Lần nào đến dạy học, Châu - tên cô bé người làm - cũng ra mở cửa cổng cho tôi, và ra về khoá trái cửa lại. Những ngày đầu, tôi thường ít quan tâm đến Châu, thì trái lại, khi nào Châu cũng niềm nở với nụ cười nhẹ trên môi: “Em chào thầy ạ!”. Tôi khẻ gật đầu, rồi vào phòng dạy, chứ không hề để ý đến cô bé.
Phải đến một hôm nọ. Khi tôi bị con chó Berger của nhà quên không xích, chồm ra cắn tôi chảy máu, khiến cô bé xanh mặt hớt hoảng lôi chó vào chuồng khoá lại, rồi vội ra băng bó cho tôi với lời xin lỗi rối rít. Từ đó, tôi mới bắt đầu để ý đến cô bé Osin tội nghiệp này.
Châu khoảng 16, 17 tuổi. Nhưng thân người gầy ốm và khuôn mặt vót cằm càng làm cho già đi hơn mấy tuổi. Tuy nhiên, mặt của Châu không hề xấu một chút nào, mà có thể nói là khuôn mặt rất khả ái. Mỗi khi môi mỏng nhếch cười, kéo theo da mặt bừng lên như ánh lửa cháy bập bùng trong đêm tối, làm rạng rỡ khuôn mặt, với nét tinh anh của cặp mắt rất đổi ngây thơ. Nhưng khi có chuyện buồn, lo âu thì khuôn mặt kéo sầm mây mù xuống như trời sắp mưa. Bình thường, Châu ra vẻ tư lự trên khoé mắt đượm buồn. Có điều, Châu thường hay băn xoăn béo xéo, khi một việc gì nhỏ xẩy ra, cũng làm cho Châu phải lo lắng bồn chồn, vì sợ không vừa lòng người khác. Có lẽ, cái kiếp làm Osin lâu ngày đã tạo cho Châu cái tính lo lắng, để luôn trong tinh thần phục vụ người khác.
Và cái lo lắng đó, quả không thừa khi bà chủ về biết chuyện, đã khiển trách cô quá lơ đểnh để chó cắn thầy. Cô cảm thấy ân hận lắm! Khi tôi ra về, cô tiễn tôi với lời xin lỗi thống thiết!
Lần nào thấy tôi đến dạy, cô cũng bỏ dở công việc, để lên lau bàn ghế và pha ấm trà nóng hay mùa nóng nực thì lấy cho tôi một chai nước ngọt có đá, rồi nhỏ nhẹ: “Mời thầy dùng nước ạ!”. Tôi tự nghĩ: mình cũng một thân phận Osin, chứ có đáng chi mà phải hầu hạ như thế! Đôi khi tôi muốn hoà đồng và tỏ bày đôi chút thiện cảm của người đồng cảnh ngộ, nhưng rồi Châu cứ e dè ngại ngùng, tuồng như tôi là bậc thứ cao cấp hơn.
Cuối cùng, tôi cũng biết được đôi điều về cô bé. Là một người giúp việc, vào cái tuổi chỉ mới học đến lớp năm thì cha chết, mẹ đi một bước nữa với một người đàn ông rượu chè cờ bạc trái gái đủ tam khoang. Người ở miền Hậu Giang, vùng miết dưới ĐBSCL. Quanh năm bám sống nhờ vào vài công ruộng chẳng đủ ăn. Hồi còn ba thì còn có cái ăn cái mặc, nhờ vào đi biển chài lưới cũng khá khấm qua ngày.
Lần đầu tiên lên thành phố, ở với người bà con mấy năm. Sau đó, họ xuất cảnh rồi giới thiệu về gia đình này. Cuộc đời Châu chỉ biết vùi đầu vào việc bếp núc chợ búa, gặt giũ quanh quẫn trong nhà. Hơn 6 năm ở TP, mà chưa hề biết một góc phố phường thì nói chi đến tụ điểm vui chơi giải trí! Hình như trong đầu Châu không có những khái niệm về những phạm trù đó. Châu tự bằng lòng với thân phận mọn hèn của mình như sinh ra để chịu đựng và phục vụ người khác.
Cũng xuất thân từ miền quê, mặc dầu là ở một miền cao, tôi rất dễ đồng cảm với số phận của Châu, nhưng tôi không chịu chấp nhận số phận như Châu. Hình như cái vòng kim cô làng quê vùng sâu vùng xa sông nước, đã trói chặt cô trong cái thân phận mù loà quê mùa tội nghiệp. Tự nhiên tôi cảm thương lạ kỳ! Đã có lần tôi gợi ý: “Xin phép bà chủ để dẫn đưa Châu đi chơi cho biết đó biết đây ở TP”. Cô trố mắt lên nhìn tôi, ngỡ như cô đang nằm mơ để nghe lầm! Rồi thẹn thùng: “Thầy cứ đùa em!”. Câu nói nghe sao tội nghiệp và xót xa đến thế!
Mặc dầu ngày nay, con ở không còn phải chịu cảnh hiếp đáp hà khắc như khi xưa nữa, nhưng những cực nhọc và đắng cay muôn phần của thân phận tôi tớ là không thiếu trong cuộc sống đời thường.
Những hành xử của gia đình ông bà Khanh với người ở thường không có chi gay gắt quá đáng cả. Nhưng vợ chồng sống lâu năm với nhau cũng có chuỵên đôi co dâu bể nữa là…
Số phận của cô cũng không nằm ngoài cái vòng đời đó! Ngay cả Thanh Huyền, cùng phái nữ và cùng đồng tuổi với nhau mà chưa thể cảm thông nỗi niềm cho thân phận của người tôi tớ để nhiếc mắng cô đủ điều: khi chưa giặt kịp quần áo, hay là ủi cho cô chủ thì, nói chi đến lũ con trai vốn đã vô tâm, gặp Ban lại càng lỗ mãng hơn, thì chuyện bớp tai ăn đòn là không tránh khỏi.
Bữa nọ, tôi đang dạy thằng Đoan, nghe tiếng thình thịch đấm đá túi bụi ở dưới nhà với những lời: “Đồ lẻo mép, ông cho mày biết tay nè!”. Xuống nhà dưới, tôi mới biết, thằng Ban đang đánh Châu. Tôi can ra, và hỏi nguyên nhân, mới hay biết, chuyện chằng ra gì cả. Nguyên bà Khanh mất tiền, rồi hỏi Châu: “Hồi sáng có ai vào phòng bà không cháu”. Châu thật thà đâu biết chuyện mất tiền nên nói: “Hồi sáng cháu thấy cậu Ban ở trong phòng bà”. Đó là sự thật thà để Châu phải bị ăn đòn oan uổng. Nhưng lần khác, Châu ởm ờ không biết, bà Khanh lại mắng mỏ: “Lúc đó mày lau nhà ở đấy, mặt vác đi đâu mà không thấy hả con kia”. Thì ra, cách nào thân phận tôi tớ cũng phải chịu trận cả!
Ngay cả đến thằng Đoan chỉ mới học lớp 6, cùng không kém phần xấc xược.
Bữa nọ, khi tôi vừa bước vào nhà thì thấy Châu đang ôm mặt khóc. Thấy tôi, Đoan lánh lên nhà. Tôi hỏi, nhưng Châu chẳng trả lời, rồi lặng lẽ quay đi. Chỉ thấy dấu bàn tay đỏ ửng bên má. Lòng tôi se sắt và thấm thía cho thân phận của Châu: đắng cay và đớn đau tủi nhục không hề hé môi than thở!
Tôi vội lên nhà theo thằng Đoan, để xem duyên cớ chi mà đánh Châu. Thằng Đoan bù lu ba loa: tại vì điều này, tại vì điều nọ. Tôi trách cứ nó:
- Em quá nông nỗi để đánh chị ấy! Những lý do em đưa ra, chẳng đáng là chi để em xúc phạm mạnh tay với chị ấy như thế! Em thử đặt trường hợp em, nếu sau này gia đình em bị phá sản, khánh kiệt, em cũng phải đi ở như chị ấy, rồi lỡ có ai hành xử nhẫn tâm với em như lúc nãy, em có chịu đựng nổi không? Hơn nữa, chính bữa trước chị ấy đã nhận lỗi thay em khi mẹ em phát hiện ra những mảnh vỡ của chồng đĩa sứ mẹ em mới mua về, tại sao em lại lấy oán đền ơn?
Thằng Đoan sụt sít khóc. Tôi biết lời biện giải của tôi như liều thuốc đã có hiệu ứng. Trẻ con thường vô tâm trong việc làm của mình, nhưng khi biết lỗi thì hối cải lắm! Chỉ một lúc sau thì hắn xuống xin lỗi chị! Và sau này, nó có vẻ thương cảm chị lắm! Tôi những mừng, vì càng ngày Châu càng được mọi người quan tâm và thương cảm hơn, nên cũng bớt đi nỗi cực nhọc của thân phận người đi ở.
Hình như những chuyện tủi cực và vất vả đã làm cho Châu vốn đã gầy ốm, lại càng hao gầy và xanh xao hơn. Và tưởng rằng, chuyện nhẫn nhục chịu thương chịu khó của Châu sẽ được yên bề trong cuộc sống tôi đòi, thì nó lại đem đến cho Châu một kết cục khá bi phẩn.
Khi tôi đến. Bà Khanh đang cầm chổi chống nạnh:
- Bà cưng chiều, để mày tác oai tác quái, bữa thì chén sứ bể, bữa thì bàn là cháy áo quần, hôm nay lại làm bể cái chậu cảnh Bon sai tao mới mua về, bảo sao tao chịu cho nổi!
Rồi nổi khùng lên bà đánh lia lịa vào đầu mặt Châu. Thấy quá tội nghiệp, tôi can xin:
- Thôi xin bác bớt nóng, để cháu đền cho chị ấy!
Thằng Đoan ở trên lầu chạy xuống, thấy chị Châu máu me đầy mặt mũi thì khóc:
- Má đánh oan chị ấy rồi! Cái chậu cảnh bị bể là do anh Ban đá cầu đụng phải lăn xuống nhà, chứ không phải chị ấy đâu má!
Bà Khanh biết mình đánh lầm và quá tay thì vỗ về:
- Tại sao cháu không nói hả Châu!
Thằng Đoan tiếp lời:
- Lần trước nói ra thì bị anh Ban đánh cho sưng mặt, má không biết đấy thôi! Tiện thể Đoan khai báo:
- Lần trước má đánh chị ấy làm bể chén sứ Tầu là chị ấy nhận dùm cho con đấy!
Bà Khanh thừ người ra như trái chín ở trên cây rơi rụng, khi biết những nỗi oan sai mà Châu phải gánh chịu.
Còn tôi, thương cảm cho Châu để chở vào bệnh viện băng bó. Vốn bị ốm yếu lại bị mất máu nhiều nên Châu bị kiệt sức và phải nằm viện khá lâu.
Đó là những ngày tôi thể hiện chút tình thương đồng loại để lui tới đưa cháo cơm và chăm sóc thuốc thang cho Châu. Cũng may, trong sự đơn côi và neo đơn của Châu đã có sự thương tâm của cả gia đình bà Khanh. Chính Ban lại là người thương cảm Châu nhất. Bởi nó biết, chính vì nó mà chị Châu phải bị oan trái này. Bà Khanh không phải là con người vô tâm, chính bà đã tự nguyện ở bệnh viện để nuôi Châu và chăm sóc thuốc men đầy đủ. Một điều mà có lẽ trước đó, nếu như chồng bà có nằm bệnh viện không dễ gì bà chịu ở.
Còn Châu thì tưởng như chết ngập trong hạnh phúc vì được mọi người thương tâm đến. Nhưng điều đó lại làm cho Châu luôn bức rức khó chịu khôn nguôi. Một người chỉ quen hầu hạ người khác, khi được người khác hầu hạ lại, hẳn là ray rứt khó chịu khi được hàm ơn người khác. Và vì thế, trên khuôn mặt của Châu, hầu như không khi nào ráo được nước mắt tuôn chảy. Dẫu rằng đó là những giọt nước mắt hạnh phúc tràn ngợp yêu thương.
Còn đối với tôi, Châu xem như vị cứu tinh; bởi hầu như lần nào có sự cố, cũng đều có mặt tôi để can thiệp. Những ngày nằm viện, Châu biểu tỏ sự trìu mến và biết ơn một cách loay hoay. Hình như Châu nghĩ, một đứa người ở không có quyền làm cái việc thân thiện của một người em gái. Tôi phải khó khăn lắm để phá vỡ hạt nguyên tử sơ cứng trong cái cách xưng hô thầy em ra anh em. Và tôi đã được đền đáp lại một cách hậu hĩnh với những chân tình của người em gái hằng trìu mến anh. Châu làm điều này như để trả ơn tôi đã bao che đùm bọc Châu trong gia đình đó.
Và lần nào tôi đến dạy, dường như ánh nến được thắp lên trong cái nhà lạnh lẽo đó! Khuôn mặt đượm sầu cố hữu của Châu bỗng kéo giản ra nụ cười rạng rỡ ấm áp trên môi, làm lây cái hạnh phúc dung dị qua tôi. Châu mỗi ngày một hồng hào và tươi tắn hơn, trông như một đoá hoa lài mầu trắng dung dị, nhưng lại gợi nhớ trong tôi mỗi khi xa Châu, tôi bỗng thấy chút lưu luyến. Cuối cùng, tôi cũng đã thuyết phục được Châu đi chơi Thảo cầm viên…Đầm sen… Châu ngượng nghịu như con mèo nhung mượt e thẹn trước đám đông người. Đi đâu, Châu cũng muốn về sớm với cái nơi cố hữu cô quen làm, quen ở. Và dường như ở đó, Châu có tất cả những đầm ấm yên vui của mình.
Có lẽ, đó là những năm tháng êm đềm và hạnh phúc nhất đời Châu. Nhưng gia đình bà Khanh lại nhanh chóng rơi vào cảnh suy sụp, khi nghề thầu khoán của ông Khanh đang từ thời bao cấp ăn nên làm ra, đã bị cạnh tranh khốc liệt trong cơ chế kinh tế thị trường, đến bị phá sản. Phẩn chí, rồi đâm ra chán nản, để mỗi ngày ông Khanh ngồi trầm ngâm bên chai rượu, như để đốt cháy những đắng cay, thất bại ê chề của đời ông. Và rồi, một bà vợ chỉ quen tiêu xài đồng tiền vào những trò chơi nhàn hạ phong lưu nhà giàu và con cái cũng quen ăn xài chưng diện, với những đồng tiền không thấm giọt mồ hôi, mà chỉ nặng mùi thân quen quyền lực bao cấp vô tội vạ, thì một sự suy sụp sẽ là ngày tận thế của họ. Và một cuộc vỡ tan đầy bất hạnh là không tránh khỏi!
Khi tôi trở lại, sau sáu tháng thực tập cuối khóa học, gia đình này đã tan tác lắm rồi! Nhưng điều đó cũng chưa mấy quan trọng đối với tôi. Điều làm tôi bất ngờ và lòng buồn vô hạn khi Châu cũng đã rời xa, không để lại một dấu tích gì. Và thật đau đớn hơn, khi nghe Đoan khóc nức kể lại hôm Châu ra đi:
Mẹ Đoan đã ném túi xách quần áo của Châu ra đường với lời thét chửi:
- Đồ con đĩ thối thây, mày ăn nằm với thằng nào mà chửa hoang rồi định ăn vạ nhà tao hả!
- Tội nghiệp chị Châu lắm thầy ơi! Trông chị ấy thểu não cầm xách tay nhục nhằn ra đi, mà em thương chị ấy quá! Chị ấy quay lại rồi mếu máo khóc: “Em đừng nói bất cứ chuỵện gì với thầy Vĩnh nhé!”
Rồi thằng Đoan khóc rống lên:
- Oan cho chị ấy lắm thầy ơi! Em biết, em biết người gây ra chuyện cho chị ấy…nhưng em không thể nói ra được.
Tôi định hỏi nó vài điều, nhưng nghĩ nó còn nhỏ nên không tiện hỏi.
Tôi cứ quay quắt mãi, để tự hỏi: Một con người chân chất quê mùa mộc mạc như thế, làm sao lại có thể yêu đương nhăng nhít để xẩy ra điều khốn khổ được kia chứ!?
Cũng may, khi gia đình sụp đổ tan nát thì Huyền và Ban cũng đã bước qua ngưỡng cửa 12 để tự tìm nghề kiếm sống, để chắt lót nuôi ba và Đoan được rồi. Căn nhà đã được đấu giá để trả nợ, và còn thừa chút đỉnh cũng chỉ đủ để thuê một căn hộ nghèo nàn một thời gian ngắn mà thôi.
Tôi đã gặp lại ông Khanh trong cái căn nhà thuê, chật hẹp và nhớp nhúa ấy. Ông đã xuống cấp đến tàn tạ trong mái tóc bạc trắng với râu ria xồm xoàm xâm chiếm cả khuôn mặt tiều tuỵ buồn chảy. Ông cầm tay tôi ân cần thiết tha tưởng như sắp rơi xuống lũng sâu cuộc đời:
- Có chi nhờ thầy năng lui tới để làm chỗ dựa tinh thần cho các cháu. Còn tôi, bây giờ đã trở nên vô dụng trong cái nhà này rồi!
Rơi vào cái đáy địa ngục của khánh kiệt và túng quẩn, làm sao người đàn bà phong lưu ấy chịu cho nổi! Và cũng thật may, chút nhan sắc cuối cùng của tuổi ngũ tuần cũng đã chắp nối cho bà Khanh một duyên tình hờ với một ông lão thừa tiền thiếu tình, nên cũng yên bề cho cái thân bồ tượng có nơi nương tựa trong tuổi xế bóng.
Riêng tôi, lòng cứ khắc khoải thương nhớ mãi hình bóng Châu. Tôi không hiểu mình thương hại Châu hay thực sự có tình yêu với Châu. Chỉ biết xa Châu, lòng tôi sầu muộn và nhung nhớ khôn nguôi. Nhưng trong tôi cứ mãi day dứt với câu hỏi: Tại sao Châu lại ra nông nỗi như thế! Một con người hiền thục chân quê đến ngây ngô, làm sao để xẩy ra chuyện nhăng nhít đến chửa hoang như thế được!? Cuộc đời thật quá mông mù với tôi vào cái tuổi đó để không biết rằng: Tất cả mọi sự đều có thể xẩy ra trên cõi đời này thật giản đơn, mà không phải theo logic nào cả. Nhưng tôi cứ tự hỏi: Tại sao với một con người hiền lành đáng tội nghiệp như thế mà số phận vẫn không buông tha. Đâu rồi cái luật nhân quả, ở hiền gặp lành. Chẳng lẽ, Châu lại phải trả nợ cho một truyền kiếp mông mù của cha ông hay của chính Châu, thì có thật là bất nhẫn chăng?
Những câu hỏi vẫn còn vang vọng trong tôi và câu trả lời vẫn còn bỏ ngõ. Trong khi dòng đời vẫn vô tình hững hờ trôi đi. Rồi tôi cũng bị quấn hút theo dòng đời tất bật đó.
Ngày ra trường của một sinh viên trường Y có trầy trật mãi thì cũng phải đến. Tôi về làm Bác sĩ cho một bệnh viện miền dưới ĐBSCL. Đó là những năm tháng tôi lao đầu miệt mài vào công việc của một Bác sĩ mới ra trường. Sức trẻ và lòng hăng say nhiệt tình đã làm cho tôi vui thú trong công việc mà không biết mệt mỏi. Ở bệnh viện là môi trường cho tôi chứng kiến tận mắt nhiều mảnh đời cheo leo dâu bể trong cuộc sống. Sự sống và cái chết đôi khi nằm lẫn lộn nhau đến không biết đâu mà lường. Có những sự sống khổ đau lây lất cứ kéo lê tháng ngày hành hạ bệnh nhân mỏi mòn, rã rời mà không sao nhắm mắt được, thì những cái chết chia lìa lứa đôi trong căn bệnh ngặt nghèo chóng vánh mà Y khoa tân tiến cũng đành phải bó tay để cho những mảnh đời chia xa trong sự đắng cay ngậm ngùi tiếc nuối khôn nguôi.
Dần dà tôi hiểu ra rằng: cuộc sống cần đến nhiều tình thương, nhiều bàn tay nâng đỡ yêu thương nhau hơn, khi y khoa đã hoàn toàn bất lực, thì sức mạnh của lòng nhân ái là rất linh diệu trong đời sống.
Một thời gian sau, tôi được về thành phố và tình nguyện qua khoa điều dưỡng bệnh nhân lây nhiễm HIV của TP. Ở đó, còn cho tôi thấy nhiều điều đắng cay, bỉ cực nghiệt ngã hơn trong các bệnh viện đa khoa thông thường. Những sự tuyệt vọng đến cùng cực. Những sự hoảng loạn của bệnh nhân khi phát hiện ra căn bệnh HIV đến cuống cưồng tự sát. Những khinh bỉ miệt thị đã làm người bệnh nhân mặc cảm đến không thiết ăn uống, và uống thuốc điều trị bệnh. Những mỏi mệt nhọc nhằn khiến người ta hờ hững với cuộc sống. Và hầu như tâm lý buổi đầu của bệnh nhân: càng kiệt quệ, càng muốn chóng chết càng tốt.
Tôi còn được mời để tư vấn cho ba phòng khám miễn phí của những người mắc bệnh HIV giấu mặt không muốn vào bệnh viện điều trị. Và ở đó, cũng đã có những mảnh đời nghiệt ngã: Chồng hoặc vợ đã bị lây nhiễm mà không muốn cho nhau biết, để duy trì cái hạnh phúc ngắn ngủi ít ỏi còn lại. Có những người thật sự không biết mình tại sao lại bị lây nghiễm một cách vô căn cớ thì day dứt biết là dường nào! Và rồi trong đó, có biết bao hoàn cảnh éo le, khi bị lây nhiễm bởi vợ hoặc chồng, mà trước đó không hề hay biết. Những đứa con vô tội cũng bị sinh ra trong căn bệnh chết nguời, mà nó vẫn cứ vô tư đùa vui để không biết số phận mình đã được định vị trong định mệnh tai quái chết người đang chờ đợi phía trước.
Rồi một hôm, có người phụ nữ bước vào phòng khám. Khi đối diện với tôi, chị ấy thoáng một chút ngỡ ngàng, rồi bỗng đâm đầu chạy ra khỏi phòng như bị ma đuổi. Tôi ngây người ra, không biết chuyện gì đã xẩy ra với người phụ nữ đó khi gặp mình. Kịp khi vừa bước ra cửa, tôi thấy chị ấy ngã sóng soãi trên đường, khi một chiếc xe tạt ngang thắng kít gấp lại. Tôi chỉ còn biết bế chị ta lên một chiếc xe taxi, rồi đưa đến bệnh viện cấp cứu. Nhưng tất cả đều quá trể. Chị ấy đã bị chấn thương sọ não và tắt thở trên đường tới bệnh viện.
Khi tìm giấy tờ tuỳ thân – CMND - tôi mới giật mình: Lê thị Châu, quê quán ở Hậu Giang. Tôi sững sờ la lên: “Trời ơi! Châu đây mà!”. Em thay đổi quá nhiều đến nỗi tôi không thể nhận ra em. Bây giờ tôi mới nhận ra em thì đã quá muộn màng! Tôi đã tìm em trong bao năm nay mà không gặp, để rồi gặp nhau trong cảnh thảm khốc não lòng như thế này ư! Và cái chết của người mình yêu thương lại do chính mình gây ra, thì thật là đau đớn, và nghiệt ngã biết dường nào! Nhưng tại sao em lại ra nông nỗi bị lây nhiễm HIV để tủi hổ không dám nhìn mặt tôi? Những câu hỏi đó cứ quay cuồng trong đầu tôi mà không sao tìm ra câu trả lời thích đáng được.
Tôi tìm đến nhà trọ theo địa chỉ trong ví và được các bạn cùng phòng cho biết: “Châu mới phát hiện ra mình bị dương tính HIV được mấy tháng nay. Sáng nay, nó bảo là thử đi xét nghiệm nơi khác xem có chính xác không? Ai ngờ sự việc lại xảy ra như thế!”.
Tìm lục trong túi xách của Châu có một lá thư viết dở dang.
“Anh Vĩnh ơi!
Thế là em đã có dịp để gửi là thư này sớm hơn em dự tưởng. Bởi khi em bị phát hiện ra nhiễm HIV, em biết cái ngày mình chết sẽ rất gần để gửi cho anh lá thư này cho anh! Anh tưởng em buồn khi phát hiện ra mình đã bị HIV ư! Chính mấy đứa bạn của em cũng bảo: “Con này hay thiệt, phát hiện ra HIV mà vẫn cứ vô tư đùa nghịch nói cười như không có gì xảy ra! Chẳng bù cho những đứa khác, khi mới phát hiện thì cuống cuồng lo âu sầu não đến phát điên lên, có khi còn đâm đầu tự tử”. Anh ngạc nhiên ư? Em đã chết từ cái đêm khủng khiếp đó rồi, còn đâu nữa hả anh! Sau cái đêm đó, em đã sống lặng lẽ với nỗi đau đầy nhức nhối đến thẫn thờ. Và em biết, em chẳng thể giấu nổi anh nữa, khi cái bụng em ngày một lớn dần. Em cố nán ná lại gặp anh một lần cuối, để tạ từ anh. Nhưng cái ngày đó đã đến sớm hơn. Thực tình em không hề oán giận khi bác Khanh đuổi em đi. Sau đó, chính em lại thầm cám ơn bà, để em không phải gặp anh trong cái nhục nhã ê chề của người con gái đã không còn giữ được tiết trinh, thì còn gặp nhau làm gì trong vô vọng nữa hả anh! Có lẽ, khi em nói điều này ra, anh sẽ cười em, một cô gái hết sức ảo tưởng và ngây ngô để yêu anh và để mơ mộng một tình yêu hảo huyền sẽ được đáp lại, dù chỉ là một hy vọng nhỏ nhoi. Nhưng khi sự việc xảy ra, em biết chắc rằng: Em chẳng còn gì để mất nữa rồi! Và rồi như một con thiêu thân, em lao vào ánh đèn huyền ảo hộp đêm để tự huỷ diệt thân mình càng nhanh càng tốt, để được giải phóng khỏi nỗi đau sầu khổ cứ dai dẵng trong em. Anh biết em sợ điều gì nhất không? Em sợ phải gặp anh, sợ anh sẽ hoạch hỏi về những điều nhơ nhuốc mà em đang lấm láp phải. Sợ phải đối diện với một sự thật đau xót cho cả anh và em. Có lẽ anh sẽ hỏi em: Vì sao em có thai? Và con em ở đâu rồi? Câu trả lời chẳng còn cần thiết để giải bày với anh lúc này nữa rồi! Thuốc đắng chỉ cần thiết cho bệnh nhân chứ đâu còn cần cho xác chết nữa hả anh? Ích gì để nói ra cái điều chẳng còn có ý nghĩa gì với em lúc này!
Em không định viết những lời này cho anh; bởi chỉ làm anh thêm sầu khổ não lòng mà thôi. Nếu không có một câu hỏi cứ thao thức trong em, có lẽ, em đã không viết lá thư này. Nhưng dù sao, khi em qua bên kia thế giới, em vẫn mong biết được một điều, dù biết cũng chỉ hết sức vô nghĩa đối với người chết như em, thì em vẫn cứ muốn hỏi anh: Anh có yêu em không? Hay anh chỉ thương hại em như một cô em gái? Có lẽ điều đó làm anh buồn cười lắm phải không? Em muốn….”
Nước mắt tôi rạn rụa chảy trên lá thư viết dở dang. Tôi tự nói với em: “Điều đó không buồn cười với anh đâu? Nó làm anh khóc nức đấy! Vì điều đó, cũng thật hết sức quan trọng đối với anh: Rằng anh rất yêu em và trìu mến em như một người em gái! Tất cả cũng đều do nguồn mạch của yêu đương đấy em ạ! Anh biết lời thú nhận quá muộn màng này, cũng không làm em với đi nỗi đau ở một nơi u uất nào đó!”.
Em mãi là một thiên sứ đã đi qua trần gian dâu bể, mà vẫn còn mãi vằng vặc trinh trong nơi lòng anh!
Tôi đã ma chay tống táng em vào lòng đất như chôn niềm nhung nhớ tiếc nuối khôn nguôi vào mộ chí người con gái dấu yêu đó!
Ngày mồ yên mã đẹp, tôi mời ông Khanh và mấy đứa con tới thắp nén nhang trước mộ chí. Ai cũng mũi lòng khóc cho người con gái xấu số lắm bẻ bàng trong cuộc đời này.
Và ông Khanh bỗng quỳ sụp xuống nấm mộ khóc tức tưởi với lời thống thiết: “Khốn nạn cho thân tôi! Tôi là thằng khốn nạn đã đưa đẩy cháu đến cái chết oan nghiệt này! Hãy tha thứ cho tôi nhé cháu!”.
Châu Sơn ngày 21/02/ 2006