Ủng hộ VCV
Số tác phẩm
28.861 tác phẩm
2.760 tác giả
1.096
123.230.624
 
Tự do trong sáng tạo và xu thế hội nhập
Hoàng Vũ Thuật

Tham luận tại Hội thảo Văn học với xu thế hội nhập, các tỉnh bắc miền trung -  Sầm Sơn Thanh Hóa, 17-18 / 12 / 2008

 

*

 

Nhà nước dân chủ tất yếu ra đời thiết chế dân chủ. Nhà nước dân chủ coi quyền con người là điều kiện trước tiên để đảm bảo mọi hoạt động của guồng máy dân chủ. Quan điểm chỉ đạo '' Tự do trong sáng tạo nghệ thuật và sự đa dạng về nội dung, phong cách sáng tác, phương thức biểu hiện được tôn trọng; dấu ấn cá nhân, cá tính sáng tạo được khẳng định " ( Nghị quyết 23 của Ban Chấp hành Trung ương,  khóa VIII ) đề ra không ngoài mục đích đề cao quyền con người trong xã hội dân chủ.

 

Chúng ta đều nhận thức tác phẩm văn học mang dấu ấn cá nhân thường là tác phẩm giàu năng lượng sáng tạo, thu hút người đọc và sức sống bền lâu. Bởi vì bản sắc xã hội của mỗi người là những hạt nhân tích cực góp phần làm nên cá tính sáng tạo. Không nhà văn nào khi cầm bút lại không say sưa với những chi tiết đời thường nhỏ nhặt, khuất lấp đâu đó, trái nghịch đâu đó, nhưng đó là những nét có khả năng khái quát tô đậm bức tranh rộng lớn, thấm đẫm thân phận của một cộng đồng, một dân tộc. Tôi e rằng cứ chăm chăm vào cái lớn lao, say mê với viễn cảnh bao la trời đất dễ dàng không nhìn thấy nơi mình đang đứng, bóng dáng cụ thể của chính mình. Không thấy mình, hiểu được mình thì làm sao hiểu hết cái quanh mình ?

 

Xưa nay con người thích nói cái đẹp, cái cao vời, mà không quen đề cập đến sự xấu xa dơ bẩn của bản thân. Năm 1969 Việt Phương đã có câu thơ cảnh tỉnh '' Tất cả những gì xấu xa của tao là thuộc về mày / Tất cả những gì tốt đẹp của mày là thuộc về tao ". Thói hợm hĩnh tự đề cao là cố tật, căn bệnh của những dân tộc nhược tiểu. Khi văn học đụng chạm đến chỗ yếu ấy, người ta không ngần ngại quy kết là bôi đen, xúc phạm đến danh dự quốc gia dân tộc. Ai bảo vệ cái quyền tự do sáng tạo ấy, hay là lại bị treo giò, cấm cửa ? Và nhà văn lại phải trả giá hai ba chục năm cầm bút như các lớp đàn anh đã trả giá.

 

Thực tế bấy lâu nhà văn chưa có một tấm thẻ bảo hiểm nào cho quyền sáng tạo của mình. Tác phẩm của họ từ khi thai nghén cho tới lúc ra đời không được ai bảo lãnh. Họ không biết số phận của nó sẽ ra sao trước người đọc và sự phán xét của một bộ phận gác cổng. Chỉ trong năm 2008 đã có ít nhất hai tập truyện ngắn ra đời bị thu hồi, Tột đỉnh tình yêu của Nguyễn Thúy Ái ( NXB Trẻ ) và Rồng đá ( hay là mũi tên uốn ván ) của Vũ Ngọc Tiến và Lê Mai ( NXB Đà Nẵng ). Ấy là chưa tính đến một số tác phẩm in rải rác ở vài địa phương bị hiểu sai lệch, méo mó, hoặc quy chụp thô thiển, đến nổi nhà phê bình văn học Phạm Xuân Nguyên phải kêu lên, nếu đọc và hiểu văn chương kiểu ấy thì Nguyễn Du phải bị coi là phản động, còn Lý Bạch cũng sẽ chịu đòn (*). Mới đây nhà xuất bản Đà Nẵng bị tạm đình chỉ hoạt động cùng với giám đốc và phó giám đốc kiêm tổng biên tập tạm đình chỉ công tác. Những sự việc trên giới nhà văn chỉ biết qua các báo, mà không hề được thông tin trên báo chí chuyên ngành hay cơ quan chuyên môn của Hội nhà văn. Liệu quyền tự do sáng tạo có thật sự được đảm bảo ?

 

Bấy lâu nay cái quyền sáng tạo một cách tự do đó rõ ràng không được thực thi trọn vẹn. Bởi lẽ tự do sáng tạo cứ như một ảo ảnh hiện ra từ hai phía, người sáng tạo và người gác cổng. Người sáng tạo muốn tự do vùng vẫy tư duy, cảm xúc trên mọi đề tài, nội dung và phương pháp nghệ thuật, nhưng cái trần quy định không cho phép họ vượt rào. Nhà văn buộc phải né tránh, lựa chọn con đường dễ dàng bằng phẳng, sức sáng tạo vì thế bị chững lại. Thực ra chưa ai thấy rõ biên giới những quy định cụ thể ấy ra làm sao. Sáng tác văn học không chống lại dân tộc, chống lại lý tưởng, đi ngược xu thế thời đại là những điểm chung chung của cái trần trên. Nhưng nếu đem những điều ấy soi vào các tác phẩm bị cấm đoán, thì chẳng thấy phản động, phản hại nào cả, trái lại sức sống và giá trị của nó ngày một sáng lên, khỏe khoắn hơn. Trong khi nhiều tác phẩm văn học được đề cao, đưa làm mẫu để quảng bá thì ngày càng mờ nhạt.

 

Tôi không dẫn ra đây những tác phẩm thuộc loại như trên để làm gì nữa. Bằng chứng hùng hồn nhất, chúng ta phải soạn lại sách giáo khoa từ phổ thông cho đến bậc đại học để chọn lọc lại một cách khoa học, nhằm làm sao cho con cháu không phải thiệt thòi như ông cha. Rõ ràng " một bộ phận cán bộ lãnh đạo, tham mưu, quản lý văn nghệ thiếu hiểu biết về văn học, nghệ thuật, ít học tập, ngại tiếp xúc nên hiệu quả lãnh đạo, quản lý còn thấp, có sự hẫng hụt đội ngũ này ở cả tầm vĩ mô và ở các đơn vị cơ sở " là một trong những nguyên nhân trực tiếp dẫn đến hậu quả làm cho bầu không khí vẩn đục, nặng nề, tổn thương đến sự phát triển nền văn học nước nhà.

 

Nói như vậy để khẳng định " tôn trọng, bảo đảm quyền tự do sáng tạo " là tôn trọng cốt cách người cầm bút, giải phóng người cầm bút bấy lâu ít nhiều bị ràng buộc, tạo điều kiện tốt nhất cho nhà văn nhìn xa trông rộng. Và chỉ tôn trọng, bảo đảm quyền tự do sáng tạo mới giúp nhà văn và tác phẩm của họ có được phong thái  đồng đẳng, không gượng gạo yếm thế khi trao đổi, giao lưu, bàn thảo vào công việc toàn cầu của văn chương. Đó là tấm thẻ bảo hiểm tốt nhất của nhà văn trước xu thế hội nhập.

 

Ý thức ta về ta tắm ao ta thực chất là ý thức bảo thủ, khư khư ôm lấy những gì có được, cả hay lẫn dở. Đây là chính sách bế quan tỏa cảng mà lịch sử nước nhà đã phê phán. Mở cửa, giao lưu, hội nhập quốc tế là xu thế của thời đại. Dù tự hào đến mấy chúng ta cũng phải khiêm tốn thừa nhận nền văn học ta còn thua kém về mọi phương diện so với nhiều nước trên thế giới. Cũng như kinh tế và nhiều lĩnh vực khác, nước ta là một nước nghèo nàn lạc hậu, muốn phát triển đi lên không thể tách mình khỏi cộng đồng thế giới, an phận hoặc tự ti mà phải mở cửa, hội nhập thông thoáng để tìm hiểu, học hỏi, mang về những kinh nghiệm, thành tựu và sản phẩm ích lợi.

 

Cái thói quen khám phá tìm hiểu các giá trị tinh thần và văn hóa thế giới chưa trở thành phổ biến trong giới nghiên cứu và sáng tác. Bài học một thời chúng ta loanh quanh mất thời gian với những quy định, tiêu chí cho đời sống. Nhớ lại thật buồn cười, như quy định ăn mặc sinh hoạt ở phòng họp, nơi làm việc, đi lại trên đường,  hoặc khi lên sân khấu biểu diễn. Ấy thế mới có chuyện thanh niên bị cắt ngang đôi dép, xẻo ống quần loe, hay húi đi mái tóc dài ở bất cứ nơi nào. Trong khi ở các nước người ta tôn trọng sở thích, tính cách cá nhân, không can thiệp thô bạo vào nhu cầu riêng lẻ. Dẫn chứng nhỏ ấy đủ nói lên quyền con người bị xâm phạm, mà ngay chính người bị xâm phạm và người định ra chính sách cũng vô tình không hề biết tác hại của nó như thế nào.

 

Đề cập " tiếp tục mở rộng hợp tác quốc tế " là để mình nhìn lại mình, so mình với người, thấy mình giữa người và thấy người bên cạnh mình. Xin lấy thí dụ,  văn học tình dục ở Việt Nam thường bị lên án như một xu hướng không lành mạnh. Bóng đè của Đỗ Hoàng Diệu, thơ Vi Thùy Linh, Phan Huyền Thư bị không ít người phê phán gay gắt vì đã đưa sex vào văn học. Đêm thánh nhân của Nguyễn Đình Chính đã phải dừng lại sau khi xuất bản tập một khá lâu, năm 2006 được in trọn bộ với tên mới Ngày hoàng đạo, nhưng cho tới nay chưa có bài phê bình nào đánh giá đầy đủ. Đây là cuốn tiểu thuyết sexy từ chương đầu cho đến chương cuối, được viết theo bút pháp huyền ảo, nhưng đâu chỉ nói về sexy. Sự im lặng này là một cách thừa nhận hay vì lí do khác? Đọc thế giới với những Máckét, Elfriede Jelinek, Murakami, hoặc láng giềng cạnh ta như Mạc Ngôn, Vệ Tuệ mới thấy mình quá lỗi thời, cứng nhắc. Văn học thế giới cho chúng ta hiểu văn hóa tình dục ảnh hưởng đến đời sống con người như thế nào. Không thể cho rằng văn chương tình dục đi đôi với xấu xa, là nhân tố tha hóa, trái lại nó có khả năng thức tỉnh, hoàn thiện vẻ đẹp tinh thần con người.

 

Lý tưởng thẩm mỹ của mọi nền văn học đều gặp nhau nhằm giáo dục con người, tôn vinh con người, làm cho thế giới xích dần với nhau trong tinh thần toàn cầu hóa, đặt các giá trị trên một mặt phẳng và nhìn nhận nó để bổ sung, bù đắp, cùng nhau phát triển. Văn học ta đang ở chặng nào trên mặt phẳng đó? Chúng ta phải tự nhìn thẳng vào những dị tật, khiếm khuyết mà thay đổi, điều chỉnh, xây đắp.

 

Văn học trong xu thế hội nhập không thể vận động tự thân của đội ngũ những người làm ra nó mà phải cần tới vai trò của toàn xã hội, các cơ quan chức năng và công cụ hỗ trợ của nhà nước. Nhà văn Việt Nam ta rất ít  người có vốn ngoại ngữ viết và nói thông thạo. Lực lượng dịch thuật còn mỏng. Tác phẩm văn học thế giới vào Việt Nam chưa nhiều, cũng không phải tất cả đều là tinh hoa nhân loại. Nhiều tác phẩm có được là do dịch giả trong cộng đồng người Việt ở nước ngoài. Còn tác phẩm văn học Việt Nam dịch ra nước ngoài thì quá ư ít ỏi. Năm 1999 tôi đến Bắc Kinh, lãnh đạo Hội nhà văn Trung Quốc nói thật rằng, họ chỉ biết Nhật kí trong tù, Những bức thư từ tuyến đầu Tổ quốc, Sống như anh. Nghĩa là họ biết một số tác phẩm Việt Nam thời là tiền đồn của phe xã hội chủ nghĩa, nói gì đến các nước khác.

 

Hiện nay một số tác phẩm được dịch ra nước ngoài phần lớn nhờ  vào giao lưu cá nhân, hoặc nhóm cá nhân, mà cũng không nhiều. Có lẽ thế giới biết Việt Nam qua hai cuộc chiến tranh hơn là văn hóa, văn học. Trong khi ngôn ngữ viết của chúng ta lại quá trẻ, chưa đụng chạm nhiều với ngôn ngữ các dân tộc khác. Có thể nói từ sau năm 1975 ngôn ngữ Việt Nam mới có bước hòa nhập với cộng đồng quốc tế.

 

Vì vậy, xu thế hội nhập của văn học Việt Nam nói thẳng ra rằng không thể muốn ngay là được, phải từng bước một, từ đào tạo học hỏi, đến quản lí hoạch định chính sách một cách thiết thực. Hội nhà văn Việt Nam mới có tạp chí Văn học nước ngoài, chưa có tạp chí dịch ngược. Công việc giới thiệu văn học Việt Nam ra thế giới còn manh mún, vì chưa có cơ quan thường trực, hội đồng thẩm định và lựa chọn khoa học.

 

Hội nhập không là khẩu hiệu để thể hiện ý chí. Hội nhập đi đôi với tâm thế, điều kiện tinh thần và vật chất của xã hội mà nòng cốt là lực lượng sáng tạo văn học nhận lãnh. Hội nhập đòi hỏi nhà văn có nhiều tác phẩm có giá trị xứng đáng, có vị thế để đứng bên cạnh tác phẩm và nhà văn các nước khác. Tự do sáng tạo thật sự, sẽ là chìa khóa vạn năng của nhà văn. Công cụ hỗ trợ là bề mặt con đường cho văn học ung dung cất bước.

 

Đồng Hới, 13/12/2008

_______

(*) Vấn đề là ở trình độ đọc, Báo Thể thao & Văn hóa.

Số 329, thứ ba, 24/11/2008

Hoàng Vũ Thuật
Số lần đọc: 2959
Ngày đăng: 23.12.2008
[ Trở lại ] [ Tiếp ]
In tác phẩm Góp ý Gửi cho bạn
Cùng thể loại
Lịch sử tính dục : Chương năm : Nữ giới - Khổng Ðức
Mầu Nhiệm Nhập Thể và lễ Giáng Sinh - Nguyễn Hữu An
Lược Sử Thi Pháp Học Việt Nam - Phạm Ngọc Hiền
Thơ – Bí mật sự sáng tạo và cái chết - Nguyễn Nhã Tiên
Đông Nam Á trong tiến trình văn minh nhân loại - Hà văn Thùy
Một số suy nghĩ về đạo Phật nhân đọc Công trình nghiên cứu văn học Loại hình tác phẩm Thiền Uyển Tập Anh - Đông La
Văn tế thập loại chúng sinh và chủ nghĩa nhân văn của Nguyễn Du - Võ Phúc Châu
Khái quát cuộc đời và sự nghiệp Michel Foucault (1926-1984) - Khổng Ðức
Văn chương việt trong bối cảnh hậu hiện đại - Hà văn Thùy
Âm nhạc trong truyện Kim Dung - Võ Công Liêm
Cùng một tác giả
di sản (thơ)
HVT LÀ AI (tạp văn)
Tháp (thơ)
noel (thơ)
đắng (thơ)