Goncourt, giải thưởng văn học Pháp được mong chờ nhất, từng được trao cho hai người nước ngoài. Đó là nhà văn Pháp Makine, gốc Nga và Jonathan Littell, nhà văn hai quốc tịch Pháp và Hoa Kỳ.
Năm nay, khi danh sách xét giải cuối cùng được công bố, không chỉ giới chuyên môn mà khá nhiều độc giả tiên đoán rằng lịch sử sẽ lặp lại và Goncourt 2008 sẽ về tay cây bút Atiq Rahimi, người Afghanistan, công dân Pháp.
Kết quả được biết ngày 10 g mười một đúng là như vậy, dù Viên đá đen thần kỳ (nguyên văn tiếng afghanistan: Syngué Sabour) của anh không thắng ngay ở vòng phiếu đầu như Những nữ thần nhân hậu của Jonathan Littell năm 2006, mà chỉ vượt lên ở vòng thứ hai với tỷ lệ 7 trên 3.
Viên đá đen thần kỳ (Nhà xuất bản P.O.L) được đánh giá rất cao trước hết là từ các viện sỹ Goncourt. Sức nặng của tiểu thuyết của Atiq Rahimi nằm ở chỗ nó đề cập đến một vấn đề cốt tử hiện nay không những của Afghanistan mà của toàn cầu. Ấy là chiến tranh và thân phận phụ nữ.
Ngoài ra, nó đã ghi nhận chiến công của một người say mê tiếng Pháp có thể nói là phi thường. Người đó dĩ nhiên là Atiq Rahimi.
Anh chào đời năm 1962 ở Kaboul. Cha anh, một nhà quý tộc, thống đốc một vùng thung lũng, rồi quan tòa. Nền quân chủ sụp đổ, cha bị bỏ tù hai năm rưỡi.
Sau đó, cha sống lưu vong ở Ấn Độ. Anh theo cha một thời gian rồi về nước học trung học phổ thông từ năm 1979.
Tốt nghiệp đại học văn chương ở tuổi 22, anh bí mật bỏ nhà, cuốc bộ tới Pakistan, lần tới Đại sứ quán Pháp ở Islamabad, xin tới Pháp cư trú chính trị.
Ngạc nhiên trước nghị lực, quyết tâm đổi đời và kiến thức dồi dào về văn hóa Pháp và ngôn ngữ Pháp của anh, chính phủ Pháp chấp thuận... Anh được cấp bằng tiến sỹ nghệ thuật nghe nhìn. Sau đó, để kiếm sống, anh làm phim quảng cáo và tài liệu. Dĩ nhiên, anh tranh thủ mọi lúc mọi nơi để viết văn...
Tháng mười một, năm 2005, đang dự một liên hoan phim tại Hàn Quốc, anh bàng hoàng vì tin nữ thi sỹ Afghanistan Nadia Anjuman 25 tuổi bị chồng giết hại, trong khi chị chuẩn bị tham gia một hội thảo văn học ở miền tây nước nhà.
Hội thảo bị hủy. Ba tuần sau, anh về ngay hiện trường, không ít quan chức trả lời anh đó là chuyện riêng của người ta. Không chịu nổi sự vô trách nhiệm và vô cảm ấy, anh tự mình điều tra và ý tưởng về Viên đá đen thần kỳ nảy sinh và tiểu thuyết định hình dần...
Chuyện của anh sẽ gắn bó máu thịt với viên đá thần kỳ. Trong một căn buồng trống trải, một người vợ ngồi bên người chồng sống thực vật đang hấp hối.
Anh bị một viên đạn găm sâu trong gáy, trong một cuộc chiến huynh đệ tương tàn, khởi đầu từ một nghi lễ tôn giáo, do quá khích mà chẳng ai chịu ai.
Giờ đây, anh hóa thành viên đá thần, vốn gọi là “viên đá kiên nhẫn”, ý là phải kiên lòng mới được cứu rỗi. Chị vợ bắt đầu “xưng tội” với nó. Sau bao nhiêu năm bị đè nén và khinh miệt như một nô lệ, lần đầu tiên, chị dám trút hết nỗi niềm.
Chị “tố khổ” với chồng như với một cha cố trong nhà thờ, bao uất ức và oán hận được nổ tung tất thảy. Chị kết án chồng không hiểu chị, đày đọa chị, chỉ mải mốt đánh nhau mà quên vợ quên con. Tiếng chị lúc gầm rít, khi thủ thỉ, lúc cười ré lên, khi nức nở nghẹn ngào...
Nội dung ấy khó thể hiện hết tầm bằng tiếng Afghanistan. Atiq Rahimi mau chóng hiểu ra và quyết định viết bằng tiếng Pháp. Dù thành thạo “tiếng của tự do”, anh vẫn phải tra cứu nhiều tự điển.
Không khác gì Đới Tứ Kiệt với Balzac và cô bé thợ may Trung hoa, anh vật lộn khốn khổ với từng từ, từng câu, cố diễn tả thật đúng ý mới thôi. Những sắc thái tâm lý tế nhị nhất đòi hỏi một hệ thống cú pháp và câu chữ vừa đời thường vừa tự nhiên và phù hợp.
Dụng công của anh đã được đền bù. Không mấy tác phẩm được công chúng bàn bạc sôi nổi và say sưa như Viên đá đen thần kỳ của anh...
Ảnh : Atiq Rahimi tại nhà hàng Drouant nổi tiếng, bên các viện sĩ Goncourt lụ khụ
TPO theo nhiều tài liệu nước ngoài