Ủng hộ VCV
Số tác phẩm
28.861 tác phẩm
2.760 tác giả
1.093
123.230.844
 
Giáng Sinh 2008 : nhân vị là trọng tâm của hoà bình
Nguyễn Hữu An

Vương quốc Fanxica là một đất nước thanh bình, thịnh vượng. Nhà vua và hoàng hậu diễm phúc sinh được hai hoàng tử khôi ngô tuấn tú, văn võ song toàn, có khí phách của bậc anh hùng. Hai hoàng tử thương yêu hoà hợp với nhau.

 

Vương quốc láng giềng Faroux có nhà vua nham hiểm ác độc. Ông nuôi mối thù truyền kiếp với vua Fanxica. Lòng căm thù càng dâng cao khi thấy vua Fanxica có hai hoàng tử khôi ngô tuấn tú mà mình không có lấy một mụn con. Vì thế, ông rắp tâm sát hại hai hoàng tử cho bằng được.

 

Vua Faroux biết hai hoàng tử thường vào rừng săn bắn nên đã cho mai phục. Bẫy giăng ra và hoàng tử em Faram bị bắt. Hay tin em trai mất tích trong rừng, hoàng tử anh một mình một ngựa xông vào rừng tìm em. Cái bẫy đựoc giăng ra, người anh cũng bị bắt.

 

Tên vua độc ác giam hai anh em vào hai ngục tối biệt lập nên họ không hay biết gì về nhau.

Theo thông lệ hàng năm, vào dịp sinh nhật của mình, vua cho tổ chức những cuộc quyết đấu giữa những con ác thú để chúng phân thây xé xác nhau làm trò vui cho quan quân và dân chúng.

 

Năm nay, thay vì cho ác thú đấu nhau, nhà vua ác độc bắt hai tù nhân vạm vỡ khỏe mạnh, mỗi người mang một da sư tử trên mình, đeo thêm mặt nạ sư tử và buộc họ phải quyết đấu cho đến khi một trong hai người phải chết. Ai sống sót sẽ được trả tự do.

 

Cả đấu trường hò la vang dậy khi quân lính dẫn hai đấu thủ mặc lốt sư tử bước ra. Với thanh mã tấu trên tay, hai con người lốt sư tử xông vào nhau chiến đấu vô cùng ác liệt như hai ác thú say mồi. Đám đông cổ võ hò la vang trời dậy đất.

 

Cuộc chiến kéo dài hơn cả giờ mà vẫn bất phân thắng bại. Cả hai đấu thủ mệt nhoài, mình họ đầy thương tích máu me. Không ai nhường ai. Mỗi người đều dốc toàn lực để hạ đối thủ, để dành sự sống, để được tự do.. Chỉ có chiến thắng hoặc chết. Cuối cùng bằng sức mạnh và khéo léo, đấu thủ cao người hơn đã vung đao chém xoạc mặt đối phương làm rơi mặt nạ sư tử để lộ một khuôn mặt rất thân quen. Anh kinh hoàng tột độ. Thanh mã tấu trên tay rơi xuống. Anh giật bỏ mặt nạ của mình ra. Hai người ồ lên kinh ngạc. Họ bàng hoàng nhận ra nhau. Không ai xa lạ, họ là hai anh em ruột thịt, hai hoàng tử con vua Fanxica bị vua Faroux bắt cóc. Họ lao vào nhau, ôm chầm lấy nhau khóc nức nở. Họ đâu ngờ rằng đối thủ mà họ quyết tâm tiêu diệt cho bằng được lại là người anh em rất thân yêu.

 

Nước mặt tuôn tràn hoà chung với máu. Hai con người bầm dập, mình đầy thương tích ôm nhau khóc tức tưởi. Khóc vì đã coi nhau như kẻ thù, đã đấu nhau như ác thú. Khóc vì đã gây cho nhau bao thương đau. Họ vẫn đứng đó, ôm nhau mà khóc nghẹn ngào trước hàng ngàn cặp mắt bàng hoảng kinh ngạc của mọi người.

 

Hình ảnh hai anh em ruột thịt giao đấu với nhau một mất một còn trong câu chuyện là một minh hoạ cho tấn thảm kịch đau thương vẫn diễn ra hàng ngày giữa cộng đồng nhân loại từ xưa đến nay.

 

Chính ma quỹ là kẻ cầm đầu và gây ra sự dữ. Giống như ông vua độc ác Faroux, ma quỹ đã trùm lên con người lốt sư tử, lốt chó sói, khiến con người không còn nhận ra nhau là anh em mà trái lại còn khiến con người xem nhau như thù địch, như những con ác thú cần phải tiêu diệt đến cùng. (Lm Ignatio Trần Ngà).

 

Trước thảm trạng đó, mọi cố gắng xây dựng hoà bình của con người, mọi nổ lực hoà giải của các tổ chức quốc tế  trong dòng lịch sử không thể dập tắt hận thù và chiến tranh. Nhân loại luôn khao khát hoà bình. Ngôn sứ Isaia ước mơ về một thời đại lý tưởng: “ Họ sẽ đúc gươm đao thành cuốc thành cày, rèn giáo mác nên liềm nên hái. Dân này nước nọ không còn vung kiếm đánh nhau, và thiên hạ thôi học nghề chinh chiến” ( Is 2,4).

 

Trong sứ điệp hoà bình năm 2008, Đức Thánh Cha Bênêđictô đã chọn chủ đề: nhân vị là trọng tâm của hoà bình. Ngài viết: tôi xác tín rằng sự tôn trọng con người sẽ phát triển hoà bình (số 1). Ngài còn xác định: một nền hoà bình đích thực và bền vững đòi phải có sự tôn trọng những quyền con người (Số 12.). Vì vậy: yếu tố nền tảng để xây dựng hoà bình là nhìn nhận sự bình đẳng thiết yếu giữa mọi người xuất phát từ phẩm giá siêu việt chung. (số 6). Trong Chúa Kitô chúng ta chúng ta có thể tìm thấy lý do tối hậu để trở nên những người quyết tâm bảo vệ phẩm giá con người và là những người dũng cảm xây dựng hoà bình (số 16).

Thật vậy, chỉ trong Chúa Kitô, Thiên Chúa nhập thể làm người, nhân loại mới có hoà bình. Một giải pháp duy nhất mang lại hoà bình. Đó là tước bỏ khỏi lòng người sự thù hận, lòng tham lam, tính kiêu căng, khai hoá cho đôi bên hiểu mình là anh em ruột thịt với nhau.

 

Trong thông điệp Ngày Hòa bình Thế giới năm 2009, Đức Thánh Cha Bênêđictô XVI chọn chủ đề “Chống Nghèo đói để Xây dựng Hòa bình”. Thông điệp nhấn mạnh đến mối liên hệ giữa hòa bình thế giới và sự phát triển kinh tế.

 

Trong số 6, Đức Thánh Cha viết: Như vị Tiền Nhiệm đáng kính của tôi, Đức Phaolô 6, đã quả quyết chí lý “Phát triển chính là danh xưng mới của hòa bình”. Như vậy giữa hòa bình và cuộc chiến chống nghèo đói liên hệ với nhau mật thiết. Đức Thánh Cha đưa ra nhận xét là nghèo đói có thể vừa là nguyên nhân vừa là hệ quả của chiến tranh “Nghèo đói thường là nhân tố góp phần hoặc là yếu tố thành phẩm trong các cuộc xung đột, kể cả những cuộc xung đột võ trang. Đến lượt mình, những cuộc xung đột này lại gây ra những hoàn cảnh đói nghèo bi thảm hơn.” . Đức Thánh Cha minh xác rằng khi viết về vấn đề nghèo đói, ngài không chỉ quan ngại đến sự thiếu thốn về vật chất, nhưng còn về những chỉ dấu khác của sự nghèo khổ. Ngài nhận thấy “trong các xã hội giàu và tiến bộ, có bằng chứng rõ rệt về việc phân lề, cũng như sự nghèo nàn về tinh thần, luân lý đạo đức và tình cảm, thấy được nơi những con người mà cuộc sống nội tâm bị mất hướng, những người trải qua nhiều hình thức chán chường mặc dầu họ có được sự phồn vinh về kinh tế.” Ngài cho rằng sự “siêu phát triển” về kinh tế đã làm gia tăng những hiểm họa “kém phát triển về luân lý”. Nguyên nhân nghèo đói là do thiếu tôn trọng phẩm giá con người: “Dầu sao đi nữa, điều rất đúng là mỗi hình thức nghèo đói đều có căn cội là sự thiếu tôn trọng phẩm giá siêu việt của nhân vị. Khi con người không được coi trọng trong ơn gọi toàn diện của họ và khi người ta không tôn trọng những đòi hỏi của một nền ”sinh thái học về con người” (số 2). Vì không tôn trọng phẩm giá siêu việt của nhân vị nên “người ta dùng cả những phương pháp không tôn trọng phẩm giá của phụ nữ. Sự tiêu diệt hàng triệu hài nhi chưa sinh ra, nhân danh cuộc chiến chống nghèo đói, trong thực tế, đó là một sự loại trừ những người nghèo nhất trong nhân loại các bệnh truyền nhiễm lan rộng, chẳng hạn bệnh sốt rét ngã nước, lao phổi và Sida. Tình trạng nghèo đói của các trẻ em. Khi gia đình lâm vào tình trạng nghèo đói, thì các trẻ em là những nạn nhân dễ bị thương tổn nhất: hầu như một nửa những người sống trong nghèo đói cùng cực ngày nay là trẻ em” (Số 3-5).

 

Chúa Giêsu đến thế gian để phục hồi phẩm giá siêu việt của con người. Ngài không đến để tước bỏ khí giới nhưng tước bỏ lòng hận thù. Ngài đến lột mặt nạ ác thú ra khỏi con người để họ nhận ra nhau là anh em con một Cha, một người Cha là Thiên Chúa nhân lành. Ngài trở thành Đấng Emmanuel – Thiên Chúa ở cùng chúng ta, trở thành một em bé, trở thành một người nghèo để chia sẽ thân phận với những người nghèo và nâng họ lên cao với phẩm giá làm con Thiên Chúa. Giáo lý quan trọng nhất của Chúa Giêsu: Thiên Chúa là Cha rất mực nhân hậu yêu thương và mọi người là con cái của Người và là anh em ruột thịt với nhau. Duy chỉ có giáo lý cao đẹp này mới có thể giải thoát nhân loại khỏi hận thù chiến tranh và nghèo đói vật chất cũng như tinh thần.

 

Mừng lễ Giáng Sinh là cùng nhau nhắc lại giáo lý cao đẹp đó.

Giáng Sinh đã trở thành một đại lễ của nhân loại. Dù tin hay không tin vào Chúa Giêsu, mọi người đều hân hoan đón đợi, đều vui tươi mừng lễ.

Giáng Sinh có lẽ là ngày hội lớn duy nhất trên trái đất được đón mừng bởi mọi quốc gia, mọi sắc tộc, mọi tầng lớp xã hội. Từ núi cao, trong rừng sâu, xuống đồng bằng, vào thị tứ giầu sang….Qua đủ mọi hình thức: nhóm vài cây củi trên rừng, thắp ngọn nến đơn sơ trong ngôi nhà thờ bé nhỏ nghèo nàn vùng quê hẻo lánh, hay trăm ngàn ánh đèn muôn mầu rực rỡ chốn đô hội văn minh tráng lệ, khắp nơi đón mừng và cùng hát lên tâm tình: 

 

‘’ Vinh danh Thiên Chúa trên trời.

Bình an dưới thế cho loài người Chúa thương’’ (Lc 2,14)

 

Giáng sinh, Thiên Chúa gởi tặng nhân loại quà tặng thần linh là Hài Nhi Giêsu.

Thiên Chúa làm người trong thân phận một bé thơ yếu ớt nhưng chất chứa một tình yêu lớn lao. Một trẻ thơ sinh ra vào một đêm đông giá rét trong hang đá bò lừa ngoài đồng hoang nghèo hèn. Dưới con mắt người đương thời không những bình thường mà còn tầm thường hơn những trẻ thơ khác. Nhưng sự chào đời của Hài Nhi Giêsu là một niềm vui cao cả, trọng đại, đặc biệt. Một niềm vui khởi điểm cho mọi niềm vui và vượt lên trên mọi niềm vui.

 

Thiên Chúa làm người, đó là niềm vui vĩ đại như lời Sứ thần nói với các mục đồng: Này tôi báo cho anh em một tin mừng trọng đại, cũng là niềm vui cho toàn dân. Hôm nay Đấng Cứu Độ đã sinh ra cho anh em trong thành Vua Đavit. Người là Đấng Kitô là Đức Chúa.

Thiên Chúa làm người, nối nhịp cầu tương giao giữa Thiên Chúa là nhân loại, bắc nhịp cầu nối liền giữa con người với nhau. Thiên Chúa yêu thương con người và muốn mọi người đáp lại tình thương của Người bằng việc yêu mến Người và yêu thương nhau.

 

Thiên Chúa làm người vì thế giới loài người vẫn còn quá nhiều người không được sống cho ra người. Vẫn còn biết bao triệu người không có nhà ở, không có việc làm, không được học hành, không được tôn trọng phẩm giá, bị bốc lột sức lao động, bị tước đoạt phẩm giá làm người. Sứ điệp hoà bình 2008 nhắc tới những sự dữ trong thế giới hôm nay “ ngoài những nạn nhân do các cuộc xung đột vũ trang, do chủ nghĩa khủng bố và những hình thức bạo lực khác nhau, còn có những cái chết âm thầm do nghèo đói, phá thai, thử nghiệm phôi người và chết êm dịu (số 5).

 

Thông điệp hoà bình thế giới 2009 đề cập đến các lãnh vực chi phí quân sự, khủng hoảng lương thực làm gia tăng sự nghèo đói: Mức độ chi phí quân sự hiện nay trên thế giới đang gây lo âu. Như tôi đã có dịp nhấn mạnh, hiện nay ”những tài nguyên lớn lao về vật chất và nhân sự đang được sử dụng cho những chi phí quân sự và cho việc võ trang. Thực tế là các tài nguyên đó bị rút từ các dự án phát triển các dân tộc, nhất là những dân nghèo túng nhất cần được giúp đỡ. Và đây là trái ngược với Hiến Chương Liên Hợp Quốc (số 6); Cuộc khủng hoảng lương thực hiện nay, đang gây nguy hiểm trầm trọng cho việc thỏa mãn các nhu cầu cơ bản. Cuộc khủng hoảng này không phải vì thiếu lương thực cho bằng vì những khó khăn trong việc kiếm được lương thực và vì những hiện tượng đầu cơ, và vì thiếu những tổ chức chính trị và kinh tế có khả năng đương đầu với các nhu cầu và tình trạng khẩn cấp. Nạn suy dinh dưỡng cũng có thể gây ra những thiệt hại nặng nề về tâm vật lý cho dân chúng, khiến cho nhiều người không có năng lực cần thiết để ra khỏi cảnh nghèo đói, nếu không được trợ giúp đặc biệt. Và điều này góp phần làm cho sự chênh lệch thêm sâu rộng, tạo nên những phản ứng có nguy cơ trở thành bạo lực. Các dữ kiện về nạn nghèo đói trong những thập niên gần đây cho thấy hố chia cách giữa người giàu và người nghèo ngày càng sâu rộng (số 7)

 

Thiên Chúa làm trẻ thơ vì trong thế giới loài người vẫn còn biết bao trẻ thơ không có tuổi thơ. Chiến tranh, thiên tai, đói nghèo khiến bao trẻ thơ không có niềm vui thơ trẻ.

 

Thiên Chúa làm người và làm một trẻ thơ mang một ý nghĩa hiện sinh và sâu sắc. Thiên Chúa trở nên một người nghèo, một trẻ thơ. Thiên Chúa đang ở phía người nghèo.

 

Lễ Giáng Sinh là lời tuyên dương giá trị linh thánh và bất khả xâm phạm của con người trong tư cách là người. Thiên Chúa làm người để biến đổi thế giới tội lỗi thành thánh thiện, biến đổi lòng gian tham thành yêu thương chia sẻ, mang những giá trị tinh thần cao cả cho thế gian đang đam mê hưởng thụ vật chất. 

 

Niềm vui Giáng Sinh là một niềm vui thánh thiện, niềm vui linh thiêng, niềm vui làm cho chúng ta sống và sống dồi dào, niềm vui làm cho chúng ta hạnh phúc.

 

Khởi đầu năm 2009, Đức Thánh Cha nhắc lại sự quan tâm của Giáo Hội: Đạo lý xã hội của Hội Thánh vẫn luôn quan tâm đến người nghèo. Vào thời Thông điệp ”Rerum novarum” (Tân Sự), người nghèo thường là những công nhân trong một xã hội mới được công nghệ hóa; giáo huấn xã hội của Đức Piô 11, Piô 12, Gioan 23, Phaolô 6 và Gioan Phaolô 2, đã làm nổi bật trước ánh sáng những nạn nghèo mới khi chân trời của vấn đề xã hội dần dần mở rộng thêm, đến mức độ có những chiều kích hoàn vũ. Ngài tha thiết mời gọi: Tôi nồng nhiệt mời gọi mỗi môn đệ Chúa Kitô, cũng như mỗi người thiện chí, vào đầu năm mới này, hãy mở rộng con tim đối với những nhu cầu của người nghèo và làm những gì cụ thể có thể giúp đỡ họ. Thực vậy, châm ngôn này vẫn luôn đúng, đó là ”bài trừ nghèo đói chính là xây dựng hòa bình”.(Số 15).

 

Xin hãy cùng nguyện cầu với Đức Thánh Cha trong Đại lễ Giáng sinh năm nay: “ước mong mỗi người tín hữu hãy kiên cường góp phần vào việc phát huy một nền nhân bản toàn diện đích thực phù hợp với những giáo huấn của các Thông Điệp Populorum Progressio và Sollicitudo Rei Socialis, mà chúng ta chuẩn bị cử hành ngày kỉ niệm lần thứ bốn mươi và thứ hai mươi trong năm nay. Vào đầu năm 2008, tôi tha thiết dâng lời cầu nguyện cho toàn thể nhân loại lên Nữ Vương Hoà Bình, Thân Mẫu Chúa Giêsu Kitô, “hoà bình của chúng ta” (Ep 2, 14), mà chúng ta đang cùng nhau hướng tới với lòng tràn đầy hi vọng, dẫu biết bao hiểm nguy và khó khăn vẫn đang vây quanh chúng ta. Xin Mẹ Maria chỉ cho chúng ta, trong Con của Mẹ, con đường dẫn đến hoà bình và soi sáng con mắt chúng ta để chúng ta có thể nhận ra chân dung Chúa Kitô trong khuôn mặt của mỗi con người, là trọng tâm của hoà bình!” (Sứ điệp 2008, số 17)./.

Nguyễn Hữu An
Số lần đọc: 2711
Ngày đăng: 24.12.2008
[ Trở lại ] [ Tiếp ]
In tác phẩm Góp ý Gửi cho bạn
Cùng thể loại
Tự do trong sáng tạo và xu thế hội nhập - Hoàng Vũ Thuật
Lịch sử tính dục : Chương năm : Nữ giới - Khổng Ðức
Mầu Nhiệm Nhập Thể và lễ Giáng Sinh - Nguyễn Hữu An
Lược Sử Thi Pháp Học Việt Nam - Phạm Ngọc Hiền
Thơ – Bí mật sự sáng tạo và cái chết - Nguyễn Nhã Tiên
Đông Nam Á trong tiến trình văn minh nhân loại - Hà văn Thùy
Một số suy nghĩ về đạo Phật nhân đọc Công trình nghiên cứu văn học Loại hình tác phẩm Thiền Uyển Tập Anh - Đông La
Văn tế thập loại chúng sinh và chủ nghĩa nhân văn của Nguyễn Du - Võ Phúc Châu
Khái quát cuộc đời và sự nghiệp Michel Foucault (1926-1984) - Khổng Ðức
Văn chương việt trong bối cảnh hậu hiện đại - Hà văn Thùy
Cùng một tác giả
Hòa bình vĩnh cửu (tiểu luận)
Mùa Xuân Chín (tạp văn)