Ủng hộ VCV
Số tác phẩm
28.861 tác phẩm
2.760 tác giả
1.141
123.227.209
 
Có hay không có chủ quyền của Philippines trên quần đảo Trường Sa?
Đinh Kim Phúc

Theo bản tin AFP ngày 29/2/2008, Philippines đang nâng cấp những cơ sở quân sự trên đảo Thị Tứ thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam. Đại tướng Pedrito Cadungog Tư lệnh Không quân Philippines nói rằng bãi đáp phi cơ ở đảo Kalayaan, là hòn đảo lớn nhất trong những hòn đảo hiện được quân đội Philippines chiếm đóng, sẽ được làm dài ra và sửa sang lại để bảo đảm cho bay vận tải loại C-130 có thể tiếp tục hạ cánh ở đó.

 

Ông cũng nói thêm là những khu gia binh dành cho binh lính cũng sẽ được tân trang, nâng cấp.

 

Theo Đại tướng Cadungog, hiện tại, quân đội Philippines vốn được trang bị nghèo nàn không thể bảo vệ được những gì mà Philippines cho là của mình. Tuy nhiên, những sự nâng cấp trên đảo Trường Sa này không nên xem như là một sự tăng cường dần lực lượng quân sự.

 

Mới đây, ngày 14/3/2008, tác giả Raul Pangalangan trên Nhật báo Philippines Inquirer đã bình luận:  “Quyền của chúng ta đối với các đảo của mình có xuất phát điểm từ Hiệp ước Hòa bình 1898 giữa Tây Ban Nha và Hoa Kỳ: ‘Tây Ban Nha nhượng cho Hoa Kỳ quần đảo được biết như là các hòn Đảo của Philippines, và bao gồm những đảo nằm trong phạm vi đường ranh giới dưới đây: ….’ Điều này có ý nghĩa đặc biệt, vì Trường Sa nằm trong những đường ranh giới được phân chia đó thuộc phạm vi quy định của hiệp ước đó. (Hoa Kỳ đã trả cho Tây Ban Nha tổng cộng 20 triệu dola). Nó có thể không phải là một thỏa thuận mua bán bất động sản nguyên nghĩa, trừ phi là chúng ta, những dân bản xứ có nước da ngăm ngăm, chỉ ngẫu nhiên nằm trong cái thỏa thuận cả gói – và khởi sự gây chiến tranh một cách đầy kiêu hãnh”.

 

Nguyên văn tiếng Anh:

[Our title over our islands derives from the 1898 Treaty of Peace between Spain and the United States: “Spain cedes to the United States the archipelago known as the Philippine Islands, and comprehending the islands lying within the following line: ….”Significantly, the Spratlys lie within those lines demarcated within the treaty limits. (The United States paid Spain the sum of $20 million. It could’t been a neat real estate deal, except that we, the dark-skinned natives, were only accidentally part of the package—and proudly waged war.]

 

Còn theo bản tin của hãng thông tấn AP đánh đi từ Manila ngày 24/3/2008, Tham mưu trưởng quân đội Philippines, Đại tướng Hermogenes Esperon cho biết ông đã bị bà Arroyo khiển trách khi ông báo cáo là chuẩn bị đến thăm dãy đảo Kalayaan (Trường Sa). Theo lời tướng Hermogenes Esperon, bà Arroyo, Tổng thống Philippines nói rằng bà rất muốn đến thăm các đảo này trong tương lai gần đây.

 

Nhưng theo tờ The Philippine Star ngày 26/3/2008, trích lời Chưởng lý Eduardo Ermita nói bà Arroyo không tớiquần đảo mà Philippines gọi là Kalayaan Island Group (KIG) tuy tái khẳng định chủ quyền của Philippines với quần đảo này.

 

Theo ông Ermita cho biết, vào tháng 12 năm 2007, tổng thống Philippines đã cấp 50 triệu peso cho Ủy ban về Hàng hải và Hải dương học (CMOA) để nghiên cứu tổng hợp dữ liệu chuyển cho LHQ khẳng định chủ quyền của Philippines trước ngày 13/5/2009.

 

Vậy là tiếp theo động thái của Trung Quốc vào tháng 12 năm 2007, nay lại đến Philippines tiếp tục đặt lại chủ quyền của mình trên quần đảo Trường Sa của Việt Nam. Câu hỏi được đặt ra là Philippines thật sự có chủ quyền trên quần đảo Trường Sa hay không? Nhìn nhận dưới góc độ luật pháp quốc tế như thế nào?

 

Nhìn trở lại lịch sử, một số chi tiết cần được nhắc lại như sau:

Ngày 17 tháng 5 năm 1949, Tổng thống Philippines là Quirino tuyên bố: “Quần đảo Trường Sa nên thuộc về Philippines vì nó ở gần Philippines” và thừa nhận các trạm khí tượng do Pháp xây dựng ở quần đảo Hoàng Sa (trạm Phú Lâm 48859, trạm Hoàng Sa 48860) và ở quần đảo Trường Sa (trạm Ba Bình 489189).

 

Năm 1951, Philippines bắt đầu chuẩn bị dư luận để nhảy vào tranh chấp quần đảo Trường Sa. Chính phủ Philippines đã tán thành lời tuyên bố của ông Zi Tomas Cloma, một công dân Phi cho rằng ông ta đã khám phá ra quần đảo Trường Sa và tuyên bố thành lập một “xứ tự do” bao gồm tất cả quần đảo này.

 

Ngày 15/3/1956, Philippines cho tàu chở một số sinh viên do thuyền trưởng Filemon Cloma  chỉ huy đến cắm cờ Philippines tại một số đảo ở Trường Sa.

Ngày 19/5/1956, trong một cuộc họp báo tại Manila, Bộ trưởng Ngoại giao Philippines Carlos P.Garcia tuyên bố nhóm đảo phía Đông của Trường Sa trong đó có đảo Ba Bình và đảo Trường Sa phải thuộc về Philippines.

 

Từ năm 1971 đến 1973, lợi dụng cơ hội Việt Nam đang tập trung vào nhiệm vụ chống Mỹ cứu nước, Philippines đã cho quân chiếm trái phép 5 đảo ở phía Bắc và phía Đông Bắc quần đảo Trường Sa là: Vĩnh Viễn, Bình Nguyên, Loại Ta, Thị Tứ và Song Tử Đông mà họ gọi là: Lawak, Patag, Kota, Pagasa và Parola.

 

Ngày 10 tháng 7 năm 1971, trong một cuộc họp báo tại Manila, Tổng thống Philippines, Ferdinand Marcos đã tố cáo quân đội Đài Loan xâm chiếm đảo Ba Bình và nổ súng vào tàu của Philippines đến gần đảo, đồng thời đòi Đài Loan rút quân khỏi đảo Ba Bình.

 

Ngày 5 tháng 2 năm 1974, Philippines phản đối Việt Nam Cộng hòa đưa quân ra 5 đảo thuộc Trường Sa. Qua đại sứ của mình tại Manila, Chính quyền Sài Gòn khẳng định chủ quyền của Việt Nam trên 2 quần đảo Hoàng Sa-Trường Sa.

 

Từ năm 1977 đến năm 1978, Philippines cho quân chiếm đóng trái phép thêm hai đảo nữa là Đảo Dừa (Bến Lạc) và Cồn San Hô Lan Can mà họ gọi là Likas và Panata, nâng tổng số đảo họ chiếm lên 7 đảo. Họ ra sức củng cố vị trí của mình tại 7 hòn đảo này bằng cách chở đất ra để trồng dừa, cạp thêm đảo để làm đường băng cho máy bay chiến đấu, tổ chức đánh cá, xây dựng kho ướp lạnh, tổ chức thăm dò khai thác dầu khí tại Bãi Cỏ Rong nằm ở phía Đông Bắc quần đảo Trường Sa.

 

Tháng 9 năm 1977, trong chuyến viếng thăm Philippines, Thủ tướng Việt Nam Phạm văn Đồng đã đồng ý với Tổng thống Philippines, Ferdinand Marcos rằng hai bên sẽ giải quyết mọi tranh chấp và bất đồng bằng thương lượng hòa bình.

 

Ngày 11 tháng 6 năm 1978, Tổng thống Philippines ký sắc lệnh số 1596 coi toàn bộ quần đảo Trường Sa gồm 60 đảo, bãi đá ngầm (trừ đảo Trường Sa) là thuộc lãnh thổ Philippines và đặt tên hành chính là Kalayaan nằm trong tỉnh Palawan.

 

Với sắc lệnh này, Philippines đã hủy bỏ đường biên giới phía Tây của Philippines đã được xác định rõ ràng trong Hiệp ước Paris năm 1898. Ngày 28 tháng 9 năm 1979, Bộ Ngoại giao Việt Nam bác bỏ việc Philippines sát nhập hầu hết quần đảo Trường Sa vào lãnh thổ Philippines.

 

Tháng 7 năm 1980, quân đội Philippines mở cuộc hành quân Polaris-I chiếm đóng thêm một đảo ở phía Nam là đảo Công Đo (Commodore Reef) mà họ gọi là đảo Rizal nằm cách hòn đảo gần nhất mà họ chiếm đóng trái phép trước đây 150 hải lý. Ngày 26 tháng 7 và 11 tháng 8 năm 1980, Chính phủ Việt Nam gửi công hàm phản đối hành động nói trên của Philippines.

 

Tháng 4 năm 1982, Thủ tướng Philippines là Virata và một số quan chức cao cấp ra các đảo mà họ chiếm đóng và tuyên bố: “Do những hành động vừa qua, chúng ta có thể tiến một cách hòa bình tới vùng lãnh hải rộng lớn chung quanh Philippines để xác dịnh những tài nguyên thiên nhiên có thể có ở đáy biển , nhằm phục vụ cuộc phát triển đất nước của chúng ta”.

 

Ngày 21 tháng 5 năm 1984, Hiệp ước phòng thủ chung giữa Hoa Kỳ và Philippines không coi quần đảo Kalayaan là bộ phận lãnh thổ Philippines.

 

Ngày 10 tháng 11 năm 1987, Ngoại trưởng Philippines là Manglapus đã phát biểu trong một cuộc họp báo là Bộ Ngoại giao Philippines đang chuẩn bị một dự luật về vạch các đường biên giới của Philippines trong đó có thể bao gồm cả quần đảo Trường Sa. Cuối tháng 11 năm 1987, dự luật quy định hệ thống đường cơ sở dùng để tính lãnh hải của Philippines được đưa ra thảo luận tại Thượng Nghị viện. Theo dự luật này, hệ thống đường cơ sở đi qua tất cả hòn đảo thuộc phạm vi quần đảo Trường Sa (trừ đảo Trường Sa). Với dự luật này, Philippines định lợi dụng quy chế quốc gia quần đảo trong Công ước của Liên Hiệp Quốc về Luật Biển năm 1982 để củng cố cái gọi là “cơ sở pháp lý” mà họ đã đặt ra bất chấp thực tế lịch sử và pháp luật quốc tế. Tuy nhiên Quốc hội Philippines đã không thông qua dự luật này do nhiều nguyên nhân, trong đó có nguyên nhân không thống nhất đường lối đối ngoại.

 

Ngày 17 tháng 9 năm 1993, bà Ramos Shahani, Phó Chủ tịch Thượng Nghị viện đề nghị một dự luật thay đổi sắc lệnh của Tổng thống Marcos năm 1979.

 

Việc tác giả tác giả Raul Pangalangan nhắc lại Hiệp ước Hòa bình được ký giữa Tây Ban Nha và Hoa Kỳ tại Paris ngày 10/12/1898 thì sự thật như thế nào?

 

Điều 3 của Hiệp ước này ghi rõ:

“Tây Ban Nha nhượng lại cho Hoa Kỳ quần đảo được cho là thuộc Philippines, bao gồm các đảo nằm trong các tuyến sau:

 

Đường chạy từ Tây sang Đông dọc theo hoặc gần vĩ tuyến 20 vĩ độ Bắc, xuyên qua eo Bachi mà tàu bè đi lại được, từ kinh tuyến thứ 118 đến 127 kinh độ Đông Greenwich, từ đó chạy dọc theo kinh tuyến 127 thuộc kinh độ Đông Greenwich đến vĩ tuyến 4o45’ thuộc vĩ độ Bắc và từ vĩ tuyến 4o45’ thuộc vĩ độ Bắc đến phần giao nhau với kinh tuyến 119o35’ phía Đông Greenwich và từ đây kéo đến vĩ tuyến 7o40’ thuộc vĩ độ Bắc, từ tọa độ này kéo dài đến chỗ giao nhau với kinh độ 116 thuộc kinh độ Đông, và chạy thẳng đến chỗ giao nhau giữa vĩ tuyến 10 thuộc vĩ độ Bắc với kinh tuyến 118 thuộc kinh độ Đông Greenwich rồi trở về khởi điểm. Hoa Kỳ sẽ trả cho Tây Ban Nha số tiền là 20 triệu US.D trong thời hạn 3 tháng sau khi trao đổi sự phê chuẩn của hiệp ước hiện hành.”

 

Nguyên văn tiếng Anh:

[Article III.

Spain cedes to the United States the archipelago known as the Philippine Islands, and comprehending the islands lying within the following line:

 

A line running from west to east along or near the twentieth parallel of north latitude, and through the middle of the navigable channel of Bachi, from the one hundred and eighteenth (118th) to the one hundred and twenty-seventh (127th) degree meridian of longitude east of Greenwich, thence along the one hundred and twenty seventh (127th) degree meridian of longitude east of Greenwich to the parallel of four degrees and forty five minutes (4 [degree symbol] 45']) north latitude, thence along the parallel of four degrees and forty five minutes (4 [degree symbol] 45') north latitude to its intersection with the meridian of longitude one hundred and nineteen degrees and thirty five minutes (119 [degree symbol] 35') east of Greenwich, thence along the meridian of longitude one hundred and nineteen degrees and thirty five minutes (119 [degree symbol] 35') east of Greenwich to the parallel of latitude seven degrees and forty minutes (7 [degree symbol] 40') north, thence along the parallel of latitude of seven degrees and forty minutes (7 [degree symbol] 40') north to its intersection with the one hundred and sixteenth (116th) degree meridian of longitude east of Greenwich, thence by a direct line to the intersection of the tenth (10th) degree parallel of north latitude with the one hundred and eighteenth (118th) degree meridian of longitude east of Greenwich, and thence along the one hundred and eighteenth (118th) degree meridian of longitude east of Greenwich to the point of beginning.The United States will pay to Spain the sum of twenty million dollars ($20,000,000) within three months after the exchange of the ratifications of the present treaty.] (1)

 

Hiệp ước Paris, 1898 quy định Philippines nằm ở các tọa độ như đã kể trên, còn quần đảo Trường Sa của Việt Nam nằm vào khoảng 6o50’ đến 12o vĩ độ Bắc và từ 111o20 đến 117o20 kinh độ Đông. Như vậy cho chúng ta thấy rằng Philippines vốn là một quốc gia không có chủ quyền gì tại quần đảo Trường Sa vì Hiệp định Paris năm 1898 được ký kết giữa Tây Ban Nha và Hoa Kỳ đã xác định rõ: Lãnh thổ Philippines không bao gồm một đảo nào thuộc quần đảo Trường Sa. Philippines có ý đồ từng bước tranh chiếm quần đảo Trường Sa để mở rộng lãnh thổ của họ về phía Tây và làm cơ sở cho yêu sách của họ trong việc phân chia ranh giới các vùng biển và thềm lục địa với Việt Nam trong biển Đông.

Qua những sự kiện trên đây, chúng ta thấy rõ lập luận của Philippines là không nhất quán:

-    Năm 1949, Tổng thống Philippines cho rằng quần đảo Trường Sa nên thuộc về Philippines vì về phương diện địa lý, quần đảo này kề cận với Philippines.

-    Năm 1956, Philippines lại lập luận rằng hầu hết các đảo, đá, cồn, bãi trong quần đảo Trường Sa là vô chủ, chỉ có 7 đảo là thược quyền giám hộ của quân Đồng minh.

-    Năm 1979, sắc lệnh của Tổng thống Philippines lại giải thích là quần đảo Trường Sa nằm trên thềm lục địa của Philippines.

-    Năm 2008 Philippines lại viện dẫn Hiệp ước Hòa bình Paris năm1898 một cách lặp lờ.

 

Kết luận:

Philippines không có một chứng cứ lịch sử hay cơ sở pháp lý nào để đòi hỏi chủ quyền đối với quần đảo Trường Sa và hành động xâm chiếm 8 hòn đảo là xâm phạm trái phép đến chủ quyền lãnh thổ của Việt Nam.

 

CHÚ THÍCH:

(2) A Treaty of Peace Between the United States and Spain, U.S. Congress, 55th Cong., 3d sess., Senate Doc. No. 62, Part 1 (Washington: Government Printing Office, 1899), 5-11.

TÓM TẮT

Hiệp ước Paris, 1898 được ký kết giữa Tây Ban Nha và Hoa Kỳ đã cho chúng ta thấy rằng Philippines vốn là một quốc gia không có chủ quyền gì tại quần đảo Trường Sa vì Hiệp định Paris năm 1898 thể hiện lãnh thổ Philippines không bao gồm một đảo nào thuộc quần đảo Trường Sa. Philippines có ý đồ từng bước tranh chiếm quần đảo Trường Sa để mở rộng lãnh thổ của họ về phía Tây và làm cơ sở cho yêu sách của họ trong việc phân chia ranh giới các vùng biển và thềm lục địa với Việt Nam trong biển Đông.

 

SUMARY

The 1898 Paris Treaty was signed between Spain and the United States of America proves that the Philippines is the country which has no sovereignty over Spratly Islands because the 1898 Paris Treaty shows that the territory of the Philippines includes no islands of Spratly Islands . The Philippines has the intention of gradually fighting over the sovereignty of Spratly Islands to extend their territory to the West and to create a foundation for their claims on separating the boundary of territorial waters and mainland bench with Vietnam in the East Sea.

Đinh Kim Phúc
Số lần đọc: 4749
Ngày đăng: 27.12.2008
[ Trở lại ] [ Tiếp ]
In tác phẩm Góp ý Gửi cho bạn
Cùng thể loại
Malaysia hoàn toàn không có chủ quyền trên quần đảo Trường Sa - Đinh Kim Phúc
Hoàng Cao Khải không phải là người theo Pháp để hưởng lợi ? - Nguyễn Hùng
Lê Văn Duyệt : Một tài năng lớn về quân sự, chính trị, kinh tế - Lê Ngọc Trác
Lịch sử những cuộc bách hại - Nguyễn Hữu An
Về di tích Bàu Thành - Phạm Quang Minh
Có hay không Thống chế Trần Đồng?(*) - Phạm Quang Minh
Nguyễn Hoàng và bước đầu tiến vào vùng Nam Trung Bộ - Nguyễn Thị Hậu
Văn chương và lịch sử - Phác thảo một cách nhìn - Nguyễn Mạnh Hà
Người tôn vua Duy Tân và cứu Phan Châu Trinh thoát khỏi án chém - Nguyễn Hoàn
Góp một cách nhìn về Lịch sử Nhật Bản - Hà văn Thùy
Cùng một tác giả
Game Over! (lịch sử)
Đọc thơ xưa (tạp văn)