Ủng hộ VCV
Số tác phẩm
28.861 tác phẩm
2.760 tác giả
1.187
123.217.290
 
Về di tích Bàu Thành
Phạm Quang Minh

Bao giờ Bưng Bạc hết sình

Bàu Thành hết nước thì mình hết thương

( ca dao )

 

Theo Quốc lộ 55, qua khỏi trung tâm thị trấn Long Điền, nhìn về phía trái bắt gặp một bàu (ao) nước có bờ đất cao bao quanh, bên ngoài những khóm tre đan dày xanh tươi, tựa bức tường thành chở che cho bàu nước vững trãi, trường tồn theo năm tháng. Đó là Bàu Thành, một bàu nước lớn có hình chữ nhật (dài 450m, rộng 250m), nằm cách đình Long Phượng khoảng 100m về phía đông, thuộc thôn Long Phượng, thị trấn Long Điền, ở tọa độ địa lý 100 29' 318" vĩ bắc, 107 0 13' 400" kinh đông.

 

Địa điểm này đã được P.Paris khai quật, ở độ sâu 1,60m tìm thấy gốm, con lăn (chày dạng pesani) bằng đá sa thạch. Những hiện vật này được đưa về Viện Bảo tàng Sài Gòn (nay là Bảo tàng Lịch sử thành phố Hồ Chí Minh). Sau đó được Malleret nghiên cứu năm 1963 và cho rằng gốm tìm thấy ở Bàu Thành là gốm Óc Eo và Bàu Thành chính là cương vực phía đông của vương quốc Phù Nam và sau này (từ giữa TK VII) là Chân Lạp.

 

Bàu Thành còn có tên là Bàu Voi tắm(1), vì có ý kiến cho rằng xưa kia đây là công trình được đào đắp làm nơi chứa nước để cho đàn voi chiến của nhà vua uống nước và tắm. Nhưng lần tìm trong sách “Gia Định Thành thông chí”, lại thấy Trịnh Hoài Đức viết rằng: “Lũy Phước Tứ ở phía đông trạm Hương Phước, ngay đường cái quan. Trước kia chính vương Cao Miên là Sô đóng ở thành Vũng Long, phó vương là Nộn đóng ở thành Sài Gòn, con trai trưởng Sô là Bô Tâm vì không được làm vua, giết cha là Sô mà tự lập... Thế Nộn nguy bách, chạy sang Dinh Thái Khang. Bô Tâm bèn tiến đánh Sài Gòn... đắp lũy đất ở đầu Mỗi Xoài, ngoài trồng tre gai, lại thêm binh và voi để phụ giữ, thế rất vững vàng.

 

Tháng giêng, năm Giáp Dần (1674), Chúa sai tướng dinh Thái Khang là Nguyễn Dương đem quân đi đánh, cho Nguyễn Diên làm cai cơ thống lĩnh quân tiên phong. Tháng 3, Diên Lộc hầu đến lũy Mỗi Xoài trước, nhân Cao Mên không phòng bị, đem quân đi nhanh đến đánh úp, gươm không dính máu. Qua 3 ngày, quân Cao Mên các nơi họp lại, vây đánh rất dữ. Diên Lộc hầu đóng cửa lũy mà giữ không ra đánh. Rồi đại binh của Dương Lâm hầu ập đến, bèn hợp sức ra đánh. Quân Cao Mên cả vỡ, chết và bị thương rất nhiều. Bởi thế mới gọi lũy này là lũy Phước Tứ. Lũy ấy các đời vẫn đóng giữ, cho là chỗ đóng đồn quan yếu của đạo Mỗi Xoài”. Ông cũng cho biết: “Dục tượng trì tục gọi là Bàu Thành ở phía bắc lũy Phước Tứ, tổng Phước Hưng, huyện Phước An, trước là chỗ Bô Tâm nước Cao Mên đóng quân cho voi tắm, chung quanh đắp đê đất. Nay thành cũ vẫn còn”(2).

 

Câu chuyện lưu truyền trong dân gian về Bàu Thành là nơi mà vua nước Chân Lạp dùng cho voi tắm và uống nước là có cơ sở. Tuy nhiên sự kiện đó diễn ra vào cuối thế kỷ XVII (1674), cách ngày nay 332 năm. Bàu Thành thực chất là tên gọi mang tính dân gian truyền miệng của người Việt khi mới đến khai phá vùng đất này dùng để chỉ địa điểm họ đang sinh sống - nơi có bàu nước và có bờ đất đắp cao (giống như bức tường thành mà họ đã từng gặp) nên gọi ghép là Bàu Thành. Sau này tại Long Điền còn xuất hiện các địa danh chợ Thành, giáo xứ họ Thành... Địa điểm Lũy Phước Tứ mà Trịnh Hoài Đức đã mô tả chính là vị trí thôn Long Phượng ngày nay. Các cụ cao niên ở địa phương cho biết khu đất nơi có đình Long Phượng và chùa cổ Long Bàn tọa lạc xưa có tên gọi là Gò Đồn. Niên đại của Bàu Thành còn sớm hơn nhiều. Hiện nay, qua nghiên cứu các vết tích và di vật khảo cổ học, các nhà chuyên môn cho rằng “Loại hình di tích gò - bàu dạng Bàu Thành có nội hàm như là một trung tâm tôn giáo, phục vụ đời sống  tâm linh, thực hiện các lễ hội của các tín đồ Ấn Giáo trong vùng và nước trong bàu chỉ  dùng để thực hiện nghi lễ “tắm rửa” tượng hoặc phục vụ ăn uống”(3)

 

Chúng tôi đã tiến hành khảo sát lại toàn bộ xung quanh bàu nước, bước đầu nhận thấy đây là một hồ chứa nước nhân tạo có dạng hình chữ nhật diện tích gần 12 ha, xung quanh bờ (dân địa phương gọi là giồng) còn khá cao, hiện tại có chỗ cao nhất khoảng 5m, bờ rộng từ 20 - 25m, xung quanh bàu có luỹ tre mọc dày, phía bắc bàu là giồng Cây Cấy, phía đông là giồng Gò Chùa, phía nam là giồng Bà Thông, giồng phía tây chưa rõ tên. Qua khảo sát thực tế cho thấy có thể người xưa đã sử dụng một gò đất laterít khá lớn để đào bàu. Vì khi xem xét địa hình hai bên bờ bắc và nam, thấy bờ đất có dạng mai rùa, ở giữa cao thoải dần về hai phía và đất ở trên hai bờ này là đất đồi laterít. Khảo sát bên  bờ phía bắc vẫn còn thấy được sườn thoải của gò đất. ở góc phía đông bắc của bàu còn dấu tích của một cửa nước, cửa này dẫn nước từ suối Ngang là một nhánh của suối Đá Nghệ về bàu. Hiện tại nước trong bàu sâu khoảng 1m, vào mùa mưa nước sâu 3 - 4m. Hiện nay trong bàu người dân đã sử dụng để trồng sen, rau khoai.

 

Năm 2002 đoàn khảo sát(4) đã sửa lại vách của hố đất nằm ở khu vườn phía nam của đình Long Phượng, nơi nghi vấn chỗ khai quật của P. Paris để phúc tra lại. Về cơ bản địa tầng như sau: Từ 0-0,15m lớp đất mặt màu đen xám chứa nhiều mảnh gạch ngói từ thời Nguyễn đến hiện đại. Từ 0,15 - 0,85m đất màu xám vàng chứa rất ít mảnh ngói Nguyễn và một ít mảnh gốm thô thời Chân Lạp (TK IX- X).  Từ 0,85m trở xuống là sinh thổ ,cát màu nâu vàng không chứa hiện vật. Địa tầng ở đây rất mờ nhạt khả năng nghiên cứu rất ít.

 

Cách Bàu Thành khoảng 800m về phía nam là địa điểm Gò Cây Cám, đây là một gò cát khá lớn nằm trên địa phận ấp An Hoà, xã An Ngãi. Tại đây vào năm 1999 trong khi san ủi mặt bằng để mở đường chạy qua đỉnh gò đã phát hiện một pho tượng đá. Theo giám định của Trung tâm khảo cổ học (Viện Khoa học Xã hội Vùng Nam bộ) thì tượng Phật bằng đá này mang phong cách của văn hoá thời kỳ hậu Óc Eo. Con đường mới mở này chạy qua đỉnh gò, đất trên gò là đất pha cát có màu xám đen, hiện nay gò đã bị san bạt phần lớn để làm nhà. Trên mặt đất có một số mảnh gốm màu đỏ xương pha cát, cứng, thuộc thời Chân Lạp (TK IX- X). Song dấu hiệu ở đây rất mờ nhạt khả năng tìm thấy di chỉ là rất khó.

 

Qua thực tế khảo sát  nhận thức sơ bộ về di tích Bàu Thành cho thấy các khu vực lân cận có vết tích của người Phù Nam (TK I – VII) và sau đó là người Chân Lạp, những cư dân đã sinh sống ở đây trước khi có người Việt đến khẩn hoang lập ấp, mở nước vào cuối thế kỷ XVII. “Như vậy, từ những tư liệu khảo cổ, lịch sử nói trên có thể xác định di tích Bàu Thành được hình thành vào khoảng thời gian này, từ thế kỷ IX – XI, chủ nhân là tộc người bản địa chịu ảnh hưởng văn hóa Ấn Độ đã sinh sống ở vùng Long Điền từ thời Phù Nam đến thời cận đại”(5). Người xưa đã biết lợi dụng địa hình tự nhiên để đào hồ chứa nước, vừa tiết kiệm thời gian và nhân lực mặt khác khi dựa vào địa hình gò tự nhiên đáp ứng được yêu cầu kỹ thuật của bờ giữ nước là rất chắc chắn. Không có một dấu vết nào về sự cư trú hay hiện vật xuất lộ.

 

Hiện nay di tích đang được quy hoạch xây dựng và bảo vệ nằm trong khu Trung tâm văn hoá, thể thao của huyện Long Điền. Di tích này hiện còn nhiều điều bí ẩn, cần thiết phải có những công trình nghiên cứu nữa mới  làm sáng tỏ.

 

Chú thích:

1. Đầu thế kỷ XX, người Pháp dựng tại Bàu Thành một tấm biển bằng ciment có khắc dòng chữ: Mareaux eléphants (bàu voi tắm)

2. Trịnh Hoài Đức. Gia Định thành thông chí. Nxb Giáo dục, 1998. Tr189, 191

3, 5. Báo cáo “khảo sát và đào thám sát tại khu vực di tích đình Thần Long Điền-2008. Tài liệu lưu trữ tại Bảo tàng Bà Rịa-Vũng Tàu

4. Đoàn khảo sát do TS Vũ Quốc Hiền làm trưởng đoàn, các thành viên gồm có: Chu Văn Vệ, Nguyễn Mạnh Thắng, Lê Văn Chiến (Bảo tàng Lịch sử Việt Nam); Phạm Quang Minh, Nguyễn Văn Tâm (Bảo tàng Bà Rịa-Vũng Tàu).

 

TÀI LIỆU THAM KHẢO

1. Trịnh Hoài Đức. Gia Định thành thông chí. Nxb Giáo dục, 1998

2. L. Ménard. Monographic de la Frovice de Baria et de la ville du Cap Saint –Jacques . Sài Gòn, 1902.

3. Bảo tàng Bà Rịa-Vũng Tàu. Báo cáo khai quật nghiên cứu khảo cổ học di chỉ B­ưng Bạc.  Đề tài nghiên cứu khoa học, Sở Khoa học Công nghệ Môi trư­ờng tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu, 1995.

4. Bảo tàng Lịch sử Việt Nam; Bảo tàng Tổng hợp Bà Rịa-Vũng Tàu. Báo cáo điều tra khảo sát khảo cổ học trên địa bàn tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu năm 2002. Hà Nội, 12-2002

5. Đào Linh Côn “khảo sát và đào thám sát tại khu vực di tích đình Thần Long Điền-2008.

6. Nguyễn Đình Đầu, Địa lý lịch sử  thành phố Hồ Chí Minh, trong Địa chí văn hóa thành phố Hồ Chí Minh, NXB TP. HCM, 1987.

7. Paris.P, CEFEO, 1939; L. Malleret, ADM, 1963.

 

Phạm Quang Minh
Số lần đọc: 3104
Ngày đăng: 01.11.2008
[ Trở lại ] [ Tiếp ]
In tác phẩm Góp ý Gửi cho bạn
Cùng thể loại
Có hay không Thống chế Trần Đồng?(*) - Phạm Quang Minh
Nguyễn Hoàng và bước đầu tiến vào vùng Nam Trung Bộ - Nguyễn Thị Hậu
Văn chương và lịch sử - Phác thảo một cách nhìn - Nguyễn Mạnh Hà
Người tôn vua Duy Tân và cứu Phan Châu Trinh thoát khỏi án chém - Nguyễn Hoàn
Góp một cách nhìn về Lịch sử Nhật Bản - Hà văn Thùy
Thử phân biệt truyền thuyết và lịch sử - Võ Phúc Châu
Nhiệm vụ nghiên cứu sử - Khổng Ðức
Các ý kiến về chiếu cần vương giả mạo - Nhiều Tác Giả
Về cái được gọi là “chiếu cần vương – D’argenlieu – 03-7-1889” - Trần Xuân An
Bàn thêm về cội nguồn dân tộc Việt Nam - Hà văn Thùy