Ủng hộ VCV
Số tác phẩm
28.861 tác phẩm
2.760 tác giả
1.104
123.230.019
 
Chúng ta làm gì cho con cháu?
Đinh Văn Hạnh

Cứ mỗi lần phát hiện một vụ tham nhũng, chúng ta lại tiến gần hơn đến sự thật, vì thêm một cái dối trá được bóc trần. Người lãnh đạo mà hàng ngày chúng ta thấy họ đạo mạo từ xe hơi bóng loáng bước xuống, vị sếp mà hàng ngày chúng ta thấy họ huơ tay chỉ đạo, điều hành với lời lẽ đầy uy lực bổng chốc là tên tội phạm khi bị cơ quan pháp luật “sờ tới” vì tội tham nhũng. Không ít những kẻ quyền cao chức trọng đã phải ra trước vành móng ngựa, vì hơn ai hết họ là những người có điều kiện để tham nhũng.

 

Nhìn bức tranh châm biếm của họa sĩ Nhốp “Nào ai giật mình” (trên tờ “Nhà báo và Công luận” Cuối tháng, số 1 tháng 11-2004) mới thấy quốc nạn tham nhũng ở nước ta rất khó tìm được thuốc chữa. Theo họa sĩ Nhốp thì tham nhũng như một cành cây mà người đứng trên đó đang cầm cái cưa quyết tâm “chống tham nhũng”. Nếu anh ta cưa cành cây đó thì anh đã “cắt đứt” tham nhũng, nhưng khi cành cây gãy thì anh ta cũng bị rơi xuống luôn. Hóa ra kẻ chống tham nhũng lại chống lại chính mình? “Không ai nắm tóc mình để nhấc mình lên khỏi mặt đất” được cả, dù “phương thuốc chống tham nhũng” có ngay trong chính mỗi một cán bộ công chức.

 

Anh nông dân hiền lành, dịp giáp hạt đói kém lên rừng lấy gỗ về bán kiếm chút cháo nuôi con bổng chốc trở thành “lâm tặc”. Chị phụ nữ tuổi ngoài 40 từ vùng chiêm trũng Bắc Bộ lên tận biên giới Lạng Sơn làm “cửu vạn” hàng ngày cõng trên vai hàng chục tạ. Chị cần có tiền cho con ăn học khi mùa màng đói kém mà không biết rằng chị đang tiếp tay cho những kẻ buôn lậu. Nhưng chúng ta cũng thấy không ít người được Nhà nước giao cho trọng trách chống lâm tặc lại là tên lâm tắc số 1, chống buôn lậu lại là người tổ chức buôn lậu quy mô với những mánh khóe tinh vi, người được Nhà nước giao cho nhiệm vụ bảo vệ Pháp luật lại trở thành kẻ bảo kê cho tội phạm hay “chạy án” lấy tiền… (như ông bà ta nói “nghề dạy nghiệp” vậy).

 

Từ thập niên 80 của thế kỷ trước đến nay, không người cán bộ công chức nào lại không kêu về đồng lương không đủ sống, lương không đủ chu cấp cho con cái ăn học và đó là đồng lương… chết đói. Và, với 18-20 năm làm công chức mà không làm được cái nhà riêng là chuyện lạ. Nhưng lạ hơn nữa là khi với đồng lương không đủ sống mà hầu như tất cả họ đều có nhà riêng, có phương tiện gia đình không đến nỗi nào? Rất nhiều công chức không làm thêm gì cả, vậy thì tại sao họ sắm được nhà, con cái vẫn học hành đến nơi đến chốn? Đó là chưa nói đến lớp cán bộ có chức có quyền. Lương của họ cho dù là hệ số 10 đi nữa thì mỗi tháng tối đa cũng chỉ 2,9 triệu đồng (chưa trừ các loại phí bảo hiểm). Người ta tưởng rằng với đồng lương như vậy, tất cả cán bộ công chức đều chỉ có thể ở nhà tập thể, con cái không được học thêm, không có tiền mỗi tháng đi vài đám cưới… Nhưng không. Hơn thế, tuỳ theo quyền cao chức trọng thế nào mà tài sản nhân lên thế ấy. Khi người ta hạn chế xe máy thì quy định “mỗi người chỉ được đăng ký một chiếc”. Nhưng khi chống tham nhũng thì không ai quy định “mỗi người chỉ được đăng ký chủ quyền một căn nhà”. Làm chủ một chiếc xe máy là có lý, nhưng đứng tên sở hữu nhiều căn nhà lại hợp tình? Có lẽ không ai khâm phục về cái tài xoay xở của người cán bộ công chức với đồng lương “không đủ sống” để có cuộc sống sung túc như hiện nay cả. Nông dân, thương nhân, người đạp xích lô và cả cô gái bán bia ôm cũng biết lương cán bộ công chức chỉ được bao nhiêu và họ đang sống như thế nào.

 

Mỗi cán bộ công chức tùy theo “chức phận” của mình, dù ít, dù nhiều đều có thể phạm tội tham nhũng. Biết đâu không tham nhũng không thành công chức? Tham nhũng thời gian của Nhà nước. Tham nhũng từ việc đi mua cái chổi, chiếc khăn lau bàn, thanh toán tiền đi công tác, cho đến việc sử dụng điện thoại công, xe công; từ chiếc phong bì sau buổi họp, đến những bữa liên hoan không vì lý do gì quan trọng nhưng bia thì uống khi nào say mới “cầm hóa đơn đỏ ra về”. Đi họp bây giờ mà không có phong bì là cảm thấy “nhạt”. Xây dựng bây giờ mà không có phần trăm thì không ai làm công trình làm gì. Quỹ nghiên cứu khoa học giành cho không ít đề tài kém chất lượng tựa như quỹ xoá đói giảm nghèo để các nhà khoa học yên tâm với chức nghiệp của mình. Đi họp báo mà không nhận được phong bì thì ra về biết viết bài theo hướng nào đây… Dường như người ta rất quan tâm đến quyền lợi phần trăm của mình trong đó khi làm một việc gì đó cho Nhà nước, cho xã hội. Đấu thầu thật đấy. Nhưng người ta thừa biết người thắng thầu sẽ là người chịu chi nhiều phần trăm hơn…

 

Tham nhũng tùy theo từng mức độ, tùy ngành, tùy giới đang lan tràn. Tham nhũng tạo ra sự bất công và bất bình đẳng. Thế nên, dù bị cấm ngặt nhưng thầy giáo vẫn tìm cách dạy thêm. Từ cái sự dạy thêm, học thêm ấy xem chừng đạo đức người thầy bị suy giảm. Từ sự xuống cấp do tham nhũng bên ngoài học đường, chúng ta rồi sẽ phải đối mặt với sự xuống cấp đạo đức ngày càng trầm trọng trong giáo dục (của cả thầy và trò). Cái tự trọng truyền kiếp của người thầy giáo, thầy thuốc đang bị đồng tiền đùa giỡn.    

 

Tham nhũng đang làm xói mòn đạo đức và quan niệm truyền thống. Chúng ta không thể tự dối mãi với chính mình được. 

 

Khi tham nhũng đã trở thành căn bệnh phổ biến, thành quốc nạn thì nó không còn nguy hiểm bằng sự thay đổi về nhận thức, về quan niệm sống và chuẩn mực xã hội do chính căn bệnh mãn tính ấy gây ra. Những món nợ rồi sẽ trả được. Thất thoát của nhà nước có thể bù đắp. Nhưng con cháu chúng ta sẽ nghĩ gì về lớp người đã kiếm tiền bằng mọi giá không bằng chính sức lực của mình mà từ địa vị, từ chức quyền và từ những đồng tiền công sẽ dễ dàng đưa lại sự giàu sang, phú quý, quyền cao “đức dày”? Người ta có thể thống kê gần đúng số tiền của Nhà nước mất đi vì tham nhũng, nhưng người ta sẽ không bao giờ thống kê được tác hại hàng thế hệ vì sự thay đổi của chuẩn mực xã hội, của quan niệm sống và đạo lý truyền thống do tham nhũng gây ra.

 

Ngày mai vết sẹo không đáng có do tham nhũng gây ra có thể lành, nhưng liệu niềm tự hào của hậu thế về một thời oanh liệt của dân tộc có còn trọn vẹn?

 

(Vũng Tàu, 12/2004)

Đinh Văn Hạnh
Số lần đọc: 2998
Ngày đăng: 26.12.2008
[ Trở lại ] [ Tiếp ]
In tác phẩm Góp ý Gửi cho bạn
Cùng thể loại
Cùng một tác giả
Thần và Đất (lịch sử)