Ủng hộ VCV
Số tác phẩm
28.861 tác phẩm
2.760 tác giả
1.165
123.224.122
 
Mùa sim
Nguyễn Hải Triều

Mùa sim - nhưng không phải trong tôi chút cảm giác bâng quơ, xa vợi, lãng đãng như sương khói chiều thu khi nhớ lại “Màu tím hoa sim” của nhà thơ Hữu Loan; Bài tuyệt tác thi ca ấy đã nhận được sự đồng cảm của bao tâm hồn, và có những nhạc sĩ mượn ý, mượn từ để viết thành giai điệu cho ca khúc của mình kể về một chuyện tình bi tráng thời khói lửa: “Màu tím hoa sim, tím cả chiều hoang biền biệt...”, Ngày ấy ở tuổi mới lớn, đọc những câu thơ của Hữu Loan, tôi và bạn bè cũng đã từng mơ mộng, bâng khuâng.

 

Ở đây, mùa sim trong tôi bàng bạc cánh diều, trắng màu mây thơ ấu, khi con đường ký ức đưa tôi về với những đồi sim đầy gió nắng và sương sớm cuối thu, để tôi được tự do lang thang nơi chốn bãi bờ hoài niệm; được gặp lại sắc màu tim tím của hoa sim, bông cỏ may, con chuồn chuồn, tiếng cá rô quẫy hay rơm rạ thơm mùa...

 

Quê tôi như một thung lũng, được bao bọc bởi đồng bãi, núi đồi và sông suối. Đồng bãi mênh mông, những chiều đông, đàn cò chao nghiêng trắng rợp cả góc trời; dòng sông trong xanh, mềm mại như dãi lụa uốn quanh các làng mạc, lúc nào cũng quen thuộc với tiếng gà trưa, chim gù sáng sớm, tiếng gió chiều lay động hàng tre, tiếng mẹ ru con êm êm nôi đưa kĩu kịt. Còn đồi núi thì trập trùng, chỉ mọc toàn những cây thấp lè tè như:rang, mua, lau lách, cỏ dại... nhưng nhiều nhất vẫn là những cây sim. Lũ trẻ chúng tôi thời ấy, có đứa nào lại không rành rõi đến từng ngóc ngách của những đồi sim: Hóc Nhà Gà, Gò Mũi Mác, Hóc Tộc, Bằng Ông, Bằng Sim... nơi nào nhiều trái, chín sớm, chín rộ khi mùa sim đến.

 

Tuổi thơ chúng tôi đi qua những tháng ngày đầy gian khó nhưng cũng rất thơ mộng trên miền quê quanh năm mưu bùn, nắng bụi. Quê nghèo, cuộc sống con người kham khổ, chỉ biết làm ăn lam lũ. Cái thời bom trên, đạn dưới ấy; bọn trẻ chúng tôi vừa đi học, vừa phụ giúp cha mẹ lo chuyện đồng áng, áo cơm... một buổi đến trường, một buổi chăn trâu, cắt cỏ nên da dẻ đứa nào cũng đen sạm, mốc thếch, khét lẹt mùi sương nắng.

 

Hằng ngày, chẳng kể ngày nắng hay mưa; ngoài thời gian đến lớp, chúng tôi thường rủ nhau dong trâu, bò chăn thả trên những bãi cỏ xanh dọc triền đồi; thời tiết hanh khô thì phân công nhau, đứa lo chăn dắt, đứa cởi trần ngụp lặn dưới mấy đìa cỏ quanh Bàu Miếu bắt cua, cá, ốc bươu... đứa thì hun lửa đốt phân bò khô; được con nào, nướng liền con đó. Cái hương vị cá đồng nướng ngày ấy cứ thơm lừng trong tôi cho mãi đến tận bây giờ. Có lúc trời mưa lạnh, bọn trẻ chúng tôi thường tụm năm, tụm bảy dưới gốc cây gáo, đốt lửa hơ tay cho ấm, cái lạnh của gió bấc mùa đông lất phất mưa phùn và những tiếng xít xoa của bạn bè vẫn se sắc mãi trong từng kỷ niệm thời thơ ấu.

 

Nhưng lẩn quẩn, quay quắt đến ngọt ngào nơi bến bờ ký ức tuổi thơ tôi vẫn là màu tím nỗi nhớ những mùa sim.

 

Tháng năm, khi tiếng ve râm ran báo hiệu hè về, hoa phượng chín đỏ trên mất tàng cây trước sân trường. Buổi học cuối, bọn trẻ chúng tôi đã háo hức nghĩ đến những sáng, những chiều được nhông nhông trên những đồi sim chín.

 

Hoa sim khi trổ, không tím đậm và mỏng như hoa mua, mà chỉ nở từng chùm nhỏ nhắn, lớt phớt màu phấn, đong đưa theo gió. Đứng giữa lưng đồi đầy hoa và nắng, cứ ngỡ mình đang đứng trước một cõi mông lung xa vời nào đó, thơ mộng như tranh, mới thấy thấm thía câu thơ của ông Hữu Loan “Những đồi sim, tím cả chiều hoang biền biệt...”.

 

Tháng bảy, gió chuyển mùa, cơn mưa lất phất là cũng bắt đầu mùa sim chín rộ. Những quả sim to bằng ngón tay cái người lớn; tím ngần, từng chùm mọng nước lan toả trên các triền đồi, triền dốc nhiều không kể xiết. lúc này cũng vào khi rãnh rỗi mùa vụ, các bà, các chị trong làng và lủ nhóc chúng tôi thường rủ nhau đi hái sim. Trời sáng chưa rõ mặt, nơi các ngõ xóm đã vang lên tiếng cười đùa, gọi nhau í ới. Qua một đêm đầy sương thu và mưa phùn, là điều kiện cho những cây sim chín rộ, người ta bảo rằng cần hái ngay chứ khi mặt trời lên, có gió thì sim sẽ rụng hết. Cách hái sim cũng lý thú, không lấy tay vặt từng trái, mà ngửa chiếc nón là vào dưới nhánh sim rung nhẹ vài lần cho đến khi tất cả những trái chín đều rơi vào nón; và cứ như thế cho đến khi đầy nón lá, đầy túi vải mang theo. Đến trưa, lúc mặt trời lên cao, người ta rủ nhau vào nấp dưới những tàng cây lớn vừa thưởng thức vị ngọt của sim, vừa râm ran chuyện trò trước khi về làng. Sim hái về, mọi người không bán mà chỉ để ăn cho vui, làm quà cho lủ trẻ nhỏ. Hãy cứ tưởng tượng, giữa ngọn đồi cao vi vu gió, nắng của quê nhà, nằm ngửa trên mảng cỏ xanh nhìn trời mây lồng lộng, cắn một trái sim chín mọng nước, cái vị ngọt lịm như đường, thơm thơm mùi mật cứ lan toả đến từng dây thần kinh vị giác, thích thú biết chừng nào.

Đã nhiều năm rồi, chúng tôi lớn lên, đứa theo mây ngàn phương phiêu bồng trăm ngả với cái nợ áo cơm; đứa thì ở lại quê cuốc cày mưa nắng; cho dù ở cái tuổi tóc đã hai phần sương muối, những kỷ niệm về những chùm hoa tím nhạt và mùa sim chín luôn lẫn khuất đâu đó trong ngóc ngách tâm thức của mỗi cuộc đời, để một khi được về lại chốn xưa, nhìn cảnh cũ không khỏi rưng rưng hoài niệm.

 

Quê tôi ngày nay khác đi nhiều lắm, những đồi sim ấy nay biến thành rẩy dứa, rẩy thơm, nông trại chăn nuôi gia súc. Con đường ngoằn ngoèo, lu lấp bụi bờ, lỗ chỗ vết trâu không còn nữa, thay vào đó là một con đường lớn thẳng tắp từ làng vào núi, rộn ràng tiếng xe, tiếng máy, người đi; Làng mạc cũng thay đổi hẳn: Đường bê-tông, nhà cao tầng, hàng trụ điện cao thế, chợ búa tấp nập, ồn ả.

 

Ngày về thăm quê, đứng giữa trời chiều lồng lộng, nhìn xa xa phía đồi sim cũ, trong tôi lại dâng lên niềm cảm xúc nao nao, buồn buồn: Quê ơi ! đâu rồi những mùa sim tím...

 

Nguyễn Hải Triều
Số lần đọc: 2582
Ngày đăng: 17.12.2008
[ Trở lại ] [ Tiếp ]
In tác phẩm Góp ý Gửi cho bạn
Cùng thể loại
Tản mạn chuyện thơ : có một nhà thơ thôn Vỹ … - Cao Quảng Văn
Bắp xào ơi! - Lưu Quang Minh
Huế - Văn hóa nghe và không gian tâm tưởng - Trần Hạ Tháp
Người phu quét lá - Nguyễn Hữu An
Cuộc gặp gỡ bất ngờ - Ngô Kế Tựu
Móc túi thượng đế mùa lễ - Vũ Trà My
Tản mạn trên cánh đồng chữ nghĩa - Minh Tứ
Gỉam béo - Lệ Hoa
Tiếng xưa bến cũ … - Trần Hạ Tháp
Mọi thung lũng phải lấp cho đầy, khúc quanh co phải uốn cho ngay, đường lồi lõm phải san cho phẳng - Nguyễn Hữu An