Ủng hộ VCV
Số tác phẩm
28.861 tác phẩm
2.760 tác giả
1.183
123.218.152
 
Có hay không Thống chế Trần Đồng?(*)
Phạm Quang Minh

Những năm gần đây, một số bài viết trên các sách, báo, tạp chí thường nói về nhân vật "Thống chế Trần Đồng” với chiến công hiển hách đã anh dũng chỉ huy trận đánh được mệnh danh là "trận đấu pháo” của quân nhà Nguyễn tại Pháo đài Phước Thắng (Vũng Tàu) vào hạm đội của quân xâm lược Pháp ngày 10-2-1859. Trong trận chiến đó Trần Đồng đã tử trận trên sa trường. Sách "Lịch sử Việt Nam tập II", Nxb Khoa học Xã hội, 1985 viết: "ngày 10-02-1859, hải quân Pháp bắn đại bác vào Vũng Tàu. Trong trận đầu, Thống chế Trần Đồng tử trận. Giặc đánh phá Pháo đài Phước Thắng..."(1). Có lẽ dựa trên những thông tin đó, thành phố Vũng Tàu đã đặt tên cho một đường phố (nối từ đường Trương Công Định đến Nam Kỳ Khởi Nghĩa) là đường Trần Đồng, hẳn là để ghi nhớ công lao của vị tướng quân đã vị quốc vong thân.

 

Nhưng sau sự việc Trần Đồng được tôn vinh như một danh nhân tiêu biểu của địa phương, nhiều nhà nghiên cứu lịch sử đã tỏ ý hoài nghi. Một số tác giả từng viết bài về chiến tích và sự hy sinh của Thống chế Trần Đồng như đã nói ở trên, khi được hỏi, thì đều trả lời là không rõ sự việc mà chỉ dẫn lại thông tin của người viết trước. Các thông tin đưa ra đều không có căn cứ sử liệu xác đáng, nên thật khó mà tin cậy. Vậy Thống chế Trần Đồng là ai? Đó là nhân vật lịch sử có thực hay chỉ là huyền thoại hư cấu? Cần dựa trên chứng cứ sử liệu để làm sáng tỏ nghi vấn trên.

 

Trong quan chế triều Nguyễn, chức danh Thống chế là "sĩ quan cao cấp hàm Chánh nhị phẩm Võ giai, cáo thụ Nghiêm uy tướng quân, Chỉ huy trưởng các quân doanh lớn, hoặc phó đô thống trong phủ đô thống. Những quan Tổng đốc thường có chức vị này"(2). Theo định chế trên thì Thống chế Trần Đồng chức vị phải ngang bằng Đề đốc tỉnh Gia Định và Ông phải là Tổng chỉ huy của lực lượng quân đội Nhà Nguyễn tại mặt trận Vũng Tàu - Cần Giờ tháng 2-1859. Thế nhưng, sách Đại Nam thực lục chính biên lại mô tả: "Tự Đức năm thứ 12 (1859). Quân Tây dương bắn phá pháo đài Phước Thắng (Biên Hòa). Lãnh binh Bùi Thỏa lui quân đến đóng ở Bào Trâm. Vua sai tỉnh thần Nguyễn Đức Hoan phái lính đến giữ Gành Rái…"(3).

 

Theo chính sử nhà Nguyễn (Đại Nam thực lục chính biên) thì trong trận chiến Tết Kỷ Mùi (ngày 10-2-1859) vị chỉ huy cao nhất tại pháo đài Phước Thắng (Vũng Tàu) là Lãnh binh Bùi Thỏa, võ quan đứng đầu lực lượng quân sự tỉnh Biên Hòa. Chỉ huy mặt trận Cần Giờ là Quyền Đề đốc Gia Định Trần Tri. Chỉ huy mặt trận vịnh Gành Rái là Tuần phủ Biên Hòa Nguyễn Đức Hoan(4). Sau khi thành Gia Định thất thủ thì Quyền Đề đốc Trần Tri, Bố chánh Vũ Thực, Lãnh binh Tôn Thất Năng chạy đến bảo (đồn) Tây Thái, huyện Bình Long. Hộ đốc Vũ Duy Ninh chạy ra huyện Phước Lộc, thắt cổ chết ở thôn Phước Lý. Án sát Lê Từ rồi cũng tự tử. Tháng 12-1859, Triều đình xử tội các viên quan chỉ huy đã để thua trận Phước Thắng và thành Gia Định. Quan Lãnh binh Bùi Thỏa bị cách chức vì để thua trận ở Phước Thắng, tỉnh Biên Hòa(5). Đại Nam thực lục chính biên không hề nhắc đến người nào là Thống chế Trần Đồng.

 

Mặt khác, theo truyền thống đạo lý của dân tộc ta thì những người đã vì nước quên thân, từ tướng lãnh cho tới nghĩa sĩ đều được nhân dân lập đền miếu thờ phụng, ghi nhớ công ơn "sinh vi tướng, tử vi thần", triều đình lưu danh sử sách. "Thống chế Trần Đồng” không thấy nêu trong các sách sử nhà Nguyễn mà ở Vũng Tàu, được cho là nơi Ông đã hy sinh, cũng không thấy có đền thờ hay bàn thờ Ông. Ngay cả ngôi mộ (địa điểm an táng) Ông cũng không có vết tích như mộ của các anh hùng áo vải đã anh dũng kháng Pháp, trong khi Ông là mệnh quan lớn của triều đình (hàm Chánh nhị phẩm). Tiểu sử của Ông đang còn là một bí ẩn. Thiết nghĩ một nhân vật chưa xác định được có thật hay không, lai lịch còn chưa rõ ràng, mà đã lấy tên để đặt cho đường phố là việc làm cần xem xét lại.

 

Không hiểu căn cứ vào tài liệu nào mà sách "Lịch sử Việt Nam" tập II của Ủy ban Khoa học Xã hội Việt Nam lại cho rằng Thống chế Trần Đồng đã chỉ huy trận đánh tại Pháo đài Phước Thắng (10-2-1859) và đã hy sinh tại trận địa. Chi tiết này của sách "Lịch sử Việt Nam" tập II có thể coi là chi tiết đầu tiên không khớp với Đại Nam thực lục chính biên. Trong khi các sự kiện diễn biến sau đó tại mặt trận Cần Giờ và trên đường hành tiến của quân Pháp theo sông Lòng Tàu, Sài Gòn công phá thành Gia Định mà sách này mô tả, lại trùng khớp với sách Đại Nam thực lục chính biên, do Quốc sử quán Triều Nguyễn biên soạn.

 

Để làm rõ hơn về thân thế sự nghiệp của nhân vật "Thống chế Trần Đồng”, thiết nghĩ Hội Khoa học Lịch sử tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu với chức năng phản biện lịch sử, nên phối hợp cùng UBND thành phố Vũng Tàu tổ chức một cuộc hội thảo khoa học về Trần Đồng, có sự tham gia của các nhà khoa học, nghiên cứu lịch sử có uy tín trong nước và tại địa phương. Nếu những nghi vấn về Ông được làm sáng tỏ, thì điều đó cũng có nghĩa là cơ sở khoa học của việc đặt tên đường phố Trần Đồng cũng được trở nên minh bạch.

 

(*) Bài đăng báo Bà Rịa – Vũng Tàu số 3966 (15/11/2006)

(1). UBKH Xã hội Việt Nam. Lịch sử Việt Nam tập II. Nxb Khoa học Xã hội, 1985, tr. 37

(2). Trần Thanh Tâm. Quan chức nhà Nguyễn. Nxb Thuận Hóa, 2000

(3, 4, 5). Quốc sử quán Triều Nguyễn. Đại Nam thực lục (chính biên). Nxb Sử học. Hà Nội, 1963

Phạm Quang Minh
Số lần đọc: 3074
Ngày đăng: 30.10.2008
[ Trở lại ] [ Tiếp ]
In tác phẩm Góp ý Gửi cho bạn
Cùng thể loại
Nguyễn Hoàng và bước đầu tiến vào vùng Nam Trung Bộ - Nguyễn Thị Hậu
Văn chương và lịch sử - Phác thảo một cách nhìn - Nguyễn Mạnh Hà
Người tôn vua Duy Tân và cứu Phan Châu Trinh thoát khỏi án chém - Nguyễn Hoàn
Góp một cách nhìn về Lịch sử Nhật Bản - Hà văn Thùy
Thử phân biệt truyền thuyết và lịch sử - Võ Phúc Châu
Nhiệm vụ nghiên cứu sử - Khổng Ðức
Các ý kiến về chiếu cần vương giả mạo - Nhiều Tác Giả
Về cái được gọi là “chiếu cần vương – D’argenlieu – 03-7-1889” - Trần Xuân An
Bàn thêm về cội nguồn dân tộc Việt Nam - Hà văn Thùy
Bàn thêm về thông báo cho thiên hạ cần vương (cáo dụ cần vương), lệnh dụ thiên hạ cần vương & cụm từ “tờ chiếu cần vương của vua Hàm Nghi” - Trần Xuân An