Ủng hộ VCV
Số tác phẩm
28.861 tác phẩm
2.760 tác giả
1.143
123.227.147
 
Lịch sử những cuộc bách hại
Nguyễn Hữu An

NIỀM TIN PHỤC SINH

 

Sơ sử ở Việt Nam chỉ thực sự mở đầu từ văn hoá Đông Sơn, cách đây khoảng 2.500 năm. Nước Văn Lang của các Vua Hùng là một sự thật của lịch sử Việt nam. Sách “Đại Việt Sử Ký Toàn Thư” là bộ chính sử đầu tiên của nước ta ghi chép về nước Văn Lang và theo đó thì nước Văn lang “Đông giáp Nam Hải, Tây giáp Ba Thục, Bắc giáp Hồ Động Đình, Nam giáp nước Hồ Tôn”. Nước Văn Lang chỉ tồn tại trước sau trong khoảng 300 năm và con số 18 đời Hùng Vương cho đến nay vẫn là con số của huyền sử. Tiếp đến là nước Âu Lạc của An Dương Vương, rồi đến các triều đại Đinh, Lê, Lý, Trần, Hậu Trần, Hồ, Hậu Lê, Mạc, Nguyễn…

 

Lãnh thổ Việt Nam nhỏ bé chỉ đến Châu Cực nam là Hoan châu, Hà Tĩnh ngày nay. Biên giới phía nam của An Nam là núi Hoành Sơn. Từ Đèo Ngang, Quảng Bình, Quảng Trị đến Bình Thuận là đất nước Chiêm Thành với kinh đô Trà Kiệu. Miền Nam, Miền Tây thuộc vương quốc Phù Nam, Stiêng, Chu Nại, Lục Chân Lạp, Thuỷ Chân Lạp.

 

Việt Nam thực hiện Cuộc Nam Tiến bắt đầu từ thời Lê Đại Hành mở mang bờ cõi về phía nam. Thời nhà Trần, Vua Trần Nhân Tông gả Công Chúa Huyền Trân cho Vua Chiêm là Chế Mân để đổi lấy 3 châu (Quảng Bình, Quảng Trị, Huế). Thời nhà Hồ tiến vào Quảng Nam, Quảng Ngãi. Thời Trịnh Nguyễn phân tranh, Nguyễn Hoàng vượt biên giới núi Thạch Bi tiến về phía Nam, cho đến năm 1697 đặt phủ Bình Thuận. Năm 1757, tháp nhập Hà Tiên vào Đại Việt, chấm dứt Cuộc Nam Tiến. Việt Nam với bản đồ chữ S đã hình thành. Như thế chỉ dài chừng nửa đầu thế kỷ 18, người Việt đã hoàn thành cuộc bành trướng của dân tộc từ Bình Thuận chiếm trọn Nam kỳ ( theo Lm Aug Nguyễn Văn Trinh, Lịch Sử Giáo Hội Việt Nam, tập I, 1994)

 

Trong bối cảnh lịch sử xã hội đó, Thiên Chúa đã sai các nhà truyền giáo đến để gieo trồng hạt giống đức tin trên quê hương Việt Nam. Lịch sử Giáo hội Việt Nam gắn liền với những thăng trầm của lịch sử dân tộc. Các Họ Đạo phát triển cùng với Cuộc Nam Tiến và các cuộc bách hại. Từ khi vị thừa sai Phanxicô Buzômi có công thiết lập cơ cấu Giáo xứ đầu tiên ở Việt Nam năm 1615 cho tới khi Hàng Giáo Phẩm Việt Nam được thiết lập 1960, thời gian đó kéo dài 300 năm. Hơn 3 thế kỷ phát triển cùng với các cuộc bách hại dưới các thời đại Vua Lê Chúa Trịnh, Tây Sơn, Minh Mạng, Thiệu Trị và Tự Đức. Hạt giống Nước Trời cứ phát triển khi được gieo xuống đất. Chúng ta thấy được hồng ân Thiên Chúa tuôn tràn để sức sống Nước Trời nở rộ trên nước Việt thân yêu.

 

Giữa những bách hại tàn khốc, Giáo hội vẫn lớn mạnh không ngừng. Như một Linh mục Giáo sư đã nói : Giáo hội Công giáo ngoài bốn đặc tính Duy nhất Thánh thiện Công giáo Tông truyền còn có thêm một đặc tính thứ năm, đó là bách hại, càng bị bách hại càng lớn lên. Các bậc Tổ tiên đã gieo trong nước mắt và đau thương nhưng hào hùng và can trường. “Đẹp thay những bước chân gieo mầm cứu rỗi” (Is 52,7) để hôm nay Giáo hội Việt Nam vững mạnh sánh vai cùng các Giáo hội trên hoàn vũ. Nhìn những thành quả hiện tại như những bó lúa nặng hạt, là con cháu các Thánh Tử Đạo, người Công giáo Việt nam không bao giờ quên ơn những Bậc Tiền Bối đã xây đắp nên Giáo hội yêu dấu của mình.

 

Chúng ta có thể khẳng định : Lịch sử của các Giáo hội cũng là lịch sử những cuộc bách hại. Bắt bớ, bách hại luôn đi liền với những kẻ tin nhận Đức Giêsu Kitô là Chúa. Ngay từ trong Cựu ước, những người tin vào Thiên Chúa Giavê cũng đã phải trải qua những cơn gian nan thử thách vì niềm tin.

 

Tại sao người tín hữu thường bị bắt bớ và bị bách hại? Lịch sử cho thấy người tín hữu bị bắt bớ và bị bách hại thường vì một trong hai hoặc vì cả hai lý do là : bị người đời hiểu lầmghen ghét. Chính Đức Giêsu là một minh hoạ tuyệt vời về sự kiện ấy. Đức Giêsu bị nhà cầm quyền Do thái và Rôma kết án loại trừ, vì họ cho rằng Người là mối nguy hiểm cho địa vị, chức quyền của họ. Thế nhưng, qua cuộc khổ nạn và thập giá mà Đức Giêsu bày tỏ lòng hiếu thảo, vâng phục, yêu mến Chúa Cha và tình thương đối với loài người. Cuộc Khổ nạn là con đường dẫn tới Phục sinh.

 

Các Thánh Tử Đạo của Giáo hội, 117 Thánh Tử Đạo Việt Nam và hàng ngàn hàng vạn vị Tiền Bối Việt Nam cũng là những người đã chết vì Đạo mà nguyên nhân chính là do hiểu lầm và ghen ghét. Các vị ấy đã kiên cường và anh dũng chứng minh lòng tin của mình đối với Đức Giêsu Kitô, bất chấp gông cùm, tù tội, bá đao hay tùng xẻo, trảm quyết hay lăng trì.

 

Vì thế, ngày Lễ Các Thánh Tử Đạo Việt Nam chính là dịp để Giáo hội hoàn vũ chiêm ngắm suy tôn 117 Thánh Tử Đạo Việt Nam, các chứng nhân trung kiên của Đức Kitô. Đặc biệt là dịp mà mỗi tín hữu Công Giáo Việt Nam ca tụng Thiên Chúa đã làm những việc vĩ đại trên quê hương mình. Mừng kính trọng thể các Ngài để cùng nhau chiêm ngưỡng, tự hào, học hỏi nơi những chứng nhân đức tin trung kiên, ý chí quật cường của các chiến sĩ Đức Kitô. Từ đó giúp nhau phát huy truyền thống hào hùng bất khuất, dám hy sinh mạng sống cao quý để giữ vững đức tin nơi các thế hệ con cháu Các Thánh Tử Đạo.

 

Chính trong ánh sáng của Đức Kitô, Vị Tử Đạo tiên khởi mà chúng ta có thể nói về Các Thánh Tử Đạo Việt Nam bằng câu Phúc âm : Đầy tớ không lớn hơn chủ(Ga 15,20); Nếu chúng đã bách hại Thầy, chúng sẽ bách hại các con...Đây Thầy sai các con như con chiên đi vào giữa sói rừng… Hãy coi chừng người đời, họ sẽ nộp các con nơi toà án. Khi họ bắt bớ, các con đừng lo phải nói thế nào, vì không phải các con, nhưng Thánh Linh của Thầy sẽ nói trong các con… Các con sẽ bị mọi người ghét bỏ vì danh Thầy. Nhưng ai bền đỗ đến cùng người ấy sẽ được cứu độ. (Mt 10,16 -25)

 

Các Thánh Tử Đạo không tìm đến cái chết mà chỉ tìm cách nên giống Thầy, giống đời sống của Thầy Giêsu, nhất là giống cử chỉ yêu thương tột cùng đã đưa Thầy đến cái chết.

 

Các Thánh Tử Đạo là những vĩ nhân của nhân loại. Các Ngài đã chết dưới ngọn đao phủ là chết cho Đức Kitô như chính Đức Kitô đã chết cho các Ngài.

 

Các Thánh Tử Đạo hiên ngang vì đã đáng được chịu đau khổ cho Đức Kitô. Các Ngài chẳng màng chi đến việc nhân loại trao tặng huy chương, huân chương, chiến công. Các Ngài chết tử đạo là chết vì Đức Kitô, đơn thuần và tinh khiết, trong sáng và huyền diệu, can trường và khiêm nhu.

 

Các Thánh Tử Đạo có chung một chọn lựa lựa khoát : theo Đức Kitô hay theo vua quan? Theo Đức Kitô là sống trong gông cùm và chết trong đau thương. Theo vua quan là thừa hưởng vinh hoa phú quý nơi trần gian. Các Ngài có chung một quyết định tối hậu là theo Đức Kitô. Giây phút quyết định ấy chỉ có các Ngài với Thiên Chúa, chỉ có linh hồn với cõi phúc vô biên. Giây phút ấy không bị ảnh hưởng bởi gia đình, tổ quốc, nhân sinh. Người chết trong máu tử đạo đã coi nhẹ nghĩa phu thê, đã xem thường đường phụ tử. Họ khao khát một tình yêu vô biên mỹ lệ như giải ngân hà sao sa vời vợi, như vầng nhật nguyệt huy hoàng khôn tả. Các Ngài đã hoan hỉ chấp nhận chết để được sống một cuộc đời mà không mỹ từ nào diễn tả nổi, không bút hoạ nào vẽ thành và không hùng biện nào tuyên dương cho trọn. Người chết trong gông cùm mòn mỏi đã đặt tổ quốc đàng sau những giá trị vĩnh cửu. Ước vọng của họ không phải là được người đời tưởng niệm, được hậu thế tôn phong. Họ chết là vì đức tin thúc đẩy. Họ chỉ muốn thực hiện điều đã từng nghe biết : “Ai tuyên xưng danh Ta trước mặt trần gian, Ta sẽ tuyên danh nó trước mặt Cha Ta trên trời” (Mt 10,32). (x.Thiên Hùng Sử trang 4).

 

Chân dung Các Thánh Tử Đạo Việt Nam được tô điểm bằng muôn ngàn vạn nét, nhưng nét đẹp nhất trong chân dung các Ngài là Niềm Tin Phục Sinh. Trong nhà tù vẫn cầu nguyện và hát thánh ca, thánh vịnh. Ra pháp trường vẫn cầu nguyện và hát khúc khải hoàn Alleluia, luôn hướng về trời cao với niềm Hy Vọng Phục Sinh và cất cao hát mãi cho đến khi đầu rơi khỏi cổ. Cái chết chẳng có giá trị gì, chính sự sống mới làm nên muôn điều huyền diệu. Sự sống đó chính là tình yêu với tất cả những gì cao thượng và chân thật. Tình yêu đó bừng lên mãnh liệt trong mầu nhiệm tự huỷ và hiến dâng. Chết là mất tất cả, nhưng 117 hiến tế tình yêu cũng là 117 chứng từ niềm tin của những con người xác tín rằng: chết vì Đức Kitô, chết đi là sống lại trong cuộc sống muôn đời; chết là chiến thắng; chết là để đi về sự sống vĩnh cửu; chết là cánh cửa im lìm được mở ra để về với Đấng là Sự Sống vĩnh hằng.

 

Bài học của các vị tử đạo không phải là khơi lên máu nóng tìm đến cái chết, mà chính là sống hiến thân từng giây từng phút của đời mình cho Thiên Chúa và tha nhân. Sự sống đó luôn kêu mời chúng ta : mỗi ngày chết đi những yếu đuối tầm thường, để can đảm làm chứng và đấu tranh cho Chân lý. Sự sống đó hứa hẹn với chúng ta một ngày sau rạng rỡ, ngày đoàn tụ với cha anh chúng ta trên cõi bất diệt.( x. Thiên Hùng Sử, trang 495).

 

Niềm Tin Phục Sinh mãi mãi là ánh sáng soi dẫn từng suy nghĩ từng lời nói từng việc làm của người tín hữu trong cuộc sống hàng ngày.

 

Vài tư liệu.

 

1. Thời gian và con số:

+ Thời gian bắt đầu vào năm 1580 và chỉ kết thúc hoàn toàn vào năm 1888, kéo dài gần 3 thế kỷ.

+ Có khoảng 400.000 người  bị lưu đầy, phát lưu và phân sáp.

130.000 người đã chết vì đạo trong số này đã có 117 vị được Giáo Hội chính thức tôn phong lên hàng hiển thánh vào ngày 19.6.1988.

2. Về các hình khổ: Các ngài đã phải chịu mọi thứ cực hình mà người ta có thể nghĩ ra được như:

- Gông cùm, xiềng xích, nhốt trong cũi, đánh đòn, bỏ đói.

- Bị voi giầy, bị trói ném xuống sông, bị đổ dầu vào rốn rồi cho bấc vào mà đốt, bị đóng đinh vào ván rồi đem phơi nắng vv.

- Quyết liệt hơn thì bị trảm quyết - tức là bị chặt đầu- bị xử giảo - tức là bị thắt cổ -, hay bị thiêu sống.

- Vô cùng man rợ và hiểm độc như bị xử lăng trì - phân thây ra từng mảnh hay là xứ bá đao.

3. Quá trình Giáo Hội phong thánh

* Ngày 27-5-1900 Đức Thánh Cha Lêo XIII phong 64 vị lên hàng chân phước.

* Ngày 20-5-1906 Đức Thánh Cha Pio X phong thêm 8 vị.

* Ngày 02-5-1909 cũng Đức Thánh Cha Piô X phong thêm 20 vị nữa.

* Ngày 29-4-1951 Đức Thánh Cha Pio XII phong 25 vị.

Trong 117 vị được phong chân phước có :

- 8 Giám mục ( Giám mục thuộc dòng Đaminh và 2 Giám mục thuọc Hội thừa sai Paris)

- 50 Linh mục (Gồm 37 là người Việt Nam, 8  thuọc Hội thừa sai Paris

và 5 thuộc dòng Đaminh)

- 15 thầy giảng

-44 giáo dân thuộc đủ mọi thành phần xã hội: công chức, thương gia, công nhân, quân nhân, y sĩ, ngư phủ, trùm họ v..v.

4. Theo loại hình phạt

           

* 79 vị bị trảm quyết tức là bị chặt đầu. Như vậy là con số bị trảm quyết nhiều nhất.

* 18 vị bị xử giảo tức là bị thắt cổ.

* 8 vị chết rũ tù

* 6 bị thiêu sinh

* 4 bị lăng trì - tức là phân thây ra từng mảnh

* 1 bị tử thương và

* 1 bị bá đao

5. Về thời gian

* 2 vị chịu tử đạo thời Trịnh Doanh

* 2 vị chịu tử đạo thời Trịnh Sâm

* 2 vị chịu tử đạo thời Cảnh Thịnh.

* 57 vị chịu tử đạo thời Minh Mạng

* 3 vị chịu tử đạo thời Thiệu Trị

* 51 vị chịu tử đạo thời Tự Đức

Nguyễn Hữu An
Số lần đọc: 3587
Ngày đăng: 14.11.2008
[ Trở lại ] [ Tiếp ]
In tác phẩm Góp ý Gửi cho bạn
Cùng thể loại
Về di tích Bàu Thành - Phạm Quang Minh
Có hay không Thống chế Trần Đồng?(*) - Phạm Quang Minh
Nguyễn Hoàng và bước đầu tiến vào vùng Nam Trung Bộ - Nguyễn Thị Hậu
Văn chương và lịch sử - Phác thảo một cách nhìn - Nguyễn Mạnh Hà
Người tôn vua Duy Tân và cứu Phan Châu Trinh thoát khỏi án chém - Nguyễn Hoàn
Góp một cách nhìn về Lịch sử Nhật Bản - Hà văn Thùy
Thử phân biệt truyền thuyết và lịch sử - Võ Phúc Châu
Nhiệm vụ nghiên cứu sử - Khổng Ðức
Các ý kiến về chiếu cần vương giả mạo - Nhiều Tác Giả
Về cái được gọi là “chiếu cần vương – D’argenlieu – 03-7-1889” - Trần Xuân An
Cùng một tác giả
Hòa bình vĩnh cửu (tiểu luận)
Mùa Xuân Chín (tạp văn)