Ủng hộ VCV
Số tác phẩm
28.861 tác phẩm
2.760 tác giả
1.188
123.217.676
 
Đôi nét về Nguyễn Khải qua Thượng đế thì cười.
Đông La

“Thượng đế thì cười” (tiểu thuyết của Nguyễn Khải (NK), Nxb Hội Nhà văn) thực chất là một cuốn hồi ký nhưng lại được viết theo hình thức của một tiểu thuyết; tức các nhân vật đều có thực, còn kết cấu, văn phong thì được viết theo kiểu tiểu thuyết. Xuất phát từ câu chuyện người vợ, sau cả quãng đời dài cùng ông gắn bó, về già lại đâm ra ghen tuông, khiến ông nhà văn vốn rất khéo xử với đời lại không biết xử thế nào với vợ… toàn bộ cuộc đời của NK đã được dựng lên. Qua đó, ta thấy cuộc đời NK là một sự pha trộn bởi những điều trái ngược nhau. Nếu ông là một đứa con thêm bị bỏ rơi, bị sỉ nhục của một ông bố thiếu tình thương và trách nhiệm thì ông lại là đứa con yêu của cách mạng. Những năm kháng chiến chống Pháp gian khổ hy sinh là thế, nhưng với riêng NK lại là những ngày vui nhất, được gia nhập quân đội, chàng thiếu niên NK như con chim sổ lồng, vùng vẫy thỏa thích giữa bầu trời tự do, bởi thế có lúc mới “tự dưng chạy như thằng rồ” đơn giản chỉ vì “thấy vui quá thì chạy” mà thôi. Còn trong kháng chiến chống Mỹ, khi cả nước chia ly, cả nước không nhà nào không có người thân nơi đầu rơi máu chảy, riêng NK: “Vợ chồng hắn suốt bốn mươi lăm năm chưa một lần ăn tết lẻ loi”, đôi lúc ông còn phải tự thấy ngượng, tự thấy mình có lỗi vì sự quá may mắn của mình. Không chỉ thế, từ một đứa bé trước mắt ông bố chỉ là “một thằng mán tiền”, ông lại trở thành một sĩ quan cao cấp, một nhà văn danh tiếng.  Xuyên suốt TĐTC, NK đã bộc bạch, bày tỏ lòng biết ơn sâu xa với cách mạng: “Nếu không có cách mạng thì mãi mãi hắn sẽ bị ám ảnh là một đứa trẻ bị ruồng bỏ…chỉ xứng đáng có một thân phận hèn mọn”.

 

Qua TĐTC, ta thấy NK cũng đã phải trải qua tất cả những nỗi bất hạnh của một kiếp người. Làm sao không đau cho được khi một đứa bé nằm quay mặt vô tường nghe người bố đến nói những lời sau cùng với mẹ trước khi vứt bỏ mẹ con mình một cách lạnh lùng. Ngay cả khi NK đã thành đạt, sau đến 30 năm mới gặp lại cha, ông đã tha thứ tất cả bởi chỉ mong có được sự sum họp, sự đoàn tụ như bao gia đình bình thường, nhưng rồi vẫn chỉ là gượng gạo, là nhạt nhẽo; ngay lần gặp cuối cùng cũng vẫn là cảnh cha trong nhà, con ngoài sân, ở giữa là cái cánh cửa sắt – cái cánh cửa định mệnh, nó như được làm nên bằng sự bất công, sự phi lý, mãi mãi ngăn cách, mãi mãi không cho ông đến được với tình phụ tử đích thực, thiêng liêng! Hỏi có còn nỗi đau nào hơn? Vậy mà NK vẫn có một nỗi đau còn lớn hơn thế nhưng nó ngược với nỗi đau trên. Nếu ông có cha mà không bao giờ có được tình cha thì với đứa con trai đầu lòng thông minh và khỏe mạnh, ông đã có nó với tất cả tình thương yêu và niềm hy vọng, nhưng ác thay, thần chết lại bất ngờ cướp khỏi vòng tay ông khi nó 15 tuổi, nó đã bị chết đuối ở sông Hồng. Một nỗi đau đến mức khiến vợ ông phải vọt ra sữa non, đái ra máu tươi!

 

Qua TĐTC, ta cũng không ngờ một người như NK, khi gia đình gặp cảnh túng bấn, cũng đã phải tính đến làm cả hầu bàn, làm gác cổng, vui lòng nhận cả những đồ như của bố thí “…các chị cho gì đều nhận, mà của cho cũng nhếch nhác lắm, là cho người nghèo, người không được trọng…lúc đến tay nhẹ ra về tay nặng tòan thứ tập tàng nhà có tiền không dùng nhưng nhà nghèo vẫn phải dùng. Chị và các cháu sẽ khinh nhưng vợ con lại mừng, thôi, lấy cái vợ con mừng làm nước rửa đi cái nhục, chả sao cả”. Một nhà văn danh tiếng, đầy lòng tự trọng như ông, làm được vậy cũng là một sự hy sinh, không vì nước vì dân mà vì vợ con cũng là điều đáng quý.

            TĐTC là cuốn hồi ký của một nhà văn già trải nhiều biết nhiều và đã hiểu nhiều. Ông viết: “Cái thời đòi sự thắng bại đã qua, chỉ còn lại cách sống hiền minh giữa những người già”. Ông đã viết TĐTC theo tinh thần này. Vốn luôn tự nhận mình là một người yếu đuối, con người của suy nghĩ chứ không phải con người của hành dộng “nghĩ như triết nhân, làm như con trẻ” ông yêu qúy những nhân vật có những phẩm chất mà ông không có, những người say mê hành động. Nếu hồi trẻ ông đã thấy vẻ đẹp của bình minh, của những chiến công thì ở TĐTC, ông còn biết đến vẻ đẹp của hoàng hôn, của cả những sự thất bại. Ông kính trọng nhà văn Trần Kim Trắc, một người có tấm lòng vị tha, đã không hề hận những người từng gây nên nỗi bất hạnh cho mình mà trên gương mặt còn luôn nở một nụ cười khiêm nhượng. Nhìn nụ cười của nhà văn, ông thấy như nụ cười của một người “đã vượt khỏi sông mê, đã tới được bến bờ của Giác Ngộ”, nụ cười của một người đã biết cảm ơn đến cả những điều bất hạnh, biết ơn cuộc đời đã tàn nhẫn với mình, biết ơn bạn bè đã gây khó cho mình. Với nhà văn Vũ Bão, NK không ngờ bài phê phán của mình sau 42 năm mà “Nỗi đau của bạn vẫn còn nguyên đó, nguyên vẹn, tươi mới” và ông nhận ra: “Thì ra người cầm dao không thể có cùng một nỗi đau với người bị chém”. Bằng những chứng nghiệm của đời mình, ông viết: “Từ đó hắn bắt đầu biết sợ luật quả báo, luật bù trừ của ông Trời, rất hãi cái ngông nghênh của sự được thời, cái lấn sân, lấn phần của kẻ hãnh tiến, chỉ xin nhận phần thiếu chứ không dám tranh phần dôi, thích đứng phía sau hơn chen ngồi phía trước, thích nhường nhịn, thích rút lui, vì tin rằng cái hụt, cái thiếu của mình sẽ được bù lại cho con cho cháu”.

           

Còn một điều nữa đã làm nên nét rất riêng của tính cách NK. Tôi cũng có may mắn, ba, bốn lần gì đó được gặp ông. Ấn tượng của lần gặp đầu giờ vẫn còn nguyên vẹn. Nhưng không hiểu sao tôi cứ hay so sánh NK với Chế Lan Viên. Với CLV, lúc đầu gặp được ông quá khó, nhưng khi ông đã biết đến mình rồi thì lại quá gần gũi thân tình, ông là người sống vì mình nhưng cũng biết sống vì người khác. Ông rất quý bè bạn. Còn NK, gặp được ông dễ dàng, ông ân cần chu đáo nhưng tôi vẫn cảm thấy quá xa cách. Qua TĐTC, tôi nhận thấy, thì ra điều đó chính là do tính cách ông, cái tính cách được hình thành do sự pha trộn hai sự khác biệt: dòng máu quan lại và thân phận một đứa con bị ruồng bỏ. Từng là đứa trẻ bị số phận đẩy vào nghịch cảnh bơ vơ, vào đời NK luôn nhân nhượng, không muốn làm mất lòng bất kỳ ai, nhưng tôi thấy làm vậy ông khó được lòng ai. Bởi người ta cần sự chân thành, sự chia sẻ. NK tham dự tất cả nhưng ông ít chia sẻ. Ông đến với mọi người nhưng vẫn luôn tạo cho mình một khoảng cách. Hình như cái dòng máu quan lại đã ngăn không cho ông bước qua cái ranh giới vô hình đó để hòa đồng với mọi người. Với bậc đàn anh, ông viết: “Ngồi nói chuyện với các bậc đàn anh Hữu Loan, Hòang Cầm, tuy hắn rất ngưỡng mộ tài thơ của các anh ấy nhưng vẫn hơi khó chịu khi tiếp xúc. Ở hắn có cái sạch sẽ, cái chừng mực của một viên chức. Các anh ấy có mùi khét nồng, có cả mùi chua gắt của những đời người có lắm nỗi gian truân”. Với bậc thầy: “Ngay như cụ Nguyễn Tuân là ông thầy trong tâm tưởng của hắn, hắn cũng chỉ đứng xa nhìn ngắm cụ, ngưỡng mộ tài văn của cụ, chứ cũng không muốn làm thư đồng hầu cụ trong một chuyến đi dài”. Với bạn bè, những người có cùng “dòng máu công chức”: “ Hắn cũng không khoái được gần gũi họ. Những cử chỉ, những lời nói đắn đo, mực thước ở họ khiến hắn chỉ muốn bật cười, chả lẽ hắn lại là người như thế, là nghệ sĩ mà có thể sống nhạt nhẽo đến thế!”. Và, với “những nghệ sĩ tự do”: “…hắn, … một viên chức đang muốn biến hóa thành một nghệ sĩ tự do, nhưng … cái đuôi viên chức thỉnh thỏang lại lấp ló lòi ra nếu như bạn bè luận bàn về chính trị tự do quá, luận bàn về đàn bà lỗ mãng quá, cười hét to quá, nói năng tục tĩu quá”. Như vậy, có lẽ ông không có người bạn nào thực sự tri kỷ, thực sự tâm giao, một người có thể “sống chết có nhau” theo đúng nghĩa cao quý nhất của tình bạn. Những sắc thái khác nhau của cái “cung cách ứng xử Nguyễn Khải”: “tỉnh táo”; “tự giới hạn”; “lui tới”; “nhân nhượng”; “thỏa hiệp”… ông đã thực hiện tất cả chỉ với một mục đích là muốn được yên thân để viết, với ông, việc viết là quan trọng nhất.

           

Trong TĐTC, NK dành khá nhiều tâm sức kể lại hành trình viết văn của mình. Tự phát trở thành nhà văn, sau những vụng dại, thất bại, ông đã tự rút ra những bài học: “… có bao nhiêu cái lạ mà viết dở quá… Tại sao ư? Tại vì hắn đã đọc quá nhiều thứ văn chương ao tù, ngòi cạn của một thời làm dân thuộc địa, với những hy vọng, lo lắng vặt vãnh tủn mủn của cuộc sống tẻ nhạt…không thể lấy cái hành trang quá nghèo nàn để bước vào một xã hội bắt đầu có sóng to gió lớn… lấy cái ngắn hẹp để mặc vào cái rộng lớn làm sao vừa”. Khi viết truyện ký “Người con gái quang vinh”, ông thấy “Văn của mình mà không dám đọc lại” rồi ông cũng tự nhận ra do ông: “đã biến nữ anh hùng Mạc Thị Bưởi thành người con gái Nga Jôi-a” và kết luận : “Cái bắt chước, cái nhái lại, cái tình nguyện làm bản sao tồi, trước sau cũng bị sức sống tiềm ẩn của dân tộc lọai bỏ”. Sau gần chục năm thất bại, ông đã tự tìm ra một lối đi: “Gạt bỏ những ý tưởng có sẵn”; “thâm nhập vào cái bề bộn ngổn ngang” của cuộc sống “ghi lại thật trung thành” những gì tai nghe mắt thấy; “cảm nhận một cách hồn nhiên” những đúng sai, phải trái… “Nhà văn chỉ là người quan sát và ghi chép chứ không còn là người giật dây những con rối của mình”. Như vậy, có lẽ ông đã không ngờ rằng mình đã rút ra được cái điều cốt yếu nhất của văn chương hiện thực, đúng như Pautovxki đã từng viết đại ý: Nhà văn phải biết đặt cuộc đời lên trên cuốn sách chứ không phải đặt cuốn sách lên trên cuộc đời. Và, cũng theo như ý của Gooc-ki: Cái sâu rộng của cuộc sống bao giờ cũng sâu rộng hơn cái khôn ngoan của người đời. Sau mấy chục năm, từ một sự tiếp cận khác, ông lại rút ra cái điều cơ bản ấy: “ Nhà văn không phải lo sinh kế, văn chương… hóa ra trong veo vì thiếu hẳn cái đục của trần gian, mùi bùn của trần gian”. Trong TĐTC, NK cũng cho người đọc thấy những duyên cớ đã dẫn ông đến những đối tượng để rồi hình thành nên tác phẩm của ông. Dường như tất cả những cái đó ông đều được dẫn dắt bởi một sức mạnh vô hình, đó chính là cái vết thương định mệnh thuở thiếu thời. Về đề tài đạo Thiên Chúa, ông viết: “Từ nhỏ, hắn đã có thiên hướng về cái thiêng liêng… để tìm một chỗ ẩn náu cho cái thân phận bấp bênh của mẹ con hắn”; rồi: “Thực ra hắn chỉ viết hay những gì có liên quan đến những mộng mơ, đến tiểu sử và cái thế giới thầm kín của hắn”. Cũng chính vì thế ông rất dễ chạnh lòng trước những cảnh ngộ éo le, vẻ đói khát, thèm thuồng của những con người bất hạnh, vừa thương người vừa nghĩ đến thân, bởi chính mình cũng từng như thế, nếu không may, đời mẹ con mình cũng mãi như thế. Đó là cảnh một bà lão ngồi bốc bún chấm muối ăn, vì không muốn phiền con mà chịu vất vưởng nơi đầu đường xó chợ, nhặt hoa đại bán kiếm sống qua ngày; cảnh bà mẹ ăn nắm cháy truớc mặt khách của con; chuyện vợ chồng người thương binh mù, từng đậu đại học, đã tình nguyện nhập ngũ thay cho những kẻ cơ hội trốn nghĩa vụ hợp pháp, khi quay trở về lại thành ra kẻ làm thuê, thành con nợ của chính mấy kẻ trốn chạy ấy…Tất cả những mảnh đời ấy đều trở thành văn chương của ông, ông viết cho bạn đọc mà cũng là viết cho mình. Ông cũng rất thích những người có sức sống tinh thần mạnh mẽ, coi họ là những “nhân vật gan ruột”, một ông già vùng đồng Tháp Mười nửa đời trước chiến đấu với quân thù, nửa đời sau lại phải chiến đấu với cái xấu, cái ác trong chính đội ngũ của mình (truyện Vòng sóng đến vô cùng). Ông cũng khâm phục những người bị lâm vào nghịch cảnh, không chịu quỵ ngã mà còn chiến thắng số phận. Như chuyện đôi vợ chồng người thương binh, chồng bị bỏng bom napa toàn thân, bàn tay co quắp, vợ một cánh tay bị cụt, vẫn xây dựng được một gia đình hạnh phúc, còn sinh đến bốn đứa con xinh đẹp, ông coi như một “hiện tượng kỳ vĩ”, một “biểu tượng của hồi sinh”: “Sức mạnh tái sinh của con người ta có thể sánh ngang với trời đất thật. Từ một đống thịt rữa nát chỉ để nuôi giòi, nuôi giun, bón đất mà thành một cơ nghiệp, một dòng họ và một tình yêu để lại mãi mãi cho hậu thế” (truyện Một bàn tay và chín bàn tay).

 

Tôi chưa đọc hết Văn chương NK, nhưng trong số đã đọc thì thích nhất ông viết về lĩnh vực tôn giáo, cụ thể là Xung độtCha và con và…Đây là 2 cuốn ông viết đúng theo kiểu “thâm nhập vào cái bề bộn ngổn ngang” của cuộc sống. Tôi thích sự am tường sâu sắc của ông, hiện thực qua ngòi bút ông hiện lên thật chi tiết, sống động. Ông còn có những suy ngẫm riêng, có thể là rất mới, về sự hòa hợp giữa đạo và đời, cái điều vốn đã có quá nhiều mâu thuẫn, quá nhiều đối kháng, kể cả xung đột nữa: “Bảo rằng tôn giáo sinh ra do bạc nhược và ngu dốt, chỉ đúng có một phần, tôn giáo cũng sẽ sinh ra khi con người đã tự ý thức như một chúa tể. Tôn giáo sẽ biểu hiện như một thăng hoa chứ không còn là một công cụ của đe dọa và áp bức. Nó sẽ thuộc phạm trù văn hóa chứ không thuộc phạm trù quyền lực như hiện tại. Linh mục sẽ chăm sóc linh hồn con nguời như một nghệ sĩ chứ không phải như một anh lính cảnh sát”.(tr.131).

 

NK có nhiều tiểu thuyết hơn với cách viết ngược với cách viết trên, ông không “gạt bỏ những ý tuởng có sẵn” mà ông đã có sẵn  ý tưởng trong đầu, sau đó mới đi tìm nhân vật: “Nhận được ra một nhân vật có thể chuyển tải ý tưởng của mình là đã tìm được việc làm…Còn nhận được ra nhân vật của mình trong môi trường họat động quen thuộc của họ tức là cuốn sách đã viết non nửa”. Chính bằng cách này NK đã viết được nhiều, từ cái khung hiện thực giản tiện nhất, chỉ cần một cuộc gặp gỡ, hoặc mối quan hệ của một nhóm bạn, rồi qua đối thọai, qua hồi ức, ông có thế viết được tất cả mọi chuyện. Đọc những quyển sách viết theo kiểu này có thú vị là biết được nhiều tư liệu quý, những lĩnh vực độc đáo, những nhân vật ấn tượng, nhiều suy tư sâu sắc của tác giả, nhưng tôi vẫn không thích bằng kiểu viết trên của ông, bởi chúng có sự gò bó của sắp xếp, sự sơ lược, ta thường được nghe nhân vật kể chuyện chứ không được chứng kiến nhân vật sống, giống như xem bộ phim chỉ chiếu hình ảnh nhân vật ngồi nói vậy. Tôi thấy NK có hai cách xử lý ngược nhau, có những vấn đề nhỏ ông viết thành những cuốn sách to và có những vấn đề rất to ông lại viết thành những cuốn sách rất nhỏ. Tôi cứ nghĩ nếu ông gom mấy cuốn sách nhỏ lại, với khả năng của ông, với sự hiểu biết nhiều như ông, với lối viết kiểu “thâm nhập vào cái bề bộn ngổn ngang của cuộc sống” như Xung đột, kiểu “dựng chuyện” chú không phải “kể chuyện”, rất có thể ông đã viết được một tác phẩm lớn, xứng tầm với lịch sử đất nuớc, cuốn sách mà mọi nguời đang trông đợi.

 

Thực ra điều đầu tiên khiến tôi tìm đọc TĐTC là muốn xem NK viết thế nào khi đã có trong tay cái “bí kíp” (cuốn Nghệ thuật tiểu thuyết của Kundera, Nguyên Ngọc dịch). Theo tôi điều này rất khó, Với Kundera, nền tảng triết lý văn chương của ông là Hiện tượng luận, học thuyết nghiên cứu và cho quá trình nhận thức diễn ra theo kiểu “Tôi tư duy cái tư duy của tôi khi nó đang tư duy”, cho thế giới hiện thực là thế giới của “cái tôi ý thức”, sự nhận thức chính là hành động “trực quan trực tiếp bản chất đối tuợng”, gạt sang bên toàn bộ thế giới khách quan, toàn bộ thế giới của các học thuyết, các quan niệm (đặt thế giới trong ngoặc). Theo ông, “cái tôi” chính là “bản chất hiện sinh”; một chủ đề là “một câu hỏi hiện sinh”; ngay cả lịch sử cũng phải được hiểu rằng: “tiểu thuyết khảo sát không phải hiện thực mà khảo sát cuộc sống, cuộc sống không phải là những gì diễn ra mà cuộc sống là vùng các khả năng của con nguời, tất cả những gì con nguời có thể trở nên, tất cả những gì con nguời có thể…” (dẫn theo Nghệ thuật tiểu thuyết của Kundera).

 

Vì thế, trong TĐTC, thực chất NK chưa áp dụng gì cái “bí kíp” trên, cách viết của ông vẫn là cách viết hiện thực. Nhưng chả sao cả, tôi vẫn đọc, đơn giản chỉ vì ông viết rất thực, một hiện thực rất sống động và phong phú bởi cuộc đời ông cũng có nhiều chuyện.

           

Gần đây, tuy không được công bố chính thức nhưng người đọc cũng rất chú ý bài “Đi Tìm Cái Tôi Đã Mất” trên mạng với tên người viết là NK. Nếu xét văn phong và chuyện công tư trong đó thì hoàn toàn khớp với NK ngoài đời. Bài viết tác giả tự cho là: “thứ hương vị thơm ngát chắt ra từ hơn bảy mươi năm được làm người”. Trong bài viết, ông đã phủ nhận tất cả, cũng có nghĩa ông tự phủ nhận sự nghiệp của mình. Nhiều vấn đề, nhiều ý của ông là đúng, có điều chúng không thỏa đáng, nói theo ngôn ngữ triết học là ông không có cái nhìn biện chứng, vì có nhiều chuyện hôm nay thấy sai nhưng trong hoàn cảnh cụ thể nào đó nó lại đúng. Qua bài viết cuối cùng này, mọi người lại thấy ông đúng là quá khôn ngoan, muốn được tất cả, khi sống đã được đủ danh lợi, thì khi chết lại muốn được tiếng là người đổi mới. Ông đã bật mí bí quyết thành công của cuộc đời mình: “ Ấy là cái tính hài hước bẩm sinh, trước hết là biết giễu mình”. Chính vì điều này ông đã được cho là người thành thật. Một ông GS viết hồi ký: “Trần Độ dự định sắp đặt NK… làm chánh Thư ký Hội Nhà Văn, NK xem ra cũng hăng hái lắm, anh nói với tôi y như sẽ làm Tổng thư ký đến nơi. Anh phẩy tay: “Nguyễn Đình Thi và Chế Lan Viên thì phế cả đi…

 

Nhưng ta phải khôn khéo, đổi mới nhưng phải khôn khéo. Chính trị ghê ghớm lắm, không đùa được đâu, nếu cần quỳ xuống lậy ta cũng phải quỳ”… Tôi nhắc lại và hạ một câu “Bây giờ nghĩ lại xấu hổ chết đi được”, tôi tưởng anh giận hóa ra lại thích thú vì thấy hiểu mình quá. Tôi rất quý cái thành thực ấy của NK”. NK là là một người sẵn sàng giành giật, được thì tốt không được thì cho là trò chơi, ông tự viết về mình: “Tôi là một đứa trẻ khi bước vào đời có nhiều điều thua thiệt nhưng tôi đã biết níu chặt lấy thời thế mà leo dần lên”.  Mong ước leo cao cũng là lòng tham thường tình của con người, nhưng tôi e ngại khi ông quá tỉnh táo, tự ý thức về những gì mình có được trong sự thua thiệt của người khác: “Những năm 50, 60 của thế kỷ 20, với tôi là những năm tràn đầy niềm vui. Nhìn vào đâu tôi cũng thấy tôi được… Nhưng cũng những năm ấy với hàng triệu người dân thường lại là những năm đầy lo lắng, hãi sợ và tuyệt vọng”; rồi: “ Tôi vui là chuyện có thật, những trang viết của tôi vào những năm ấy là rất thành thật. Nhưng nước mắt của người khác cũng là chuyện có thật, tôi có biết, có được chứng kiến”.

                                                        

Viết 2-9-2004

Sửa, viết thêm 15-11-08

Đông La
Số lần đọc: 3998
Ngày đăng: 17.11.2008
[ Trở lại ] [ Tiếp ]
In tác phẩm Góp ý Gửi cho bạn
Cùng thể loại
Chat room - thêm một đóng góp mới cho dòng văn học Việt - Nguyễn Khắc Phê
Dòng sông độ lượng –tiếng lòng người miền đông - Sương Nguyệt Minh
Những nhận định về sự nghiệp thơ văn của Miên Thẩm Tùng Thiện Vương - Lê Ngọc Trác
Lời tự tình từ nơi chốn Không Là Gió Mây - Trần Quốc
Lê Khánh Mai không chỉ là giọng biển - Phạm Đình Ân
Gió Bấc Trẻ Nhỏ Đóa Hồng Và Dế (*) :Khúc hát nao lòng - Nguyễn Lệ Uyên
Không đáng để ồn ào - Hà văn Thùy
Đọc “Bởi từ lâu chúng ta không thể ngủ” : Không có Tôi - Nguyễn Chí Hoan
Những câu thơ mới trong một khu vườn lạ - La văn Tuân
Dấu ấn hậu hiện đại trong Cánh đồng bất tận - Hoàng Đăng Khoa
Cùng một tác giả
Đêm hoang (truyện ngắn)
Bài toán (truyện ngắn)
Lễ tưởng niệm (truyện ngắn)
Ân nhân (truyện ngắn)
Lang thang (truyện ngắn)
Ngôn ngữ thơ (tiểu luận)
Họa vô đơn chí (truyện ngắn)