Ủng hộ VCV
Số tác phẩm
28.861 tác phẩm
2.760 tác giả
1.209
123.205.802
 
Đông Nam Á trong tiến trình văn minh nhân loại
Hà văn Thùy

(Nhân trao đổi với ông Đỗ Kiên Cường)

 

Trong bài “OPPENHEIMER VÀ CHU THỰC SỰ NÓI GÌ?” đăng trên tạp chí Tia sáng số ra ngày 17.11.2008, tác giả Đỗ Kiên Cường viết:

 

“Có thể tóm lược các quan điểm cơ bản của Oppenheimer trong Địa Đàng ở phương Đông như sau: 1) Đông Nam Á là cái nôi đầu tiên của nông nghiệp, xét trên phạm vi toàn cầu, chứ không phải vùng Lưỡi liềm Phì nhiêu; và chính người Đông Nam Á đã truyền kĩ thuật trồng lúa nước cho người Hán, chứ không phải ngược lại; 2) Đông Nam Á là cội nguồn của nhiều yếu tố trong các nền văn minh phương Tây. Ngoài ra là quan điểm ít quan trọng hơn: Người Đông Nam Á, chứ không phải người Trung Quốc, đã thiên di tới vùng Đa Đảo (Polynesia) phía Nam Thái Bình Dương…”

 

Sau những dòng phân tích, ông kết luận:

 

“Có thể nói một cách tổng quát rằng, giả thuyết phụ của Oppenheimer (người Đông Nam Á tràn xuống vùng Đa Đảo) có thể là sự thật. Tuy nhiên cũng không nên bác bỏ vai trò của người Trung Quốc, khi Đài Loan được xem là nơi phát tích của ngữ hệ Nam Đảo, là ngữ hệ của vùng Polynesia. Và trong hai quan niệm căn bản thì một cần xem xét lại (Đông Nam Á là nơi phát triển nông nghiệp đầu tiên), còn một sai hoàn toàn (Đông Nam Á là nguồn gốc văn minh nhân loại) (HVT nhấn mạnh).”

 

Nói như trên, chứng tỏ ông Đỗ Kiên Cường thiếu hụt kiến thức rất cơ bản về văn hóa học: nơi phát triển nông nghiệp đầu tiên là gì nếu không phải là cội nguồn văn minh nhân loại? Chính vì thế, nhận định của ông Cường trở nên vô nghĩa!

Vì ông Cường không biết nghe nên không còn gì để nói. Ở đây tôi xin trình bày lại với bạn đọc những điều bị ông Cường hiểu sai và làm rối.

 

1. Đông Nam Á là cái nôi nông nghiệp đầu tiên và cũng là cội nguồn văn minh nhân loại.

Thế kỷ XIX, từ vùng đất nghèo di chỉ của mình, các nhà khảo cổ châu Âu sững sờ khi phát hiện ra nền văn minh Ai Cập, Lưỡng Hà. Những dấu vết hạt lúa 7000 tuổi được tìm thấy ở Mesopotamia tỏa ra ánh sáng rực rỡ. Từ đấy, vùng Lưỡi liềm Phì nhiêu được cho là trung tâm nông nghiệp đầu tiên của nhân loại. Quan niệm đó trở thành kinh điển.

Nhưng tới nay, khoa học tiến những bước dài, khiến những hiểu biết như vậy thành lỗi thời.

 

Xin đọc:

“Nguồn gốc lúa gạo trồng trọt ở Trung Quốc xuất hiện khoảng 10, 000 BC, phù hợp với khảo cổ học tiền sử và kết quả phân tích những vết tích thực vật học cổ Trung Hoa. Hai địa điểm là Hang Xianren trong vùng Vân Nam, tỉnh Giang Tây, và Dốc Đứng Yuchan trong vùng Dao, tỉnh Hồ Nam thuộc đồng bằng sông Dương Tử, nằm trong khu vực cận nhiệt đới nam Trung Hoa”

 

Và:

 

“Những vết tích văn hóa chính là Văn hóa Pengtoushan, Văn hóa kiểu Jiahu tại văn hóa Peiligang, và địa điểm Shangshan trong vùng Pujiang thuộc thung lũng sông Qian- tang.

 

Những địa điểm Văn hóa Pengtoushan nằm tại đồng bằng xung quanh hồ Động Đình và khu vực dọc theo sông Dương Tử phía tây tỉnh Hồ Bắc. Tuổi của những di chỉ này khoảng 6500-5500 BC. Nhiều vết tích lúa trồng trọt được tìm thấy trong lòng đất cung cấp bằng chứng về sự phát triển của nghề trồng lúa.

 

Những di chỉ kiểu Jiahu (Giả Hồ) của văn hóa Peiligang thì phân tán ở trung tâm và phía đông đồng bằng tỉnh Hà Nam, được định tuổi khoảng 6800-5500 BC. Nhiều vết tích lúa trồng  được tìm thấy tại Jiahu thuộc vùng Wuyang. Những công cụ được khai quật chủ yếu là sa thạch, phần lớn trong số đó được chế tác bởi phương pháp mài nhẵn. Trong những công cụ đó có thể nhận ra cái mai đá, cái liềm, con dao, cối xay đá, cái gậy đá cối xay, cái mai xương ... Dấu hiệu quan trọng nói lên sự phát triển của nông nghiệp sơ cấp là sự xuất hiện những công cụ đá mài.” (2)

 

Như vậy là đã rõ: vết tích sớm nhất của lúa trồng ở Trung Hoa có tuổi 12.000 năm, giai đoạn muộn hơn, có tuổi gần 9000 năm, có nghĩa sớm hơn Lưỡng Hà ít nhất là 5000 năm.

Nơi nào sớm hơn khỏi cần bình luận!

 

Từ khẳng định trung tâm nông nghiệp đầu tiên là Đông Á, ta có thể đẩy lên mức cụ thể hơn: nam Trung Hoa hay miền bắc Việt Nam?

 

Nhiều bằng chứng cho thấy, đó là Việt Nam:

 

1. a. Các nghiên cứu di truyền (Y. Chu, S. Oppenheimer) chỉ ra, người từ Việt Nam đi lên Trung Hoa khoảng 40.000 năm trước. Phù hợp với dữ liệu di truyền, khảo sát thực địa cho thấy những di chỉ trồng lúa kể trên đều ở Nam Trung Hoa, địa bàn sinh sống lâu đời của người Việt cổ. Như vậy, người Việt cổ là chủ nhân của những di chỉ này. Ta lại biết, người Việt cổ mang văn hóa Hòa Bình lên phía Bắc Trung Hoa và tạo dựng văn hóa Ngưỡng Thiều (3). Công cụ đá mài kiểu Hòa Bình - được coi là chỉ dấu quan trọng của văn minh nông nghiệp - cũng có mặt tại những di chỉ trên. Ta cũng biết, ngay từ giữa thế kỷ XIX, trong cuốn Nguồn gốc các loài, Darwin đã viết: “Tổ tiên tất cả các loài gà trên thế giới hiện nay đều từ con gà rừng duy nhất được thuần hóa tại Đông Nam Á.” Giống như gà, loài chó cũng được người Đông Nam Á thuần dưỡng đầu tiên. Lợn cũng vậy. Từ những bằng chứng đó, ta có thể suy ra một cách khả tín: Hòa Bình Việt Nam là trung tâm nông nghiệp đầu tiên.

 

2. b. Giới khoa học hiện nay cho rằng, trồng kê là văn hóa bản địa của dân cư vùng hoàng thổ Hoàng Hà. Nhưng từ khảo cứu của mình, tôi phát hiện, cây kê cũng được trồng đầu tiên tại Đông Nam Á, với chứng cứ như sau:

- Hiện nay kê được trồng phổ biến khắp Đông Nam Á trong vai trò lương thực phụ.

- Trong tiến trình nông nghiệp Trung Hoa, cây kê luôn theo sát cây lúa từ sông Dương Tử tới Hoàng Hà. Có nghĩa là, trong vùng trồng lúa, kê tồn tại như lương thực bổ trợ.

- Huyền thoại “Ngôi sao bầu trời bú sữa con heo”(4) của dân bản địa Đài Loan và của người Ba Na Tây Nguyên nói rằng: “Trong cơn hồng thủy, một con heo đực đã phá tung  đoạn đập chắn, cho nước rút đi, cứu được loài người. Nước rút, nhờ có cây kê cuối cùng mà loài người được cúu sống.”

 

Từ những chứng cứ trên, có thể đưa ra giả thuyết: Khoảng 20.000 năm trước, băng hà bao trùm Trái đất. Mực nước biển thấp hơn hôm nay khoảng 100 mét. Đông Nam Á có khí hậu khô hạn. Do đặc tính thực vật học của nó nên cây kê được thuần dưỡng đầu tiên và là lương thực chính của cư dân Đông Nam Á. Khoảng 15.000 năm trước, băng tuyết tan, nước biển dâng, mưa nhiều hơn. Khí hậu Đông Nam Á trở nên ẩm. Lúc này cây lúa nước được phát minh và thay thế cây kê, trở thành lương thực chính. Những người Hòa Bình đi lên phía bắc mang theo cây kê rồi lúa nước tới lưu vực sông Dương Tử, Hoàng Hà. Ở nam Hoàng Hà, trên vĩ độ 35, cây lúa nước không thích nghi nổi nên cây kê giữ vai trò cây lương thực chính yếu. Văn hóa trồng kê Bonfo (Bán Pha) hình thành.

 

Những phân tích trên cho thấy Đông Nam Á là cái nôi của nông nghiệp thế giới.

 

Ở trên là cách tiếp cận trực tiếp. Còn cách tiếp cận khác cũng cho thấy Đông Nam Á là cội nguồn văn minh nhân loại.

 

Muốn biết đâu là nguồn cội của văn minh nhân loại, điều mấu chốt là phải biết dân cư vùng đó được hình thành ra sao?

Nhờ công nghệ gene, ta biết rằng, 85.000 năm trước, Homo sapiens từ châu Phi di cư tới bán đảo A Rập. Một bộ phận đi tiếp tới Đông Nam Á. Tới Việt Nam khoảng 70.000 năm trước, hai đại chủng Australoid và Mongoloid hòa huyết cho ra 4 chủng Việt cổ Indonesian, Melanesian, Vedoid và Negritoid (Nguyễn Đình Khoa, 1983). Khoảng 40.000 năm trước, do trời bớt lạnh, người Việt cổ đi lên Trung Quốc, qua cao nguyên Tây Tạng sang Trung Á rồi vào châu Âu.

 

Trong khi đó, những người nằm lại đất A Rập chủ yếu thuộc đại chủng da trắng Europid. Bị kẹt bởi Hồng Hải phía nam và bức thành băng hà phía bắc, họ sống khó khăn trên dải đất hẹp. Nhân số tăng chậm và văn hóa cũng chậm theo.

 

Khoảng 52.000 năm trước, do trời bớt lạnh, người từ đây lên Trung Đông và 40.000 năm trước, băng qua eo Bosporus vào châu Âu. Tại đây, họ gặp số lượng lớn người Australoid từ châu Á sang và hòa huyết thành tổ tiên người châu Âu Europians. Cũng nơi này, họ gặp người Neanderthals bản địa.

 

Khoảng 35.000 năm trước, một đợt lạnh dữ dội xảy ra, đẩy người Europians vào tình trạng khó khăn nhưng lại dẫn người Neanderthals đến tuyệt diệt cách nay 24.000 năm.

Chỉ khoảng 10.000 năm trước, thời Băng hà cuối cùng chấm dứt, người Europians mới từ giã săn hái để chuyển sang phương thức sống du mục.

 

Khoảng 8000 năm trước, khí hậu vùng Trung Đông trở nên thuận lợi, việc trồng trọt manh nha xuất hiện.

 

Khoảng 7500 năm trước, Đại hồng thủy xảy ra. Những “nhà thông thái phương Đông” tới trên những chiếc thuyền Noah, cung cấp tư tưởng nông nghiệp cùng giống cây và gia súc cho khu vực. 7000 năm trước, Mesopotamia thành trung tâm nông nghiệp của vùng Tây Á, sau Đông Nam Á ít nhất 5000 năm.

 

Ông Đỗ Kiên Cường viết:

“Trước năm 2000, tuy đã có thông tin ban đầu về con đường phía Bắc, nhưng giới khoa học cho rằng, khoảng 60.000 năm trước, người hiện đại từ châu Phi tới Ấn Độ và Đông Nam Á theo con đường phía Nam, men theo bờ Ấn Độ Dương (làn sóng rời khỏi châu Phi lần thứ nhất). Và từ vùng Sunda, họ đi tiếp tới Úc, lên Đông và Đông Bắc Á, tới Siberia rồi sang Bắc Mỹ… Ngày nay ta biết rằng, con đường phía Bắc, từ châu Phi sang Trung Đông rồi lên Trung Á (khoảng vùng Bắc Afghanistan và lân cận) mới là đường thiên di chủ yếu. Đây là làn sóng rời khỏi châu Phi lần thứ hai. Hơn 90% số nam giới ngoài châu Phi hiện nay là hậu duệ của những người từng thám hiểm con đường này khoảng 40.000 năm trước… Con đường phía Nam chỉ góp một phần nhỏ vào nguồn gene người Trung Quốc hiện nay mà thôi.”

 

Một sự lầm lẫn lớn.

Có hai lần con người rời khỏi châu Phi. Đợt đầu khoảng 135.000 năm trước nhưng tới 90.000 năm cách nay bị tuyệt diệt vì lạnh trên đất Israel.

Đợt thứ hai ra đi 85.000 năm trước nhưng do đợt đầu không có kết quả nên  S. Oppenheimer gọi là làn sóng rời khỏi châu Phi lần thứ nhất; S. wells gọi là làn sóng di cư thứ hai khiến một số người (trong đó có người viết bài này lúc đầu) lầm tưởng rằng, “đợt hai” này là đợt di cư từ châu Phi vào Trung Đông. Sự thực không phải vậy, chỉ duy nhất 1 lần rời châu Phi thành công. Những người vào Trung Đông chỉ là những người “ém lại” từ cuộc di cư đó, khi thời tiết khá hơn thì vào Trung Đông.

 

Khoảng 15.000 năm trước, người từ châu Âu qua Trung Á, trở lại cao nguyên Tây Tạng. Nhưng lúc này Trung Quốc đã khá đông dân nông nghiệp, văn minh hơn và quyết tử bảo vệ đất đai nên những nhóm rời rạc người châu Âu không thể thâm nhập Trung Nguyên mà chỉ đi theo hành lang phía bắc để tới Đông Bắc Á rồi sang châu Mỹ, tạo ra những nhóm thiểu số Altaic, Tungusic, Ainu… Một nhánh khác theo hướng Tây Nam, tạo ra một vài sắc dân thiểu số ở vùng rìa Trung Quốc. Những người mang gene Europians này không có vai trò gì trong mã di truyền người Trung Hoa hiện đại.

 

Nói: “Con đường phía Nam chỉ góp một phần nhỏ vào nguồn gene người Trung Quốc hiện nay mà thôi” là không đúng thực tế. Một tỷ ba trăm triệu người Trung Hoa hiện nay thuộc chủng Mongoloid phương Nam, là hậu duệ của tổ tiên di cư theo con đường phía Nam. Ông Cường lầm lẫn khi xử lý tư liệu. Đúng là hơn 90% dân cư thế giới ngoài châu Phi là hậu duệ của làn sóng di cư thứ hai  như  S. Wells nói. Nhưng cái “đợt thứ 2” này cũng chỉ là đợt diễn ra 85.000 năm trước!

Ông Cường không biết rằng, con số gần 10% người ngoài châu Phi còn lại kia là con cháu những người Phi bị đưa sang Âu - Mỹ trong 250 năm buôn bán nô lệ!

 

Ông Cường còn viết: “… khi Nam tiến, người Hán phương Bắc không mang theo phụ nữ; và khi chiếm đất của người phương Nam, họ giết hết đàn ông, đồng thời chiếm đoạt phụ nữ.”

Đúng vậy không? Xin ông chỉ ra, trong sử biên niên Á Đông dòng nào nói rằng “khi xuống phương Nam, người Hán giết hết đản ông, chiếm đoạt phụ nữ”? Ngay ở Việt Nam, với ý đồ đồng hóa  triệt để, các triều Hán, Đường, Minh không hề có chuyện giết đàn ông! Mã Viện để lại những người Mã Lưu nhưng chính những người này dược Việt hóa, trở thành dân Việt. Không giết đàn ông vì không thể giết hết, hơn nữa không cần làm việc này, vì thời đó Việt với Hán cùng một chủng Mongoloid phương Nam! Bowen và đồng nghiệp nói về 3 đợt di dân nam tiến của người Hán: Đợt 1 thời Tây Tấn với khoảng 900.000 người. Đợt 2 vào thời Đường với số lượng lớn hơn. Đợt 3 thời Nam Tống với khoảng 5 triệu người (5). Trong hàng triệu người di cư ấy không có phụ nữ sao? Vì lẽ gì ông Cường bịa đặt, xuyên tạc lịch sử trắng trợn vậy?

 

Nhân đây cũng xin nói lại về một sự kiện mà nhiều học giả lầm lẫn:

Một thời gian dài, giới khoa học cho rằng tổ tiên người châu Á là từ châu Âu sang. Điều này có thể hiểu được vì thời gian người châu Á sang châu Âu 40.000 năm trước quá xa, hầu như không còn vết tích. Giai đoạn người từ châu Âu trở lại châu Á diễn ra khoảng 15.000 năm trước nên dấu vết còn tìm được. Chính những vết tích này dẫn đến nhiều giả thuyết như của E. Aymonier về tổ tiên người Cambodge … Ngày nay, nhờ công nghệ gene, sự thật mới được phơi bầy. Tuy vậy, không ít người do tham khảo chưa đủ tài liệu nên vẫn giữ quan niệm cũ.

 

Một lầm lẫn khác cũng từ đây mà ra, được thể hiện trong giả thuyết Chuyến tàu nhanh của Peter Bellwood, cho rằng “Đài Loan được xem là nơi phát tích của ngữ hệ Nam Đảo, là ngữ hệ của vùng Polynesia.” Giả thuyết này dựa vào nhiều bằng chứng khảo cổ, ngôn ngữ và gene xác nhận có việc di cư của người bản địa Đài Loan ra các đảo nam Thái Bình Dương. Sự thể phức tạp hơn: Cuộc di cư này diễn ra khoảng 2600 BC, khi quân Mông Cổ xâm lăng buộc người Bách Việt di tản mà Đài Loan là dịa điểm tập kết đã để lại nhiều vết tích. Nhưng cuộc di cư từ Việt Nam ra các đảo Đông Nam Á 50.000 năm trước hay lên phía bắc 40.000 năm trước hầu như không còn dấu vết nên không được biết đến cho tới khi công nghệ di truyền phát hiện. Ngay cả “người Trung Quốc” mà ông Cường nhắc tới ở đây cũng là người Việt cổ!

 

3. Tự hào hay không đáng tự hào?

 

Ông Đỗ Kiên Cường viết:

“Khi tới Trung Quốc lần đầu tiên khoảng 30.000 năm trước, theo hành trình Đông Phi → Trung Đông → Trung Á → Nam Trung Quốc (đồng thời có thể cũng tới Đông Nam Á), Homo sapiens chỉ là Homo sapiens nguyên thủy mà thôi, tức có nước da đen, tóc quăn hay lượn sóng, người thon, răng to, giống người châu Phi bản địa. Các đại chủng như ta hiểu ngày nay chỉ xuất hiện hoàn chỉnh khoảng 10.000 năm trước. Còn các dân tộc chỉ xuất hiện sau đó khoảng 3.000 - 5.000 năm (có thể còn muộn hơn), khi các Nhà nước và quốc gia sơ khai xuất hiện. Chẳng hạn người Hán, một trong những tộc người xuất hiện sớm nhất, cũng chỉ ra đời khoảng 4600 năm trước từ các nhóm người Hoa Hạ sống tại lưu vực Hoàng Hà, phía bắc Trung Quốc ngày nay. Cho dù có Bắc tiến thì đó cũng chỉ là những cuộc Bắc tiến của người da đen từ 30.000 năm trước. Sống tại xứ lạnh mấy chục ngàn năm, họ dần tiến hóa thành người da vàng (đại chủng Á). Và tới Thời đá mới thì họ liên tục di cư xuống phương Nam. Do các cuộc Nam tiến này mà ngày nay tại Đông Nam Á, người da vàng đến sau chiếm đa số so với người da đen bản địa thuộc đại chủng Phương Nam. Có gì đáng tự hào về những cuộc Bắc tiến từ mấy chục ngàn năm trước, nếu có?”

 

Quả tình không thể hiểu nổi sao lại có sự bất cẩn như vậy trong viết lách?

 

Ông Cường không thể ngờ rằng, những người vào Trung Đông đó thuộc đại chủng da trắng Europid. Không hiểu vì nguyên nhân nào mà, trong 3 đại chủng rời khỏi châu Phi thì hai đại chủng da đen, da vàng đi sang Viễn Đông còn chủng da trắng dừng lại trên bán đảo A Rập? Chính những người này đi vào châu Âu và lai với người Australoid từ châu Á sang, trở thành tổ tiên người da trắng Europians. Vì vậy, họ không thể biến thành tổ tiên người da vàng Trung Hoa!

 

Viết như thế, ông Cường cũng bỏ qua cả một thế kỷ khảo cổ học phát hiện con đường truyền bá văn minh từ Hòa Bình lên phương Bắc. Ông không thấy vô lý sao khi con người từ bắc xuống nam còn dòng văn minh chảy ngược lại!?

 

Không thể ngờ được rằng, một người sắp ẵm bằng tiến sĩ, dợm thò một chân vào “văn mếu tân thời” lại có thể viết thế này: “Cho dù có Bắc tiến thì đó cũng chỉ là những cuộc Bắc tiến của người da đen từ 30.000 năm trước. Sống tại xứ lạnh mấy chục ngàn năm, họ dần tiến hóa thành người da vàng (đại chủng Á)” (HVT nhấn mạnh).

 

Trời ạ, chỉ vì sống ở xứ lạnh mấy chục ngàn năm mà người da đen biến được thành chủng da vàng sao?!

 

Với bài làm như vậy, cậu học trò trung học chắc chắn ăn “trứng” (zero)! Sai gì thì sai, không thể sai trong kiến thức nền tảng sinh học! Không phải quên mà rõ ràng ông Cường chưa hề học: “Genotive là những tính trạng do cha mẹ tổ tiên truyền lại mà cho con cháu không thể nhận được qua tập nhiễm.” Chính do sự bền vững kỳ diệu của gene mà ngày nay, từ giọt máu chúng ta, khoa học truy tìm được tổ tiên 5 triệu năm trước hay xa hơn nữa của loài người. Cũng không thể ngờ rằng lỗi kiến thức sơ đẳng như vậy lại xuất hiện trên tạp chí hàng đầu của giới trí thức Việt!

 

Ông Cường cũng tỏ ra bất chấp những kiến thức giáo khoa về nhân chủng học. “Các đại chủng như ta hiểu ngày nay” không phải “chỉ xuất hiện hoàn chỉnh khoảng 10.000 năm trước” như ông nói mà đã hình thành ngay từ châu Phi. Ba đại chủng Australoid, Mongoloid và Europid sinh ra từ 3 Eve của 1 chàng Adam. Theo nguyên lý di truyền học, ông tổ sinh học có đa dạng di truyền cao nhất. Trong hoàn cảnh cụ thể của vùng địa lý, các con cháu không bị hòa huyết với gene lạ, dần dần tạo thành một dòng thuần, được gọi là đại chủng. “Đại” lúc đầu không có nghĩa là to mà là khởi thủy. Sau này, với thời gian và địa bàn mở rộng, con cháu bị lai tạp thì chỉ có sự phân ly thành những đơn vị phân loại nhỏ hơn (nhóm loại hình, chủng, sắc tộc), với F-value (giá trị di truyền) thấp dần chứ không bao giờ trở lại mức thuần khiết của dòng ban đầu!

 

Ông cũng không biết, người từ Việt Nam lên phương bắc 30.000 năm trước không còn là người châu Phi da đen nữa mà là những người Việt cổ Sơn Vi thuộc chủng Indonesian, Melanesian… là chủ nhân văn hóa Hòa Bình, tổ tiên trực tiếp của toàn thể dân Việt ngày nay!

Để có niềm tự hào chân chính cần phải hiểu biết. Bỏ mồ cha khóc đống mối là vậy!

 

Trên bàn tôi có cuốn "Tiếng Việt, Văn Việt, Người Việt" của giáo sư Cao Xuân Hạo. Nhà ngữ học bậc thầy đã nhắc nhở ông Cưòng về việc giảng sai câu "Tri chi vi tri chi..." của Khổng Tử. Thiết tưởng với bài học đắt giá này, ông Cường sẽ cẩn trọng hơn khi viết lách. Thật không ngờ...

Điểm lại những bài viết của ông Cường liên quan tới Bản đồ gene người, ta thấy, ông đọc chưa kỹ dẫn đến hiểu lầm S. Wells, kiến thức sinh học chưa sạch nước cản, hiểu biết về khảo cổ, nhân chủng, lịch sử… thì chắp vá, vụn mảnh. Trước vấn đề rất nghiêm túc, ngoài tầm hiểu biết của mình, lẽ ra ông nên chịu khó nghe để học may ra có lúc… “thị tri dã”.

 

4. Kết luận

 

Thế kỷ XX treo trước nhân loại 3 câu hỏi lớn: 1. Quê hương loài người ở đâu? 2. Sự di cư như thế nào? Và 3. Sự hình thành dân cư các châu lục?

 

Công nghệ gene thần kỳ trả lời 2 câu hỏi đầu một cách ngoạn mục. Nhưng câu thứ 3, di truyền học bó tay. Đó là lẽ đương nhiên vì vấn đề thuộc khoa học nhân văn. Muốn trả lới, cần có tri thức liên ngành không chỉ rộng mà còn rất sâu.

 

Trong hai cuốn sách Tìm lại cội  nguồn văn hóa Việt (Văn học, 2007), Hành trình tìm lại cội nguồn (Văn học, 2008), tôi đã cố gắng lý giải vấn đề về cội nguồn và văn hóa của tộc Việt. Thiết nghĩ, đấy là sự nối kết và giải mã thỏa đáng khối lượng lớn những tài liệu đa ngành hiện có.

 

Điều thú vị là, càng đi sâu vào vấn đề, tôi càng nhận ra thiên tài của Oppenheimer. Từ những cứ liệu khoa học còn hạn chế, ông đã giải mã thành công nhiều truyền thuyết, huyền thoại để đề xuất những giả thuyết tuyệt vời. Ông làm tôi nhớ đến Kim Định. Gần 40 năm trước, cũng bằng giải mã huyền thoại, vị triết gia này đưa ra giả thuyết về Việt Nho và đạo Việt An vi. Nhiều học giả quan phương mạt sát đến vùi dập những đề qưyết động trời ấy. Nhưng thời gian cho thấy Kim Định là một thiên tài. Học thuyết của ông không chỉ đúng đắn mà còn vô cùng quan trọng với vận mệnh dân tộc. Nếu chúng ta tỉnh táo hơn, biết nghe, biết suy nghĩ theo hướng của ông thì chắc rằng dân tộc đã khác hôm nay. Tiếc thay!

 

Sài Gòn, Đông Mậu Tý.

 

 

1.http://www.radio-canada.ca/nouvelles/Science-Sante/2007/08/07/004-europe-colonisation-asie.shtml?ref=rss

2.  Dẫn theo  Zhou Jixi: The Rise of Agricultural Civilization in China .SINO-PLATONIC PAPERS Number 175 December, 2006

3. Hà Văn Thùy. Hành trình tìm lại cội nguồn. NXB Văn học, 2008.

4.  http://vietbao.vn/Tet/Ngoi-sao-bau-troi-bu-sua-con-heo/40187285/365/

5. Bowen, Hui li: Genetic evidence suports demic diffusion of Han culture. Nature/vol 431/16 September 2004.

 

Hà văn Thùy
Số lần đọc: 5222
Ngày đăng: 03.12.2008
[ Trở lại ] [ Tiếp ]
In tác phẩm Góp ý Gửi cho bạn
Cùng thể loại
Một số suy nghĩ về đạo Phật nhân đọc Công trình nghiên cứu văn học Loại hình tác phẩm Thiền Uyển Tập Anh - Đông La
Văn tế thập loại chúng sinh và chủ nghĩa nhân văn của Nguyễn Du - Võ Phúc Châu
Khái quát cuộc đời và sự nghiệp Michel Foucault (1926-1984) - Khổng Ðức
Văn chương việt trong bối cảnh hậu hiện đại - Hà văn Thùy
Âm nhạc trong truyện Kim Dung - Võ Công Liêm
Nguyễn Du và Phân Kinh Thạch Đài. - Đại Lãn
Truyện thơ Lục Vân Tiên - sự tiếp biến ba tư tưởng Nho, Phật, Đạo - Võ Phúc Châu
Goncourt 2008 - đôi cú sốc hân hoan và nhói lòng - Phú Khê
Chủ nghĩa hậu hiện đại và ảnh hưởng ở nước ta - Đông La
Viết sự thực và trách nhiệm của ngòi bút trước sự thực - Nguyên Hồng
Cùng một tác giả
Xứ ra ghe (truyện ngắn)
Nước Mắt Bỏng (truyện ngắn)