Ủng hộ VCV
Số tác phẩm
28.861 tác phẩm
2.760 tác giả
1.036
123.201.672
 
Sự hình thành dân cư đông á
Hà văn Thùy

1. Đặt vấn đề: Điểm lại những quan niệm hiện hành

Năm 1904, trong cuốn Le Cambodge xuất bản tại Paris, học giả người Pháp E. Aymonier đề xuất giả thuyết: “Tổ tiên những người ngôn ngữ Mon-Khmer bắt nguồn từ những sườn núi phía nam Tây Tạng rồi di chuyển về phương nam theo hai hướng, hướng tây nam sinh ra người Munda ở Ấn Độ, hướng đông nam sinh ra các tộc Mon-Khmer ở Đông Dương.” (1)

 

Từ thuyết này, vào những năm 20 thế kỷ trước, L. Aurousseau khai thác thư tịch Trung Hoa, cho rằng: “Người Việt Nam trước ở Trung Hoa rồi mới di cư qua miền Bắc Việt Nam. Nước Sở thuộc giòng Bách Việt, lãnh thổ bao gồm 2 tỉnh Hồ Bắc và Hồ Nam ngày nay, xuất hiện trước thế kỷ thứ XI trước CN. Ðến thế kỷ thứ IX trước CN, một ngành nước Sở di cư về phía Nam, dọc theo sông Dương Tử, định cư ở Chiết giang, thành lập nước Việt (Việt Vương Câu Tiễn) vào thế kỷ thứ VI trước CN. Năm 333 trước CN, nước Sở đánh bại nước Việt, người Việt chạy về phương Nam theo bốn nhóm: Nhóm Ðông Âu hay là Việt Ðông ở miền Ôn Châu (Chiết Giang). Mân Việt ở Phúc Kiến. Nam Việt ở Quảng Ðông, Quảng Tây. Lạc Việt ở phía Nam Quảng Tây và miền Bắc Việt Nam. Các nhóm kể trên bị Hán hóa, chỉ còn lại nhóm Lạc Việt là tồn tại…”

 

“Những chúa dẫn các dân Việt di cư xuống miền Nam Quảng Tây và đến tận Bắc kỳ ngày nay về thế kỷ thứ IV và thứ III trước Gia tô là cùng một dòng họ với các vua Việt đến định cư ở Ôn Châu, Phúc Châu và Quảng Ðông vậy.”

 

Vậy thời ta có đủ chứng cớ mà nói quyết rằng người An Nam ngày nay là dòng dõi trực tiếp của người nước Việt bị diệt năm 333, và tiên tổ ngàn xưa, về thế kỷ thứ VI trước Gia tô, đã ở miền tỉnh Triết Giang nước Tàu ngày nay, vào khoảng lưu vực con sông cùng tên ấy”(2).

 Quan niệm phổ biến hiện nay trong các cuốn sử của Trung Quốc  là: 

  

"Khoảng 500.000 năm trước, loài người từ châu Phi thiên di tới vùng Trung Ðông. Từ đây một nhánh rẽ hướng Tây thành người da trắng châu Âu. Nhánh tới vùng cao nguyên Thiên Sơn thành người da vàng châu Á. Nhánh này chia làm hai: một bộ phận vượt lên phía Bắc sông Hoàng Hà thành tộc người Mông Cổ. Một bộ phận rẽ sang Ðông chiếm lĩnh phần đất từ sông Hoàng Hà tới sông Dương Tử thành người Việt. Người Mông Cổ du mục vượt sông Hoàng chiếm đất và xua đuổi người Việt nông nghiệp chạy xuống phía Nam. Trong quá trình hàng vạn năm như thế, người Việt lai với người Hán và tới thế kỷ thứ IV TCN thì bộ phận này tràn vào vùng đất ngày nay có tên là Việt Nam!"(3)

 

Đó là tri thức của thế kỷ XX. Với những thông tin thu nhận từ đầu thế kỷ XXI, ta thấy những quan niệm trên mắc những sai lầm nghiêm trọng:

-    Cho rằng tất cả con người hiện nay đã hình thành từ 500.000 năm trước và đều từ vùng cao nguyên Tây Tạng tỏa ra.

-    Cho rằng các tộc Hán, Việt vốn đã có từ 500000 năm trước và theo thời gian lan tỏa ra địa bàn hiện nay.

Từ sự ngộ nhận đó, vấn đề về sự hình thành dân cư Đông Á chưa có lời giải đáp thỏa đáng. Cũng vì vậy, nhiều vấn đề về lịch sử văn hóa Á Đông lầm lẫn theo.

 

Chỉ ở thập niên cuối của thế kỷ XX, với sự xuất hiện công nghệ gene, nguồn gốc loài người cũng như sự hình thành dân cư nhiều vùng đất của thế giới mới có điều kiện xác lập.

Trong tiểu luận này, chúng tôi trình bày vấn đề dựa trên những phát kiến mới nhất của công nghệ di truyền.

 

2. Sự hình thành dân cư Đông Á theo dữ liệu di truyền học

   a. Tình hình khái quát

Dù không phải là nơi sinh thành loài người theo quan niệm Đa trung tâm, thì Đông Nam Á cũng là vườn ươm sinh sôi nhân số cùng văn hóa nhân loại. Do lẽ đó, muốn tìm hiểu sự hình thành dân cư khu vực phải nắm được quá trình di dân nói chung của loài người.

 

 Vào thập niên cuối của thế kỷ XX, Dự án Bản đồ gene người (Genographic Project) được nhóm Spencer Wells của National Geographic nước Mỹ tiến hành. Bên cạnh đó, nhóm Stephen Oppenheimer của Đại học Oxford Anh quốc đi sâu vào nghiên cứu quá trình di dân của loài người từ châu Phi (Out of Eden Peopling of the World). Hai Dự án cho ra cùng một kết quả:

Người hiện đại Homo sapiens được sinh ra tại Đông Phi khoảng 160.000 năm trước, gồm 3 đại chủng Australoid (da đen), Mongoloid (da vàng) và Europid (da trắng).

 

Khoảng 125.000 năm trước, một nhóm vượt Hồng Hải, tiến về Sahara xanh, tới sông Nile tại Cận Đông. Khoảng 90.000 năm trước, một đợt băng giá khốc liệt xảy ra ở vùng này, tiêu diệt toàn bộ những người đã tới Cận Đông.

 

Khoảng 85.000 – 75.000 năm trước, một nhóm người băng qua mũi  Biển Đỏ rồi men theo bờ phía nam bán đảo A Rập tới Ấn Độ. Tất cả những người sống ngoài châu Phi đều thuộc nhóm này. Từ Sri Lanka họ tiếp tục men bờ Ấn Độ Dương tới phía tây Indonesia, sau đó tiến vào châu Á. Những người còn ở lại thì đi vòng Borneo tới nam Trung Hoa.

 

 Khoảng 74.000 năm trước tại Indonesia, núi lửa Toba ở Sumatra phun mãnh liệt, tạo ra “mùa đông nguyên tử” kéo dài 6 năm và tiếp đó là 1000 năm băng hà cùng sự tàn phá đầy bi kịch, tiêu diệt không dưới 10.000 người. Tro núi lửa phủ dầy 5 m trên đất Ấn Độ và Pakistan

 

Khoảng 74.000 đến 65.000 năm trước, con người tới tái dịnh cư tại tiểu lục địa Ấn Độ. Một số nhóm vượt biển bằng thuyền từ Timor tới châu Úc và từ Borneo tới New Guinea. Lúc này ở những vĩ độ thấp phương Bắc trở nên mát mẻ hơn.

 

Khoảng 52.000 năm trước, khí hậu ấm lên, khiến cho những nhóm người từ bán đảo A Rập tiến lên phía bắc, tới vùng Lưỡi Liềm màu mỡ và trở lại Cận Đông. Từ đây, khoảng 50.000 năm trước họ tiến vào châu Âu qua eo Bosporus.

 

Từ 52.000 tới 45.000 năm trước: một đợt băng hà ngắn xuất hiện. Người Aurignacian với văn hóa Đá cũ muộn di chuyển từ Thổ Nhĩ Kỳ tới Bulgaria. Đồ đá mới xuất hiện tại Danube của Hungary sau đó ở Áo.

 

 Từ 45.000 tới 40.000 năm trước: nhóm từ duyên hải Đông Á di cư vế phía tây qua Trung Á rồi lên Bắc Á. Từ Pakistan họ đi tới Trung Á và từ Đông Dương qua vùng Tebet tiến tới cao nguyên Qinh-hai

 

 Từ 40.000 tới 25.000 năm trước: những người từ Trung Á đi về hướng tây tới Đông Âu, phía bắc tới Vòng Bắc cực và sang Đông Á để bắt đầu tiến về đông bắc lục địa Á – Âu. Thời kỳ này xuất hiện những đồ mỹ thuật, như là Chauvet cave ở Pháp (4).

 

Như vậy, từ tài liệu của nhóm Stephen Oppenheimer, chúng ta biết được rằng, khoảng 70.000 năm trước, người Khôn ngoan (Home sapiens) đã từ châu Phi tới các đảo ngoài khơi Đông Nam Á, Việt Nam và Nam Trung Hoa. Sau đó họ đi lên Trung Hoa, tới Trung Á, sang châu Âu rồi tới Đông Bắc Á.

 

Cũng trong thập niên 90, Trung Quốc có Dự án Đa dạng di truyền người Trung Hoa (Chinese Human Genome Diversity Project) của nhóm Giáo sư Y. Chu. Nội dung chính như sau:

- Khoảng 70.000 năm trước, người Homo sapiens từ châu Phi, men theo bờ biển Ấn Độ, Pakistan tới miền Trung và Bắc Việt Nam. Dừng lại đây trong vòng 10.000 năm, họ lai giống, sinh sôi. Khoảng 50.000 năm trước họ di cư sang châu Úc. Khoảng 40.000 năm trước chiếm lĩnh New Guinea và các đảo ngoài khơi Đông Nam Á. Thời gian này, do phía bắc ấm lên, người từ Việt Nam đi lên Trung Quốc. Khoảng 30.000 năm trước, người từ Trung Hoa tới Siberia rồi vượt qua eo Beringa sang chiếm lĩnh châu Mỹ (5).

 

Như vậy là, do nghiên cứu một đối tượng là người Trung Hoa, công trình của Y.Chu và đồng nghiệp cho những kết quả cụ thể hơn. Người tiền sử đến miền Trung và miền Bắc Việt Nam. Tại đây họ gặp gỡ hòa huyết, tăng nhân số rồi đi tới châu Úc, New Guinea, vùng Đông Nam Á hải đảo. Tiếp đó, người từ Việt Nam đi lên Trung Quốc, tới Triều Tiên, Nhật Bản, sang Trung Á rồi lên Siberia, vượt eo Beringa sang châu Mỹ.

 

Phát hiện trên là vô cùng quan trọng, cho thấy bức tranh khái quát về sự hình thành dân cư Đông Á. Đồng thời cho thấy vai trò vô cùng lớn lao của công nghệ di truyền giúp minh định những vấn đề trọng đại của lịch sử. Tuy nhiên, muốn tìm hiểu sâu hơn, cụ thể hơn quá trình hình thành dân cư Đông Á,  không thể dừng lại ở đây.

 

 b. Sự hình thành các nhóm dân cư Đông Á

Các công trình di truyền học nói trên chỉ có thể cung cấp những thông tin mang tính khái quát về con đường di cư của người tiền sử tới Đông Á. Kết hợp thông tin của di truyền học với những tri thức khảo cổ học, nhân chủng học, dân tộc học, văn hóa học… chúng tôi phác họa quá trình hình thành dân cư Đông Á như sau:

 

 b. 1. Người Bách Việt:

Dữ liệu di truyền học nói, khoảng 70.000 năm trước, người tiền sử từ châu Phi theo con đường phương nam tới Việt Nam. Đấy là phát hiện mang tính đột phá. Nhưng lúc này, đặt ra trước chúng ta là câu hỏi mới: họ là ai, thuộc về chủng tộc nào? Chỉ khi giải đáp được câu hỏi này, ta mới có thể vẽ ra  bức tranh hình thành dân cư khu vực. Chúng tôi tìm đáp án trong những nghiên cứu khảo cổ và cổ nhân học. Trong thập niên 80 thế kỷ trước, khảo sát 76 sọ cổ được phát hiện tại Việt Nam, từ thời đồ Đá tới đồ Đồng, tác giả Nguyễn Đình Khoa rút ra nhận xét: "Thời đại Ðá mới, cư dân trên lãnh thổ Việt Nam thuộc hai đại chủng Australoid và Mongoloid cùng với các loại hình hỗn chủng giữa chúng cộng cư với nhau, trong đó Indonesien và Melanesien là hai thành phần chủ yếu... Sang thời đại Ðồng-Sắt, người Mongoloid đã là thành phần chủ thể trong khối cư dân Việt Nam, người Australoid mất dần đi trên đất nước này, hoặc do thiên cư hoặc do đồng hóa." (6) 

 

Phát hiện trên của nhà nhân chủng học hàng đầu của Việt Nam là cửa mở cho phép hình dung ra dân cư ban đầu trên đất Việt Nam như sau: Người từ châu Phi tới Việt Nam gồm hai đại chủng Mongoloid và Australoid. Họ hòa huyết, sinh ra 4 chủng Việt cổ: Indonesian, Melanesian, Vedoid và Negritoid. Trong  đó, người Indonesian mang tỷ lệ máu Mongoloid cao nhất nhưng do tính trội của yếu tố Australoid nên không thể hiện được đặc tính Mongoloid điển hình. Vì vậy, toàn bộ cư dân Việt cổ thuộc nhóm loại hình Australoid. Người Việt cổ, khoảng 50.000 năm trước đã từ Việt Nam di cư sang châu Úc, New Guinea, các đảo ngoài khơi Đông Nam Á, sang Miến Điện, Ấn Độ, sau đó lên Trung Quốc. Sống thời gian dài ở Việt Nam và Trung Hoa, trong những điều kiện địa hình, khí hậu, thổ nhưỡng khác nhau, từ bốn chủng Việt cổ phân ly thành những nhóm địa phương khác nhau, được lịch sử gọi là Bách Việt. Người Bách Việt từ Trung Hoa di cư tới Triều Tiên, Nhật Bản, rồi lên Siberia, vượt eo Beringa sang châu Mỹ. Tuy sống trên địa bàn rộng, với nhiều nhóm địa phương khác nhau nhưng người Bách Việt do chủng Indonesian có nhân số đông nhất, lãnh đạo về xã hội và ngôn ngữ (7).

 

Di cốt người Australoid tìm thấy ở Hang Thượng (Upper Cave) thuộc di chỉ Zhukoudian (Chu Khẩu Điếm) phía bắc Trung Quốc, có tuổi 18.000 năm trước, là hâu duệ của những di dân Việt này.

 

b. 2. Người Mông Cổ

Việc người Mông Cổ cư trú ở Tây Bắc và Bắc Trung Quốc trước đây dẫn tới nhiều giả thuyết khác nhau, phần đông cho là họ từ phương Tây sang qua ngả Trung Á. Nhưng S. Ballinger đưa ra cách lý giải khác. Ông phát hiện, những người Mông Cổ cũng từ Đông Nam Á đi lên.

 Chúng tôi đoán rằng, họ là những nhóm Mongoloid riêng lẻ, từ tây bắc Đông Dương đi lên tây bắc Trung Hoa. Với thời gian, từ săn bắt, hái lượm, họ chuyển sang phương thức sống du mục và trở thành tổ tiên người Mông Cổ hiện đại (8). Trên địa bàn Việt Nam và Đông Nam Á thời đồ Đá không tìm được di cốt của chủng Mông Cổ nhưng lại phát hiện bộ xương Mongoloid 68.000 năm tuổi tại Liujiang, Quảng Tây. Điều này chứng minh cho giả thuyết người Mongoloid từ Đông Dương đi lên Tây Bắc Trung Hoa.

 

b. 3. Người Ngưỡng Thiều

Năm 1921, các nhà khảo cổ phát hiện di chỉ Yangshao (Ngưỡng Thiều) trên vùng hoàng thổ sông Hoàng Hà. Cũng trong văn hóa Yangshao, người ta tìm thấy tại làng trồng kê Bonfo (Bán Pha) tỉnh Thiểm Tây, di cốt người Mongoloid phương Nam tuổi 5000 năm TCN (9). Có ý kiến cho rằng, đấy là nơi phát tích của người Hán. Từ đây văn hóa Hán truyền tới Lungsan (Long Sơn) rồi xuống phía nam. Nhưng sau đó, Năm 1932, trong Hội nghị quốc tế về Tiền sử Viễn Đông họp tại Hà Nội, nhiều học giả xác nhận Yangshao cũng như Lungsan là dạng phát triển sớm của văn hóa Hòa Bình đưa lên (10). Tuy vậy, chủ nhân di chỉ Bonfo vẫn được cho là người Hán vì cùng chủng tộc với người Trung Hoa hiện đại.

 

Nay, nhờ có dữ liệu di truyền học, chúng tôi cho rằng: từ rất sớm, tại Tây Bắc Trung Quốc và trung lưu Hoàng Hà có sự gặp gỡ hòa huyết giữa người Mông Cổ du mục và người bách Việt nông nghiệp, chủng Mongoloid phương Nam ra đời. Là con lai Việt, người Mongoloid phương Nam sống trong cộng đồng Việt nông nghiệp, tiếp thu văn hóa của Việt tộc trong đó có nghề trồng kê. Khoảng 5000 năm TCN, người Mongoloid phương Nam đã khá đông đúc, trở thành chủ nhân văn hóa Yangshao.

 

b. 4. Người Hemudu

Trong khi có những nhóm Mongoloid riêng lẻ từ Đông Dương đi lên tây bắc Trung Hoa thì cũng có những nhóm người Mongoloid theo bờ biển đi tới vùng cửa sông Dương Tử, Chiết Giang và ở lại. Khi người Bách Việt mở rộng vùng phân bố, đã có sự tiếp xúc với người Mongoloid bản thổ, sự lai giống diễn ra, chủng Mongoloid phương Nam ra đời. Họ không phải người Hán mà cũng như người Yangshao, là chủng mới của cộng đồng Bách Việt và là chủ nhân của văn hóa Hemudu (Hà Mục Độ).

 

b. 5. Người Hán

Tuyệt đại bộ phận người Hán hôm nay thuộc chủng Mongoloid phương Nam. Nhưng nguồn gốc của họ ra sao vẫn là câu hỏi chưa tìm ra đáp án.

Truyền thuyết Trung Hoa nói rằng, dân tộc Hán là Viêm-Hoàng tử tôn, tức là con cháu của Viêm Đế họ Thần Nông và Hoàng Đế họ Hiên Viên. Nhưng hiểu Hoàng Đế, Viêm Đế ra sao cũng là vấn đề. Trong cuốn “Sự hình thành và phát triển nền văn hóa Trung Hoa”(11), dẫn sách “Lịch sử Trung Quốc cổ đại truyền thuyết” thì “ “Bộ lạc của Trung Quốc thời viễn cổ gồm 3 tập đoàn. Tập đoàn Hoa Hạ ở phía Tây Bắc, tập đoàn Đông Di ở phía Đông, tập đoàn Man ở phía Nam. Tập đoàn Hoa Hạ bao gồm các tộc Hoàng Đế, Viêm Đế. Viêm Hoàng họ Khương, Hoàng Đế họ Cơ…” Đấy chỉ là truyền thuyết.

 

Điều này không phù hợp thực tế vì hai họ Khương, Hoàng cùng thuộc một chủng (tập đoàn Hoa Hạ) nên khi lai giống không thể cho ra chủng Mongoloid phương Nam, là tổ tiên người Trung Hoa hiện nay. Thêm vào đó, như tên gọi, Viêm Đế có nghĩa là ông vua của miền ôn nhiệt, tức phương Nam. Như vậy, Viêm Đế là người phương Nam, tức ngưới Bách Việt, thuộc nhóm loại hình Australoid. Cũng truyền thuyết còn cho biết, khoảng 2600 năm TCN, họ Hiên Viên đánh Si Viu, con cháu Thần Nông Viêm Đế tại Trác Lộc trên sông Hoàng Hà. Hiên Viên thắng, chiếm đất của Bách Việt, được tôn xưng là Hoàng Đế. Như vậy có nghĩa là, từ chiến thắng của Hiên Viên, tổ tiên người Trung Hoa ra đời. Quá trình như sau: vào chiếm đất của người Bách Việt, người Mông Cổ hòa huyết với người Bách Việt, sinh ra lớp người Mongoloid phương Nam mới, gọi là người Hoa Hạ, là tổ tiên người Trung Hoa hiện nay. Cùng với quá trình mở rộng lãnh thổ, người Hoa Hạ hòa huyết với người Việt bản địa. Trong quá trình này, dân Bách Việt chuyển dần từ Indonesian, Melanesian sang loại hình Ðông Nam Á. Do người Bách Việt đông mà người Mông Cổ phương Bắc ít nên trong thực tế, ở người Mông Cổ phương Nam, gene Australoid vẫn trội. Dấu vết gene châu Phi đen từ Ðông Nam Á đi lên còn thấy rõ ở đời Thương, Chu mà đại diện tiêu biểu là Thành Thang, Lão Tử (The Shang, for example, China’s first dynasts are described as having "black and oily skin". The famous Chinese sage Lao-Tze was "black in complexim". (Los Angeles Times, September. 29. 1998) (Thang, ông vua đầu tiên của Trung Hoa được mô tả là có nước da đen bóng. Triết gia nổi tiếng Lão tử cũng có màu da đen). Nhóm chủng tộc thuộc loại hình Ðông Nam Á này theo thời gian trở nên thành phần chủ thể của dân cư Trung Quốc.

 

b. 6. Sự hình thành người Việt hiện đại

Khảo sát sưu tập 76 sọ cổ tìm thấy ở Việt Nam, từ sọ Sơn Vi 32.000 tới sọ Đông Sơn 2000 năm trước, tác giả Nguyễn Đình Khoa cho rằng: “Sang thời đại Ðồng-Sắt, người Mongoloid đã là thành phần chủ thể trong khối cư dân Việt Nam, người Australoid mất dần đi trên đất nước này, hoặc do thiên cư hoặc do đồng hóa." (6) 

 

Như vậy, cho tới cuối thế kỷ trước, nguyên nhân của hiện tượng hóa Mongoloid dân cư Việt Nam vào thời Kim khí chưa được làm rõ. Nhưng dựa vào những sọ cổ đó, tác giả đã có nhận xét giá trị: họ là con lai của hai đại chủng Mongoloid và Australoid tồn tại từ trước nhưng không để lại di cốt.

 

Kết hợp phát hiện của Nguyễn Đình Khoa với dữ liệu di truyền học có được, chúng tôi cho rằng, 70.000 năm trước, người từ châu Phi tới Việt Nam gồm hai đại chủng Australoid và Mongoloid. Trong thời gian đằng đẵng khoảng 30.000 năm, họ hòa huyết cho ra 4 chủng người Việt cổ. Lùc này đang thời kỳ băng hà, mực nước biển thấp hơn hôm nay 130 met. Người Việt, bằng đôi chân của mình đã thiên di tới châu Úc, New Guinea, các đảo ngoài khơi Đông Nam Á.

 

Khoảng 40.000 năm trước, khi phía bắc ấm hơn, người Việt mang rìu đá cuội mài có vai đi lên khai phá đất Trung Hoa. Đó là cuộc Bắc tiến liên tục hết đời này sang đời khác. Ban đầu, người Việt lấy tên công cụ do mình sáng tạo đặt làm tên tộc của mình. Tên Việt-rìu này còn được khắc trên giáp cốt. Khi phát minh ra lúa nước, từ Hòa Bình, người Việt lại mang giống lúa, giống kê, giống gà, giống chó lên gầy dựng nền nông nghiệp ở phương Bắc… Khoảng 4000 năm TCN, người Việt do tộc Lạc Việt lãnh đạo chiếm toàn bộ địa bàn Đông Á, chỉ tính riêng vùng duyên hải đã có số người bằng 54% nhân số thế giới.

 

Truyền thuyết nói về Thần Nông, Đế Minh, Đế Lai, Lạc Long Quân với nước Xích Quỷ cho ta hình dung về một cộng đồng người Việt rộng lớn sống trên khắp lục địa Trung Hoa tới Việt Nam. Trước sự xâm lăng của người Mông Cổ, Đế Lai kết hợp với Lạc Long Quân tạo thành liên minh Việt tộc. Truyền thuyết cũng cho biết, do thất bại ở Trác Lộc, Lạc Long Quân dẫn người Việt theo Hoàng Hà, vượt biển trở về Việt Nam. Ngọc Phả đền Hùng ghi nhận, đoàn thuyền nhân lúc đầu đổ bộ vào rào Rum, ngàn Hống (núi Hồng, sông Lam) Nghệ Tĩnh, sau đó đi lên Việt Trì lập nước Văn Lang. Đây không phải là cuộc xâm chiếm mang tính thực dân mà là việc trở lại mái nhà xưa của những người cùng huyết thống và tiếng nói.. Những người mang gene Mongoloid phương Nam trong đoàn di tản, rất có thể trong đó có cả Lạc Long Quân, hòa huyết với người tại chỗ, sinh ra những người Mongoloid phương Nam mới: người Việt hiện đại, tổ tiên trực tiếp của chúng ta. Do người Việt cổ gần gốc châu Phi hơn nên tổ tiên người Việt có mức đa dạng sinh học cao nhất trong cư dân khu vực. Đây là phản ứng dây chuyền làm cho số người mang gene Mongoloid phương Nam tăng lên. Cho tới cuối thiên niên kỷ III TCN, chủng Mongoloid phương Nam đã là thành phần đa số trong cư dân Việt

 

b. 7. Quá trình Mongoloid hóa dân cư Đông Á

 

Bức tranh về sự hình thành dân cư Việt Nam hiện đại cũng là hình ảnh chung của nhiều vùng đất Đông Á khác. Có những lý do để tin rằng, cuộc xâm lăng của người Mông Cổ là cuộc chiến khốc liệt. Một bộ phận người Bách Việt buộc phải rời bỏ nhà cửa, đất đai tại lưu vực Hoàng Hà, lên thuyền ra biển lánh nạn. Thời kỳ này, người Bách Việt sống ở duyên hải Đông Á, làm chủ biển Đông và rất giỏi hàng hải nên việc di chuyển bằng thuyền là dễ dàng. Dùng thuyền, họ sang châu Mỹ, Triều Tiên, Nhật Bản và những hòn đảo ngoài khơi Đông Nam Á. Di cư như vậy từ lâu đã diễn ra, nhưng cuộc xâm lăng của người Mông Cổ là cú hích lớn. Cố nhiên, những thuyền nhân này cập bến tại những địa bàn thuận lợi, đã có đồng bào đồng tộc của họ sống từ trước. Do cùng nguồn gốc Việt cổ và một phần cùng tiếng nói nên họ được người tại chỗ tiếp nhận một cách thân thiện. Những người mang gene Mongoloid phương Nam khá đông trong thuyền nhân lai giống với người tại chỗ và dần dần chuyển hóa đại bộ phận người Indonesian, Melanesian… sang Mongoloid phương Nam. Đến khoảng 2000 năm TCN, vào thời Kim khí, đại bộ phận người Đông Á trở thành chủng Mongoloid phương Nam. (6) Những bộ lạc Indonesian, melanesian, Vedoid, Negritoid sống nơi vùng sâu vùng xa, không có điều kiện tiếp xúc với người Mongoloid phương Nam, vẫn giữ nguyên bộ gene Australoid gốc của mình, trở thành dân thiểu số (12). Cũng còn có tình hình nữa là, 70.000 năm trước, theo đường thiên di, người từ châu Phi đã tới sinh sống trên các hòn đảo trong vùng. Có những bộ lạc riêng lẻ sống biệt lập. Do thời gian quá dài, không tiếp xúc hòa huyết với người ngoài, một số nhóm lâm vào tình trạng hôn phối cận huyết, bị thoái hóa về di truyền, trở lại gần với hình thái châu Phi gốc.

 

3. Kết luận

Từ trình bày trên, ta thấy, sự hình thành dân cư Đông Á có hai giai đoạn, Giai đoạn đầu, từ 70.000 năm trước, hai đại chủng Australoid và Mongoloid từ châu Phi tới Việt Nam, hòa huyết cho ra 4 chủng người Việt cổ thuộc nhóm loại hình Australoid. Từ Việt Nam, họ lan tỏa ra khắp khu vực Đông Á. Trên địa bàn Trung Hoa họ phân ly thành hơn 20 nhóm địa phương, được gọi là Bách Việt.

 

Cũng thời điểm này, có những nhóm Mongoloid riêng lẻ từ Đông Dương đi lên Tây bắc Trung Hoa, trở thành tổ tiên những bộ lạc du mục thuộc chủng Mongoloid phương Bắc. Khoảng 5000 năm TCN, có sự tiếp xúc giữa người Mông Cổ và người Bách Việt, tạo ra chủng Mongoloid phương Nam, chủ nhân văn hóa Ngưỡng Thiều.

 

Khoảng 2600 năm TCN, cuộc xâm lăng lớn của người Mông Cổ diễn ra. Một bộ phận người Bách Việt, trong đó có chủng Mongoloid phương Nam, di tản trở lại các lãnh thổ Đông Nam Á. Người Mongoloid phương Nam trong dòng thuyền nhân hòa huyết với người bản địa, chuyển hóa đại bộ phận dân cư Đông Nam Á thành chủng Mongoloid phương Nam, thuộc loại hình Đông Nam Á. Những người Australoid bản địa sống cô lập ở vùng sâu, vùng xa trở thành người thiểu số.

 

Như vậy, đại bộ phận dân cư Đông Á hiện đại là hậu duệ của những người từ châu Phi tới Việt Nam 70.000 năm trước.

 

Trên đây là những nét chính của bức tranh dân cư Á Đông. Ta còn biết tình hình khác là khoảng 15.000 năm trước, có những nhóm người từ châu Âu trở lại Trung Á, tới Tây Tạng rồi di chuyển lên Đông Bắc Á, xuống tây nam Trung Quốc, du nhập gene Europid vào khu vực. Tổ tiên những người Europians này cũng là người Việt cổ, từ châu Á sang châu Âu khoảng 40.000 năm trước. Tại đây họ hòa huyết với người Europid từ Trung Đông lên, tạo ra tổ tiên người châu Âu.

 

Sài Gòn, tháng 7. 2008

 

Tham khảo

1. E.Aymonier. Le Cambodge, Paris, tom 3. Dẫn theo Nhân chủng học Đông Nam Á.

 2. Léonard Aurousseau, "Khảo về cỗi rễ dân An Nam". Bản dịch của Hồng Nhân Phạm Quỳnh. Nam Phong tạp chí số 84, tháng 6-1924, tr.480. Dẫn theo Cao Thế Dung: Tên nước Việt. (http://www.mevietnam.org/NguonGoc/ctd-tennuocvietnam.html)
 3. Vương Ðồng Linh: Trung quốc dân tộc sử & Chu Cốc Thành: Trung Quốc thông sử. Dẫn theo Kim Ðịnh: Cơ cấu Việt Nho. SG 1973 tr.244-245.

4. Stephen Oppenheimer. Out of Eden Peopling of the World

*http://www.bradshawfoundation.com/journey/introduction.html

5. J.Y. Chu & đồng nghiệp: Genetic relationship of population in China. Proc. Natl. Acad. Sci.USA 1998 số 95 tr. 11763-11768.

6. Nguyễn Ðình Khoa: Nhân chủng học Ðông Nam Á (ÐH&THCN. Hà Nội. 1983, tr 106)

7. Cung Đình Thanh. Gốm cổ Việt Nam và vai trò của nó trong văn hóa tiền sử. Tập san Tư tưởng (Australia) số 12 tháng 2. 2001.

8. S.W. Ballinger& đồng nghiệp: Southeast Asian mitochondrial DNA Analysis reveals genetic continuity of ancient Mongoloid migration. Genetic 1992 số 130 Tr.139-45

9. Dẫn theo  Zhou Jixi: The Rise of Agricultural Civilization in China. SINO-PLATONIC PAPERS Number 175 December, 2006

10. Ts Nguyễn Thị Thanh - Việt Nam trung tâm nông nghiệp lúa nước và công nghiệp đá xưa nhất thế giới - Việtcatholic 30.9. 2001.

11. Đường Đắc Dương (chủ biên) NXB Nhân dân Sơn Đông, 1993. Cội nguồn văn hóa Trung Hoa. Nguyễn Thị Thu Hiền dịch. NXB Hội Nhà văn, trang 22. Hà Nội, 2003.

12. Nguyễn Đức Hiệp Tiền sử Đông Nam Á- Người Austronesian trong thuyết “Tàu tốc hành” và thuyết “Tàu chậm” và sự hiểu biết hiện nay. Vanchuongviet.org 4.7.2008

 

Hà văn Thùy
Số lần đọc: 7345
Ngày đăng: 05.11.2008
[ Trở lại ] [ Tiếp ]
In tác phẩm Góp ý Gửi cho bạn
Cùng thể loại
Những phát hiện làm thay đổi lịch sử - Vũ Khánh Thành
Trả lời Tiến sĩ Đỗ Kiên Cường 2 - Hà văn Thùy
Người Việt có khai phá lục địa Trung Hoa 40.000 năm trước hay không? - Đỗ Kiên Cường
Trả lời Tiến sĩ Đỗ Kiên Cường I - Hà văn Thùy
Bước đầu phân biệt truyền thuyết và giai thoại - Võ Phúc Châu
Sự phát triển HỆ THỐNG TÍN NGƯỠNG của NGƯỜI VIỆT trong quá trình di cư về PHƯƠNG NAM nhìn từ tục THỜ CÚNG CÁ ÔNG - Đinh Văn Hạnh
Tìm ẩn số Tiên Rồng ..? Qua ngày giỗ Tổ Hùng Vương - Trần Hạ Tháp
Một vài ghi chép thêm về văn minh cổ và nguồn gốc dân tộc Việt Nam - Nhiều Tác Giả
Băn khoăn về Sáu linh hồn - Hà văn Thùy
Luật tục Katu về các mối quan hệ gia đình : Quan hệ cha mẹ và con cái - Lê Anh Tuấn *
Cùng một tác giả
Xứ ra ghe (truyện ngắn)
Nước Mắt Bỏng (truyện ngắn)