Ủng hộ VCV
Số tác phẩm
28.861 tác phẩm
2.760 tác giả
1.185
123.214.492
 
Đặng Thân kể từ "nét" đến... "nhoà"
Phạm Lưu Vũ

(Đọc "ma nét" - tập truyện của Đặng Thân - nxb VH 2008)

 

Một nhà hàng chuyên dọn những món cũ kĩ, nhàm chán theo thực đơn soạn sẵn, thỉnh thoảng mới có kẻ (nhiều khi lại nằm trong số thực khách) liều lĩnh tự mang "đồ" của mình tới bày ra bán ké. Dù nó chẳng quen miệng, bùi tai thì chắc chắn đó cũng là món lạ.

 

Không những lạ, mà còn "quỷ hiểm" [phát âm từ "quý hiếm" của người miền Trung]. Đây là một trong những kẻ thực khách vui tính đó: Đặng Thân với cái món "ma-net" của gã.

 

Với lối viết mà các nhà "lý luận" đáng kính (và đáng kinh) một thuở xếp vào "tự nhiên chủ nghĩa" của y, nếu cứ cần phải có 1 định nghĩa thì tôi xin mạn phép gọi đó là phương pháp: "phi thực", hay là lối viết: "hồn nhiên như đá cuội".

 

Những viên đá cuội rõ ràng là của thiên nhiên, do thiên nhiên, từ thiên nhiên mà ra... nhưng chúng vẫn không kém phần ngay ngắn và... nhẵn nhụi như quả thụi.

 

Thêm nữa, đó là lối viết của 1 gã có trạng thái tư duy bất bình thường. Trạng thái ấy không mát mẻ, ngọt ngào như... nước Đường, không vui tai, lạc quan như... nước Ngu, không tanh tưởi, khí hư như... nước Đái, lại càng không dối trá, hôi mồm như... nước Việt (không phải bi giờ, mà là nước Việt thời... Xuân Thu – he he),v.v... Lối viết ấy vừa "thực" như đá, lại vừa "phi" như... cuội.

Với cái "rổ" đựng 12 viên "đá cuội" (tổng cộng gồm 12 truyện) như thế này, lối viết ấy rõ ràng đã hình thành một giọng điệu của riêng y.

 

Không những thế, y lại giỏi biến hoá (chả cứ văn chương bi giờ mới thế). Vì vậy, lắm lúc nhìn cái "rổ" đá cuội kia lại thấy hiện lên rõ ràng là  1 "rổ"... cua càng. Những con cua to nhỏ khác nhau, chúng vừa liên tục "nấu cơm", vừa sẵn sàng... gây sự(!).

Lại có khi tưởng đó là 1 rổ... táo Tàu.

 

Những quả táo nom sặc sỡ, to bằng vốc tay mà cái hạt lại bé tí tẹo. Thì đó là thứ quả sinh ra chỉ cốt cho người ta xơi... cùi mà lị. Táo ấy nhiều khi còn không có hạt nữa kia. Được cái lớp cùi dày tuy lốp xốp 95 % nước đấy, song vẫn có chút vị chua chua dôn dốt, nhai vào dẫu chẳng tăng mấy tí ca lo thì chắc cũng thêm phần... lợi tiểu.

 

Và nếu y không khoái so sánh văn mình với táo Tàu thì tôi lại ví với một loại động vật thân mềm vậy. Bọn này có tấm thân tuy không cần xương (cốt) gì cả, song khi ở giữa đại dương thì chúng có thể làm “nhòa” (bí hiểm) cả 1 vùng rộng lớn, lúc nằm trên bếp lửa thì “nét” đâu ra đấy, lại còn thơm nức mũi, làm cho bất cứ cái mồm nào cũng phải rỏ dãi rớt lòng thòng...

 

Sở dĩ nói như thế là vì văn Đặng Thân tuy ngồn ngộn [phi] hiện thực và ngút ngát nhịp sống của thời đại đấy, vậy mà có lúc chẳng thèm có lấy 1 cốt truyện cho ngay ngắn, ngay cả chi tiết, tình huống nhiều khi cũng luyễnh loãng như đùa. Thậm chí đến cả cái tứ truyện cũng cẩu thả, mờ mịt nốt. Vậy mà đọc vẫn thấy hút. Thế mới bảo là lạ. Điều đó nếu không nhờ ở cái giọng vừa hóm vừa "cà chớn", vừa đầy chất "gây sự" của y thì nhờ vào cái gì? Kẻ viết những dòng này từng gọi y là 1 tên "có nội công lông bông thâm hậu" chính là vì nhẽ đó.

 

Ấy là đang bàn đến loạt 3 truyện ngắn đầu tiên của tập sách: "Vào rừng mơ"; "Thùng thuốc nổ"; "Đã hai mươi mùa thu Người Hà Nội". Riêng truyện thứ 3 có cái tên sặc mùi... sổ lưu niệm của học trò này, mặc dù y đã cẩn thận "khoe" ở chú thích, rằng: "Truyện ngắn này đã được trao Tặng thưởng trong cuộc thi: "Ngàn năm thương nhớ đất Thăng Long" - HLHVHNT Hà Nội 2005-2006." Thì nó vẫn cứ là 1 "truyện" đậm đặc chất... văn học trò, đọc lên có cảm giác như đang nghe bản hợp ca của... 1 bó sáo diều vậy.

Tiếp theo, nếu có thì giờ, bạn hãy thử vừa đọc vừa tiến hành một cuộc "xét nghiệm" cái chất "Tây học" trong văn Đặng Thân mà xem, thể nào nó cũng cho kết quả dương tính. Song cái tinh hoa Đông Phương trong văn y cũng uyên áo và mạnh mẽ không kém. Là 1 chuyên gia Dịch học, hẳn y có ý đồ khi xắp xếp "mục lục" cho tập truyện này. Dịch bắt đầu từ Càn, Khôn, phải trải qua truân chuyên, mông muội, vừa bắt đầu có cái gọi là sự ăn uống (nhu) thì sinh ngay ra tranh tụng, rồi chém giết, so bì,v.v... mãi tới quẻ thứ 11 mới đặt chân được tới cõi Thái bình. Đọc tập sách này của Đặng Thân, thiết tưởng cần phải có chút kiên nhẫn. Phải tới truyện thứ 4 "Người anh hùng bất tử", có thể nói người đọc mới bắt đầu bị hút vào cái "mạch" văn của gã. Những (cái gọi là) "tình huống" truyện tương tự như trong câu chuyện này (người anh hùng tình nguyện lái ca nô đánh lạc hướng máy bay địch cho đoàn xe ta lao ra tiền tuyến) đã từng làm mưa làm gió, từng thi nhau ngự trị suốt hơn nửa thế kỉ trên văn đàn, báo đàn... chỉ nhằm một mục đích: không tuyên truyền thì cũng minh họa. Nay gã dám moi lên "nấu nướng" lại. Một cái "tứ" truyện chả ra gì ở phía "thực", gã cố ý làm thế, bởi cái "tứ" thực sự của câu chuyện "hùng vĩ" và ầm ĩ ấy nó lại nằm ở phía "hư" kia. Toàn thị do cái giọng bỡn cợt pha lẫn cà chớn (mà vẫn không kém phần hồn nhiên) của gã nó tạo ra cả. Đọc xong, lấy hai tay bịt mắt lại, mở mắt ra như chơi trò ú tim: sự "hùng vĩ", "bất tử" của người anh hùng té ra chỉ là cái phần... "đuôi con gấu" rất tầm thường và (hơi bị) thảm hại mà thôi.

 

Truyện tiếp theo "Người thầy của em" lại trở về 1 giọng văn kiểu "học trò", đẳng cấp cũng "học trò". Nhạt! đọc chỉ thấy sốt ruột mà rốt cục lại... chả thấy gì. Chỉ "gờn gợn" ở cái tên ông thầy. Té ra "thầy" của các "em" (nai tơ) lại là cái anh/[cái món(?)] “Dương Đại(!)" kia. Chà! Quả "cà" [chớn] này gây “bức xúc” khối người cho mà xem. May mà ở đây y sử dụng một lối "kết" cụt lủn.

 

Loại văn chương mà tư tưởng của nó không nằm ở phía “thực” của cốt truyện, lại nằm ở phía “hư” thì chả cứ gì văn Đặng Thân. Đông Tây kim cổ khối người đã thành công, đại thành công. Từ thời nhà Thanh bên Tàu, Phùng Mộng Long tiên sinh trong bộ “Đông Chu liệt quốc” bất hủ của mình từng “dựng” lên cả 1 triều đình nước Việt từ vua tới quan (chắc chắn phải gồm cả các hạng tôi tớ chuyên nghề a dua nịnh nọt trong khắp thiên hạ nữa), đều nhất tề mắc chứng… hôi mồm, tất cả đều cam tâm tình nguyện thở ra cùng 1 mùi hôi giống mùi cứt của Ngô Phù Sai mà Việt Vương đã phải thè lưỡi nếm từ… mấy năm về trước. “Tứ” mà đến mức như thế thì phải xếp vào hàng không tiền khoáng hậu bởi tính chất tượng trưng khủng khiếp, tầm vóc khái quát và sự tiên tri tuyệt vời của nó. Tình huống ấy, dù có là một bậc văn chương thần thông quảng đại đi nữa, thì cũng chỉ có thể sáng tạo ra trong những trạng thái thăng hoa tột đỉnh mà thôi. Đến Frank Kafka của đầu thế kỉ 20 thì thậm chí cả hệ thống những thần thoại Đông, Tây trước đó chẳng qua cũng chỉ là những “hư cấu”... vụng về. Tư tưởng trong văn ông không chỉ nằm ở phía “hư”, nhiều khi nó lại nằm hẳn về phía phi lý của cốt truyện. Điều kinh dị là cái “phi lý” của KafKa không phủ nhận hoặc sổ toẹt những cái gọi là “có lý” vẫn hằng tồn tại trong cõi đời này. Trái lại, nó trùm lên cái “có lý”, xem cái “có lý” như 1 trường hợp đặc biệt(!). Người khổng lồ này như vậy là đã bước 1 bước dài ra khỏi... nhân loại. Vì vậy, để thâm nhập vào “thế giới” của ông, không còn cách nào khác là phải vứt bỏ cho bằng hết cả hệ thống những quy luật vốn đang là cơ sở cho sự tồn tại của nền văn minh mà chúng ta đang ngụp lặn. Đơn giản bởi cái “hệ thống” đó từ lâu vốn đã trở nên quá chật hẹp và đầy rẫy... sai lầm. Nghĩa là, khái niệm “phi lý” của KafKa phải hiểu như một kiểu “phi Ơ Cơ Lít” trong Toán học. Thế còn nhân loại trong văn chương KafKa? Nó là thứ nhân loại gì vậy? Xin thưa đó là “phi nhân loại”, trong đó chữ “phi” cũng được hiểu với tinh thần tương tự. Đó tuyệt đối không phải là 1 “nhân loại” giả tưởng hay viễn tưởng gì đó vân vân. Đó chính là “nhân loại” THỰC, nhân loại hiện hữu sau khi đã gỡ bỏ (rất nhiều) những lớp vỏ giả tạo và phiến diện đi. Cái “nhân loại” mà J. Sartre vật vã đi tìm “bổn lai diện mục” ấy đã được KafKa dựng lên nhung nhúc trong các tác phẩm của ông. KafKa đích thị là 1 nhà văn Hiện thực, chính xác là “phi” Hiện thực (vẫn chữ “phi”...), chỉ có điều cái "thực" của ông là cái “thực” tối giản, tối giản đến mức... không phân biệt (vì thế nó mới đạt tới khả năng tổng quát tối đa). Đó mới là những cái thực thượng thừa. Và mặc dù không phải tình huống nào trong văn ông cũng đều “đắt” cả, thậm chí có không ít tình huống cũng thuộc loại “nhạt”. Song trước ông, có thể nhân loại mới chỉ biết đến (cùng lắm là) văn chương “3 chiều” mà thôi. Không ngờ lại có thứ văn “4 chiều”; văn “n chiều” như văn ông (cũng tương tự khái niệm không gian “3 chiều”; không gian “4 chiều”,v,v...). Đó chính là “văn chương cong”. Và bậc thiên tài ấy chính là một kiểu Lobaxepxki (với hình học phi Ơ Cơ Lít), hay một kiểu M. Planck (với cơ học lượng tử)... trong Văn học vậy.

 

Chưa cần đến những sự “cách tân” hình thức, chữ nghĩa... các kiểu đang “diễn đi” trên các con lộ và “diễn lại” rầm rĩ trong các con hẻm kia. Việc phá bỏ cái giới hạn “3 chiều” của văn chương tự nó đã tạo ra 1 khung trời sáng tạo mới có thể tiệm cận tới... vô cùng. Chẳng khác nào đang từ trong các ao hồ phóng thẳng ra biển cả. Điều này đúng với cả người viết lẫn người đọc. Có khi viết như 1 kẻ đứng ngoài cuộc và đọc như chính mình là... nhân vật chính. Thử xem Đặng Thân bay lượn ngôn từ thoả chí tang bồng trong các truyện: "Hiếp”; “Yêu”, và đặc biệt với thiên truyện ngắn đặc sắc có cái tên nửa nôm nửa... bồi là: “Ma net”. Phải ghi công đầu cho y là người đã thực sự sáng tạo ra những nhân vật "phi thực" (chứ không "phi thường", bởi nếu "phi thường" thì... quá thường). Nếu ai cũng đều tự cho mình có cái quyền được ghi công ghi cán loạn xà đơn xà kép như thế thì chẳng cần phải "cảnh giác" với những "nhân vật" của y làm gì dù chúng có "méo mó" đến đâu (mà toàn thị đều "méo mó" cả. Trong văn y, càng nhân vật chính càng "méo mó" tợn). Những nhân vật "phi thực" trong một thời đại rất thực, thực đến... hài hước; một cái "phụ lục" tưởng chừng chẳng ăn nhập gì [bậc đại sư đuổi theo hiếp 1 sơn nữ (tình huống cũng "phi thực") để... cứu rỗi 1 sinh linh (mục đích cũng "phi thực" nốt) - truyện "Hiếp"], chỉ riêng 1 truyện ngắn này thôi, chứng tỏ y dù vô tình hay hữu ý, cũng mặc nhiên là 1 môn đồ sáng giá của dòng văn chương > 3 chiều ("4 chiều"; "n chiều"...) như vừa nói ở trên rồi.

 

Có một thời người ta hô hào các nhà văn phải "bám sát hiện thực sinh động,v.v..." để viết, để sáng tác... Và vô khối những tác phẩm "sát thực" theo phong trào đó đã thi nhau ra đời. Những tác phẩm bao giờ cũng được xếp trang trọng trên chiếu nhất, được các nhà phê bình chính thống "chiếu rọi" vào đủ thứ lý thuyết để ca ngợi, được in nhiều vạn cuốn, được đọc trên các đài phát thanh, được đi thẳng vào văn học sử, được nhét vào những trang sách giáo khoa như những "đòn" văn hoá đánh phủ đầu cho học trò ngay từ những thuở vỡ lòng... Chẳng biết chúng "sát thực" như thế nào. Chỉ biết rằng những "văn chương" kiểu ấy đã góp một phần quan trọng trong "sự nghiệp"... giết chết tươi cái thực. Bây giờ nếu ai đó có đủ kiên nhẫn mà cố nghiến răng đọc lại, sẽ thấy đằng sau cái gọi là "hiện thực..." đó là cả 1 sự dối trá khủng khiếp.

 

Nghĩa là "sát thực" nếu không phải là giết chết cái thực thì cũng là... bò sát cái thực. Đó là phương pháp của... 1 con rùa. Ôi cái "thực" mênh mông vô cùng vô tận,  đời 1 con rùa bò đáng kể vào đâu. Huống chi một tí ti sự thật không bao giờ là sự thật. Vậy nên mới phải "phi thực". Đó là phương pháp của... đại bàng. Bay lượn trên cái "thực", vượt ra khỏi cái "thực" (may ra) mới có thể nhìn rõ toàn bộ hình hài của nó. Nói cách khác, phải ra khỏi cái "chuồng người" (ngôn theo kiểu Nietzsche) mới nhìn rõ con người.

Chỉ là một chuỗi "tự sự" trần trụi của 1 nhân vật, đúng hơn là 1 "phi nhân vật". Cũng chẳng cần quan tâm đến cốt truyện có hay không có, "Yêu" là 1 truyện mà lối viết "phi thực" ở Đặng Thân đã đạt tới độ "nhuyễn". Có thể nói đây là 1 "khúc dạo đầu" trước khi y đặt bút viết "ma net", và cũng là màn dạo đầu cho người đọc trước khi bước vào "ma net". Chất văn chương mát mẻ, hồn nhiên trong những đoạn "chít chát" như 1 luồng gió tươi thổi từ trang giấy suốt qua hồn vía người đọc, thổi tới tận... văn đàn. Một cảm giác khoan khoái như vừa được phép cởi bỏ chiếc áo lễ phép buộc phải khoác bấy lâu, nay đã trở nên khô cứng gây bức bối, khó chịu. Những cú "Phựt! Xoẹt..." (mất điện) rồi "Phừng! có điện rồi" chen vào giữa cuộc chít chát thật là lý thú, tài tình. Con "Yêu" [tinh] này thế mà ghê! Quá ghê! Đến nỗi không thể không trích 1 đoạn "tự sự" (rất tươi) ấy của nó ra đây:

 

"Phựt! Xoẹt!...

Mất điện. Thế có điên không. Chắc là nhà ngươi đã bắt đầu thấy đau thương rồi đấy chứ. Ôi thương thay những tâm hồn nhạy cảm như một vết thương!... Rõ là ẩm ương. Đồ chó! Chắc là ngửi thấy mùi cứt rồi phải không con. Hóa ra cái thứ tiếng Anh củ chuối của tao cũng hiệu quả ra vấn đề đấy chứ. Một khi mày đã vào tròng thì coi xong bước một. Ôi gian nan thay cái con đường đi tìm cái “cụ chột” [cột trụ] của đời em. Bước thứ hai, hoặc là phải tìm cách “dủ dê” thằng chó sang đây, hoặc là, có khi phải bay sang với nó. Xem gia cảnh nó thế nào. Cái bọn chưa một lần sang Việt Nam chắc là vẫn còn ngô nghê lắm, chưa biết cái “phương Đông huyền bí” nó thế nào, thế nào là “Truly Asia”[1]. Chưa biết thế nào là 36 binh pháp Tôn Tử. Chưa biết thế nào là… Tao sẽ ăn thịt mày.

Phừng! Có điện rồi. Bob ơi, anh có còn đó không..."

 

Trường đoạn "tư duy" rất đời của cô nàng kết thúc bằng 5 từ: "Tao sẽ ăn thịt mày." thật đột ngột, gây cảm giác thú vị bởi sự hồn nhiên, rất hồn nhiên bất chấp ngữ nghĩa đầy âm mưu của 5 từ đó. Nhân vật của “Yêu” rõ ràng thuộc loại... yêu tinh của thời đại, lại mang “tiêu chuẩn” “ISO-4001 truyền thống của Đại Việt” xem ra cũng dễ thương đấy chứ? Mặc kệ sự nhăn mặt khó chịu của các nhà đạo đức, “hiện thực” ấy vẫn sống động, cực kì hồn nhiên, vẫn có mặt ở mọi lúc, mọi nơi, trong mỗi kiếp người. Cái giống “Yêu” ấy nó “phủ sóng” rộng đến nỗi ta cảm thấy hơi thở của nó đang hổn hển bên tai ta, dáng điệu của nó đang hối hả, khẩn trương trước mắt ta, mũi ta đang ngửi thấy cái mùi gây gây mê hồn của nó... Một thứ văn chương “tươi” đến như thế, thoắt “tiên”, thoắt “tục” đến như thế, tất cả chỉ do ngôn từ và giọng điệu của y tạo ra cả. Và đó chính là 1 “phi nhân vật” của thời đại. Thì đã sao?

 

Chí Phèo của thiên tài Nam Cao cũng là 1 "phi nhân vật", 1 nhân vật tối giản. Gã chỉ có 1 "phép" duy nhất, đó là chửi cả "làng". Các "phép" khác như dọa đốt nhà, rạch mặt ăn vạ... chỉ là những "viên phụ tá" đắc lực cho cái "phép" duy nhất kia mà thôi. Chính vì sự tối giản ấy mà nhân vật Chí có tính tổng quát rất cao. “Chí” sẵn sàng “hiện ra” ở mọi nơi, mọi lúc, cả không gian lẫn thời gian. Cái "phép" chửi cả "làng" bất hủ kia của Chí có thể tìm thấy ở tầng lớp bần cùng nhất, "cùn" nhất trong xã hội (tạm gọi là "Chí" hạ đẳng - điều này thì rõ rồi), lại cũng có thể tìm thấy ở tầng lớp cao nhất (tạm gọi là "Chí" thượng thừa) trong xã hội. Bạn cứ thử nghĩ xem, khi một nhà lãnh đạo nào đó đưa ra 1 chính sách đi ngược lại quyền lợi của dân chúng, bất chấp nguyện vọng của dân chúng thì đó có phải là 1 sự chửi vào mặt... cả "làng" không? Nghĩ tới Chí, người ta cứ hay liên tưởng đến nhân vật AQ của Lỗ Tấn. Theo tôi, Chí không giống AQ, mà giống chính... Lỗ Tấn hơn. Đặc biệt là cái phép mắng cả "làng" thì Lỗ Tấn tiên sinh mới chính là "nguyên mẫu" để Nam Cao sáng tạo ra hình tượng Chí Phèo.

Và Nam Cao đã không cần phải "lặp lại" Chí trong bất cứ tác phẩm nào tiếp theo của ông bởi Chí vốn đã mang trong mình năng lực tự "lặp lại", tự "sinh sôi nảy nở" trong cuộc đời kể từ khi "ra đời" rồi. Không lặp lại nhân vật bởi Nam Cao khác A. Dumas. Tác gia này lớn đến nỗi mỗi bộ sách của ông đều có thể làm vẻ vang cho bất kì nền văn học nào. Thế nhưng đối với ông, ta chỉ nên đọc... 1 bộ là đủ. Đọc bộ thứ 2 ắt sẽ cảm thấy... thừa. Nhân vật của A. Dumas khác nào những diễn viên điện ảnh, nay đóng vai này, mai đóng vai khác. Chẳng hạn trong "Ba người lính ngự lâm", anh ta mang tên d'Artagnan; đến "Hoàng hậu Margo", anh ta lại mang tên La Môlơ. Cũng là chàng quý tộc nhà quê lần đầu tiên ra tỉnh, với 1 bức thư (hoặc khoản nợ phải đòi) của ông bố, cũng đánh nhau chí mạng với 1 (hoặc vài) anh quý tộc khác rồi kết bạn sống chết,v.v... Đó là sự lặp lại nhân vật. Và đó cũng là một trong những bi kịch của văn chương 3 chiều. Nó không tha bất kì ai, dù đó là 1 bộ óc cỡ A. Dumas. Văn chương > 3 chiều với khả năng mở rộng tới tiệm cận với cái vô cùng của nó chắc sẽ dễ dàng tránh được cái bi kịch đó.

 

Đến truyện ngắn "ma net" thì tính chất cực kì phóng khoáng của lối viết phi thực đã thăng hoa thành một luồng gió tươi mát tràn ngập cả cõi "thực" lẫn cõi "hư", xoá nhoà ranh giới giữa "hư" và "thực". “Ma net” (và cả “ma nhoà” nữa – một thứ tập 2 của “ma net”) hoà tan cả thế giới “ảo” vào thế giới “thực”, thuộc loại đề tài không cần phải nghiêm túc (thì đã bảo là “ảo” mà lị). Và Đặng Thân đã đặc biệt thành công. Xin chúc mừng đồng thời cũng xin mở ngoặc với bạn đọc rằng cho đến nay, Đặng Thân chỉ thành công với những đề tài không cần phải nghiêm túc cho lắm – đây là sở trường của y. Còn nếu động đến đề tài cần có sự nghiêm túc thì y viết... dở ẹc (bằng chứng là một truyện ngắn khác trong tập, truyện “Đêm trắng của Nam Việt Vương” - một truyện viết về nhân vật lịch sử).

 

Mở đầu “ma net”, những đoạn trích dẫn tưởng chừng rất tình cờ, một chi tiết rất đắt (hài cốt liệt sĩ sau bao nhiêu năm, nay đã dâng lên... đến giời), những tưởng đó sẽ là cái "tứ" chủ đạo của câu chuyện mà y sẽ dụng tâm khai thác té ra không phải. Đó vẫn chỉ là... giọng điệu của y đấy mà thôi. Ấy gọi là lối vừa "giương đông kích tây", vừa "tiền hô hậu ủng". Chỉ cần giọng văn thôi, đã hình thành "tứ" truyện, nói cách khác, "tứ" nằm ở giọng văn thì đó chính là 1 đặc sắc ma quỷ kiểu Đặng Thân. Lại xin dẫn 1 đoạn tâm sự cũng rất "tươi" của "ma net":

 

“Anh ơi, anh có bít anh đang ở đâu không? Anh đang ở cõi mà loài ngừi các anh gọi là chít lâm sàng hay cận tử gì đấy đấy. Hìhì, anh vừa bị thượng mã phong đấy. Nhưng anh chưa đến ngày tận số đâu, vì em đâu phải là Thị Lộ. Em là Lý Thị Kín. Anh có bít vì seo em lại gặp anh không? Vì em muốn cứu anh đó. Nói chính xác là vì em nợ anh. Kiếp trước khi còn ở Trường Sơn trong khi em băng bó cho anh thì anh cứ sờ soạng em mờ. Nói thật lúc đầu em rất ghét và thấy kinh tởm cái trò ấy vì đó cũng là cái ngày đầu tiên em phục vụ chiến trường. Sau những năm tháng lớn lên ở quê không có một bóng trai trẻ nên vào đấy em phát ngốt vì gặp toàn đàn ông con trai. Sau đó em thấy khác. Em thấy rạo rực. Chính anh đã thức tỉnh ngừi đàn bà trong em. Anh làm em nhìn cuộc đời khác đi. Anh đã đem đến cho em cảm giác hồi hộp khao khát thèm muốn… Có những khi chăm sóc cho các thương binh đang mê man em cứ thẫn thờ ngồi cầm chim họ, thở dài. Mờ lạ thật, ngừi thì cứ mê man không bít gì mà vuốt chim đến đâu nó cứ vươn mình dựng dậy đến đấy. Thương lắm, có anh tắt thở rùi mà cái chim vẫn phừng phừng lên. Có những anh vừa chít xong mờ không hiểu sao tinh trùng cứ phun ra như quân Nguyên. Các cụ bảo đó là những anh còn ‘nguyên dương’, chưa bít đàn bà là gì nên trời vuốt chim cho sướng một lần trước khi người vuốt mắt. Khổ. Chỉ có anh lưu manh hơn họ đâm ra lại hóa hay cho em, anh đã gợi mở được em. Nhưng mờ rùi phận em cũng bạc… chưa bít mùi đời đã tan tác hồng nhan…”

 

Không dám bàn đến tính chất "tuyến tính" hay "phi tuyến" của bộ đôi thiên truyện này vì đã có 1 bậc đại sư phán quyết trong tập sách rồi. Ở đây lại gặp những trường đoạn "chít chát" rất thú vị khác. Đặng Thân cũng không ngần ngại tận dụng cả những tính năng thay thế kí tự trong AutoCorrect của máy tính để mở rộng ngôn ngữ của mình... Có thể quả quyết rằng nếu y không có lối viết rất phóng khoáng đó, vừa bay lượn trên cái "thực" (phi thực), vừa rất "tươi" (dù có lúc y dựng cả quá khứ dậy), thì câu chuyện của y rất dễ sa vào 1 kiểu "Liêu Trai" hay 1 cái gì đó tương tự. Có vô số đất hoang, tội gì cày vào đất cũ. Cứ mình ta 1 mảnh đất mà cày. Cái ấy gọi là “độc địa”. Văn của y tính “độc địa” hiện lên rất rõ. Câu chuyện về những sự dan díu giữa cõi Thực và cõi Ảo trong 1 cõi Ảo khác quay cuồng như cơn lốc, dào dạt như sóng biển, tươi mát đến rợn người. Kể ra y cứ để con "ma net" ấy nó bay lượn, dan díu hàng nghìn năm, với hàng nghìn đời hậu thế chắc cũng chẳng mảy may vơi bớt cái tiếc nuối đầu đời của nó đi tí nào. Biết đâu đấy, chỉ là vì y không muốn kể tiếp nữa, y ngoắt sang báng bổ nhà chùa? Không phải. Con "ma" kia rốt cuộc đã tìm tới cái chốn "thanh tịnh" đó. Để làm gì? Để "cứu rỗi" chúng...       s[inh]ư? Riêng đoạn này đã là 1 truyện ngắn cũng phải xếp vào hàng... “độc địa" rồi. Y có "báng bổ" hay không? Phán xét đó dành cho người đọc mà theo tôi, đó chính là... chiều thứ 4 của thiên truyện này cũng như một số truyện ngắn khác trong tập.

 

Riêng tôi, tôi không coi đó là sự báng bổ. Đó là những khoảnh khắc “phi thực” của văn chương Đặng Thân. Vậy y là “đại bàng” chăng?

 

11.2008

[1] Đích thực Á châu (khẩu hiệu thương mại của Hãng hàng không Malaysia).

Phạm Lưu Vũ
Số lần đọc: 3471
Ngày đăng: 02.12.2008
[ Trở lại ] [ Tiếp ]
In tác phẩm Góp ý Gửi cho bạn
Cùng thể loại
Đọc hai góc nhìn tiểu thuyết Sóng chìm của Đình Kính. - Trần Vạn Giã
Đọc Sóng Chìm của Đình Kính ,Nhà xuất bản Hội Nhà Văn -2007 - Hào Vũ
Chủ nghĩa hình thức hạ thấp giá trị tác phẩm ! - Trần Nguyễn Hoàng Ninh
Chuyện chiếc lá (*) - Ý Nhi
Đôi nét về Nguyễn Khải qua Thượng đế thì cười. - Đông La
Chuyện vãn với mất hay còn…và, Chuyện vãn với…chuyện vãn - Nguyễn Lương Vỵ
Chat room - thêm một đóng góp mới cho dòng văn học Việt - Nguyễn Khắc Phê
Dòng sông độ lượng –tiếng lòng người miền đông - Sương Nguyệt Minh
Những nhận định về sự nghiệp thơ văn của Miên Thẩm Tùng Thiện Vương - Lê Ngọc Trác
Lời tự tình từ nơi chốn Không Là Gió Mây - Trần Quốc
Cùng một tác giả
Tai ngược (truyện ngắn)
Tảng thịt tế (truyện ngắn)
Nhà hiền triết (truyện ngắn)
Chính danh (truyện ngắn)
Chuyện làng Kinh (truyện ngắn)
Sự tích núi mồ côi (truyện ngắn)
Ngón tay phật tổ (truyện ngắn)
Xuất xứ (truyện ngắn)
Chuyện vịt (truyện ngắn)
Kẻ vô thừa nhận (truyện ngắn)
Bài ca cuộc sống (truyện ngắn)
Hai anh em (truyện ngắn)
Linh vật (truyện ngắn)
Áo gấm đi đêm (truyện ngắn)
Tửu địa (truyện ngắn)
Vai diễn cuối cùng (truyện ngắn)
Thạch ngôn (tạp văn)
Liệt nữ (truyện ngắn)
Tần Doanh Chính (truyện ngắn)
Đám mổ bò (truyện ngắn)
Cái Kết Có Hậu (truyện ngắn)