Ủng hộ VCV
Số tác phẩm
28.861 tác phẩm
2.760 tác giả
1.185
123.216.798
 
Mênh mang chiều An Dũ
Lê Hoài Lương

“Thằng Dự đó hả? Chờ chú chút nghen!” Chú Mười nhận ra tôi từ tít xa. Chú đang thăm rập ghẹ. Triều bắt đầu mẩy: cữ này thường trúng. Tháng tám xùng xình hai con nước, triều không lớn. Đã bắt đầu có nước nguồn nên cửa mênh mang. Chắc chẳng liên quan gì nhau nhưng lúc nước lên tôi luôn có cảm giác mọi âm thanh theo sóng mà vào bờ. Đấy, tiếng chú Mười. Con ghẹ rơi bộp vô sõng. Mái chèo. Lộp rộp be sõng tấp trụ chồ. À, chú kéo rớ. Dây chằng nghiến rin rít trục quay gấp gáp nâng dàn chống trồi đều tấm lưới lên mặt nước. Mấy con nhạn biển trắng loá đã nhao lại kêu lắc chắc. Chú Mười gài chốt rồi bơi sõng nhanh ra suỳ suỳ đuổi. Đáy rớ còn chìm một ít dưới nước, chú túm lưới giũ dồn rồi trút đãy. Lại chồ tháo chốt, trục quay rong róc tuôn, dàn lưới trầm nhanh xuống nước chỉ còn lại mấy con chim nuối tiếc nhìn những vòng sóng.

 

Tôi quen gia đình chú Mười từ trận lụt chín chín. Danh sách cứu trợ ở xã ghi tên ông Trần Muôn, cựu chiến binh tàu không số. Thấy những người lính đến nhà chú mừng chảy nước mắt. “Các anh còn nhớ đến tôi là quý lắm rồi!” Chú không nhận gì cho mình cả, bảo còn xoay sở được rồi vác thùng mì tôm hãnh diện đi phát cho hàng xóm, những người khó khăn hơn. Lần sau đi công tác tôi ghé thăm. Dạo ấy chú còn làm lưới một, có mớ cá đối lá, kẹp vỉ nướng thơm lừng. Chưa bao giờ tôi được ăn cá ngon như buổi chiều tháng chạp se lạnh năm ấy. Con đối có nước bạc, bụng đầy mỡ cứ xèo xèo trên bếp. Chú bắt thím Mười vô xóm kiếm cho được lá mơ hàng rào và mấy tép sả. Thịt cá hôi hổi cuốn lá mơ chấm muối ớt rồi cắn kèm một khúc sả tươi giòn ngọt hăng nồng, chiêu một ngụm đế. Cha chả là ngon. Chú thích thú nghe tôi trầm trồ cách ăn cá nướng. Bạn có tin không, hạnh phúc trong đời này diễn ra hàng ngày và đơn giản lắm… Sáng dậy thấy tôi ngồi ghi ghi chép chép, chú bảo: “Hồi hôm mầy hỏi chuyện chú để đăng báo à? Thôi dẹp đi nghen! Thời đó ai cũng vậy hết!” Thời đó là những năm chiến tranh.

 

Sau trận ngâm mình chống càn ở Thiện Chánh năm năm ba, anh du kích Trần Muôn được kết nạp Đảng và vào bộ đội. Cưới vợ nửa tháng là đi tập kết. Đợt hai trăm ngày phía bắc cầu Bồng Sơn. Thím mầy dân Thiện Chánh hát múa hay lắm. Bả mê chú đánh giặc giỏi và có cái mác bộ đội. Gái ham tài mà! Tài quá hén, lặn hơn hai chục năm chớ gì? Thím Mười ngồi cạnh lườm chú, lên tiếng. Đã ngoài sáu mươi thím vẫn còn có nét lắm. Thì sau giải phóng tui bù gấp thằng Ngàn thằng Vạn cho bà rồi. Thời đó ai cũng vậy chớ riêng gì mình. Do thằng địch nó phá cái Hiệp Định chớ phải tui kém tài đâu? Cái đận tháng mười năm sáu tư, khi tàu không số vô Lộ Diêu mình đây là một thử thách quá sức đối với chú. Thằng Dự có vợ rồi là hiểu. Lúc chuyển hàng chú cứ căng bét mắt trong đêm xem có thím mầy không. Ừ thì làm sao hỏi thăm được, tuyệt mật mà. Chỉ mình đồng chí thuyền trưởng biết toạ độ và mật khẩu, ám hiệu. Mấy giờ neo đậu chờ bắt liên lạc, những quầng sáng đèn dộng soi chập chờn cảnh vật, nghe tiếng sóng quen thuộc chú bủn rủn tay chân. Hỏi thì biết đúng quê mình, nhà mình trong đó! Cháu mầy có chữ nghĩa có thể nói được tâm trạng chú lúc ấy, mười năm đằng đẵng tít mù và máu lửa vậy mà bỗng mấy sải bơi là có thể chạm vào bờ đất quê mình, gặp lại người thân. Thì ruột gan mình nghĩ vậy chớ lúc đó đâu biết bà đã lên Ban Mê Thuột, đâu biết mẹ đã mất…

 

“Thằng Dự bữa nay trúng rồi. Ghẹ ngon lắm! Hà hà, cái bộ bề ngang bề dài bằng nhau của mầy xa mấy chú cũng nhận ra ngay!” Chú cặp sõng ơi ới gọi thím Mười lấy cái thau nhựa. Đã thiệt. Mớ cua, ghẹ bò rào rào, mấy con tôm bạc, tôm rằn nhảy tanh tách, cá đối cá liệc tươi rói. Thằng Vạn mới gởi thơ về. Lại cái sạp tre kia nằm cho mát, chú rửa ráy chút. Mới làm mùa hè, bữa mầy ra đã có đâu. Cái sạp dưới bóng tra, chìa hẳn ra nước lúc nãy thím Mười bảo ổng làm chỗ ngồi nhậu. Có mấy ông bạn già trong xóm nhiều bữa trưa qua nằm mát. Lai rai thôi chớ không uống nhiều. Sông nước mà cháu. Gặp mầy ổng mới tới bến. Một già một trẻ mà ưa nhau dữ không biết.

 

Tôi làm truyền hình quân đội tiếp xúc với cuộc đời và số phận, tính cách của những người lính, những cựu binh mọi thời không ít vậy mà, bà thím nói đúng, gặp cái hồn nhiên vô ngần của chú Mười mà giật mình trước vô biên cuộc đời. Tạng người của Dự là vậy, hăm hở, có trách nhiệm với công việc và ngây thơ. Đêm ngủ lại nhà cựu binh Trần Muôn về anh đã gõ cửa mấy nơi đặt vấn đề chính sách cho ông…

 

Đó là chuyến đi thứ sáu của chiến sĩ Trần Muôn, tháng ba năm bảy lăm, điểm giao hàng là Vũng Rô. Nơi đây anh đã từng là người duy nhất sống sót của chuyến tàu bi hùng lần trước. Trong vòng vây của nhiều tàu chiến địch, con tàu cũ kỹ lành hiền từng bất ngờ qua bao mưa bão trên lộ trình vào nam ra bắc kỳ diệu một hải đồ được vẽ bằng trí tuệ và tình cảm thiêng liêng của những trái tim mạnh hơn cái chết bởi vì mỗi ngọn lửa âm trầm ấy không được quyền toả sáng cho chính mình, nó lặng vào đám cháy lớn của cả Miền Nam ruột thịt mà những tiếng nổ dội vào đầu thù chỉ là biểu hiện cụ thể của niềm hoan hỉ lớn lao về sự toàn tâm toàn ý một dân tộc không thể bị chia lìa bằng súng gươm và mưu toan áp đặt cho quyền lợi những cá nhân những thế lực nguỵ tạo- phải, con tàu ấy đã bất đắc dĩ một lần khẳng định mình trực diện với kẻ thù bằng cuộc chống trả ngoan cường trước khi hoà vào sóng nước huyền thoại. Anh, suốt đời không quên gương mặt thanh thản của người thuyền trưởng trong chập chờn pháo sáng gắng gượng ra mệnh lệnh cuối cùng, đôi môi ấy đã mỉm cười trước khi tắt nghỉ. Người thủ trưởng trực tiếp này là con trai một sĩ quan cao cấp hải quân hơn một tháng trời lạnh lùng ra những nghiêm lệnh dứt khoát lúc đưa tàu ra hải phận quốc tế, khi quành vào uể oải phơi lưới đầy khoang, điềm tĩnh đánh lừa tàu tuần tra địch… chàng trai có học mới hai ba này chưa bao giờ nở một nụ cười. Anh bước ra khoang kịp nhìn các vị trí đồng đội một lần qua những lằn đạn lửa điểm xạ của địch tự do soi mói trước khi quầng lửa loá bùng lên. Có lẽ anh tỉnh ngay khi bị quăng mạnh xuống nước và bơi, theo quán tính của người sông nước, rất lâu sau mới dần định hướng vào bóng núi châp chờn… Gần hai tháng sau, ngược tuyến Trường Sơn, chiến sĩ Trần Muôn trực tiếp báo cáo với cấp trên những diễn biến cuối cùng không quên chi tiết cái mỉm cười duy nhất và thanh thản của thuyền trưởng…

 

Đã một tuần đất liền không có tín hiệu. Lương thực và nước uống cũng hết sạch. Chiến sĩ người Phú Yên được cử bơi thúng vào tìm bắt liên lạc. Không còn cách nào khác. Mấy giờ sau một chiếc ghe máy nhỏ của ngư dân chạy ra, từ rất xa đã vang lên tiếng gào như điên như cuồng vì hạnh phúc, lặp đi lặp lại nội dung thông tin quá sức chịu đựng của mọi người: “Giải phóng rồi các đồng chí ơ…i! Miền Nam… giải phóng rồi… anh em ơi!…”

 

“Sáng hôm sau mạnh ai nấy giải tán về quê à?”

“Còn đồng chí thuyền trưởng chớ. Anh ấy còn trách nhiệm với con tàu và số vũ khí. Mới năm ngoái đây, anh Tam Phú Yên có tìm ra thăm chú. Ổng làm sui ở Hoài Nhơn mình nè, con ông Hào huyện đội. Hỏi chuyện riết rồi điện xuống xã, địa phương trả lời có ông Trần Muôn tập kết, ngay sau giải phóng là về không biết phải không. Anh em gặp nhau mừng như cha chết sống lại.”

“ Hồi đó sao chú không ra lại đơn vị xin chuyển công tác về trong này?”

“ Chú theo Đảng, theo Bác Hồ đánh giặc, hết giặc thì về. Học bình dân thời chín năm mấy chữ rớt dần trong chiến tranh, đọc cái công văn chưa thông thì làm được gì. Mình dân chài lưới thì về sông nước quê hương. Với lại cháu biết không, mới vừa tranh tre che tạm lại cái chòi thì thím mầy từ Buôn Hồ ào về. Bả nói linh tính sao đó, thiệt lạ. Mấy lần bả có cảm giác chú ở đâu đó rất gần thì y chang là những chuyến vào nam của chú. Chú định che cái chỗ đốt nhang cha mẹ xong là đi tìm ai ngờ cũng thành lót ổ đón bả. Thì phải trả nợ hai mươi năm đã chớ, sinh thằng Ngàn thằng Vạn cho bả là chú quá hạnh phúc rồi chẳng màng gì hơn. Nghĩ lại thấy mình  may mắn. Hàng vạn đồng chí hy sinh có ai tính tới được thua gì cho riêng mình đâu. À, sau khi bà mất thím mầy mới lên Tây nguyên chớ, theo một đường dây cơ sở, tránh bọn nguỵ tề ấy mà. Bả hoạt động hợp pháp ở đồn điền cà phê. Về đây cũng làm cán bộ phụ nữ xã mấy năm mới nghỉ.”

 

“ Thơ thằng Vạn nè. Cháu coi có vẻ nó muốn ở lại phục vụ lâu dài trong quân đội. Bữa thằng Ngàn về bực mình lắm, bảo em nó giỏi nghề đang trông hết nghĩa vụ về, làm ăn đang ngon. Chú thì không ép. Kệ nó. Mỗi đứa một sở thích chớ. Miễn sống ngay thẳng là được. Thằng anh mới lớp bảy học không vô còn nó đã hết mười hai, coi như có chữ nhất nhà chú. Quân đội giờ cần người có trình độ, khác thời trước.”

“ Ghe thằng Ngàn đang làm ở đâu chú?”

“Thì cũng trong Vũng Tàu”

“Ông nữa. Thím Mười bưng rổ ghẹ hấp ngui ngút ra, cải chính. Nó chuyển Bình Thuận mấy tháng nay rồi.”

“Thì Bình Thuận. Bà ngồi chơi luôn với thằng Dự.”

“Thôi để chú cháu ông tự do. Tui qua thăm đẻ con Thắm nhà Lành. Sẵn có mấy con tôm.”

 

Tôi đọc xong mấy lá thư. Chú Mười xếp lại cẩn thận rồi hỏi mầy thấy chú nói có đúng không. Tôi rót rượu. Chú lựa lựa đưa tôi con ghẹ cốm, không ngon chú chịu trách nhiệm, hà hà, như nàng mang guốc. Mầy hứa lèo hoài sao không chở thím nó ra chơi. Tao đủ gạo nuôi vợ chồng bay một tháng.

 

Chiều xuống dần. Làng biển Kim Giao trước cửa san sát những ngôi nhà hiện đại như phố. Phù sa sông Lại Giang được sóng biển hàng trăm năm vun thành động cát dài và làng mọc lên. Cửa An Dũ vòng ra phía bắc. Nơi từng có những trận thuỷ chiến trong lịch sử thì bây giờ lúc triều xuống thuyền nhỏ cũng khó qua, dù sao, sông vẫn còn đó và đây là nơi dòng sông ngỡ ngàng nhận ra sự kết thúc đáng ngạc nhiên của náo nức tìm về biển cả. Hai người đàn ông hai thế hệ lặng ngắm chiều cạn bằng hai tâm trạng khác nhau. Dự lang thang mơ mộng vào miền cũ kỹ dâu bể và tồn tại còn cựu binh Trần Muôn hài lòng thấy cậu lưới gõ hàng xóm đang bủa bao vũng cồn. Thằng Ngàn sắm cái rớ để cha ổn định trước nhà khỏi long rong sông nước gió máy nhưng làm mất cái hứng thú chủ động cho từng con nước loại cá. Ờ cũng được cái bất ngờ mỗi lần đạp rớ. Mẹ thằng Ngàn đi chợ thường có món ghé cho cháu nội. Chỉ còn lo vợ thằng Vạn nữa là yên. Cuộc sống thật dễ chịu…

“Cá cơm An Dũ nổi tiếng mấy năm nay thưa hẳn, cũng tiếc hở chú?”

“Ờ cắc cớ thiệt. Mọi năm tới mùa tối ra bãi kéo lưới rùng một mẻ cả rổ. Rửa sạch cát hấp lên cuốn bánh tráng rau sống hết sẩy. Biển cũng lạ, con cá ngon theo vùng nước. Cháu có học biết nhiều. Chú chỉ loanh quanh ba cái chuyện sông nước ở đây. Thế hệ bọn bay khá, thời chú chỉ biết đánh giặc.”

“Không đâu chú! Thời ấy con người sống có nghĩa khí và đức hy sinh. Tụi cháu may mắn sống trong thời bình có chút chữ nghĩa, chưa biết nên cơm cháo gì.”

“Mầy nói đúng gan ruột chú. Đời chú nghiệm lại chỉ có hai thứ quý giá là quê hương và đồng đội. Xong nhiệm vụ là chạy ào về quê. Được sống với vợ con, sông nước của mình thì điều quý nhứt còn lại trong lòng chú là cái tình của người lính. Cháu mầy nói nghĩa khí hay lắm. Đúng, nghĩa khí. Thời đó là vậy!”

“Tui dọn cơm nghen?”

“Từ từ. Chú cháu tui còn nhậu lâu. Bà ra đây coi thằng Dự theo kịp ông già không. Hà hà, lính già còn gân lắm chớ bà tưởng! Bà ra quéo tay với thằng Dự hẹn chắc mùa mưa này sắp xếp vô Quy Nhơn thăm vợ chồng con cái nó một lần rồi đi Tuy An, phải tới anh Tam chớ. Tuổi mình sống nay chết mai biết đâu được?”

 

*

   

Dự đã không có cơ hội  đai ông già món heo sữa quay như vợ chồng tính. Vác máy ra tới huyện đội chuẩn bị làm công tác tuyển quân anh bàng hoàng nghe tin cựu binh tàu không số Trần Muôn chết nước. Mùa lũ vừa rồi. Ngay trước nhà ông, cửa An Dũ.

 

Tôi lạy chú Mười không cầm được nước mắt. Chú nợ vợ chồng cháu và chú Tam một lời hứa, Chú Mười ơi!

 

Mưa nguồn ổng không để ý. Kéo liên tục mà mẻ nào cũng một hai con tràu, con chép, ổng mê. Tới chừng nước thắt quá thím gọi gắt, ổng gỡ rớ, lầy cầy sao đó mà úp sõng. Chuyện này xảy ra hoài, ổng lật lên hoặc bơi vô là thường. Ai ngờ mất tăm mất tích lâu quá thím mới kêu bà con. Nước dưng chóng mặt ai cũng chỉ đứng ngó cầu trời. Không trách họ được cháu à. Tới chiều nước rọt mới túa đi tìm. Ổng bị rớ guộn.

 

Thím Mười ngồi trên sạp tre kể cho tôi nghe bằng giọng ráo hoảnh. Mắt bà cứ chong ra hướng chồng cắm rớ trước đây. Cửa sông mùa này mênh mang nước…

 

Lê Hoài Lương
Số lần đọc: 2103
Ngày đăng: 22.11.2008
[ Trở lại ] [ Tiếp ]
In tác phẩm Góp ý Gửi cho bạn
Cùng thể loại
Vì sao tôi bỏ nghề viết văn? - Trần Kỳ Trung
Chết không nhắm mắt - Trần Vọng Ngư
Cô giáo xóm cừu - Hồ Việt Khuê
Những mảnh vỡ… - Nguyễn Thị Hậu
Đứa con của làng - Nguyễn Hải Triều
Chị goá ngồi thiền - Đậu Nữ Vệ
Chú hề làng - Trần Trung Sáng
Chuyện ngày xưa - Mang Viên Long
Người trong mộng - Nguyễn Thúy Ái
Chiều trong làng - Y Uyên
Cùng một tác giả
Ngôi nhà ám ảnh (truyện ngắn)
Phận người gió bay (truyện ngắn)
Chợ chiều (truyện ngắn)
Con rắn (truyện ngắn)
Bão (truyện ngắn)
Hương xa xứ (truyện ngắn)
Mùa xuân đầu tiên (truyện ngắn)
Đàn ông đã chết (truyện ngắn)
Hiến xác (truyện ngắn)
Tiếng chuông chiều (truyện ngắn)
Một ngón tay nho nhỏ (truyện ngắn)
Sách cháy (truyện ngắn)
Lỗi tại mẹ Âu Cơ (truyện ngắn)
Mênh mang chiều An Dũ (truyện ngắn)
Ái quốc (truyện ngắn)