Ủng hộ VCV
Số tác phẩm
28.861 tác phẩm
2.760 tác giả
1.125
123.228.400
 
Mảnh vụn
Ngọc Hiệp

Nhà vợ chồng Quới cách nhà tôi ba căn. Cả hai căn nhà cùng nằm bên con rạch nhỏ của cống Mụ Nghệ chảy vào xóm ngoại ô Thị xã. Mùa mưa sắp đến, Quới tạm nghỉ đi làm thuê một ngày để ở nhà mua chục lá lợp chèn lại cái mái dột nhiều nơi. Quới leo lên mái nhà, vợ đứng dưới chuyền lên cho anh từng tấm lá.

 

Sáng nay, xóm tôi bổng vắng tiếng hót của những chú chim chìa vôi quen thuộc. Nghĩ mà giận cho bọn săn chim, chúng vác súng săn vô xóm vài hôm thì không còn bóng dáng chú chim nào trên cây bằng lăng nơi mé rạch. Xóm nhỏ nầy vốn yên tĩnh, lại yên tĩnh nhiều hơn. Nhưng sự yên tĩnh bị phá vỡ khi vợ Quới gào thét với đứa con trai:

 

- Binh!...Mày có biết bây giờ là mấy giờ rồi không? Sao còn nằm nướng trong mùng…Tao kêu một tiếng nữa thì đời mầy tàn… như cục đá mài dao.

 

Vẫn không có tiếng thằng Binh trả lời, vợ Quới gằn giọng gọi to hơn:

 

- Binh…Binh…

 

Am giọng sau cùng của Quới nghe rất to và nặng. Như bất lực trước sự lì lợm của con, vợ Quới ngừng tay đưa lá, rút cây chổi lông gà vắt trên vách lao vào giường quất túi bụi vào đứa con  mười bốn tuổi đang ngủ. Chị vừa quất vừa la cùng lúc giọng thằng bé vừa kêu trời vừa khóc thét. Như quen cảnh nầy, Quới bình thản chèn tiếp những lỗ thủng trên mái nhà, không hề có thái độ nào với vợ, mặc dù vợ anh luôn miệng réo anh xuống xử lý thằng con. Nhưng khi chị chưởi:

 

- Đồ lì lợm!...Mày giống cái thằng cha mày…

 

Quới nhảy phắt xuống đất trong lúc thằng Binh  bị đòn đau chạy bổ ra con hẻm. Cọc vé số vừa nhận ở đại lý chiều qua bị mẹ nó ném theo sau lưng đổ tung trên đường đất. Quới đến trước mặt vợ, gằn giọng hỏi:

 

- Bà nói cái gì?...Nói lại tôi nghe coi.

 

Như bị chạm vào thần kinh, vợ  Quới la hét khai ra những chuyện xấu của chồng và con và những chuyện không vui trong gia đình. Cái quá khứ khổ đau của Quới được chôn kỹ bổng bị quật mồ. Biết mình vô phương khuyên can vợ, Quới quay ra phân trần với mấy người hàng xóm:

 

- Bà con thấy không, nhà tôi dột nát không lo chèn lại, cứ kiếm chuyện làm cho gia đình tan nát thêm thôi.

 

Những người trong xóm định vào can thiệp nhưng lại e dè, họ sợ khi can thiệp, thì quá khứ không đẹp của họ sẽ bị vợ Quới quật mồ. Những người đứng xem và tôi, chưa kịp mở miệng nữa lời, vợ Quới quay sang huơ tay nói xẵng:

 

- Mấy người về hết đi, đèn nhà mấy người cũng tối thui thôi.

 

Mọi người tản ra, tôi cũng thụt vô nhà. Giọng đanh đá của người đàn bà ấy cứ đuổi theo sau tôi vào tận trong nhà. Tôi dùng cái head phone của chiếc máy Cassette chụp kín vành tai rồi mở thật lớn những bài hát tiền chiến trữ tình. Giọng chanh chua của vợ Quới không có chỗ thẩm thấu vào màng nhĩ tôi, nó lại tìm đường chui vào tận đáy lòng tôi. Tội nghiệp cho cái xóm nhỏ nầy quá. Ai đã cướp mất tiếng chim chìa vôi buổi sáng để giờ đây có người thay vào đó những lời đanh đá khó nghe.

 

Tôi buồn quá! Đi thôi!...

 

* * *

 

Trong công viên Thị xã Vĩnh Long có một quán cà phê không “xập xình” tiếng nhạc, chỉ có những giọng hót thanh tao của những loài chim cảnh. Tôi nghe ông bạn ngồi uống cà phê gần đó khen giọng hót của chim:

 

- Đúng là chim khôn kêu tiếng rảnh rang

 

Tôi ngồi nhấm nháp chút cà phê mong hưởng thụ được một khoảnh khắc thanh thản trong ngày. Giống chim được nuôi nhiều nhất ở đây là chim chìa vôi. Nhìn chúng, tôi nhớ những chú chim chìa vôi đậu trên nhánh bằng lăng trước nhà. Người ta treo hơn hai mươi chiếc lồng chim trên cây sào tầm vông trông thật vui mắt. Chủ của các lồng chim ấy cũng ngồi quây quần uống cà phê và nói chuyện nuôi chim. Đối với họ, nuôi và huấn luyện chim là một thú tiêu khiển đầy nghệ thuật. Vậy mà họ chịu khó dạy chúng hót. Còn tôi, dạy con nói những điều hay lẽ phải sao khó vô cùng. Các con tôi không chửi thề là một điều may mắn.

 

Mỗi sáng, lũ chim được mang đến sân nầy thi nhau đấu hót. Chú chim nào cũng muốn trình diễn hết tài năng của mình nên thốt lên những giai điệu bổng trầm thánh thót. Có khi chúng cùng bạn láng giềng ở chiếc lồng bên cạnh cùng xướng lên một điệu gì đó nghe rất vui nhộn.

 

Giữa lúc mọi người đang thưởng thức tiếng chim, có hai người mang hai chiếc lồng ra một góc sân mở cửa và áp hai lồng vào nhau. Hai chú chim chìa vôi hiếu chiến ấy không thèm hót nữa, chúng lao vào nhau cấu xé rất dữ tợn. Bây giờ tôi mới thấy bọn chìa vôi cũng đối xử vơi nhau rất võ biền. Những ấn tượng đẹp về loài chim nầy tan biến trong tôi. Tôi vừa trốn chạy cuộc cãi vã của con người mong được hưởng những khoảnh khắc đẹp của cuộc sống, lại gặp chuyện ấu đả của loài chim. Có giọng của một đứa trẻ cắt ngang dòng suy nghĩ của tôi:

 

- Chú Hiệp! Mua dùm con vài tờ vé số để con về kịp giờ đi học. Hôm nay bán ế quá…

 

Nghe gọi đúng tên, tôi giật mình nhìn thằng bé. Thì ra nó là thằng Binh. Đứa bé hàng xóm mỉm cười thân thiện với tôi. Nụ cười ấy không thể giấu một nỗi buồn đang chìm xuống trong lòng nó. Tôi thân thiện hỏi nó:

 

- Bán ế tại bữa nay có chuyện buồn phải không?

 

Anh mắt long lanh của thằng Binh cụp xuống trong im lặng. Tôi tự trách mình là kẻ khơi dậy niềm đau của một người bạn nhỏ. Để xóa lỗi mình, mong thằng Binh quên đi lời tôi vừa nói. Tôi lảng sang chuyện khác:

 

- Cứ lấy đại cho chú năm tờ không cần lựa.

 

Nhét năm tờ vé số vào túi quần xong, tôi móc túi trao nó mười ngàn và nghĩ thầm trong bụng: “Nếu trúng độc đắc, mình sẽ cho nó vài triệu chắc nó mừng lắm”. Thằng Binh lí nhí cám ơn tôi rồi bước sang bàn bên cạnh. Nó đi rồi tôi giật mình nhớ lại số tiền hai mươi ngàn vợ tôi đưa mua thức ăn cho cả nhà dùng trong ngày bây giờ chỉ còn lại mười ngàn. Tôi nhủ lòng: “Thôi kệ, mình sẽ nói với vợ chịu khó ăn tằn tiện một bữa để lấy tiền mua một niềm vui. Biết đâu chiều nay mình… trúng số”.

 

Ngày nay, niềm vui đến với tôi rồi ra đi chẳng một lời từ biệt, còn nỗi buồn đi rồi lại đến với tôi như một người khách không mời.

 

Tôi buồn quá! Về thôi!...

 

* * *

 

Về đến nhà, hình ảnh đầu tiên tôi thấy được là thằng Ti, con trai lớn của tôi đang ghì đầu vào máy vi tính chơi trò chơi điện tử.. còn con bé Khuê ba tuổi đang khóc nhè đòi mẹ. Vợ tôi loay hoay ngoài mé rạch giặt một thao quần áo to tướng. Chẳng ai bận tâm đến chuyện con bé Khuê đang kêu khóc. Tôi ẵm nó lên dỗ dành rồi quay sang thằng Ti ôn tồn nói:

 

- Ti! Con đừng chơi nữa, gần thi học kỳ rồi sao không xem lại bài vở?

 

Thằng Ti không nghe lời tôi nói, nó cừ vùi mắt vào trò chơi đang hiển thị trên màn hình. Nhớ thằng Binh bên hàng xóm, tôi giận con mình. Cũng may, tôi không ầm ĩ quát tháo như những lần trước. Tôi lựa lời khuyên bảo nó:

 

- Con nhường máy cho ba làm hình cho khách. Có hàng gắp, ba cần làm ngay.

 

Thằng Ti từng hứa với tôi, khi tôi cần sử dụng máy tính để làm việc kiếm tiền sinh sống, nó sẽ giao lại máy cho tôi làm việc. Giờ đây, nó có dịp thực hiện sự tôn trọng lời hứa của nó, nó vào trong lấy tập học ra xem lại bài vở trong ngày.

 

Tôi bày trò chơi cho con Khuê để nó vui không vòi vĩnh mẹ đang bận rộn việc nhà.

 

Trong những món đồ chơi của Khuê, có một bức tranh nó rất thích. Đó là bức tranh “ngôi nhà hạnh phúc của thỏ nâu”. Bức tranh ấy được vẽ trên gỗ thông rồi cưa ra thành từng mảnh vụn có đường nét ngoằn ngoèo giành cho trẻ con lắp ráp. Nhưng con bé không muốn tháo ra ráp lại như anh nó từng chơi, nó chỉ muốn ngắm trọn vẹn ngôi nhà hạnh phúc đó thôi. Trước kiểu chơi của nó, tôi có cảm giác như nó sợ vỡ tan cái hạnh phúc của ngôi nhà đáng yêu ấy.

 

Vợ tôi giặt đồ xong quay sang vo gạo nấu cơm và ra ngoài rạch gọt trái bầu chuẩn bị nấu canh. Tôi thấy vợ mình làm việc thiếu tính khoa học nên góp ý:

 

- Nhà mình nấu cơm bằng bếp điện, em nên bắt nồi cơm lên bỏ đó trước khi giặt quần áo. Làm như vậy mới kịp cho thằng Ti ăn trước giờ vào lớp.

 

Đang mệt vì những công việc nội trợ, lại nghe tôi… “dạy đời”. Vợ tôi nổi cáu:

 

- Mệt muốn chết không ai tiếp cứ cà nhõng đi uống cà phê, còn tốn tiền mua vé số, chưa chắc trúng… Anh có giỏi thì vô đây mà làm thay cho tôi.

 

Thường tôi không thể chịu đựng nổi thái độ đó của vợ, tôi sẽ nổi nóng quát tháo ngay lập tức: “ Thì em cũng ra ngoài làm thay công việc của tôi đi”. Nhưng hôm nay xảy ra quanh tôi bao nhiêu chuyện đời cần suy gẫm, tôi lặng im. Không khí gia đình trầm xuống khá nặng. Bỗng nhiên con bé Khuê khóc ré lên một cách bực dọc. Tôi quay lại nhìn nó. Thì ra căn nhà “hạnh phúc” của nó đã  vụn ra nhiều mảnh. Tôi vỗ về rồi cùng nó ráp lại bức tranh. Trong lúc chơi với con tôi chợt hiểu ra từ sáng đến giờ tôi là kẻ trốn chạy nỗi buồn. Nhưng khi nỗi buồn tồn tại ngay trong căn nhà tôi đang sống, tôi không thể nào trốn chạy được.

 

Con gái tôi không thể ráp lại được bức tranh “căn nhà hạnh phúc” thì tôi cũng khó ráp lại những mảnh vụn đời mình. Do đo, tôi cùng con bé ráp lại bức tranh. Ráp xong nó nhìn tôi mỉm cười sung sướng. Trong ánh mắt biết ơn của nó còn long lanh ngấn nước.

Ngọc Hiệp
Số lần đọc: 3008
Ngày đăng: 15.09.2004
[ Trở lại ] [ Tiếp ]
In tác phẩm Góp ý Gửi cho bạn
Cùng thể loại
Chim Nhạn trở về - Nguyễn Thị Diệp Mai
Lửa cháy phía Phương Thành - Nguyễn Thị Diệp Mai
Đại ca Bầu - Nguyễn Thị Diệp Mai
Quên - Thu Trang
Hư ảo cuộc đời - Thu Trang
Quê ngoại - Thu Trang
Ông Mười - Nguyễn Trọng Tấn
Con khỉ nhà 3B - Thảo Bích
Tòng phu - Hoàng Thu Dung
Điều không đơn giản - Hoàng Thu Dung