Ủng hộ VCV
Số tác phẩm
28.861 tác phẩm
2.760 tác giả
1.179
123.220.710
 
Tội sống !
Trần Huy Thuận

“Không con tội chết, có con tội sống!”

 (LỜI CỔ)

 

Con sông Đào bắt nguồn từ sông Hồng, chảy ra sông Đáy, vắt ngang qua thành phố từ hướng đông - nam. Nó vốn là ranh giới với các huyện phía nam, nhưng nay đang dần trở thành trung tâm mới của thành phố. Có hai địa danh nổi tiếng nằm trên bờ con sông, cách nhau không đầy nửa cây số: Bến ngự và Bến đò quan. “Bến ngự” thì từ lâu đã không còn “bến” nữa, mà đã thành phố, “phố Bến ngự” –  bởi lẽ đơn giản, chế độ phong kiến kết thúc từ lâu rồi, còn đâu “Vua” nữa mà “ngự”. Tương tự, “Bến đò quan” thay bằng “Cầu Đò quan”. Cả hai cách thay đổi tên này đều chả ăn nhập gì (đã “phố” sao còn gọi “Bến”? Đã “cầu” sao còn gọi “Đò”, lại còn “Đò Quan”, trong khi cả bàn dân thiên hạ, đều được đi qua chiếc cầu đó, chứ đâu chỉ có “Quan” như cái Bến đò Quan xưa? Có chăng đặt tên thế, chỉ có tác dụng gợi nhớ về hai địa danh “một thời vàng son” mà thôi!).

 

Đê sông Đào phía giáp nội thành cũ, cũng dã từ con đê đắp đất, thành “công trình thế kỉ”, thành đường nhựa rộng sáu mét, kè đá chắc chắn, có hàng lan can bằng gang đúc, với những hoa văn lông lẫy. Lại có cả dẫy tường hoa, với rất nhiều cây cảnh, được chăm bón thường xuyên. Hàng ngày, vào hai buổi, sáng thì từ tinh mơ mờ đất cho đến bẩy tám giờ; tối thì từ lúc bắt đầu chập choạng cho đến mười giờ khuya; từng tốp từng tốp người – chủ yếu là người già, lũ lượt lên tập trên mặt đê. Đủ các kiểu tập, chạy có, dịch cân kinh có, y-ô-ga có, ngồi thiền có,… nhưng phổ biến nhất, là đi bộ. Song hành với những tốp tập đó, là các cặp tình nhân đi “tìm hiểu” nhau. Sự “tìm hiểu” thời nay cũng khác, rất ngang nhiên, ngay chỗ đông người qua lại, ngay dưới ánh đèn đường sáng trưng! Một phần tại sự du nhập khá là tùy tiện văn hóa Tây phường, cùng quan niệm “giải phóng tình dục” được tuyên truyền, cổ vũ bằng rất nhiều cách, rất nhiều phương tiện hiện đại và thô sơ, vô tình và hữu ý. Nhưng cũng còn thực tế này: nếu các đôi nam thanh nữ tú cứ rủ nhau đi tìm hiểu ở những nơi “kín đáo” kiểu thế hệ xưa, thì rất dễ mất an toàn; nếu không muốn nói là nguy hiểm! Vì lẽ đó, chưa đâu như nơi đây, có thể nhìn thấy một cách cụ thể và khá ấn tượng về sự “hòa hợp giữa nhiều thế hệ”, sự hành xử tự do của mỗi thế hệ; không ai can thiệp sự riêng tư của ai! Thật vậy, những cảnh “yêu” trên đê này mà diễn ra ở trong ngôi nhà của mình, hẳn là các bậc cha mẹ, ông bà không thể bình tâm được. Nhưng ở trên mặt con đê này thì khác. Nó giống như một thế giới mà trong đó, mỗi nhóm cộng đồng đều có quyền sống tự do theo quan điểm riêng của mình, mà không hề sợ ai ngăn cản, quấy rầy! Ngay cả pháp luật cũng đứng ngoài, bởi, trong những “cặp yêu” nơi đây, có khá nhiều cháu ở tuổi vị thành niên và chắc chắn cũng có khá nhiều đối tượng đang có vợ, có chồng, có con. Còn cả điều này nữa: cũng không hiếm các “cụ” ngoài thất thập! Thì ra sự giải phóng tình dục thời buổi tin học bùng nổ này,  không chỉ diễn ra ở môi trường thanh thiếu niên, mà còn ở cả lứa tuổi “xưa nay hiếm”!

 

Vợ chồng tôi tối nào cũng đi bộ dọc con đê này, bắt đầu từ trước nhà, đến dưới cây cầu bê tông mang tên “Đò quan”, thì quay trở lại. Chúng tôi thường gặp Vũ, một bạn đồng môn với tôi,  ngồi trên con trạch bê tông phía giáp sông. Vũ thường ngồi một mình, quay mặt nhìn ra sông. Tóc anh bạc trắng, lưng hơi còng, rất dễ nhận ra từ xa. Vài tối, chúng tôi lại ngồi lại, nói với nhau mấy câu tầm phào hoặc bình luận đôi lời dè dặt về thời cuộc. Có một lần Vũ đưa tôi một trang phô-tô, bài báo viết về sự trung thành của một con chó với người chủ của nó. Anh bảo: Trên đời này không có giống vật nào, sống trung thành với người nuôi nó như ngựa và chó. Con ngựa có thể xông pha lửa đạn cứu chủ; con chó có thể nằm ôm mộ chủ, nhịn đói cho đến chết. Tôi gửi e.mail cho Thủy, kể chuyện này, hắn mail lại: “Tao thèm được như chúng mày quá, tối tối ra ngồi trên bờ đê, ngắm con sông quê hương, đắm mình trong tiếng sóng vỗ nhè nhẹ, hồi tưởng lại cuộc sống thời thơ ấu của tụi chúng mình, Thuận ơi!”. Thủy khoe, cuốn phim “Chuyện tử tế” của Thủy, khởi quay từ cách đây 23 năm, “da doat giai Bo Cau Bac o Festival Leizig 1988”, Thủy kể, nay lại được ban tổ chức chọn tham gia liên hoan phim ở Viên, Áo. “Festival Film o Vienna la mot Festilval co uy tin, lau doi”. Mình nói với Thủy: Cái sự tử tế thì ở đâu, lúc nào cũng được tôn vinh! Vậy mà hồi đi dự ở Leizig, nó phải “đi thi chui” đấy!

 

Cũng có hôm Vũ không ngồi một mình, mà ngồi với cô con gái rượu. Cháu đã sắp sang tuổi “băm”, nền nã, nết na và cũng ưa nhìn. Bà nhà tôi hỏi: cháu làm ở đâu? Cháu làm ở cửa hàng may mặc tư nhân ạ. Bao giờ cho các bác “hút thuốc” đấy? Cháu cười! Vũ đỡ cho con:

- Lương thợ may thấp lắm, lại làm việc tới mươi giờ một ngày, nên chả có điều kiện…

 

Sau này thì tôi biết, cháu cũng đã có người yêu, nhưng khổ thân cháu, đó lại là một con nghiện! Bỏ thì thương, vương thì tội.

 

Trên đê này, như trên đã nói, chỉ có hai loại người: một là ra đây yêu nhau, hai là ra đây tập thể dục dưỡng sinh. Trường hợp bố con Vũ là ngoại lệ. Họ ra đây chỉ để “trốn chạy” khỏi không khí ngột ngạt của cái gia đình mà đã từ lâu lắm, không còn là gia đình.

 

Vũ lấy vợ ở tuổi gần bốn mươi, hơi muộn. Cô con gái hay ra đê ngồi với bố là con út. Cậu con trai cả mới lấy vợ, làm thế chân Vũ từ hồi anh đến tuổi về hưu.. Mấy năm nay, bà vợ Vũ phát chứng bệnh tâm thần. Ban ngày không sao, nhưng ban đêm hay thức dậy đi lang thang, nói lảm nhảm, làm cho hàng xóm cũng mất ngủ theo. Đã nhiều lần Vũ đưa vợ lên điều trị ở bệnh viện tâm thần kinh, nhưng chả ăn thua gì. Chỉ ôn ổn một thời gian, lại tái phát. Nhưng không chỉ có thế, thằng con cả của vợ chồng Vũ, thần kinh bình thường, cuộc sống bình thường, lương lậu thu nhập khá, lại không nghiện ngập. Vậy mà không hiểu sao, càng lớn lên, nó càng sống bất cần. Chửi mắng em gái đã đành, hắn còn thường xuyên chửi mắng cả cha mẹ đẻ. Thậm chí đã có lần, nó còn vác đòn gánh phang lại cả nhà một cách vô cớ nữa! Thời trẻ, Vũ từng là võ sỹ quyền Anh, dự đấu khá nhiều trận với những võ sỹ nổi tiếng một thời; thua có, nhưng thắng cũng có. Vậy mà trước thái độ hung hãn của thằng con lẻo khoẻo, lại im lặng chấp nhận! Hàng xóm nói: “Không biết kiếp trước ông bà Vũ vụng tu thế nào, chứ kiếp này chúng tôi thấy họ sống rất hiền lành, chả có điều tiếng gì với bà con lối xóm cả”.

 

Một tối, Vũ nói với tôi, có lẽ anh phải đi thuê một chỗ khác để ở, chứ thế này, căng thẳng quá! Chưa đi thuê, nhưng mấy tháng nay, Vũ đã rất ít có mặt ở nhà. Anh bảo “tránh voi chẳng xấu mặt nào”! Hễ cứ thấy mặt thằng con ló về nhà, là thằng bố dắt xe đạp đi luôn. Buổi sáng thì ra vườn hoa “ba con rồng phun nước”. Buổi chiều thì đến ngồi dưới chân tượng đài Đức Thánh Trần. Còn tối đến, lên mặt đê sông Đào, con sông gắn cả cuộc đời anh và tôi và rất nhiều người khác!

 

Tối nay, tôi giật mình trông thấy cánh tay trái Vũ bó bột. Anh giải thích, bị xe máy cán phải. Nhưng tôi đồ chừng không phải thế. Nhưng không dám căn vặn. Hoàn cảnh Vũ như thế, ai nỡ chạm vào nỗi đau? Ngồi trên đê một lúc, anh tự kể: Hôm qua bức súc quá, đành báo công an đến giải quyết. Phải ba anh công an mới lôi được thằng con “quý tử” lên đồn. Bắt nó làm giấy cam đoan không gây lộn nữa, rồi cho về. Về đến nhà, trông thấy bố, nó lại chửi luôn, chả nhụt tí nào cả! Thế là “hòa”. Tôi khuyên, không thể dùng biện pháp đó được đâu, bởi không khéo, sẽ làm cho nó nhờn với pháp luật. Hơn nữa, nếu làm quá, công an có thể sẽ tư giấy đến cơ quan nơi nó làm việc. Vớ được cái giấy đó, thời buổi “việc ít, người nhiều” như thế này, họ dễ đuổi việc hắn lắm. Thế thì cuộc đời Vũ còn khốn nạn hơn! Tôi bảo, nên tập trung vào lo gả chồng cho đứa con gái đi, giải thoát cho nó, chứ thế này thì sống làm sao?!. Vũ đáp:

- Ông bảo tôi gả con gái tôi cho thằng nghiện à? Chồng thế thì còn khốn nạn bằng mấy không chồng!

- Thì khuyên nó cắt đứt thằng nghiện đó đi, con gái ông như thế, thiếu gì đám dòm ngó?

- Có đấy! Một ông bạn thương tôi, cũng muốn hỏi cháu cho con trai ông ta, nhưng bị cái thằng nghiện kia nó phá. Nó dọa, tôi mà không gả con gái tôi cho nó, lại đi gả cho người khác, là không xong với nó. “Chỉ một mũi kim tiêm là đời như nhau hết!”. Hắn, cái thằng nghiện ma túy ấy,  tuyên bố thẳng thừng như vậy đấy!

- Khó lắm Thuận ơi! Khó sống lắm!

 

Vâng! Có ai đó đã nói: “sống mới khó, chứ chết, đơn giản lắm!”. Như Vũ đấy, ở cái tuổi ngoài bẩy mươi này, nếm trải đã đủ, chết lúc nào chả xong. Trăm viên thuốc ngủ uống với rượu mạnh, hoặc nhịn ăn lấy mấy tuần liền; hoặc ra đường phố, cứ nghênh ngang vượt đèn đỏ, là không dính ô tô cũng dính xe máy, chết dễ quá đi chứ! Nhưng chết làm sao được? Vợ như thế, con gái như thế, bỏ mặc họ mà thoát lấy một mình sao? Nợ đời! Nợ đời còn nặng gánh lắm, chưa thể rũ áo được đâu! Vậy mà vẫn có người còn ghen tị với Vũ đấy. Một ông già cô đơn, không vợ không con, mếu máo nói với Vũ:

- Tôi thèm được một phần cuộc sống gia đình như ông… Cho dù có bị con cái chửi mắng, đánh đập, nhưng hàng ngày tôi vẫn còn thấy mình đang có một gia đình, đang có những đứa con cần đến sự có mặt của mình trên cõi đời này. Chứ như tôi thế này, thật khốn nạn quá, khốn nạn quá!..

 

Thì ra cái sự khốn nạn, xưa nay vốn không có tận cùng!

Tối nay. Vợ chồng tôi lại lên đê đi bộ. Lại trông thấy Vũ ngồi đấy, một mình, quay mặt nhìn ra sông, im lặng. Ngay cạnh đấy, mấy cặp nam nữ đang ôm nhau. Họ cũng im lặng, chỉ khác là không nhìn ra sông, mà nhìn vào mắt nhau! Hạnh phúc và bất hạnh đan chen nhau, cùng xuất hiện bên cạnh con sông quê hương, với những địa danh một thời vàng son – Bến Đò Quan, Bến Ngự!...  

Trần Huy Thuận
Số lần đọc: 2621
Ngày đăng: 30.10.2008
[ Trở lại ] [ Tiếp ]
In tác phẩm Góp ý Gửi cho bạn
Cùng thể loại
Thư gửi người tình trăm tuổi - Khuất Đẩu
Bóng Nắng - Nguyễn Lệ Uyên
Thằng đổ vỏ - Trần Huy Thuận
Đọp-nhà thơ - Trần Kỳ Trung
Dì ghẻ - Trần Trung Sáng
Vai phụ - Nguyễn Minh Phúc
Bức thư người quá cố - Từ Dạ Linh
Mẹ mất rồi hồn mẹ có còn không? - Đông La
Dáng thú - Y Uyên
Đêm thành phố đầy sao - Nguyễn Thúy Ái
Cùng một tác giả
Tắm gội! (tạp văn)
Đồng Môn (tạp văn)
Nợ ...miệng ! (tạp văn)
Đứng và Đi (tạp văn)
Cha tôi (tạp văn)
Thắng ngố - 8 (tạp văn)
Ngu lâu ! (tạp văn)
Con mèo lười (tạp văn)
Kẻ đóng thế (tạp văn)
Bầu bán! (tạp văn)
Thằng đổ vỏ (truyện ngắn)
Tội sống ! (truyện ngắn)
Hai bà góa (truyện ngắn)
Sợ ! (tạp văn)
Cái … danh! (tạp văn)