Ủng hộ VCV
Số tác phẩm
28.861 tác phẩm
2.760 tác giả
1.186
123.211.824
 
Bóng ngựa qua song
Mang Viên Long

Năm Giáp Thân, 1944…

Ba mươi ba tuổi, ông Thơ đã có hai đời vợ, cọng cả thảy là bốn đứa con- đứa thứ 5 của bà vợ sau đang còn nằm trong bụng mẹ.

Trong làng, gia đình ông thuộc hàng phú nông ; cha mẹ ảnh hưởng nho giáo nặng nên chỉ cho hai anh em ông đi học, còn người chị thì gả có chồng sớm năm mười bảy tuổi. Mẹ ông chưa chịu nhận đám, còn quyến luyến con, vả lại trong mắt bà, con bé Huyền còn nhỏ quá. Bà còn viện dẫn thêm cái khó khăn trong nhà không có người con gái đỡ đần sớm hôm với bà ; một mình làm không xuể, mà thuê mướn thì thêm phiền.

 

Lý lẽ thứ nhất, cha ông Thơ đọc ngay câu ca dao “Con gái mười bảy, bẻ gãy sừng trâu” – rồi cao giọng hỏi : “Bà còn nhớ hồi bà ưng tôi năm bao nhiêu tuổi không?”

 

Mẹ Thơ im lặng .

Việc thứ hai, ông giải quyết cũng nhanh chóng: “Gọi thằng Thơ về, cưới vợ cho nó. Vậy là bà có con gái, có người giúp việc trong nhà- nhất cử lưỡng  tiện!”.

Mẹ Thơ không dấu được nỗi lo lắng, bà thở dài:

-Thằng Thơ vẫn còn đang đi học kia mà ?

-Học thì cứ việc học, cưới vợ thì cứ cưới, có hề gì đâu ? Bà không nghe có khối ông Tiến sĩ, Trạng Nguyên… trước khi đi thi đều đã có vợ con rồi sao ? Cha Thơ khăng khăng như vậy .

Mẹ Thơ im lặng .

 

Nhưng Thơ thì cương quyết phản đối. Thơ đang học năm thứ hai Ban Cao Đẳng ở College Qui Nhơn bị cha gọi về, sắm vai chú rể. Cô dâu là người ở thôn trên, vóc dáng khỏe mạnh, siêng năng làm việc, đã do cha mẹ ông chọn cho rồi ! Ngày làm đám cưới, ông Thơ đã lẻn trốn đi biệt, ba ngày sau cha ông cho người lùng tìm, mới bắt về được.

Lửa gần rơm thì phải cháy. Ông vẫn được tiếp tục đi học ở Qui Nhơn, vẫn đi về sống với người vợ xa lạ. Năm ông thi đậu xong bằng Displom, cũng là năm đứa con thứ hai của bà vợ trước ra đời !

 

Ông Thơ được bổ làm thông ngôn, thư ký ở Bàu Cạn- Biển Hồ. Một lần đến thanh tra, làm việc ở một sở trà, ông tình cờ gặp cô công nhân lựa trà xinh xắn, gương mặt bầu bĩnh, phúc hậu ; hỏi ra lại là người đồng hương.

 

Thế là ông lui tới sở trà hằng tuần, sau đó là hằng ngày, và sau cùng là đã cùng cô gái công nhân trắng trẻo dễ thương kia sống chung ngoài thị xã… Nhân vụ cãi vã với tên Giám đốc người Pháp để phản đối việc đối xử tàn tệ, vô nhân của tên chủ sở đồn điền cao su với đám phu mới tuyển- ông Thơ bỏ việc, dắt nhau về quê vợ sinh sống.

 

Ông làm nghề dạy học một thời gian, rồi chuyển xuống thị trấn, kinh doanh các loại thuốc cao đơn hoàn tán. Trên tấm carte visite, ông ghi : “Đại lý cao đơn hoàn tán các nhà thuốc danh tiếng”. Ông cần mẫn làm việc, giao thiệp rộng, nên chóng phát đạt.

 

Vợ ông- bà Diệu, đặt thêm mấy chiếc tủ kính thấp; buôn bán vải vóc, tơ lụa. Nhờ biết tiếng Pháp thông thạo, ông liên hệ với Công ty Rượu Societé Industriell et commercial de Annam ở Phù Mỹ để làm đại lý- gọi tắt là Rượu SiCa.

 

Tuy bận việc kinh doanh, ông lại rất hâm mộ hát bội. Trong huyện, nơi nào có đám hát, là ông rủ bạn bè đến xem- dù phải đi xa hằng mười, mười lăm cây số. Ông bỏ tiền thuê vài chiếc xe kéo ; xế chiều ra đi, quá khuya mới về đến nhà… Từ việc đam mê hát bội, ông và đám bạn thân, có ý định thành lập một gánh hát riêng. Các gánh hát chọn lại, được bốn cô đào hát hay, nổi tiếng ; ông và đám bạn chia nhau đi chinh phục, rủ rê về cho gánh hát của mình. Ông Khanh “bắt bồ” với bà Thu, ông Bản theo đuổi bà Mộng, ông Vĩnh săn bắt bà Liễu, còn ông Thơ thì tỏ tình với bà Cầm.

Công việc làm ăn của gia đình ông Thơ ngày càng phát đạt. Ông mua thêm mấy cái nhà cùng đường phố. Mua vài mẫu ruộng tốt gần nhà. Ông cho dở bỏ hai ngôi nhà cũ, gọi trên chục thợ giỏi về, xây lầu. Trong cái thị trấn nhỏ bé này, ngôi nhà lầu một tầng của ông là ngôi nhà đầu tiên… Nhiều người ở xa cũng tò mò đến xem !

 

Ngôi nhà lầu đang ở vào giai đoạn hoàn chỉnh, còn gánh hát bội cũng đang được quy tụ, mua sắm các thiết bị cần thiết ; thì ông Thơ ngã bệnh đột ngột.

 

Các loại thuốc cao đơn hoàn tán sẵn có đều được dùng, nhưng bệnh ông không thuyên giảm. Bà Diệu đang có thai tháng thứ sáu, buồn lo nhiều nên cũng bị động thai phải nằm yên một chỗ. Bà luôn bị ám ảnh bởi câu chuyện kể lại của gã xe kéo, lúc chở ông Thơ lên ga tìm mua thêm vài bao xi măng, trở về- đường vắng, giữa trưa, ông Thơ vô ý để tuột rơi một chiếc giày. Ngay lúc ấy có một thiếu nữ mặc áo quần trắng tinh đi đến, ông Thơ đã nhờ cô ta nhặt giúp. Sau đó, thiếu nữ biến mất. Ông Thơ trở về nhà, ngã bệnh. Bà đã bày lễ vật, đèn nhang, hoa quả ra trước sân nhà khấn vái, nhưng vô hiệu. Bệnh tình của ông Thơ ngày càng nặng hơn.

 

Trong đám bạn ông, có ông Bản là người ở kế bên- sốt sắng đi rước giúp về một ông thầy thuốc Bắc. Không biết ông thầy này bắt mạch thế nào, uống xong thang thuốc thứ nhất, ông Thơ không còn nói năng được nữa ! Ông Thơ đã tắt thở ngay trong ngày hôm đó.

 

Cái chết đột ngột, sớm sủa năm ông mới vừa ba mươi ba tuổi, khiến nhiều người dị nghị, bàn tán. Có người cho là lỗi ở ông thầy –bất-đắc-dĩ. Ngu dốt mà đòi làm thầy. Có kẻ bảo, thế nào cũng có bàn tay nham hiểm bí mật bỏ thạch tín- mã tiền vào siêu thuốc. Lại có người tin là ông Thơ bị “cô bà” bắt đi… Dù là vì lý do gì đi nữa, ông Thơ cũng đã chết. Bóng dáng ông sẽ không còn trên cõi đời này nữa. Bỏ lại người vợ trẻ đẹp, ba đứa con, và một sản nghiệp khá lớn…

 

 

Sau tháng mãn tang ông Thơ ba năm, bà Huyền – chị ông, đến thăm, ngõ ý “làm mối” bà Diệu cho một ông bác sĩ góa vợ, đang làm việc ở nhà thương Song Thanh.

Bà nói :

- Chị thấy em còn trẻ quá, buột em thủ tiết thờ chồng kể cũng tội, hơn nữa em cũng cần có người nương tựa sớm hôm về già- chị biết ông bác sĩ này rất tốt, nhân từ, có học thức… Người như vậy em có thể tin tưởng được, chỉ biết lấy phước nhà mà đong thôi em à !

Bà Diệu hơi cúi đầu, tay vân vê nút áo- khẽ đáp :

- Cám ơn anh chị đã có ý lo cho em và các cháu, nhưng em chưa nghĩ đến…

- Bao giờ thì em nghĩ tới ?

-Thưa , em chưa biết …

- Được rồi, em cứ suy nghĩ. Bao giờ đồng ý thì tin cho chị biết. Nói với em chuyện này là anh chị sợ em trẻ người, non da, gặp nhằm thằng sở khanh, đểu giả, thì lại khổ cả mẹ con ! Ở đời, có nhiều cạm bẫy lắm ,  em sao  có đủ kinh nghiệm mà tránh ?

 

Khoảng gần một năm sau thì ông Bản dày dạn, ngang nhiên, về sống chung trong gia đình bà Diệu. Ông bỏ bà vợ một mắt con của một quan tuần phủ khi đã có hai con. Thuở trước, ông cưới con quan vì món tiền, ruộng đất hồi môn nhiều. Ông quan đã nghỉ hưu biết con mình không đẹp, đã cho thêm ông Bản mấy mẫu điền thổ. Nay thì tiền hết, ruộng đất sung công ; ông trở mặt ruồng rẫy là chuyện thường tình. Ông tự xem như bản hợp đồng đã hết hạn . Và tình nghĩa vợ chồng như một món hàng có thể đổi thay tùy ý vậy.

 

Bà Diệu biết rõ gia cảnh, con người của ông, nhưng con chim đã chui vào bẩy, con cá đã cắn câu rồi: Bà đã trót có thai với ông ; biết tính sao cho yên ? Đứa con trong bụng bà là sợi dây oan trái vô hình đã buột chặt đời bà với gã đàn ông láng giềng! Bà lại cảm thấy yếu đuối, cô thế; không thể tự mình phá vỡ màn lưới của chiếc bẩy được che đậy khéo bằng những lời đường mật ái ân ! Lý trí thường không thể thắng nổi tình cảm được ve vuốt nơi người đàn bà.

 

Ông Bản dần dần tóm thân, di chuyển những tài sản kín đáo, có giá trị, của gia đình bà Diệu ! Ông thao thao vẽ vời với bà về công việc “làm ăn lớn” là sản xuất xà phòng ; bán sỉ và lẻ, cho cả tỉnh, cả mấy tỉnh lân cận nữa. Tha hồ mà hốt bạc. Nhưng cả năm trời trôi qua, bà chưa hề thấy được một bánh xà phòng nào – mà tiền thì cứ bảo là đã bỏ vào lò đốt cháy ! Không ai biết là ông đã tiêu hủy tiền bạc như thế nào ?

 

Một buổi tối, sau lúc cãi vả to tiếng với bà Diệu- ông Bản đã đánh bà, té ngã, ngất xỉu ! Thì ra, ông đòi bà lột chiếc vòng vàng một lượng đang đeo ở tay Ngọc- con gái bà ; đưa cho ông … đi mua củi về nấu xà phòng ! Bao nhiêu chiếc ghe chở củi xuôi dòng sông phía sau nhà đã được đốt đi , là bấy nhiêu mồ hôi, công sức, của vợ chồng bà trước đây đã biến thành từng đống tro than trong mưu tính chi li của ông. Lòng người quả thật khó dò.

 

Bà Diệu đã sụt sùi khi nói với Ngọc :

- Con thương má, cho má mượn lại chiếc cong vàng đưa cho “nó”, nếu không có chắc “nó” đánh má chết mất !

Ngọc đưa tay cho mẹ. Tay bà Diệu run run gắng tháo chiếc vòng đang đeo trên tay con ; cả hai mẹ con đều chảy nước mắt. Ở tuổi mười hai, tuy Ngọc chưa hiểu thấu được nỗi đau của mẹ, nhưng nàng đã khóc vì những giọt nước mắt của mẹ chảy ràn rụa như không bao giờ dứt. Thằng Viên- em trai Ngọc, được sinh sau ngày ông Thơ mất ba tháng ; đã lên sáu, cười nói với chị: “cho má mượn mà cũng khóc, xấu hổ quá !”. Anh trai Ngọc được ông Bá vận động cho đi học ở trường Hòa Bình- cả tháng mới có dịp về thăm nhà một lần ; không hề biết chuyện gì đã xảy ra với mẹ mình, cho gia đình mình. Bà Diệu luôn dặn dò Ngọc, và cả thằng Viên nữa- không được kể chuyện “chú Bản” đánh mẹ, việc bà “mượn tạm” chiếc vòng vàng, vân vân… Bà không nỡ để cho Phúc biết, rồi buồn lo, rồi xao lãng việc học. Bà cam nhận chịu lấy một mình nỗi khổ đau vì lỡ lầm, vì phút giây yếu đuối sa ngã. Bà hiểu dần ra thâm ý của người chị chồng, có lẽ chị ấy đã nghe được đâu đó tin đồn về bà và ông Bản; nên đã đường đột mở ra cho bà một con đường- tránh sa lầy vào hố thẳm ! Bà Diệu còn nhớ như in nét mặt buồn buồn và lời nhắn gửi thâm tình sau cùng lúc ra về. “Ở đời,  có nhiều cạm bẫy lắm em a ! “ của người chị chồng phúc hậu.

Nỗi buồn đau cọng với sự ân hận dần dà khiến bà Diệu gầy ốm, xanh xao thấy rõ. Bà bị bệnh mất ngủ. Dường như một đêm, bà chỉ chợp mắt được một hai giờ lúc gần sáng. Làn da trắng hồng mịn màng thuở nào, đã trở màu tái xám. Mái tóc mượt dài chấm lưng đã rụng, thưa dần, khô quăn như bị phơi nắng. Cả người bà như một trái mướp già khô khốc, treo lủng lẳng trên giàn đã khô rụi lá.

 

Một năm sau, bà Diệu chết vì bệnh lao ; ở vào tuổi ba mươi chín ! Đó là ngày 27 tháng 10 năm 1952. Đêm 26, trời mưa bão, nước tràn qua các ngã đường thị trấn; lạnh lẽo và hoang vắng. Cuộc đời bà đã chấm dứt, ra đi, cũng lạnh lẽo và vắng lặng như thế !

 

Phúc đã nghỉ học, từ Hòa Bình trở về, trước lúc mẹ mất một tháng. Nay thì ba anh em đùm bọc nhau sống, quên dần cái quá khứ vàng son êm ấm ; để lo cho từng bữa ăn độn củ, mà còn thiếu trước hụt sau. Chiến tranh đã làm cho cuộc đời khốn khổ, càng thêm khốn khổ. Cái thị trấn nhỏ bé hoang vắng, càng thêm hoang vắng. Con người còn lại là những cái bóng thấp thoáng- vội vã, lầm lũi, cô độc về chiều… Cuộc đời như đang khép dần lại, cách biệt.

 

Sân xi măng của ngôi nhà lầu một tầng thuở trước đã bị đập phá bởi lệnh “tiêu thổ kháng chiến” ; nay là sân phơi lúa, sân họp thiếu nhi, sân trải chiếu nằm chơi ngắm trăng của chị em Ngọc những đêm Rằm thanh vắng không nghe tiếng máy bay, không nghe tiếng kẻng báo động vang lên dồn dập từ xóm dưới…

 

Bà Diệu chết, để lại đôi bầu của gian hàng xén đã vơi gần hết. Ngọc bày cả ra trên một chiếc giường tre, trước mặt nhà, bên lề đường hai bên phủ ngập cỏ- để ai qua lại cần món gì thì bán. Bán đi mà không mua vào. Phúc thì ra đi từ canh ba, với một ba lô chứa cân xách tay bằng sắt, lãnh từ một lò rèn sản xuất ở Đập Đá- đi đến các chợ trong huyện bán lại kiếm ít đồng lời. Phúc thường nói vui với các bạn học cũ ở Hòa Bình có dịp ghé thăm, rằng – “Chung quanh tất cả mọi người đều khổ cả, nên mình cũng chẳng biết khổ là gì. Đâu có cái sướng nào trong thời buổi bom đạm, chiến tranh ?”.

 

Công việc của Viên hằng ngày là xách rổ đi dạo, lang thang trong các khu vườn hoang, hay dọc theo bờ sông, để hái rau dền, rau má. Những tháng nước sông cạn, nó lội qua sông, xuống ruộng bắt cua, mò cá ! Nó cũng sắm được một chiếc cần câu, nhưng chỉ bắt được những con cá rô, cá trắng ngờ nghệch, tham mồi nhỏ xíu chỉ vừa một miếng ăn !

 

Từ ngày Nga- em cùng mẹ khác cha với Viên được ông Bản đưa về An Thuận gởi cho cha mẹ ông- Viên chỉ biết chơi với chị Ngọc, hay lầm lũi một mình. Ông Bản ít bén mảng đến. Lâu lâu, ông thạt vào, nói lung tung đủ thứ chuyện, rồi biến mất. Phúc đã dần biết rõ hết mọi việc, nhưng vẫn giữ im lặng. Lạnh lùng . Hận thù có ích lợi gì đâu- khi mọi chuyện đã trôi qua, mẹ mình đã chết ? Điều quan  yếu là làm thế nào để ngăn chặn cái xấu ác xảy ra- nhưng Phúc đã bất lực. Anh tự nhủ với mình nhiều lần như vậy. Trước mắt là phải sống…

 

Tin ông Bản bị sập một bẩy chông sắt phía sau vườn nhà ông ở An Thuận đến tai anh em Phúc quá muộn : Ông đã bị những thanh chông sắt nhọn hoắt gỉ sét đâm thủng hai bàn chân, xuyên lên đùi; bị nhiễm trùng, và chết ngay ngày hôm sau. Một bóng ngựa nữa đã qua song…

 

Quê nhà 27/10/1985

Mang Viên Long
Số lần đọc: 3313
Ngày đăng: 10.11.2008
[ Trở lại ] [ Tiếp ]
In tác phẩm Góp ý Gửi cho bạn
Cùng thể loại
Huyền Trân Công Chúa - 1 - Khuất Đẩu
Huyền Trân Công Chúa - 2 - Khuất Đẩu
Huyền Trân Công Chúa - 3 - Khuất Đẩu
Người đàn bà khu rừng tràm - Trần Vọng Ngư
Niềm vui xa gần - Y Uyên
Người thợ sửa khóa, làm chìa… - Mang Viên Long
Kịch độc - Lương Văn Chi
Lầm lẫn - Trần Kỳ Trung
Người sợ đàn bà - Nguyễn Minh Phúc
Thung lũng dã nhân - Hoa Ngõ Hạnh
Cùng một tác giả
Ngã rẽ(*) (truyện ngắn)
Bóng hạnh phúc** (truyện ngắn)
Vôi trường úc(*) (truyện ngắn)
Quán bụi (truyện ngắn)
Người chị(1) (truyện ngắn)
Dì Lucia (1) (truyện ngắn)
Chim trời (5) (truyện ngắn)
Ông ngoại tôi (truyện ngắn)
Quà nhỏ (tạp văn)
Bèo dạt, hoa trôi … (truyện ngắn)
Quà Trung thu của ba (truyện ngắn)
Giàn hoa cát đằng (truyện ngắn)
Mùa xuân đến muộn (truyện ngắn)
Gã nhà quê vui tính (truyện ngắn)
Bà ngoại tôi (truyện ngắn)
Chữ Hiếu (truyện ngắn)
Chim bay về đâu (truyện ngắn)
Bóng ngựa qua song (truyện ngắn)
Chuyện ngày xưa (truyện ngắn)
Vầng trăng khuyết (truyện ngắn)
Biển của hai người (truyện ngắn)
Chuyện xóm củi (truyện ngắn)
Dáng mộng (1) (truyện ngắn)
Lại một mùa xuân (truyện ngắn)
Ông Ba Phải (truyện ngắn)
Chim chuyền buội ớt (truyện ngắn)
Truyện ngăn ngắn -1 (truyện ngắn)
Truyện ngăn ngắn-2 (truyện ngắn)
Chiếc cà vạt (truyện ngắn)
Tiên Thủy (truyện ngắn)
Vội vàng (truyện ngắn)
Vết son (truyện ngắn)
Truyện ngăn ngắn-3 (truyện ngắn)
Truyện ngăn ngắn-4 (truyện ngắn)
Có những mùa trăng (truyện ngắn)
Một trường hợp (truyện ngắn)
Một cõi đời riêng (truyện ngắn)
Chờ bão (truyện ngắn)
Bên trời mơ ước (truyện ngắn)
Mèo con yêu dấu (truyện ngắn)
Phố người (truyện ngắn)
Một câu chuyện tình (truyện ngắn)
Bà già khòm (truyện ngắn)
Ăn tết ở chùa (truyện ngắn)
Những kẻ tạm trú (truyện ngắn)
Quê nhà , chiều 30… (truyện ngắn)
Phút chót (truyện ngắn)
Khoảng cách (truyện ngắn)
Một Ngày Cô Độc (truyện ngắn)
Chùa Cô Ba (truyện ngắn)
Thị Trấn Êm Đềm (truyện ngắn)
Mây hoàng hôn (truyện ngắn)
Ngôi Nhà Mùa Hè (truyện ngắn)
Quán Café Tulip (truyện ngắn)
Nỗi Khổ Không Rời (truyện ngắn)
Về Lại Chốn Xưa (truyện ngắn)
Bên Tách Trà Khuya (truyện ngắn)
Sáu Bẹo (truyện ngắn)
Lộn Ngược (truyện ngắn)
Quán Bên Sông (truyện ngắn)
Tách trà cổ (truyện ngắn)