Ủng hộ VCV
Số tác phẩm
28.861 tác phẩm
2.760 tác giả
1.152
123.225.053
 
Malaysia hoàn toàn không có chủ quyền trên quần đảo Trường Sa
Đinh Kim Phúc

Ngày 14.8.2008, tại buổi họp báo thường kỳ của Bộ Ngoại giao Việt Nam, trả lời câu hỏi của phóng viên về phản ứng của Việt Nam về việc mới đây Phó thủ tướng Malaysia đã thăm đảo Hoa Lau thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Lê Dũng nêu rõ:

 

“Lập trường của Việt Nam về hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa là rõ ràng. Việt Nam có đầy đủ bằng chứng lịch sử và cơ sở pháp lý để khẳng định chủ quyền đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa.

 

Việt NamMalaysia là hai nước láng giềng có quan hệ phát triển tốt đẹp và cùng là thành viên của ASEAN. Việt Nam và Malaysia thống nhất giải quyết các vấn đề nảy sinh trong quan hệ hai nước thông qua đàm phán, thương lượng hòa bình trên cơ sở bình đẳng, tôn trọng các quyền và lợi ích hợp pháp của nhau, phù hợp với luật pháp và thực tiễn quốc tế, đặc biệt là Công ước của LHQ năm 1982 về luật biển và Tuyên bố về cách ứng xử của các bên ở Biển Ðông (DOC) năm 2002”.

 

Điểm lại quá khứ, việc Malaysia tiếp tục thăm một số đảo trong quần đảo Trường Sa là không có gì mới.

 

Tháng 11 năm 2007, các quan chức cấp cao của Malaysia lần đầu tiên trong lịch sử đã cùng 65 nhà báo đi ra quần đảo Trường Sa.Ý nghĩa của việc làm trên là muốn tuyên bố với cộng đồng thế giới về việc Malaysia có chủ quyền đối với khu vực này và khẳng định thêm sự thật về những hòn đảo mà Malaysia đang chiếm giữ.

 

Nhìn lại quá trình tranh chấp chủ quyền ở biển Đông và trên hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa của Việt Nam, Malaysia là quốc gia bộc lộ ý đồ nhảy vào cuộc tranh chấp quần đảo Trường Sa muộn hơn các nước khác.

 

Ngày 3 tháng 2 năm 1971, Đại sứ Malaysia tại Sài Gòn gửi một công hàm cho Chính quyền Sài Gòn nói một cách dè dặt rằng họ có chủ quyền đối với vùng phía Nam quần đảo Trường Sa mà họ gọi là nước Cộng hòa Morac Songhrati Meads nằm trong Liên bang Malaysia. Ngày 20 tháng 4 năm 1971, Chính quyền Sài Gòn gửi công hàm bác bỏ quan điểm đó, khẳng định quần đảo Trường Sa hoàn toàn thuộc chủ quyền của Việt Nam thì Malaysia im lặng không tỏ thái độ gì.

 

Tháng 10 năm 1977, trong chuyến đi thăm Malaysia Thủ tướng Phạm văn Đồng đã đồng ý với Thủ tướng Malaysia Hussein On rằng hai bên sẽ giải quyết mọi tranh chấp và bất đồng bằng biện pháp hòa bình.

 

Ngày 21 tháng 12 năm 1979, Malaysia cho xuất bản một bản đồ vẽ ranh giới lãnh hải của Malaysia lấn vào vùng biển phía Nam của quần đảo Trường Sa, trong đó có các đảo An Bang, Thuyền Chài do quân đội nhân dân Việt Nam đang đóng giữ và đảo Công Đo do Philippines đang chiếm giữ trái phép. Khu vực này rộng khoảng 4,4km2.

 

Ngày 29 tháng 4 năm 1980, Bộ Ngoai giao Việt Nam gửi công hàm cho Malaysia phản đối việc làm này và ngày 8 tháng 5 năm 1980, nhân chuyến thăm và hội đàm với Malaysia, Bộ trưởng Ngoại giao Việt Nam Nguyễn Cơ Thạch đã khẳng định đảo An Bang là của Việt Nam.

 

Năm 1982, Malaysia cho dựng cột mốc, dựng cột cờ trên đảo Hoa Lau (Swallow Reef) mà họ gọi là Terumbu Layang Layang. Tháng 6 năm 1982, đích thân Tổng Tham mưu trưởng quân đội Malaysia là tướng Ta Sri Mohamed Chazali chỉ huy, tổ chức một cuộc hành quân chiếm đóng đảo Hoa Lau ở phía Đông Nam đảo An Bang 60 hải lý, nhằm giành chủ quyền trên một vùng biển rộng 150 hải lý vuông tính từ đảo Hoa Lau trở về vùng biển Malaysia và có một chổ đứng chân để tranh chấp một phần quần đảo Trường Sa của Việt Nam. Tướng Ta Sri Mohamed Chazali tuyên bố “bảo đảm chắc chắn rằng các vùng ngoài biển của chúng ta được an toàn”. Malaysia đã cho công binh đào một con kênh qua bãi san hô vào sát đảo dài 1.800 mét, rộng 300 mét cho tàu thuyền vào trú đậu an toàn, xây dựng thành một điểm tựa cho các hành động lấn chiếm tiếp theo. Năm 1984, Bộ Ngoai giao Việt Nam phản đối Malaysia chiếm đóng trái phép đảo Hoa Lau trong quần đảo Trường Sa thuộc chủ quyền của Việt Nam.

 

Tháng 12 năm 1986, Malaysia lại tổ chức một cuộc hành quân ra chiếm đóng trái phép Đá Kỳ Vân (Mariveles Reef) và Đá Kiệu Ngựa (Ardasier Reef) mà họ gọi là Terumbu Mantanani và Terumbu Ubi ở phía Bắc Đá Hoa Lau. Việt Nam đã phản đối hành động này của Malaysia.

 

Như chúng ta đã biết, trong bối cảnh địa lý và chính trị của nước ta sau năm 1975 , trước sự phát triển của luật pháp quốc tế về biển, nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam phải giải quyết một loạt vấn đề biên giới lãnh thổ với các nước láng giềng:

 

- Giữa Việt Nam, Lào, Campuchia cần có một đường biên giới có giá trị pháp lý quốc tế do các nhà nước có thẩm quyền ký kết, tạo ra cơ sở vững chắc để xây dựng một đường biên giới hữu nghị lâu dài giữa ba dân tộc.

 

- Việt Nam cần xác định ranh giới vùng đặc quyền về kinh tế và thềm lục địa với Indonesia, Thailand, Malaysia; vì theo các quy định của Luật biển quốc tế năm 1982 thì vùng đặc quyền về kinh tế và thềm lục địa của nước ta và các nước đó chồng lên nhau.

 

- Việt Nam cần giải quyết vấn đề biên giới lãnh thổ trên biển với Philippines, Malaysia vì hai nước này có yêu sách về chủ quyền đối với một phần hoặc đại bộ phận quần đảo Trường Sa.

 

Theo đó, chủ trương của Đảng và nhà nuớc Việt Nam trong việc giải quyết mọi tranh chấp về biên giới lãnh thổ với các nước láng giềng trong đó có Liên bang Malaysia bằng thương lượng hòa bình.

 

Giữa Việt NamMalaysia có một vùng chồng lấn vùng biển và thềm lục địa rộng khoảng 2.800km2. Vùng này hình thành bởi đường ranh giới thềrn lục địa do chính quyền Sài Gòn công bố năm 1971 và đường ranh giới thềm lục địa do Malaysia công bố năm 1979. Sở dĩ có sự khác nhau đó là do chính quyền Sài Gòn có tính đến đảo Hòn Khoai cách đất liền 6,5 hải lý còn Malaysia đã bỏ qua đảo Hòn Khoai.

 

Để giải quyết vấn đề này, qua Bản ghi nhớ ngày 5 tháng 6 năm 1992 quy định phạm vi “vùng xác định”. Hai bên cử đại diện của mình để tiến hành các hoạt động thăm dò và khai thác trong “vùng xác định”( Phía Việt Nam cử PETROVIETNAM, Malaysia cử PETRONAS). Ngày 29/7/1997, tấn dầu đầu tiên đã được khai thác tại mỏ Bunga Kekwa, đánh dấu thành công lớn cho cả đôi bên trong quản lí, hợp tác khai thác nguồn lợi cũng như đóng góp kinh nghiệm quý báu để giải quyết các tranh chấp khác. Việc hợp tác giữa hai ngành dầu khí hiện nay đang tiến triển bình thường.

 

Ngoài ra vùng khai thác chung giữa ThailandMalaysia rộng 7.250 km2 có 800 km2 liên quan đến Việt Nam. Ba nước đã thỏa thuận sẽ cùng nhau giải quyết khu vực này trên tinh thần hữu nghị và hiểu biết lẫn nhau.

 

Trở lại vấn đề tranh chấp chủ quyền của Malaysia trên quần đảo Trường Sa.

Đảo Đá Hoa Lau ( Swallow reef ) khi Maylaysia vừa mới chiếm đóng

Xem Nguồn: ( http://faculty.law.ubc.ca)

 

Hình (1) Đảo Đá Hoa Lau ( Swallow reef ) hiện nay Nguồn: (http://faculty.law.ubc.ca) Xem ảnh.

 

Hiện nay Malaysia đang chiếm giữ 5 đảo, đưa ra yêu cầu chủ quyền với 12 đảo và bãi ngầm khác trong quần đảo Trường Sa, trong đó có đảo Hoa Lau ( tiếng Mã Lai gọi là Layang Layang) là đảo lớn nhất. Cách làm công khai của Malaysia là muốn thể hiện với nhân dân Malaysia rằng quân đội có khả năng bảo vệ những hòn đảo này và ý nghĩa sâu xa là để cho cộng đồng quốc tế chú ý đến việc Malaysia có chủ quyền đối với những đảo trên quần đảo Trường Sa. Các nhà lãnh đạo Malaysia đã từng đi thăm đảo gồm có Mahathir Mohamad, Abdullah Badawi, Najib Tun Razak, các vị bộ trưởng nội các, các tư lệnh hải quân... Mục đích đi thăm đảo của các quan chức Malaysia giống nhau, đó là muốn tuyên bố với cộng đồng quốc tế rằng Malaysia có chủ quyền và có quyết tâm bảo vệ những lãnh thổ này.

 

Vì sao có hiện tượng này?

 

Chúng ta thấy rằng kể từ năm 1989, khi Malaysia từ bỏ phương thức đấu tranh vũ trang, quan hệ Malaysia và Trung Quốc dần dần tốt lên, cộng thêm việc Trung Quốc tăng cường mức độ cải cách mở cửa, từ bỏ việc xuất khẩu tư tưởng cách mạng khiến Malaysia không còn coi Trung Quốc là mối đe dọa lớn, thậm chí có quan điểm chung trong một số vấn đề quốc tế, như thúc đẩy đa cực hóa và phát triển hợp tác khu vực....

 

Ngày 14.6.1993, Thủ tướng Malaysia,  Mahathir Mohamad lần đầu tiên nói Trung Quốc không còn là mối đe dọa về quân sự, cho rằng phần lớn là đe dọa và cạnh tranh về kinh tế, thậm chí ngày 23.1.1995, Mahathir Mohamad còn bác bỏ  “thuyết về mối đe dọa từ Trung Quốc”. Chính sách này vẫn được thủ tướng Malaysia hiện nay nhiều lần nhắc lại. Malaysia tin rằng Trung Quốc không có dã tâm bành trướng lãnh thổ, cũng không có truyền thống dùng vũ lực xâm chiếm các đảo, đặc biệt nhiều lần nói chuyến đi biển của nhà hàng hải Trịnh Hòa thuở xưa không giống như các nhà thực dân phương Tây, mang đến sự phá hoại, bạo lực và tủi nhục do nhân dân nước sở tại.

 

Do quan hệ tốt đẹp Mã-Trung, Trung Quốc không sử dụng vũ lực hoặc đe dọa sử dụng vũ lực đối với hành vi chiếm cứ các đảo ở Nam Sa (Trường Sa) của Malaysia, mà phần lớn chỉ đưa ra các kháng nghị ngoại giao; không cứng rắn như đối với Việt Nam, Nhật Bản, Philippines trong các vấn đề tranh chấp trên biển. Riêng tháng 6 năm 1999, Trung Quốc đưa ra lời cảnh cáo đối với Malaysia không được xây dựng công trình kiến trúc trên các đảo ở Nam Sa. Bối cảnh việc đưa ra lời cảnh cáo này là do Trung Quốc nhận thức được mình đang đối diện với nguy cơ thiếu dầu mỏ, mà quần đảo Trường Sa lại có nhiều dầu mỏ, có thể hỗ trợ cho sự phát triển kinh tế của Trung Quốc, vì vậy cần phải tăng cường sự tồn tại và chiếm đóng ở biển Đông.

 

Tháng 11 năm 2004, Thủ tướng Ôn Gia Bảo đã đề xuất với Thủ tướng Malaysia Abdullah Badawi về việc cùng Malaysia thăm dò theo phương thức gác tranh chấp cùng nhau khai thác ở biển Đông trên cơ sở tôn trọng lẫn nhau, bình đẳng cùng có lợi. Badawi khi đó đã bày tỏ muốn hợp tác với Trung Quốc, nhưng cho đến nay vẫn chưa có thành quả cụ thể.

 

Trong vấn đề giải quyết tranh chấp ở quần đảo Trường Sa, Trung Quốc (nước tuyên bố có chủ quyền trên hai quần đảo Hoàng Sa-Trường Sa và 75% diện tích trên biển Đông) phản đối mạnh mẽ sự can thiệp của cộng đồng quốc tế, chỉ muốn đối thoại song phương giải quyết tranh chấp. Nhìn vào toàn bộ khu vực Đông Nam Á, không có quốc gia nào có khả năng đơn độc đối kháng với Trung Quốc; vì vậy các nước trong khu vực có khuynh hướng lấy khuôn khổ ASEAN hoặc cơ chế đa phương để cùng Trung Quốc giải quyết tranh chấp. Do muốn bảo vệ hình tượng quốc tế và không muốn phá vỡ “sân sau” phải cố gắng nhiều năm mới có được sự phát triển hợp tác tốt đẹp, ngày 4.11.2002, Trung Quốc và ASEAN đã ký kết tuyên ngôn về “Quy tắc ứng xử của các bên ở Biển Đông” khiến tranh chấp chủ quyền ở Trường Sa tạm thời dịu đi. Nhưng trong thời gian gần đây lại xuất hiện dấu hiệu tranh chấp tăng lên do các bên liên quan đã tỏ thái độ cứng rắng trong vấn đề chủ quyền.

 

Hành động ráo riết khẳng định chủ quyền của các láng giềng trong ASEAN đã đặt Việt Nam vào thế khó xử. Nếu lên tiếng phản đối mạnh mẽ dự định thông qua luật về Trường Sa của Philippines (House Bill 3216)(1) hoặc các kế hoạch của Malaysia, Việt Nam sẽ tự đặt mình vào thế một mình đối chọi với nhiều nước, không lôi kéo được các láng giềng ASEAN đối chọi với Trung Quốc. Nhưng nếu làm ngơ cho các “bạn” ASEAN lấn tới thì lập trường về chủ quyền bấy lâu nay của Việt Nam e rằng phải thay đổi.

 

Việt Nam đang gặp nhiều bất lợi, nếu không tìm giải pháp thoát ra, sẽ kéo dài ít nhất cho đến khi nào chủ quyền của các đảo thuộc hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa được giải quyết. Không nước nào có thể khai thác tài nguyên ở thềm lục địa Trường Sa nếu chủ quyền các đảo tại đây chưa được xác định và được nhìn nhận bởi các bên. Vấn đề “cộng đồng khai thác” đã được nêu ra, nhưng sẽ khó thực hiện. Vả lại, nếu thực hiện thì phía thiệt thòi vẫn là Việt Nam. Việc tranh chấp có thể kéo dài thêm nhiều thập niên, vẫn giữ “nguyên trạng”, nếu các bên tranh chấp vẫn tôn trọng Qui tắc ứng xử biển Đông đã được các nước ASEAN ký với Trung Quốc năm 2002. Nhưng việc kéo dài thời gian lại có lợi cho Trung Quốc. Với thời gian, chỉ cần một, hai thập niên nữa, sự lớn mạnh của Trung Quốc không những chỉ dễ dàng thâu tóm biển Đông mà còn đặt được ảnh hưởng của mình đến các nước trong khu vực.

 

Vì thế phải có một giải pháp. Việt Nam phải làm thế nào có lợi cho Việt Nam trong việc giải quyết chủ quyền các đảo và hải phận biển Đông?

 

Theo các chuyên gia về luật pháp quốc tế và quan hệ quốc tế ở ĐNA, các yếu tố xét ra có lợi cho Việt Nam, đó là:

 

1. Việt Nam luôn luôn  tôn trọng các công ước quốc tế mà Việt Nam đã ký kết như “Công ước Liên Hiệp Quốc về Luật biển” năm 1982 (United Nations Convention on the Law of the Sea -UNCLOS), “Quy tắc ứng xử của các bên ở Biển Đông” năm 2002.

 

2. Việt Nam nên chuẩn bị hồ sơ về “tuyên bố đường cơ sở lãnh hải của Việt Nam” để nộp cho Liên Hiệp Quốc theo yêu cầu của Công ước Luật biển Liên Hợp Quốc trước ngày 13 tháng 5 năm 2009.

 

3. Vận động quốc tế ủng hộ lập trường về biển của Việt Nam tại biển Đông.

 

4. Trước mắt là khai thác vùng biển và thềm lục địa của Việt Nam đã được quốc tế công nhận (hay không phản đối).

 

5. Về dài hạn là củng cố quốc phòng, liên minh chiến lược với bạn bè quốc tế có cùng chung quyền lợi để bảo đảm an ninh khu vực ở Đông Nam Á..

 

6. Tiến đến việc đưa vấn đề chủ quyền Hoàng Sa và Trường Sa ra tòa án quốc tế  (International Court of Justice).

 

Trong bản tin của Thông tấn xã Việt Nam phát đi ngày 25 tháng 10 năm 2008 về Tuyên bố chung Việt Nam – Trung Quốc nhân chuyến thăm Trung Quốc của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng, có đoạn viết: “Hai bên đạt được nhận thức chung quan trọng về những biện pháp triển khai quan hệ đối tác hợp tác chiến lược toàn diện Việt Nam-Trung Quốc. Hai bên nhất trí duy trì tiếp xúc mật thiết giữa lãnh đạo cấp cao hai Đảng, hai nước phát huy hơn nữa vai trò của Ủy ban Chỉ đạo hợp tác song phương Việt-Trung trong việc quy hoạch tổng thể và đẩy mạnh toàn diện hợp tác giữa hai nước trên các lĩnh vực; hoàn thiện cơ chế hợp tác giữa các bộ ngành, thực hiện tốt các thỏa thuận hợp tác giữa các ngành ngoại giao, quốc phòng, công an, an ninh”…


“Lãnh đạo hai nước đã trao đổi ý kiến một cách thẳng thắn và hữu nghị về việc gìn giữ hoà bình ổn định ở Biển Đông, đồng ý tăng cường hợp tác trên các lĩnh vực như nghiên cứu khoa học hải dương, bảo vệ môi trường, dự báo khí tượng thuỷ văn, thăm dò khai thác dầu khí, tìm kiếm cứu hộ trên biển, tàu hải quân đi thăm lẫn nhau, xây dựng cơ chế trao đổi thông tin trực tiếp giữa quân đội hai nước” (2) .

Hy vọng rằng vấn đề tranh chấp chủ quyền lãnh thổ và lãnh hải trên biển Đông trong tương lai sẽ được giải quyết một cách ổn thỏa.


CHÚ THÍCH:

 

(1) Tờ Nhân Dân Nhật Báo và Bản tin tham khảo đặc biệt của Tân Hoa Xã (Trung Quốc) ngày 17.3.2008 dẫn nguồn tin từ Manila cho biết một quan chức cấp cao Philippines vào ngày 15.3.2008 đã xác nhận rằng Hạ viện Philippines dự định thông qua một dự luật nhằm “kéo dài bản đồ nước này ra tới quần đảo Nam Sa ở biển Nam Trung Hoa”. Tổng thống Gloria Arroyo đã coi việc này là một ưu tiên và phía Philippines dự định thông qua dự luật này vào trước tháng 5.2009, thời hạn mà Công ước Luật biển Liên Hợp Quốc yêu cầu phải đưa ra tuyên bố về đường cơ sở lãnh hải.

 

Tin nêu rõ dự luật mang số hiệu House Bill 3216  này sẽ sửa đổi “Pháp lệnh nước Cộng hòa số 3046 của Philippines, để mở rộng đường cơ sở quần đảo Philippin ra đến quần đảo Nam Sa”(Trường Sa). Dự luật này đã trải qua vòng xem xét thứ hai tại Hạ viện vào tháng 12.2007, và dự định vượt qua vòng xem xét thứ ba và là vòng cuối cùng vào giữa tháng 3.2008. Song, phía Trung Quốc đã có hành động ngăn cản việc này, bằng cách gửi một “Thư lập trường” tới Bộ Ngoại giao Philippines “nêu lại lập trường về chủ quyền của Trung Quốc đối với quần đảo Nam Sa”. Một quan chức Bộ Ngoại giao Philippines nói: “Đây có thể coi như một sự kháng nghị nhẹ nhàng”, nhưng ông ta nói thêm rằng Bắc Kinh chưa từng gây sức ép đối với Manila để đòi Hạ viện Philippines rút bỏ dự luật trên”. Hiện nay dự luật House Bill 3216 đã bị Quốc hội Philippines gác lại.

 

(2) Bản tin của Thông tấn xã Việt Nam, ngày 25/10/2008.

 

Đinh Kim Phúc
Số lần đọc: 4782
Ngày đăng: 26.12.2008
[ Trở lại ] [ Tiếp ]
In tác phẩm Góp ý Gửi cho bạn
Cùng thể loại
Hoàng Cao Khải không phải là người theo Pháp để hưởng lợi ? - Nguyễn Hùng
Lê Văn Duyệt : Một tài năng lớn về quân sự, chính trị, kinh tế - Lê Ngọc Trác
Lịch sử những cuộc bách hại - Nguyễn Hữu An
Về di tích Bàu Thành - Phạm Quang Minh
Có hay không Thống chế Trần Đồng?(*) - Phạm Quang Minh
Nguyễn Hoàng và bước đầu tiến vào vùng Nam Trung Bộ - Nguyễn Thị Hậu
Văn chương và lịch sử - Phác thảo một cách nhìn - Nguyễn Mạnh Hà
Người tôn vua Duy Tân và cứu Phan Châu Trinh thoát khỏi án chém - Nguyễn Hoàn
Góp một cách nhìn về Lịch sử Nhật Bản - Hà văn Thùy
Thử phân biệt truyền thuyết và lịch sử - Võ Phúc Châu
Cùng một tác giả
Game Over! (lịch sử)
Đọc thơ xưa (tạp văn)