Ủng hộ VCV
Số tác phẩm
28.861 tác phẩm
2.760 tác giả
1.096
123.232.460
 
Miên man Bồ Giang
Ngô Thiên Thu

 (Viết tặng làng quê Niêm Phò)

 

 

"Buổi sáng biển mù, ông kể chuyện quê nhà, Huế và mẹ già, về cô em họ mỗi lần ra thành phố rực rỡ áo pull quần bò, một bữa ông về làng, cô chở rơm trên xe bò, áo rách và nón rách che lấy mặt. Ông dừng lại bảo, nghèo nên mặc xấu, việc gì phải ngượng. Ông kể cái làng Niêm Phò nghèo đến nỗi, cho người dì đau yếu hai mươi ngàn, dì thảng thốt, cho chi mà nhiều rứa, con".

 

Xin được mở đầu bài viết qua đoạn tản văn "Email thứ bảy" của nhà văn Nguyễn Ngọc Tư. Nhân vật cô kể chính là nhà thơ Lê Văn Ngăn. Ông sống có vẻ lập dị (có thể tôi nghĩ thế). Có bận gặp ông và Phạm Tấn Hầu ở Huế trông ông buồn buồn. Ông vốn không thích khoa trương, không thích người lạ, không thích lợi danh, không thích những gì hào nhoáng bên ngoài. Thuở thiếu thời ông từng sống nơi làng quê Niêm Phò, bên dòng sông Bồ, rồi vào Huế sống bên dòng sông An Cựu, rồi định mệnh đưa ông lưu lạc đến Quy Nhơn. Văn chương theo ông đi suốt cuộc đời. Ông gởi gắm cô Tư :"văn chương và người làm văn chương đều rất đẹp, cháu à, chỉ là một số người khiến nó không đẹp nữa…”. Ông có cái nhìn về thơ thật bất ngờ thú vị: "...Đêm đêm, ở nơi xa/ con thường đặt vào lửa những bài thơ con mới viết/ Những gì vô ích/xin hãy biến thành tro tàn/ thành dưỡng chất cho những gì có ích sắp ra đời"(Thơ và tro tàn).

 

Tập thơ "Viết dưới bóng quê nhà" của Lê Văn Ngăn là những tâm sự về những con người bình dị chân chất. Cảm xúc ông thật chân thật giản dị như những nhân vật trong thơ ông. Ông viết về quê hương:"Nơi tôi có một mái nhà từ quá khứ, người mẹ đêm đêm thức dậy dưới nền trời sao, nhen lên bếp lửa đầu ngày/ Nơi anh em, dù lưu lạc nơi đâu, vẫn chờ tiết lập xuân tìm về chốn cũ..."

         

Văn chương đã đưa tôi về làng quê Niêm Phò một ngày mùa đông thật nhiều mưa. Tôi ngồi bên góc quán nhỏ trầm tư. Dòng sông Bồ chảy nhẹ nhàng như mái tóc dài của người con gái  bềnh bồng sóng nước. Tôi mơ màng nhớ về người em gái sông Bồ. Bây giờ em ở phương trời nào mà hình như ai thì thầm bên tai.

         

Tiếng chim đỗ quyên đánh thức tôi trở lại. Tôi chợt nghe hai câu thơ của nhà thơ Tố Hữu từ bên kia sông vọng sang :"Như quê bạn, Niêm Phò trơ trụi/Đạn bom cày cả nương sắn, đồng khoai..."

       

 Ôi mảnh đất thương yêu, trải lòng chịu mọi gian lao cơ cực, nơi ghi dấu những đau thương và mất mát. Những đợt lũ lụt liên miên từ năm này qua năm khác đã làm cho người dân tăng thêm nghị lực sống và tồn tại mãi mãi. Niêm Phò đất thấp trũng, nhiều đoạn bên sông bị xâm thực. Nhiều đoạn đường hư hỏng nặng chưa được sửa chữa. Nhiều đoạn đường nắng lên mấy ngày mà vẫn còn bùn lầy lội.  

     

Mảnh đất sỏi đá thấp trũng bùn lầy mang đầy dấu tích đau thương này lại là mảnh đất giàu truyền thống hiếu học, trọng nhân nghĩa, giàu lòng bác ái. Vào thời nhà Nguyễn làng có rất nhiều người đỗ đạt làm quan như các Phó bảng Trần Công Thuyên, Võ Sĩ, Nguyễn Văn Mại. Niêm Phò không những là đất văn học mà còn là đất sản sinh ra những người tài về quân sự như Trần Thúc Nhẫn, Nguyễn Hy Hiền, Nguyễn Chí Thanh (Trần Thúc Nhẫn đỗ cử nhân năm Đinh Mão (1867). Ông có thời gian mở trường dạy học tại làng (Nguyễn Văn Mại từng là học trò của ông). Ông làm quan đến chức Tham Tri Bộ Lễ. Ông tham gia chống Pháp và hy sinh tại Trấn Hải Đài năm 1883).

       

Người Lô Giang khí cốt ai bì

...Xem thế sự chi sờn gan lỗi lạc

         

Đó là lời khen ngợi về con người Nguyễn Văn Mại khi ông treo ấn tư quan tỏ thái độ bất hợp tác với thực dân Pháp. Ông từng đỗ thủ khoa thi Hương, rồi Phó Bảng khoa Kỷ Sửu (l889), được bổ dụng Tri Phủ An Nhơn (Bình Định), làm quan đến chức Thượng Thư.Ông từng làm Chánh chủ khảo các khoa thi Hương, thi Hội và Quản giáo môn Hán văn tại trường Quốc học. Ông từng cung công du qua Pháp với vua Khải Định. Trước khi về hưu, ông được thăng tước Hiệp Tá Đại học sĩ. Ông để lại cho hậu thế nhiều tác phẩm văn chương như Lô Giang tiểu sử, Việt Nam phong sử, Tây hành nhật ký và nhiều tác phẩm giá trị khác. Con trai ông, Nguyễn Hy Hiền từng du học Pháp, là người nổi tiếng chế tạo vũ khí chống tăng một thời làm quân Pháp khiếp sợ. Cụ Mại còn có có người con tài danh là linh mục Nguyễn Văn Thích.

        

Sông Bồ mùa nước lớn. Tháng trước một trận lụt tràn qua một cách bất ngờ làm dân chúng điêu đứng không trở tay kịp. Ruộng đồng đang mùa gặt chìm vào trong nước. Trên cầu Niêm Phò nhiều người dân dõi trông theo dòng nước đang chảy xiết để tìm những khúc gỗ to trôi vể từ thượng nguồn. Người đàn ông họ Võ tuổi trên sáu mươi nhanh nhẹn lao người từ cầu xuống dòng nước cuồn cuộn. Trong giây lát ông bám theo một khúc gỗ to kéo nó vào bờ. Tôi không khuyến khích hành động này nhưng thâm tâm khâm phục sức mạnh tiềm tàng của ông cũng như khâm phục những người người dân làng Niêm Phò đã lưu giữ được nền văn hóa truyền thống của quê hương mình.Người ta thường nói rằng mất văn hóa làng là mất nước.

      

Tôi thu mình trong quán nhỏ bên cầu Niêm Phò. Nhiều lúc thích ngồi một mình ở đây để nhìn cơn mưa và mong chờ những gì chưa đến. Những giọt mưa rơi xuống sông Bồ rồi tan đi xuôi về hạ nguồn. Trang rót cho tôi ly nước ấm. Cô phụ mẹ bán quán nhiều năm nay. Bàn tay trắng mềm mại và thân hình mảnh mai như cánh cò thướt tha làm trái tim tôi liêu xiêu trong chiều gió. Một chiếc lá bàng nâu đỏ đang trôi giữa dòng nước hay dòng máu trái tim tôi lang thang trong khoảng trời vô định. Cám ơn Trang cho tôi nụ cười êm mát như dòng sông Bồ hiền hòa, như cánh đồng lúa xanh mướt làm hồn tôi miên man trong giấc mơ chiều.

                                                                           

Niêm Phò những ngày cuối năm 2008

Ngô Thiên Thu
Số lần đọc: 2424
Ngày đăng: 24.11.2008
[ Trở lại ] [ Tiếp ]
In tác phẩm Góp ý Gửi cho bạn
Cùng thể loại
Khủng hoảng của xã hội hôm nay phải chăng là khủng hoảng về niềm tin? - Nguyễn Hữu An
Áo mùa đông - Phạm Trung Kiên
Vô ngôn - Lê Văn Như Ý
Về bài thơ của Trần Quang Đạo - Hoàng Vũ Thuật
Thắt lưng buột bụng..thời suy thoái !!! - Vũ Trà My
Thư ngỏ gửi Nxb Đà Nẵng của Vũ Ngọc Tiến - Vũ Ngọc Tiến
Võ Tòng ở Cảnh Dương - Chu Vương Miện
Câu chuyện về các nhà khoa học - Nguyễn Đông Phương
Để xem ta có thể gặp nhau bằng những cách nào? - Nguyễn Thị Hậu
Xin mẹ đừng ngóng vọng phía trời xa - Hoàng Vũ Thuật