Ủng hộ VCV
Số tác phẩm
28.861 tác phẩm
2.760 tác giả
1.135
123.227.759
 
Cung Giũ Nguyên, nhà giáo dục nhà báo nhà văn
Nhiều Tác Giả

Cung Giũ Nguyên, nhà giáo dục nhà báo nhà văn 

 

Tôi không phải là học trò của ông, càng không phải là người rành rẽ tiếng Pháp lắm để có thể đọc được những tác phẩm văn học viết bằng tiếng Pháp của ông. Thế nhưng, là một người Nha Trang và theo thiển nghĩ của cá nhân tôi - ông là người biết rõ về Nha Trang nhất. Vâng, tôi tự tin khi viết lên điều này vì, từ năm 1920 ông đã đến Nha Trang và đã chọn nơi đây làm chốn đi – về ( những kỳ nghỉ hè, đi dạy học và cả những khi phải tha phương và cuối cùng Nha Trang là bến đậu cho đến cuối đời).

 

Đã từ lâu tôi rất muốn viết về ông, biết rằng đây là một việc rất khó vì – Ông, một nhà văn Việt Nam viết văn thuần thục 3 ngôn ngữ: Việt, Pháp, Anh; một nhà báo từng cộng tác với nhiều báo chí trong và ngoài nước; một người có 70 năm đi dạy học thì có một số lượng học sinh nhiều đến thế nào …; khối lượng và giá trị những tác phẩm ông đã viết; tuổi đời của tôi chưa bằng một nửa tuổi đời của ông …. Thôi thì, xin làm một người kể chuyện về một người qua tiếp xúc, trao đổi và qua những tài liệu thu thập được về ông.

 

Từ điển văn học (bộ mới) – NXB Thế giới (trang 330), Hà Nội vừa mới phát hành có tên ông: Cung Giũ Nguyên. (Sinh 1909). Nhà giáo dục, nhà báo, nhà văn Việt Nam. Khi đọc gần hai trang tiểu sử và tác phẩm của ông, tôi đã điện thoại cho báo cho ông và một ngày đầu tháng 4/2005 tôi có dịp đến thăm ông tại nhà riêng ở số 60 Hoàng văn Thụ, Nha Trang.

 

Hôm ấy, trong căn phòng khách nhỏ bài trí đơn sơ nhưng trang trọng - trên tất cả các mặt bàn đều có những bình hoa; tôi được biết, cách đó vài ngày, những ông Alain Freynet - Tham tán thứ hai, Giám đốc Trung Tâm văn hóa và hợp tác, Đại sứ quán Pháp Hà nội, ông Nicolas Warnerey - Tổng lãnh sự Pháp tại Tp Hồ chí Minh, và ông Christian Nererm - Tùy viên hợp tác văn hóa Tp Hồ chí Minh, cùng ông Lanig Martin, đặc trách hợp tác thuộc Trường Cao đẳng Sư phạm Nha Trang, đã đến thăm ông Cung giũ Nguyên, nhân Hội thảo các Vịnh đẹp nhất thế giới và Festival biển Nha Trang 2005.

 

Câu chuyện giữa tôi và ông đã bắt đầu bằng những điều chưa rõ về ông trong Từ điển văn học (bộ mới). Ông tỏ ý tiếc là việc biên tập có vài sai sót: “Trước tiên về việc chuyển họ Hồng thành họ Cung không phải vì cùng họ với Hồng Tú Toàn mà do là khi Vua Tự Đức lên ngôi, vì ngài húy Hồng Nhậm, nên những ai có họ Hồng phải sửa lại. Sau này có những người đã bỏ họ Cung để trở lại họ Hồng, nhưng cũng có những người để tránh việc sửa chữa những giấy tờ hộ tịch phiền phức cứ để họ Cung, dù vẫn biết mình họ Hồng. Việc sửa họ ấy, tôi ngạc nhiên là thợ sắp chữ ở Trung Hoa cũng biết; trên mấy tờ báo ở Hương Cảng, trong bài đăng tên những người từ Việt Nam qua hội kiến với Cựu Hoàng Bảo Đại. Dựa theo danh sách viết chữ La Mã họ tên hành khách chuyến máy bay, tên của tôi đã không viết CUNG, mà viết đúng HỒNG (= không có nghĩa là đỏ, mà với bộ Thủy bên trái, có nghĩa là Lớn). Một điều đáng tiếc khác là: trong Từ điển văn học có viết: “Le fils de la Balaine (tiểu thuyết, Paris, 1956) – cuốn này được Đe Xôn Đa Oanfisơ (De Sohn das Walfischs) dịch ra tiếng Việt với nhan đề Người con của Cá Ông hay Kẻ thừa tự ông Nam Hải (Nxb Văn học, Hà Nội, 1999)”. Có sự sai lạc về phiên âm nhan đề và hành văn, nên ghi lại cho rõ là: quyển Le Fils de la Baleine ra mắt ở Pháp năm 1956, đã được nhà văn Đức dịch ra tiếng Đức với nhan đề DER SOHN DAS WALFISCHS và được xuất bản năm 1957 tại (Nxb) Helmut Kossodo Verlag, Frankfurt & Genf (Genève). Điều thứ ba ông có ý tiếc là quyển Tự điển không nói đến những tác phẩm quan trọng của ông như THÁI HUYỀN, LE BOUJOUM, tập thơ TEXTE PROFANE (Bản văn trần tục) v.v hay bỏ sót những quyển đã có từ lâu, như tiểu luận: Volontés d’existence (Những ý chí sinh tồn) - (NXB France-Asie, Sài Gòn 1954).

 

*

Cung Giũ Nguyên sinh ngày 20/11/1909, tại Huế, họ thật là họ Hồng cùng họ với Hồng Tú Toàn người khởi xướng cuộc cách mạng nông dân miền Nam Trung Hoa và lập Thái Bình Thiên Quốc, trị vì ở Nam Kinh từ 1851 đến 1863. Vì lý do chính trị hay kinh tế – tổ tiên của ông, người Phúc Kiến đã kiều cư qua lập nghiệp tại Việt Nam từ giữa thế kỷ XIX. Tại đây, họ Hồng cùng với nhiều họ Trung Hoa khác lập ở Bao Vinh, Thừa Thiên, phố Thanh Hà sau thành làng Minh Hương, và sau đó đều được xem là người Việt Nam. Thân phụ Cung Giũ Nguyên là ông Cung Quang Bào, một Đốc học. Thân mẫu là Nguyễn Phước thị Bút, trưởng nữ quận công Hồng Ngọc và cháu nội Ngài Nguyễn Phước Miên Lịch, An Thành Vương, con út Vua Minh Mạng, có lần làm Nhiếp chánh Thân thần.

 

Sinh trưởng trong một gia đình nghèo và đông con, học xong trung học tại trường Quốc học Huế những năm 1922-27, ông phải từ bỏ giấc mộng học trường Cao đẳng Mỹ thuật Hà Nội để đi làm việc. Ông nói: “Về vẽ thì tôi đã may mắn gặp hai thầy rất tốt là thầy Tôn Thất Sa và thầy Georges Leloup…”. Những bức tranh hiện treo trong phòng khách nhà ông đều do ông vẽ từ bức chân dung của mẹ ông cho đến bức chân dung của ông, của vợ ông… Căn nhà ông đang ở hiện nay là căn nhà của cha ông mua ban đầu là nhà tranh và được xây thành nhà gạch từ năm 1929 cho đến bây giờ.

 

Năm 1928 ông được bổ làm trợ giáo tập sự tại trường Nam tiểu học Nha Trang, nhưng đến đầu năm 1930 bị bãi chức, vì lý do chính trị. Đó là năm đánh đấu khúc quanh cuộc đời của ông; sau đó ông phiêu lưu vào Sài gòn, Đà lạt, Huế, Nha Trang… “Trong thời gian bốn năm mà tôi làm hơn bảy nghề. Tôi viết báo, viết sách, làm gia sư, làm kế toán cho một hãng sửa xe của người Pháp, làm thư ký cho một đồn điền cao su ở Xuân Lộc, bán hàng, đã có lúc tôi định đi theo gánh cải lương nhưng bị từ chối vì khi nghe tôi ca thử một bài Tứ Đại Óan, nghệ sĩ Năm Châu đã thành thật khuyên tôi nên chuyển nghề khác, tôi cũng đã làm thợ sửa ảnh….”

 

Năm 1936, người cha mất (cho đến giờ ông vẫn tiếc là cha ông đã ra đi quá sớm không để cho ông có thì giờ chứng minh ông đã trở lại nối nghiệp thầy giáo ), vì trách nhiệm đối với gia đình, ông về lại Nha Trang và năm 1941 trở lại nghề dạy học. Ông đã dạy các môn Việt văn, Hán văn, La tinh, Pháp văn, Anh văn, Sử địa, Kinh tế học, Triết học, Văn học… ở các trường Kim Yến, Trường Dòng Thánh Giuse Bình Tân, La San, Phanxicô… Collège de Nha Trang, Võ Tánh, Lê Quý Đôn…. Từ năm 1955-75, ông làm Hiệu trưởng trường Trung học đệ nhị cấp Lê Quý Đôn, Nha Trang. Từ 1972-75, Giáo sư thỉnh giảng Viện đại học Cộng đồng duyên hải, Nha Trang. Từ 1989 đến 1999, ông là Giáo sư thỉnh giảng môn ngôn ngữ và văn chương Pháp tại khoa Pháp văn, Trường Cao đẳng sư phạm Nha Trang. Ông còn tham gia nhiều công tác xã hội ở Nha Trang, Sài gòn; đã từng làm Deputy Camp Chief of Gilwel, London, phụ tá Trại trưởng Trại Huấn luyện Hướng đạo quốc tế, Gilwell, Anh quốc, để làm Trại trưởng Hướng Đạo Việt Nam,v.v…..

 

Cuộc đời viết văn của ông đánh dấu bằng tác phẩm đầu tay là một truyện ngắn nhan đề là Tình ái myõ đăng trên tờ Đông Pháp thời báo, Sài gòn năm 1928. Ông đã viết hàng ngàn bài báo cộng tác với các báo: Đông Pháp thời báo, Sài gòn mới (Sài gòn), Nam Phong ( Hà Nội), Đông Dương mới (L’Indochine Nouvelle, Sài gòn), Pháp Việt (France – An nam ), Nhật báo Huế (La Gazette de Huế), Tân văn (Sài gòn), Hội thảo (Symposium, Syracuse), Sách báo nước ngoài (Book Abroad, Oklahoma, Hoa Kỳ), Pháp Á (France-Asie, Sài gòn), Bách Khoa (Sài gòn), Sự hiện diện Pháp ngữ (Présence Francophone, Sherbrook – Canada), Đại học Huế, Tri thức (Đà Lạt), Diễn đàn (La Tribune, Sài gòn)….

 

Năm 1938-40 cùng với Raoul Serène – Tiến sĩ khoa học đã từng làm Giám đốc Viện Hải dương học Đông Dương chủ trương nguyệt san Tạp chí Tuổi trẻ (Le Cahiers de la Jeunesse) ở Nha Trang. Năm 1939, ông làm Chủ bút nguyệt san song ngữ Tương lai tạp chí, Nha Trang. Năm 1939 – 42, làm Chủ bút Nhật báo Châu Á buổi chiều (Le Soir d’Asie, Sài gòn). Từ 1954, Chủ bút tuần báo Báo chí viễn Đông (La Presse d’Extrême – Orient, Sài gòn).

 

Trong thư mục tác phẩm đã in và chưa in của ông có đến gần trăm cuốn; có thể kể đến như, về tiếng Việt: Một người vô dụng (Tín Đức thư xã, Sài gòn, 1930); Nhân tình thế thái (tập truyện ngắn, Phổ thông văn xã, Gia Định, 1931); Nợ văn chương (Nhà in Châu Tịnh, Vinh, 1934); Những ngày phiêu bạt (ký), Nửa gánh tang bồng, Một chuyến về…; về tiếng Pháp ông được thế giới biết đến nhiều vào những năm 50 – 60 với các tác phẩm Le fils de la Balaine (tiểu thuyết, Paris, 1956), Le Domaine Maudit (tiểu thuyết, Fayard, Paris, 1961), Volontés d’existence (France-Asie, Sài gòn 1954)…; riêng Le Boujoum (roman Dallas, Tesax, USA, 2002 – tái bản) ông viết sau này ….

 

Le fils de la Balaine đã được nhiều nhà phê bình văn học nổi tiếng trong và ngoài nước đánh giá cao. Daniel-Rops, viện sĩ Hàn Lâm Pháp nhận xét: “Với một Cung Giũ Nguyên, có thể cạnh tranh với một Pourrat, một Ramuz, một Giono, một Monique Saint-Hélier…, đó là điều mới lạ”. Le fils de la Balaine được tái bản ở Canada năm 1978 và được Nguyễn Thành Thống dịch sang tiếng Việt với tựa đề Kẻ thừa tự của ông Nam Hải (NXB Văn học, Hà Nội 1995).

 

Le Domaine Maudit (Đất dữ) cũng được nhiều nhà phê bình chú ý; nhà văn Võ Hồng đã viết về cuốn sách (đăng trên Bách Khoa, Sài gòn ngày 15-6-1962) như sau: “Văn của tác giả viết tự nhiên mà có nhiều thú vị … Những triết lý nhân sinh cũng được trình bày dưới hình thức đơn giản nhưng thầm kín… Le Domaine Maudit lấy khung cảnhViệt Nam nhưng câu chuyện có thể xảy ra ở bất cứ nước nào có sự tranh chấp giữa các ý thức hệ, nghĩa là giữa những quan niệm khác nhau về hạnh phúc và tình yêu”.

 

Volontés d’existence (Những ý chí sinh tồn) thuộc về loại tiểu luận gồm ba bài. Bài thứ nhất trình bày căn nguyên giải phóng cá nhân và dân tộc Việt Nam. Bài thứ hai trình bày nền văn chương Việt Nam và bài thứ ba bàn đến nỗi lòng bi đát của Nguyễn Du. Ba bài quy tụ chung quanh một ý chính: những ý chí sinh tồn của con người Việt Nam và dân tộc Việt.

 

Trong Volontés d’existence, mới thấy xuất xứ một câu mà website EL CANDIL (ngọn nến của Tây ban Nha), xem là danh ngôn, liệt kê vào Danh ngôn về Tự Do (frases de Libertad, đăng cùng một trang với danh ngôn của những nhà tư tưởng lớn tiền bối như Max Steiner,Carla B.Gonzalez, Mikail Bakounin (1814-1876)vv.

 

Tác phẩm Le Boujoum, dày 756 trang, một tác phẩm đầy triết lý ông viết từ năm 1976 đến năm 1980 và chính ông đã dịch sang tiếng Việt với tựa đề là Thái Huyền (NXB Đại Nam, California, 1994). Ông viết Le Boujoum để tặng người bạn thân suốt gần nửa thế kỷ của ông là Raoul Serène (đã nói ở trên), mà ông gọi tên là Sếu. Trong lời tựa cuốn sách, ông viết: “Cũng như với những người bạn thân khác, khi xa cách và nhất là trong những năm sau này thiếu những gặp gỡ thường xuyên và cuộc chuyện trò hữu ích, tôi có những bức thư dài cho Sếu và kèm theo thư, cũng có những trang trích các sách tôi đã hoàn thành hay đang soạn thảo, để cho bạn theo dõi đời sống cụ thể của mình và cũng để thăm dò phản ứng của bạn về những tác phẩm mình, sợ thói tự phụ, chủ quan khiến mình có nhận định sai lầm về giá trị của chúng. Tình thân hữu thật sự cho phép, và khuyến khích, những phê phán thẳng thắn, dù cho có khi là tàn nhẫn, không chỉ về công việc và cả về những phương diện khác. Đây không phải là dấu hiệu của sự đố kỵ ganh ghét, mà là của sự thương yêu thật sự, một ước muốn xây dựng lẫn nhau theo đường dáng đi, hay ít ra cũng tránh cho nhau những ảo giác về bản thân cũng như về sự nghiệp”.

 

Le Boujoum hay Thái Huyền cũng đã được nhiều nhà phê bình văn học ngoài nước chú ý, người ta đánh giá: từ Le fils de la Balaine đến Le Boujoum là một khoảng cách lớn, kể về văn phong lẫn chiều sâu tác phẩm.

 

Ông có tên trong danh sách các nhà văn trên thế giới viết văn bằng tiếng Pháp (Tác phẩm Riveneuve (Bến mới), in những tác phẩm tiêu biểu của các nhà văn trên thế giới viết văn bằng tiếng Pháp– Tháng 11.2004 có trích một tập thơ của ông).

 

Cả cuộc đời ông là sự một phấn đấu rèn luyện, tìm và trao tặng tri thức, chủ yếu là tự học, và học mãi. Ông nói:

 

- Đọc sách, đối với tôi, là một lối tránh mệt nhọc, khỏi phấn đấu, vì bẩm sinh yếu đuối. Từ cái bắt buộc, tôi tìm ra thích thú với sách. Tôi đã gặp nhiều may mắn, có cơ hội làm bạn với sách, có lẽ may mắn ấy không đến với tôi nếu tôi không « đầu tư » làm bạn với sách, làm thân với « hiểu biết », hay bồi dưỡng trí tuệ. Thời học Quốc học, tôi may mắn có được những bạn gương mẫu về học tập, luôn luôn đi tìm kiến thức, kể cả trong những trò chơi. Tôi may mắn có những thầy cô (người Pháp) có trình độ truyền đạt tốt và vốn kiến thức cao. Ngoài những sách giáo khoa và tác phẩm văn học ghi trong chương trình mỗi niên khóa chúng tôi cũng được khuyên đọc sách giải trí. Sách ở thư viện trường rất phong phú, và để học sinh toàn quyền sử dụng, không phải trả tiền thuê, hay không chỉ cho đọc tại chỗ. Vì không được đi học tiếp đaị học, và do đó không có được những thầy hướng dẫn, tôi phải tự vạch đường học vấn với những phương tiện nghèo nàn của mình, gặp được một sách cũ báo cũ nào, cũng tìm được trong đó đôi điều gì mình chưa biết đến. Năm 1940, từ Saigon, tôi lên Dalat để « cấm phòng » trong mười ngày tại Tu Viện Dòng Thánh Benoit. Tu viện lúc ấy đang còn nghèo, không có phòng cho người ngoài. Tôi được cho một cái giường bố đặt ngay trong thư viện của dòng. Thế là, sách đã đến với tôi, những sách thuộc một phạm vi bấy lâu xa lạ với tôi, những sách siêu hình học, thần học, ngày và đêm, tôi đã cố đọc và ghi chép, được bao nhiêu tốt bấy nhiêu, vớâi những tên tác giả, sách, nhà xuất bản nào, để có thể tìm lại sau nầy. Có vậy, tôi mới có thể, hai mươi năm sau, giảng triết cho lớp kinh viện của một dòng tu.

 

Năm 75, được lưu dung tại Đại học Duyên Hải, và vì không còn lớp Pháp để dạy, tôi được giao cho việc bảo quản thư viện. Tôi có dịp trong mấy năm đọc đươc biết bao sách bổ ích cho tôi. Cũng trong thời gian ấy tôi viết đươc cuốn JOURNAL DU KAUTHARA Nhật ký Khánh Hòa). Đến năm 1979, tôi đã thất tuần, bệnh viện Tỉnh mời tôi dạy tiếng Pháp cho các y bác sĩ, và đồng thời phụ trách thư viện, lập lại danh mục, giúp tìm tài liệu cho những bác sĩ cần đến. Trong thời gian làm việc cho bệnh viện, tôi cũng học hỏi khá nhiều, qua những sách phải đọc qua để xếp loại. Tôi làm quen với những báo như The Lancet hay Nature… mà chắc hẳn tôi sẽ không bao giờ biết nếu tôi không may mắn đến nơi đây. Chính thư viện nầy đã cho tôi cơ hội tiếp xúc với những sách lý thuyết về inforatique (thông tin học) trước khi thấy máy vi tính, và có máy để dùng.

 

Một điều may mắn khác cho việc học hỏi của tôi, là được ngao du đó đây, đến nhiều nước, có dịp biết nhiều thư viện, viện bảo tàng lớn, những nơi thờ phụng nhiều tôn giáo, tiếp xúc với nhiều giới, từ thượng lưu đến giới chai chén dân bụi đời chỉ xài tiếng lóng (argot)….

 

Năm nay, ông đã bước sang tuổi 97 và vẫn còn miệt mài làm việc với chiếc máy vi tính mỗi ngày mà không cần người phụ giúp. Hoàn thiện những bản thảo đang dang dở, hệ thống lại toàn bộ tác phẩm, dịch ra tiếng Việt những tác phẩm viết bằng tiếng Pháp… Khối lượng công việc thì đồ sộ mà quỹ thời gian còn quá ít. Thế nhưng, “Không viết nữa thì làm gì!”, ông đã nói với tôi như vậy. “Đời người như một miếng da lừa, mỗi ngày nó teo tóp đi một chút. Dân gian thường nói cá ươn, ươn từ cái đầu. Con người cũng vậy, phải bắt cái đầu nó làm việc đừng để nó hư. Nên sống lạc quan và biết cười”.

 

Nói về việc sống thọ, ông kể câu chuyện vui:

 

- Tôi đươc biết, theo lời mẹ kể lại sau nầy, tôi sinh ra không tốt tướng, gầy yếu, thầy thuốc, thầy bói cho biết trước là không thọ. Tôi ngủ hay giật mình vì một tiếng động nhẹ. Nghe theo thầy, mẹ tôi tìm mua một cái « búa thiên lôi » là một miếng nham thạch màu xanh tím, hình lưỡi búa, mẹ làm một bọc cho búa và để dưới cái gối của tôi. Phương thuốc của «thầy» quả là linh nghiệm, từ đó tôi hết giật mình khi ngủ, kể cả những khi có giông tố và sấm sét. Nhưng có điều đáng buồn là đầu tôi mãi mãi bị lép như đầu cá chai. Đó là giá con người thường phải trả, nhân vô thập toàn, được cái nầy phải mất cái kia….

 

Gần trọn một thế kỷ dành cho các việc tự học, đi, viết và dạy học. Phương châm sống của ông gói gọn trong 4 từ nguyên hanh lợi trinh. Ông giải thích với tôi: “Nguyên là nguồn gốc - bất kỳ một việc gì cũng phải truy tìm cho được nguồi gốc và giải thích câu hỏi tại sao. Hanh là hanh thông - vượt lên những khó khăn; khi gặp khó khăn ta chia vấn đề ra thành những vấn đề nhỏ, từ vấn đề nhỏ chia thành những vấn đề nhỏ nữa và giải quyết từ từ. Lợi là lợi ích, lợi ích của mình phải gắn liền với lợi ích của người khác, những điều viết ra làm sao cho nhiều người trên thế giới đọc được. Trinh là hòa hợp - hòa hợp ở đây có 3 ý: hòa hợp với thượng tôn, hòa hợp với tha nhân và hòa hợp với chính mình. Trong mỗi con người đều tồn tại ông thiện và ông ác, nhờ thượng tôn và những người xung quanh giúp đỡ để hòa hợp với chính mình “.

 

Tôi hỏi ông câu hỏi cuối cùng về nhận định của ông khi giới trẻ bây giờ không thích đọc sách, ông trả lời bằng cách nói về dấu “…” bắt đầu và kết thúc trong Le Boujoum: “Cuộc đời không có chấm dứt, từ không đến có, rồi lại từ có đến không, qua những giai đoạn thành, thịnh, suy hủy, rồi thành, từ khôn đến càn, rồi lại tứ càn đến khôn, qua những giai đoạn thiếu âm, thái dương, thái âm, thiếu dương, mà vật lý học cho thấy qua điển hình của vòng Mobius… - một ngày kia người ta sẽ trở lại việc đọc sách”. Đó là câu nói khẳng định rất tự tin của ông – một người sống và viết gần một thế kỷ có rất nhiều biến động với một cuộc đời sôi nổi và đầy sáng tạo.

 

Đào Thị Thanh Tuyền

http://www.nhituongsite.com/vietkhac/01cunggiunguen.htm

 

Cung Giũ Nguyên cần mẫn tìm và trao tặng tri thức

 

Năm nay, Cung Giũ Nguyên đã 95 tuổi nhưng cụ vẫn căm cụi làm việc mỗi ngày. Cách khai thác các ứng dụng công nghệ thông tin của nhà văn, nhà báo lão thành này có nhiều điều đáng để ngẫm nghĩ...

 

Đọc và viết

 

Trong 75 năm dạy học và trước tác, sau lưng ông cụ có khoảng 60 đầu sách đã được nhiều nhà xuất bản cả trong lẫn ngoài nước (như Pháp, Đức, Canada, Hoa Kỳ) phát hành. Chưa kể hàng ngàn bài viết đăng trên các báo, tạp chí của nhiều quốc gia. Phần lớn sách của Cung Giũ Nguyên được viết bằng tiếng Pháp, thuộc nhiều thể loại khác nhau (tiểu thuyết, truyện ngắn, ký, tản văn, khảo luận...).

 

Năm 1927, sau khi rời mái trường Quốc học (Huế), người con trai trưởng của một gia đình trí thức nghèo đông con này đành phải từ bỏ mơ ước vào làm sinh viên trường Cao đẳng Mỹ thuật Đông Dương (Hà Nội) để trở thành họa sĩ. Năm 1928, Cung Giũ Nguyên được bổ làm trợ giáo, tập sự ở một trường tiểu học tại Nha Trang. Do bất phục các quan Tây, hai năm sau, ông bị sa thải. Đến năm 1942, ông mới quay lại với nghề giáo, đứng lớp giảng dạy nhiều môn: Việt văn, Hán văn, La tinh, Pháp văn, Anh văn, Sử địa, Kinh tế học, Triết học... tại một số trường tư thục, bán công. Trong hai mươi năm từ 1955 đến 1975, Cung Giũ Nguyên là Hiệu trưởng trường Trung học đệ nhị cấp (ngày nay trung học phổ thông) bán công Lê Quý Đôn ở Nha Trang và là giáo sư thỉnh giảng Đại học cộng đồng duyên hải Nha Trang (1972- 1975). Giai đoạn từ 1990 – 1999, ông nhận lời giảng dạy môn ngôn ngữ và văn chương Pháp tại trường Cao đẳng Sư phạm Nha Trang.

 

Không chỉ dạy học, Cung Giũ Nguyên còn là một nhà báo. Từ năm 1928, ông đã cộng tác với nhiều báo trong và ngoài nước và từng làm chủ bút hai tờ báo Pháp ngữ xuất bản tại Sài Gòn là nhật báo Le Soir d’Asie (1940-1942) và tuần báo La Presse d’Extrême-Orient (1954) cùng một vài tờ báo khác xuất bản tại Nha Trang.

 

Trong ngôi nhà của mình (số 60 đường Hoàng Văn Thụ, Nha Trang) - tuy ở mặt tiền một con đường giữa lòng thành phố nổi tiếng về du lịch biển song vẫn giữ nguyên dáng dấp cũ: giản dị nép mình giữa vườn cây xanh tách biệt với nhịp sống tấp nập chung quanh – cụ đã dành cho chúng tôi gần hai giờ để kể tiếp đoạn sau của cuộc đời mình...

 

Đã sống thì dứt khoát không để tụt hậu

 

Ông cụ gần trăm tuổi, người Huế gốc Hoa, nổi tiếng vì giỏi cả Tây học lẫn Hán học này hóa ra lại rất rành tin học và Internet. Cụ kể: “Tôi đã đọc khá nhiều sách về tin học, biết khá rành về những bước phát triển của máy tính cũng như các ứng dụng của nó trong đời sống, công việc,.. nhưng mãi đến năm 1994, sau khi nhận tiền bản quyền một quyển sách xuất bản ở nước ngoài, tôi mới có thể sắm cho mình một chiếc để từ giã cái máy chữ, cho nó... nghỉ hưu. Gia cảnh vốn nghèo, nên tôi đã quen với việc tự học từ nhỏ, sau này là tự học để dạy học, viết văn, làm báo... Nhờ có chút kiến thức căn bản cộng với kinh nghiệm sẵn có về tự học, lại may mắn được vài người quen giúp đỡ, tôi bắt đầu vừa học, vừa thực hành máy tính".

 

Lúc đó, cụ Nguyên 86 tuổi. Ngoài ưu thế về ngoại ngữ, nhờ trí nhớ còn tốt nên cụ Nguyên làm quen với máy tính khá dễ dàng và nhanh chóng khai thác các ứng dụng của nó một cách hữu hiệu. Theo cụ cho biết, từ khi dùng máy tính, việc giảng dạy ở trường Cao đẳng Sư phạm Nha Trang thuận lợi hơn. Sinh viên các năm cuối tỏ ra hết sức thích thú khi nhận những tài liệu được in rõ ràng, dễ sao chụp thay cho các tờ giấy đánh máy, in ấn nhem nhuốc. Khi phải làm các bảng điểm thi học kỳ, việc tạo danh sách sinh viên theo thứ tự bảng chữ cái hoặc theo điểm số cũng hết sức dễ dàng. Cụ cao hứng soạn và phát thêm cho sinh viên giáo trình về văn học sử của Pháp, từ thời Trung cổ đến thế kỷ XX) nhằm giúp cho sinh viên hiểu dễ dàng hơn những bài giảng tại lớp. Cụ tâm sự: "Nếu không có máy tính, chắc chắn tôi không thể làm được những việc như vậy".

 

Năm 90 tuổi, đi lại khó khăn hơn, cụ Nguyên đăng ký kết nối với mạng thông tin toàn cầu Internet. Cụ bảo: "Nhiều điều mới mẻ đã tác động đến cuộc sống, sinh hoạt của tôi - một kẻ còn mê làm việc nên chưa chịu... chết. Công nghệ thông tin đã giúp tôi tiếp cận một thế giới khác, không kém những gì tôi từng trải qua khi còn thanh xuân. Qua e-mail, một kẻ gần đất xa trời như tôi vẫn giữ được liên lạc với bà con, bạn hữu khắp nơi. Không chỉ thăm hỏi, trò chuyện, mà còn có thể chia sẻ cho họ những gì mình đã viết, hay những tài liệu họ không có...".

 

Cũng nhờ có máy tính mà chỉ trong vòng vài năm, cụ Nguyên nhập được mấy nghìn trang sách, bản thảo... để gởi cho thân hữu đọc và lưu giữ nếu thấy cần thiết. Với cụ: "Tôi vẫn thấy mình còn phải tiếp tục tìm tòi, học thêm, cập nhật kiến thức để làm tốt hơn những việc cần thực hiện cho xong".

 

MAI LĨNH

Theo Echip

Nhiều Tác Giả
Số lần đọc: 3640
Ngày đăng: 08.11.2008
[ Trở lại ] [ Tiếp ]
In tác phẩm Góp ý Gửi cho bạn
Cùng thể loại
Chén rượu quan hà - Nguyễn Hùng
Thư và bút tích của nhà văn Nguyên Hồng - Nguyên Hồng
Bầu cho ai ? - Vũ Trà My
Từ chuyện cây bàng trong sân trường... - Đinh Thị Như Thuý
Gặp lại Dã Quỳ - Nguyễn Thị Hậu
Tản mạn viết - Đàm Lan
Người ta cảm - Đào Đức Tuấn
Sống cùng hoa - Nguyễn Thúy Ái
Vĩnh biệt Thảo Phương!... - Vũ Ngọc Tiến
Bản tình cuối - Bùi Thủy
Cùng một tác giả
Chia Buồn (văn hóa)
Tin buồn (văn hóa)
Cảm tạ (văn hóa)
Tin buồn (văn hóa)
CHIA BUỒN (văn hóa)
Tin buồn (văn hóa)
Tin buồn (văn hóa)
Tin buồn (văn hóa)
Tin buồn (văn hóa)
Tin buồn. (văn hóa)
Tin buồn (văn hóa)
Tin buồn (văn hóa)
Tin Buồn (văn hóa)
Phở Việt Nam (văn hóa)
CƠN MÊ (thơ)