Ủng hộ VCV
Số tác phẩm
28.861 tác phẩm
2.760 tác giả
1.093
123.231.478
 
Bắp xào ơi!
Lưu Quang Minh

Từ thuở bé, tôi đã thích ăn bắp xào. Từng hạt bắp vàng rộn thấm bơ với mỡ hành nóng hôi hổi, ăn đến đâu ứa nước miếng đến ấy, cứ nghĩ đến thôi bụng đã không khỏi cồn cào. Mỗi lần có khách, mẹ tôi bắc chảo lên bếp ga mini, cho ít dầu, đợi sôi. Rồi hạt bắp non tẽ sẵn mẹ thả vào chảo, đảo nhanh, tiếng lép bép. Đợi xíu lại cho ít bơ - cái loại magarine hộp vàng của Tường An, thơm phức. Mẹ đảo đều tay, tôi nghe nức mũi, thèm nhỏ dãi. Nào đường, nào muối, nào hành, nào tôm khô, thêm tí bột ớt, mỗi cái một hai muỗng, đảo cho thật đều. Đến khi bắp chín tới, bóng lưỡn, mùi gia vị quyện vào nhau, mẹ đổ ra hộp giấy liền tay.

“Ba nghìn, cháu ạ!”

Đưa tiền xong, chị học sinh mở hộp, ăn ngay.

 

Đi học về, tôi cùng mẹ đẩy xe bắp xào ra đây đứng bán. Mẹ chỉ bán tầm ban tối, khoảng ấy người ta mới ra nhiều. Trừ những hôm mưa to, bình thường khi nào cũng có khách. Họ ra ngồi hóng gió, tâm sự, dắt trẻ con chơi đùa…. Hồ Con Rùa nổi tiếng mát nhất Sài Gòn. Có hôm xe máy dựng quanh hồ chật ních, người ra đông quá, chẳng còn chỗ thở mà hồ chỉ bớt mát đi chút ít. Nhưng là dịp cho mấy xe hàng của mẹ con tôi làm ăn. Mẹ đảo bắp mỏi tay, khách cứ thúc: “Nhanh lên chị, hai hộp nữa…”. Có những hôm trời trở lạnh, khách cầm hộp bắp trên tay, vừa nhai vừa xuýt xoa.

 

Vòng quanh hồ ít nhất 4 5 xe hàng. Người mực khô. Kẻ nước ngọt. Kẹo bông, bong bóng. Cả những xe bắp khác. Mẹ còn bán bắp luộc, bắp nướng. Mọi thể loại bắp là thế, bán chạy nhất lại chỉ có bắp xào. Dù bắp luộc bùi bùi ngọt ngọt, bắp nướng mỡ hành dòn dòn thơm thơm, mỗi cái một vẻ riêng.

 

Mồ hôi mẹ ẵm đầy trên trán, thấm cả hai vai. Hôm nay đắt hàng. Mẹ nhận tờ 5 nghìn nhàu nhĩ, rút trong túi 2 nghìn, đưa lại người ta. Anh thanh niên cầm hộp bắp chạy vội ra ghế đá, có cô người yêu đang chờ. Cả hai nói cười vui vẻ, hòa cùng tiếng trẻ khóc văng vẳng từ xa. Thì ra thằng bé té, bố nó sững sờ: “Chạy chi cho lắm hả con!”. Hai bố con dắt díu nhau hóng gió, thằng bé hiếu động cứ trực chạy lon ton. “Phụt”. Hồ bắt đầu phun nước. Từng tia nước vun cao rồi hạ xuống tạo thành nhiều vòng cung long lanh trong suốt phản chiếu ánh đèn đường vàng nhạt. Tôi ngắm mãi không chán.

 

“ Hai cái bắp nướng, lẹ coi!”

Tôi rút vội hai trái bắp nướng sẵn, để lên bếp than, quay đều. Vừa quay vừa quạt than. Bắp nóng rồi mới xối mỡ hành lên trên. Thấy đôi mắt vị khách hau háu nuốt nước miếng ừng ực, mẹ tôi hối: “Nhanh con, khách chờ”. Tôi học mẹ cái kỹ tính, không làm thì thôi, nướng phải nóng giòn ăn mới thích, nhưng cũng không để lâu, bắp bị khét hết, mất ngon. Chảo mỡ hành mẹ làm sẵn, nêm nếm chút mặn ngọt, tôi lấy thìa trét đều lên bắp. Bắp nướng đã sỏ sẵn cây đũa tre dưới gốc, khách chỉ việc cầm ăn.

 

Thành phẩm tôi làm được ngấu nghiến ngon lành. Hai cậu choai choai khoái khẩu: “Ái chà, mỡ hành béo ta!”. Phải nói món mỡ hành mẹ tôi làm rất vừa, ngoạm một miếng rồi chỉ muốn xơi thêm.

 

Trời về đêm, không khí se lạnh, xe cộ tấp nập ồn ào thưa vắng dần. Chỉ còn lại ánh đèn vàng, vài ba người nán lại chưa đành lòng về nhà đắp chăn. Mẹ và tôi thu dọn. Bếp than hồng đã tàn, hơi ấm yếu ớt. Tôi ngáp dài một tràng. Mai đi học sớm rồi. Cất cuốn vở vào cặp, tôi phụ mẹ đẩy xe về.

“Học có khó không con?”

“Dạ, cũng hơi khó…”

Mẹ xoa đầu tôi:

“Ráng mà học, con ơi!”

Câu nói ấy theo tôi mãi đến tận về sau, khi đã là một cô giáo cầm phấn đứng trên bục giảng bài cho học sinh nghe.

Có những chiều mưa bay lất phất, trên đường về ngang qua một xe bắp xào bắp nướng, chảo đặt trên bếp ga mini, cái quạt phe phẩy bên bếp than hồng, tôi không khỏi xao lòng.

Và hôm nay đi cùng người thương xuống phố, ghé Hồ Con Rùa, ngồi ghế đá nhìn ra xe bắp xào ngày ấy, gió se lạnh, tôi càng nhớ, nhớ da diết. Người thương tôi từa tựa chàng thanh niên khi xưa, chiều chuộng dỗ dành, rồi vội vã chạy đi mua một hộp bắp xào.

 

Lần đầu nhận lời đi chơi, anh hỏi:

“Em thích ăn gì nhất?”

“Bắp xào!” – Tôi đáp không phải đắn đo suy nghĩ.

Tinh ý, từ đó đi với nhau anh đều không quên mua bắp xào. Hai đứa nhâm nhi từng hạt vàng rộn nóng hổi, ngắm những tia nước vun cao rồi hạ xuống, long lanh trong ánh đèn vàng cùng tiếng ồn ào người qua kẻ lại, xe cộ bon chen.

 

Ghế đá này đã chứng kiến bao nhiêu tình yêu đôi lứa, và bao nhiêu những giọt mồ hôi của mẹ, bên xe bắp xào…?

 

*

Đi cùng anh về khuya, gần sân bay, lại bắt gặp một đoàn xe bán bắp. Không phải loại xe đẩy như của mẹ con tôi, mà là xe “tự chế” tận dụng tối đa khả năng của chiếc xe đạp hai bánh. Bếp ga đặt đằng trước đầu xe, bếp than đặt phía yên sau. Bắp xào có bắp xào, bắp nướng có bắp nướng.

 

Mấy lần anh gắt:

“Bắp, bắp. Có gì hay ho mà em lúc nào cũng cứ bắp mãi thế?”

Anh đâu biết không có bắp, mẹ con tôi đã chẳng thể nào dựa vào nhau mà sống, vượt qua những cơn gió đêm lạnh như dao cắt.

 

Tôi lên lớp, ra đề tập làm văn cho học sinh. Hôm sau gọi vài em đứng lên đọc một đoạn. Em Lan đọc:

“Ba con bán bột chiên, mỗi ngày lời được nhiêu về đưa má giữ hết…”

Cả lớp cười ầm. Tôi nghiêm mặt, có gì đáng cười ở đây? Tiếng rủ rỉ rù rì: êu êu, đi bán bột chiên mà cũng khoe…

 

Trời đất quanh tôi như tối sầm. Mới về trường nhận công tác chưa bao lâu nên còn nhiều bỡ ngỡ, cả trong cách giảng dạy. Tôi thấy sai, hẹn gặp riêng Lan. Cho cô xin lỗi, đáng lý cô không bắt các em đọc to cho cả lớp.

Lan lúc lắc đầu. Không cô ơi, con lúc nào cũng tự hào về ba con hết.

Tôi lặng người, phút sau cười, xoa đầu cô học trò bé nhỏ:

“Ráng học cho thật giỏi, Lan nhé. Nhất định ba con cũng rất tự hào về con!”

Đề bài tôi giao các em là: “Hãy tả cảnh sinh hoạt của gia đình em.”

 

*

Cuối tuần, anh lại chở tôi đi chơi. Anh bảo: ra mắt bố mẹ nhé! Tôi không nói gì, chỉ tự hỏi: mình có yêu anh không nhỉ?

 

Tôi nhớ đã cùng mẹ chứng kiến nhiều cuộc chia tay nước mắt ngay tại đây, từ xe bắp nhìn ra ghế đá Hồ Con Rùa. Anh thanh niên hay mua bắp của mẹ con tôi nói như hét:

“Chịu cô rồi, chia tay đi!”

“Tôi chịu đựng anh nhiều mới đúng!”. Nàng dứt lời ngồi khóc hu hu.

Thế nhưng mấy hôm sau lại thấy họ đi chung, anh thanh niên vui vẻ ra mua bắp như thường.

Rồi cứ thế, thêm mấy lần chia tay nước mắt.

Vài năm sau họ dắt theo thằng cu con ra hồ hóng mát.

 

Mẹ bảo tôi:

“Con gái, tìm được tấm chồng tốt mới khó.”

Tôi nghe mẹ nói mà nghẹn họng. Biền biệt bao năm trôi qua đã bao giờ tôi được nhìn mặt bố một lần. Bố sẽ về, sớm thôi, con à. Mẹ ôm tôi, nằm ngủ trên chiếc giường ọp ẹp. Một đêm tôi trở mình, nhận ra mẹ đang quay mặt vào tường. Tôi quàng tay qua, hai mẹ con dụi vào nhau, rưng rức…

“Con không lấy chồng đâu, ở vậy nuôi mẹ thôi!”

“Kìa con, hoa có độ gái có thì…”

 

*

Ngày nhà giáo Việt Nam, tôi lặn ngụp trong những lời chúc bó hoa của học trò. Lan nắm tay ba đến gặp tôi.

“Cảm ơn cô giáo đã dạy dỗ, các cháu nên người đều nhờ công lao thầy cô cả.”

Người đàn ông có mái tóc màu muối tiêu, gương mặt khắc khổ hằn lên trăm mối bộn bề. Tôi hình dung ra trong những đêm khuya khoắt, xe bột chiên vẫn đều đặn lăn những vòng quay trên con đường mòn. Chiếc xe nặng nề oằn lên vai người đẩy những gánh gồng cực nhọc, gánh cả những ước mơ của đứa con gái nhỏ, đang còn thức ngóng ba ở nhà. Mồ hôi nhễ nhại, nhưng thoáng nghĩ nụ cười tươi như hoa của con gái, đôi chân mỏi nhừ bỗng dưng thêm chút sức lực, nhanh nhẹn hơn, vội vã hơn.

 

Chúc cô 20/11 thật nhiều niềm vui và hạnh phúc trong cuộc sống.

Từng nét chữ được Lan nắn nót trên tấm thiệp tặng kèm bó hoa.

“Cô cảm ơn con. Lan này, con thích ăn gì nhất?”

“Dạ…”

Câu trả lời bị át đi bởi chương trình văn nghệ đã bắt đầu, tiếng nhạc rộn ràng cả sân trường: “Một bông hồng em dành tặng cô…”

Mười mấy năm nữa, cô học trò nhỏ sẽ lớn lên. Nhiều thứ em sẽ quên, có lẽ, kể cả tôi. Nhưng con chớ quên…

Mẹ ơi, bắp xào ơi! ./.

 

10/2008

Lưu Quang Minh
Số lần đọc: 2061
Ngày đăng: 13.12.2008
[ Trở lại ] [ Tiếp ]
In tác phẩm Góp ý Gửi cho bạn
Cùng thể loại
Cuộc gặp gỡ bất ngờ - Ngô Kế Tựu
Móc túi thượng đế mùa lễ - Vũ Trà My
Tản mạn trên cánh đồng chữ nghĩa - Minh Tứ
Gỉam béo - Lệ Hoa
Tiếng xưa bến cũ … - Trần Hạ Tháp
Mọi thung lũng phải lấp cho đầy, khúc quanh co phải uốn cho ngay, đường lồi lõm phải san cho phẳng - Nguyễn Hữu An
Hội ngày mùa tháng Chín - Ngô Kế Tựu
Đọc thơ Nguyễn Huỳnh Sa , Đá mặn nghiêng đời nghe biển vỗ. - Nhiều Tác Giả
Năm trăm đồng - Trương Anh Sáng
Tinh thần thể dục - Lệ Hoa