Ủng hộ VCV
Số tác phẩm
28.861 tác phẩm
2.760 tác giả
1.191
123.213.940
 
Đọc Sóng Chìm của Đình Kính ,Nhà xuất bản Hội Nhà Văn -2007
Hào Vũ

Cuốn sách kể về số phận một phụ nữ,Tư Nhâm, được tổ chức cách mạng đưa vào họat động hợp pháp trong lòng địch. Bối cảnh là một tỉnh miền Trung, nhiệm vụ cụ thể là cung cấp tin tức phục vụ cho việc tập kết an toàn số vũ khí tiếp viện từ miền Bắc.Chuyện những “ con tàu không số” gắn với “ đường mòn Hồ Chí Minh trên biển” trong kháng chiến chống Mỹ đã được nói nhiều trên sách báo. Đó là những kỳ tích như những huyền thọai, về các chiến sĩ vận chuyển vũ khí trên biển. Đình Kính là nhà văn  viết nhiều về đề tài Hải Quân, anh vốn là một chiến sĩ hải quân.Anh cũng đã có nhiều tác phẩm viết về đề tài “ Đường mòn Hồ Chí Minh trên biển” với nhiều tư liệu quý hiếm. Trong Sóng Chìm, Đình Kính khai thác câu chuyện ở một hướng khác, câu chuyện về những người có nhiệm vụ  nhận và trung chuyển  vũ khí tại một làng ven biển. Gian nan và hiểm nguy không kém. Một hướng khai thác như vậy là rất ý nghĩa, sẽ cung cấp cho bạn đọc cái nhìn toàn diện hơn về nhiệm vụ chiến lược này.

 

Không chỉ có vậy. Đình Kính  không chỉ kể lại chiến công thầm lặng của những chiến sĩ cách mạng họat động trong lòng địch. Với cảm quan của một nhà văn, anh đã cố gắng đưa ra một cái nhìn cao hơn các sự kiện, cái nhìn về thân phận con người trong chiến tranh. Người phụ nữ mà Đình Kính dồn nhiều tâm sức chăm chút, Tư Nhâm, với biết bao dẳn vặt giàng xé, với bao hiểm nguy phải đối mặt, một lòng trung trinh với cách mạng, sau cùng, ngày chiến thắng, phải chịu một số phận như một kẻ phản bội tổ quốc. Không ai chứng minh cho những cống hiến của chị. Tư Nhâm họat động đơn tuyến, những cán bộ liên quan đến  đường dây liên lạc của chị với cách mạng, đã hy sinh. Vậy là, trong kháng chiến bị kẻ thù nghi ngờ, cái chết lúc nào củng rình rập, hòa bình, tình trạng cũng không khá hơn. Chi bị các đồng chí của mình, người thân của mình nghi ngờ. Người đàn bà ấy sẽ chịu đựng những cay nghiệt ấy như thế nào trong suốt những tháng năm còn lại của cuộc đời?. Một lần nữa, giống như trong cuộc chiến tranh vừa qua đi, chị lại phải  “gồng mình lên để sống:” (chữ dùng của Đình Kính.). Có lẽ Tư Nhâm chỉ còn niềm an ủi cuối cùng, dù sao so với các đồng chí đã hy sinh, chị vẫn còn may mắn.

 

Có lẽ không có nhân vật Tư Nhâm với những cay nghiệt số phận, cuốn sách  sẽ  mất đi nhiều lắm.

Trong sách còn có nhiều nhân vật khác, đựợc Đình Kính chấm phá, đã cho người đọc một hình dung  rõ hơn về cuộc chiến đấu của các chiến sĩ du kích tại căn cứ cách mạng, những người đóng vai trò chủ yếu nhận trung chuyển vũ khí từ biển vào sâu trong đất liền. Nổi lên là Sáu Sinh, bí thư tỉnh ủy, một chiến sĩ lão luyện và dũng cảm, chỉ huy trực tiếp của Tư Nhâm. Thấy rõ ý đồ nghệ thuật của tác giả, các nhân vật khác được nhắm tới mục đích chủ yếu là để tôn lên tính cách và số phận của nhân vật chính,Tư Nhâm.

 

Xin bàn tới nhân vật thứ hai được Đình Kính để tâm nhiều, với ý đồ nói trên. Đó là Năm Hồng, người đàn bà xinh đẹp, khêu gợi, sống trong vùng địch, ngay tại “cái rốn” của cuộc chiến, giữa bầy lính hung hăng, hung hăng cả ở bản năng tình dục,với một bộ phận xã hội đang bị “Tây hóa”, quan niệm tình dục không phải là một chuẩn đạo đức. Năm Hồng quan hệ tình dục với bất cứ ai, không phải vì tiền,  theo tác giả, vì nhu cầu tình dục của chính bản thân, với triết lý sống là để hưởng thụ. Đình Kính muốn dùng nhân vật này để đẩy Tư Nhâm vào thế giằng xé khắc nghiệt hơn. Với mục đích này thì Đình Kính đã thành công. Tuy nhiên những trang viết về Năm Hồng, ít nhất là theo chủ quan của tôi, tạo cho người đọc cảm giác, nhu cầu tình dục của Năm Hồng chưa xuất phát từ chính bản thân chị ta. Tôi vẫn cho là,viết về tình dục, trong nước cũng như ngoài nước, nhà văn nữ vẫn viết hay hơn nhà văn nam.Tôi không cho là Đình Kính “ chạy theo mốt thời thượng” về tình dục như một vài cuốn sách gần đây. Nhân vật Năm Hồng cần có để tạo không khí ‘Tây hóa” ở vùng đất “phía bên kia”. Và nhắm tới cái đích như trình bày ở trên.Tôi biết Đình Kính đã cất công vào vùng đất xung quanh “ Vũng Rô” khá nhiều lần để thu thập, nghiên cứu và sàng lọc tư liệu. Tuy nhiên, đây là vùng đất anh hoàn toàn xa lạ, vùng đất trong lòng địch với biêt bao mối quan hệ xã hội phức tạp, biết bao chi tiết cảnh quan chỉ có ở vùng đất đặc thù miền Trung tồn tại bởi sự bảo trợ của kinh tế Mỹ.Khi đọc Sóng Chìm, cái không khí của vùng đất trong lòng địch vẫn như thiêu thiếu cái gì đó.

 

Đình Kính để ở trang đầu cuốn sách dòng chữ “thanh minh”, rằng, đây là câu chuyện hoàn toàn hư cấu, rằng , nếu có  trùng với sự thật nào đó ngòai đời, là hoàn toàn ngòai ý muốn của tác giả. Nhân chuyện này tôi chợt nghĩ về phương pháp sáng tác của các nhà văn hôm nay.

 

Nước ta có cả một thế hệ  nhà văn viết theo lối tả thực và tôn trọng hiện thực nghiêm ngặt. Về lý luận các nhà văn được lưu ý là cần sáng tác theo phương pháp hiện thực xã hội chủ nghĩa. Và hiện thực luôn đựợc định nghĩa là cao hơn sự thực,và, mặc dù cao hơn sự thật, nó không phải là siêu thực, nó bám chặt đời sống thực, hư cấu nghệ thuật phải dựa trên cơ sở đời sống thực. ( Vì thế mới có giai thoại kể rằng có người  lớn tiếng phê bình  truyện dân gian Tấm, Cám là tuyên truyền mê tín dị đoan.)..

 

Do sáng tác theo phương pháp tôn trọng hiện thực một cách nghiêm ngặt, để không bị phê bình là siêu thực, ta không thể trách nhà văn khi cứ phải chua vài dòng “ thanh minh” như vậy ở trang đầu cuốn sách. Nhiều, phải nói là khá nhiều nhà văn nước ta, đã  làm như thế. Có quá nhiều dẫn chứng về sự  “gặp nạn” chỉ vì những trang viết tả thực vô tình. Mà thực ra dù có để vài dòng “ thanh minh” cũng khó có thể “ an toàn” hơn nếu như nó “phạm húy”.

 

Thực tế sáng tác hôm nay đang mở ra các phương pháp sáng tác khác nhau bên cạnh phương pháp sáng tác hiện thực xã hội chủ nghĩa. Chúng ta có quyền hy vọng về một đời sống văn học ngày càng phong phú,đa dạng.

Hào Vũ
Số lần đọc: 2992
Ngày đăng: 24.11.2008
[ Trở lại ] [ Tiếp ]
In tác phẩm Góp ý Gửi cho bạn
Cùng thể loại
Chủ nghĩa hình thức hạ thấp giá trị tác phẩm ! - Trần Nguyễn Hoàng Ninh
Chuyện chiếc lá (*) - Ý Nhi
Đôi nét về Nguyễn Khải qua Thượng đế thì cười. - Đông La
Chuyện vãn với mất hay còn…và, Chuyện vãn với…chuyện vãn - Nguyễn Lương Vỵ
Chat room - thêm một đóng góp mới cho dòng văn học Việt - Nguyễn Khắc Phê
Dòng sông độ lượng –tiếng lòng người miền đông - Sương Nguyệt Minh
Những nhận định về sự nghiệp thơ văn của Miên Thẩm Tùng Thiện Vương - Lê Ngọc Trác
Lời tự tình từ nơi chốn Không Là Gió Mây - Trần Quốc
Lê Khánh Mai không chỉ là giọng biển - Phạm Đình Ân
Gió Bấc Trẻ Nhỏ Đóa Hồng Và Dế (*) :Khúc hát nao lòng - Nguyễn Lệ Uyên