Có những điều mà ngôn ngữ bất lực, không thể diễn tả và truyền đạt hết tất cả tư tưởng tình cảm con người. Đó là sự hữu hạn của ngôn ngữ. Đó là lúc mà con người phải dùng đến vô ngôn, đối diện với vô ngôn. Lúc mà con người làm cuộc trò chuyện trong im lặng, đối thoại trong im lặng.
Và đó là sự vô ngôn cần thiết.
Cũng như thơ, thơ không những là lời mà còn là cái niềm im lặng, thị hiện vô ngôn:
“Vô ngôn độc đối đình tiền trúc
Sương tuyết tiêu thời hợp hoá long”
(Nguyễn Du)
Vô ngôn - im lặng mà ngân vang đến không cùng. Và im lặng đến mức không thể im lặng hơn được. Bởi lúc đó ta đã trở về với bản nguyên, ta đã hợp nhất với vũ trụ:
“Tịch liêu
Thấm xuyên vào đá
Tiếng ve kêu”
(Bashô – N. C. dịch)
Và thơ, như lời Octavio Paz: “vừa là hình ảnh và vừa là im lặng”. Thơ không những là lời mà còn là những khoảng trống – những khoảng lặng trong thơ. Cũng như đó là những khoảng lặng trong một ca khúc vậy.
Sự im lặng và vô ngôn cần thiết.
Vô ngôn, đó còn là ngôn ngữ của tình yêu, của hai trái tim khi thể xác và tâm hồn bấn loạn. Là sự trò chuyện trong im lặng, là lúc trái tim nói với trái tim bằng ngôn ngữ nguyên thủy. Không nói nhưng mà nói rất nhiều.
Và một bức thư tình có khi chỉ là tờ giấy trắng im lặng. Nhưng nó mênh mông như một đại dương, và chứa đầy tất cả… Có phải thế không những con người đang yêu?
Cũng như nghệ thuật đỉnh cao là nghệ thuật không lời. Bởi đến lúc đó ngôn ngữ bất lực, ngôn ngữ không còn là phương tiện biểu đạt nữa. Nó đã đi về với bản nguyên. Nó đã lặn vào chính nó.
Âm nhạc đỉnh cao là âm nhạc không lời; kịch câm; kịch Nô; múa balê; hội hoạ;… tất cả đều quay về với ngôn ngữ nguyên sơ, ngôn ngữ nguyên thủy. Tất cả đi thẳng trực tiếp vào tâm hồn người, vào yếu tính của nghệ thuật; nơi mà người ta sống bằng tất cả trí tưởng tượng, sống bằng tất cả sự rung động của các giác quan. Cũng như đến với nghệ thuật là đến bằng cảm. Nghệ thuật suy cho cùng là nhận thức bằng cảm tính, bằng hình tượng.
Cũng như có một sự Vô ngôn tối thượng đã trở thành huyền thoại, đã thành lịch sử. Đó là sự Vô ngôn Niêm hoa vi tiếu, thấu đạt chân lý của Ma-ha-ca-diếp. Đó là sự vô ngôn “tiếng vỗ của một bàn tay”. “Trực chỉ nhân tâm”, “dĩ tâm truyền tâm”. Hay vô vàn các cuộc vô ngôn khác trong Thiền tông.
Sự vô ngôn đó, đến nỗi Martin Heidegger nói rằng: “Những gì tôi nói thì Thiền đã nói hết rồi…”.
Vâng, cuộc sống con người làm sao thiếu ngôn, làm sao thiếu lời nói được ; đó là món quà kì diệu nhất mà thượng đế đã ban cho con người, giúp con người giao tiếp, nhận thức và đi đến chiếm lĩnh đỉnh cao tri thức. Và điều mà con người khác con vật cũng chỉ ở ngôn, ở tiếng nói. Con người là linh vật, nên con người có “ngôn linh” – nói như người Nhật Bản.
Cuộc đời là một dòng sông bất tận. Và không phải bất cứ lúc nào trong cuộc sống chúng ta cũng phải dùng đến tiếng nói, dùng đến ngôn ngữ. Có lúc chúng ta phải dùng đến ngôn ngữ im lặng, ngôn ngữ của niềm thinh không, “tâm” nói với “tâm”, để tiếng lòng nói với tiếng lòng.
Đó là ngôn ngữ của trái tim, của tình yêu, tâm hồn và tâm linh.
Đó là sự vô ngôn; sự im lặng, những khoảng lặng cần thiết trong dòng đời bất tuyệt.