khúc thức tường minh, tạo tiền đề cho nhạc sĩ phát triển thành kiệt tác âm nhạc, cuốn hút công chúng từ trẻ đến già đều như thấy có tâm sự mình trong ca khúc đó. Chỉ tiếc hai câu thơ tuyệt tác nhất trong bài “Lá vàng chìm bến thời gian- Đàn cá im lìm không quẫy”, Phú Quang đành thú nhận mình bất lực, không thể đưa vào ca từ được. Sinh thời, chị rất thông cảm cho người bạn nhạc sĩ đồng hương, đồng tuế của mình.

 

Hai câu trên là cao trào của triết lý vô thường trong bài thơ. Đời người phiêu bồng trong cõi nhân gian, rồi sẽ có lúc như chiếc lá vàng tàn thu mỏng manh chao nghiêng, đáp nhẹ xuống mặt nước, nhẹ tới mức phi trọng lượng, khiến đàn cá không hề cảm thấy bị khua động, im lìm nằm ngủ. Ngôn ngữ thơ không hề có từ nào mô tả sự rơi nhẹ, nhưng hình tượng thơ lại cho ta cảm nhận được âm thanh của sự rơi ấy. Nghệ thuật tu từ và thủ pháp xây dựng hình tượng thơ của chị trong 2 câu này quả đã tới mức tinh luyện, nào có thua kém gì 2 câu thơ nổi tiếng của Giả Đảo thời xưa: “Điểu ngọa hồ biên thụ- Tăng thôi nguyệt hạ môn”. Nó càng đắt giá bởi 2 câu thơ của chị được đặt trong bài thơ có cấu trúc hiện đại, làm bài học cho các nhà thơ trẻ muốn cách tân thơ hiện nay rằng, mọi sự cách tân thơ chỉ thành công khi người thơ tự nuôi dưỡng một bề dày văn hóa và bản lĩnh sáng tạo cho riêng mình.

 

Chị đã đi rồi, Thảo Phương ơi!... 12 năm trước, trong trại viết còn có cây bút văn xuôi Tô Ngọc Hiến vẫn thường hay bông phèng, chọc tức cả tôi và chị, nhưng chị bảo cái tâm của Hiến sáng, cái tài của Hiến đáng trọng. Ai ngờ 1 năm sau đó tôi đã phải gạt lệ viết bài khóc Tô Ngọc Hiến. Giờ tròn một con giáp chị về với Hiến để tôi khóc thương lần nữa. Rồi đây ai sẽ khóc ai?!... Thôi thì giống như lần khóc Hiến, tôi mượn bài thơ Xuân Thủy khóc Hoài Thanh mà tiễn bạn:

 

Quy lai Văn Điển bất vi sầu

Thi hữu cao bằng mãn tịch lâu

Minh nguyệt, thanh phong vô tận tạng

Ngôn ngôn tiếu tiếu tự do thâu.

 

Năm ấy, biết Hiến không thích thơ chữ Hán nên tôi đã định dịch bài thơ ra quốc ngữ tiễn bạn, may có vị lang y ngoài 80 tuổi ở thị xã Hà Đông trước đó dịch bài thơ này hay quá, câu thứ tư như thêm một lần sáng tạo nên tôi chép lại:

 

Phải chăng Văn Điển chẳng buồn đâu

Cũng lắm văn chương, lắm bạn bầu

Mưa nắng chan hòa, trăng gió mát

Tha hồ mà tán chuyện nông sâu.

 

Thanh thản mà đi về nơi cực lạc, vĩnh biệt bạn, Thảo Phương ơi!...

 

Hà Nội 23/10/2008

Vũ Ngọc Tiến
Số lần đọc: 3575
Ngày đăng: 23.10.2008
[ Trở lại ] [ Tiếp ]
In tác phẩm Góp ý Gửi cho bạn
Cùng thể loại
Bản tình cuối - Bùi Thủy
Cây bàng mồ côi... - Ngô Thiên Thu
Tạp bút trích từ blog - Nguyễn Thành Nhân
Có nhiều khi… - Hạ Dung
Hát xẩm giữa đêm thơ Trương Đạm Thủy - Nguyễn Quốc Nam
Ngụy quân tử _ Chính hắn ! - Tạ Ba
Vũ Trọng Phụng và vụ án văn chương - Lại Nguyên Ân
Về nhà văn Vũ Trọng Phụng (20 tháng 10, 1912 - 12 tháng 10, 1939) nhân 27 năm ngày mất của ông - Hoàng Minh Tường
Yến Lan – Trên Bến My Lăng - Trần Ngọc Tuấn
Tiếng gọi thầm Mẹ ơi ! - Mai Văn Sang
Cùng một tác giả
Âm bản chiến tranh (truyện ngắn)
Gà ô tử mỵ (tuyển truyện)
Rồng đá (truyện ngắn)
Chàng gàn (truyện ngắn)
Lão Hợi (truyện ngắn)
Tam tấu hoa (tạp văn)
Thế là…Chị ơi ! (truyện ngắn)
Quán thiêng (truyện ngắn)
Hà Chính (truyện ngắn)
Tam ngưu tương mệnh (truyện ngắn)
Ma mèo (truyện ngắn)
Lục hòa (truyện ngắn)
Thằng hủi (truyện ngắn)
Chù Mìn Phủ và tôi (truyện ngắn)
Lớp trẻ (tạp văn)
Thiền Sư Kiến Đức (truyện ngắn)
Dốc Đầu Lâu (truyện ngắn)