Ủng hộ VCV
Số tác phẩm
28.861 tác phẩm
2.760 tác giả
1.058
123.234.513
 
Áo mùa đông
Phạm Trung Kiên

Những ô cửa bây giờ đã khép rồi. Chiều muộn mùa đông, chỉ thấy bóng tối bắt đầu khi những ánh đèn neon sáng xanh hắt ra từ những khe hở nhỏ. Gió mùa lại thổi qua những bài hát cũ phía loa công cộng, bắc trên cây xà cừ cổ thụ trước cái sân kho thưở ấy chỉ dành cho đám trẻ con chơi đùa…

 

Lạnh chưa tới đây, những cơn gió mùa đông chưa tới đây. Tôi chỉ nghe có gió thổi tới từ những chiều xa tắp. Lạnh không đến được Sài Gòn…

 

Ôi áo ấm mùa đông, nhớ quá. Nhớ cả cái không khí buồn buồn mà ấm áp hệt như trong truyện “Gió lạnh đầu mùa” của Thạch Lam. Nhớ về cái thị trấn vàng hoe chiều nắng tắt, vắng hoe những chiều trở gió. Gió thổi ào ào qua những mái ngói, cuốn đi bao nhiêu lá khô tấp về những khoảng trống nào đó trong trời, trong đất. Và những con ngõ trở nên trống tênh lạ thường. Những gánh hàng, những xe thồ từ phía chợ huyện về qua cũng nhanh chóng, tất bật như thoáng qua. Những chiếc xe nghiêng nghiêng, những dáng người xô nghiêng ngược chiều cơn gió. Xe máy nổ lên vài tiếng rồi tắt dần về những hẻm phố nào xa hút…

 

Khói đã bay lên từ những căn bếp nhỏ. Ngày tháng Mười ngắn, bữa cơm chiều đến sớm hơn bỗng ấm áp lạ thường. Mùi canh dưa chua nấu cá, bỏ thì là thơm thơm bay ra khoảng sân nhỏ, như thấy cồn cào hơn trong cái đói vội vàng, và cái nhớ vội vàng. Những người lớn tan ca, tan chợ hối hả trở về và vào bếp. Trẻ con tan lớp muộn cũng đạp xe quáng quàng. Bữa tối trong cái lạnh đầu mùa còn ngỡ ngàng thành ra vẫn phong phanh áo mỏng. Khói từ nồi cơm bay ra quẩn quanh cho cảm giác lạnh vẫn còn ở đâu đó ngoài kia, còn lửng lơ ngoài con đường xào xạc những lá bàng, chưa vào qua cánh cửa gỗ sơn nâu bạc thếch…

 

Đến tối muộn, gió đã tràn vào nhà. Chăn bông, chăn dạ mùa đông được gỡ xuống khỏi những cái bao nilon từ trên gác xép. Áo ấm mùa đông được mang ra. Áo ấm đầu mùa thường là áo ấm từ năm cũ, còn hăng hăng mùi băng phiến chống gián, hay mùi thơm nức của những bánh xà phòng Camay để dành cất dưới đáy hòm, trong ngăn tủ. Cứ mỗi chiếc áo ấm mang ra lại khiến ta nhớ về một thời điểm nào đó, từ những mùa đông trước, lúc áo mới mua, ngày Tết nhất, lúc hội hè, khi vẫn mặc chiếc áo này. Áo khoác lên vai, lơ mơ hoài niệm, mà nghe hơi ấm từ những ngày xưa trôi về, thân thương vẫy gọi. Ngày tháng không mất đi, chỉ những mùa đông dần khoác lên trên vai người, nặng dần theo tuổi tác, theo những ngược xuôi âm thầm, mất mát…

 

Những cái áo ấm mùa đông thường là những màu tối - đen, xanh xám, ghi, nâu gụ, màu lông chuột, màu cà phê, đỏ đun…; bằng đủ các chất liệu. Này những len, những dạ, những bông, những nhung, những dù, hay thậm chí bằng lông hóa học, hoặc bằng da mà để một năm sau đã cứng quèo, phải mặc mấy lần mới có lại được cảm giác mềm mại. Áo da mùa đông mặc ấm lắm, ấy là những chiếc áo ông bố mang từ thời đi học ở Nga về, theo kiểu áo choàng xứ lạnh. Mặc đến hàng chục năm vẫn không rách sờn, càng mặc nước da càng lên bóng loáng…

 

Rồi những chiếc áo len cổ lọ, cổ hình tim mặc bên ngoài áo cánh. Những ngày lạnh mặc thêm ba bốn lớp áo, rét vẫn luồn qua đến tê người. Những chiếc áo vest đã sờn, những chiếc áo quân phục đã bạc. Rồi áo dạ, áo nỉ của những người già. Áo bông đỏ có mũ của trẻ con. Khăn len, mũ lông cho đàn ông. Khăn nhung, khăn hoa, khăn có kim tuyến xanh đỏ cho phụ nữ xổ ra từ trong tủ. Bà mẹ sẽ lấy ra cái hộp đựng kim chỉ, mạng vội lại những cái bít tất bị gián nhấm một vài lỗ. Những cái bít tất đủ màu, những chỉ, những len xanh đỏ xổ đầy dưới chân. Trong ánh đèn vàng bên cánh cửa sổ đã khép, người ngồi đó, khâu những mũi kim cần mẫn. Ôi những ảnh hình nào giản dị mà thân thuộc quá thôi. Hình ảnh của những người mẹ ngồi đan, ngồi khâu nên ký ức tuổi thơ, giờ đây chỉ còn bàng bạc hiện hữu như thi ảnh bên những nhánh cây già trong đêm thị trấn, xa xăm hơn cả một tiếng còi tàu…

 

Thưở nhỏ có chiếc áo bông may bên ngoài một lớp ka ki màu quân phục. Có hai túi hai bên hông, ngay vạt áo. Mùa đông vẫn đi xin ngô rang, lạc rang, bỏ vào đấy, nóng giãy. Chiếc áo này của ông anh hơn ba tuổi nhường lại, mặc cho đến khi rách sờn. Như lệ thường ngày ấy, trẻ con cả phố, đa phần thằng anh lớn lên, mặc áo chật, lại để cho thằng em. Những chiếc áo cánh mỏng, những chiếc quần âu đi học, có bich-kê hai miếng to đùng ở mông cũng thế. Có cả những chiếc quần trẻ con thậm chí còn được may theo kiểu “lộn” lại từ quần cũ của người lớn. Và vì thế, những đứa em trong nhà, quanh năm vẫn mặc quần áo cũ, chỉ được may mới vào dịp Tết mà thôi…

 

Lớn thêm chút có chiếc áo măng tô màu xám có mũ sau cổ áo, cái dây buộc lòng thòng. Bên trong áo lót một lớp bông hóa học, mềm và xốp, lại có túi phía trong. Chỉ cần mặc thêm chiếc áo len cổ lọ bên trong, những ngày rét mướt, đã ấm lắm rồi. Trùm lên đầu cái mũ kín sùm sụp, đi bộ đến trường. Chỉ thế thôi mà đi học đã “oai” nhất lớp, hơn cả những đứa bạn thường mặc đến 5, 6 lớp áo cánh mỏng mà vẫn lạnh xuýt xoa.

 

 Học cấp 2 có chiếc áo “phao” phối màu xanh đỏ, như áo thể thao, may theo kiểu pilot, có dây chun bo lại ở dưới. Mặc áo ấy đến lớp, cái bụng phình to xụ, đứa nào cũng như một con gấu nhỏ đi giữa sân trường. Cũng chiếc áo như thế, có thằng bạn mặc suốt mấy mùa đông, cho đến khi vỡ giọng, cao lớn lồng ngồng như con gà trống choai, thì áo ấy lại được chuyển cho thằng em nó. Cuối cấp 2, những cậu bé ngông nghênh đút tay túi quần, đi lại khệnh khạng dưới hành lang tỏ ra người lớn. Chúng bắt đầu trêu chọc những bạn gái cùng lớp. Những cô bạn quàng khăn xanh đỏ, áo ấm hồng hồng, vàng vàng, đã bắt đầu làm duyên, và tỏ ra người lớn hơn nhiều so với đám con trai.

 

 Lên cấp 3 mặc lại áo vest của bố. Rồi tự đi mua những chiếc áo mùa đông theo mốt. Những áo jacket, áo bò, áo nỉ theo đúng trào lưu cùng với những chiếc quần bò đầy túi hộp, và giày thể thao, đôi khi nhố nhăng, kệch cỡm. Đã chối bỏ hẳn những chiếc áo quần bị người lớn ép may, ép mặc. Những cậu trai mới lớn đèo nhau 2 – 3 thằng trên một cái xe đạp, để tóc bổ đôi xõa xuống mặt, theo kiểu đầu tròn như cái nấm, đạp xe khuỳnh hai chân. Những cái áo phao xanh đỏ buộc ngang hông thời niên thiếu trở nên dị thường với những bậc phụ huynh. Sau mùa đông cuối cùng của đời học sinh, những chiếc áo kiểu học trò mãi ở lại trong ngăn tủ quê nhà, vì lũ choai choai kia mùa đông năm sau đã kịp lớn, và đã thành sinh viên đại học mất rồi.

 

 Qua mỗi mùa ôn thi vẫn đôi khi ngủ quên trong áo. Những áo ấm thời sinh viên tràn đầy kỷ niệm, mặc theo mùa đông đi khắp các ngả đường rong ruổi. Theo các cuộc rong chơi, picnic, dã ngoại. Áo sinh viên cũng vẫn là áo nghèo, mỗi năm chỉ mua được một chiếc. Vẫn những áo jacket, áo bộ thể thao, áo choàng, áo len, áo gió, thậm chí áo hàng thùng mua ở mạn Kim Liên, Cầu Giấy… Đủ quen thuộc để nhìn thấy áo đã nhận ra nhau giữa bạn bè đông đúc. Áo ấm sinh viên vừa mang vẻ túng thiếu cơ hàn, vừa thấp thoáng phong trần lãng tử. Sinh nhật, được những cô gái trong lớp tặng thêm cho những chiếc khăn quàng nâu xám đồ Tàu, mặc áo len dài tay mà quàng thêm cho ấm cổ. Đạp chiếc xe cuốc tan trường, áo len mỏng ngày phố xá chợt ấm, lưng quàng ba lô, mái tóc rẽ ngôi xòa xuống trán, rất sinh viên. Để giờ đây, sau nhiều năm ngó lại những bức hình cũ, ta thấy ta chính ta thưở ấy đang dạo qua những tháng năm đẹp nhất của đời người. Những mùa đông đẹp nhất ấy, những tháng năm hoa niên sẽ không bao giờ còn trở lại. Chỉ còn thấy những kỷ niệm dày lên sau mỗi mùa đông, lại nhòe dần sau mỗi toan tính…

 

Áo ấm chỉ đẹp lên thực sự khi ta đã ra trường, và đi làm. Ta có những bộ vest sang trọng đi với giày da bóng lộn, mõm dài theo xu thời, những chiếc áo dạ áo len áo nỉ ngắn dài mang vẻ lịch lãm, chỉn chu hơn. Những áo gió phối màu tre trẻ, áo pull dầy, quần jean mặc mỗi dịp đi chơi, áo quần thể thao theo bộ mặc ở nhà, đi cà phê, quán xá… Mùa đông bây giờ thực là mùa khoe quần khoe áo của cả người lớn lẫn trẻ con. Ta ra phố thấy đủ những sắc màu, những tone, những gout, những style bắt mắt, đa dạng… Mùa đông, trước khi đi làm, người ta vẫn tần ngần trước tủ quần áo đến vài chục giây, rồi ngó nghiêng, cân nhắc… Rồi áo mùa đông lại đi ra đường, lại nghe thấy lao xao của gió mùa, của còi xe, phố xá. Những cô gái ngồi sau xe, nhoài người về phía trước, đút tay vào túi áo cùng chàng trai đang phóng xe một tay. Thấy các tình yêu mùa đông cứ thế dạo qua đời, lại thấy ấm lên chút lòng lẻ loi của ai đó để mà chứa chan hi vọng. Những màu áo đông cứ thế làm ấm lên cả những cung đường xám mờ, khẳng khiu những cây bàng đợi lá.

 

 Mùa đông năm trước, về lại thị trấn cũ. Phố vẫn những cây bàng mọc mỗi ngày một nhiều. Nhưng những mái nhà đã khác, những xanh rêu đã khác, những quán xá đã khác. Những cửa tiệm áo quần, hàng điện tử… mọc lên khắp nơi. Con ngõ cũ đã đổ bê tông, thay cho hàng gạch lát. Cái sân kho xưa đã được chia nhỏ, bán thành những lô đất, mọc lên đầy những ngôi nhà mặt tiền. Những chiếc áo đông sực nức thị thành qua lại. Âm thầm một người nhìn lại con phố, giấu mình vào một thoáng ấu thơ. Một thoáng thôi, rồi đi. Áo mùa đông đi về hướng Tây, bỏ lại những con dốc uốn lượn, qua rồi những ngày cỏ mọc… Thị trấn ở lại như một bài thơ đông buồn, nghiêng theo những hàng cây đỏ lá…

 

Ôi, áo ấm mùa đông… Bao nhiêu mùa rồi ta không ở lại cùng gió bấc? Bao nhiêu lần “vội vã trở về vội vã ra đi” như thế (Phú Quang). Người bây giờ chỉ còn cơn nhớ, cồn lên trong những đêm dự báo có gió mùa, da diết vô chừng. Đồng cảm làm sao câu hát của nhạc sĩ Hoàng Hiệp “nhớ những cơn mưa dài cuối đông, áo khăn chưa ấm thân mình” trong những lời ca rất Hà Nội của Hồng Nhung. Thèm được mở ra cái cánh tủ gỗ, thấy mùi băng phiến sực vào mũi, rồi khoác theo người chiếc áo, và bước ra mùa đông, bước ra những con phố đầy những nhánh bàng già khẳng. Áo mùa đông giờ ta thôi mặc, gió mùa đông chỉ còn trong xa bay. Ta chỉ còn 2 miền mơ tưởng là Hà Nội và những đêm gió mùa thị trấn. Thì ta rưng rưng thôi, bằng hoài niệm, bằng xa xôi, bằng những cơn dông gió của chính mình, từ phương nào thổi tới … Lại nhớ ta trong một câu viết cũ, thơ phương Nam, hồi mới đi xa, như khoác vào, như cầm tay, như quàng vai một câu thơ ấm, để vọng về…

 

Ảnh Hồ Tây của tác giả

Phạm Trung Kiên
Số lần đọc: 2197
Ngày đăng: 22.11.2008
[ Trở lại ] [ Tiếp ]
In tác phẩm Góp ý Gửi cho bạn
Cùng thể loại
Vô ngôn - Lê Văn Như Ý
Về bài thơ của Trần Quang Đạo - Hoàng Vũ Thuật
Thắt lưng buột bụng..thời suy thoái !!! - Vũ Trà My
Thư ngỏ gửi Nxb Đà Nẵng của Vũ Ngọc Tiến - Vũ Ngọc Tiến
Võ Tòng ở Cảnh Dương - Chu Vương Miện
Câu chuyện về các nhà khoa học - Nguyễn Đông Phương
Để xem ta có thể gặp nhau bằng những cách nào? - Nguyễn Thị Hậu
Xin mẹ đừng ngóng vọng phía trời xa - Hoàng Vũ Thuật
Phía tiếng còi tàu - Đào Đức Tuấn
Đền thờ tâm hồn - Nguyễn Hữu An
Cùng một tác giả
Một phút mưa (tạp văn)
Áo mùa đông (tạp văn)