Ủng hộ VCV
Số tác phẩm
28.861 tác phẩm
2.760 tác giả
1.132
123.227.923
 
Nhà văn Sao Mai với buổi trưa cổ điển
Vân Long

Ngồi trong căn phòng xây gạch, tường vôi mới, có ti vi, tủ chè, tủ lạnh chẳng khác gì căn nhà trong thành phố, nhưng đôi lúc vẫn có những tiếng động, những sự cố nho nhỏ nhắc nhở chúng tôi về môi trường chung quanh.

 

Đây là xóm Gạo, xã Văn Luông, huyện Thanh Sơn, tỉnh Phú Thọ, nơi hơn bốn chục năm về trước, nhà văn Sao Mai đã dẫn bầu đoàn thê tử, là người đầu tiên đến khai hoang ở vùng đồi rừng không dân này!

 

Nhiều người nay vẫn gọi là xóm nhà văn Sao Mai, hay gọi tắt là Sao Men, tên sản phẩm (men rượu) ông cung cấp cho phiên chợ vùng cao Thanh Sơn (một trong hàng trăm cách sinh nhai một thời khốn khó!)

 

Bây giờ thì 15.000m2 đất đồi đã có sổ đỏ sử dụng lâu dài và 12 ha với quyền sử dụng 50 năm cùng nhà cửa, hồ ao, những đồi vải thiều cùng nhiều cây trái khác, quy tụ trong 12 khu trang trại của các con ông…

 

Có ai ngờ vốn liếng đầu tiên chỉ là số tiền tạm ứng cuốn Tiếng động một ngày ở NXB Thanh Niên cùng suất gạo tiêu chuẩn cho người tình nguyện đi khai hoang.

 

Còn phải kể đến chiếc mũ kê-pi nhà văn Tô Hoài tặng cho bạn chẳng hiểu với ý tứ gì, chiếc va li của nhà thơ Nguyễn Mỹ tác giả bài thơ Cuộc chia ly màu đỏ tặng cho cuộc chia ly màu xanh ước mơ phía trước này, cùng chiếc rìu của nhà thơ Phùng Quán như một biểu tượng cho người đi khai phá đất hoang: Một gia đình… hoành tráng, với hai bà vợ và 11 đứa con!

 

“Bố ơi! Đàn ong  cạnh cây muỗm bốc bay, bố ạ!” - Tiếng cháu Thùy Linh lảnh lót cuối vườn. Anh Hồng “ Mặc chúng ! Chúng chia đàn đấy mà! Con vào bếp bưng nồi cơm lên đi!”.

 

Chúng tôi liếc nhìn đồng hồ:  Ồ đã gần một giờ trưa! Mải chuyện , vui quá, chẳng nghĩ gì đến cơm với nước. Nhưng chủ nhân, anh Hồng, thì xin lỗi và thanh minh: “Chúng cháu đã xong cơm từ 12 giờ, con lợn nái lại sa chân xuống hố nước, thế là hai vợ chồng phải lội xuống ôm nó lên, quần áo bẩn hết...”.

 

Hèn nào ban nãy chúng tôi đã thấy vợ chồng Hồng thay áo mới tiếp khách, giờ lại thấy mặc bộ quần áo khác. Con lợn nái hàng  trăm cân, bê lên khỏi hố hẳn vất vả lắm!

 

Đó là Tân Khải Hồng “cậu cả con bà hai”, là con thứ năm ông Sao Mai, chủ thực sự của cơ ngơi này, có con trai đang học ngành du lịch tận thành phố Hồ Chí Minh, cô bé Thùy Linh năm đầu tôi lên thăm còn đòi ông kể chuyện cổ tích, nay sắp thi vào học viện Hành chính ở Hà Nội, một trong hơn bốn chục đứa cháu nội ngoại của nhà văn.

 

Tân Khải Hồng hiện làm Phó chủ tịch Hội đồng nhân dân xã. Biết chúng tôi là nhà báo, anh như có ý nhắn lời cho các cơ quan có trách nhiệm: Việc cho nông dân vay vốn nên xem xét cụ thể: số tiền đó họ sẽ sử dụng vào việc gì, với từng vùng.

 

Thí dụ chỗ chúng cháu, nhân công hái chè rất khan hiếm. Họ bỏ lên tỉnh, về Hà Nội làm những việc có tiền ngay. Nếu cho vay 5 triệu, người được vay có khi làm bữa nhậu, mời mọi người, còn lại thì vài món chi gia đình là hết…vốn, bắt đầu lo trả nợ. Nếu chúng cháu được vay 10 triệu, thì nghĩ ngay đến chiếc máy hái chè 8,5 triệu, có thể thay thế 15 nhân công đang khan hiếm…

 

Bà Hai, cô diễn viên chèo nghiệp dư Phạm Thị Loan ngày nào lọt mắt xanh của đạo diễn Sao Mai, nay đã là bà lão 70, nhưng vẫn nhanh mồm nhanh miệng như hồi trẻ: “Ấy! Nghe tin các ông lên chơi, tôi ra vườn gọi cháu Hồng về tiếp khách, con gà này chạy quàng qua chân, thế là tôi túm ngay được, chả mất công gọi, đuổi gì!”.                    

 

Câu chuyện râm ran vì niềm vui chủ nhà có khách xa, khách vui vì cụ chủ nhà bất ngờ khỏe lại, không như chúng tôi mường tượng “ông gần  như sống thực vật!” sau cơn tai biến não.

 

Phải quy công phần lớn cho bà Hai, ngoài sự tận tụy của người vợ, bà còn là “bà lang “ có tiếng ở vùng này từ khi ánh sáng của Tây y chỉ le   lói tý chút từ huyện lỵ trở lên, vùng sâu vùng xa như từ phố Vàng trở xuống chỉ có lá lẩu của những “bà lang vườn”. 

 

Nhưng người dân vùng này chưa kịp có ý niệm xấu về “lang băm”, “lang vườn” thì đã bị thuyết phục bởi những ca đẻ khó được cứu sống cả mẹ lẫn con, những căn bệnh mà trước khi có bà lang này, thường đi liền với tử vong.

 

Một kỳ tích thường được dân xóm kể lại: Một phụ nữ Mường chửa bốn tháng, gánh mạ ra ruộng. Gặp một con lạch cô nhẩy qua, thế là cái thai sa xuống. Khiêng đến bệnh viện huyện, bác sĩ khám và bảo: Chỉ còn duy nhất một cách là mổ, cứu được mẹ thôi.

 

Bà Hai lên thăm, xem xét kỹ rồi bảo: “Nếu cô tin tôi, về xóm, có thể tôi cứu được đứa bé!”. Bà mẹ trẻ tiếc đứa con, nghe lời bà Hai.

 

Thế rồi, bằng vài nắm lá, vừa đắp bụng vừa xoa nắn, với một thời gian dưỡng thai. Đến ngày, đến tháng bà mẹ trẻ vẫn sinh nở bình thường. Đứa bé nay đã là chàng trai 30 tuổi. 

 

- “Chị ơi! Chị chữa cho anh thế nào mà tài thế!”. Tôi hỏi sau khi đã “khảo sát”  sức khỏe của ông anh: Tôi đưa đúng cuốn Sao Mai trong lòng bè bạn Hội Văn nghệ Phú Thọ vừa in xong, mở bừa một trang có bài Nhà văn Sao Mai cai nghiện thuốc phiện, bảo ông đọc xem.

 

Ông đang điều chỉnh cuốn sách đúng tầm nhìn thì bà Hai mắng yêu: “Ông biết chữ mù gì mà đọc!”. Tôi phản ứng “Nhà văn mà lại không biết chữ!” làm mọi người cười ầm. Ông đọc được, chỉ có phát âm còn bị méo tiếng. Tôi chỉ xuống dòng chữ in nhỏ hơn, ông  vẫn đọc được, chỉ chậm hơn một chút !

 

Thôi thế là sống rồi! Với nhà văn, không viết được nữa, lại không đọc được nữa thì khác gì cái chết!  Ông còn theo dõi được những bộ phim truyện nhiều tập trên TV, gặp tôi còn mừng tủi “ô…ông Vân…Lo..ong!”.

 

Nghe cái đĩa CD Lưu Nga ngâm những bài thơ của Quang Dũng, Trần Huyền Trân, Ngô Quân Miện…chúng tôi mang lên tặng, ông khóc như trẻ thơ. Ông như được gặp lại những bạn xưa, hay ông nghĩ đó là những người hoặc đã sang cõi khác đang chờ đón ông, hoặc cũng đang chập chờn sáng tối như ông: Bạn thơ Ngô Quân Miện?

 

Bà Hai vốn hay chuyện, được dịp kể liên miên những cách chữa gia truyền của bà kết hợp với kinh nghiệm bao năm và kho lá thuốc phong phú của vùng này, mà trước đây bà chỉ biết tên trong sách thuốc các cụ để lại, tôi nghe lõm bõm như vịt nghe sấm...

 

Chúng tôi lây cái vui gia đình, hết cả mệt nhọc, nhưng bà Hai cứ xuýt xoa ”Quý hóa quá! Hai ông đi bằng xe máy từ Hà Nội, lại vòng qua Việt Trì, cả đi và về gần ba trăm cây số vất vả…”.

 

Tôi phải ghi công chuyến đi cho nhà nhiếp ảnh Vân Đình Hùng, anh là một người yêu thơ và bình thơ, anh từng nói với tôi khi đọc bài thơ Trưa quê  của Sao Mai: “Sách vở bây giờ như rừng, muốn đọc hết tác phẩm văn xuôi của Sao Mai, không phải dễ tìm! Nhưng chỉ một bài Trưa quê này của Sao Mai đã khiến em muốn trong đời, mình phải gặp con người này một lần, phải ghi lại được chân dung ông ấy!”.

 

Thế rồi nghe tin ông bị bạo bệnh, anh lo không đạt được ý nguyện, cứ giục tôi thực hiện chuyến đi.

 

Trưa quê : http://vanchuongviet.org/vietnamese/tulieu_tacpham.asp?TPID=9146&LOAIID=15&LOAIREF=5&TGID=1762

 

 

Thế là bài thơ nhẹ như sương khói ấy đã đủ sức đẩy chiếc xe SPACY êm như ru, chở hai chúng tôi cùng chiếc máy ảnh kỹ thuật số NIKON D80 con gái anh gửi về từ xứ Phù Tang, cho anh lao vào niềm đam mê thể hiện chân dung những nghệ sĩ anh yêu mến.

 

Trong khi anh quan sát, nghiên cứu, để bắt chợt thần thái nhà văn hiện hình trên ống kính, thì tôi cũng vừa trò chuyện vừa khái quát lại trong óc mình chân dung tinh thần của Sao Mai, cái ngôi sao trong trẻo chỉ hiện ra chốc lát lúc đầu ngày sao lại chứa lắm điều mâu thuẫn đến vậy! 

 

Từ chàng trai trẻ hào hoa, phong độ, phong tình ngày nào (tôi vừa đọc nhật ký của Trần Lê Văn chuẩn bị đưa in có hình ảnh Sao Mai ngày đầu kháng chiến ở Liên Khu III: Khi báo Công Dân đóng ở gần Nhuộng, anh nhà văn trẻ tuổi, đẹp trai ấy, chẳng biết duyên trời dun dủi thế nào, gặp được trong làng này cô gái nho nhỏ xinh xinh, rồi quen nhau, yêu nhau, nên vợ nên chồng…

 

Sao Mai ngày ấy dắt vợ qua Đống Năm, tiền tiêu nhẵn túi, phải trông vào sự giúp đỡ của anh em.  Tôi mô phỏng bài hát Đàn chim Việt, làm mấy câu đùa bạn: Về đâu ? Về đây khi túi tiền đã hết . Anh dắt em một chiều /Ôi! bước chân ngập ngừng trên phố Đống Năm.

 

Con người chỉ quen cầm bút cầm phấn dạy học, lại được phát thẻ bần nông! Đi khai hoang, lại được sở hữu tòa nhà đẹp như cung điện. Ở sang như vậy, lại phải ăn cháo cám cầm hơi để viết văn trả nợ.

 

Lần đầu tiên trên thế giới, có một nhà văn viết văn dưới ánh đuốc của hai bà vợ hai bên. Từ người chế tác men rượu nổi tiếng làm núi rừng Thanh Sơn say đảo lại trở thành người lãnh đạo văn nghệ một tỉnh…

 

Tôi chỉ khai thác, vừa sẻ chia vừa hài hước về hành trạng của ông trong bài báo Nhà văn Sao Mai - từ bát cháo cám đến 12 trang trại đưa in trên An Ninh cuối tháng 9/2002 đã làm nhiều bạn bè, độc giả buồn cười, ngạc nhiên “Sao lại có một nhà văn lạ lùng đến thế?” làm nhà văn Sao Mai phải nhắn tin về cho tôi: “Tớ viết văn cả đời mà người ta không biết đến tớ bằng khi họ đọc bài báo của cậu!”. Tôi cảm ơn ông đã khen tôi một cách tế nhị.

 

Phải chăng những điều mâu thuẫn ấy là lý do cho sự phân thân của ông trong văn, trong thơ? Những ẩn ức đa dạng phải được thoát ra nhiều hướng: Con người hiện thực Sao Mai dành cho những trang văn, con người mơ mộng, những khát khao không thỏa, bị hiện thực gò trói, ông dành cho thơ?

 

… Còn bài thơ Trưa quê đã trở thành cổ điển ấy, tôi dám đoan quyết mà không sợ mang tiếng chủ quan: Nhiều năm sau, có thể người ta quên dần văn xuôi của ông, nhưng bài thơ này sẽ được ghi nhớ! Cái buổi trưa cứ như không ấy mà làm nao lòng nhân thế!

 

Ảnh : Nhà văn Sao Mai và Bà Hai

Theo TPO

Vân Long
Số lần đọc: 2249
Ngày đăng: 26.11.2008
[ Trở lại ] [ Tiếp ]
In tác phẩm Góp ý Gửi cho bạn
Cùng thể loại
Tập truyện ngắn Giữa Trần Gian và Địa Ngục, (gồm 18 truyện) dày gần 200 trang khổ 13x20 - Khổng Ðức
Miên man Bồ Giang - Ngô Thiên Thu
Trao đổi với Đình Kính : Văn chương thời nào cũng có truyện hay truyện dở - Hào Vũ
Khủng hoảng của xã hội hôm nay phải chăng là khủng hoảng về niềm tin? - Nguyễn Hữu An
Áo mùa đông - Phạm Trung Kiên
Vô ngôn - Lê Văn Như Ý
Về bài thơ của Trần Quang Đạo - Hoàng Vũ Thuật
Thắt lưng buột bụng..thời suy thoái !!! - Vũ Trà My
Thư ngỏ gửi Nxb Đà Nẵng của Vũ Ngọc Tiến - Vũ Ngọc Tiến
Võ Tòng ở Cảnh Dương - Chu Vương Miện